Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Thăm viếng Turkey Thổ Nhĩ Kỳ

Thăm viếng Turkey Thổ Nhĩ Kỳ

Istanbul
Phần 1
Turkey hay Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, với diện tích trải trên cả hai châu Âu và Á. Biên giới với nhiều quốc gia lân cận, phần lớn lãnh thổ nằm về  phía  châu Á. Bắc giáp Hắc Hải, Đông Bắc giáp Georgia, Armenia, Đông giáp Iran, Nam giáp Iraq và Syria, Tây Nam giáp Địa Trung Hải, Tây Bắc giáp Hy Lạp và Bulgaria.

Dân số cỡ 75 triệu người, 70% là người Thổ; 20% người Kurden và 10% các dân tộc khác, 99% theo đạo Hồi (Muslime) theo phái truyền thống Sunniten. Theo tài liệu có tất cả 2.562 nhà thờ Hồi Giáo lớn (Moscheen) 215 nhà thờ Hồi giáo nhỏ (Kleinmoscheen/ Mescit).
Nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ (theo Nhị Ca)
Người Tàu đọc Turkey thành 3 âm (Tǔ'ěrqí) và dùng ba chữ 土耳其 để phiên âm:  Tǔ' nghĩa là đất;  ìr nghĩa là tai;  qi nghĩa là như thế.
Ngày xưa người Việt chưa tiếp xúc với Tây phương nên học giả Việt Nam tham khảo sách Tàu rồi đọc theo tiếng Hán Việt như sau:
 Tǔ' nghĩa là đất, đọc thành Thổ
 ìr nghĩa là tai, đọc thành Nhĩ
 qi nghĩa là như thế, đọc thành Kỳ
Turkey => Tǔ'ìrqí => 土耳其 => Thổ Nhĩ Kỳ.
Loạt bài về quốc gia Thổ Nhĩ kỳ được chia ra làm nhiều bài ngắn cùng hình ảnh đính kèm. Những địa điểm chính được kể đến là Istanbul, Cappadocia, Nevsehir, Konya, Pamukkale, Kusadasi.
ISTANBUL
Istanbul là thành phố lớn nhất của Turkey, và còn được xem là thành phố lớn nhất thế giới với  13.5 triệu dân, có diện tích 2,062.95 sq miles trong tổng số 74 triệu dân của quốc gia Turkey.
Istanbul, hay thành phố Constantinope nổi tiếng ngày xưa của Đông La Mã, với eo biển Bosphorus nối liền Hắc Hải và Địa Trung Hải, cũng là nơi phân chia lục địa Á Châu và Âu Châu.
Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên 2 châu lục. Nó nằm ở hai bờ phía nam eo biển Bosphorus (hay Bosporos), phía tây là châu Âu, phía đông là châu Á. Có chiếc cầu Bosporus (1973)  dài 1074 m  và  cầu  Fatik Sultan-Mehmet dài 1090 m, hai cầu nầy nối liền 2 châu lục: châu Âu và châu Á, được chia làm 3 khu chính. Phần nằm trong khu vực châu Âu lấy ranh giới từ Golden Horn/ Kim Giáp và được chia làm hai thành phố. Vịnh Kim Giáp là eo biển nhỏ trông giống như chiếc sừng (Gold Horn), người ta cho rằng có tên Sừng vàng (Kim giác) vì mỗi khi mặt trời mọc hay lặn, eo biển tràn ngập một màu vàng rực rỡ.
Istanbul nguyên là kinh đô thứ hai của Đế quốc La Mã (330 AD), ngày nay thành phố này được xem là giàu có thịnh vượng về kinh tế thương mại, có một nền văn hóa cổ xưa từ Đế quốc La Mã Hy Lạp. Istanbul (Constantinople) vốn là kinh đô của các Đế quốc sau công nguyên (AD): La-Mã (330-395), Byzantine (395-1204 and 1261-1453), Latin (1204-1261), và Ottoman (1453-1922). Istanbul nằm về phía Đông Bắc của Turkey, trên trục giao thương hàng hải bận rộn nhất ở giữa Biển Marmara và Biển Đen (Black Sea) nối liền hai lục địa Âu và Tiểu Á (Asia Minor).
Ngoài ra, Istanbul còn có "Con Đường Tơ Lụa" (Silk Road) dài 4,000 miles (6,500 km), vận chuyển hàng hóa, tơ lụa từ Âu sang Trung Đông (Mid East) và Trung Hoa (Á châu) đời nhà Hán và ngược lại từ thời cổ đại (206 BC - 222 AD).
Đường tơ lụa từ Trung Quốc đến Istanbul, Thổ.
Chuyến đi thăm Turkey, Greece và Greek Islands với Voyages Saigon, Inc rất tốt, những nơi người viết đã được thăm viếng tại Istanbul theo lộ trình như sau: chợ Misir Carsisi, Thánh đường Hồi giáo Rustem Pasha, du thuyền trên eo biển Phosphorus, thăm Hagia Sophia, Blue Mosque, Điện Topkapi, Basilica Cistern, Grand Bazaar.
Dưới đây là một chút chi tiết và hình ảnh thuộc bộ ảnh riêng của người viết về những nơi thăm viếng.
Chợ nhà lồng Mısır Çarşısı, khu chợ bán thực phẩm và gia vị truyền thống ở Istanbul, xây dựng từ thế kỷ thứ 17 trong khu phố cổ Eminönü.
Lúc đầu, chợ này bán các loại hương liệu được mang đến từ Ai Cập do vậy người ta còn gọi đây là chợ Ai Cập (Egyptian Bazaar) ở Istanbul. Hiện nay, phần lớn các loại gia vị thực phẩm bày bán ở đây đều có nguồn gốc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tài tiệu cho ước tính có khoảng 10,000 loại. Một số loại có thể dùng trong chế biến món ăn lẫn làm dược liệu. Chợ Misir Carsisi là khu mua sắm có mái che lớn thứ hai ở Istanbul sau Grand Bazaar.
Chợ Ai Cập (Misir Carsisi)
Thánh đường Mới (Yeni Camii)
Ở chung quanh khu chợ Ai cập này, trong khoảng cách có thể đi bộ được là ba nhà thờ/ đền Hồi giáo: lớn nhất là Suleymaniye, rồi đến Đền Mới (Yeni Camii), và nhỏ nhất là đền Rustem Pasha.
Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye là nhà thờ của đế quốc Ottoman do Sultan Suleyman (Suleyman the Magnificent) cho lệnh xây cất . Suleymaniye là một trong hai nhà thờ hồi giáo lớn nhất Istanbul. Nhà thờ do kiến trúc sư trưởng dưới thời đế chế Ottoman, thế kỷ 16, tên là Mimar Sinan xây cất trong cỡ 8 năm mới hoàn tất (1550-1558).
Mimar Sinan ( 1490-1588) là một kỹ sư, trong thời trẻ phục vụ trong quân đội và có dịp di chuyển nhiều nơi kể cả những nơi rất xa như Baghdad, Damascus, Persia and Egypt và học hỏi được rất nhiều từ những kiến trúc cổ xưa. Đến tuổi trung niên, Sinan được Sultan Suleyman (1520-1566) tin cậy và phong chức kiến trúc trưởng của đế quốc Ottoman vào năm 1537. Trong suốt hơn 50 năm (1537-1588) ông có công xây dựng nhiều công trình lớn trong đế quốc Ottoman. Công trình nổi tiếng nhất của ông là Thánh đường Hồi giáo Suleiman, Istanbul. Ông được biết đến như một kiến trúc sư có tài nhất trong thời kỳ cổ điển, và được xem có tài như Micheangelo (1475-1564), một nhà kiến trúc cùng thời với Sinan ở phương Tây. Thời đó, Michelangelo với những công trình cho thành phố Roma và Vương cung thánh đường St. Peter, cùng với Leonard da Vinci, đã được biết đến vì một sultan của Ottoman đã mời Micheangelo xây một cây cầu bắc qua sông Kim Giác (Golden Horn) nhưng Micheangelo không nhận lời. Sinan chết năm 1588, ngôi mộ của ông nằm trong nghĩa địa ngay bên ngoài thành của đền thờ Suleymanie trên con đường mang tên ông (Mimar Sinan Caddesi).

Suleymaniye, ngoài những nét kiến trúc Ottoman, những họa tiết trang hoàng trong thánh đường hồi giáo này rất tinh xảo và tỉ mỉ. Khoảng sân trước cổng nhà thờ hồi giáo Suleymaniye là một sân với những hàng cột lớn bằng đá cẩm thạch và đá hoa cương. Nhà thờ chính cao 53 m, vào thời điểm được xây dựng, nó là tòa nhà cao nhất của đế chế Ottoman. Phía bên trong nhà thờ là một khoảng không gian cầu nguyện rộng lớn. Phòng cầu nguyện chính được xây bằng đá cẩm thạch trắng, gỗ và ngà voi, trang trí bằng các loại ngọc quý và những bức tranh kính. Đặc biệt nhà thờ này không dùng gạch men màu xanh mà chỉ dùng màu trắng.
Giống như những nhà thờ của đế chế Ottoman khác, nó có một sân trước (courtyard) ở phiá tây rất rộng có một hàng cột bao quanh. Bốn góc của sân là bốn tháp minarets (sultan được phép dựng bốn minarets, công chúa, hoàng tử được phép dựng hai minarets, những người khác chỉ được phép dựng một minaret)
Và cũng như theo những nhà thờ Hồi giáo thời Ottoman, đền này vào thời đó cũng được thiết kế như một phức hợp với đền thờ Suleymanie cùng những dịch vụ thiện nguyện khác nhau như nhà thương, trường học tôn giáo, nhà tắm công cộng, nhà bếp. Phía mặt sau đền có nơi chứa lăng mộ cho cả gia đình.
Đền Thờ Mới (Yeni Camii) nằm trên khu Golden Horn, phía nam của cầu Galata, gần ngay bên chợ Egyptian Bazaar, được xây cất trong khoảng 1660-1665. Đền này có 66 domes và semi-domes, có một courtyard với một hàng cột bao quanh ở phía tây, có bồn nước làm lễ có mái che ở giữa (ablution fountain), và hai minarets. Mặt tiền nhà thờ được tranh hoàng bằng gạch men Iznik. Bên trong thì dùng gạch men Iznik màu xanh lam, xanh lá cây và trắng. Khu chợ thời đó đã trở thành chợ Spice Bazaar/Egyptian Bazaar có dạng chữ L như hiện nay.
Thánh đường Hồi giáo Rustem Pasha. Đây là một đền Hồi giáo do Rustem Pasha (Rustem Pasha lấy một người con gái của Sulleiman the Magnificent) cho xây cất và hoàn thành sau khi Rustem Pasha qua đời vào thế kỷ thứ 16. Đền này cũng do Mimar Sinan đảm trách và được xây cất tại tầng trên của một khu nhà hàng. Phải đi lên một số bậc thang để tới courtyard và đền.
Đền nổi tiếng với những gạch men màu xanh (Iznik tiles) từ phía ngoài cho đến bên trong đền với nhiều họa tiết khác nhau. Vòm trần chính nằm giữa bốn nửa vòm. Bốn cột chống hình tám cạnh là sức chịu đựng chính cộng thêm những cột phụ.


Thánh đường Hồi giáo Rustem Pasha
Gạch ngói Iznik (Iznik tiles)
Hầu hết các nhà thờ Hồi giáo thời kỳ đó (thế kỷ thứ 16), nhất là do Mimar Sinan đảm trách xây cất, nếu có dùng ngói thì trang hoàng phía ngoài hay bên trong đều dùng một loại gạch ngói mang tên là ngói Iznik.
Như tên gọi gạch ngói Iznik xuất phát từ huyện Iznik (tên cổ là Nicaea) thuộc tỉnh Bursa, Turkey. Đây là một trong những trung tâm sản xuất chính của gạch men Hồi giáo và, từ cuối thế kỷ XIV, có chất lượng sản phẩm rất cao .
Từ đâu thế kỷ 14, Sau khi thành lập đế chế Ottoman vào đầu thế kỷ 14, vua Seljuk ưu tiên tập trung phát triển gốm sứ vùng Iznik. Trong giai đoạn này, gốm sứ vùng Iznikvới hai thành phần chính để sản xuất là Silica và thủy tinh. Và mang hai màu trắng và xanh. Sau đó, người vùng Iznik biết thêm về công nghệ "tráng men" cho gốm sứ. Trong giai đoạn này gốm được làm từ nguyên liệu chính là đất ét đỏ và đem đi nung. Sau đó, nó được phết lên bằng một lớp sơn trắng mỏng và điêu khắc được thực hiện trên lớp sơn đó. Sau giai đoạn điêu khắc, gốm lại được tráng bằng một lớp nước men màu và đem đi nung tiếp. Màu chính trong giai đoạn này là xanh, ngọc lam và tía.
Vào cuối thế kỷ 15, nguyên liệu làm gốm đất sét đỏ được thay bằng hổn hợp: 80% Silica, 10% thủy tinh nóng chảy và 10% đất sét trắng. Sau khi nung, gốm được tráng lại nhiều lần với nhiều lớp men trắng. Việc điêu khắc hoa văn sẽ được thực hiện trên lớp tráng men và người ta tạo ra sẵn những khuôn hình hoa văn để in vào. Trong giai đoạn này, bảy màu sắc cơ bản chủ đạo trong thiết kế hoa văn trên gốm được sử dụng, đó là màu xanh cobalt, màu tía, màu đỏ, màu xanh da trời, màu ngọc lam, màu xám và màu đen.
Sau khi đế chế Constantine tan rã vào năm 1453, đế chế Ottoman bắt đầu xây dựng cho mình rất nhiều cung điện lớn. Vào đầu thế kỷ 16, những chiếc bình, những chiếc đèn, ly, chén và đĩa được trang trí bằng các hoa văn tô màu rực rỡ như gốm sứ Trung Quốc. Thời kỳ này gốm sứ được thiết kế theo phong cách hoa văn của Suleyman (Suleyman là vị vua thứ 10 trong triều đại Ottoman từ 1494 -1566). Đặc biệt, trong triều đại vua Suleyman, một số lượng lớn ngói và gốm được sử dụng trong việc trang trí các thánh đường Hồi Giáo và cung điện Hoàng gia.
Ngoài ra, trong thập niên những năm 1520, gốm sứ Iznik thường tô vẽ hình ảnh cây đàn Saz (đàn truyền thống của người Thổ), hoặc vẽ các loại hoa chủ yếu như: hoa tulip, hoa cẩm chướng, hoa hồng và dạ hương. Rồi là một thời kỳ (1530-1550) gốm sứ Iznik chỉ dùng hai màu xanh và trắng. Thời kỳ này là thời kỳ Tughra (có nghiã là dấu ấn chiếu của nhà vua) và gốm sứ có trang trí như ấn chiếu hay dạng chữ viết của nhà vua khi ra chiếu chỉ.

Từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 17, gốm sứ phát triển cao nhất và có nhiều màu sắc như ngọc lam, đỏ thẫm, xanh lá cây, đen, và đỏ tươi. Những gạch ngói men Iznik có họa tiết hình học hay cây, lá, hoa nhất là hoa tulip thấy rất nhiều. Sau khi đế chế Ottoman sụp đổ thì nhu cầu gốm sứ Iznik cho Hoàng gia không còn nữa và từ đó ngành gốm sứ Iznik bị lụn bại dần. Hiện nay gốm sứ Thổ vẫn còn được sản xuất tùy theo nhu cầu đặt hàng và là mặt hàng cho khách du lịch.
Du ngoạn du thuyền trên eo biển Bosphorus. Eo biển Bosphoros là một đường nước nối biển Hắc Hải với Địa Trung Hải (Mediterranean) qua biển Marmara và phân chia Istanbul hai lục Á và Âu châu. Trên bờ Bosphorus một dải nằm giữa Biển Marmara va Black Sea, phân chia phần trên Âu châu và Á châu là những khu nhà có những đặc điểm khác nhau, nhiều dinh thự Ottoman cổ (đẹp nhất là dinh Dolmabahce)và công viên. Hai cầu treo Bosphoros và FSM- Fatih Sultan Mehnet bắc ngang eo biển Bosphoros.
Cầu Bosphorus dài 1.560 m, rộng 33 m, có 6 làn xe chạy. Giữa cầu chia ranh giới Âu - Á, bước qua vạch trắng là đã đặt chân lên châu lục khác. Từ năm 2007, cầu có trang bị thêm hệ thống đèn sáng vào ban đêm.
Trên bờ Bosphorus một dải nằm giữa Biển Marmara va Black Sea, phân chia phần trên Âu châu và Á châu là những khu nhà có những đặc điểm khác nhau, nhiều dinh thự Ottoman cổ và công viên. Khu bên bờ Âu châu của Bosphoros này rất đẹp và vào cuối tháng 4 đầu tháng năm khi hoa cây Tử kinh (Judas trees/ Cercis siliquastrum) mầu hồng đậm nở rộ hai bên bờ và đồi thoải rất đẹp. Vùng này cũng có Đền Hồi giáo Ortakoy ngay dưới cầu Bosphoros, có nhiều nhà hàng bán thực phẩm. Ortakoy ở phía bắc của Besikta.
Phố Akaretler hay Süleyman Seba Caddesi có nhiều cửa hàng bán đồ đắt giá, và gần đó là Dinh Dolmabahce, bản doanh của hoàng gia. Dinh thự vĩ đại là nơi mà đế chế Ottoman trị vì cách đây 150 năm, với 110,000 m2, 285 phòng, 43 sảnh đường.
Nhà thờ Chora (Bảo tàng Kariye)
Nhà thờ Chora (Bảo tàng Kariye) là một trong các nhà thờ Byzantine đẹp nhất còn tồn tại ở Istanbul, bên trong được bài trí bằng tranh ghép và bích họa, đã được chuyển thành Bảo tàng Kariye hiện đại.
Nhà thờ đầu tiên trên mảnh đất này được xây dựng vào thế kỷ thứ tư. Chora có nghĩa là "đất nước". Hoàng đế Constantine đã ra lệnh xây dựng công trình ở phía tây của thành phố và nhà thờ được đặt tên là "Nhà thờ của Đấng Cứu Thế Thánh Ngoại Thành" (The Church of the Holy Savior Outside the Walls). Hoàng đế Theodosius II mở rộng tường thành vào năm 413, bao gồm cả nhà thờ ở Constantinople. Vào thế kỷ thứ 16, thời Ottoman, nhà thờ đã bị biến cải thành một nhà thờ Hồi giáo. Và đến năm 1948 thì nhà thờ Chora trở thành Bảo tàng Kariye. Trong nhà thờ có nhiều tranh ghép có chủ đề và những câu chuyện trong Kinh Thánh.

Nhà thờ mà chúng ta thấy bây giờ là nhà thờ đã được xây lại vào cuối thế kỷ 11. Tất cả những trang hoàng bên trong là do công trình của nhà thơ, nhà văn Theodore Metochites đệ trình và cho thực hiện vào khoảng từ năm 1312. Một bức tranh ghép rất đặc biệt ngay trên cửa vào chính điện miêu tả cảnh Theodore Metochites đề nghị nhà thờ dâng Chúa. Cảnh Đức Mẹ và Chúa và nhiều tranh rất đẹp.
Tháp Gatala (Christea Turris: tháp của Chúa Kitô trong tiếng Latin). Đây là một tháp đá thời trung cổ ở quận Galata, Istanbul, nằm về phía bắc của Golden Horn. Tháp được xây dựng vào năm 1348. Tháp 9 tầng này cao 66.9 m, có đường kính 16.54 m. Từ trên tầng cao nhất của tháp, có thể nhìn ra tận vịnh Bosporus.
Cầu Metro Kim Giác (The Golden Horn Metro bridge) là một cầu cab treo tuyến metro M2 nằm giữa hai cầu Ataturk và Galata, cách cầu Ataturk hơn 200 m, mới được bắt đầu cho dùng từ đâu năm 2014. Cầu này khi bắt đầu xây có gặp nhiều trở ngại về địa điểm và có ảnh hưởng đến cái nhìn quen mắt hướng về nhà thờ Suleimaniye. Đây là cầu thứ tư bắc ngang vịnh Kim Giác (hay Sừng Vàng), một vịnh nhỏ của eo biển Bosphoros phân chia thành phố Istanbul làm hai. Vịnh Kim Giác đưa đến cửa biển đổ vào Bosphoros và vào đi vào biển Marmara.
Hagia Sophia.
Thánh đường Thiên Chúa Giáo (thế kỷ thứ 6) biến thành thánh đường Hồi giáo vào thế kỷ thứ 15, và trở thành Viện Bảo Tàng Quốc Gia vào năm 1935. Bên trong là sự hòa hợp từ những kiến trúc nguyên thủy rồi bị xóa bỏ một phần và chuyển sang kiến trúc Hồi giáo với nhiều hình ảnh của thời kỳ Ottoman.

Hagia Sophia (có nghĩa là holy wisdom/ khôn ngoan thần thánh) ban đầu là một Vương cung thánh đường Chính thống giáo, xây dựng làm nhà thờ từ năm 532 đến năm 537 theo lệnh của Hoàng đế Byzantine Justinian, Mặt trong của bức tường được xây dựng bằng đá hoa cương trắng, xanh da trời, đen và đỏ, được nạm bằng những tấm kính viền vàng. Đặc biệt nổi tiếng vì vòm trần lớn, đường kính của mái vòm là 33 m, được nâng bằng bốn cây trụ cao 24,3 m. Giáo đường hình chữ nhật, phần nóc gồm 40 cánh cửa sổ, diện tích bên trong giáo đường là 7.576 m2, được trang hoàng lộng lẫy. Toàn bộ công trình hoàn thành trong hơn 5 năm. Tòa nhà này được xem là hình ảnh thu nhỏ của kiến trúc Byzantine. Năm 1453, Constantinopolis bị đế quốc Ottoman chiếm, rồi bị biến tòa nhà thành một nhà thờ Hồi giáo. Chuông khánh, bàn thờ, tường tranh bị gỡ bỏ, nhiều phần nền khảm tranh mosaic bị trát vữa đè lên. Nhiều kiến trúc theo phong cách Hồi giáo chẳng hạn như bốn ngọn tháp cao hướng lên trời, giảng đường lớn, nhiều khu cầu nguyện, được xây thêm trong thời của các Ottoman. Tòa nhà là nơi thờ phụng của Hồi giáo cho đến năm 1935, khi nó được chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ chuyển thành một viện bảo tàng. Lưu ý tên nhà thờ là Trí tuệ Thần Thánh của Chúa chứ không phải là thờ thánh tên Sophia.
Vòm thờ chính với mihrab và minbar
Biển ghi đây là nơi các Hoàng đế tuyên Vương
Hagia Sophia do nhà kiến trúc Isodore của Miletus xây cất dưới triều đạo Hoàng đế Justinian I vào năm 532-537 trước Công nguyên. Những cột chống phía ngoài (flying buttress) mang hình ảnh của kiến trúc Byzantine và La-mã.
Tất cả các đền thờ Hồi Giáo trên khắp thế giới dù lớn hay nhỏ cũng có các tiêu chuẩn như sau:
a. Có chỗ cho tín đồ rửa mặt và tay chân sạch sẽ trước khi cầu nguyện.
b. Bên trong nhà thờ là một khoản không gian trống trải có trải thảm để các tín đồ có chỗ xếp hàng cầu nguyện.
c. Mọi đền thờ phải có một cái hốc lõm sâu vào tường (mihrab/prayer niche) để định hướng cho mọi người quay mặt về thánh địa Mecca khi cầu nguyện, vì tại đó có nhà của Chúa, tức đền thờ Ka'ba.
d. Trong đền có một bục cao (minbar) để tu sĩ Hồi giáo (imam) giảng kinh vào ngày thứ Sáu hàng tuần.
e. Tường trong đền không trang trí bằng tranh ảnh. Chỉ có thể trang trí bằng các hình kỷ hà học hoặc bằng nghệ thuật viết chữ, hoặc bằng các hình vẽ nghệ thuật.
Từ Hagia Sophia, đi bộ sang thăm Thánh đường Hồi giáo Sultanahmet (Blue Mosque) và Trường Đua Ngựa (Hippodrome).
Blue Mosque

Ngôi đền thờ xanh được xây dựng năm 1616, tại sảnh đền thờ có sức chứa 3,500 người, nền được phủ thảm tía của Thổ Nhĩ Kỳ, chung quanh tường được lát bằng gạch màu xanh (Iznik tiles) và được xếp theo nhiều hình dạng khác nhau. Đây cũng được coi là ngôi đền xanh nổi tiếng thế giới. Blue Mosque có cửa vào trạm trổ theo đúng kiểu Seljuk-Turkish rất tinh vi.
Đền thờ Sultan-Ahmed-Mosque/Sultanahmet Camii từ thời Sultan Ahmed đệ nhất ( do kiến trúc sư Mehmet Aga, bắt đầu  xây năm 1609 và hoàn thành năm 1616) toàn bộ các trang trí đẹp nổi lên màu xanh nên có tên Blue Mosque, phòng cầu nguyện (Gebestsraum) lộng lẫy với 53 m chiều dài và 51 m chiều rộng, gần như vuông, những mái vòm có đường kính 22,2 m. Cao 43m bốn trụ cột đường kính lớn 5m. Tất cả có 260 cửa sổ chiếu sáng qua cửa kính màu thay đổi từ thứ thế kỷ thứ 17.

Ghi chú:
Những đền Hồi giáo tư nhân thường mang một minaret (tháp giáo đường). Minaret đứng riêng biết rời khỏi đền chính. Sultan được phép xây bốn minarets, chỉ có Mecca đuợc có sáu minarets. Tuy nhiên Sultan Ahmet I đã cho xây sáu minarets bằng vàng. Và sau đó ra lệnh cất thêm một minaret khác cho đền Mecca tại Ka’aba. Tài liệu cho biết có lẽ ông muốn chứng tỏ quyền lực vô biên của ông. Truyền thuyết cũng kể Sultan Ahmet I chỉ thị kiến trúc sư Mehmed Aga xây minaret bằng vàng . Chữ TNK vàng là altin, nhưng đã bị hiểu lầm là alti có nghĩa là sáu, và Sultan Ahmet I cũng không tức giận mà còn toại ý hơn nữa. Tháp giáo đường là nơi phát ra những thông báo những giờ cầu nguyện của các tín đồ.
Khi vào đền Hồi giáo, tất cả đều phải bỏ giầy ở phía ngoài cử trước khi vào đền, và phụ nữ phải chùm kín che hết tóc. Vì Hagia Sophia nay là một viện bảo tàng nên chỉ cần tháo bỏ giầy nhưng phụ nữ không phải chùm khăn che tóc.
Quảng trường Hippodrome
Quảng trường được xây dựng năm 203 bởi hoàng đế La Mã Septime Sévèse, dài 400 m,ngang 120 m, có sức chứa 40,000 chỗ ngồi cho khán giả. Xưa kia, đây là nơi diễn ra những trận đấu của các võ sĩ, những cuộc đua xe ngựa, những buổi lễ tôn vinh các hoàng đế.
Trên quảng trường, còn lại ba công trình cổ chính:
1. Cột tháp Ai Cập (Obelisk của Thutmosis III): Cột tháp cao 40m, làm từ một viên đá nguyên khối vào khoảng 1,500 năm trước Công nguyên, bị hoàng đế La Mã Théodosius the Great 379-395 lấy từ Ai Cập đem về dựng lại ở Constantinople (tức Istanbul) vào năm 390. Vì obelisk quá cao nên ông cho cắt obelisk ra làm ba mảnh. Hiện nay chỉ còn phần ngọn đứng trên bục đá cẩm thạch. Dưới chân cột có những khắc nổi cảnh Hoàng đế Theodosius cầm một vòng Laurel để trao tặng kẻ chiến thắng.

Hippodrome. Obelisks & Cột rắn Million Stone
2. Cột hình rắn: Cột đúc bằng đồng cao 5m và có hình dáng ba con rắn quấn vào nhau. Phần trên của cột, có hình ba đầu rắn đã gãy mất. Cột này nằm trên trục thẳng giữa hai obelisks, do những người Hy Lạp dựng lên vào năm 479.
3. Walled Obelisk. Đây là obelisk của Hoàng đế Constantine Porphyrogenitus đặt ở cuối quảng trường vào thế kỷ thứ 10. Nay còn đuợc gọi là Walled Obelisk.
Ngoài ra, công trình La Mã lớn nhất là hệ thống tường thành bao quanh thành phố cổ, dài hơn 20km, được xây dựng từ thế kỷ thứ 5, dưới thời hoàng đế Théo dose. Hệ thống tường thành này lớn nhất so với các bức tường thành ở châu Âu, và về chiều dài thì chỉ sau Vạn lý trường thành của Trung Quốc.
Trước lối sang Blue Mosque có German Fountain (Kaiser Wilhelm Fountain), một fountain tám cạnh do chính quyền Đức xây cất năm 1900, kỷ niệm cuộc thăm viếng Istanbul của Hoàng đế Đức Wilhelm II vào năm 1898.
Million là một đài đá dựng vào đầu thế kỷ 4 AD tại Istanbul cổ (Constantinople) để ghi từ khởi điểm khoảng cách tất cả các đường dẫn đến các thành phố của Đế quốc Byzantine.
Basilica Cistern
Cung điện ngầm lòng đất (Yerebatan Sarayi), hay Basilica Cistern là một cistern lớn nhất trong những cisterns nằm bên dưới thành phố Constantinople ngày xưa (Istanbul bây giờ), nó cách Hagia Sophia phía tây nam cỡ 150 m và được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 dưới sự trị vì của Đế vương Byzantine Justinian. Người ta cũng gọi đó là cung điện trữ nước vì công dụng chính của nơi này là mang nước sạch vào thành phố cho người dân dùng.


Cung điện ngầm trữ nước này được xây dựng vào năm 532 sau Công nguyên, dưới thời Hoàng đế Justinian I. Nó dài 143m, ngang 65m, là bể chứa khoảng 80,000 mét khối nước.
Toàn phần trần của cung điện trữ nước khổng lồ này được chống đỡ bởi 336 cột đá lớn, tạo nên những mái vòm đẹp như thấy trong những ngôi giáo đường, tu viện cổ. Nước sạch được dẫn vào đây qua hai cây cầu dẫn thủy cộng chung dài 20km nối liền vào một hồ trữ nước lộ thiên ở gần bờ Hắc Hải.
Một hệ thống bục gỗ được ráp làm đường bộ cho khách thăm viếng. Ngày nay, khách có thể nhúng tay vào làn nước phía dưới hệ thống bục gỗ. Hiên nay nơi này còn là nơi diễn ra các buổi hòa nhạc cổ điển.
Cung điện nước có 336 cột đá cao 9m, chia làm 12 dãy mỗi dãy có 8 cột, và nếu tiếp tục đi thì sẽ thấy hai cột lớn mang tượng đầu Medusa đặt ngược (Medusa là vị nữ thần đầu người tóc rắn, theo truyền thuyết thần thoại, ai nhìn vào mắt Medusa thì sẽ hóa thành đá). Một cột có đầu Medusa đặt ở ngược trên xuống dưới, một cột có đầu Medusa đặt nằm nghiêng. Lý do tại sao hai đầu Medusa hiện diện cũng không rõ rệt. Lý do tại sao đặt ngược và đặt nằm ngang đã được giải thích là cho có cùng một chiều cao cân xứng cho hai cột.
Topkapi
Cung điện Topkapi là một cung điện lớn tại Istanbul, và là nơi tư dinh của các Sultan Ottoman trong suốt khoảng thời gian cỡ 400 năm (1465-1856) với thời gian điều trị 624 năm của triều đại Ottoman. Sauk hi Sultan Mecid quyết định dời về dinh Dolbamahce vào năm 1856 thì điện Topkapi bị mất vị trí quan trọng. Sau năm 1923 khi thể chế Ottoman chấm dứt thì điện Topkapi trở thành Bảo Tàng trưng bày những kỷ vật lịch sử của thời Ottoman.

Grand Bazaar.
Và lẽ dĩ nhiên là chúng tôi cũng ghé thăm chợ Grand Bazaar.
Grand Bazaar (Chợ có mái che lớn) là khu chợ có mái che lớn nhất và cổ nhất trên thế giới. Ra đời từ năm 1461, và hiện nay với khoảng 60con phố và hơn 3,000 cửa hàng.
Chợ được mở từ thế kỷ XVI và được tu chỉnh lại năm 1894 sau một trận động đất. Chợ có 4 cổng chính nằm giao nhau gần góc phía Tây Nam của chợ. Chợ trải rộng từ tây sang đông và nằm giữa hai đền thờ Hồi giáo Bayezid và Nuruosmaniye. Cổng chính mà du khách thường đi vào chợ là cổng Nuruosmaniye (có nghĩa là "Ánh sáng của đế chế Ottoman").

Chợ bán đủ thứ tiệm, từ những cửa tiệm kim hoàn, tiệm vàng nữ trang đủ loại, đồ da, thảm, cho đến đèn treo, quần áo v.v…
Trong chợ cũng có nhiều tiệm bán những bùa hộ mệnh hình con mắt gọi là "nazar boncuk". Những bùa hộ mệnh này được làm bằng nhiều chất liệu dưới dạng đồ trang sức, móc chìa khóa hay nam châm.
Công trường Taksim

Quảng trường Taksim là địa điểm chính chuyên chở công cộng. Đại lộ Độc lập (Istiklal Caddesi) một con phố bộ hành với nhiều cửa hàng nổi tiếng tận cùng tại đây, đây cũng là nơi có hệ thống subway chạy ngang. Taksim có Đài kỷ niệm Republic Monument để kỷ niệm sự thành lập Quốc gia Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 1923. Đài mang tượng những người thành lập ra Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, quan trọng nhất là Kemal Ataturk, và hai cộng sự viên đắc lực. Đài có bốn mặt quay về bốn hướng. Mặt hướng bắc miêu tả Ataturk vào thời kỳ sớm, còn mặt hướng nam (đại lộ Istiklal) có hình tượng Ataturk và cộng sự viên mặc đồ Âu phục tiêu biểu cho cả hai vai trò lãnh đạo quân đội và chính khách của ông.
Phần 2: Cappadocia
Chúng tôi rời Istanbul đi Cappadocia. Đây là một khu vực ở miền trung Turkey, phần lớn trong tỉnh Nevsehir. Khoảng cách giữa Istanbul và Cappadocia là 346 miles. Đi máy bay chưa đến 1 giờ. 
Cappadocia (cũng Capadocia; Kapadokya) là một khu vực đất ở Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Tên gọi Cappadocia này được dùng trong các nguồn từ phương tây và truyền thống Kitô giáo qua lịch sử và hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong tài liệu du lịch quốc tế để xác định một khu vực kỳ quan thiên nhiên, đặc biệt với các ống khói đá độc đáo. Tên chữ Cappadocia này, dùng trong tài liệu du lịch, gần tương ứng với tỉnh Nevşehir ngày nay của Turkey.
Lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ
Vì đi thăm Cappadocia liên quan đến nhiều thời đại lịch sử nên tưởng cũng cần tóm tắt vài hàng về lịch sử của Cộng Hòa Thổ (Anatolia cổ xưa), qua các thời kỳ.
Thời Hitties (1900-1200 BC): thời tranh đấu chống Pharaoh.
Thời Phrygia (1200-600 BC): thời kỳ mà Vua Midas đã phát triển Thổ trong ngành thêu, dụng cụ âm nhạc, v.v….
Thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenic Civilization) (1200-600 BC): văn minh Tây phương bắt đầu xâm nhập.
Thời kỳ La Mã ở Thổ (250 BC-330 AD): thời kỳ này, người La Mã gọi vùng Anatolia là vùng Tiểu Á.
Thời kỳ Đại đế Alexander và Văn minh Hy Lạp hóa (334 BC).
Thời đại Byzantine (330-1453 AD): thời kỳ phát triển nghệ thuật, văn hóa, tôn giáo và chính trị sôi động.
Triều đại Seljuk (1071-1243) Thổ-Ba tư (Turk-Persian): thời kỳ có nhiều nhân tài trong lãnh vực chính trị, kiến trúc, và cũng có chiến tranh liên miên, biết đến nhiều nhất là Mevlana Jelaleddin Rumi.
Thời đại Ottoman (1288-1923): đây là thời kỳ Hồi giáo phát triển rộng trong vòng hơn 600 năm. Thời điểm cực thịnh của Ottoman trong khoảng thế kỷ 16 và 17. Đế quốc Ottoman mang đủ ảnh hưởng văn hóa phương Đông và phương Tây.
Cộng hòa Thổ (1923 - hiện tại): thể chế công hòa xây dựng lại trên những tàn tích của một đại đế chế huy hoàng.
Cappadocia
Vùng Cappadocia có rất nhiều kỳ quan thiên nhiên được con người cải biến và sử dụng qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Qua lộ trình du lịch ngày hôm nay chúng tôi đi thăm những nơi chính và dọc theo quốc lộ xe cũng dừng tại những nơi có cảnh đẹp để chụp hình.
Cappadocia, xuất phát từ tên Katpatuka theo tiếng địa phương có nghĩa là "Vùng đất của những con ngựa đẹp, là vùng núi đá tại Thổ Nhĩ Kỳ,và được xem là vùng núi đá đặc biệt nhất trên thế giới địa cầu.

Hơn ba triệu năm về trước, núi Erciyes phun lửa và trào ra dung nham rất mạnh tạo nên những khối nham thạch khổng lồ và những cột đá lớn trên mặt trái đất. Rồi thời gian, gió và nước đã soi mòn tạo ra những nét điêu khắc tự nhiên trên bề mặt các khối đá nguồn gốc nham thạch này. Rồi lại trải qua nhiều thời gian biến đổi, những ngọn gió tiếp tục ngày đêm thổi vào đá đã làm bóng bề mặt các khối đá dần dần tạo nên những khung cảnh một quần thể các cao nguyên, vực thẳm hay cột đá khổng lồ có nguồn gốc nham thạch núi lửa với hình thù rất đa dạng của Cappadocia ngày nay.
Vùng này có rất nhiều những căn nhà đá. Vì cấu trúc của đá nham thạch mềm nên thay vì tìm kiếm nguyên vật liệu xây dựng để cất nhà, người dân ở vùng trung tâm Cappadocia đã đục đẽo và chạm khắc hang động tạo nên những căn nhà để trú ẩn, cùng hệ thống nhà thờ, tu viện chung quanh để sinh hoạt cộng đồng.
Kaymakli và thị trấn ngầm
"Thị trấn ngầm" ở Kaymakli được đục sâu dưới lòng một quả đồi đá, với nhiều tầng nhà ở thông với nhau bằng một hệ thống đường hầm chằng chịt.
Nhà trong đá có từ lâu kể như từ thời Hitties có nghĩa cả ngàn năm trước công nguyên (TCN). Một trong số vùng nhà đá có thể kể ra đây là những thành phố ngầm do những người Cơ Đốc đầu tiên đến Cappadocia xây dựng để trốn tránh sự săn đuổi của quân đội La Mã vào trước thời kỳ mà Ki tô giáo được chấp nhận.Tổng cộng có khoảng 36 thành phố, khu dân cư ngầm rải rác ở Cappadocia, trong đó có 6 địa điểm mở cửa cho khách thăm viếng và hai thành phố ngầm lớn nhất, được nhắc đến nhiều nhất là Kaymakli, Derinkuyu. So sánh các khu thành phố ngầm này thì Kaymakli rộng nhất, và Derinkuyu sâu nhất.
Dưới đây là vài hình ảnh về đô thị ngầm Kaymakli
Thành phố ngầm này có tới 7-8 tầng sâu được tổ chức với những căn phòng thông nhau, hệ thống hành lang và cầu thang lên xuống, hệ thống ống thông khói cũng như hệ thống cửa đá đóng mở từ bên trong để tránh kẻ thù. Phiến đá tròn được dùng làm cửa có chốt bên trong, chặn lối lên tầng trên ngăn sự xâm nhập từ bên ngoài. Tuy có tới 7-8 tầng sâu nhưng hiện tại chỉ có 4 tầng được mở cho khách vào thăm, xem. Những khu nhà này hiện diện từ thế kỷ thứ 4, người dân sống ở đó có đời sống bình thường, ít bị phá hoại vào thời đại Byzantine, nhưng qua đến thời đại Hồi giáo Ottoman thì vùng này được xem như một tiền đồn chống lại sự chinh phạt của người Hồi.
Theo mũi tên chỉ dẫn khách đi vòng vòng thăm từ lầu 1 đến lầu 2 rồi sang lầu 3. Lầu ba quan trọng với phòng chứa lương thực, rượu, và nhà bếp. Ở đây có một tảng đá tròn bằng andesite có những lõm khoét sâu. Tài liệu nói đó là tảng đá dùng làm khuôn đổ quặng đồng. Đồng có lẽ được chở đến từ vùng quanh đó giữa Aksaray và Nevsehir. Dựa trên khoảng dự trữ lương thực và rượu vang, người ta cho rằng người sống ở đô thị ngầm dưới lòng đất nàylà những người khá đầy đủ trong cuộc sống thời đó. Ta cũng thấy những ống giếng thông khí suốt qua các từng giống như thang máy trong chung cư thời bây giờ. Các nhà khảo cổ địa chất phỏng đoán có thể có cả vài ngàn người sống trong một thành phố ngầm như thế. 
Mô hình thành phố ngầm 
(Hình internet)
Cửa vào thành phố ngầm 
Kaymakli



Pasabag: Thung lũng Pasabag và các Ống khói dị kỳ.
Rời Goreme, đi về phía đông qua đường Avaros đến Zelve sẽ tới vùng thung lũng Pasabag nằm ở đông bắc của Goreme. Vùng này có những cột đá cao nằm ngay giữa vùng trồng nho nên còn được mang tên vườn nho của Pacha (Pacha là chức Đại tướng gọi trong quân đội Thổ và thường là một biệt hiệu thông dụng). Vùng này cũng được mệnh danh là thung lũng tu sĩ do hình dạng đặc biệt của các chóp đỉnh cấu tạo bởi hàng nghìn khối đá núi lửa bị xói mòn thành những hàng cột cao có chóp hình nấm. Chúng ta có thể thấy rải rác những ống đá có chóp hình nấm này dọc theo đường lộ.
Một số cột đá chia làm hai ba nhánh ở gần đỉnh, và một số được dùng làm nơi trú ẩn của những tu sĩ ẩn dật thuộc dòng Simeon ngày xửa ngày xưa. Đặc biệt nhất là chuyện thánh Simeon sống ẩn dật vào thế kỷ thứ 5 trong một ống đá này. Những tu sĩ dòng này nạo đá làm rỗng bụng những ống khói từ đáy lên đỉnh và sống ở bên trong.

Uchisar: Lâu đài đá của Uchisar.
Uchisar tọa lạc ở điểm cao nhất của vùng Capadocia, trên đường Nevsehir-Goreme, cỡ 5 km từ Goreme. Nếu đứng nhìn từ đỉnh lâu đài Uchisar ta có thể nhìn thấy cảnh rộng lớn bao la bát ngát của cả vùng với núi Erciyes phía xa. Lâu đài đá thành lập bởi một khối nham thạch rất lớn, tại lâu đài có đủ cả cây cầu đá, quán nước, đường phố, nhà và các đồ dùng cũng làm bằng đá.
Do sự tự tàn lụi với thời gian nên hiện nay chỉ có thể thăm viếng một số phòng trong lâu đài đá này. Những phòng ở phương bắc của lâu đài nay được coi như nhà chim bồ câu, nơi mà nhà nông thường đến để lấy phân chim về làm chất bón cho vườn trái cây và vườn nho của họ. Chúng ta cũng sẽ thấy nhiều nhà chim bồ câu sơn phết vôi trắng tại Thung lũng Bồ câu, nơi nối liền Uchisar với Goreme.
Rời Uchisar chúng tôi đến thung lũng Goreme trong Lâm viên Quốc gia thăm bảo tàng ngoài trời Goreme. Nơi đây có rất nhiều thánh đường Ki tô giáo đục trong hang đá.
Bảo tàng ngoài trời Göreme
Goreme là một khu của quận Nevsehir ở miền trung Turkey. Sau khi núi Erciyes (cao độ 3,916 m) bùng phát lửa cỡ hơn 2 triệu năm trước, nham thạch tràn ra phủ trùm khoảng hai chục ngàn km vuông. Các tầng đá vùng Göreme bị xói mòn trở thành hàng trăm cột đá ngoạn mục. Dân trong vùng này lợi dụng đá mềm dễ nạo gọt để xây nhà, tu viện, nhà thờ. Göreme trở thành một trung tâm tu viện vào khoảng giữa 300-1200 CN.
Bảo tàng ngoài trời Göreme là địa điểm được chú ý nhiều nhất trong các cộng đồng tu viện ở Cappadocia và là một trong những nơi có cộng đồng thầy tu phát triển nhất, bởi các tăng sĩ đã xây dựng và để lại đây rất nhiều di tích tu viện, nhà thờ khoét sâu trong hang có niên đại từ những năm 300 - 1200 sau Công nguyên. Những căn nhà đá /tu viện này dần dần được trang hoàng mang nhiều nét tiêu biểu của thời nghệ thuật Byzantine với nhiều tranh họa đủ màu. Khi những người gốc Hy lạp ở vùng Capadocia bị đuổi ra khỏi Turkey vào năm 1923 trong thỏa hiệp trao đổi dân chúng giữa Hy Lạp và Turkey, thì những nhà thờ này bị hoàn toàn bỏ hoang. Goreme hiện vẫn còn tới hơn 30 nhà thờ hang đá xây dựng từ thế kỷ 9-11, với những mái vòm còn nguyên với những bức họa trên tường màu sắc sống động. Ngày nay, toàn bộ khu này không còn ai sinh sống và được tổ chức theo hình thức bảo tàng mở.
Dưới đây là chi tiết một vài tu viện đá.

Tu viện dòng nữ (Nunnery)
Nhà tảng đá ngay bên trái cửa vào khu bảo tàng mở này là tu viện cho các nữ tu. Tầng một là phòng ăn, nhà bếp, phòng cầu nguyện ở tầng hai, nhà thờ ở tầng ba. Những bức họa trên tường vẽ bằng màu đỏ. Những tầng khác nhau trong tu viện nối liến với nhau qua cửa đá xay tròn lăn được giống như ở trong những đô thị ngầm, và dùng để đóng tu viện lại khi gặp nguy hiểm.
Tu viện cây táo Elmali
Tu viện này nổi nhất vì có màu sắc rực rỡ, trong có cấu trúc chữ thập. Tranh họa trên tường vẽ từ giữa thế kỷ 11 và 12, có màu đỏ miêu tả cuộc đời chúa Chris và chuyện trong Thánh kinh. Mang tên tu viện cây Táo ám chỉ màu đỏ trên tay trái của thánh Micheal trong bức họa trên trần, hay vì ngày đó có cây táo trồng đằng trước.

Tu viện St. Barbara (Azize Barnara)
Nằm ngay sau tu viện đá Elmali cũng theo cấu trúc chữ thập có hai cột chống, tranh họa trên tường cũng màu đỏ. Và cũng như thực hiện nửa cuối thế kỷ 11. St Barbara là một thánh tử vì đạo người Ai Cập, bà đã bị chính ông bố hành hạ và giết chết vì bà theo đạo Ki tô giáo.
Tu viện Rắn (Snake/ Yilanli Church)
Nhà thờ này có hai phòng, phòng trước có trần vòm, phần sau là trần thẳng. Tranh trên tường có hình đế vương Constantine và mẹ ông là St Helena. Cạnh bên là tranh vẽ St George giết rắn (hay rồng). Ngoài ra có vẽ St Onophrius, ông thần ẩn dật hermit mang râu dài và chỉ che thân bằng một lá fig.
Tu viện Tối (Dark Church/ Karanlik Kilise)
Karanlık Kilise (or the Dark Church) có tranh mô tả Chris trong Tân Ước. Sau khi Thổ xâm chiếm thì tu viện này được dùng làm nhà cho chim bồ câu cho đến những năm 1950s. Sau những khổ công cào quét dọn dẹp, nay bên trong tu viện đã được trùng tu đẹp đẽ. Tên Tu viện Tối có lẽ vì ánh sáng rất yếu trong tu viện chỉ do một lỗ hổng nhỏ soi rọi ánh sáng vào.
Tu viện có nhiều bích họa tạo nên trong thế kỷ thứ 12 miêu tả câu chuyện của Ki-tô giáo.
Tu viện Sandals (Carikli Church)
Tu viện mang tên dép sandal do dấu vết chân miêu tả trong chuyện Ki-tô giáo ở trong tu viện.

Cách xa ngoài nhóm nhà thờ trong Bảo tàng mở Goreme cỡ 50 m là Tu viện Tokali.
Buckle (Tokali) Church
Tu viện Tokali là tu viện đá cũ kỹ nhất trong vùng Capadocia và được tạo với 4 khu phòng chính.
Tu viện cũ dẫn đến tu viện mới có nhiều tranh họa đẹp. Tokali cũng là nơi có những tranh họa đẹp nhất miêu tả cuộc đời của chúa Ki tô giáo.

Sóng Việt Đàm Giang
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...