Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

XXXXXNghiên cứu văn hóa dân tộc, một vấn đề thời sự

Nghiên cứu văn hóa dân tộc,
một vấn đề thời sự

Người Pháp đem đến Việt Nam môn khoa học mô tả diện mạo tộc người, và theo Giáo sư Từ Chi “vì muốn cai trị Việt Nam nên ngay từ năm 1901 họ đã tập trung nghiên cứu cổ sử Việt Nam và chỉ chú ý nghiên cứu tộc người Việt”.

1. Những khác biệt giữa văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người

 

Văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người có những điểm khác biệt rõ rệt. Chính những khác biệt này ở đối tượng nghiên cứu dẫn đến những khác biệt về mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, đòi hỏi mỗi hướng nghiên cứu phải có phương pháp riêng với những khái niệm công cụ cần thiết và thích hợp...
 
...Các tác giả Việt Nam đã công bố nhiều công trình tộc người học, như Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu về người Kinh (Việt), Nguyễn Đức Từ Chi nghiên cứu về người Kinh và người Mường, còn có thể nêu thêm nhiều nhà tộc người học khác có uy tín lớn hiện nay. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam với tư cách văn hóa quốc gia dân tộc thống nhất là một bộ phận không thể thiếu trong toàn bộ các khoa học về văn hóa. Những công trình nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam, hệ giá trị của văn hóa Việt Nam, phân vùng văn hóa, hay văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á.v.v... là những thành tựu nghiên cứu văn hóa Việt Nam theo hướng này.
 
 
Văn hóa tộc người là hiện tượng có từ xa xưa, rất lâu trước khi hình thành văn hóa dân tộc. Các học giả phương Tây đã công bố vô số tư liệu về các tộc người ở châu Úc, châu Á và châu Mỹ, những thổ dân đã sinh sống ở đó nhiều nghìn năm trước khi họ liên kết thành những quốc gia dân tộc sơ khai.
Trên giải đất Việt Nam đã có mặt nhiều tộc người Nam Á, Nam Đảo, chủ nhân của lớp văn hóa bản địa thời tiền sử. Các tộc người này đã sinh sống nhiều nghìn năm trước công nguyên. Tuy nhiên, sự liên kết dân tộc chỉ xuất hiện vào khoảng một vài thế kỷ trước, sau công nguyên.
 
Sự khác biệt tộc người không chỉ bởi những dấu hiệu văn hóa vật thể hay phi vật thể, mà còn là hiện tượng mang tính tự nhiên, những đặc điểm cấu tạo hình thể con người. Con cháu của những người Việt Nam định cư lâu đời ở các nước phương Tây, từ cách ăn, mặc, ở, đi lại, văn hóa ứng xử đến ngôn ngữ đều rất “Tây”, thậm chí nhập quốc tịch “Tây”, trở thành công dân “Tây”, nhưng bản sắc tộc người thì không thể thay đổi nếu không có một quá trình hỗn huyết qua nhiều thế hệ. Ngược lại, hai tộc người chỉ khác nhau bởi những hiện tượng văn hóa bề ngoài, kể cả ngôn ngữ, thì trong quá trình giao lưu tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp và lâu dài, khả năng nhất thể hóa là rất lớn.
 
Khác với văn hóa tộc người, văn hóa dân tộc là một hiện tượng lịch sử. Các quốc gia dân tộc chỉ mới xuất hiện trên trái đất cách nay dăm bảy ngàn năm, và thường xuyên biến đổi. Nhiều cộng đồng quốc gia dân tộc “vang bóng một thời” trong lịch sử nhân loại, nay không còn trên bản đồ thế giới, và quá trình “hợp tan, tan hợp” ấy vẫn còn tiếp diễn.
 
Văn hóa tộc người không bị ngăn cách bởi biên giới quốc gia. Người Thái ở bờ bên này hay ở bờ bên kia con sông Mê Công, ở Bắc Việt Nam hay ở Nam Trung Hoa vẫn là tộc người Thái. Người Việt ở Pháp hay ở Mỹ vẫn là người Việt, người Hoa ở khắp thế giới vẫn là người Hoa. Nhưng văn hóa Campuchia, văn hóa Thái Lan, văn hóa Việt Nam hay văn hóa Trung Hoa thì phải có biên giới hoạch định. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ quyền quốc gia, hình sông thế núi rõ ràng, biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Chính vì “Dân tộc” gắn với “Quốc gia” nên vấn đề văn hóa dân tộc không chỉ có nội dung văn hóa mà còn có nội dung chính trị. Nghiên cứu văn hóa dân tộc có những nội dung và định hướng khác với nghiên cứu văn hóa tộc người.
 
2. Tộc người chủ thể và văn hóa dân tộc
 
Nhiều người cho rằng một đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam là tính thống nhất trong đa dạng. Sự thật thì thống nhất trong đa dạng là đặc trưng của nhiều nền văn hóa quốc gia dân tộc. Hiếm có dân tộc nào chỉ có một tộc người. Chủ nhân của nền văn hóa Trung Hoa là hàng trăm tộc người mà người Hán là chủ thể. Người Kinh là chủ thể của văn hóa Việt Nam, một cộng đồng dân tộc 54 tộc người. Như vậy, tính thống nhất của cộng đồng dân tộc dựa trên cơ sở một tộc người đóng vai trò chủ thể. Tộc người này là hạt nhân cơ bản của nền văn hóa dân tộc. Quá trình hình thành nền văn hóa dân tộc gắn liền với quá trình khẳng định vai trò của tộc người chủ thể. Theo Giáo sư Từ Chi, người Kinh tách khỏi người Mường để xuất hiện như một tộc người vào khoảng thế kỷ IX. Tộc người này trở thành chủ thể văn hóa Đại Việt từ thế kỷ X, và quá trình khẳng định vai trò chủ thể nền văn hóa Việt Nam là cả một quá trình lịch sử lâu dài. Lần đầu tiên các tiểu vương quốc ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam hợp thành một quốc gia thống nhất được thực hiện vào năm 1802 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn.
 
Đa dạng tộc người là hiện tượng phổ biến. Quả thật, nền văn hóa của các quốc gia dân tộc trên thế giới là những nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Ngay cả những quốc gia có tính “thuần chủng” cao thì văn hóa quốc gia dân tộc vẫn là văn hóa của cộng đồng các tộc người chứ không chỉ là văn hóa của tộc người chủ thể. Thống nhất trong đa dạng là tính tất yếu của mọi nền văn hóa quốc gia dân tộc. Bao giờ và ở đâu tính thống nhất tất yếu này bị vi phạm thì khi ấy và ở nơi ấy đời sống chính trị xã hội “có vấn đề”, mà trong nhiều nguyên nhân, sự khác biệt văn hóa cũng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn. Nhấn mạnh sự đa dạng mà xem nhẹ tính thống nhất của nền văn hóa quốc gia dân tộc là một quan điểm chứa đựng nhiều bất trắc. Mỗi quốc gia là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, điều này có nghĩa không thể đánh đồng xung đột giữa các quốc gia như là đụng độ giữa các nền văn minh. Trong giao lưu quốc tế người ta thường tự khẳng định căn cước của mình là một người Anh, người Hàn Quốc, người Thái Lan hay người Cu Ba. Văn hóa dân tộc là một hiện tượng tồn tại hiển nhiên trong lịch sử nhân loại. Có văn hóa Nga, văn hóa Pháp, văn hóa Trung Hoa hay văn hóa Nhật. Sáu thế kỷ trước đây, Nguyễn Trãi, người sau này là danh nhân văn hóa thế giới, đã tuyên cáo:
 
Như nước Đại Việt ta
Quả là một nền văn hiến
 
3. Nhà nước và văn hóa dân tộc
 
Sự tồn tại và phát triển của văn hóa tộc người không nhất thiết mỗi tộc người phải có riêng một Nhà nước. Nhưng quyền tự chủ dân tộc thì không thể không gắn với vai trò của Nhà nước. Nguyễn Trãi viết về một trong những tiêu chí của nền văn hiến Đại Việt như sau:
Trải Triệu Đinh Lý Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên làm Đế một phương
 
 Một nền văn hóa dân tộc gắn liền với tính chất và vai trò của một thể chế chính trị, một bộ máy nhà nước. Nhà nước nào văn hóa ấy. Văn hóa Việt Nam thời Lý Trần khác với văn hóa Việt Nam thời Hậu Lê. Nghiên cứu văn hóa dân tộc không thể không gắn với việc nghiên cứu chính sách văn hóa của Nhà nước qua từng thời đại. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Chính sách văn hóa là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại, trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.
 
Không thể phủ nhận rằng văn hóa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự thống nhất quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, văn hóa không phải là yếu tố duy nhất tạo thành bản sắc dân tộc. Yếu tố lãnh thổ có một ý nghĩa quan trọng góp phần làm cho các dân tộc có bản sắc riêng, ngay cả những dân tộc có chung nguồn gốc tộc người. Trong xã hội hiện đại, yếu tố kinh tế và chính trị có ý nghĩa to lớn trong sự thống nhất quốc gia dân tộc. Mỗi quốc gia là một cộng đồng kinh tế. Nhà nước là người tổ chức và điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, tích luỹ, lưu thông và phân phối tổng sản phẩm của nền kinh tế quốc dân. Một xã hội chỉ có thể ổn định, trật tự trên cơ sở có được sự phân chia thoả đáng các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Điều này đòi hỏi phải có pháp luật. Hàn Phi Tử, một nhà tư tưởng Trung Hoa thời cổ đại, cũng hiểu rằng pháp luật đòi hỏi sự công khai, minh bạch, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và ngôn ngữ của nó là một nghĩa, ai ai cũng dễ hiểu như nhau, không cần phải giải thích vòng vo.
 
Pháp luật là yếu tố không thể thiếu trong quản lý và gắn kết cộng đồng. Những “cộng đồng khế ước”, “cộng đồng tự chọn” theo lý thuyết của các nhà xã hội học phương Tây hiện nay có thể bảo đảm tối đa quyền cá nhân trong đời sống xã hội, nhưng như vậy vẫn chưa phải là toàn bộ nhu cầu tinh thần của cuộc sống con người. Không phải bao giờ con người cũng cư xử với nhau đứng ở ranh giới giữa quyền lợi và nghĩa vụ, đúng và sai, tội ác và trừng phạt. Pháp luật xét đến cùng chỉ là phương tiện, nó không thể là mục đích. Trái lại, đạo đức và nói chung văn hóa không chỉ là phương tiện, nó là mục đích. Con người không thể là con người nếu thiếu đạo đức và văn hóa.
 
4. Chính sách văn hóa và diện mạo lịch sử của quốc gia dân tộc
 
Văn hóa là diện mạo của bản sắc dân tộc trong quá trình lịch sử. Điều này dễ hiểu vì văn hóa bao giờ cũng là một bộ phận trong tổng thể thống nhất hữu cơ với hệ thống kinh tế và thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Một chính sách văn hóa phù hợp đem lại cho đất nước sự ổn định nội bộ và sự phát triển năng động; tạo ra mối quan hệ đồng thuận với các nước láng giềng. Một chính sách văn hóa không phù hợp có thể tiêm chích vào cộng đồng cư dân chất kích thích làm bùng phát những mâu thuẫn tiềm tàng, gây tình trạng nội bộ bất ổn và sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Diện mạo của nền văn hóa dân tộc trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể phụ thuộc vào thế ứng xử tỉnh táo của các chính phủ quốc gia. Lịch sử Trung Hoa còn ghi lại câu chuyện đốt sách, chôn học trò và hình ảnh một vị Tần Thủy Hoàng đế bạo liệt, Lịch sử Afghanistan vừa trải qua những ngày điêu đứng dưới thời Taliban và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, tình trạng đập phá chùa chiền và tượng Phật, sự vi phạm thô bạo quyền con người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Đất nước Nam Phi một thời là sự hoành hành của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apacthai và loài người mãi mãi ghi nhớ như một bài học phải trả giá đắt bằng sinh mạng hàng triệu con người về nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa bài Do Thái và sự kỳ thị chủng tộc. Có thể xem đó là những chính sách phản văn hóa điển hình.
Bản sắc văn hóa không nhất thành bất biến, nó mang diện mạo lịch sử. Ý thức đúng đắn về bản sắc văn hóa có ý nghĩa to lớn trong định hướng phát triển của mỗi quốc gia dân tộc. Nhật Bản là một ví dụ điển hình về tính thống nhất của nền văn hóa quốc gia dân tộc và những chuyển đổi văn hóa ngoạn mục trong lịch sử.
 
Vào thế kỷ thứ VII người Nhật quyết định thực hiện “Đại Hóa cải tân”, tiếp thu mô hình văn hóa Tùy-Đường Trung Hoa để chuyển từ xã hội cổ đại sang xã hội quân chủ quý tộc phong kiến hóa. Những thế kỷ tiếp theo nước Nhật có một nền văn hóa “Thiên bình” với nguyên lý “Hòa hồn Hán tài”, cái mà Arnol Toynbee gọi là nền văn minh vệ tinh Trung Hoa hóa. Chữ Nhật là một sản phẩm của cuộc hôn nhân văn hóa này, ngay cả “trà đạo” cũng là sự nâng cấp tuyệt diệu phong tục uống trà phổ biến từ thời xa xưa của các cư dân ở sườn phía Đông Nam dãy núi Hymalaya và miền Trung Hoa đại lục.
Cuối thế kỷ XIX, khi vua nhà Thanh ở nước Trung Hoa cho rằng “Đại bác, tàu chiến chẳng qua là văn minh vật chất, nước Trung Hoa có nền văn minh tinh thần hàng mấy nghìn năm, văn minh tinh thần hơn hẳn văn minh vật chất”, thì Minh Trị thiên hoàng, đức vua mười lăm tuổi của Nhật Bản đã phát động cuộc cải cách văn hóa có ý nghĩa trọng đại, quyết định sự tồn vong và tương lai của đất nước và dân tộc này. Đó là chủ trương “thoát Á nhập Âu”, nhanh chóng tách Nhật Bản khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, hội nhập với phương Tây, chuyển từ cái “Hán tài” sang cái “Dương tài”. Người Nhật tiếp nhận chế độ quân chủ lập hiến, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường tự do, chấp nhận chủ nghĩa cá nhân và những tiêu chí về quyền con người theo kiểu phương Tây. Quốc gia dân tộc Nhật Bản ở thế kỷ XX có diện mạo khác hẳn thế kỷ XIX. Một trăm năm sau ngày Minh Trị thiên hoàng đọc năm lời thề đổi mới (1868-1968), kinh tế Nhật Bản vượt lên đứng vào hàng thứ ba thế giới. Bốn mươi năm (1945-1997) sau thảm bại trong Thế chiến thứ hai, bình quân thu nhập hàng năm tính theo đầu người ở Nhật Bản tăng 150 lần, đạt 33.090USD, đứng thứ hai thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia chuyển đổi sâu sắc diện mạo văn hóa của mình trong thế kỷ XX. Vốn là một quốc gia Hồi giáo, kế thừa di sản của đế chế Ốttôman khét tiếng một thời, những thập niên đầu thế kỷ XX Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc cách mạng văn hóa triệt để, nỗ lực nhập khẩu văn hóa phương Tây và gia nhập phương Tây. Từ bỏ tư tưởng về một đế chế đa quốc gia, thiết lập một nhà nước dân tộc thống nhất, Mustafa Kemal Ataturk phế truất hoàng đế Hồi giáo, thành lập một thể chế cộng hòa theo kiểu phương Tây. Từ thập kỷ ba mươi, Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình phương Tây, gia nhập khối NATO và tiến hành các thủ tục gia nhập khối Liên minh châu Âu.
 
Một lần nữa chúng ta nhận thấy chính sách văn hóa khi tìm được sự đồng thuận của cộng đồng có thể làm thay đổi diện mạo lịch sử của văn hóa quốc gia dân tộc. Có thể nói như vậy về Việt Nam, Campuchia, Mêxicô, Nga, Nam Phi.v.v... và nói chung, đó là một hiện tượng phổ biến.
 
6. Tính thời sự của vấn đề văn hóa dân tộc
 
Từ năm 1981, nhà chính trị học người Mỹ Michael Wazer đã viết: “Tài sản quý giá nhất mà chúng ta truyền lại được cho nhau là tư cách thành viên của chúng ta thuộc về một cộng đồng người”. L.White cũng khẳng định như vậy, rằng nhu cầu của mỗi cá nhân phải thuộc về một cộng đồng là một nhu cầu an sinh thuộc bản chất của con người. Nhưng cộng đồng ở đây là cộng đồng nào? Tộc người, quốc gia dân tộc, nền văn minh hay cộng đồng nhân loại?
 
Có hay không một cộng đồng văn hóa quốc gia dân tộc đang là vấn đề thời sự phức tạp. Có lý thuyết cho rằng mỗi quốc gia thường gồm nhiều tộc người, không có bản sắc văn hóa dân tộc chung chung, chỉ có những bản sắc tộc người cụ thể. Có văn hóa Thái, văn hóa Mường, văn hóa Kinh, nhưng thế nào là văn hóa Việt Nam? Thế giới đang chứng kiến xu hướng phân rã và xung đột giữa các sắc tộc trong nội bộ một quốc gia. Sự tan rã của Liên bang Xô viết, Nam Tư, Tiệp Khắc, xung đột sắc tộc ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Phi, châu Á.v.v... đến nỗi Mazzini cho rằng “mỗi tộc người nên có một quốc gia và chỉ một quốc gia dành cho một tộc người”.
 
Những nhà khoa học tán thưởng lý thuyết về các nền văn minh, từ Toynbee, Spengler, Melko đến Hungtington cho rằng nhân loại tập hợp thành năm hoặc bảy, tám hoặc mười hai, hai mốt hoặc hai ba nền văn minh khu vực. Các tộc người có chung bản sắc văn hóa tập hợp thành nền văn minh. Quốc gia dường như là những liên kết ngẫu nhiên, thường chia tách tộc người và tạo ra những đường biên bất hợp lý giữa các nền văn minh. Những khu vực giao thoa ấy, những khớp nối bất đắc dĩ ấy chính là tụ điểm của những tranh chấp và xung đột. Hungtington cho rằng mỗi nền văn minh như một “quân đội” bao gồm nhiều đơn vị cơ bản, mỗi tộc người là “tiểu đội”. Quốc gia là những “trung đoàn”, cái cấp trung gian đầy tính chất võ đoán và bất ổn.
 
Vậy, cộng đồng văn hóa dân tộc là gì? Tính đa dạng các sắc tộc thì đã rõ, còn tính thống nhất của nó ở đâu?
 
Trên thế giới có không ít quốc gia sử dụng đức tin tôn giáo làm công cụ cai trị và là chất kết dính dân tộc. Nhưng cũng chính khác biệt tôn giáo đã là nguyên nhân của những cuộc chiến đẫm máu, những xung đột thường xuyên hay nguy cơ bất ổn tiềm tàng ở nhiều quốc gia.
 
Một số chính phủ quốc gia quảng bá một học thuyết chính trị xã hội làm hệ tư tưởng chính thống và lấy nó làm hạt nhân cơ bản của nền tảng tinh thần xã hội. Đây là công việc lâu dài và khó khăn. Học thuyết Khổng Tử với văn hóa Việt Nam là một ví dụ. A.Toynbee và nhiều học giả phương Tây đã gọi Việt Nam là văn minh Khổng giáo, một nền văn minh vệ tinh Trung Hoa hóa. Quả là học thuyết chính trị xã hội của Khổng Tử được gieo cấy vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, nhà Lê ở thế kỷ XV lấy làm quốc giáo và nó còn tồn tại đầy hấp dẫn với các triều đại sau này. Bộ máy chính quyền và tầng lớp nho sĩ nhiều thời đã dạy bảo “dã dân” không mệt mỏi, nhưng sức lan toả chủ yếu chỉ trong người Kinh, đậm đặc ở đồng bằng sông Hồng và nhạt dần khi tiến vào đồng bằng sông Cửu Long.
 
Không có công thức chung cho tính thống nhất dân tộc ở mọi nơi, mọi lúc. Sự gắn kết dân tộc ở mỗi quốc gia, mỗi thời đại mang tính đặc thù và là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố đã hình thành và tồn tại lâu dài trong quá trình lịch sử. Các tộc người chung sống trong một quốc gia thường có quan hệ gần gũi hoặc cùng một cội nguồn về mặt nhân chủng. Chẳng hạn, có thể nói đến nguồn gốc Inđônêsien rẽ thành hai nhóm Nam Á, Nam Đảo của hầu hết các tộc người đang sinh sống ở Việt Nam. Điều này được phản ánh qua sự gần gũi, giao thoa về ngôn ngữ, qua ký ức tập thể của các tộc người về nguồn gốc của mình trong những sử thi, truyền thuyết, thần thoại, qua sự tương đồng của kho tàng văn hóa dân gian, từ lễ hội, phong tục tập quán đến ca dao, dân ca.v.v...
 
 Khi các tộc người đã chung lưng đấu cật khai phá mảnh đất để cùng sinh sống, đã trả bằng giá máu từ thế hệ này đến thế hệ khác để dựng nước và giữ nước thì tình yêu Tổ quốc trở thành tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, số phận lịch sử là chất keo bền chặt gắn kết cộng đồng. Sự tồn vong của quốc gia được thử thách qua những sóng gió lịch sử càng lâu dài gian khổ bao nhiêu, thì sự thống nhất của cộng đồng dân tộc càng bền vững bấy nhiêu.
 
Có thể nói rằng diện mạo chính của văn hóa tộc người là văn hóa dân gian, nhưng diện mạo văn hóa dân tộc thì không chỉ có vậy. Văn hóa bác học là một bộ phận quan trọng tạo nên diện mạo và tầm vóc của nó. Nói đến văn hóa Italia không thể thiếu họa phẩm Lêona đơ Vinhci hay nhạc phẩm Pâganini. Sẽ nghèo đi biết bao nhiêu, nếu nền văn hóa Việt Nam lại thiếu vắng những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, những Xuân Diệu, Huy Cận, những Văn Cao, Trịnh Công Sơn, những Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí... Chính những “hiền tài”, những “hào kiệt” là những mốc son ghi dấu bề dày, tầm cao của một nền văn hiến lâu đời.
26/10/2004
Khuyết Danh
Nguồn: Trần Niêm
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...