Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơiXXXX

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!

Má ơi con vịt chết chìm
Thò tay vớt nó con cá lìm kìm rỉa tay
Ca Dao
 
Lép kép! Lép kép! Con vịt con thò chiếc mỏ vàng nhỏ xinh xắn rỉa mấy hột cơm tôi vừa mớm ra cho nó ở miệng. Nó ngước lên nuốt mấy hột cơm, chiếc cổ nhỏ xíu ngửng lên trời ngửa ra sau, xong nó dương đôi mắt khù khờ ngó tôi kêu lép kép chờ đợi. Tôi đưa vịt con cạ cạ lông nhung mịn của nó lên má mình, lòng rạt rào sung sướng, thương quá là thương! Tôi sáu tuổi, con vịt con vừa nở được năm ngày. Nó đưa chiếc mỏ rỉa trong vành tai tôi nhột nhột khiến tôi rụt đầu ngoẻo cổ qua một bên. Vậy mà đã ghê. Vịt con thủ thỉ chuyện trò với tôi, lép kép! lép kep!... Chỉ có một mình tôi hiểu được em tôi muốn nói gì.
Tôi mở tay ra. Con vịt nhỏ nằm gọn lỏn trong hai bàn tay tôi, ngoan ngoãn, lép kép! lép kép! Toàn thân con vịt màu vàng, lông tơ mịn màng non nớt thơm tho, mỏ và chân hơi ửng màu cam, trên mỏ có chấm hai lỗ thở nhỏ xíu, mắt tròn vo đen lay láy, ngây thơ ngờ nghệch. Lép kép! lép kép! Tôi lại mớm cho nó mấy hột cơm. Tôi dặn nó kêu nho nhỏ, sợ má nó nghe được chạy tới đòi lại. Má nó là con vịt xiêm mái cồ đã đẻ nhiều lứa, giữ con thiệt hay nhưng cũng rất dữ tợn, ba tôi gọi con vịt mẹ này là con vịt Mẫu Hậu. Có lần tôi bắt con nó để giỡn chơi bị nó bay đáp lên đầu vừa quào vừa mổ chảy máu, tôi la khóc chói lói và cũng kể từ đó tôi sợ nó lắm.
Vì vậy lần này tôi lén bắt con vịt vàng nhỏ trốn ra góc hè, ngồi dựa vách lá chỗ khuất để được tha hò mà tưng tiu trững giỡn với nó. Mà nói cho ngay, con vịt vàng này là của tôi chớ không phải là con ruột của con Mẫu Hậu. Cách đây đâu chừng ba tuần lễ, má tôi biểu tôi ra đồng lùa vịt. Tình cờ tôi lượm được một trứng của con vịt mái nào đó đẻ rớt. Tôi đem về lấy mực làm dấu rồi lén bỏ vô ổ cho con Mẫu Hậu ấp chung với mấy trứng khác cùng chạng. Vịt xiêm biết ấp trứng, còn vịt ta thì không biết. Chừng nở ra mấy con vịt kia đều cùng một họ Xiêm lớn con màu xám có hai chấm vàng trên cánh, chỉ có trứng vịt làm dấu của tôi là nở ra con vịt nhỏ nhứt vàng lườm vô cùng xinh xắn. Nhưng con Mẫu Hậu không kì thị chủng tộc một chút nào, con nào cũng là con của nó hết, tôi rớ tới con vịt vàng là bị nó xòe cánh mổ liền. Còn giống vịt cũng ngộ lắm, khi nở ra là theo riết người mẹ mà nó ngó thấy trước tiên lúc mở mắt. Bởi vậy nên mới có cái cảnh mẹ gà con vịt chít chiu, khi lũ vịt con chạy ùa xuống nước bơi lội thì mẹ gà chỉ còn nước đứng trên bờ gọi khan cả tiếng … rồi rút khăn mù-xoa ra mà lau lệ.
Trước khi xảy ra vụ Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương và phong trào Việt Minh nổi dậy, gia đình tôi sống tại châu thành Bạc Liêu, ba và anh Hai tôi chung sức tạo dựng được một trại mộc nhỏ. Khi giặc giã tràn tới, gió bụi nổi lên tơi bời, anh Hai và anh Ba tôi theo kháng chiến chống Tây, còn ba tôi thì đóng tam bản chở gia đình đi tản cư. Sua hơn một năm lang bạt kỳ hồ, muỗi cắn đỉa đeo, kẻ đau gan người mang bịnh thũng, chúng tôi chịu đời không thấu nên hồi cư.
Về thành, trại mộc đã mất, ba tôi bèn biệt kinh kỳ tấp về Xóm Mới ở ngoại ô Bạc Liêu làm lại cuộc đời. Chúng tôi ở nhà mướn, ba tôi cất một trại mộc mới nhỏ hơn, cùng với anh Hai và chú Chín câm điếc của tôi bào đục, tự lực cánh sinh. Còn má tôi thì nuôi thêm gà vịt đắp đỗi. Má tôi vốn người quê mùa miệt Cờ Đỏ nên cũng ham nuôi heo nuôi gà nuôi vịt lắm. Tôi cũng ham không kém vì lần nào có một lứa gà hay vịt nở, má tôi đều cho tôi tự ý lựa chọn một con làm bạn riêng và tha hồ cho tôi tưng tiu chăm sóc nó. Vì vậy, khi trứng bắt đầu khẻ mỏ, tôi cứ túc trực canh chừng bên ổ, mặc tình cho mấy con mạt gà (một loại giống như bồ mắt) từ gà mẹ hay từ ổ bay ra chun vô áo mà cắn, ngứa ngáy gãi sướt cả da. Tôi gàn lì ở lại giúp cho gà con và vịt con khẻ mỏ gấp gấp và chun ra khỏi vỏ mau mau. Mỗi bận một con nở ra là mỗi bận tôi reo mừng và thú vị hết sức.
Cùng lứa với con Mẫu Hậu là con vịt xiêm đực, hỗn danh Đại Bàng, tên này cũng do ba tôi đặt. Con Đại Bàng mắc chứng cuồng dâm nên vịt xiêm, vịt ta, vịt lớn hay vịt nhỏ gì đều cũng bị nó đạp mái ráo trọi. Cả gà ngỗng cũng bị nó hiếp dâm luôn. Gà mái bị đã đành, gà trống cũng bị như thường. Gặp nhầm gà nòi đá độ, anh chàng bị phang cho mấy cựa đổ máu giạt ra mà rồi cũng bị Đại Bàng đáp đại lên lưng mổ cắn trì kéo lỗ tai heo và vặn vẹo cái đuôi vịt, không biết ý gì. Bận khác, bà chủ nhà của tôi ra ngồi ở bãi cỏ khuất mà giải thủy, tưởng đã yên chí, ai dè Đại Bàng nằm vùng ở đó tự lúc nào bèn đưa mỏ cứng ướm thử cái bàn ngồi của bà chủ một phát. Bà la chói lói và chạy vô mắng vốn má tôi bà bị con vịt phải gió của nhà tôi nó rỉa. Ba tôi che miệng cười khúc khích nói nhỏ với anh Hai tôi: “Gặp tao tao cũng rỉa nữa … huống hồ là con vịt!”
Mãi về sau này, dung rủi lần nọ khi đã tàn cuộc truy hoan trên mương lộ trước nhà, Đại Bàng còn hứng chí vỗ cánh phùng xòe bản Hành dâm khúc mà quên thu hồi báu kiếm, xảy đâu có chàng cá lóc lội ngang nhác thấy tưởng là mồi bở trồi lên đớp mất. Thế là … tàn đời bạo chúa! Nhưng Bạo chúa không chịu băng hà, cho nên mới chết dân lành. Vì khi bị dâm hành mà đạp mái không được, Đại Bàng nổi điên vỗ cánh bay lên ngọn cây rượt theo mấy con quạ và chim tu hú mà cắn mà mổ. Rồi một chiều mưa gió nọ, Đại Bàng đã lướt gió tung mây vĩnh viễn ra đi, vịt cồ nhất khứ bất phục phản (hay là bạo chúa đã xuống tóc đi tu?). Kể từ đó thanh bình mới thực sự được vãn hồi cho gà vịt heo ngỗng (và bà chủ nhà) trong Xóm Mới hiền hòa của tôi.
Nhưng đối với bà chủ nhà, tôi chỉ nể mà không ghét. Ghét là tôi ghét cậu em trai của bà chủ. Cậu này là bợm nhậu mút mùa, chó vàng chó vện gì mập mập mà lảng vảng trước mắt cậu là kể như tới số. Cậu đi đâu chó trong xóm hùa ra sủa vang rân tới đó. Thỉnh thoảng thiếu mồi, cậu lại ghé qua chuồng gà chuồng vịt của nhà tôi mà dòm dèm. Tuần trước cậu lại ghé nhà tôi mượn đỡ con gà, nói là để đưa ông táo về trời trong dịp cuối năm, Tết nhứt tới rồi. Về mặt lý thuyết, tôi chẳng có gì chống đối. Nhưng trên thực tế, ác thay cậu lại nhè chọn con gà giò mà má tôi đã cho tôi chọn bạn từ hồi mới nở, tôi chăm sóc rất kỹ, cứ ôm ấp hoài và cho ăn thêm nên nó mập bự hơn mấy con khác cùng bầy. Như vậy mới đổ nợ. Khi cậu chỉ tay chọn con gà ruột của mình, mặt tôi vụt xanh dờn bí xị và mếu khóc. Má tôi ôm tôi vào lòng và năn nỉ cậu chọn con gà khác mà cậu nhứt định không nghe, đã vậy còn lên mặt giận hăm he đuổi nhà. Khi cậu thò tay ẵm con gà giò của mình, tôi lăn ra khóc sướt mướt. Má tôi cũng sụt sịt và hết sức dỗ dành tôi. Má tôi hứa khi vịt nở, má tôi sẽ đền cho tôi con khác. Tuy vậy, tôi cũng tỉ tê cả buổi trời.
Rồi buổi chiều hôm đó, tôi lén má ra sau hè nhà bà chủ lượm nắm lông tàn của con gà ruột của mình, đoạn giấu đem ra ruộng phía bên kia mương lộ mà chôn cất gần giếng nước. Bên bờ giếng, tôi dành một khoảng đất nhỏ để chôn cất mấy con vật đã cùng tôi bầu bạn một thời: chim sáo, cá lia thia, dế than, trâu đất, cu cườm… Tôi không chơi đá cá đá dế. Cá và dế của mấy thằng lỏi trong xóm cho đá với nhau tới lúc trầy vi tróc vẩy, sứt càng gãy gọng ngất ngư hết mới chịu quăng ra. Tôi lượm về rán lấy nước muối và đất sét chập chộ cho tỉnh hồn. Mấy thương binh gượng sống ngắc ngoải thêm được ít bữa mới chịu nhắm mắt lìa đời. Tôi khóc lóc và đem đi chôn ở nghĩa địa riêng của mình bên kia bờ giếng.
Mà khi tôi khóc, mấy thằng nhỏ trong xóm bèn xúm lại kêu ngạo tôi. Hồi đó, lúc khóc chắc là tôi xấu lắm. Lúc năm sáu tuổi, răng tôi bị siết ăn đen sì rụng sát nướu, chỉ còn trơ lại hai chiếc răng chó ở hàm trên, cũng đã bị ăn khuyết mòn xung quanh. Hết răng thì móm, dĩ nhiên. Vì vậy, khi tôi nhăn nướu đen siết ra khóc, tụi lỏi xúm lại nhạo tôi, “bà già móm tóm lưỡi câu, ông già râu câu cá chốt”, hoặc ác hơn “sún răng bắt cầu chía ỏ” (xin đừng nói lái mà chết cái duyên thằng nhỏ).
Sau khi cạy mô đất nẻ và vùi chôn nắm lông tàn bên dưới, tôi lại ngồi bẹp một bên mà thút thít ngậm ngùi chứa chan lệ đẫm. Sắm sanh nếp tử sa châu, Vùi nông một nấm mặc dù cỏ hoa, trải bao thỏ lặn ác tà … Tỉ tê như vậy không biết bao lâu. Tới khi nghe tiếng má kiếm và kêu tên mình từ phía bên kia mương lộ “Kiệt ơi! Kiệt à!” tôi mới giựt mình ngơ ngác. Tôi quẹt nước mắt đứng dậy đi trở ra mương lộ, rồi leo qua chiếc cầu khỉ trở về nhà.
Trời gần Tết, gió hiu hiu lạnh…
Hai bữa sau ổ vịt xiêm nở ra được mười một con, trong đó có Em vịt vàng nhỏ của tôi. Đối với tấm lòng thơ ấu của tôi, vịt vàng là đứa con rơi, mồ côi mồ cút, con Mẫu Hậu là má nuôi của nó, còn tôi là anh ruột của nó. Vịt vàng em tôi đã tới kịp thời xoa dịu lòng đau khổ của anh mình và lấp được chỗ trống trải trong con tim ấu thời do con gà bạn thân vừa chết đi để lại. Nhưng vịt vàng còn quá nhỏ, chưa truyền được hơi ấm như những lần tôi luồn tay dưới bụng con gà giò ngày xưa mà ôm vào lòng yêu ấp. Tuy nhiên, tiếng thủ thỉ lép kép! lép kép! ngây thơ của nó cũng chở được vào tâm hồn đứa nhỏ sáu tuổi biết bao là hạnh phúc tuyệt vời!
Vịt vàng lại đưa chiếc mỏ nhỏ xíu rỉa mấy hột cơm giữa hàng răng sún của tôi. Bỗng trên thinh không Ầm!!! một tiếng long trời lở đất, tôi giựt bắn người hết hồn, con vịt vàng cũng la chét lên một tiếng thất kinh. Ầm!!! Ầm!!! hai tiếng nổ long trời khác tiếp theo liền, trên đầu đạn bay véo véo. Tôi còn đang chới với thì vịt vàng đã sút khỏi tay tôi rớt xuống đất lăn cù rồi đứng dậy chét! chét! chét! chét! gọi má thất thanh, bỏ chạy. Con Mẫu Hậu nghe con kêu cứu cũng lên tiếng đáp ứng và từ xa chạy tới. Vịt vàng mừng quá nhào vô quấn lấy cẳng má mình ẩn núp. Cảnh tượng trước mắt gợi lại trong trí tôi cái Tết năm ngoái trên đường tản cư, khi má tôi dừng mái chèo lại trên dòng sông Vĩnh Phước để cứu vớt ba mẹ con người đàn bà chạy giặc sắp chết đuối, xung quanh đạn lửu bừng bừng, người trúng đạn té xuống sông lòi ruột. Má tôi đã đưa tay kéo đứa nhỏ gái cho đeo cột chèo để má nó trồi lên ôm đứa con trai độ hai tuổi lội qua bên kia sông an toàn. Và đứa nhỏ gái cũng đã lên tiếng gọi má nó thất thanh như con vịt vàng nhỏ của tôi giờ đây vậy. Cũng một giọng cuống cuồng, cũng một điệu thảng thốt, rát ruột. Cho tới khi má tôi trả đứa nhỏ gái lại cho má nó bên kia bờ sông và người đàn bà bồng hai đứa con lẫn khuất trong đám người chạy giặc hỗn loạn tôi mới hết nghe nó kêu khóc. Chỉ mới năm ngoái thôi nên hình ảnh còn rất rõ rệt.
Thấy con Mẫu Hậu cất cổ gọi hết bầy con lại và xù lông bảo vệ, mồng trên đầu và trên mặt đỏ ké dữ tợn, tôi không dám nhào vô mượn đứa em ruột của mình trở lại.
Ầm! Ầm! Ầm! Ầm!... Tiếng cà nông thụt từ bót “Hội Đồng Điều” cách nhà tôi khoảng một trăm thước tiếp tục rền rĩ xé trời. Sở dĩ bót mang tên như vậy là vì ngôi nhà cao cẳng của ông Hội Đồng Điều bị người Pháp trưng dụng và cất thêm lô cốt xung quanh để làm đồn bót chận đường Việt Minh.
Tôi ngó theo hướng đạn đang bay về miệt Trà Kha, thấy mấy ngọn cau miệt đó gẫy gục, khói bốc lên ngùn ngụt. Miệt Trà Kha cây cối um tùm và rạch sình chằng chịt, du kích quân thường ẩn núp trong đó, chờ đêm tối kéo ra đánh đồn phá bót rồi lại rút về đó dưỡng quân. Thỉnh thoảng Tây kéo lính, công voa và thiết giáp vô Trà Kha ruồng bố. Chiều qua đã có chạm súng đụng độ và xe cứu thương hụ còi chạy ngang nhà tôi, nghe nói lính ở thành bị lọt phục kích chết nhiều. Có lẽ vì vậy mà bây giờ Tây thụt cà nông vô đó trả thù. Hoặc không chừng pháo kích trước để chuẩn bị hành quân càn quét. Xe díp cứ xẹt tới xẹt lui ngang Xóm Mới tôi từ sáng tới giờ. Nhiều khi mấy ông còn kéo về tận xóm tôi và núp sau mấy cái mả đá bắn phá và liệng lựu đạn qua bót Hội Đồng Điều. Lính trong đồn xả súng liên thanh và mọt chê tưới sượi vào xóm tôi, nhà nào nhà nấy đều bị thủng đạn, cháy vách bể ngói lung tung! Bởi vậy nhà nào cũng có đào hầm trú ẩn ngay bên trong, nhà tôi cũng vậy.
Khi có chạm súng, ai nấy đều sợ mất vía nên tự động nhào hết xuống hầm. Chỉ trừ có chú Chín tôi vì điếc không sợ súng nên cứ đứng sổng lưng tự nhiên mà coi đạn bay đỏ trời và còn phát âm dễu dễu! dễu dễu ! mấy tiếng trầm trồ thán phục. Can không nổi. Lúc nào bắn rát quá, kèo lá trên nóc nhà gẫy tuôn hết xuống ào ào, má tôi niệm Phật lia lịa, còn chị Tư tôi thì đội cái thau nhôm trên đầu, răng cỏ đánh bò cạp lốc cốc và đái trong quần luôn hồi nào không hay. Còn tôi thì cứ đau bụng mắc ỉa thúc tới, cẳng chưn lạnh ngắt, miệng khô queo.
Cuộc pháo kích còn đang tiếp diễn đinh tai nhức óc thì ba tôi từ trong trại mộc bước ra sân ngó lên trời chửi đổng:
- Đ.m! Năm nào cũng vậy, hễ Tết nhứt tới là có sanh giặc. Thiệt tình! hổng có năm nào bà con được yên ổn ăn Tết một lần thử coi.
Đoạn day qua thấy tôi đang đứng xớ rớ ở xó hè, ba tôi lên tiếng:
- Thôi mầy với thằng Lộc sửa soạn tao dắt đi chợ Tết. Bữa nay hăm chín, chiều nay là hết họp chợ rồi. Đi cho kịp trưa nay mua chút đỉnh đồ với thịt heo ba rọi về tao kho để dành Tết ăn.
Tôi nghe nói mừng lắm. Thế nào cũng có thèo lèo cứt chuột, hột dưa, tôm khô củ kiệu, mứt dừa, mứt bí. Hơn nữa, gì chớ ba tôi mà kho thịt heo với cá bóng kèo kiểu Bạc Liêu là số dách. Cá ông chỉ rửa sơ, không cạo nhớt, rồi để cá sống nhăn nguyên con như vậy mà đổ vô nước sôi đậy nắp lại, cá bóng còn nhảy soi sói trong nồi lụp bụp. Chặp sau, ông giở nắp ra vớt cho tới khi hết bọt rồi mới rót nước mắm ngon vào mà nêm nếm. Khi chín, con cá mềm sùi và còn nguyên chất ngọt. Phần bụng và đầu nhẩn nhẩn để cho người lớn, tôi thì hẩu xực cái đuôi. Còn kho thịt, ba tôi lựa mua thịt heo ba rọi có nhiều mỡ, cắt cục vuông thiệt lớn, lấy cọng lát buộc chéo ngang. Xong ông đốt lửa riu riu, kho thiệt lạt và kho thiệt nhiều bận lửa. Chừng đem ra ăn, mỡ đã rệu, chỉ cần mó đũa vào là mỡ phao ra, đưa vào miệng là chỉ có nuốt cái hương vị béo bùi, thả bánh tét vào nhâm nhi là hết xẩy. Ăn từ mùng một tới mùng ba vẫn không biết ngán, vì càng nhiều lửa, thịt càng mềm mỡ, càng rệu. Hễ tới tết là ba tôi giành để chính tay mình kho thịt. Má tôi kho ông chê nạc nhiều thịt cứng và mặn. Má tôi thì làm những món khác như hủ qua hầm, gà rô ti, vịt cà ri, bánh tét, cải món, dưa cải, dưa giá … cũng ly kỳ lắm. Hồi nhỏ tôi ăn cái gì cũng thấy ngon và sướng ran, khoái tỉ. Nhà nghèo nên cũng ít khi được ăn nhiều món như trong dịp tết. Quần áo má tôi xỏ kim may lấy cho tôi và Lộc – không biết bà học may ở đâu. Bận vô, bâu vè bẹt ra, túi thẳng hai cái hai bên coi cũng le lói như ai.
Trước nhà tôi có cái mương nhỏ lưa thưa cỏ lát mọc và bèo nổi. Kế mương là bờ đất cỏ dại, giáp ranh đường lộ lởm chởm đá xanh loang lở, rồi một bờ đất khác tiếp nối dốc xuống mương lộ rộng chừng ba thước có cầu khỉ bắc ngang, bên kia là ruộng lúa với giếng đào chứa nước mưa ngọt và cái nghĩa địa của tôi nằm cạnh bờ giếng. Tôi bước ra trước nhà, ngó thấy cách đó không xa con Mẫu Hậu đang dắt bầy con kiếm ăn ở mương nước, lũ vịt con vừa kêu lép kép vừa chìa mỏ rỉa vào bèo nổi, con vịt vàng nhỏ của tôi tách rời với hai con vịt xám khác, cách vịt mẹ đâu chừng một thước. Tôi đi về phía đó tính lùa vịt về chuồng ở sau nhà nhốt lại.
Chợt từ phía bót Hội Đồng Điều vọng lại tiếng động cơ ồn ào, mỗi lúc một lớn hơn, mỗi lúc một gần hơn. Có lẽ đoàn công-voa đang bắt đầu chuyển dịch. Rồi từ phía xa, một chiếc xe heo nọc trờ tới, mỗi lúc một rõ dần, chiếc xe bọc thép mở đường có gắn súng lớn xung quanh, mũi xe đeo ống dây cáp sắt để trục xe sa lầy, hai bánh trước chạy bằng cao su thường, hai bánh sau chạy trên xích sắt, khi di chuyển dây xích nghiến nát đá đường chát chúa điếc tai, mặt đất rung rinh chấn động. Khi xe thiết giáp dẫn đầu còn cách bầy vịt độ năm thước, bỗng dưng con Mẫu hậu ngửng đầu ngó lên rồi chợt giựt mình nhảy phóc ra khỏi mương vọt chạy băng qua phía bên kia lộ, dắt theo tám con vịt xám nhỏ - tôi không kịp phản ứng gì hết. Vịt mẹ dừng lại bên kia mương cất tiếng kêu réo đám con còn kẹt lại ở mương nhỏ bên này.
Vừa khi đó chiếc xe bọc thép mở đường cũng đúng nhịp trờ tới lướt qua mặt tôi, trực chỉ Trà Kha, xích sắt rần rật lay chuyển mặt đất dưới chân chỗ tôi đang đứng. Chiếc xe cam nhông chở lính đầu tiên từ từ tiến tới, chậm rãi nối đuôi theo xe thiết giáp. Từ từ, từ từ… Bên kia đường vịt mẹ vẫn tiếp tục gọi con, giọng kêu hoảng hốt, lo lắng. Ba con vịt nhỏ lại vụt nhảy lên mương rồi vọt băng qua phía bên kia đường, tôi dang tay ra cản ngăn không được. Chiếc cam nhông trờ tới… Hai con vịt xám lẹ chưn chun tọt dưới lườn xe biến mất, con vịt vàng nhỏ của tôi cũng vọt theo, tôi cũng vọt theo. Bỗng em tôi vấp bánh sau của xe cam nhông dội lại, tôi cũng dội lại, đuôi xe kình càng lướt qua sát rạt bên mũi, mấy người lính lê dương râm ria xồm xoàm ngồi trên xe chồm ra la ó vang rân và khoát tay đuổi tôi trở lộn vô bờ lề. Chiếc xe cam nhông thứ hai từ từ tiến tới, động cơ rù rì, bí mật, lạnh lùng, vô giác. Từ từ, từ từ… bánh xe cao su từ từ lăn tới…
Con Mẫu Hậu vẫn tiếp tục gọi con thảng thốt. Hai con vịt xám nhỏ đã qua được bên kia đường an toàn và nhập bầy. Chỉ còn lại bên nầy đường có mỗi con vịt vàng nhỏ của tôi đang chạy lăng xăng cuống cuồng và tôi cũng đang cuống cuồng rượt theo. Tôi cúi xuống chụp nó mấy lần nhưng chụp hụt. Má nó lại cất tiếng réo gọi. Con vịt vàng ngửng cổ nghe ngóng rồi bỗng lại vọt phóng trở ra giữa lộ thần tốc. Chiếc xe cam nhông thứ hai lăn tới áng khuất, cụm lông mịn màng không còn ngó thấy đâu nữa, tôi chỉ kịp nghe một tiếng “Chét” thảm thương bên tai, thôi rồi! chết em tôi rồi, tôi ngã quị xuống lề đường, đầu gối đập lên đá cục mà không cảm thấy đau đớn gì hết!... Chết em tôi rồi! Nhúm lông vàng dính trên bánh xe sau ghép đôi cuốn theo đoàn lính lăn đi, để lại vết máu đỏ tươi bằng bàn tay thấm ướt trên mặt lộ. Mình mẩy tôi vụt lạnh ngắt theo, chết em tôi rồi! Tôi hét lên một tiếng thất thanh ngã lật ra sau té lên bờ cỏ, nước mắt vọt ra xối xả, ruột gan nát ngướu như xác vịt con bấy nhậy giữa đường, tim gan rạn nứt bể vụn … Hết rồi! thôi hết rồi! chẳng còn gì nữa em vịt vàng nhỏ của tôi! Vĩnh biệt! Em ơi vĩnh biệt.
Tôi nằm lăn lộn giẫy giụa trên bờ cỏ, cổ họng thắt gút tắt nghẽn, không bật khóc được thành tiếng, chỉ còn biết hả miệng để kịp lấy hơi thở và để cho tiếng nấc tràn ra ngoài, trời đất xung quanh nhạt nhòe, cổ họng ngất ngất muốn bể tét. Mặt đất dưới lưng tôi tiếp tục chấn động dưới lốp cao su ghép đôi của đoàn xe cam nhông mười bánh rầm rộ, tiếng động cơ vẫn tiếp tục xầm xì dửng dưng lướt qua xịt phun xuống mặt đường mùi xăng khét nghẹt trộn lẫn bụi đường và khói xám xanh mù mịt. Rù rù rù rù rù … chiếc thứ ba … rù rù rù … chiếc thứ tư… rù rù rù chiếc thứ năm rồi chiếc thứ sáu… Mỗi lần xe lướt qua tôi lại nghe vang động trong đầu tiếng “chét” tuyệt mạng của em tôi. Rù rù rù rù… Chét! Rù rù rù rù chét!... Tôi úp hai bàn tay nhỏ của mình lên lỗ tai lăn người ngóc dậy, đầu gối quì trên lề cỏ, ngước đầu ngó ra giữa lộ.
Trên mặt đường không còn phân biệt được dấu máu và vết lông vàng của em tôi nữa. Hết rồi! Em tôi đã hoàn toàn biến mất trên thế gian này. Đoàn xe tiếp tục lăn qua chậm chạp, từ từ, nhưng tiếng động cơ phát ra xầm xì không đè át được tiếng “chét! chét!” thảm thương nhỏ nhít của em tôi còn đang chấn động từng chập trong cùng tận ruột gan mình. Tôi gẫy quặp người tới trước, hai tay cấu lấy bụi cỏ lông gà, ghịt kéo để cố dằn tiếng nấc đang cướp mất hơi thở mình… Bụi cỏ trốc gốc, tôi lại té ngửa ra sau, một chân lọt xuống mương nước, tôi nấc tiếp liền mấy tiếng bứt ngang hô hấp, miệng không thể nào khép lại được nữa, tôi nhăn hàm răng siết ăn ngó trời, lệ tuôn đầm đìa lai láng, trời mây trên cao tan loãng thành vũng nước mắt không còn hình thù gì nữa, tất cả mờ run mịt mùng, lung linh nhòe nhoẹt. Hết rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! em đã chết bỏ tôi thiệt rồi!...
Khi nghe tiếng xích sắt chát chúa của chiếc xe thiết giáp bọc hậu cuối cùng chấn động trên mặt đất, tôi biết là đoàn công-voa đã đi qua hết. Tôi ủ rũ bò dậy quì gối ngó ra mặt đường. Chẳng còn gì nữa dấu vết em vịt vàng nhỏ của tôi, chẳng còn dấu lông vàng, chẳng còn vết máu đỏ. Em của tôi đã vỗ đôi cánh nhỏ bay về trời mất tích! Tôi òa khóc thành tiếng… Tôi quặp người ghịt lấy bụi cỏ bật khóc ngất ngất, khóc ồ ạt, khóc quằn quại, khóc vật vã. Nếu rủi thời má tôi ngã ra chết lúc đó, có lẽ tôi cũng khóc nhiều đến như vậy là cùng. Tấm lòng thơ dại tan nát! Con tim ấu thời đã giập bể trên mặt lộ đá xanh lởm chởm! Hết rồi! Em đã bỏ tôi thiệt rồi! Tôi hét lên “trời ơi!” một tiếng xé ruột rồi rũ người nghiêng qua một bên, từ từ sụm trên mặt cỏ còn nặc nồng mùi xăng khói …
Tôi nằm co quắp bên lề đường, tay bấu lấy bờ cỏ khóc la thảm thiết như vậy không biết bao lâu. Như mê sảng. Tôi muốn mình mê sảng. Khi gặp chuyện quá dữ dằn, tôi ước rằng đó là một cơn ác mộng, một cơn mơ dữ. Tôi cắn vào đầu lưỡi. Tôi không nằm mơ. Tôi tỉnh táo. Không phải chiêm bao. Chuyện thiệt. Rõ ràng chuyện thiệt. Em vịt vàng nhỏ của tôi đã chết thiệt rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi không còn ở trên dương thế này nữa! Tiếng khóc quằn quại của tôi bật tràn ra cổ họng như thác lũ, rồi mòn mỏi theo đường suối đi nhỏ dần, dợn uốn nao nao và từ từ dịu tắt.
Tôi ngồi dậy hỉ mũi chùi xuống cỏ. Tôi đưa sống tay dụi lên tôi mắt ướt nhẹp và thở dài đứng dậy. Đầu gối chợt buốt nhói muốn té sụm. Tôi cúi xuống phủi mấy vụn đá nhỏ còn dính trên đầu gối, da rách sướt chảy máu rát nhức. Tôi bước ra lộ để lượm xác em tôi đem qua bên kia bờ giếng mà chôn cất. Nhưng trên mặt đường những vụn thịt, những vụn lông vàng non dại, những vụn đất và đá trộn lẫn chi li không còn phân biệt được gì nữa hết. Tôi mếu máo bước trở vô lề đường lượm miếng giấy nhựt trình xười rách dính phất phơ trên ngọn cỏ. Tôi phủi sạch rồi bẻ một nhánh cây bình bát mọc ven mương lộ tước hết lá. Tôi trở ra lộ ngồi chồm hổm cạy gỡ những mảnh vụn mà tôi nghĩ là của em tôi còn để lại trên cõi đời này và đùa vào miếng giấy nhựt trình gói thành gói nhỏ. Tôi đi ra mương lộ, dợm bước lên cầu khỉ để qua bên kia bờ giếng.
Dưới mương lộ, con Mẫu Hậu thản nhiên tiếp tục dẫn đàn con mười đứa còn lại tung tăng trên mặt nước rỉa rói quanh đám cỏ lác và bèo dại kiếm ăn. Đám vịt con xám buông tiếng kêu lép kép! lép kép! Tim tôi vụt se thắt. Tôi ngồi thụp xuống đầu cầu khỉ, ôm cứng gói nhựt trình nhỏ vào lòng và bật khóc trở lại sướt mướt. Lòng đau đớn quá đỗi. Nước mắt nước mũi ràn rụa. Tôi không oán hận gì hết. Chỉ thấy đau đớn. Quá đỗi đau đớn. Tôi thương quá chừng em vịt vàng nhỏ của tôi. Bây giờ nó đã chết rồi. Em tôi đã chết rồi. Tôi không oán hận chiến tranh. Ở tuổi thơ đó lòng tôi không biết oán hận. Tôi không oán hận chiếc xe cam nhông đã nghiến nát em vịt vàng nhỏ của tôi. Tôi không oán hận người tài xế đã lái chiếc cam nhông cán em tôi ra bấy nhậy. Tôi không oán hận đoàn lính Lê Dương ngồi trên chiếc cam nhông đó. Dù sao chiếc cam nhông cũng đã đi mất, đoàn công-voa cũng đã đi mất, người tài xế cũng đã đi mất, đoàn lính Lê Dương cũng đã đi mất. Có thể tối nay khi trở về có người đã chết, đúng vào đêm giao thừa.. Tôi hít nhẹ tủi thân, tấm tức. Và bật khóc trở lại lần nữa, lần nữa…
Dù thâm tâm mình khong mảy may thù oán, trong đầu óc non nớt của tôi bỗng phựt lên cơn giận dữ - cơn giận dữ gắn liền với cái chết, nỗi tang thương và sự khổ đau. Tôi giận con vịt Mẫu Hậu! Trong đầu óc khờ khạo của mình, tôi nghĩ tại vì nó đã ngốc nghếch cất tiếng réo gọi con mình cho nên em vịt vàng nhỏ của tôi mới băng qua đường cho xe cán chết thảm. Tôi lượm cục đất ở đầu cầu nhắm con vịt mẹ liệng tới. Cơn giận bay ra nửa chừng mãn hơi rớt ùm xuống nước. Con Mẫu Hậu giựt mình thốt kêu mấy tiếng rồi dắt đàn con lội đi nơi khác. Bỏ lại tôi ngồi chong ngóc ở đầu cầu khỉ tiếp tục khóc thút thít, khóc nghẹn ngào, khóc lẻ loi…
“Kiệt ơi! Kiệt à! Kiệt!”, tiếng má tôi từ hiên nhà bên kia đường vọng qua. Má tôi kêu tôi chạy về lạy cơm mâm cúng để rước ông bà về cùng gia đình chúng tôi chung vui ba ngày Tết. Đầu xóm ai đó đốt pháo đợi giao thừa, mừng mọi người. Cái Tết ấu thời nhỏ theo giọt lệ hồng của tôi sùi sụt. Nào ai có biết trong ruột gan đứa nhỏ sáu tuổi, một nửa cái Tết thơ ấu đó đã nát vụn theo con vịt vàng nhỏ em tôi giờ đây nằm trong gói giấy nhựt trình tôi đang ôm cứng trên bụng bên bờ mương nước mặn. Và một nửa cái Tết kia đã theo nhúm lông tàn của con gà bạn tôi mà vùi dập tự bao giờ bên kia bờ giếng nước ngọt, khi những nụ mai vàng theo gió Xuân mướt xanh vừa chớm nhú.
Một cái tết thơ ấu đã nát vụn và vùi dập bên hai dòng nước mặn ngọt, trong xóm nhỏ của tôi tự bao giờ…
Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Từ ngày em bị chiếc xe nhà binh mười bánh và chiếc xe tăng nghiến nát, cuộc chiến tranh không ngừng tiếp diễn khốc liệt ở quê hương hai anh em mình, đằng đẵng ba chục năm không hề ngừng nghỉ. Cuốn chìm phăng phăng trong dòng lửa sắt bất cưỡng, tôi may mắn và tình cờ còn sống sót. Và từ Xóm Mới ấm áp phương Đông mình, tôi dạt trôi tới phương trời Tây lạnh lẽo xa lạ.
Nơi tôi ở bây giờ, ngoại ô Paris, không có mai vàng. Chỉ có anh đào trổ một màu hường phơn phớt lợt mọc trên dốc đồi thoai thoải bên những cội lệ liễu xõa tóc dịu dàng.
Và năm nay đào lại nở!
Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở. Đào lại nở, tôi lại nhớ em tôi, em vịt vàng nhỏ xinh xắn tội nghiệp. Mỗi năm, khi vừa chớm đông, từng bầy vịt hoang và ngỗng trời từ Bắc Âu vỗ cánh bay ngang Paris, rồi di chuyển về miền Nam để trốn lạnh, sang đến tận Châu Phi.
Khi ngó lên trùng trùng chấm đen lướt qua cao vút trên đầu, lần nào tôi cũng tự hỏi không biết có em vịt vàng nhỏ của tôi trong bầy chim hoang đó hay không, và lần nào tôi cũng thầm lo ngại không biết em tôi có được đủ ấm như một thuở xa xưa nào khi Tết gần đến, tôi đã từng ôm em úm trong lòng  để mớm cơm cho em ăn và chuyện trò cùng em thủ thỉ. Nhưng tôi lại tự nhủ chắc là em không có mặt trong bầy vịt đang bay trên cao tít, bởi lẽ quê hương của em, quê hương của tôi, quê hương của anh em mình không phải ở đây. Tôi hình dung giờ này chắc em đang tung tăng bơi lội trong một vùng nước mặn ấm áp quanh năm trước mương lộ của nhà tụi mình ở Xóm Mới, miệt Hậu Giang phù sa mặn mòi, đồng ruộng phì nhiêu, quấn quít sông ngòi, đặc ngừ tôm cá.
Và em đang thò chiếc mỏ vàng xinh xắn rỉa vào đám bèo nổi kiếm ăn, buông tiếng kêu lép kép nhỏ nhít. Em đang gọi tôi cùng đến để chia sớt nỗi vui mừng rất trẻ con của em.
Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Cũng như mọi sinh vật khác trên đời, em đã từng có một tuổi nhỏ thơ dại và một trái tim thơ dại ẩn chứa trong lớp lông tơ vàng mịn êm đềm. Trái tim thơ dại đó đã truyền vào con tim ấu thời của tôi biết bao là thương mến, muôn ngàn thương mến, biết bao là cảm xúc, vô vàn cảm xúc, biết bao là hoan lạc, vô vàn hoan lạc, và cũng biết bao là đau đớn, đau đớn tưởng chừng có thể xé đứt ruột gan mình mà ngã ra chết được. Em đã cho tôi con tim thơ dại, tôi đã cho em tuổi ấu thời. Dù vẫn còn phưởng phất ở Xóm Mới mỗi độ Xuân về, con tim thơ dại và tuổi ấu thời đó đã có lần vỗ cánh thơ ngây bay tìm mùa Xuân trong trắng ở một vùng trời tuyệt nhiên không nhuốm một dấu vết hận thù. Rồi đã vĩnh viễn cư ngụ lại muôn đời luôn ở đó.
Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!
Em vỗ cánh nhỏ bay về trời
Em tha trong mỏ em vàng nhỏ
Tấm lòng thơ nhỏ của riêng tôi
Và năm nay đào lại nở! Giờ đây trên cụm mây xa thiệt xa, tôi hình dung một đứa nhỏ sún răng đang ôm con vịt vàng nhỏ của mình trong lòng và hai anh em đang bồi hồi ngó xuống trần gian nhìn ngắm thiên hạ nổ pháo rộn ràng mừng đón Ông Bà và Nàng Xuân về ăn Tết…
25/6/2009
Kiệt Tấn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...