Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Vợ chồng giàXXXX

Vợ chồng già

Anh vói tay bẻ chùm nhãn bỏ vào chiếc giỏ đã đầy ắp móc dưới cành cây, quay vào nhà gọi:
- Mình ơi!
Đang cho heo con bú, chị vội lùa chúng sang ngăn bên, kéo tấm vách ngăn lại rồi đi ra phía cuối vườn. Thấy chồng đang è ễnh tháo sợi dây cột giỏ, chị chạy lại phụ đỡ, cằn nhằn :
 
- Để đó cho tôi. Tay ông đau mà làm quá sức không được đâu.
 
- Bớt rồi. Ráng bẻ cho xong, chiều nay tụi nó mời mình đi dự lễ khai mạc câu lạc bộ ca nhạc tài tử của xã nữa đó.
 
- Tay chân đau nhức đi làm gì. Tôi còn bầy heo không ai coi nữa kìa.
 
- Không đi không được. Mình đi, anh em mới vui. Lâu quá, tôi cũng nhớ ngón nghề. Bây giờ về hưu mới thấy hết nỗi buồn của người không còn được lên sân khấu. Bộ bà không khi nào  thấy buồn thấy nhớ gì sao ?
 
Chị nhìn anh nở nụ cười. Vết nhăn đã hằn sâu bên khóe miệng nhưng nụ cười vẫn còn lưu lại nét duyên dáng thuở nào. Lần đầu nghe chồng than buồn về nghề nghiệp dường như cũng gợi trong lòng chị sự đồng cảm sâu xa, giọng chị trở nên dịu dàng :
 
-  Buồn thì đi chơi. Ngày xưa, bom đạn ác liệt mà có khi nổi hứng ông còn vượt pháo bầy, bom trộm đi hát với anh em huống hồ gì bây giờ. Nghe ông than tôi cũng buồn lây. Thôi thì chiều nay nấu cơm ăn sớm, cho heo bú mớm xong xuôi mình đi ông ha.
 
-  Ờ. Vậy phải “ăn nhịp” không. Anh vui vẻ khiêng giỏ nhãn vào nhà cùng chị.
 
                                                    ***
 
Bầy heo bú đã căng bụng, chị lùa chúng vào ổ rơm ngăn bên, kéo tấm chắn cửa lại, quăng cho  heo mẹ bó rau tươi, căn dặn:
 
-  Ăn xong rồi nằm đó. Tối nay tao về hơi khuya, đừng kêu réo con, để cho nó ngủ nghe không ?
 
Con nái tơ da bò nặng khoảng hai tạ lo nhai rau ráu, không đếm xỉa gì đến chủ. Nó ăn một mạch hết bó lang, chị quăng tiếp lọn rau muống như thể muốn bù đắp cho lúc không có chị ở nhà chăm chút cho mẹ con nó.
 
-  Đi mình ơi ! Tới giờ rồi.
 
Tiếng anh gọi phía trước nhà khiến chị nôn nao. Bỏ chai dầu gió kim vào túi áo, choàng cái khăn lụa trên cổ cho ấm, chị bước ra sân, trách móc:
 
-  Còn sớm bửng mà ông gấp dữ vậy ? Làm như ngày xưa, hễ đi đâu nói một tiếng là đi liền, hô một tiếng là phải có mặt. Đi chơi làm như đi đánh giặc không bằng, mệt ông quá.
 
- Mình là đại biểu, đi trễ ai coi cho. Tụi nhỏ nó xem mình như bậc đàn anh, lôi thôi lếch thếch còn ra thể thống gì. Thôi lên xe đi !
 
Chiếc 81 nổ máy êm giòn lao ra cửa, bỏ lại phía sau ngôi nhà nhỏ êm đềm nằm vắng lặng trong bóng đêm chập choạng.
 
                                           ***
 
 
Trong  khu hoa kiểng nhà ông Sáu, đám đờn ca tài tử và dân xóm đã tụ tập đầy đủ bên mấy gốc nhãn. Họ đang so dây, nắn phím, nói chuyện cười đùa rôm rả. Hai chiếc băng dài được đặt trên khoảng đất trống để làm nơi kê bàn và làm chỗ ngồi cho diễn viên. Bốn chiếc bàn tròn dành cho đại biểu và dân làng. Dưới những cành nhãn sai oằn, đèn màu treo rải rác cho có lệ vì phía trên ánh trăng rằm đang tỏa chiếu ánh sáng vằng vặc xuống trần gian.
 
Tiếng vỗ tay rôm rốp, tiếng hò reo của mọi người khi họ nhìn thấy anh chị đến. Lâu rồi, không nghe tiếng vỗ tay, không nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của khán giả, bây giờ nhìn lại, nghe lại, bỗng nhiên hai người đâm luống cuống, bồi hồi như trở lại thời thanh xuân.
 
- Xin giới thiệu với cô bác hai nam nữ nghệ sĩ ưu tú Thanh Tân và Kim Hoa đã đến, xin cô bác cho tràng pháo tay đón mừng. Hoan hô ! Hoan hô ! …
 
Kính thưa cô bác !
 
Để ra mắt ban ca nhạc của câu lạc bộ ca nhạc xã Nhị Quí, xin mời đồng chí Thanh Long, trưởng Ban Tuyên huấn xã có đôi lời khai mạc.
 
Chàng thanh niên bước ra chỗ khoảng đất trống, áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ vào quần, cà vạt màu đỏ thẫm, tóc chải gọn gàng, gương mặt vuông với nụ cười rất tươi, cúi chào mọi người, vui vẻ nói :
 
- Kính thưa cô bác, thưa hai nghệ sĩ ưu tú !
 
Hôm nay xã ta đã thành lập được ban ca nhạc tài tử nhằm mục đích tụ hội những người yêu thích ca hát đến đây để ca hát giao lưu giải trí và cũng để tạo được không khí thân ái đoàn kết giữa những bà con trong xã lại với nhau. Với  nhiệt tình của bà con, đặc biệt có sự đóng góp của hai nghệ sĩ lớn chú Thanh Tân và cô  Kim Hoa sẽ làm cho câu lạc bộ chúng ta thực sự là nơi vui chơi của bà con nhân dân lao động. Để mở đầu chương trình, cháu kính mời cô chú Thanh Tân, Kim Hoa.
 
Anh chị nắm tay nhau bước ra khoảng sân rộng. Nhìn những gương mặt háo hức, những ánh mắt và nụ cười chân chất mộc mạc, anh bồi hồi cất tiếng ca …
 
… “ Quê hương là chùm khế ngọt, cho ta trèo hái mỗi ngày … Quê hương là con diều biếc, mẹ về nón lá nghiêng che … ‘
 
Anh mở phần ca nhạc dạo đầu, chị cất giọng tiếp :
 
“ Mỹ Tho ơi ! Cây khế đầu đường gợi thương gợi nhớ … Cánh diều tuổi thơ mẹ dạy con ghép từng mảnh vơ, theo gió bay lên đồng vọng tiếng ru … hời. Yêu lắm quê hương với những con người …
 
Tiếng đàn tranh, đàn bầu, tiếng song loan gõ nhịp hòa quyện cùng với chất giọng thánh thót khi bổng khi trầm mang âm hưỡng buồn buồn nhưng đầy hào khí.
 
…   “Quê hương là đêm trăng tỏ, hoa cau rụng trắng ngoài thềm … Chị tiếp: “Hoa cau đã mấy mùa rụng trắng mẹ cũng từng đêm thức trắng đợi tin con … Quê hương tôi mang tên một dòng sông, khiêm tốn, dịu hiền mà anh hùng quá đỗi. Đến rồi thương, đi rồi nhớ, nhớ hương mận Hồng Đào, nhớ vị ngọt sầu riêng ớ ơ … ‘
 
Tiếng vỗ tay cuồng nhiệt, tiếng huýt sáo vang dội cả khu vườn nhãn. Người nghe  yêu cầu hát thêm bản nữa nhưng chị thấy mệt vì mấy đêm liền thức cho heo con bú. Vả lại hơi hám bây giờ không như ngày xưa, ngày mà chị có thể đứng hát hàng chục bài dưới mưa nắng Trường Sơn.
 
Thấy chị không khỏe, anh đỡ lời :
 
-  Chương trình này chủ yếu dành cho các em, các cháu nhưng để đáp lại tình cảm của quý vị tôi xin hát tiếp bài “ Gánh nước đêm trăng “ của soạn giả Viễn Châu
 
“ Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo
Trăng đêm nay dìu dịu cả không gian
Tôi với em đi gánh nước cạnh đình làng
Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng
 
Nước giếng trong giữa đồi cát mịn, ánh nguyệt mờ soi đôi bóng … giao…kề..Dưới trăng khuya tôi với em quảy gánh ra về…
 
Chị ngồi vào bàn, cầm ly trà nóng từ tay ông Sáu đưa, ông khen:
 
- Tới bây giờ, cô Năm vẫn giữ được tiếng hát ngọt ngào, không thua gì hồi cô  hát trên đài. Hồi đó mẹ sắp nhỏ còn sống, hễ nghe đài giới thiệu là bả kêu bắt lớn lên, nhà cửa gần đồn tụi nó, sợ chết ông chết cha cũng phải chiều ý bả. Tội nghiệp ! Hễ nhắc tên cô là bả khen hết lời.
 
-  Cám ơn anh Sáu.  Xoài anh năm nay đỡ không ?
 
- Cũng được bộn, đỡ hơn năm rồi, nhờ xuất khẩu được. Vườn cô hái hết chưa?
 
-  Mới xong hồi chiều. Ổng bị thấp khớp mà phải ráng bẻ cho rồi.
 
- Tội nghiệp hôn. Đám nhỏ làm việc trên thành phố hết hả cô ?
 
- Dạ. Chủ nhật tụi nó mới về. Việc gì cũng đợi con đợi cháu thì công việc biết chừng nào cho xong.
 
- Già như mình ngon lắm đó cô Năm. Cô với chú hát còn “ga” lắm. Cô chú về đây xóm làng thêm vui. Miền quê nầy coi vậy chớ hậu đãi người cần cù lắm đó. Gia đình tôi khá lên nhiều nhờ ba cái  xoài, nhờ nó mà tôi nuôi đám con lên đại học đó cô.
 
- Anh Sáu hay lắm. Nông dân như vậy là  giỏi rồi.
 
Ông Sáu cười hể hả :
 
- Tại cô không biết chớ nông dân bây giờ nhiều người chịu làm ăn, làm giàu bất ngờ lắm cô ơi! Tôi chỉ là hạng cá kèo thôi. Cô đốn ba cái nhãn đi, trồng xoài khá hơn, khi nào trồng qua lấy giống  bên tôi về trồng .Chà ! Tối nay có khách bên Cù Lao qua chơi, tới giờ sao chưa thấy ai hết vậy cà? Tôi có mời cô Út Thắm, chủ vườn sầu riêng bên Cù Lao. Bà này hồi trước mê ông Tân dữ lắm. Bây giờ có sui gia mà chồng cũng hy sinh rồi. Nghe ông Tân hát bả đòi qua coi. Một lát có bả cô đừng nổi máu Hoạn Thư  nghe. Chuyện cũ qua rồi, hơi sức đâu ghen cho mệt.
 
Chị cười :
 
- Ông  này cũng dữ dằn lắm anh ơi. Đi tới đâu là có phụ nữ đeo tới đó. Nhiều bà thích ổng  cuốn quần áo theo văn công luôn đó, anh tin không ?
 
- Hà hà... Chuyện đời mà. Người ta mê nghệ thuật rồi khoái luôn con người. Kệ! Họ mê thì cho họ mê, mình có đáp lại hay không là do mình. Lấy ông chồng mà phụ nữ thấy không muốn dòm kể như hết xài, có gì đâu để hãnh diện, phải không cô?  Cô ngồi đây, để tôi ra cổng đón họ.
 
Chị nhìn lên sân khấu. Anh vẫn còn hào hứng hát. Dưới ánh trăng, gương mặt đắm chìm theo lời hát, trông anh sinh động và khỏe mạnh hẳn ra. Chị bâng khuâng nhớ thời hai người như đôi chim trên sàn diễn, thời ấy gian khổ nhưng  đầm ấm, hạnh phúc biết dường nào. Nhớ những đêm thức trắng ca hát với bộ đội. Những chiều mưa dầm hát dưới pông-sô, người hát, người nghe  vẫn say sưa dưới cơn mưa . Rồi những trận rét rừng bủa vây có khi phải hát trong cơn sốt. Những đợt B52 dùi dập tưởng đâu chấm dứt cuộc đời làm nghệ thuật nhưng cuối cùng anh chị vẫn sống, vẫn như đôi chim cất tiếng hót dưới bầu trời mù mịt đạn bom.
 
Anh bây giờ lớn tuổi nhưng giòng máu nghệ sĩ vẫn còn luân lưu trong người. Tuy đã hưu vì sức khỏe nhưng hàng ngày vừa phụ chị làm việc nhà anh vẫn vừa sáng tác. Đôi lúc làm giám khảo cho các cuộc thi ca nhạc trong tỉnh. Có khi tay chân sưng tấy lên vì khớp nhưng ai kêu, ai mời vẫn cứ đi, có khi còn thức khuya ca hát với bạn bè như ngày còn trẻ. Ngoài bệnh khớp, anh còn bị bệnh tim và cao huyết áp, khỏe đó rồi mệt đó, bệnh như giả đò nhưng cái chết đến lúc nào không biết. Nhiều lần chị cằn nhằn cái tật bạt mạng của anh nhưng anh bảo: “Đời nghệ sĩ đem được niềm vui cho người khác thì mình cũng vui. Nghệ sĩ như loài chim, không làm nghệ thuật, không cất được tiếng hát thì sẽ ủ rũ, cái chết càng đến nhanh”. Anh có cái lý của anh, nói mấy cũng không được. Thuộc về bệnh nghề nghiệp rồi.
 
Đêm về khuya, người càng đông. Dân ở đây khao khát nghệ thuật đến tội nghiệp. Từ cù lao Tân Phong chạy đò máy qua, từ Nhị Bình, Long Định đạp xe đạp xuống. Họ đến để nghe, để được hát một đôi bài, hoặc được khề khà bên chung trà, chén rượu để bàn chuyện ruộng vườn, chuyện thời tiết, đất đai. Yêu cầu giao tiếp của họ giản dị, mộc mạc nhưng cũng lắm chân tình. Đã 11 giờ đêm vẫn chưa nghe ai bàn chuyện ra về. Làm sao từ giã họ trong tình thế này.
 
-  Đây ! Cô tới ngồi đây với cô Năm, vợ chú Tân. Sao cô qua khuya quá vậy cô Thắm ?
 
- Chèn ơi ! Tính không qua mà lỡ hẹn với anh phải qua để không thất hứa. Ba cái  sầu riêng hái đầy đàn đầy đống ở nhà, mấy ngày nay làm có ngơi tay đâu. Ờ ! Chào chị ! Nghe tối nay có anh chị tới hát ở đây nên tôi ráng thu xếp chạy qua chơi giây lát rồi về. Anh nhà cũng khỏe hả chị ?
 
-  Cô ngồi xuống đây đi. Chị ân cần mời.
 
Người phụ nữ ngồi xuống cạnh chị, chăm chú nhìn về phía anh đang hát. Gương mặt tròn với làn da rám nâu mịn màng. Mái tóc bới gọn gàng sau gáy, bộ ngực nở nang sau lần áo mút-sơ-lin màu măng cụt. Đôi mắt đã có vết nhăn nhưng trông cô vẫn còn trẻ hơn chị. Người phụ nữ này ngày xưa chắc mặn mà duyên dáng lắm.
 
Người đàn bà lấy tay che miệng cười rồi quay sang nói với chị bằng giọng xúc động :
 
- Nói thiệt chị đừng buồn, ngày xưa tôi thích anh Tân hát lắm. Nghe đoàn Văn công của ảnh về dù bom pháo cỡ nào tôi cũng lội. Ảnh với tôi hồi đó học chung trường tiểu học Cái Bè, chiều chiều hai đứa thường lội đua qua sông, có bữa ảnh đè đầu tôi, sặc nước muốn chết . Ông này hồi nhỏ rắn mắc dữ lắm. Sau này ảnh theo đoàn Văn công ít khi gặp lại, chắc bây giờ ổng quên tôi rồi. Ảnh khỏe không chị ?
 
- Ảnh bị tim, cũng bất thường lắm cô ơi. Vậy mà đi hát hoài nói không nghe.
 
- Tội nghiệp ảnh, thời đi học cực khổ vô phương. Lớn lên theo kháng chiến đội bom, đội đạn, vậy mà thấy ảnh cũng không già gì mấy, giọng hát còn ngọt lắm. Bữa nào tôi đem tàu rước chị với ảnh qua vườn tôi chơi, gần đây chứ có xa xắc gì.
 
- Cám ơn cô. Để tôi nói lại với ảnh. Chỉ sợ qua cù lao có công chuyện gì chạy vô nhà thương không kịp. Coi vậy chứ chết hồi nào không hay đó.
 
Người phụ nữ nhìn chị dò xét :
 
- Chết đâu lẹ vậy ? Bây giờ già rồi đi đây đó thăm bạn bè cho vui. Coi đi coi lại bạn học ngày xưa còn đâu có mấy người, sống rời rạc buồn lắm. Mai mốt chị cần giống  cây gì qua tôi tiếp tế cho. Chị em không chớ ai xa lạ đâu mà chị ngại.
 
- Cám ơn cô rất nhiều. Để tôi đi kêu ảnh lại gặp cô nói chuyện.
 
Người phụ nữ bỗng bối rối đứng lên, kéo vạt áo lại cho ngay ngắn, phân bua:
 
- Thôi ! Đừng kêu, khuya rồi để ảnh về nghỉ. Gặp được anh chị đây là mừng rồi, khi nào rãnh tôi qua thăm anh chị. Nói với ảnh có Út Thắm qua chơi coi ảnh còn nhớ tôi không ? Thôi chị ở về sau, tôi đi. Khuya quá đi đường sông cũng ngán lắm. Thôi tôi về nghe chị.
 
-  Đâu có được.Đã đến đây thì phải gặp ảnh rồi mới về. Cô làm gì lật đật dử vậy?
 
- Ngồi nảy giờ cũng lâu rồi. Về lo vô giỏ ba cái sầu riêng đặng khuya đi Sài Gòn sớm.  Để xong việc rồi tôi qua thăm anh chị, kế bên đây mà lo gì.
 
Như sợ bị chị cầm giữ, người phụ nữ nhanh nhẹn bước ra đường. Nhìn theo những bước đi vội vã chị cảm thấy tồi tội thế nào.
 
Bất giác chị mỉm cười. Chị nhớ những người phụ nữ đã từng ái mộ anh, trong đó có người chân chất, dễ thương như người phụ nữ nầy nhưng chị chưa thấy anh anh tỏ ra có tình ý gì với ai. Nhiều lúc chị tự hỏi, không biết trong ngóc ngách sâu kín của tâm hồn, anh có chôn chặt bóng hình nào khác ngoài chị không ?
 
Mỗi người đàn ông là một thế giới kỳ lạ. Có người kín đáo (nhất là phương diện tình cảm) đến độ khi họ mất đi rồi mới hay họ có những mối tình đậm đà với người khác.
 
Nhưng dẫu sao với chị, một đời được sống bên anh, tuy chuyện vợ chồng đôi lúc cũng nổi lên nhiều sóng gió nhưng đến tận bây giờ chị vẫn một mực thương anh, thương cái tính tốt lẫn nết xấu, yêu cái tài hoa lẫn những yếu kém trong nghệ thuật, quý anh lúc còn trai tráng khỏe mạnh cũng như khi đã già nua yếu đuối. Bên cạnh vinh quang của cuộc đời làm nghệ thuật thì chị xem hạnh phúc riêng cũng là một mặt của nghệ thuật. Bởi có những cặp vợ chồng càng ở bên nhau lửa lòng càng nguội lạnh, cuộc sống lứa đôi chỉ là sự chịu đựng . Còn gì cay đắng cho bằng khi hai người sống gần nhau mà quay lưng lại với nhau.
 
Bây giờ già, tánh tình con người trở nên thâm trầm hơn. Vợ chồng già mà còn quấn quít với nhau được thì  nghĩa tình sâu nặng lắm.
 
Nghĩ cho cùng, nếu ngày xưa anh có xao lòng trước người phụ nữ nào thì chị cũng xem đó là chuyện thường tình, cũng không nỡ trách anh vì anh là một con người, mà con người thì phải biết rung động trước cái đẹp, phẩn nộ trước cái xấu, cái ác, nhất là những người làm nghệ thuật như anh. Chị cám ơn Trời đã dun rũi cho chị gặp đươc anh.
 
                                            ***
 
Đêm đã khuya, vất vả lắm chị mới lôi anh ra được. Anh len lén dắt xe ra khỏi ngõ mới dám nổ máy. Xe chạy chầm chậm trên những con đường ngoằn ngoèo quanh rừng nhãn. Hương nhãn thơm phưng phức cả một khoảng không gian. Ngồi sau lưng anh, đi giữa hương hoa của đất trời chị thấy lòng dậy lên niềm xuyến xao kỳ lạ.
 
- Em mệt không ? Anh khẽ khàng hỏi.
 
- Không. Đêm nay cũng vui chớ ông.
 
- Ờ . Gặp được bạn bè là vui, bữa nay được hát chung với em càng vui gấp bội.
 
- Thiệt hôn ! Vừa phải thôi. Già rồi còn bày đặt tán tỉnh.
 
- Mình nói nghe lạ à nghen. Bộ già rồi không biết yêu sao mình ?
 
- Yêu ai ?
 
- Thì yêu bà chứ yêu ai. Mà lạ thiệt chớ, mấy tay nghệ sĩ thường  dang dở hai, ba mối tình, còn tôi đến bây giờ cuối đời cộng sổ lại cũng chỉ nguyên si, độc quyền một mình bà. Bà thấy tôi tốt đặc biệt chưa ? Không biết ông Trời sanh ra tôi còn sanh ra bà chi nữa cho tôi khổ.
 
- Mệt ông quá ! Phải đúng chắc như vậy không đó ? Hồi nãy có cô Út Thắm bên cù lao Tân Phong qua kiếm ông. Người yêu cũ không rủ cũng đến, bữa nay tôi mới phát hiện được mối tình đầu của ông.
 
- Út Thắm cù lao hả ? Sao không kêu tôi ra gặp cô ấy một chút ?
 
Chị cười nụ :
 
- Ai biết đâu. Định kêu thì cổ cản không cho. Tôi lại sợ ông gặp cổ rồi tim ông nó nhồi bậy bạ thêm khổ.
 
Anh  phân trần :
 
- Bạn học hồi nhỏ đó. Không đi kháng chiến, ở nhà cưới nó rồi. Đẹp gái mà đảm đang lắm. Nó mê anh hát như điếu đổ, cũng tội nghiệp cho con nhỏ.
 
- Bây giờ cưới cũng còn kịp. Chồng hy sinh rồi, lại giàu nữa.
 
Anh phì cười :
 
- Tầm bậy tầm bạ quá. Dên dên kêu tới nơi còn cưới nỗi gì. Một mình bà tim tôi còn đập trật nhịp đây, hai bà chắc bức tim quá.
 
- Ủa ! Tới nhà rồi sao ông không quẹo vô.
 
- Hà hà ... tôi quên. Mê nói chuyện với bà mà quên đường về.
 
Chị cười tủm tỉm, nhéo anh một cái đau điếng.
 
                            ***
 
 
- Ông à ! Dậy tập dưỡng sinh, hơn năm giờ rồi. Chị giật nhẹ chân anh nhưng bàn chân lạnh tẻo. Chị hoảng hốt gọi :
 
- Ông à ! Ông có sao không ?
 
Anh vẫn nằm yên, hơi thở hoi hóp, mệt nhọc. Chị vội vàng đi lấy dụng cụ đo huyết áp. Kim chỉ số 20 rồi dừng lại, tiếng tim đập thình thịch, rất nhẹ.
 
Huyết áp tăng cao khiến anh có vẻ hôn mê. Chị chạy xuống bếp làm ly chanh đường nóng, lấy viên hạ huyết áp rồi chạy đến bên giừơng.
 
- Ông à ! Ông ơi ! Có sao không ông ?
 
Nước mắt chị chực ứa ra. Chị vội đỡ đầu anh lên, nhét viên thuốc vào miệng, đổ mấy muỗng nước chanh. Anh cố nuốt một cách khó khăn, mắt nhắm nghiền, gương mặt đỏ hồng như người say rượu.
 
Chị bấm mấy huyệt hạ đường huyết ở thái dương, xoa đều hai bên mang tai, hai bàn tay, hai bàn chân. Mồ hôi chảy ròng ròng trên trán chị. Hồi lâu sau, anh lờ đờ mở mắt, giọng ú ớ trong miệng:
 
-  Không sao ... ao ...  đâu. Anh ...vẫn ... sống ... ống ...
 
Chị nửa cười, nửa mếu, cằn nhằn :
 
-  Chết đến nơi cũng còn giỡn, làm như Nguyễn Văn Trỗi không bằng.
 
Chị cúi xuống hôn lên trán anh, âu yếm hỏi :
 
-  Ông đỡ chưa ? Tôi đi bắc nồi cháo. Ăn cháo với cá bống kho tiêu cho nó nhẹ bụng. Chắc tại hồi hôm thức khuya hét hò tới bến nên mới vậy đó, ông lậm  nặng rồi.
 
- Cho heo bú rồi nấu cháo. Heo chết hết ... tiền.  Còn tôi ...
 
- Mệt ông quá ! Làm hết hồn hết vía. Một tháng ông bệnh vài lần  là tôi đi trước.
 
- Dễ gì ! Phải chờ tới... số mới đi được.
 
- Nằm yên đây ! Có gì gọi tôi liền, tôi đi nấu cháo.
 
Nồi cháo gạo Nàng Thơm đã nhừ. Chị múc ra hai chén, một dĩa rau lang luộc cho anh ăn không ngán, một dĩa cá bóng kho tiêu. Món ăn này xưa nay anh rất thích, mỗi khi bệnh ăn món cháo này vào thấy ấm bụng lắm. Chị cẩn thận đặt từng món vào mâm. 
Mồ hôi nhỏ dài trên lưng áo nhưng lòng chị vui. Vậy là anh vẫn còn bên chị, hủ hỉ bên nhau sớm tối. Không hiểu sao càng ngày chị càng sợ giây phút phải xa lìa anh mãi mãi. 
14/1/2005
Kim Quyên
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...