Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Nắng xuânXXXXX

Nắng xuân

Buổi trưa hôm ấy...
Cậu bé mang quyển sách ra ngồi cạnh gốc cây rơm vừa đánh vần, vừa đón làn gió chướng mát rượi thổi về.
 
Cậu bé đang học lớp vỡ lòng. Ấy vậy mà năm nay cậu đã gần tám tuổi rồi! Trẻ con ở xóm có bốn đứa được cha mẹ cho đi học ở trường của ấp cũng đều muộn tuổi như cậu. Đường đi học quá xa lại phải vượt qua những bốn cây cầu khỉ - ba cây bắc qua rạch, một cây bắc qua kinh và bờ mẫu có nhiều đoạn dài bỗng thụt mất tiêu vì bị trâu đạp quanh năm suốt tháng, nên chờ các cậu "trọng tuổi" một chút mới dám cho đến trường.
 
Buổi sáng cậu bé đến trường, xế chiều lại phải đi cắt cỏ cho trâu ăn nên chỉ tranh thủ học được buổi trưa và tí chút buổi tối (vì phải tiết kiệm dầu đốt!).
 
Xóm của cậu bé còn đốt đèn dầu lửa.
 
Cậu rất mong cái xóm nhỏ của mình sớm có điện. Tụi bạn cậu ở xóm ngoài đêm về có đèn điện sáng choang, học bài nhẹ cả mắt. Cũng chỉ vì nói ra cái mơ ước có điện về xóm mà cậu và tụi bạn cãi nhau một trận, rồi giận nhau...
 
Tụi nó bảo:
 
- Xóm mầy đâu chục cái nhà mà đòi "kéo" điện về! Ai đâu rảnh!
 
Cậu cãi lại rất hăng:
 
- Bộ xóm nhỏ rồi không được xài điện sao? Ai cũng như ai chớ!
 
Vừa cãi, cậu lại chợt nhớ ông nội! Sao lạ vậy? À, vì cậu có nghe lần ông nói: "Chà, cái xóm mình đây xa đường cái quá, không biết điện có "chạy" về tới không? Có điện về, sáng sủa, con cháu học hành mới tấn tới được!". Cậu bé bị lây cái mong muốn của ông nội từ lúc nào chẳng biết. Chắc là từ khi ông mất, cậu cứ nhớ ông...
 
Tụi nó lại nói:
 
- Xóm mầy toàn đất ruộng lầy, thấp đé làm sao trồng được cột điện? Rủi có bữa nó nghiêng qua một bên thì sao?
 
- Người ta cũng phải có cách chớ bộ!
 
Cậu cãi hăng miệng nhưng trong bụng cũng thấy lo lo vì tụi nó nói đúng cả! Đúng là đất ruộng bọc quanh xóm cậu sình lầy quanh năm. Mùa mưa thì khổ vì... mưa, mùa nắng lại khổ vì mấy kỳ nước rong.
 
Nước cứ tràn qua bờ mẫu, chảy ào ào, không có cách chi ngăn lại được!
 
Trâu ra ruộng cày chỉ đến khi mặt trời lên khỏi "con sào một tí là tháo ách, nghỉ. Phải giữ sức cho trâu! Con Đực, con Pháo nhà cậu xuống ruộng cày trông thấy mà thương, bụng lúc nào cũng lệt quệt sát mặt ruộng, bốn chân cố lôi phì phọp, đất nhão nổi bong bóng, đuôi quết bùn đến nổi không ve vẫy được! Vậy mà vẫn phải bước rấn, nếu không sẽ bị quất roi tre vào mông! Trâu cày xong miếng ruộng, nhìn cái roi tre xơ tướp ngọn mà đau thắt cả lòng.
 
Nhưng cậu vẫn tin người ta trồng được cột điện! Chắc chắn! Cậu hình dung trên cánh đồng xóm cậu rồi có một hàng cột điện cao vút, vững chãi, dây điện giăng giăng chạy qua, có đàn én đến đậu thành một dãy dài (như hình vẽ trong sách) thì thích biết bao!
 
Bây giờ thì cậu và tụi bạn không còn giận nhau nữa.
 
Mỗi nhà ở xóm Bưng đều đã đóng tiền để "vô" điện hết rồi! Mấy chú ở tổ nhân dân tự quản chạy sút mồ hôi lo thủ tục, đã xong.
 
Thương nhất là ông nội, điện sắp "kéo" về mà ông thì không còn nữa!
 
"Qua Tết nầy là cả xóm mình có điện rồi!" - cậu bé mơ màng.
 
Còn bây giờ, thôi chịu khó vào những buổi trưa trời nóng nực, mang sách vỡ lòng ra ngồi dựa gốc cây rơm tập đọc vậy!
 
Gió thổi liu riu...
 
Bóng cây lao xao. Từ trên cao, tàng vú sữa đang lay động cứ không ngừng thả nhẹ xuống những đốm nắng in trên trang sách. Những đốm nắng lung linh! Ơ này, những con chữ màu xanh, màu hồng dường như cũng khoái chí hay sao ấy! Chữ "i" màu hồng tươi đột nhiên nhúc nhích, duỗi mình dài ra rồi mọc thêm đôi cánh, thoắt biến thành một chú Chuồn Đỏ bay vù ra khỏi trang sách! Rồi chữ "x" cũng cựa quậy, chấp chới, hóa ra một cô Bướm màu xanh lam ngọc bay vụt theo!
 
Cậu bé không ngạc nhiên chút nào! Có gì lạ đâu! Vào một buổi trưa đồng quê thanh bình, nắng vàng óng ả đến cọng rơm cũng ánh lên màu vàng chói thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được!
 
À, nhưng đối với Nghé Con thì những chuyện đó có vẻ lạ! Mà không lạ sao được, vì Nghé Con chỉ mới bốn tháng tuổi thôi. Buổi trưa, Nghé Con thường nằm cùng cha mẹ trong chuồng nhưng đôi khi cũng nằm một mình cạnh cây rơm để dễ bề mơ mộng! Trẻ con mà!
 
Nghé Con và cậu bé thân nhau lắm! Một phần cũng bởi cha mẹ của Nghé Con đã có công với gia đình cậu quá nhiều. Nói gia đình cậu hay cả xóm Bưng nầy mang ơn cha mẹ của Nghé Con cũng không quá đáng đâu! Bao nhiêu đất ruộng đã được cày, bừa, trục, từ mùa nắng sang mùa mưa? Nên Tết nào Nghé Con cùng cha mẹ cũng được ăn bánh tét thỏa thuê, ăn cả lá gói bánh!
 
Còn mỗi khi cậu bé ngồi bên cây rơm tay cầm quyển sách thì Nghé Con nằm trong chuồng trìu mến nhìn, đôi mắt long lanh đen ướt. Lần này Nghé Con rời khỏi chỗ cha mẹ đang nằm nhơi cỏ, thủng thẳng bước lại gần cậu bé và ghé mắt nhòm vào trang sách...
 
Nhìn mắt Nghé Con, ánh mắt mới long lanh, hiền dịu, cậu bé biết Nghé Con đang ngạc nhiên lắm, ý muốn tìm hiểu... Chính cậu cũng chẳng hiểu gì cả, làm sao mà giải thích đây? Cậu bé liền nhìn quanh, dõi mắt tìm... Kia rồi, chú Chuồn Đỏ và cô Bướm Xanh đang thong thả bay tới.
 
Cả hai đậu ngay lên trán Nghé Con. Nghé Con chớp chớp mắt. Chuồn Đỏ hỏi đùa:
 
- Tướng cậu nầy  rồi sẽ cày ruộng giỏi đây! Nhớ lớn nhanh để cày ruộng giúp cha mẹ nha! À, chừng nào nhú sừng hả Nghé Con!
 
Cô Bướm Xanh liếc chú Chuồn Đỏ một cái:
 
- Hỏi thế thì ai biết đường đâu trả lời. Nghé Con làm sao mà biết được kia chứ? À, mà trán cậu trơn thật đấy!
 
Vừa nói Bướm vừa dùng mấy cặp chân bé xíu xoa xoa một chỗ lông xoáy trên trán Nghé Con.
Bị nhột, Nghé Con định lắc đầu thật mạnh thì Chuồn Đỏ vội bảo:
 
- Khoan đã! Nghe nói đây! Mùa xuân đã về trên quê mình rồi đó, về lúc tối qua, các bạn đã biết chưa?
 
- Ơ... tối tao mắc ngủ! - Nghé Con đáp.
 
- Đó, thấy chưa! - Chuồn Đỏ kéo dài giọng - Cậu chẳng hay biết gì cả! Tụi tôi "cõng" nắng xuân trên cánh mang tới đây cho cậu mà cậu cũng chẳng để ý gì cả! Tụi tôi được Mùa Xuân giao nhiệm vụ phải thông báo cho vạn vật biết, trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, kể từ lúc Mùa Xuân về tới! Tụi tôi là "chữ" mà! - Chuồn Đỏ vừa nói, vừa chớp đôi cánh mỏng, sáng chói như hai mảnh nắng rồi nói tiếp - Hai cậu biết không, hễ trang sách nào mở ra ngoài trời trong khoảng thời gian này thì "chữ" lập tức biến thành chuồn, bướm và ong để bay tỏa khắp nơi. Có như vậy tin tức loan đi mới nhanh chóng! Thế mà cậu lại ngủ! Hừm!
 
Bướm Xanh lại liếc Chuồn Đỏ một cái nữa:
 
- Vô lý! Sao lại đi trách Nghé con? Chính chúng mình có nhiệm vụ báo tin mà!
 
- Ờ hén! Xin lỗi...
 
Bây giờ đến lượt cậu bé ngạc nhiên!
 
Thật, câu chuyện này cậu bé mới được nghe lần đầu! Mà không tin sao được! Chính mắt cậu nhìn thấy chữ "i" biến thành Chuồn Đỏ, chữ "x" biến thành Bướm Xanh đó thôi!
Hèn gì sáng nay vừa thức dậy, cậu bé chợt thấy chung quanh như là lạ... Biết bao chồi non xanh mướt, hồng mịn vừa nhú ra, biết bao nụ mầm tơ mỡn mới hé! Kìa, ngay trước mặt cậu, bên chân cây rơm, cũng có hàng loạt anh chàng Nấm Gió mới đứng dậy, trên đầu còn đội nguyên cái mũ phớt màu nâu mới, rung rinh, rung rinh... theo từng cơn gió... Còn cánh chuồn, cánh bướm, cánh ong... ở đâu ra nhiều vậy, nào đỏ, hồng, cam, xanh lam, xanh lá cây, vàng tươi, vàng phớt, trắng, thậm chí có cả ánh lóng lánh xà cừ nữa... Tất cả, hoặc là bay vun vút qua vườn, hoặc là bay vòng vèo hay lượn lờ thong thả, thậm chí có cánh bướm nâu chẳng hiểu sao lại bay theo kiểu loắn quắn nữa chứ!
 
Một không khí chộn rộn, tất bật diễn ra trong vườn mà mãi đến giờ cậu bé mới nhận ra. Tệ thật!
 
Liếng mắt về phía cậu bé, Chuồn Đỏ lại nói:
 
- Là "chữ" nên tụi tôi biết một điều bí mật, rất bí mật! Người ta đã ghi sẵn ở trong sách nhưng các cậu chẳng biết đâu! Cậu thì chỉ mới tập đánh vần, còn cậu này, - Chuồn Đỏ nhịp chân trên trán Nghé Con - cậu chẳng thèm biết chữ nữa là...
 
Nghe nói vậy, cả cậu bé lẫn Nghé Con đều cảm thấy xấu hổ.
 
Bướm Xanh lại quay ngoắt về phía Chuồn Đỏ:
 
- Cái anh này! Người ta gọi anh là Chuồn Ớt thì đúng quá! Nói như cứ xát ớt vào tai không bằng.
 
Rồi Bướm Xanh an ủi:
 
- Nhưng không sao, tụi tôi sẽ nói bí mật đó cho hai cậu nghe! Mùa Xuân năm nay là Mùa Xuân năm... con Trâu!
 
Cậu bé thần mặt ra nghe, còn Nghé Con thì xửng cả... hai cái tai!
 
- Hơ... vậy là sao? - Nghé Con nói lắp bắp, rõ là nó hoàn toàn không biết gì về chuyện này.
 
- Là người ta đã viết trong sách như vậy chứ sao! - Chuồn Đỏ tỉnh bơ bổ sung - Muốn hiểu rõ, các cậu phải đọc được sách cái đã!
Bưóm Xanh chưa kịp phản đối cách nói của Chuồn Đỏ thì, sau phút giây sững sờ, Nghé Con bỗng "nổi sùng":
 
- Nhưng gọi như vậy là gọi hỗn! Cha mẹ tao biểu "Trâu" là tên của ông cụ ông kỵ tao kia! Cha mẹ tao còn phải mang tên khác cũng như tao phải mang tên Nghé Con vậy! Ai lại gọi hỗn như hai đứa mầy! Gọi vậy...
 
Thấy Nghé Con nổi giận, Chuồn Đỏ và Bướm Xanh vội vàng xin lỗi, vẻ luống cuống... Bưóm Xanh băn khoăn:
 
- Nghé Con nói đúng nhưng như vậy phải gọi sao bây giờ? Người ta đã viết...
 
- Phải gọi là Mùa Xuân Con Nghé! - Nghé Con nói dứt khoát - chắc mẽm phải là vậy!
 
- A, phải rồi! Mùa Xuân Con Nghé! Xuân Nghé Con! Nghe dễ thương lắm! Đừng giận nhé, Nghé Con!
 
Nghé Con hết giận liền, thậm chí nó còn cảm thấy hứng lên nữa! Chứ sao? Vậy là Mùa Xuân năm nay đúng là Mùa Xuân Con Tr... à... Con Nghé! Sách người ta đã viết như vậy! Vinh dự quá! Vui thật!
 
Quá thích chí, quên mất Chuồn Đỏ và Bướm Xanh đang đậu trên trán mình, Nghé Con chợt vổng đuôi lên rồi vụt ngỏng cổ, kêu toáng: "Í ngộ! Í ngộ!".
 
Hoảng hồn vì tiếng kêu đột ngột, Bướm Xanh và Chuồn Đỏ vội lao vút vào giữa mấy trang sách vỡ lòng còn để mở trên hai bàn chân cậu bé và lập tức biến thành chữ "x" màu xanh lam ngọc và chữ "i" màu hồng tươi.
 
Cậu bé giật mình!
 
Thì ra cậu vừa có một giấc mơ ngắn giữa ban trưa, bên gốc rơm. Ôi, một giấc mơ mới đẹp làm sao, biết bao nhiêu là màu sắc! Chú Nghé Con cũng nằm gần cậu từ lúc nào, đang âu yếm nhìn cậu, vẫn với đôi mắt long lanh, đen ướt...
 
Tàng cây vú sữa vẫn nhẹ nhàng thả những đốm nắng lung linh xuống trang sách... Cậu bé mở to mắt nhìn những con chữ được in thiệt bự để tập đánh vần... Hình như những con chữ đang còn nhúc nhích thì phải?
 
- Mình nhứt định phải cố gắng học thiệt giỏi mới được! - Cậu bé thầm nhủ và nhìn thật lâu vào mắt Nghé Con.
 
Câu chuyện về giấc mơ ban trưa ấy, cậu bé đã kể cho bà nội và Út nghe.
 
Bà nội cười thật vui và bảo ước sao bà cũng được thấy một giấc mơ như thế! Còn Út thì khỏi nói, Út cứ chắt lưỡi tiếc rẻ hoài và từ đó cứ đòi ra cây rơm để cùng coi sách với anh Hai - tức là cậu bé.
 
Dĩ nhiên, cậu bé phải giải thích từng chút một vì Út chưa biết tí gì về "chữ" cả, chỉ khoái xem hình thôi! Cũng không sao, vì Út còn nhỏ và chưa đi học mà! Chừng nào Út mới được đi học? Phải hỏi ba mới được!
 
À, mà khi có Út ngồi kế bên cùng "học", cậu bé chẳng dám lơ là để mình bị ngủ gục nữa, anh Hai mà!
 
- Út ơi, mai mốt xóm mình có điện rồi, điện ấy, Út biết không, sáng lắm! Sáng như đèn "măng-sông" đám cưới chị Lan vậy! Út đi học rồi anh sẽ dạy Út học thật giỏi như ông nội đã mong muốn vậy!
 
Cậu bé nói với Út và chợt nhớ tới lần đầu tiên được ba dẫn đi tới trường trong bộ quần áo mới nhưng quần phải xắn lên cao quá gối còn đôi dép thì cầm ở tay. Ba phải xách cho cái cặp. Qua mấy đoạn bờ mẫu bị "đứt", ba phải cõng cậu vì sợ lấm bộ quần áo mới mới. Mới ra khỏi xóm một đỗi, ngang qua cái chòi nuôi vịt Xiêm của bà Sáu, bà đang băm chuối cây cho vịt, ngừng tay ngó ra và nói như la:
 
- A, xóm mình lại có thêm một thằng nhỏ đi học nữa hả? Vậy là mừng rồi! Nè, ráng học nghe con!
 
Cậu bé "dạ" thiệt nhỏ, đột nhiên thấy mắc cỡ...
 
Bà Sáu nầy thiệt lạ! Trong xóm chỉ có mỗi một chị được học tới lớp 10. Lần nào cũng vậy, mỗi lần chị đi học, mặc áo dài trắng, ngang qua căn chòi của bà, bà đều bỏ dở cả việc đang làm, cứ đứng vịn cột chòi mà nhìn theo mãi cho đến khi bóng chị đi khuất mới thôi... Cứ như là bà "ghiền" nhìn chị đi học vậy! Mai mốt Út được đi học, chắc là bà còn mừng hơn! Bởi vì khi nào thèm ăn kẹo dừa, Út cứ tới chòi bà chơi, thế nào cũng có phần...
 
Từ đó, đi học trên những bờ mẫu ngoằn ngoèo thường xuyên lầy thụt vì nền đất thấp, cậu bé thường lắng tai nghe: đâu đó trên cánh đồng tĩnh lặngvà mượt xanh của vùng quê yên ả, thỉnh thoảng vẳng lại tiếng kêu của Nghé Con: "Í ngộ! Í ngộ!..." như một lời nhắc nhở. Cậu bé vừa bước rảo nhanh hơn, vừa nhẩm lại từng con chữ...
10/10/2004
Kim Ba
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...