Những đêm Giáng sinh
Tung một quả lựu đạn trúng đích, diệt trọn ổ đại liên địch, dọn
đường cho đơn vị tiến chiếm thành công một mục tiêu, tôi được thượng cấp tặng
mười ngàn đồng và năm ngày phép đặc biệt “lập chiến công”. Tôi không để ý mấy đến
những lời khen ngợi trong buổi lễ gắn huy chương và thăng cấp tại mặt trận. Tôi
chỉ nôn nao nghĩ đến những ngày vui sắp được hưởng.
Từ vùng hành quân, tôi được trực thăng bốc ngay về hậu cứ.
Hôm đó là ngày 24 tháng 12, đúng vào dịp lễ Giáng sinh.
Vừa từ giã cuộc hành quân nguy nan trong rừng sâu, về đến hậu
phương, một mình, tôi mở ngay cuộc hành quân hào hứng nơi phố thị.
Trong cuộc hành quân đơn độc này, tôi tỏ ra là một tay thiện
chiến, đầy nhiệt huyết, xả thân không biết mệt. Tôi hăng say xông xáo dọc ngang
khắp các chiến trường. Những “mục tiêu’, những “chốt” lần lượt tôi đều thanh
toán cả: Quán Hồng, Hồng Hoa, Ca-Ra-Ven, Linh Lan, Bông Giấy... không còn sót
chỗ nào. Nhưng ở những nơi đó, tôi chỉ gặp những “kẻ thù” hết sức đáng yêu. Và
sự chiến đấu của tôi là cố sức đem hết tình thương của mình ra dâng hiến để
mong họ, cũng như tôi, không tiếc rẻ ấp ủ tôi trong tình thương yêu.
Trong một cảnh ngộ mà đời sống của tôi luôn luôn treo bằng chỉ
mành giữa hai gọng kéo, đu đưa trên miệng hố thẳm, tôi quá nóng lòng muốn ghi dấu
đời sống mình – sự có mặt của tôi – một đời sống không biết trở nên hư vô lúc
nào, nên mỗi khi có dịp là tôi sống hối hả, làm tất cả những gì tôi thích mà
không cần xét đến hậu quả. Tôi đâu có thì giờ để lắng nghe lòng mình. Lắng nghe
lòng tôi, tiếng nói trong cõi sâu thẳm của tâm hồn người của tôi? Tôi nghĩ đó
là một việc làm tốt và cần thiết, nhưng tôi xin nhường lại cho những người hứa
hẹn có đời sống lâu dài. Đối với tôi, một lính trận – một con phù du – việc làm
đó hoàn toàn phù phiếm, đượm tính chất khôi hài. Tôi là người của chiến trường.
Chiến trường là một người cha khắc nghiệt, không chấp nhận sự tồn tại dài lâu của
những đứa con bên mình. Tôi được sinh ra trong vòng tay khắc nghiệt của ông cha
đã ban cho con cái mình một định mệnh tối tăm.
Nơi cư ngụ của tôi là những cánh rừng trùng điệp, núi non hiểm
nghèo - có chim cú, quạ, diều hâu, kên kên.... và sự rình rập thường xuyên của
lão - già – chó – đẻ – mặc áo thụng đen, tay cầm liềm dài – nên mỗi khi được trở
về thành phố – là nơi con người có đời sống thực sự – tôi nhấn lút ga cho chiếc
xe đời mình lao đi, tới đâu thì tới. Nếu một tài xế vội đạp thắng khi xe anh ta
kề miệng vực thẳm thì tôi sẽ hối hả đạp lút ga chiếc xe đời tôi cho nó lao thẳng
xuống. Sống, đối với tôi là một chớp lóe của sấm sét, là cơn lốc, là tốc độ của
viên đạn vừa thoát ra khỏi nòng súng. Sống! Sống như tự vẫn. Như chết. Sống cho
chết luôn.
Dĩ nhiên mỗi người có một cách thế để sống đời mình sao cho họ
thấy đã, thấy khoái. Sống, đối với tôi – một gã lính trận – là lao tới những
quán nhậu, những ổ điếm. Bởi lính trận có nghĩa là “quán nhậu”, là “gái điếm”.
“Quán” và “Gái” là hai hình ảnh gắn liền với đời sống của lính. Một trong ba
hình ảnh đó sẽ khiến liên tưởng đến hai hình ảnh kia. Lính – Quán – Gái. Không
thể nào thiếu một mà hai cái kia linh động được. Như một định mệnh vậy. Ở đâu
có lính là có quán và gái. Và ở đâu có gái và quán là có mặt lính. Đúng như vậy.
Mà quán và gái đều ở thành phố. Đi phép về phố chỉ có nghĩa là: nhậu và chơi
gái. “Ta về hậu phương nốc cạn rượu, quét sạch đĩ già”. Đó là lời thề, nặng cân
hơn mấy lần lời thề “sát cộng”.
Đêm giáng sinh năm đó cao nguyên Pleiku lạnh tuyệt vời. Máu đẫm
men rượu, áo choàng nhà binh không chống nổi hơi lạnh chứa trong lòng từng hạt
sương muối làm thành một tấm màn trắng dày, nặng nề, bao phủ lên thành phố nhỏ
bé có những con đường dốc ngắn. Che khuất những khu đồi thấp trồng thông. Lấp đầy
các thung lũng. Gác chuông của khu nhà thờ duy nhất cũng biến mất trong màn
sương từ lúc đầu đêm.
Sau cuộc vui say, thân thể thấm mệt, một mình bước nghiêng
ngã trên những con đường không ánh sáng, trong lạnh giá, nghĩ đến thân phận
lính trận trong cuộc chiến tối tăm, nghiệt ngã, tôi ngao ngán. Chẳng lẽ cứ đi
mãi suốt đêm khi không chỗ dừng chân – một nơi có người chờ đợi – tôi phải tự
mình tìm lấy một chỗ qua đêm. Tôi cảm thấy cần được ấp ủ trong đêm đặc biệt
này. Tôi tìm đến vòng tay của Thu, cô gái chơi gặp gỡ buổi chiều.
Có lẽ gần nửa đêm, quán “Không Tên Số 1” còn đông khách. Bầu
không khí ấm áp như một tấm mền đã có sưởi ấm ôm choàng lấy tôi. Ánh đèn hồng mờ
ảo quyến rũ, khói thuốc un trắng đậm đặc, chuyển động uể oải. Đó là bầu không
khí nhiễm độc đầy ắp thán khí và vi trùng. Nhưng đối với tôi lúc bấy giờ – và
có lẽ suốt thời gian lưu đày trong cái nghiệp khổ ải này – không nơi chốn nào
tôi cảm thấy thân yêu hơn, quyến luyến hơn, vì nó có chứa đầy hơi hám ấm áp của
con người. Dù là vi trùng lao, hay thán khí, cũng thoát ra từ những buồng phổi
của con người. Tôi hít thở nó thỏa thuê, say đắm vì tôi đã từng hít thở chán
ngán làn khí trời trong sạch nhưng lạnh lẽo, thiếu hơi ấm đồng loại cô đơn ghê
gớm trong những ngày ở rừng sâu – tôi dám cả quyết là không có lấy một hạt bụi,
một con vi trùng nữa – và tôi dám thề, thà tôi bị nhiễm độc và chết vì bầu
không khí đầy thán khí và vi trùng lao kia – nhưng được chết giữa con người –
còn hơn là được sống – mà chắc gì đã sống – trong bầu không khí trong sạch
nhưng quá sức cô độc, chung quanh không có lấy một bóng người – cần – thiết, một
chút hơi ấm áp của kẻ – kế –cận.
Khi tôi vào quán thì người lính đã có mặt ở đó rồi. Gã ngồi một
mình, có lẽ đã lâu, trong một góc riêng biệt. Cái không khí cô độc tỏa ra
vây kín gã khiến trông thấy gã bị tách rời, như gã tự cô lập, sự nhộn nhịp
chung quanh không ảnh hưởng đến thế giới riêng tư gã chìm sâu trong đó. Trên mặt
chiếc bàn nhỏ những vỏ chai bia 33 choán gần hết. Cái gạt tàn vun lên những mẫu
thuốc vụn, tràn cả ra ngoài.
Trời lạnh dữ. Gã chỉ mặc bộ đồ trận hở cổ, không áo lót. Bộ đồ
nhuộm đỏ màu đất cao nguyên. Có lẽ gã vừa từ mặt trận trở về. Quán không còn chỗ,
tôi phải ngồi tạm ở bàn gã. Buổi gặp gỡ xảy ra đã lâu, tôi không nhớ rõ, thoạt
tiên chúng tôi mở đầu câu chuyện thế nào để sau đó đưa đến chỗ chúng tôi trở
nên tương đắc – hay ít ra gã cảm thấy ở tôi như vậy – và gã đã kể cho tôi nghe
tâm sự của gã. Đúng hơn là một chuyện tình của bạn gã – thằng bạn kỳ khôi, theo
lời gã – đã vắng mặt ở cõi thế. Từ buổi chia tay, tôi chưa gặp lại gã. Đêm đó,
cách đây đã năm năm. Năm năm trong cuộc đời một người có nếp sống bình thường
có lẽ không là bao, nhưng đối với đời sống của một gã lính chiến là cả khoảng
thời gian dài. Trong năm năm đó, những gì đã xảy đến cho gã? Giờ này, gã còn sống,
đang tiếp tục xông xáo trên những vùng đất lửa đạn, hay lòng đất im lìm đã ấp ủ
thân xác gã? Tôi không biết.
Nguyên, tên gã, nhưng gã tự gọi mình là “Tử thần”. Đêm nay,
đêm giáng sinh. Tôi nhớ Tử Thần.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau rất lâu, không ai mở lời. Gã chẳng
quan tâm đến sự có mặt của tôi. Nhiều lần tôi cố ý gây ra vài tiếng động, làm
vài cử chỉ bâng quơ để tìm một dịp lân la, nhưng không kết quả. Gã vẫn tỉnh bơ,
ngồi nhấm nháp từng ngụm bia một cách bình thản. Gã hút thuốc không dứt, điếu
thuốc hầu như không rời khỏi môi gã. Gã có lối đốt thuốc bằng diêm nhanh nhẹn,
tài tình. Gã không bao giờ mồi lửa ở điếu thuốc cuối cùng, luôn luôn bật diêm.
Tôi chỉ nghe một tiếng “tách”, gã đã đốt thuốc xong rồi. Liền theo đó là hơi
thuốc đầu tiên thổi tắt ngay đốm lửa xanh vừa mới chớm. Mười lần, đốm lửa xanh ở
đầu diêm chưa kịp trở hồng. Gã chỉ đốt thuốc với đốm lửa xanh đó mà thôi.
Tuy nhiên, không phải là chúng tôi thực tình bỏ lơ nhau. Qua
những lần soi sáng nhờ đốm lửa xanh chỉ bằng hạt đậu đó, lóe ra trong thoáng chốc,
chúng tôi quan sát nhau. Trong lúc lửa bén vào đầu thuốc, ánh mắt gã dưới vành
chiếc mũ rừng nhăn nhúm nhìn thẳng vào mặt tôi. Mắt gã trắng dã, lừ đừ, nhưng
tiềm ẩn một sức mạnh đe dọa, cướp đoạt tinh thần người đối diện mãnh liệt.
Thỉnh thoảng, gã dở chiếc mũ úp chụp một cách lơ đễnh, che
mái tóc bù xù, dài quá tai. Cái mũi sư tử hếch lên như đánh hơi, đôi môi dày,
thâm, mím chặt lại, hai khóe dãn ra, chùng xuống. Gã dùng chiếc mũ vầy vò trong
bàn tay những ngón dài, da chai chà xát mạnh vào chiếc cằm râu mọc tua tủa. Bàn
tay đưa qua má phải, dần theo một vết sẹo dài từ cằm lên đến mang tai. Vết sẹo
bóng nhẵn phía trong, phần da chung quanh gợn lăn tăn, nhăn nheo từng miếng thịt
nhỏ – trông giống như vết sẹo do một lần phỏng nặng còn để lại. (Tất cả những
chi tiết này về sau tôi mới được trông thấy rõ ràng).
Ngọn đèn đỏ ở cạnh bàn chúng tôi bỗng bật sáng – ngọn đèn này
trước đây vì cớ gì đó không sáng được, tấm vách ngăn che ánh sáng ở gian phòng
trước nên chúng tôi ngồi đầm trong một thứ bóng tối nhờ nhờ – và dù là ánh sáng
đỏ mờ thôi, lúc ấy, chúng tôi – tôi đoán về gã như vậy – đột ngột có cảm tưởng
như bị lột trần. Ánh mắt chúng tôi trao nhau rất nhanh. Mắt gã vẫn trắng dã,
nhưng ánh sáng đỏ đã khiến chúng trở nên linh động hơn. Đôi mắt đó đang nhìn
tôi một cách sỗ sàng không chút e dè. Tôi cũng nhìn lại gã như vậy. Cái nhìn rõ
ràng về con người gã gieo vào lòng tôi một cảm giác nao núng. Gã lính có đầy đủ
dáng dấp của một tay anh chị. Một tên cô hồn các đảng. Tôi cũng thuộc loại cô hồn,
nhưng tôi chỉ được sắp vào hạng nhất. Còn gã, thuộc loại cô hồn ngoại hạng. Tên
cô hồn đó lại vừa từ mặt trận về, còn mang trong tâm hồn đầy đủ những cảm xúc
man dại. Nó lại đang say rượu.
Tôi né. Đúng hơn tôi muốn né. Bình thường chưa chắc tôi đã
hèn như vậy, nhưng thực tình lúc ấy tôi không muốn gây sự – mà hậu quả không biết
đưa tôi đến đâu – tôi muốn tận hưởng năm ngày phép thưởng công – tôi đã đổi lấy
bằng mạng sống của mình – một cách xứng đáng, để rồi lại trở về với chiến trường
– một thứ quê nhà mà sự mù quáng đã đưa tôi vào.
Tôi muốn rút lui. Tôi rót hết chai 33 ra ly. Cử chỉ hơi luống
cuống của tôi bị gã bắt gặp. Gã cũng rót cạn chai bia ra ly gã, nhưng với một động
tác vô cùng thong thả, cung cách từ tốn. Điều đó khiến tôi cảm thấy xấu hổ và tự
coi như bị khiêu khích ngầm. Mặt tôi nóng bừng. Tôi cố dằn. ‘Chuồn!. Tôi tự nhủ.
Chuồn gấp. Nếu không sẽ có lộn xộn. Những ngày phép mua bằng xương máu sẽ mất
toi uổng phí”.
Tôi nâng ly lên nhìn thẳng vào mặt gã, cố mỉm cười:
- Mời!
Tôi uống một hơi cạn ly, lòng gợn chút bối rối. Uống xong,
tôi thấy ly gã vẫn còn nguyên. Ý nghĩ bị gã nhìn trong khi uống khiến tôi bực
mình. Tôi nổi sùng, ngó gã cười khan. Bất ngờ, với cử chỉ điềm tĩnh, gã nâng ly
bia đang cầm trong tay lên cụng khẽ vào chiếc ly không của tôi, cười nhẹ, từ từ,
kề ly vào miệng. Gã cũng uống một hơi cạn ly. Nhưng lối uống của gã khiến tôi
có cảm tưởng ly bia vừa được đổ vào một lỗ hổng, qua đường miệng gã: trái cổ gã
vẫn đứng yên trong khi bia cứ từ từ trôi tuột vào cho đến lúc ly cạn. Tôi không
hề thấy gã ngừng lại để nuốt một lần nào. Và khi gã nhấc ly ra, hai vành môi gã
vẫn khô, không dấu ướt.
Tôi đứng lên đối diện với gã, lưỡng lự không biết có nên bắt
tay gã trước khi đi không. Gã vẫn ngồi điềm tĩnh tay cầm chiếc ly không nhìn
tôi, qua ánh mắt gã, tôi cảm thấy mình là một món đồ chơi kệch cỡm.
Bỗng, gã mỉm cười. Nụ cười gã thoạt tiên đến từ đôi mắt. Đôi
tròng mắt dữ dằn, vô cảm như được một làn ánh sáng dọi tới đột ngột, đánh thức
dậy hai chấm sáng tiềm ẩn trong đó khiến chúng trở nên hòa nhã, chan chứa. Hai
chấm sáng dần dần lớn lên cho đến khi choán cả đôi con ngươi thì mắt gã trở nên
long lanh. Sự chuyển động bắp thịt hai bên má kéo hai khóe môi gã nhếch lên.
Đôi môi như hai cánh hoa bung ra ở phút khai nhụy, rồi toàn thể nụ cười hiển hiện
thành hình ảnh một đóa hoa mãn khai và gương mặt gã tỏa ra chan hòa một làn ánh
sáng dịu dàng. Nụ cười gã có một sức thu hút kỳ lạ giữ chân tôi lại. Tôi có cảm
giác như vừa được giải thoát. Nụ cười đầy đặn nở ra trên gương mặt gã giống một
tia sáng lóe lên từ một bầu trời vần vũ mây đen. Cái vẻ cô hồn ngoại hạng tôi
nhìn thấy ở gã mấy phút trước đây không còn nữa. Trước sự bỡ ngỡ của tôi, gã
chìa bàn tay đen đúa mạnh mẽ ra, chờ đợi một cách tự tin. Quả nhiên, tôi không
thể giữ nổi tay tôi khỏi đưa tới.
Chúng tôi siết chặt tay nhau.
- Xin lỗi, ông bạn. Gã lên tiếng. Giọng gã đục khàn.
Tôi cười không tự nhiên. Gã nói tiếp, tiếng trầm hẳn xuống,
như phải tự khuyến khích mới có thể trở thành những âm thanh.
- Tôi muốn được ngồi một mình. Về đây, tôi cảm thấy lạc lõng
quá. Sự tình cờ đã khiến chúng ta gặp nhau. Cũng là duyên, vậy xin ông bạn ngồi
lại, chúng ta uống với nhau vài chai. Ông bạn ở đơn vị nào?
- Trung đoàn 53.
- Tôi 45. Trông ông bạn có vẻ dễ thương đó. Gã lại nhìn tôi
dò xét một cách tự nhiên. Ở gã cái gì trông cũng có vẻ tự nhiên cả. Có những
người vẻ khép kín của họ thoạt nhìn mình đã không chịu nổi.
- Đi phép?
Tôi gật đầu, mỉm cười. Đó là nụ cười đầu tiên của tôi từ lúc
gặp gã, đúng nghĩa là một nụ cười.
- Phép chiến công đặc biệt!
- Mấy ngày?
Tôi đưa bàn tay xòe lên. Gã nhìn đi nơi khác:
- Còn tôi chuồn. Chỉ một đêm nay thôi. Tại quán này. Sáng mai
tôi đi sớm.
Phòng ngoài nổi lên tiếng huyên náo. Cạnh bàn chúng tôi, cách
bức vách ngăn, năm sáu người lính, có lẽ đã quá chén, đang lớn tiếng kể lại những
chiến công hiển hách đã gặt hái trên chiến trường. Chúng tôi lắng nghe. Mặt gã
bỗng trở nên tăm tối đột ngột. Gã cười buồn:
- Bọn này chưa chắc đã có đi đánh nhau. Chắc lính văn phòng.
Toàn chuyện bịa. Để tôi ra giải tán họ đi, ồn ào quá.
Gã đứng lên, nháy tôi:
- Ông bạn ra đây xem một màn hài kịch.
Gã bật đèn sáng rồi bước ra đứng giữa phòng. Ánh sáng khiến
đám khách chưa hết kinh ngạc – như bỗng nhiên họ bị lột trần – thì giọng cười
dòn tan, lanh lảnh của gã nổi lên một hồi dài. Bất ngờ, tiếng cười im bặt, như
một con rắn kết hợp bằng những chiếc chuông thủy ngân đang trườn mình lướt tới,
bỗng bị chặt đứt bằng một nhát dao ngọt, tan biến đi. Mọi người quay lại nhìn
gã. Bọn lính chưa kịp sừng sộ, nhanh nhẹn, gã gỡ một trái lựu đạn đeo bên hông
đưa lên miệng cắn chốt, giật mạnh ra. Quả lựu đạn rời tay gã, từ từ lăn về phía
mấy người lính. Tôi đứng sau lưng gã, chết điếng, vội nép người sau bức vách tường.
Đám lính và khách nằm lăn ra sàn nhà, chờ tiếng nổ. Vài giây rôi qua, không thấy
gì xảy ra, tất cả bật dậy đạp lên nhau chạy tuôn ra khỏi quán. Trong khi đó gã
vẫn đứng yên, vòng tay bình thản nhìn quang cảnh hỗn loạn. Chỉ trong vòng không
đầy mười phút, bên trong quán “Không Tên Số 1” trở nên hoàn toàn yên tĩnh. Đám
gái chơi và bà chủ còn nằm dài trên nền nhà chưa hoàn hồn. Gã ung dung bước tới
cúi nhặt trái lựu đạn tung lên vài lần, bắt lấy dúi vào tay tôi: chốt trái lựu
đạn vẫn còn nguyên. Gã cười:
- Vậy mà cũng kể chuyện đánh nhau. Gã quàng vai tôi. Nào, bây
giờ thì chúng ta có thể yên ổn ngồi uống với nhau được rồi. Ông bạn thấy chưa,
đó là những lính cậu. Đời sống bọn mình buồn chán, đôi khi chúng ta phải biết tạo
ra những hài kịch và đóng vai chính cho đời vui nhộn lên một chút.
Mắt long lanh, nụ cười chưa dứt, gã kéo tôi lại bàn. Một chai
Napoléon được mở. Vẫn ở cái góc đặc biệt, chúng tôi ngồi đối diện nhau. Tôi
không nhớ rõ là suốt trong thời gian chai rượu vơi dần, chúng tôi đã nói với
nhau những gì, tựu trung, những lời trao đổi đã dần dần mở ngỏ tâm hồn chúng
tôi, tiếp đón vào lòng nhau một tình bạn mới. Khi chuông nhà thờ ở đầu con đường
có xóm yên hoa đổ từng hồi báo lễ nửa đêm, chúng tôi lảo đảo kéo nhau đứng lên.
Đôi bàn tay còn run rẩy, chúng tôi trịnh trọng cùng nâng ly rượu đầy lên ngang
mày. Giọng tôi run lên:
- Hòa bình cho tâm hồn bạn.
Đôi tròng mắt đỏ rực lên như hai hòn than của bạn tôi nhìn
tôi đăm đăm. Giọng Tử Thần cũng run lên, nhưng sắc, mạnh mẽ như tiếng khua những
lá thép:
- Hòa bình cho tâm hồn chúng ta.
Chúng tôi cùng cạn ly. Bữa rượu tương phùng tiếp tục trong niềm
hưng phấn.
- Nào, xin mời ông. Chúng ta cùng cạn với nhau ly này để chúc
cho nền hòa bình vĩnh cửu của nhân loại.
Chúng tôi nâng ly.
- Ly nữa nhé. Có được bạn đối ẩm tương đắc thật tuyệt.
Hai ly rượu lại cạn.
- Đêm còn dài mà. Rượu chưa vơi mấy. Rồi ông sẽ được nghe việc
làm điên rồ của bạn tôi. Đêm nay ông nghỉ lại đâu? Ông có nhà gần đây chứ?
- Vâng, nhà tôi không xa đây mấy. Vợ và các con chờ tôi về để
ăn lễ nửa đêm.
Tử Thần chồm lên, vỗ vào vai tôi, giữ chặt một cách thân ái:
- Mừng cho hạnh phúc của ông, ông bạn. Có gia đình, có mái
nhà là hạnh phúc. Gã ngừng nói, mắt trở nên xa vắng. Còn tôi, tôi không có nhà.
Ông có tin rằng chiến tranh, một lần đi qua quê tôi, đã biến ngôi nhà và đem tất
cả những người thân yêu của tôi về cõi cát bụi không? Đúng như vậy đấy, ông ạ.
Không còn sót ai, ngoài tôi. Bây giờ giả thử tôi có chống hai mắt lên, đốt đuốc
giữa ban ngày đi khắp địa cầu này, suốt đời tôi, tôi cũng không tìm thấy bóng
dáng một người thân yêu của tôi nữa. Ngày trước Ye–su đã từ bỏ gia đình để trở
thành một người không nhà. Có phần nào tôi khâm phục, nhưng tôi không
ưa. Tay đó có nhiều tham vọng quá. Ông ta từ bỏ nhà mình để khắp mặt
địa cầu đâu cũng là nhà của ông ta. Ông ta từ bỏ cha mẹ, anh em để được cả nhân
loại là cha mẹ, anh em mình. Tôi đâu có tham vọng lớn lao như ông ta. Tôi chỉ
muốn có một mái nhà riêng, tôi được sống trong đó cùng những người thân yêu của
tôi. Tôi chỉ ao ước điều tầm thường đó nhưng chiến tranh đã cướp mất của tôi. Mắt
gã khô ráo, nhưng giọng gã như sắp khóc. Không mời tôi, gã uống cạn ly rượu, rồi
rót thêm và uống tiếp ly nữa.
- Xin lỗi. Xin lỗi. Mừng cho hạnh phúc của người anh em. Đúng
ra tôi không nên nói những điều đó trong đêm đoàn tụ này. Gã nhìn tôi trân trối.
Phải là đêm đoàn tụ chưa hay vẫn còn là đêm chia ly, hả ông? Chúa đã ra đời gần
hai ngàn năm.... Tôi lạc đề rồi. Ông sẽ phải về trước nửa đêm. Tôi còn nợ ông
câu chuyện. Vâng, tôi xin kể hầu ông, một cách vắn tắt nhé. Tôi không biết nên
bắt đầu câu chuyện vào lúc nào. À....Đêm hôm đó, cô gái tên Thơ đã săn sóc Văn.
Lẽ ra ngay sáng hôm sau Văn phải lên đường trở lại mặt trận, nhưng Văn đã nán lại
thêm một hôm. Tôi không hiểu vì lẽ gì. Một hôm nữa tiếp theo. Và rồi một tuần lễ
trôi qua, kể từ đêm Giáng sinh cho đến ngày chúng tôi nhất định hôm sau chia
tay trở về đơn vị. Trong thời gian đó, ban ngày thì chúng tôi la cà ở các quán.
Uống rượu. Đùa giỡn với các cô gái. Nói tóm lại là chúng tôi đã tiêu tiền và
tiêu xài đời mình thả dàn, phung phí sức lực một cách thỏa thuê, cạn láng.
Nhưng dù đi đâu, quán “Không Tên Số 1” vẫn là trạm chót của chúng tôi. Thu vẫn
là hơi ấm của tôi trong những đêm cuối năm đó và Văn vẫn giữ Thơ.
Thoạt tiên, chúng tôi tiêu xài thong thả – số tiền lương ba
tháng nằm rừng không tiêu – nhưng rồi cũng đến lúc cạn. Tôi chỉ cần một số tiền
nhỏ để chi tiêu vài ngày nữa thôi, bỏ hẳn vụ bao gái. Văn thì
không thể như vậy được. Văn cần tiền bao Thơ ngủ mỗi đêm.
Văn đi chạy tiền. Vài lần Văn tỏ ra bối rối đến độ khổ sở, khi gần hết
ngày chạy chưa ra tiền đưa đặc cọc trước cho mụ chủ. Thơ rất đắt khách, nếu
không đặt cọc trước từ chiều sẽ có khách khác bao nàng.
Một lần chạy không ra tiền, cũng không thuyết phục nổi mụ chủ
cho thiếu nợ, Văn đành để Thơ ngủ đêm với người khác. Đêm đó Văn hầu như tuyệt
vọng, uống rượu say bí tỉ. Lúc gần sáng mò dậy định mở chốt một quả lựu đạn, nếu
tôi không hay và kịp chụp lấy tay Văn giữ lại thì chúng tôi đã tan xác trong
phòng ngủ ở khách sạn Thanh Lịch.
Suốt thời gian đó, tôi hoàn toàn không biết gì về sự
liên lạc giữa Văn và Thơ. Tôi không hỏi mà Văn thì kín tiếng.
Đêm cuối cùng – sáng hôm sau chúng tôi chia tay - tôi mới được
biết câu chuyện, theo như lời Văn kể.
Tôi có những ý kiến riêng, chủ quan và khách quan
về tâm sự của Văn. Tôi xin ông cho phép tôi không đưa ra những ý kiến
đó. Tôi chỉ muốn kể lại hầu ông tâm sự của bạn tôi mà thôi.
Ông có thể kể lại chuyện này cho bất kỳ ai nghe, nhưng ông
hãy giữ lại những ý kiến có tính cách phán đoán của riêng ông, ít ra là với một
người. Người đó là tôi.
*
Đêm đầu tiên gặp nhau, chúng tôi say quá, phải
không? Vậy mà chỉ đến lúc gần sáng tôi tỉnh hẳn. Thoạt tiên, tôi bỡ
ngỡ vì thấy mình nằm trên nệm êm, trong một căn phòng buông màn hoa sặc sở, đèn
ngủ sáng mờ mà không là dưới giao thông hào ngập bùn hoặc trên poncho, trong
đêm tăm tối của rừng rậm. Trí nhớ tôi trở lại ngay. Thơ đang nằm bên
cạnh tôi, ngủ say trong dáng nằm thẳng, hai chân duỗi thoải mái, chăn đắp ngang
ngực. Mặt Thơ hơi ngước lên, môi hé mở, hơi thở nhẹ và đều. Trông thấy
gái, tức thì bản năng rừng rú của tôi nổi dậy. Bằng một cử chỉ thô lỗ, tôi kéo
mạnh chiếc mền Thơ đang đắp, gùi lại ném xuống chân màn. Cái giật
mình của Thơ gần như là hốt hoảng, nàng ngồi bật ngay dậy, mở choàng
mắt, ngơ ngác nhìn quanh. Mắt nàng thoáng chút bối rối và sợ sệt. Nàng phóng ra
khỏi giường, tung màn định chạy. Tôi giữ nàng lại. Nàng làm những cử động gần
như phản xạ, cố gắng để mau vượt thoát ra khỏi cơn váng vất. Gục xuống, nàng lắc
đầu thật mạnh – mái tóc rối lắc lay trên đôi vai – vỗ trán nhiều lần để tự lay
tỉnh. Rồi nàng nghiêng tai lắng nghe, dáng điệu như một con thú bị đuổi cùng đường,
núp trong bụi rậm nghe ngóng tiếng chân bọn thợ săn đang tới. (Tình trạng đó xảy
ra cho nàng luôn những đêm sau này, mỗi đêm vài ba lần, khi có tiếng động mạnh
hay tiếng chó sủa trong xóm, làm nàng giật mình)
Tôi nhìn Thơ lạ lùng. Chờ nàng hoàn hồn, tôi hỏi:
- Em làm sao vậy?
- Em tưởng cảnh sát tới xét nhà.
- Xét nhà thì sao?
- Họ bắt em về bót chớ sao!
- Sao lại bắt?
- Em không có giấy tờ gì cả. Em ở lậu mà, đâu có khai gia
đình. Căn cước của em bị một người khách ngủ đêm lấy rồi. Hắn nhắn người tới
đòi em chuộc mười ngàn. Em không có tiền chuộc... Em vừa ngủ vừa để ý nghe, nếu
cảnh sát tới em dọt lẹ ra sau, leo lên mái nhà trốn. Thơ nhìn tôi mỉm
cười. Họ bắt cũng không sao. Chịu khó ngủ lạnh và muỗi cắn một đêm thôi, sáng
bà chủ tới lãnh về. Họ bắt bọn em để làm tiền bà chủ. Vậy mà sao em vẫn sợ. Ban
đêm ngủ mà nghe cảnh sát tới là em run... Anh tỉnh lại rồi hả? Lúc em dìu anh
vô giường, anh say chẳng biết gì cả.
Nàng trườn tới bên tôi, vòng hai tay ôm cổ tôi hôn lên mặt
nhiều lần:
- Anh. Giọng Thơ thì thầm. Em hư quá hả anh, ngủ quên bỏ anh
nằm một mình.
Nàng gối đầu lên vai tôi, kề miệng nàng gần miệng tôi, cầm
tay tôi để lên ngực nàng, luồn bàn tay vào ngực tôi vuốt ve.
- Anh. Yêu em đi anh. Em thương anh.
Tôi nghĩ, những động tác, lời lẽ đó của nàng chỉ là thói quen
thuộc lòng. Nàng làm như vậy và nói y hệt với tất cả những người đàn ông nàng gặp
gỡ mỗi đêm. Tôi chẳng mảy may quan tâm. Tôi không để nàng phải chờ đợi. Chẳng
chút dịu dàng, nàng bị vồ và bị dày vò như cừu non trong nanh vuốt ác thú.
Trong cơn hoan lạc, tôi chỉ nghĩ đến mình, còn nàng chỉ là một
món đồ chơi. Dầu vậy, Thơ tỏ ra ngoan ngoãn. Dù thô bạo và ích kỷ, tôi nhận ra
sự tích cực hợp tác của nàng trong những động tác nâng đỡ. Nhưng tôi cho đó
cũng chỉ là thói quen nghề nghiệp, tôi không hề xúc động. Tôi ghê tởm sự giả dối
ở giọng rên rỉ của nàng để tạo cho tôi có cảm tưởng về sự dẻo dai. Tôi đã tìm
cách trả thù cho bõ ghét sự giả dối đó bằng cách làm cho thể xác nàng đau đớn đến
rã rời.
Tôi còn gần gũi nàng nhiều lần nữa. Có lần tôi bắt nàng lên
người tôi, dù nàng kêu còn mệt. Tôi buộc nàng chủ động trong khi tôi nằm yên thụ
hưởng. Nàng phải cố gắng nhiều. Tôi nhận thấy điều đó ở những lần nàng ngừng lại,
nằm mẹp trên người tôi để thở và mồ hôi trên lưng nàng vã ra ướt cả hai bàn tay
tôi. Khi đưa tôi đến nơi, Thơ ngã ra mệt lả.
Thơ ngủ thiếp ngay sau đó. Nàng nằm soải tay chân trong một
tư thế hoàn toàn buông thả. Nàng là hiện thân của giấc ngủ mê mệt. Nàng ngủ, bỏ
cả thể xác nàng đang lạnh lẽo trần truồng. Nhưng Thơ được ngủ như thế
không lâu. Tôi lại đánh thức nàng. Nàng không thể ngủ trong khi tôi thức được.
Đánh thức nàng lúc đó thật khó nhọc. Tôi phải làm cho nàng đau đớn và cố gắng lắm
nàng chỉ hé được đôi mắt mệt mỏi, thều thào:
- Thôi anh. Em mệt. Cho em nghỉ một lát.
Nàng chỉ có thể nói được chừng đó, giấc ngủ đã lôi nàng đi, một
giấc ngủ sâu thẳm như sự chết. Tôi vẫn không để nàng yên. Ngày mai tôi ra mặt
trận. Ý nghĩ đó ám ảnh tôi. Có thể chẳng bao giờ tôi còn có dịp trở lại gian
phòng dó gặp nàng hay một người con gái nào khác nữa. Tôi sống chỉ còn lần này.
Sự mệt mỏi của nàng không có nghĩa gì đối với sự tham lam của tôi lúc ấy. Trong
tâm trạng háo hức phiền muộn đó, tôi lại lên người nàng và tự lèo lái chuyến đi
đến nơi đến chốn trong khi Thơ đang ngủ.
Một cảm giác nhờm tởm tràn ngập trong tôi khi nhìn lại thân
thể Thơ bất động với tay chân buông xuôi, đầu ngoẹo sang một bên, hai mắt nhắm
nghiền. Tôi có cảm tưởng vừa gần gũi một xác chết. Hình ảnh Thơ lúc đó chẳng
khác gì một xác chết trần truồng chưa chôn cất.
Nhưng đó vẫn chưa phải là một cảm giác đáng giá về sự sỉ nhục
khủng khiếp xảy đến cho tôi đêm hôm đó... Bất ngờ sinh lực tôi dâng lên tràn trề,
tôi lại nhào đến ghì riết lấy tấm thân thể rũ rượi xác ướp của Thơ, mặc tình
dày vò, như một con thú trong cơn động cỡn, uống cạn nguồn hoan lạc. Bỗng, giữa
cuộc, tôi nhìn thấy, từ trong đôi mắt xác chết nhắm nghiền của
Thơ tràn ra hai dòng lệ, lăn dài xuống gò má xanh xao.
Một cảm giác lạnh buốt chạy qua thân thể tôi. Tôi có cảm giác
một dòng điện cực mạnh phát ra từ hai dòng nước mắt, chạy trong tủy sống tôi.
sau một khoảnh khắc mất hẳn ý thức, người tôi bị giật nẩy lên, cứng ngắc. Thì
ra tấm thân thể mệt mỏi ê chề mà tôi tưởng đã chết thiếp đi trong giấc ngủ mê
man kia, bên dưới tôi, vẫn còn thức, đang theo dõi những xúc động khốn khổ mà
nó phải chịu đựng, và để phản đối lại sự thô bạo của tôi nó đã nén lòng khóc thầm.
Toàn thân tôi như bị tê liệt. Sự nguội lạnh xảy ra trong chớp
mắt. Vội vàng tôi rời khỏi thân thể nàng.
Cơn lạnh khủng khiếp kéo tới. Da thịt tôi như bị phủ lên một
tấm mền băng. Cảm giác lạnh lẽo phát ra từ trong xương tủy. Nằm trong mền người
tôi run bắn lên không sao kìm giữ nổi. Tôi cố lết tới gần Thơ, nằm kề bên nàng.
Những xúc cảm nhục thể rời xa, tôi chỉ cốt tìm nơi nương tựa, như đứa con rút
vào lòng mẹ tìm hơi sưởi ấm.
Thân thể tôi, trong tư thế đó, được truyền nhiệt từ người Thơ
dần dần ấm lại. Tôi thiếp ngủ. Khi tôi tỉnh dậy trời đã sáng bừng. Ánh nắng
vàng trong của ngày mới xuyên vào từ một ô kính vỡ soi sáng gian buồng. Tôi thấy
mình đã được mặc lại áo quần, đang nằm gọn trong lòng Thơ. Hai tay nàng ôm
choàng lấy người tôi. Đôi mắt Thơ, đã mở sẵn từ bao giờ, nhuốm chút mệt mỏi
nhưng dịu dàng, âu yếm, đang chờ đợi ánh mắt tôi. Nàng đặt bàn tay ấm mềm mại
lên má tôi, im lặng mỉm cười.
Tôi nhìn nàng dò xét, rồi mỉm cười theo nàng.
- Anh ngủ ngon không? Thơ hỏi, mân mê vành tai tôi. Anh tên
gì?
- Cảm ơn. Anh tên Văn. Giọng tôi bỗng dịu dàng không ngờ.
Nàng che miệng cười:
- Sao?
- Trông anh chẳng....“VĂN” một chút nào. Nàng tiếp tục cười.
Tôi hơi khó chịu. Nhưng tôi cười theo nàng:
- Anh võ biền lắm phải không?
Thơ cười bằng mắt, gục gặt đầu nhè nhẹ.
- Em xin lỗi anh nghe. Hôm qua vì mệt quá, em không thức để
thù tiếp anh chu đáo được.
Tôi cũng muốn nói xin lỗi Thơ và hỏi nàng có phải đêm qua
chính tôi đã làm cho nàng khóc không, nhưng tôi im lặng. Tôi không rõ vì ái ngại
cho nàng hay vì lòng tôi cảm thấy xấu hổ.
- Có đêm nào em không mệt? Tôi hỏi nàng và hối hận.
Nếu Thơ hiểu ra rằng trong câu hỏi của tôi có ngụ
ý mỉa mai?
Giọng Thơ vẫn hồn nhiên không chút hoài nghi:
- Dạ. Ngày nào em cũng mệt cả. Nhưng đêm vừa qua là trường hợp
đặc biệt. Thường thì em mệt ít thôi. Em có nhiều khách nhất quán. Trung bình mỗi
ngày em tiếp hơn chục người. Đêm còn nhận khách bao ngủ đêm nữa. Em luôn luôn bị
mất ngủ. Không đêm nào em được ngủ yên giấc cả. Khách chơi tử tế rất hiếm. Luôn
luôn họ quấy phá em suốt đêm. Họ cũng hư như anh đêm qua vậy, không cho em chợp
mắt được chút! Em mệt, em tủi thân, nhưng em không có quyền trách họ. Em là một
cô gái bán thân xác lấy tiền, thì khách bỏ tiền ra mua, họ có toàn quyền sử dụng
thể xác em làm vui họ. Gặp khách tử tế em được nhờ, trái lại, em nén lòng chịu.
Tâm lý thông thường của khách mua hoa là họ muốn gỡ gạc cho xứng đáng với số tiền
mồ hôi nước mắt họ đã bỏ ra. Bổn phận em là phải làm cho họ cảm thấy tiền họ
không mất đi uổng phí.
- Có đêm nào em được nghỉ làm?
- Không, trừ khi đau nằm liệt giường. Nghỉ không có lý do rõ
ràng vẫn coi như đi khách và phải đóng cho bà chủ số tiền đêm đó. Bà ta trừ vào
khoản tiền lương cuối tháng. Bà ta cho là mình đã làm giấu tiền xài riêng.
- Làm như vậy sao em chịu nổi?
- Lúc mới vào nghề em đau yếu luôn. Người lả đi, xanh mướt tưởng
không sống nổi. Nhưng em gượng lại được rồi quen dần... Em luôn luôn cố gắng
làm khách hài lòng. Nhưng đêm vừa qua em quá mệt. Nàng lật người nằm sấp lại,
chống hai cùi chỏ trên mặt nệm, kề mặt nàng sát vào mặt tôi:
- Đêm qua em làm anh buồn, phải không?
Cho đến lúc đó, tôi còn ý nghĩ, là Thơ đã quá lạc
quan nên mới đặt một câu hỏi như vậy. Có thể tôi cảm thấy hơi bực mình, nhưng
tôi không hề nghĩ gì. Tôi đánh giá nàng thấp hơn là nàng tưởng. Tôi cho là
thông thường khi liệt nàng vào hạng người không thể làm cho tôi cảm thấy bị xúc
phạm được.
Thực ra đó là sự ngu xuẩn chung của bọn đàn ông mua hoa và là
điều bất công mà những người con gái như Thơ phải chịu, dù họ có ý thức được điều
đó hay không.
Tôi tự hỏi, chúng ta có quyền khinh bỉ những cô gái làm nghề
bán thân xác như Thơ không? Chúng ta nhân danh cái gì để nghĩ rằng họ
thấp kém hơn chúng ta, về phương diện nhân phẩm, trong tổ chức tập đoàn gọi là
xã hội này, chúng ta cùng chung sống với họ?
Nếu thực tình chúng ta khinh bỉ họ, chúng ta nghĩ rằng họ thấp
kém hơn chúng ta, đáng ghê tởm – về phương diện nhân cách – thì tại sao chúng
ta tìm đến họ, ôm ấp, vào trong thân thể họ, làm những động tác thân mật như với
chính vợ ta? Giữa họ và chúng ta, bên nào đáng khinh hơn, khi họ tự nhiên chấp
nhận nghề nghiệp mình, còn chúng ta, thân mật với họ trong phòng kín, lạnh nhạt,
làm ra vẻ xa lạ với họ ngoài đường phố. Và trong thâm tâm chúng ta vẫn còn nuôi
dưỡng một ý tưởng nhờm tởm về nghề nghiệp của họ. Chúng ta cho đó là một việc
làm xấu xa – không phải là một nghề – trong khi chúng ta vẫn làm những kẻ đồng
lõa tận tình!
Tôi nghĩ, không có lý lẽ nào để biện minh cho sự giả dối đáng
chê trách của chúng ta, về ý nghĩ bất công đó đối với họ. Và càng không thể biện
minh được khi chúng ta cho rằng việc làm của họ không lương thiện trong khi họ
không cướp giật, không lường gạt, không lợi dụng, không sống trên xương máu, mồ
hôi nước mắt của kẻ khác – xã hội chúng ta nhan nhãn những hạng người đó – họ sống
bằng tiền bán một phần máu huyết, sức khỏe họ hằng ngày, hằng đêm. Tôi cho đó
cũng là một nghề lương thiện như tất cả những nghề lương thiện khác. Nếu xã hội
và những nhà đạo đức coi đó là một tệ đoan mà không tìm cách giải quyết, hay bất
lực không giải quyết được, thì những cô gái như Thơ có quyền đòi hỏi được đối xử
bình đẳng về nhân phẩm như mọi người chúng ta – chúng ta tự nhận là những kẻ
lương thiện, có phẩm cách!
Tuy nhiên, đó chỉ là những ý tưởng tôi mới có được mấy hôm gần
đây thôi, khi tiếp xúc với Thơ.
Tôi không biết trả lời câu hỏi của Thơ thế nào cho nàng yên
tâm. Tôi cúi xuống hôn nàng và ngạc nhiên thấy cử chỉ của mình vô cùng lịch sự,
trang trọng như đối với người tình.
Giọng Thơ vỗ về:
- Anh đừng buồn em nữa, nghe anh. Đêm nay, em hứa, nếu anh
còn chọn em, em sẽ làm cho anh sung sướng.
Thơ nhìn tôi đợi câu trả lời, nhưng tôi chỉ im lặng nhìn nàng
và ánh mắt tôi đã nói điều gì với nàng khiến nàng ôm chặt lấy đầu tôi, cúi xuống
hôn nồng nàn lên trán tôi.
Nhìn lên trần nhà, Thơ nói:
- Nếu anh biết rằng đêm qua là đêm mới trở về từ một khu giải
trí của một trại lính, sau mười ngày đêm làm việc không ngừng. Nàng quay lại
nhìn tôi, nét mặt đột nhiên biến đổi. Từ thân ái nồng nàn ra lạnh nhạt xa lạ.
Nàng quay đi, nhìn sững vào một nơi vô định. Một thoáng đau khổ hiện ra trên
gương mặt tái nhợt của nàng.
- Nghĩ lại, em giận mình hết sức. Giọng Thơ kể lể như cho
chính nàng nghe. Lẽ ra em không nên tham dự vào vụ đó mới phải. Vậy mà cái gì
đã xui khiến em làm. Nhưng có thể nào em cưỡng lại được ý bà chủ khi bà ta đã
chọn em, nếu em muốn được yên thân? Có điều này đáng phàn nàn, mai mỉa hết chỗ
nói, là em cũng cảm thấy hãnh diện khi được bà chủ sắp vào hàng đầu trong danh
sách mười cô được chọn. (Phải, mày đẹp đẽ, mày dễ thương, nên người ta mới chọn
mày. Dễ thường mày xấu xí như ma lem thì ai thèm cho mày đi. Bộ mày không thấy
bao nhiêu đứa không được chọn, nhìn mày với ánh mắt vừa thèm thuồng vừa ghen tức
lẫn thán phục đó sao? Họ ao ước cái số phận của mày – số phận của một tên
tù.... được chọn cho một chuyến lao dịch! Mày phải hãnh diện và tỏ ra biết ơn mới
phải, vì mày đứng đầu sổ.)
Thơ liếc tôi rất nhanh, quay đi, vói tay lấy chiếc gối ôm chặt
vào người. Nếu anh gặp em cách đây mười hôm, anh sẽ thấy em khá hơn. Vẫn với giọng
nói cho chính mình, Thơ dấu mặt vào chiếc gối. Em đã sụt bốn ký lô trong mười
ngày đêm đó. Từ khi em bỏ gia đình ra đi sống bụi đời, mười ngày vừa qua đối với
em là một cơn ác mộng. Thơ cất đầu lên khỏi chiếc gối. Anh có muốn nghe em kể
không? Nàng lại dấu mặt vào chỗ cũ, như một chỗ lẫn trốn. Mà thôi, dầu sao cũng
là chuyện qua rồi.
*
Trong dịp Trung đoàn X... về dưỡng quân ở Hàm Rồng, Pleiku,
người ta có tổ chức một nhà giải trí cho binh sĩ giải tỏa sự dồn nén sinh lý
sau một thời gian dài hành quân.
Người của trung đoàn đến điều đình với bà chủ từ chiều hôm
trước. Bà chủ đã chọn mười cô, em được lựa trước tiên. Đêm đó chúng em không nhận
ngủ đêm, ở nhà chuẩn bị. Sau khi khách ra về hết, chúng em sửa soạn áo quần,
gương lược, phấn son để sẵn sàng sáng hôm sau đi. Trong phòng chật chội – chỗ
chúng em ngủ và tiếp khách – không khí rộn rịp hẳn lên.
Trong lúc chọn áo quần, chúng em cười nói vui vẻ như hôm sau
là ngày Tết, như sắp sửa được tham dự một ngày hội vui. Mọi người lăng xăng,
tíu tít chọn quần này, áo nọ. Sửa lại mái tóc, cạo lông mày, dũa móng tay, móng
chân. Họ mặc thử quần áo, ngắm nghía mình trong gương, nhờ người khác xem chiếc
áo họ chọn có hợp với màu của chiếc quần này, quần kia không. Họ hồn nhiên và
náo nức như những cô gái sửa soạn ngày mai ra mắt một chàng trai anh tuấn và mọi
người đều hy vọng mình sẽ là người được chọn làm kẻ nâng khăn sửa túi.
Nụ cười anh có vẻ chua chát lắm. Ừ, mà cũng phải. Có ai lại tỏ
ra vui thích khi biết mình sắp bị đem đày ải bao giờ. Có lẽ chỉ có chúng em. Nhưng
anh còn lạ gì sự đần độn của tâm trí con người - mà chúng em là những kẻ đại diện
sáng chói nhất – họ đâu có biết được một tích tắc trong tương lai phần số cuộc
đời họ sẽ được định đoạt ra sao! Nhưng có lẽ sự đần độn đó của họ lại là một yếu
tố căn bản duy trì đời sống họ đến giây phút cuối cùng. Nó còn có một tên khác,
là hy vọng. Tạo hóa ban cho con người trí sáng suốt và thông minh,
nhưng cả hai đều không vượt quá giới hạn của sự đần độn, vì nếu vượt qua giới hạn
đó, con người sẽ không chịu nhận đời sống thế gian của họ nữa, và như vậy chỉ
còn con đường tự hủy diệt mà thôi...Nên anh đừng lấy làm lạ khi thấy chúng em
vui vẻ trong hoàn cảnh đó. Kẻ giết người hẳn là hắn cũng có những lý lẽ riêng tự
biện hộ để giấc ngủ hắn được yên ổn, huống gì là chúng em là lũ gái điếm, chúng
em có làm gì nên tội lỗi đâu.
Sáng hôm sau, chúng em vào địa điểm trên một chiếc xe Dodge.
Tất cả đều ăn mặc tươm tất với bộ đồ đắc ý nhất, trang điểm lộng lẫy, thơm ngát
như một vườn hoa. Họ vui tươi, cười đùa tíu tít như một bầy chim sẻ lúc bình
minh. Có cô còn lấy gương ra soi, sửa lại mái tóc, thoa thêm son môi, đánh lại
mắt. Họ phác họa theo trí tưởng tượng một cách lạc quan quang cảnh nhộn nhịp,
vui vẻ nơi họ sắp tới, những chàng trai rắn rỏi đượm nét phong sương mà họ sẽ gặp...Một
cô hát lên một câu hát của bài ca thịnh hành, hợp với tâm trạng cô lúc bấy giờ:
“Hôm nay em đi trời không có nắng. Nhưng sao đôi má em lại bừng bừng”, rồi cô
âu yếm áp hai bàn tay vào má cô, bẽn lẽn đưa mắt nhìn mọi người. Một vài người
phụ họa theo bài ca, chúng em cùng cười, nhìn nhau, mắt long lanh.
Xe chạy nhanh, ra khỏi thành phố, đường đi hai bên đồng lúa vừa
mới gặt còn lại những chân rạ khô màu vàng ngà, vườn cà phê nở hoa trắng thả
làn hương dìu dặt quyện trong không khí thơm lừng, vườn cây ăn trái trồng mít,
xoài và ổi... Những khu đồi nối tiếp rợp cỏ xanh. Ven lề đường, bông cỏ hồng mịn
lông tơ mọc thành hai hàng dài. Trong lòng thung lũng hoa cúc quì nở rộ, vàng rực
rỡ dưới nắng mai trong vắt. Thiên nhiên mát tươi của buổi ban mai hôm đó đối với
chúng em như một tặng vật. Đó là tặng vật muôn đời của thiên nhiên cho tất cả mọi
người mà từ lâu hầu như chúng em bị buộc không được nhận – hay chính chúng em
đã tự tạo ra sự quên lãng đó? Suốt những năm tháng, đời sống chúng em đã trải
qua ở những nơi chốn nào? Không còn chỗ nào khác ngoài những căn phòng hẹp, ẩm
thấp, tối tăm luôn luôn có màn che. Từ phòng này qua phòng khác. Hết trên chiếc
giường này sang chiếc giường kia. Không một chút gió lành, không một chút nắng
trong, không một chút không khí trong sạch. Bầu trời là trần nhà, sao là những
bóng đèn màu mù mờ, không khí là khói thuốc.
Nên buổi mai hôm đó đời sống chúng em như được đổi mới. Từ
trong bóng tối, chúng em bước ra ánh sáng. Từ trong buồng kín hơi được ra chỗ
thoáng khí. Như cửa vừa mở. Màn che vừa cuốn lên. Nhưng tất cả những cảm giác
tươi mát, trong sáng chúng em được hưởng đó trôi qua rất nhanh. Như lời an ủi của
vị Linh mục với tử tội trước khi lên máy chém. Như bữa cơm ân huệ cho y trước
giờ hành quyết. Xe đến nơi. Ngỡ ngàng đôi chút vì quang cảnh tiêu điều nơi mới
tới, không được lấy phần nhỏ như trí tưởng tượng phong phú đã vẽ trước. Nhưng
chúng em cũng hăng hái xuống xe, đứng xúm xít lại bàn tán, chờ đợi trong lo âu.
Nơi đặt khu giải trí nằm xa khu vực dưỡng quân. Đó là một nhà
vòm của quân đội Mỹ để lại, nằm giữa một bãi đất mọc đầy cỏ đuôi chồn. Chung
quanh nhà vừa mới được phát quang. Các lao công chiến trường mặc áo cắt bâu,
lưng viết chữ LCCT bằng sơn trắng, đầu cạo trọc còn đang tiếp tục công việc. Một
con đường mòn từ khu dưỡng quân chính chạy qua mấy dốc đồi dẫn tới nhà vòm.
Khoảng sân vừa mới được làm cỏ, thân cỏ ngã xuống còn tươi
xanh, dấu đất đỏ xủi lên mới tinh. Một vài con trùng bị nhát cuốc chặt đứt khúc
đang cựa quậy chờ chết. Người ta bứng ở đâu về hai cụm vạn thọ hoa hai mầu đỏ
vàng, nhỏ như những cúc áo, đem trồng hai bên lối cửa ra vào, chưa kịp tưới nên
lá héo rũ.
Bên trong, nhà vòm chia hai phần. Nửa gian trước làm phòng đợi.
Trong một góc, bước vào ở phía tay phải là chỗ đặt quày hàng bán nước, mới được
đóng lên bằng một tấm ván không bào, xô xảm, còn đóng bồ hóng đen phủ một lớp bụi
đất đỏ. Đó cũng là chỗ bán “tích – kê – giải – trí”.
Hai bên hông, sát vách tôn, kê hai băng dài ngồi đợi – cũng
là thứ ván không bào đóng lọ nghẹ và bụi đất. Giữa phòng đặt hai cái bàn vuông
thấp và mấy chiếc ghế đẩu nhỏ. Tất cả đều mới ghép lại bằng đủ các loại gỗ tìm
ra được. Lỏng chỏng, ọp ẹp. Nửa gian còn lại được ngăn thành những buồng nhỏ bằng
vách tôn gợn sóng, ở hai bên, giữa chừa lối đi. Trong mỗi phòng đặt một chiếc
giường – kiểu giường sắt một người nằm ở bệnh viện, có nệm. Bên ngoài, phía
sau, cạnh nhà vòm, mười thùng phuy dầu – đã lấy dầu – chồng hai tầng, vây lại
làm thành một phòng nhỏ. Trong phòng có một phuy đựng nước, nước đục ngầu bùn đỏ,
đã bỏ thuốc khử trùng. Nổi bập bềnh trên mặt một cái lon múc – loại hộp thiếc đựng
thịt thực phẩm phụ trội của quân đội. Đó là chỗ rửa ráy. Chúng em bày những đồ
nghề ra: xà phòng, thau rửa và khăn lau, nhét lòng thòng vào những kẻ hở giữa
các thùng phuy.
Lúc xe vừa đến, chúng em thấy có một toán sĩ quan đứng trước
sân. Họ nhìn chúng em với vẻ mặt nghiêm nghị và xa cách, nhưng khoan dung. Vẻ
khoan dung đó chẳng khác một lời miệt thị, cho chúng em hiểu rằng, họ ở một
giai cấp cao hơn chúng em, chúng em là những kẻ hèn kém đáng thương hại. (Mà
chúng em còn lạ gì cái vẻ nghiêm nghị giả đò, hề hợm đó. Nhưng em lấy làm lạ là
tại sao họ cứ phải làm ra như vậy.)
Về sau em được biết đó là những y sĩ – một vài sĩ quan ở Bộ
Chỉ huy – có bổn phận giữ gìn và đề phòng chúng em lây bệnh cho binh sĩ. Em
nghe họ đưa ra những biện pháp, từ khám trước đến chích ngừa, bơm thuốc sẵn vô
tử cung, rửa nước pha thuốc sát trùng, buộc lính phải dùng “áo mưa” vv...
Vừa khi họ giải tán, bên trong mới quét dọn, treo màn, trải
“drap” xong, một vị trong số những y sĩ đó – em nhớ là một đại úy, người mập
lùn, tròn vo như một con heo bỏ ống – nán lại, kéo em vào buồng... mà không cần
một biện pháp đề phòng nào cả! Có thể coi đó là lễ “khánh thành” khu giải trí.
Sau đó, chúng em bắt đầu làm việc.
Thoạt tiên, sự đông đảo khách hàng khiến chúng em vui. Anh đừng
cười như vậy, tội cho chúng em. Phải, chúng em vui vì kiếm được nhiều tiền.
Chúng em như những người bán hàng, dù món hàng chúng em bán là thân xác chúng
em đi nữa, có người bán hàng nào lại không vui khi hàng mình được nhiều khách tới
mua? Nhưng cho đến buổi trưa, nhìn số khách hàng đứng chờ đến phiên và trên con
đường dẫn tới nườm nượp người đi, riêng em đã thấy nao núng. Và buổi chiều thì
em sợ thực sự. Tuy vậy, công việc vẫn tiếp tục đều đặn, kéo dài cho đến nửa đêm
và chấm dứt với người khách cuối cùng ngủ qua đêm. Em năn nỉ bà chủ từ chối anh
ta vì em đã quá mệt, nhưng không được, vì bà đã nhận tiền trước của anh ta rồi.
Theo giao ước với ban tổ chức, chúng em chỉ làm từ tám giờ sáng tới năm giờ chiều,
có xe của trung đoàn đưa về. Nhưng thấy khách quá đông, bà chủ đã để chúng em ở
lại làm luôn đêm.
Thường ngày, chúng em ăn luôn miệng, do thói quen mà cũng là
nhu cầu, trước khi ngủ còn ăn một lần chót nữa để đủ sức chịu đựng. Vậy mà suốt
ngày hôm đó, chúng em chỉ được ăn hai gói mì khô chế nước sôi. Tất cả đều mệt lả.
Hai đứa bị xỉu phải chích thuốc hồi sinh mới tỉnh lại. Em bị nhiễm lạnh, trúng
gió, ói thốc tháo ra hết chút đồ ăn có trong bụng, người ta xúm lại giật tóc, cạo
gió ê ẩm cả người - Thơ đưa những dấu bầm còn trông thấy lờ mờ ở cổ cho tôi
coi. Khu nhà vòm ban ngày nóng chảy mồ hôi như một lò hấp, nhưng đêm đến lạnh
vô cùng. Vì không tính chuyện ở lại đêm nên chúng em không đem theo cái gì để đắp
ấm cả. Tất cả đều phải ngủ lạnh. Em lại rơi vào tình trạng đặc biệt. Từ lúc cởi
bỏ áo quần ra khỏi người lần đầu tiên ngày hôm đó, em không có khoảng thì giờ
nào rảnh rỗi để mặc lại nữa. Khách vô ra liên tục, em cứ nằm lì trên giường chịu
trận. Chỉ thỉnh thoảng thấy quá khó chịu, em phải xin họ chờ, chạy ra sau rửa
qua loa rồi vào tiếp tục công việc ngay. Đến đêm, tìm lại áo quần thì ông khách
đa tình nào đã lấy giữ làm kỷ niệm mất rồi, y thủ gọn cả xú chiên, quần lót. Suốt
ngày phải trần truồng, đêm em cũng ngủ trần truồng. Em phải bứt tấm màn che xuống
quấn quanh người cho đỡ lạnh. Lúc em trúng gió, ông khách cho mượn chiếc áo
choàng nhà binh mặc, không có chắc em chết vì cóng.
Đó là một đêm thê thảm đáng ghi nhớ trong cuộc đời làm tiền của
em. Em mệt ngất sau một ngày làm việc quá sức, trúng gió, bị cơn lạnh hành hạ
run lẩy bẩy mà ông khách vẫn không tha cho em. Em nằm đó, giữ chặt tấm áo che
kín phần thân thể, còn lại phần dưới để mặc cho y muốn làm gì thì làm.
Em cố ngủ nhưng tinh thần căng thẳng quá, chỉ nằm liệt, không
ngủ nổi. Căn nhà chìm đắm giữa một vùng đồi núi mênh mông. Bên ngoài gió thổi
rít. Trong nhà khí lạnh bao trùm. Đèn sáp cháy leo lét, soi thấy mờ mờ những
bao cao su mỏng, vỏ đựng bằng giấy kim khí mạ vàng xả đầy nền nhà. Trên giường,
mười con điếm thân thể rã rời, bụng đói, nằm co quắp, không mùng mền, run lên lập
cập. Thỉnh thoảng nghe tiếng mớ kinh dị của khách ngủ lại, tiếng than van của
những bạn em.
Những ngày sau đó, tình trạng được cải thiện khá hơn. Chúng
em được ăn uống đầy đủ và đêm ngủ không phải chịu lạnh. Nhưng số khách lại tăng
lên gấp đôi vì họ mới được lãnh lương. Chúng em phải làm việc cật lực. Chắc anh
không tưởng tượng nổi, trong mười ngày đó, tính trung bình, mỗi đứa chúng em phải
tiếp năm trăm người đàn ông vào mình. Mỗi ngày em tiếp năm mươi người khách.
Ngoài hai bữa cơm - chúng em gọi đùa là nghỉ “Đờ mi tăng” – từ hừng sáng, chúng
em đã phải tiếp khách – những ông khách có lẽ đã trằn trọc suốt đêm trước không
ngủ được – cho đến suốt đêm – vì bà chủ luôn luôn nhận khách bao ngủ đêm.
Thường ngày, với khoảng hai mươi người, em còn có những giờ
phút nghỉ ngơi. Nếu phải hai mươi lần cởi bỏ áo quần ra thì em cũng có thì giờ
hai mươi lần mặc lại xú – chiên, quần xịp. Còn có thì giờ chải lại mái tóc,
thoa lại son môi, làm ra vẻ mới mẻ khỏe khoắn trước người khách mới. Và sau mỗi
người khách em còn được rửa ráy cẩn thận.
Em không dám nhớ lại cái cảm giác mà thân thể em đã ghi nhận
trong mười ngày đêm đó nữa. Năm trăm người trong mười ngày. Con số kỷ lục trong
cuộc đời làm điếm của em. Năm trăm người lính từ rừng rú mới trở về. Thân thể họ
từ ba tháng chưa được biết đến một giọt nước, đầy cáu ghét, nồng nặc mùi mồ
hôi. Họ mang một lòng khao khát người khác giống cao độ. Đó là một cuộc hiếp
dâm tập thể, một vụ “bề hội đồng” kinh khủng. Chỉ khác ở chỗ kẻ hiếp dâm có trả
tiền và em không phải là một cô gái nhà lành thôi.
Họ đến với em như mèo đói thấy thịt mỡ. Hung hăng như cọp vồ
mồi, khăng khít như trăn rừng quấn siết thỏ non. Thân thể em bị nhồi nắn, ngắt
véo khắp nơi, khắp chốn.
Miệng em đã phải áp vào năm trăm cái miệng, nếm năm trăm thứ
nước miếng đủ mùi vị, từ ba tháng chưa chải răng.
Môi em bỏng lên vì hàng ngàn chiếc hôn bằng răng.
Lưỡi em rát bỏng vì hàng ngàn cái nút ham hố.
Ngực em, đôi vú chưa một lần được căng sữa nuôi con – đã mềm
nhũn – phải hứng chịu hàng ngàn sự nhồi bóp, cào cấu. Núm vú sưng lên vì họ
nút, họ cắn.
Âm đạo em đã liên tục không ngơi nghỉ, tiếp sự cọ xát của năm
trăm con dương vật đủ cỡ, đủ màu sắc, dơ bẩn cả năm trăm.
Âm đạo em trở nên khô ráo, gây cho em cảm giác rát bỏng như
có lửa đốt ở đó. Mỗi lần con dương vật chui vào và chuyển động hung hăng, thân
thể em quằn quại, em rên rỉ vì đau đớn mà khách lầm tưởng đã đem lại cho em
khoái lạc. Em phải luôn luôn bơm dầu nhờn vào mới chịu nổi.
Em có cảm tưởng tử cung em trở nên nhão nhẹt, tái ngắt. Nó chứa
trong mười ngày ấy, cả mấy lít tinh khí với ức triệu vi trùng hoa liễu, giang
mai.
Nhúm lông trên mu không có thì giờ hong cho khô ráo, trở lại
vị trí bình thường. Chúng xác xơ, rối rắm và luôn luôn ẩm ướt chất nhờn.
Vậy đó, anh ạ. Và qua đêm thứ mười một, đêm vừa qua, thì em gặp
anh.
Bây giờ thì anh đã rõ, vì sao em không làm tròn bổn phận của
một gái chơi đối với anh đêm qua. Vì sao em lại thèm một giấc ngủ như vậy. Và
em còn thèm nữa. Ước gì em được ngủ một giấc không bao giờ dậy. Hay khi thức dậy
em đã trở thành một người khác, quên hết dĩ vãng mình. Anh. Anh đừng nhìn em
như vậy. Em xấu hổ. Chắc anh cũng như bao nhiêu người khách mua hoa khác, tưởng
rằng sự dày dạn trong nghề này đã giết chết đi nơi chúng em bản tính e thẹn của
người đàn bà? Không đâu, anh. Nghĩ như thế là lầm lẫn và chúng em đáng thương
quá. Chúng em vẫn còn giữ được bản chất căn bản nơi người đàn bà. Chúng em còn
tình yêu, còn ao ước được làm vợ, làm mẹ. Sao, anh hoài nghi à? Đó là quyền của
anh...
Em vẫn tự hỏi là không biết đến bao giờ em thoát được ra khỏi
nghề này, trở lại đời sống bình thường như những người đàn bà khác.
Định mệnh cay nghiệt nào đã xô em vào con đường này và tới chừng
nào dây oan nghiệt mới chịu mở!
Lúc còn nhỏ, nhà em ở gần một dòng sông. Em hay ra bờ sông
hái những chiếc lá làm thuyền thả trôi trên dòng nước. Những chiếc lá bị dòng
nước cuốn trôi đi phăng phăng. Bây giờ nhớ lại em ân hận về hành động đó của
mình. Chắc hẳn những chiếc lá đáng thương kia không chọn một “định mệnh trôi
sông” như vậy. Đời sống của chúng là ở trên cành, xanh mướt, đón gió và nắng bốn
mùa. Nhưng chính tay em – bàn tay góp phần tạo nên thứ định mệnh bềnh bồng – đã
ngắt chúng lìa khỏi cành và đem thả trên dòng sông cho nước cuốn đi, chúng
không thể nào cưỡng lại được.
Đời em giờ đây cũng vậy. Em không chọn nghịch cảnh, nhưng một
quyền lực vô hình đã xô em vào đó. Em cố vẫy vùng, nhưng khó thoát ra được...Anh
không khinh em chứ?
Tôi vuốt má Thơ, bẹo nhẹ chiếc cằm lẹm của nàng. Thơ ái ngại
nhìn lại tôi:
- Chuyện này chắc anh đã nghe nhàm tai ở những cô gái khác rồi,
nhưng em muốn kể cho anh nghe chuyện của em, anh bằng lòng không?
Hẳn anh lấy làm lạ ở tuổi mười bảy của em, tuổi mà những cô
gái khác hãy còn kẹp tóc, mặc áo dài lụa trắng, cắp sách đến trường trong khi
em đã sống bụi đời từ ba năm? Em cũng đã có thời làm cô nữ sinh trong trắng,
ngây thơ, nuôi nhiều mộng tưởng đẹp đẽ về cuộc đời tương lai của mình. Cách đây
ba năm, em mười bốn tuổi. Mười bốn nhưng em cao lớn, nẩy nở như cô gái mười bảy.
Em yêu giáo sư của em. Em yêu và em đã cho chàng tất cả cuộc đời con gái của
em.
Mối tình đẹp như màu hồng là màu em ưa thích. Em tưởng tượng
nó đẹp nhất, hơn tất cả những vật đẹp đẽ trên mặt đất này. Là chính sự sống của
em, như mặt trời đối với địa cầu. Trái đất sẽ trở nên tăm tối, lạnh lẽo và vạn
vật sẽ bị tiêu diệt nếu thiếu vắng mặt trời. Chàng đối với em cũng vậy. Là mặt
trời, chàng là nguồn sống.
Nhưng tất cả những điều đó chỉ là ảo ảnh. Ảo ảnh đẹp đẽ nhưng
chóng tan biến, mà lỡ khách sắp chết khát trong sa mạc vẫn thường thấy. Nhưng
trải ra mút tầm mắt mình chỉ là mặt cát khô cháy. Em là khách lữ hành.
Đó là một lối nói ví von của văn chương thôi. Chuyện thực là
sau đó em biết chàng đã có gia đình. Chàng thú nhận, nhưng nói rằng chàng yêu
em và không thể nào sống thiếu em. Chàng đề nghị một đời sống tay ba, hoặc là
chàng ly dị vợ để cưới em làm vợ chính thức.
Em từ chối. Em chọn lựa xa chàng.
Anh có tin rằng sau chuyện đó, em vẫn còn yêu chàng tha thiết
như cũ không? Yêu hơn nữa và không hề oán trách chàng mảy may, cho đến bây giờ
cũng vậy.
Em đã bị chàng lừa gạt ư ? Chàng đã lừa dối em ư ?
– Không.
Em không trách chàng, vì em ý thức rằng con người không thể
giải thích được thứ tình cảm gọi là Tình yêu. Người ta yêu. Chỉ có vậy thôi.
Em biết rằng chàng yêu em. Và em yêu chàng. Em cho chàng – thực
ra hai người đã cho nhau – cuộc đời thiếu nữ trong trắng của em, lần đầu, với tất
cả sự rung động của thể xác lẫn tâm hồn. Thế là đủ rồi. Tình yêu luôn luôn ở
trong tư thế tự do và độc lập, đâu cần phải có sự ràng buộc. Em quyết định xa
chàng vì cớ đó.
Có thể chàng nghĩ là em đã giận chàng. Oán trách chàng. Khinh
bỉ chàng và đã hết yêu chàng. Chỉ cần mình em hiểu lòng em thôi, là em vẫn giữ
mãi tình yêu đó cho đến ngày em vĩnh biệt thế gian này.
Có bao giờ anh truy nguyên nguồn gốc và nơi chốn cư ngụ vĩnh
viễn của tình yêu chưa?
Nó là một hạt mầm, nẩy sinh và đâm chồi nơi mảnh đất hữu thể,
nhưng đóa hoa kết tinh của tình yêu nở ra trong thế giới ý niệm. Khi nó đã nở,
nó không còn cần đến sự dinh dưỡng của thân cây đâm rễ từ hữu thể nữa. Thế giới
ý niệm sẽ hàm dưỡng nó và nó tự viên mãn.
Em nghĩ rằng, mỗi người trong cuộc đời họ, chỉ cần yêu một lần
là đủ – một lần thôi, một mối tình đích thực. Em đã có tình yêu đó rồi, và em
đã sống hết mình cho mối tình của em. Em đã tô bồi vào gốc rễ của cây tình yêu
bằng chính đời sống của em. Cây tình yêu đã trổ hoa và đóa hoa tình yêu đã nở
ra tuyệt đẹp, em không còn cầu mong gì nữa. Vậy thì cuộc đời em còn lại ra sao
cũng được, chỉ là phần xác, sẽ tàn héo, thuộc về người đàn ông nào cũng vậy
thôi. Em là một giống cái và họ là giống đực, không còn là những hữu thể tinh
khiết đầu tiên của âm dương nguyên thủy, kết hợp, làm nẩy mầm hạt giống tình
yêu nữa. Sự gặp gỡ thể xác giữa em và họ nay chỉ thuộc về thế giới nhục cảm mà
thôi.
Nhưng như vậy không có nghĩa là từ bỏ đời sống, cái mà con
người không thể tự tạo. Việc đó nằm ngoài quyền hạn của con người, nó thuộc về
một uy – quyền – mù – quáng, chỉ có uy quyền đó mới có quyền định đoạt về sự tồn
vong của nó được.
Yêu và được sống trong sự kết hợp tình yêu là một hoài vọng
đáng mơ ước. Không thể kết hợp đời mình trong tình yêu thì kết hợp trong bổn phận,
em tin rằng vẫn tìm thấy hạnh phúc trong sự chu toàn và vị tha, vì con người chẳng
những có bổn phận đối với chính đời mình mà còn trong sự liên đới giữa con người
nữa. Anh có nghĩ như vậy không? Nên dù trong hoàn cảnh khắc khe nào, em cũng
không có quyền hủy diệt đời mình, sự sống mà chính em không tạo ra được.
Với ý nghĩ đó, em đã ghé đời mình vào một bến mới. Nhưng em gặp
rủi ro. Gã đàn ông là một tên ma cô thượng hạng, đóng vai khách hào hoa. Gã gài
em vào cái thế vừa làm vợ vừa làm điếm. Ngày điếm, đêm vợ. Em không thể từ khước
mà có thể sống được với gã. Gã có thể giết em và không ai làm gì được gã. Em
thì muốn sống, dù đời sống cơ cực nhục nhằn đến đâu, nên phải cắn răng cam chịu
hoàn cảnh trớ trêu đó. Em muốn sống để biết tận cùng định mệnh sẽ đưa đẩy em đến,
xem nó giở những trò gì.
Lúc đó quân đội Mỹ hãy còn, và em gầy dựng được một gia tài.
Nhưng gã ma cô mê say cờ bạc, đã làm cho tiêu tan. Em phản đối, gã đánh đập em
tàn nhẫn. Em bỏ trốn bị gã bắt lại hành hạ em đến điều. Địa vị làm vợ của
em gã không chú ý đến nữa. Em trở thành con điếm thực thụ. Gã bắt em làm tiền
suốt ngày đêm cho gã tiêu xài trong những canh bạc thâu đêm. Em định bỏ trốn hoặc
là em giết gã. Nhưng may cho em, sau đó gã bị bọn anh chị thanh toán. Trong cuộc
ẩu đả, gã bị thương nặng và chết.
Từ đó, em thả em trong dòng đời, cho trôi đến đâu thì đến. Để
trả món nợ ngày xưa em đã ngắt lìa khỏi cành đem thả những chiếc lá trên dòng
sông...
Em không muốn tin vào định mệnh. Em cho rằng đó chỉ là một sản
phẩm của trí tưởng tượng, phát sinh từ sự yếu đuối của tâm hồn con người, từ sự
sa sút của nghị lực và ý chí khi va chạm nghịch cảnh – đó cũng là nguyên nhân
hình thành đức tin, lý do tồn tại của các đấng thần linh nữa. Phải không anh?
Em mơ tưởng đến một người có lòng can đảm phi thường, ý chí và nghị lực sắt đá.
Một người như thế chắc không biết có định mệnh. Định mệnh là chính anh ta. Định
mệnh trở thành bạn thân ái của anh ta. Em muốn được là người đó. Nhưng đời em,
dù là trí thông minh của em, vẫn bị đưa vào những hoàn cảnh bất ngờ không lường
được, những cảnh ngộ oái oăm. Tại sao vậy anh? Anh có tin đó là do sự chi phối
của một uy quyền chúng ta không biết đến, gọi là định mệnh không? Anh tin có định
mệnh không? Và con người có thể thoát ra khỏi sự trói buộc của nó nhờ
vào trí tuệ, ý chí và nghị lực không?
Thơ ngừng nói, nhìn tôi đăm đăm. Bỗng nàng mỉm cười. Hai giọt
nước mắt long lanh lăn dài xuống má nàng. Cảm động, tôi cúi xuống hôn lên những
giọt nước mắt của Thơ.
- Thôi nghe anh. Em xin lỗi đã bắt anh nghe câu chuyện vô vị
dài dòng của em. Đáng ra em không nên kể. Đây là lần đầu và không bao giờ nữa.
Anh sắp đi hả? Nàng nhớm người lên hôn tôi. Anh đi mạnh giỏi nhé. Chào từ biệt
anh. Khi nào trở về, còn nhớ thì anh lại thăm em. Em mến anh hơn bất cứ người
khách nào em đã gặp trước đây, dù anh cũng hư như họ. Thơ mỉm cười, chỉ ngón
tay lên mũi tôi, còn có phần hơn họ nữa, phá em suốt đêm. Em cũng không hiểu vì
sao nữa. Thôi anh đi nhé. Hôn em đi. Nàng đưa má cho tôi. Em buồn ngủ quá, anh.
Thơ nhìn tôi rồi mỉm cười, khép mắt lại. Thơ nói “Em thèm ngủ quá, anh. Em ngủ
đây!”
Và Thơ đã ngủ, dễ dàng như giấc ngủ nằm sẵn dưới mi nàng. Thơ
trở người nằm nghiêng, hai chân xếp lên nhau, hơi co lên. Hai bàn tay những
ngón thon nhỏ nhắn ấp vào nhau như khi cầu nguyện, kê dưới má làm gối. Hơi thở
nhẹ và đều.
Giấc ngủ đã trả lại cho Thơ nét mặt đích thật mà trong lúc thức
nàng cố chối bỏ. Gương mặt nàng trở nên hoàn toàn trong sáng, ngây thơ của một
thiếu nữ vừa lớn, lòng còn chan chứa những ước vọng tuổi xanh.
Nhìn vẻ trong sáng đó ở gương mặt Thơ, những vẩn đục lòng tôi
lắng xuống như được gạn lọc, nhường chỗ cho một tình cảm thanh khiết chớm nở.
Tôi trở nên bối rối. Tôi tự hỏi, phải chăng đó là nét mặt của cô gái vừa mười
hôm trước đây đã đón vào người nàng năm trăm gã đàn ông thô lỗ? Tôi không thể
nào tin được khi ngắm nét mặt đẹp thanh thoát của Thơ trong giấc ngủ. Nhưng đó
là sự thật.
Người khách nào, ngoài tôi, có diễm phúc được chiêm ngưỡng
nét mặt thần thánh của một đứa trẻ nơi Thơ – trong lúc nàng ngủ – không? Ông ta
đã nghĩ gì về nét mặt thực đó của nàng?
Kéo chăn đắp lên ngang vai Thơ, tôi cúi xuống hôn nhẹ lên tóc
nàng. Tôi phải trở lại mặt trận. Lòng xót xa, tôi từ biệt nàng. Khi xe chuyển
bánh, một hồi còi kéo dài, tất cả câu chuyện của Thơ cùng với nét mặt
nàng trong giấc ngủ chợt lóe sáng trong lòng tôi.
Thơ mệt mỏi. Thể xác nàng đang trong trạng thái rã rời. Nàng
mất ngủ mười đêm liên tiếp – mười đêm gần gũi nhất – đêm nay, sau một ngày phải
gặp gỡ hai mươi người khách, một đêm mất ngủ lại tiếp theo. Và còn những đêm mất
ngủ nữa trong đời nàng, chưa biết đến khi nào chấm dứt.
“Có thể như vậy được không, nàng cứ tiếp tục đời sống với những
đêm giấc ngủ rời xa?”. Tôi tự hỏi.
“Không. Không thể như vậy được. Tôi mạnh mẽ trả lời.
Tình cảnh đó phải chấm dứt”.
“Nhưng sao lại không thể, Thơ đã từng sống! Và chấm dứt bằng
cách nào?”
Tôi run lên, cả tâm hồn, cả máu huyết, thân thể tôi trải qua
một cơn chuyển động mãnh liệt. Rùng rùng bốc tôi lên mây xanh, gần gụi chói
chang mặt trời. Vật tôi rơi xuống đáy sâu hố thẳm tối tăm lạnh giá. Cuồng phong
cuốn tôi đi như cánh lá, đập vào vách núi đá, đu đưa tôi như chiếc võng trong
không gian.
Tôi chìm sâu trong một cơn sốt máu huyết bốc hơi.
Tất cả đồng thanh hét lớn:
“Mày đã yêu nàng!”
Tôi bật đứng lên và la vang như người lên cơn điên đột ngột:
“Phải! Đúng! Tôi đã yêu nàng. Tôi yêu Thơ. Thơ ơi! Anh yêu
em. Dừng lại! Dừng lại! Cho tôi xuống. Tôi yêu nàng. Tôi phải trở lại với nàng.
Nàng phải được ngủ. Được ngủ. Tôi sẽ trả lại cho nàng giấc ngủ bao nhiêu người
đã cướp mất. Chính tôi. Phải. Tôi cũng là thủ phạm. Thơ ơi, em sẽ được ngủ một
đời trong tay anh. Dừng lại! Ông tài xế ơi! Dừng lại, cho tôi xuống. Tội nghiệp
tôi!
Tất cả mọi người trên chuyến xe đều cho là tôi điên. Cả lão
tài xế ngu ngốc, người hướng dẫn chiếc xe mà tôi đi trên đó. Chiếc xe vẫn cứ chạy.
Tôi phóng xuống như người tự tử. Đầu tôi đập xuống mặt đường.
Máu chảy ra. Nhưng tôi còn sống. Chiếc xe dừng lại. Tôi hốt hoảng, họ sẽ túm lấy
tôi đưa vào nhà thương quân đội, quân cảnh đến và bao nhiêu rắc rối. Tôi gượng
dậy. Một sức mạnh kéo hai chân tôi. Tôi chạy thẳng đến với Thơ.
Nàng vẫn còn ngủ, trong tư thế của một chiên ngoan đang cầu
nguyện. Tôi nằm xuống bên Thơ. Nàng cựa mình và mở choàng mắt.
Thơ mỉm cười ngạc nhiên:
- Anh chưa đi sao? - Nàng sờ vết thương trên trán tôi. Máu
dây qua ngón tay nàng - Sao.... đầu anh bị thương?
Tôi nhìn Thơ, trán nàng hơi nhíu lại. Tôi uống lấy ánh mắt, vầng
trán, nét môi nàng. Lòng tôi mềm. Như một trẻ thơ trước nỗi âu lo của mẹ. Tôi
muốn khóc.
Tôi nói:
- Anh nhảy xuống xe để trở lại với em. Anh bảo họ ngừng, họ
cho là anh điên. Anh phóng xuống khi xe vẫn chạy. Không, anh không đi nữa. Anh
sẽ ở lại mãi bên em.
Ngạc nhiên, sung sướng, hoài nghi, tự thương hại. Ánh mắt
Thơ sụp xuống, bẻn lẽn như cô gái lần đầu nghe lời tỏ tình.
Giọng Thơ nhỏ nhẹ, nghi nan:
- Anh xạo!
- Anh yêu em!
- Đừng nói với em như vậy, anh.
- Anh yêu em, Thơ!
Nàng nhìn vào mắt tôi thật lâu:
-Anh yêu em thật sao, anh?
Tôi hôn lên mắt nàng.
- Em vừa nằm mơ. Anh đang bên em. Một người con gái khác đi
qua. Anh bỏ em đi theo nàng. Trong mơ em yêu anh. Em hốt hoảng chạy theo gọi
anh. Nhưng anh vẫn bỏ em. Em mở mắt ra thấy anh vẫn còn ôm em.
- Anh đã bỏ em đi thật. Anh vừa mới trở lại.
- Sao, anh?
- Anh yêu Thơ!
- Anh nhìn vào mắt em xem nào!
Chúng tôi nhìn sâu vào mắt nhau. Thốt nhiên, cả thân thể nàng
run lên. Thơ gọi tên tôi gần như trong cơn hoảng hốt:
- Văn!
Nàng vùi mặt vào ngực tôi khóc nất lên.
Tôi ôm đầu Thơ dấu kín dưới vòng tay.
- Ngủ đi cưng. Ngủ cho thật say. Từ nay, anh tình nguyện làm
người canh giấc ngủ cho em. Em có thể ngủ, yên tâm không còn ai quấy phá em nữa.
- Anh ơi! Như trong giấc mơ.
- Phải. Như trong giấc mơ. Nhưng khi tỉnh lại em thấy giấc mơ
còn đó.
Thơ thiếp ngủ lại trong tay tôi.
*
Xin mời ông cạn ly đi chứ, rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp. Uống
“séc” có gắt cổ lắm không? Vậy thì chúng ta gọi thêm soda, vị rượu sẽ dịu hơn.
Nào, cạn ly này. Soda sẽ dành cho những ly sau. Mấy giờ rồi, ông? Mười một hả?
Còn sớm chán. Câu chuyện có lẽ sẽ chấm dứt trước giờ kỷ niệm Chúa ra đời. Ông kịp
về sum họp với gia đình trong lễ Nửa đêm. Ông người Công giáo? Xin lỗi, ông
nghĩ gì về sự giáng sinh của Yêsu? À, thôi. Tôi có thể hiểu ông được. Phải. Có
lẽ ông sẽ trả lời như các linh mục. Tôi thì nghĩ, giản dị thế này. Từ quá lâu rồi,
ở trên nước Ngài, Ngài đã được ngủ, chán chê trong giấc ngủ triền miên rồi.
Chính vì Ngài thấy ở thế gian, các con cái Ngài, từ độ xa Ngài, chúng phải thức
trắng nên Ngài động lòng thương. Ngài giáng sinh cũng vì cớ, Ngài muốn thức
thay cho chúng ta – hay Ngài mặc khải giấc ngủ cho chúng ta cũng vậy. Ngài đã
có mặt ở thế gian này gần hết hai ngàn năm rồi, Ngài đã thức thay cho chúng ta
gần hai ngàn năm rồi. Vậy mà các con cái Ngài vẫn chưa được ngủ. Chính chúng ta
không chịu ngủ thì đúng hơn. Tại sao chúng ta không chịu ngủ, chúng ta cứ quấy
phá nhau, chúng ta cứ đánh thức nhau dậy mãi. Ông có nghĩ ra, vì sao tâm hồn
các con cái Ngài không chịu tìm về giấc ngủ không? Có những người rất thèm khát
giấc ngủ cũng không được yên ổn để ngủ. Họ bị những người không ngủ được ganh tị,
quấy phá.
Tôi lạc đề rồi. Xin lỗi, hình như tôi say. Tôi có nói điều gì
làm ông phiền lòng không? Không. Tôi còn tỉnh. Tôi có thể kể tiếp câu chuyện hầu
ông đây.
23/12/2010 Kinh Dương Vương
23/12/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét