Dran - Khối tình
trong thơ Trần Vấn Lệ
“Lâu rồi, hai thế kỷ/ bỗng tôi nhớ Đơn Dương/ nhớ con - dê -
cô - đơn - ăn cỏ vàng tháng chạp/ thằng bé chăn dê hát/ Ai lên xứ Hoa đào”… Vậy
đó, thật giản dị đến dung dị, Dran - Đơn Dương, mảnh đất như dải lụa kết nối
vùng duyên hải miền Trung với cao nguyên Lang Biang đi vào thơ của Trần Vấn Lệ.
Giản dị vậy, bởi Dran - Đơn Dương chỉ được người ta biết đến
như một vùng ngoại ô của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Một điểm dừng chân của
khách du vừa vượt chặng đèo Ngoạn Mục, bắt đầu cảm nhận cái không khí mát lành
của cao nguyên, sự bình yên bên những nếp nhà chen dày trong thung lũng, thấp
thoáng bên triền đồi… giữa bạt ngàn màu xanh của rừng thông, của những vườn rau
ven đôi bờ dòng Đa Nhim… Con người sống nơi đây cần cù cày xới, yên lành với cuộc
sống bình yên như một tên gọi khác của Dran: Lạc Nghiệp. Nhưng cũng có biết bao
đứa con đã vượt sông ra biển lớn, để rồi khắc khoải nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn
của mình với bao kỷ niệm buồn thương. Hình ảnh họ nhớ về là dòng sông tuổi thơ
êm ả, những vườn hồng trái ngọt và màu vàng hoang hoải của những đồi hoa quỳ mỗi
độ đông về… Chắc chắn đã có nhiều người viết về hoa quỳ, nhưng viết nhiều để
người đọc có cảm giác màu hoa quỳ như một nỗi ám ảnh trong thơ hay trải suốt cuộc
đời nhà thơ thì chắc mới chỉ có Trần Vấn Lệ.
Nắng Đơn Dương
“Ôi lá vàng bay trong nắng vàng! Gió chắc cũng vàng lắm phải chăng? Biết trời đang gió nên tôi hỏi, gió chạm lòng tôi mái tóc nàng…
Mái tóc Đơn Dương mái tóc bồng như mây giăng trắng lũng vườn hồng, hoa quỳ đang nở vì đang nắng… vì mắt người xưa, mắt nhớ nhung!
Chiếc xe thổ mộ trên đường nắng, nắng ở đèo Eo Gió, nắng thơm. Người tài ích khẽ rung cương ngựa, tiếng lạc vang giòn như tiếng chuông!
Ôi lá vàng bay trong nắng vàng, người ơi đẹp lắm nắng Dran, ba hầm xe lửa còn thơm ngát khói của ngày xưa - năm mươi năm!
Con đường xe lửa răng cưa nghiến, chừ nghiến lòng tôi, kẻ trở về, mắt cứ lau hoài sao cứ ướt… hay là nắng ướt dọc đường quê?
Em ơi Nam Phổ em rời Huế vào tận nơi này Ngoạn Mục chưa? Giữa cõi đời ni, sông với núi, có nghe trong nắng có mùi mưa?”
TRẦN VẤN LỆ
Sinh năm 1942, ở Phan Thiết. Năm 1958, 16 tuổi, Trần Vấn Lệ
được cha đưa lên Đà Lạt để tiếp tục học lấy bằng trung học đệ nhất cấp và tú
tài. Chuyến đi đó như là định mệnh, vì nơi đến đã thành quê hương thứ hai, nơi
ông trưởng thành và làm việc đến 31 năm, để lại trong ông những ấn tượng, kỷ niệm
sâu nặng trở thành nỗi niềm hoài niệm khôn nguôi. Ông tâm sự: “… Mình coi Đà Lạt
như cha mẹ. Cha mẹ đổi thay nét mặt, thân hình… nhưng không đổi thay tấm
lòng…”. Khối tình sâu nặng vậy nên Đà Lạt luôn hiển hiện trong thơ ông, hy vọng
sẽ được nhắc sâu hơn trong một bài viết khác. Trong bài viết này, xin cho phép
tôi dành riêng Trần Vấn Lệ cho Dran - Đơn Dương, một ga nhỏ ông đã dừng chân
trên con đường đến nơi ở trọ…
Trong tâm tưởng của nhà thơ, Dran hiện lên như trong mơ một
màu vàng chung thủy của nắng thơm ướp mật hoa quỳ. Dran đẹp như người con gái đẹp,
với dải khăn len trắng vắt ngang sườn núi, với những vườn hồng trĩu trái chín,
tiếng nhạc ngựa rung vang trong chiều. Dran thơ mộng “thơm ngát khói của
ngày xưa” trên chuyến tàu lửa đã xa hơn năm mươi năm. Để bây giờ trong
ông, nỗi niềm tiếc nhớ hiện ra với “Con đường xe lửa răng cưa nghiến”… Cũng
trên con đường sắt lên xứ sở sương mù ấy, mà lúc trẻ trai chỉ nghe mùi thơm tho
của khói, của nắng, của hoa; trong cuộc “trở về” trong tâm tưởng hơn nửa thế kỷ
sau thì chỉ còn tiếng nghiến trong lòng, bởi đoàn tàu sắt từ lâu đã mất…
Quận Dran xưa như một cánh cung ôm bọc thành phố Đà Lạt gần
trọn hướng đông nam từ Cầu Đất đến tận Liên Khương thuộc huyện Đức Trọng bây giờ.
Dran bây giờ chỉ còn là một thị trấn nhỏ, bằng xã Lạc Nghiệp ngày xưa. Dran nhỏ
vậy thôi nhưng đó chính là khu quận lỵ Dran ngày xưa, hình thành đồng thời với
Đà Lạt, đối với người Dran là một trời kỷ niệm. Chỉ là một ga nhỏ giữa chặng đường
sắt răng cưa huyền thoại Tháp Chàm - Đà Lạt, Dran đã là nơi dừng chân của bao lữ
khách vô tình, nhưng lại hữu duyên với không chỉ chàng trai Trần Vấn Lệ. Mảnh đất
này đã là nơi tạo cảm hứng để họa sĩ Đinh Cường vẽ nên những bức tranh để đời.
Cũng mảnh đất này đã in dấu chân chàng du ca họ Trịnh, là nơi nhạc sĩ sáng tác
nhạc phẩm “Chiều trên quê hương tôi” thi vị. Riêng đối với Trần Vấn Lệ,
Dran đi vào thi ca thắm thiết màu hoa quỳ vàng, tha thiết bóng hình người thiếu
nữ 17 tuổi sang ngang, để thi nhân mê mị trao đời hai câu thơ tình tứ: “Ai
biểu em sinh ra làm con gái, để anh thề chê hết thảy giai nhân”.
“… Chiếc xe đò Đà Lạt, xuống dốc về Dran, đường xe lửa nghiến
răng, chỉ còn trong ký ức. Lạy trời em đừng mất… vì còn hoa quỳ kia! Lạy trời
cuộc ngăn chia, đây là bờ bến cuối… Em ơi rừng với núi, anh lạy hết núi rừng.
Anh như một con sông, ngược dòng tìm Mẹ suối. Anh như tàu lá chuối, trùm đầu một
cơn mưa…
… Nãy giờ tôi làm thơ… Lần đầu tiên giấy trắng, chở trái tim
tôi nặng, về Dran cho nàng. Một chỗ mây tan hoang, cảm ơn lòng chưa vỡ. Em ơi,
anh còn nhớ, em từng dấu bàn chân…” (Em ơi, anh còn nhớ em từng dấu chân -
Thơ TVL).
Mới đọc chỉ tưởng là một bài thơ tình, của một người thất
tình, khi người trong mộng đã sang sông mà thi nhân thì chưa đủ tuổi lớn… Đó là
người con gái 17 tuổi xuất hiện thường xuyên trong thơ Trần Vấn Lệ. Người con
gái mới 17 tuổi áo hồng sang sông, như vầng trăng chưa kịp tròn, cứ khuyết mãi
trong trái tim người. Nhưng lắng sâu hơn trong từng hơi thở của thơ ông, ta còn
như thấy nỗi buồn sâu kín hơn, nỗi buồn bể dâu của dân tộc qua cuộc chiến chinh
đẫm máu một thời hằn vào thân phận mỗi con người. Trong thơ, Trần Vấn Lệ như mượn
một đôi chân hữu hình đưa ông trở về với quá khứ, với ký ức, với những kỷ niệm
cứ trăn trở, quấn quýt trong trái tim đa sầu đa cảm. Người con gái như có như
không, hòa lẫn vào màu hoa quỳ, hòa trong nắng thơm, vào hơi gió thoảng trong
miền tâm tưởng.
Chúng ta sẽ còn đọc thấy rất nhiều lần trong thơ của Trần Vấn
Lệ hình bóng người thiếu nữ tuổi 17 sang ngang đầy tiếc nuối. Có phải người con
gái sinh ở Dran, đã học ở Trường Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, nói giọng Huế dịu dàng
đã níu vướng trái tim chàng thi sĩ từ ngày ấy đến tận bây giờ. Để thêm cuộc
chia ly, sự cách ngăn về địa lý giữa nhà thơ và cố quốc, khiến nỗi niềm hoài niệm
của ông như cao lên, như sâu hơn. Đó là hình bóng một người con gái vô danh vô
hình ẩn trong màu hoa quỳ chung thủy, hình bóng đó là em, em là hoa Dã quỳ - Dã
quỳ là quê hương - quê hương giữa lòng Tổ quốc! “Với người, tôi nghĩ là
hoa. Với hoa, tôi nghĩ người là núi sông! Quê hương, ôi đẹp vô cùng. Câu thơ cẩm
tú tôi lồng trong tranh”. (Chiều sương khói tỏa - TVL).
Thơ Trần Vấn Lệ như văn xuôi nhưng có vần có điệu. Ông nắm rõ
luật của thơ nên như tung hứng cùng con chữ, có bài hàng ngàn từ mà chẳng có dấu
chấm, phẩy nào như đùa nghịch với khách tri âm. Thơ ông lạ, nhưng ông làm thơ dễ
dàng như hơi thở, câu từ bình dị, cấu tứ giản đơn, dễ tìm được sự đồng cảm. Trần
Vấn Lệ suy nghĩ bằng thơ, hoài niệm thành thơ, khóc cười cũng nên thơ…
6/3/2017 Kiều Minh Mạnh
6/3/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét