Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Lão HạXXXXX

Lão Hạ

1. Dân chúng trong thị xã Y..., không ai là không biết lão Hạ. Chẳng những biết mà còn quen thân nữa. Lão Hạ là một con người mà hình ảnh gắn liền với nghề nghiệp hơn nửa thế kỷ khiến lão trở thành một nhân vật đặc biệt, có liên quan mật thiết đến một phần sinh hoạt hằng ngày của hầu hết mọi gia đình. Và có lẽ là ít người nghĩ đến, có thể vì đó là một điều đã trở nên hết sức tự nhiên khiến người ta ít chú ý, nhưng thực ra vẫn có đó, là dân chúng trong thị trấn, ít nhiều đã dành cho lão Hạ một cảm tình đặc biệt, như đối với một người thân, người họ hàng. Và chính vì lòng đã đinh ninh như vậy-sự tin cẩn trong tình thân ái-mà hành động của Lão Hạ vừa được phát giác-họ cho là một tội lỗi quá sức gớm guốc, không thể tha thứ được - làm cho mọi người sững sốt bàng hoàng. Người ta không nhất mực oán trách và kết tội lão một cách khắc khe như đối với một kẻ xa lạ. Nhưng họ không thể chẳng cảm thấy buồn rầu như chính họ đã phạm phải lỗi lầm và thành thực lấy làm tiếc cho lão, thắc mắc tự hỏi, tại sao một người như lão Hạ - họ cho là có một tư cách đáng nể trọng - lại có thể phạm vào một tội lỗi kỳ dị như vậy được.
 
Lão Hạ là người cháu ngũ đại của một giòng họ đã đến lập nghiệp đầu tiên tại thị trấn Y..., ngay từ khi nơi đây còn là một vùng đất hoang vu với nhiều thú dữ, chỉ có một ngôi chợ nhỏ với năm ba gia đình. Ngay từ khi đó, ông tổ năm đời của lão Hạ làm nghề săn bắn, bán thịt thú rừng. Và rồi, đời này tiếp nối đời kia, cha truyền con nối làm nghề mổ thịt. Họ trở nên một giòng họ giàu nhất vùng với một gia tài đồ sộ. Cho đến đời lão Hạ, dưới sự trông coi của lão, một lò giết gia súc lớn-qui tụ hầu hết những người trong họ-độc quyền cung cấp thịt cho toàn vùng và còn mang sang các tỉnh lân cận nữa. Công cuộc làm ăn vô cùng phát đạt. Nhưng đó là chuyện thời trước chiến tranh. Cuộc binh biến đã xảy ra và kéo dài suốt ba mươi năm khiến công cuộc làm ăn của lão sa sút dần. Lò thịt đồ sộ bị bom đạn tàn phá. Người trong họ không chịu nổi tình trạng rối loạn tại tỉnh nhà đã tứ tán mỗi người mỗi ngã tìm nghề khác làm ăn. Chỉ còn mình lão Hạ cương quyết ở lại quê hương - mảnh đất đã chôn vùi bao nhiêu hài cốt của ông cha, để lại - và vẫn giữ lấy nghề nghiệp tổ tiên. Lão mở hàng thịt ngay tại nhà bán đắp đỗi kiếm sống qua ngày, tuy nhiên công việc cũng không mấy trôi chảy vì ảnh hưởng cuộc chiến, ngày càng trở nên khốc liệt. Mọi sinh hoạt trong thị trấn bị đình trệ. Mức sống của dân chúng từ lâu vốn đã thấp kém tồi tệ vì sưu thuế nặng nề và lạm phát gia tăng thì nay tình trạng càng trở nên hết sức tệ hại, phải nói là thê thảm. Nạn đói kém đã phát sinh, ở một vài nơi dân chúng ăn cây dại và ngã ra chết, nạn thất nghiệp, khiến những gia đình tuyệt vọng đã tìm đến cái chết.
 
Năm 19..., vào lúc mọi người hy vọng cuộc chiến kết thúc, bỗng nhiên nó lại bùng lên dữ dội. Không ai biết đó có phải là dấu hiệu cho biết nó sắp sửa tàn lụi không, nhưng có điều hiển nhiên là những hậu quả nó gây ra thật tai hại và tồi tệ hết chỗ nói. Thoạt tiên, tai họa xảy đến còn khiến người ta ngạc nhiên, vì là họ còn nuôi chút hy vọng những trò điên rồ đó rồi ra sẽ chấm dứt. Nhưng trò điên rồ đó vẫn tiếp diễn hết năm này sang năm khác một cách triền miên say sưa, liên miên, trút lên đầu cổ họ biết bao tai ương thảm khốc, khiến cho chút hy vọng mong manh tắt ngấm sau đó. Người chết yên thân, người sống thì sống thoi thóp, chịu đựng một sức nặng vô biên của nỗi sợ hãi, sự đói khát, chết chóc đè lên tâm hồn và thể xác. Phần đông, dần dần tâm hồn họ trở nên chai lì đối với những nỗi đau khổ của chính mình và của người khác. Không buông xuôi, nhưng ít người còn đủ kiên nhẫn và nghị lực, giữ được lòng hy vọng dể chống chỏi lại với những nỗi khổ đau bóp nát trái tim họ. Lòng can đảm chỉ còn tìm thấy ở những cử chỉ và nét thản nhiên trên từng khuôn mặt khi họ kề vai gánh vác lấy những nỗi đau thương đưa tới với không một lời than thở.
 
Dân chúng tại Y... cũng không tránh khỏi cảnh ngộ đó. Có thể nói, hình ảnh của riêng họ còn khốn nạn hơn những nơi khác, vì đó là một thành phố có địa thế chiến lược, nơi luôn luôn xảy ra những trận giao tranh khốc liệt. Đã nhiều lần họ sống trong tình trạng bị bao vây hàng nửa năm. Và những khi đó, đời sống của dân chúng tại Y...trở thành một thứ địa ngục trần gian. Và có lẽ, hơn những thành phố khác, từ ngày cuộc chiến bùng nổ, họ quen nhìn cảnh nhà cửa bị tàn phá, gia tài gầy dựng bằng mồ hôi nước mắt suốt một đời, phút chốc tiêu tan ra tro bụi. Họ quen nhìn cảnh chia ly của chồng, con, cha, anh bị xua ra mặt trận để rồi không bao giờ trở lại.
 
Lão Hạ có sáu người con trai, chiến trường đã lấy đi một nửa. Còn lại ba đứa sau ông quyết tâm bảo vệ chúng, ông giữ chúng ở nhà dù chúng đã tới tuổi nhập ngũ. “Sống để làm việc, xây dựng đất nước và cuộc đời, có ích hơn là tiếp tay vào việc tiêu diệt một cách vô lối sinh mệnh con người”, lão Hạ vẫn nói với các con ông như vậy. Ông xây một căn hầm bí mật chìm dưới mặt đất nền nhà. Cho các con ông ẩn núp mỗi lần có cuộc truy lùng bắt thanh niên của nhà cầm quyền đương thời.
 
Hàng thịt của lão Hạ cũng còn khách lui tới. Dân chúng trong thị trấn hầu hết đã trở nên nghèo khó, tuy nhiên vẫn có một số người lợi dụng chiến tranh để trục lợi. Họ bỗng chốc trở nên giàu có. Đối với hạng người này, chiến tranh là một cơ hội tốt để họ vơ vét của cải của bất cứ ai, bằng bất cứ mánh khoé bất lương nào: nơi những đồng bào cơ cực của họ, của bọn ngoại quốc và của chính phủ. Đó là một lũ giòi bọ mà chiến tranh là một môi trường béo bở – như một tử thi thối rữa - tha hồ cho chúng đục khoét thỏa thích. Chính hạng này đã là khách hàng chăm chỉ của hàng thịt Lão Hạ.
 
Vào mùa hè năm 1972 , dân chúng mệnh danh là Mùa Hè Đỏ Lửa, một mặt trận lớn mở màn vào đầu mùa mưa, qua mùa Đông rồi sang Xuân. Chiến cuộc lan tràn từ vùng rừng núi về đến một vùng ngoại ô cách trung tâm thị xã ba cây số. Ngay từ đầu, con đường tiếp tế duy nhất cho tỉnh đã bị đối phương cắt đứt, và như vậy thành phố coi như bị bao vây, tuyệt lối ra vào. Mới đầu, nhờ vào số lương thực dự trữ, sinh hoạt dân chúng chưa thấy khó khăn. Nhưng sau một thời gian tình trạng thiếu thực phẩm đã dần dà xuất hiện. Hàng thịt lão Hạ, từ cuối mùa Đông đã mở cửa thất thường, có khi phải đóng cửa năm ba hôm. Việc đó khiến cho những kẻ thừa tiền không tiếc lời phàn nàn. Sự thực, tình trạng thực phẩm cần thiết chung trong tỉnh, nếu họ biết rõ còn đáng phàn nàn hơn nhiều. Trong kho dự trữ, các nhu yếu phẩm đã đến lúc khô cạn.
 
Trong thời gian đó, lão Hạ hết sức đi tìm mua con thịt để thỏa mãn số khách hàng khó tính, nhưng vượt cả tình trạng khan hiếm, tìm đỏ mắt, lão không thấy ở đâu còn bóng dáng một con bò, một con heo nữa. Dân chúng từ lâu, đã đến hồi phải giết thú nuôi để làm thực phẩm và để trao đổi với lính lấy ít gạo sấy vì gạo tươi đã hết. Trong một tình cảnh như vậy thì lão Hạ còn biết đào đâu ra con thịt, nên hàng thịt của lão đành phải đóng cửa.
 
Sang Xuân, tình cảnh còn trở nên tồi tệ hơn. Quân đối phương đã đưa cuộc chiến vào ngay trung tâm thành phố. Những cuộc đụng độ dữ dội xảy ra liên tiếp, kéo dài suốt mùa Xuân. Thành phố bị san bằng. Xác người, xác thú vật không chôn cất rửa thối ngay trên mặt đường dưới những trận mưa Xuân. Mùi xú uế bao trùm lên thành phố. Người ta không lo chết bom đạn nữa - vì dẫu sao còn tránh né được - mà kinh hoàng khi nghĩ đến một trận dịch hạch có thể xảy ra. Nhưng cho đến khi tàn cuộc, trận dịch không đến và cũng không ghi nhận được một trường hợp bệnh trạng nào tương tự mà người ta đã thi nhau ngã ra chết vì đói.
 
Khu Lão Hạ ở chiến cuộc không lan tới. Không ai hiểu tại sao. Như một phép lạ, không có một trái đạn lạc. Ba phần tư dân chúng trong thị trấn đã đổ dồn về đó, một khu chỉ gồm hai đường phố nhỏ dựa lưng vào nhau, có một trường trung học kiểu mẫu và một sân vận động. Khu đất trở nên quá nhỏ so với số người đông đảo. Khắp nơi đều có người, từ trong nhà đến ngoài đường, từng gia đình chen chúc nhau trong những căn lều nhỏ chỉ vừa chỗ cho hai người. Quang cảnh lúc nào cũng như  một phiên chợ - nhưng tuyệt nhiên không thấy có thức ăn - mà mọi sinh hoạt đều trở nên công khai dẫu có những việc tối cần một chỗ riêng tư - chỉ trong chốc lát thôi và chiếm một chỗ hết sức nhỏ nhoi đi nữa-cũng không có được. Đó là nơi ngự trị của vị thần hỗn tạp và bừa bộn. Người ta tìm thấy đủ mặt những vị thường ngày là dân tai mắt của thị trấn: mấy vị nghị sĩ, dân biểu, nghị viện hàng tỉnh, các giáo sư các trường trung học và đại học tư thục và công lập… (chỉ thiếu vị tỉnh trưởng, ngay từ những giây phút đầu có tin đồn ông ta đã tử trận hay biệt tích), quí vị chức sắc các tôn giáo…
 
Vấn đề nan giải cho bọn họ là thực phẩm vì hầu như tất cả đều ra đi với tay không. Những cuộc tiếp tế nhỏ giọt của chính quyền không sao bù đắp vào sự  thiếu hụt đã trở nên quá trầm trọng. Cho nên tức thì tình trạng hỗn loạn xảy ra. Luật lệ của quốc gia từ lâu vốn đã lỏng lẻo-cướp bóc giữa ban ngày ngay tại thủ đô và dân chúng phải đăng báo điều đình với bọn cướp với lời cam đoan “không làm khó dễ” - người ta nhân danh pháp luật để làm những điều phi pháp, luật pháp chỉ là mánh khóe của những kẻ quyền thế - để bảo vệ quyền lợi của giai cấp họ và là một thứ kìm kẹp đối với bọn dân đen. Vậy thì trong một hoàn cảnh như vậy tại khu tạm cư của thị trấn Y..., người ta sẽ dễ dàng tưởng tượng ra sự thể chính quyền có thể duy trì được trật tự đến mức độ nào trong thời gian thành phố bị vây khốn đó. Đối với bọn đầu trộm đuôi cướp, gái điếm, ma cô, lũ lính đào ngũ, các tay anh chị, dân giang hồ thì tình trạng đó là môi trường tốt cho chúng hoạt động, dầu là chúng chẳng kiếm được món gì béo bở - nhưng cũng không đến nỗi phải chết đói, không đến nỗi mở mắt thao láo nhìn người khác ăn mà rỏ dãi, nhóp nhép nhai theo với miệng không, khi bị người khác bắt gặp thì vội vã nhìn lơ đi nơi khác hay cúi đầu xuống nhìn mặt đất làm ra vẻ bất cần. Đó là thái độ của những người tự nhận mình thuộc một giai cấp nào đó mà lòng tự trọng khiến họ buộc lòng trói tay họ lại trước sự thúc đẩy hồn nhiên của bản năng khiến họ lẽ ra phải chìa tay để nhận chút thực phẩm bố thí, hay chính họ phải tìm ra một cách lén lút và phần nào bất chính. Nhưng rồi đến một lúc, trong số những người đó, những người đã tự nhận ở một giai cấp cao, có văn hóa và giáo dục, bản năng sống đã vượt thắng. Người ta thấy những cô gái nhà lành, các nữ sinh viên, nữ sinh trung học, các hiền mẫu, hiền thê, không lộ liễu như những gái điếm, họ cũng kín đáo gặp gỡ những người lính trong bóng đêm ở những góc phố để đổi lấy những bịch gạo sấy, vài lon đồ hộp để nuôi sống mình và gia đình. Những bậc phụ huynh, những người chồng, người cha nhắm mắt lại để tự dối lòng là họ đã không thấy con gái, vợ họ đã làm việc ấy vì chính họ cũng chia sẻ chút thực phẩm của các người thân mang về. Cho đến sau cuộc chiến, đó là những kẻ còn sống sót, dầu với một thân thể tiều tụy và tâm hồn bị thương tổn. Trong khi đó cuộc chiến vẫn tiếp diễn và số người ngã xuống của cả hai bên mỗi ngày vẫn  không được chôn cất, thảng hoặc trong những giờ tạm ngưng tiếng súng người ta chỉ kịp mang về chất đống ở một trường tiểu học gần khu bệnh viện quân sự. Đó là những xác chết tìm thấy, hầu như ngay trước mắt. Còn biết bao những tử thi khác bị bỏ quên?
 
Suốt những đêm dài Lão Hạ khổ tâm vì thấy những xác người đã bị để cho thối rửa đi một cách phí phạm. “Thật vô ích, thật vô lý!”. Lão vò đầu bứt tai cố tìm ra một biện pháp để cứu vãn tình trạng mất mát uổng phí ấy. Mà đối với lương tâm nghề nghiệp, lão cảm thấy điều đó là một điều mỉa mai, thách thức một cách xấc xược khiến lão không tài nào chịu nổi.
 
Một đêm, cơn trầm tư  đã làm loé ra trong óc lão một tia sáng. Lão liền đứng bật dậy, tay run run vuốt chòm râu bạc, sảng khoái, lão đi tới lui trong phòng, miệng mỉm cười đắc ý, mắt sáng rực nhìn ra trời đêm. Hai bàn tay lão nắm chặt lấy nhau, nôn nóng. Thỉnh thoảng lão dừng bước, mái đầu bạc phơ cúi xuống, mắt nhắm lại trong chốc lát như đang sống trong hành động, rồi lại ngẩng đầu lên, hai mắt sáng long lanh như có tia lửa, bước đi hăng hái vòng quanh phòng.
 
Như tôi vừa kể, trong thời gian đó tình trạng an ninh trong khu phố hết sức lỏng lẻo. Không kể đến sự  hỗn loạn của số người tạm cư, bọn lính từ mặt trận rút về tuôn vào phố xá, đi nghênh ngang như một lũ cướp ngày. Hết lớp này đến lớp khác, tha hồ vơ vét đồ tế nhuyễn nhét đầy túi - sau đó, trong những tử thi thấy có người còn giữ nguyên những đồ vừa lấy được. Lạc vào thành phố, trông họ giống như một bọn trẻ con - nhưng hung tợn - được thả lỏng vào gian hàng bán đồ chơi.
 
Một hôm nhà lão Hạ cũng bị một tốp lính đột nhập. Nhưng trái với những chủ nhân khác, hoặc là phản đối để bị đánh đập, hoặc khóc lóc van xin, hoặc riu ríu vâng lời, Lão Hạ đã vui vẻ tiếp đón họ, thân tình như những người bà con. Lão hối vợ làm một mâm cơm thịnh soạn, mời bọn lính trận đánh chén. Họ như những người buồn ngủ vớ được chiếu manh, tha hồ ăn uống một bữa no say. Khi ra về lão Hạ còn cho mỗi người một gói mang theo, và nhét vào túi họ một món tiền lớn nữa. Mấy người lính cám ơn lão rối rít, lưỡi líu lại, nói không thành tiếng - vì say mà cũng vì xúc động - và họ hứa sẽ làm những điều lão Hạ tha thiết yêu cầu. lão Hạ nhìn theo những chiếc bóng nghiêng ngã xa dần trong bóng đêm mỉm cười hối hả quay vào. Bỗng lão dừng lại, lắng tai nghe. Có tiếng đàn bà khóc ở căn lều xéo góc nhà lão. Lão không còn lạ gì những âm thanh thê thảm đó. Từ một tháng nay nạn đói đã thực sự hoành hành. số người chết gia tăng nhanh chóng. Hằng ngày nhìn những gương mặt ốm xanh xao với hai mắt lõm sâu, ngơ ngác, lòng lão đau thắt.
 
]
 
Giữa lúc đó hàng thịt lão Hạ mở cửa.
Sống lâu trong bom đạn, người dân đâm ra dạn súng dạn đạn, coi súng đạn như những người thân khó tính. Ngay cả cái chết đối với họ cũng nhạt nhẽo, như khi người ta đổi một chiếc áo cũ này để lấy một chiếc áo cũ khác, không có gì lạ, không có gì mới mẻ. Vả chăng, họ sống cũng như chết, chỉ là vấn đề thời gian sớm muộn, nên họ coi chết cũng như sống một đời sống khác, may ra còn có được sự yên ổn – hơn lúc nào hết, thần thánh trở nên có giá trị đối với họ : Chúa, Phật, ông bà tổ tiên được họ réo gọi luôn luôn – nên mặc dù đạn rớt nổ ầm ầm trong các đường phố, bay veo véo bên tai, làm nhiều người mất mạng, khi hay tin hàng thịt lão Hạ mở cửa, họ tấp nập kéo tới mua, xông pha trong lằn tên mũi đạn.
 
Bọn nhà giàu có thì ham ăn quên chết, nhịn lâu ngày họ nhớ thịt đến phát điên, nay nghe có thịt tươi, vội vàng tới mua ngay. Những người còn được chút ít tiền thì nghĩ rằng, ôm tiền mà chết thật phí của, thôi thì, thà ăn được miếng thịt rồi có chết cũng sướng thân. Chỉ có những kẻ nghèo không có gì để ăn thì cần ăn để sống, nên họ cũng lê lết tới hàng thịt Lão Hạ để xin bố thí miếng thịt, khúc xương về. Vì thế mà hàng thịt lão Hạ không ngớt người lui tới. Có điều lạ là lão Hạ có vẻ không để ý tiền bạc, không lợi dụng thời cơ để làm giàu. Lão vẫn bán với giá phải chăng như ngày thường. Ai mua thì lão bán, những người đến xin lão vẫn vui vẻ cắt cho, còn có phần hậu hỉ nữa là khác.
 
Hàng thịt của lão không ngớt khách, từ tinh mơ cho đến chiều sẫm. Và thịt không bao giờ thiếu, thịt tươi, thịt luộc ê hề, nhưng đặc biệt người ta không thấy có thủ vĩ, không có chân giò – mặc dầu những thứ khác như tim, gan, cật, ruột, phổi đều có đủ – nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo này quí hồ là có thịt tươi để ăn, không ai để ý đến sự thiếu sót đó.
 
Rất đều đặn, cứ vào khoảng đầu mỗi đêm, một chiếc xe “đốt” mui bít bùng từ trong bóng đêm hiện ra dừng lại ở cửa vào nhà sau của lão Hạ. Những bóng người trên xe nhanh nhẹn chuyền xuống cho lão những gói hàng lớn đã được cột ràng dây cẩn thận, mỗi lần hơn kém khoảng hai mươi gói trở lại. Các gói được tạm để dọc bờ tường, và khi chiếc xe không đèn đóm chầm chậm quay đầu tiến vào đêm tối, lão Hạ, vợ lão và ba đứa con trai – từ trong hầm trú ẩn chui ra – không gây một tiếng động nhỏ, khiêng từng gói hàng vào nhà, xong đóng cửa lại. Mọi việc luôn luôn diễn ra hoàn toàn trong sự che phủ của bóng đêm. Họ như những bóng ma, đúng giờ, hiện ra trong chốc lát rồi biến mất.
 
Sau đó, trong nhà sau của lão Hạ, ở gian mổ thịt, công việc bắt đầu. Dưới ánh sáng bập bùng của một ngọn đuốc dần lớn tỏa khói đen cay nồng, lão Hạ mình trần – thân thể lão còn lực lưỡng – đầu quấn khăn, quần đùi ngang gối, đứng trước bàn mổ tay cầm một con dao phay bén ngót.
 
Ở một góc, vợ lão ngồi canh chừng một nồi nước lớn, sôi sùng sục. Đứa con nhỏ nhất đứng bên cạnh, tay cầm một cái gầu to, giữ nhiệm vụ xối nước lên con thịt.
 
Hai đứa con lớn, đứng sau lưng lão khiêng một gói hàng bọc pông-sô kín đầu kín đuôi, đặt lên bàn mổ, rồi lui về chỗ cũ.
Lão Hạ mất công mở những vòng buộc bằng dây điện thoại - nếu là dây vải thì con dao lão chỉ roẹt một cái là đứt phăng – và lão nhăn mày cằn nhằn khi gói hàng vừa được mở ra. Lão xếp tấm pông-sô rất mạnh vào xó nhà :
- Lại quên cởi bỏ áo quần... Đã dặn không biết bao nhiêu lần rồi.
Nhưng lão tỏ ra kiên nhẫn làm công việc đó. Bộ áo quần màu ô-liu dính bùn và máu khô được gùi lại, vất vào chung chỗ với chiếc pông-sô. Đây chỉ là trường hợp đặc biệt – nhưng không phải là hiếm xảy ra, Lão Hạ đã dặn chỉ lấy những hàng đã bỏ đầu và áo quần thôi, nhưng rồi lần nào họ cũng quên.
 
Con thịt khá đẩy đà, trắng trẻo khiến lão Hạ hài lòng. Sau khi nhìn thoáng qua gương mặt con thịt với đôi mắt nhắm như đang chìm trong giấc ngủ sâu thẳm, lão lật qua lại để xem xét các vết thương. Lão luôn luôn để tâm lo lắng đến những vết thương trên thân thể các con thịt, xem có nhằm vào những chỗ làm mất nhiều thịt không. Nếu là ở ngực thì có khi quả tim và hai lá phổi bị hư nát, ở bụng thì cái bao tử và bộ lòng phải vứt bỏ, nhưng lão buồn nhất, là khi con thịt bị nát cả hai bắp đùi, vì đó là phần cho nhiều thịt nhất. Lão thường phàn nàn, người ta dùng nhiều thứ đạn lớn quá làm hư mất thân thể các con thịt một cách phí phạm. “Không nên làm phí của trời đất”, lão Hạ thường nói với những người thân.
Xem xét xong, lão mừng thầm là con thịt không bị vết thương nào nặng. “Hình như chỉ có một viên đạn xuyên vào trái tim nó mà thôi”. Lão Hạ nghĩ thoáng qua rồi nhanh nhẹn chặn lưỡi dao lên khoảng yết hầu con thịt cắt đứt lìa cuống họng. Đoạn lão dùng một khúc đòn – đã mòn khuyết – nện lên sóng dao để chặt khúc xương cổ. Phần đầu – tóc hớt cao nhưng ra đã dài – đứt lìa sau ba cái nện, lão Hạ dùng dao hất văng cái đầu xuống chiếc thùng sắt lớn kê ngay dưới đầu bàn mổ. Một ít máu đậm đặc từ khoảng cổ cụt chảy ra đọng lại trên thớt gỗ.
 
Sau khi đã chặt hai bàn tay và chân, Lão Hạ đứng xê ra một chút. lập tức đứa con nhỏ, có vẻ đã quen việc, múc một gáo nước nóng xối đều lên con thịt rồi trở về chỗ cũ. Lão Hạ bước tới, cạo, xong gọn gàng lật úp lại. Thằng bé lại múc nước xối lên từ hai vai xuống đến mông và hai bắp đùi. Lão Hạ tiếp tục công việc, tiếng lưỡi dao chạm vào làn da soàn soạt. Rồi thằng bé múc nước lạnh trong một thùng phuy xối tráng lại. Khi con thịt đã sạch sẽ, da nó trắng phau như màu giấy, lão Hạ bắt đầu xẻ.
 
Trước hết lão cắt lìa hai cánh tay ra khỏi đôi vai, rọc sâu vào lớp thịt đến tận xương rồi lọc lấy riêng thịt ra. Kế đến hai bắp đùi rồi tuần tự những phần khác. Lão chỉ giữ lại xương sườn và cột xương sống thôi, xương tay chân và những thứ không dùng được lão lùa cho rốt vào chiếc thùng sắt.
 
Tất cả số thịt lấy được lão cho vào một trong hai chiếc càng xế để trong một gian buồng nhỏ, kín đáo.
Con thịt thứ hai, thứ ba, thứ tư  kế tiếp được xẻ, không có gì đặc biệt. Thảng hoặc lão Hạ càu nhàu vì con thịt quá gầy, còn trẻ quá hay già quá. Nhưng đến con thịt thứ năm và thứ sáu, lại rơi vào trường hợp đặc biệt : còn nguyên cả áo quần mà lại là lính của phe bên kia. “Kẻ thù...”, lão lầm bầm nói trong khi vẫn tiếp tục công việc. Và tất cả các động tác của lão cũng diễn ra như vậy. Cũng nhanh nhẹn, gọn gàng. Khi cần thì lão mạnh tay, khi không cần lão vẫn nhẹ nhàng, không hề bị sự chi phối tình cảm nào đối với con thịt mà lão gọi là “kẻ thù” cả. Dưới mắt lão, chỉ là những con thịt, không phân biệt. Trong cung cách làm việc của lão Hạ, nếu tinh ý, sẽ nhận ra có một vẻ âu yếm đặc biệt đối với các con thịt, có thể nói hầu như đó là sự bày tỏ lòng sùng kính trong một buổi lễ tạ ơn linh thiêng.
 
Trong khi Lão Hạ làm việc, không khí trong phòng như đọng lại. Người ta không còn nghe một âm thanh nào khác ngoài những tiếng động đục, vô tư của lưỡi dao chạm vào làn da, xương cứng hay thớt gỗ. Tất cả mọi người đều giữ một sự im lặng tuyệt đối. Hai đứa con lớn, sau khi khiêng gói hàng đặt lên bàn mổ, lui lại sau lưng lão Hạ, hai tay buông thỏng vòng phía trước bụng, đứng thẳng, ánh mắt chăm chú nhìn cha làm việc. Thằng bé giữ nhiệm vụ xối nước cũng đứng yên khi không có công việc. Nó đứng không nhúc nhích như một pho tượng.
 
Vợ lão Hạ giống như chiếc bóng của một người câm, ngồi canh lửa nồi nước, thỉnh thoảng múc nước đổ vào, thêm củi. Vài lần trong suốt buổi tối, lão Hạ gọi vợ để khoe một con thịt mập, có bắp thịt rắn chắc, hoặc phàn nàn về một con thịt ốm, thịt nhão... Lúc ấy mụ ta mới rướn cổ lên mà nhìn chút xíu cho vừa lòng chồng, rồi lại cúi mặt xuống, ánh  mắt mụ buồn rầu thểu não.
 
Chỉ có một mình lão Hạ là luôn luôn hoạt động và gây ra những tiếng động nên những khi lão dừng tay nghĩ, bầu không khí như bỗng nhiên đông đặc lại, chỉ còn ngọn đuốc dầu hỏa cháy bập bùng là có sinh khí, và ngọn đuốc như một ánh mắt đỏ linh động, một nụ cười ngạo nghễ, nghiêng ngã nhả từng đợt khói đen lên  trần nhà tối ám.
-  Cộc!  Cộc!... Cộc! Cộc!
Vào lúc công việc sắp hoàn tất, thình lình có tiếng đập cửa mạnh khiến mọi người giật mình. Họ nhất loạt quay nhìn ra cánh cửa sau nhà đang chìm trong bóng tối, chờ đợi. lão Hạ cũng đã ngừng tay. Một lúc không thấy gì, lão lại tiếp tục công việc.
- Cộc! Cộc!.... Cộc! Cộc!
Nhưng rồi tiếng đập cửa lại nổi lên lần nữa, lần này kéo dài ra. Mọi người có vẻ nao núng chú mục nhìn về phía cánh cửa đã cài then, vẫn không nhúc nhích. Vợ lão Hạ mắt thất thần, ngóng cổ lên ngó dáo dác như một con thú bị săn đuổi tìm đường lẩn trốn. Cầm chặt con dao phay, tay cầm bó đuốc, Lão Hạ tiến ra. Cửa vừa mở, mọi người chưa kịp nhìn thấy gì thì một cơn gió lạnh từ bên ngoài bóng tối thổi tốc vào, ngọn đuốc run lên dữ dội xanh xao rồi tắt ngấm. Bóng đêm như bức màn lớn chụp úp lấy gian nhà đột ngột như dìm mọi người vào trong một nấm mồ. Tiếp theo, trên nền trời đen nghịt, một tia chớp dài vẽ một đường sáng ngoằn ngoèo. Ánh sáng xanh lè của tia chớp soi rõ, giữa khoảng cửa trống, một cành dương liễu lá dày gẫy gục, rũ xuống đu đưa trong gió, như mái tóc một người đàn bà bị treo ngược trút đầu xuống... Tiếng sấm nổ rền. Mưa trút xuống ào ạt.
 
Mụ vợ lão Hạ ôm mặt kêu rú lên thất thanh. Lão Hạ nhẹ nhàng đóng cửa lại, trở vào trong bóng tối. Khi ngọn đuốc đã được thắp sáng trở lại, mụ Hạ mắt tròn xoe, len lén nhìn lão qua kẽ tay che mắt. Lão Hạ đưa mắt nhìn một vòng ra chung quanh như để xem có gì thay đổi không, nhưng mọi vật vẫn còn nguyên : ba đứa con lão - vẫn còn đứng tại chỗ của chúng, không xê xích, như ba pho tượng gỗ, mụ vợ - ngồi gục đầu bên lò lửa - hai càng xế thịt...., lão yên tâm tiếp tục công việc.
 
Khi con thịt cuối cùng được làm xong thì hai càng xế thịt cũng vừa đầy. Trong một chiếc rổ lớn, lão để riêng những bộ lòng : tim, gan, cật, ruột – lão đã cẩn thân bỏ đoạn ruột già đi - Số thịt đó ngày mai sẽ tiếp tục nuôi sống đám dân đói khát trong khu phố của lão.
 
]
 
- Cứu tôi với! Cứu tôi với! Cứu... tô ô ô... ôi...
Tiếng kêu nhọn hoắc lanh lãnh, hấp hối của một người đàn bà như một lưỡi kiếm thép đâm soạt màn đêm đen căng thẳng. Một tiếng kêu thảng thốt, tuyệt vọng thoát ra giữa đêm đen, vang dội trong các ngõ ngách âm u của một thành phố đổ nát, len lỏi vào tận cùng những xó góc vun lên, thấm vào những đống gạch vỡ vụn, vào dấu vết của hoang tàn. Một tiếng kêu thống khổ gợi lòng thương cảm, đánh thức dậy những tâm hồn chập chờn trong giấc ngủ mộng mị dưới những căn hầm sâu trong lòng đất, tối tăm, ẩm ướt, với lũ chuột ghẻ lỡ và đàn côn trùng.
- Cứu tôi với ! Cứu tôi với ! Cứu...
Tiếng kêu thất thanh phát ra từ miệng một mụ già xỏa tóc, ngửa mặt lên trời, chạy rong trong các đường phố chết, vắng tanh không một tiếng động – ngay như bước chân nhẹ nhàng của bọn mèo hoang, của lũ chuột cống đi tìm những thây ma thối rửa – đầy tràn cơn vắng lặng rình rập, lạnh lẽo của những họng súng đen ngòm chực chờ nhả đạn.
 
Từ dưới hầm sâu, người ta rùng mình lắng nghe cái giọng run rẩy, the thé, não nuột vọng đến, nỗi sợ hãi dâng lên như có một bàn tay lạnh giá của tử thi sờ lên khắp thân thể khiến họ chết điếng. Mọi người chờ đợi nghe một tiếng súng nổ dòn, để rồi sau đó tiếng kêu tắt ngấm như một lưỡi dao cắt ngang một sợi tơ căng thẳng. Trí tưởng tượng của họ vẽ ra hình ảnh một thân người bổ sấp xuống, giãy giụa trên vũng máu, hai tay cào vào mặt đất sút móng. Nhưng cái giọng kêu thảm thương còn tiếp tục vang đến tai họ... xa dần, xa dần....
 
Sau đó, toán lính tuần đêm bắt đem về trụ sở một mụ già và ở đó người ta nhận ngay ra mụ.
Một người ngạc nhiên lên tiếng:
- Vợ Lão Hạ đây mà! Sao lại ra nông nỗi nầy?
- Chắc mụ ta bị lão đánh đập. Giọng rụt rè của một người khác.
Người thứ hai cãi :
- Không phải đâu, tôi biết Lão Hạ mà. Lão rất hiền lành, yêu thương vợ con lắm. Tôi ở đây đã hai mươi năm, chưa hề thấy lão ta mắng vợ bao giờ.
 
Mụ Hạ ngồi co ro ở góc phòng, tóc rối bù, hai mắt mở lớn lắm lét nhìn quanh gian phòng, nhưng ánh mắt mụ như nhìn vào một cõi riêng chỉ có mụ trông thấy. Miệng mụ phát ra những chuỗi dài những tiếng vô nghĩa, nghe không rõ và thỉnh thoảng mụ cười lên the thé như có một việc gì làm mụ vui thích, rồi thình lình mụ im bặt, mụ tiếp tục nói lảm nhảm những câu không đầu đuôi. Mọi người quan sát mụ với ánh mắt ái ngại.
- Trông bà ta như người mất trí. Một người đưa nhận xét.
- Ừ! Phải đấy. Nhiều người tán đồng. Bà ấy như bị quỉ ám.
- Bà ta cứ nói xàm. Nghe kìa! Cái gì “máu máu”, “đầu lâu”, “làm thịt người”, “thây ma”?
- Bây giờ tính sao? Đem trả mụ cho Lão Hạ đi chớ?
- Thì đem trả. Tội nghiệp. Mới hôm qua đây, gặp bà ta nơi hàng thịt, còn tỉnh táo đứng bán với Lão Hạ. Sao bây giờ...
Một người đến nắm tay mụ lôi dậy, mụ Hạ co rúm người lại, đôi mắt khiếp đảm đảo lia lịa, nhìn anh ta vẻ van lơn như một con thú bị thương cùng đường nhìn gã thợ săn.
- Máu! Máu! Mụ thì thầm, giọng rền rỉ.
- Đi về nhà với chồng bà. Người đàn ông dịu dàng nói với mụ. Về nhà với chồng con bà. Anh ta dỗ dành.
Mụ Hạ trả lời, thân thể mụ run lên như bị một cơn sốt rét:
- Máu! Thây ma! Làm thịt!
 
Người đàn ông ra sức kéo, mụ Hạ trì xuống và ông ta nhận thấy mụ có một sức mạnh khủng khiếp, ông đành phải chịu thua. Không ai lôi nổi mụ ra khỏi chỗ mụ ngồi. Cuối cùng người ta phải xúm nhau trói mụ lại mới khiêng mụ ra xe được. Mụ dẫy dụa, lăn lộn, khóc lóc thảm thiết như người ta sắp đem mụ vào lò sát sinh.
 
Toán tuần tiểu chở mụ Hạ về nhà.
Khi mụ Hạ nổi cơn điên bất ngờ mở cửa vụt chạy ra khỏi nhà, lão Hạ đã đề phòng đem dấu tất cả các gói hàng đang làm dở dang, khiêng hai càng xế đựng thịt cất vào buồng. Khi nghe có tiếng chân người lao xao và tiếng gõ cửa, lão bình tỉnh ra mở. Vừa trông thấy mặt chồng, mụ Hạ nhảy chồm thét lên khiếp đảm:
- Nó đó! Nó đó! Bắt nó mau lên! Bắt! Bắt! Cứu tôi!  Cứu tôi!... Làm thịt! Thây ma!
Gã toán trưởng bắt tay Lão Hạ, vẻ trịnh trọng:
- Chúng tôi gặp bà nhà ngoài đường nên đem bà về cho ông. Dường như bà nhà không được bình thường?
- Dạ. Lão Hạ điềm nhiên trả lời. Bà nhà tôi mới bị mấy hôm nay. Nhà làm thịt, thấy máu me mãi bả đâm sợ... nên... Dạ, xin cảm ơn ông.
- Đêm nay không xẻ thịt à? Gã toán trưởng hỏi, nhìn quanh quất.
 
Lão Hạ xoa hai tay vào nhau:
- Dạ, có chớ. Xong xuôi cả rồi..  Để chúng tôi kính biếu các ông ít lòng về nấu cháo ăn khuya.
- Ấy! Thôi... Ông Hạ, của ông mua để bán mà. Gã toán trưởng từ chối nhã nhặn nhưng giọng đầy khuyến khích.
- Dạ. Có chi đâu, chỗ quen biết cả mà. Lão Hạ nài nỉ ra vẻ hiếu khách. Nhà cũng còn ít rượu nếp, xin biếu các ông luôn, uống cho ấm bụng, dạo này trời lạnh.
- Vậy à? Gã chép miệng. Vậy ra ông còn rượu nếp. Như vậy thì được, ông đã có lòng chúng tôi không dám từ chối, quả trời có lạnh thật.
Mặt nở nang, gã vui vẻ nói:
- Lòng heo luộc nhắm với rượu nếp trong đêm khuya thì nhất. Nhắm xong ăn bát cháo mát ruột lắm.
Lão Hạ lại xoa hai tay vào nhau:
- Dạ... xếp nói phải, trời lạnh, lòng heo luộc... rượu nếp!
Đứa con nhỏ lão Hạ bưng ra một rổ lòng chay, có đủ món: một quả tim, hai trái cật, một lá phổi, một khúc phèo non và một lá gan.
Mắt toán lính sáng lên, sự hứa hẹn một bữa nhậu lòng tươi với rượu nếp khiến vị giác họ hoạt động mạnh. Họ kín đáo nuốt nhúm nước bọt vừa vã ra ở đầu lưỡi. Cả bọn cùng cất tiếng cảm ơn lão Hạ một cách nồng nhiệt.
 
Toán lính tuần vừa đi khỏi, lão Hạ đem vợ nhốt vào buồng rồi trở ra tiếp tục công việc. Mặt lão không vui. Phần lo bệnh tình vợ, sợ công việc bị bại lộ, phần bất mãn mấy gã giao hàng lần này không chọn lựa kỹ, các con thịt gần phân nửa không còn được nguyên vẹn, ốm và không được tươi, vài con có mùi, phải bỏ. Đêm đó lão Hạ chỉ lấy được một càng xế đầy thịt, chiếc thứ hai chỉ được lưng phân nửa.
 
Số lượng và phẩm chất thịt nơi hàng lão Hạ lên xuống tùy theo độ tăng giảm của chiến trận trong thành phố. Vào những ngày cuộc chiến dữ dội thì hàng thịt của lão đầy ắp và thịt tươi rói, trái lại, chỉ có những cuộc chạm súng thường thôi thì thịt ít đi và có khi kém tươi. Khi cuộc chiến lắng dịu hàng tuần thì lão Hạ phải nghỉ việc (thảng hoặc có bày ra bán trong chốc lát vì số thịt có ít).
 
Sự tương ứng hiển nhiên đó không khiến cho bất kỳ người nào để tâm đến, vì lẽ, điều đó không hệ trọng. Cái điều chiếm hết tâm trí họ là làm sao cho khỏi chết: chết đạn, chết đói và đáo cùng nếu có phải chết vì đạn thì cũng cố được chết với cái bụng no... thịt!
 
Vào cuối những ngày cuộc - chiến - không - phân - thắng - bại sắp tàn lụi hẳn. Trong một khoảng thời gian vài tuần, hàng thịt lão Hạ phải nghỉ việc.
 
Bất thình lình, có cuộc chạm súng dữ dội xảy ra ngay trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đó chỉ là sự hiểu nhầm giữa hai đơn vị bạn (nguyên do hai tên lính của hai binh chủng say thứ rượu “cồn” pha nước lã mà ra) khiến cho mươi người chết và bị thương mấy chục. Những xác chết được mang vào để ở nhà xác quân y viện, chờ đơn vị đến nhận lãnh. Sáng hôm sau người ta khám phá các xác chết đã biến mất trong đêm, kẻ trộm chỉ để lại một cái thây đã gần như hư nát hết mà thôi.
 
Ngay sáng hôm sau hàng thịt lão Hạ mở cửa bán thứ thịt tươi rói ngon lành.
Sau khi xảy ra vụ mất xác, ông chỉ huy trưởng quân y viện ra lệnh canh phòng khu nhà xác cẩn thận. Thực ra việc đó cũng đã xảy ra một vài lần trước đây rồi, nhưng vì lúc ấy đang trong cuộc chiến, nhà xác đầy quá, để tràn ra cả ngoài sân cỏ, việc mất xác thì không kiểm soát được. Và rồi ngay đêm hôm sau, toán lính canh bắt được bốn gã đàn ông mặc quân phục, trèo tường vào trộm xác. Cuộc điều tra tiến hành cho biết có sự liên hệ giữa họ và lão Hạ, với hàng thịt của lão. Hay tin, dân chúng thị trấn bật ngửa, thấy mình đã từng là đồng lõa. Lão Hạ bị bắt ngay sau đó.
 
Một thời gian không lâu sau ngày Lão Hạ bị bắt, khắp thành phố lan tràn một bệnh lạ:  bỗng nhiên người ta cảm thấy gan ruột cồn cào, bao tử như co thắt dữ dội và không dung nạp được bất cứ loại thực phẩm nào dầu đơn giản đến đâu. Bao tử họ như một chiếc võng đu đưa, hay hơn nữa như một bong bóng căng phồng đầy hơi đòi bốc lên trời cao. Họ cảm thấy cơn buồn mửa trào lên chận lấy cổ họng, họ nôn mửa một trận cho ra trò, mửa tận mật xanh mật vàng, mửa luôn ra cái bao tử, cả gan cả ruột. Nhưng cơn buồn nôn không chịu thoát ra, nó cứ nằm đó, cuối cùng sau bao cố gắng họ chỉ có những cơn nôn oẹ chiếu lệ, nhổ ra một ít nước bọt đặc quánh và ít rớt dãi.
 
Tuy nhiên cơn bệnh kéo dài không lâu, họ tìm ra được thuốc để tự chữa. Họ tự nhủ: nào, còn gì nữa đâu để mà ói, mửa ra nữa kia chứ? Chỉ toàn là một thứ làm bộ làm tịch, vờ vĩnh phỉnh phờ thôi. Tất cả đã tiêu ma hết rồi, thành máu, thành thịt của chính mình đây rồi, còn gì trong cái bao tử thường xuyên trống rỗng nữa để mà ói mửa?  Nó đã biến thành đời sống. Vậy thì mắc mớ gì lại phải tự hành hạ mình như mình là một tội nhân phải hối cải? Bộ không phải đã nhờ đó mà đời sống mình được kéo dài ra một cách khá dễ chịu sao? Nó có gây trở ngại gì cho thân thể mình đâu, nếu không nói là nó đã nuôi dưỡng bồi bổ thân thể mình. Vậy thì: cớ gì mình phải tỏ ra như là ghê tởm nó, ghê tởm mình? Có phải cái đó là một trò giả dối mà lương tâm cũ mòn khốn nạn của mình đặt bày ra không? Mà nào đâu mình có tội tình gì. Đời sống con người, phải, chính sự sống con người là một cái gì không thể thay thế được mà người ta còn không ngần ngại bắt nó ngừng nghỉ một cách không thương xót thế kia, sá gì cái phần còn lại vô nghĩa là thân xác vô hồn? Phải vậy không? Thế gì tội tình gì lại phải bắt mình chịu hình phạt về cái điều mà mình không gọi là như là tội lỗi đó? Chấm dứt ngay cái trò phỉnh phờ rởm đó đi.
 
Cứu vớt sự sống. Phải, hãy cứu vớt sự sống từ sự chết.
Thế rồi cơn bệnh họ chấm dứt sau đó một cách nhanh chóng, hoàn toàn như gặp được thuốc tiên!
 
2.
Vụ án Lão Hạ gây dư luận sôi nổi trong nước. Thoạt tiên người ta định xử kín trong một tòa án quân sự – vì nội vụ có liên quan đến những người lính - dù họ không còn linh hồn nữa. Nhưng ngay khi Lão Hạ bị bắt, một phóng viên địa phương đã viết một thiên điều tra cho đăng trên một nhật báo ở thủ đô khiến dư luận trong dân chúng không ngớt bàn tán xôn xao. Báo chí liên tiếp kêu gọi chính quyền nên đưa vụ án ra xử trong phiên tòa dân sự, vì lão Hạ - can phạm - là một công dân không có liên hệ gì đến quân sự cả. Vả chăng, tính chất của tội phạm có một tầm mức quan trọng đặc biệt, coi như một trường hợp điển hình, nên càng phải làm cho vụ án trở nên có tính cách công khai.
 
Mặt khác, về phương diện pháp lý, giới tư pháp cũng bối rối không ít, vì trong luật hiện hành và những bộ luật cũ hiện còn sử dụng, lập pháp chưa hề dự trù hình phạt cho một tội phạm như vậy.
 
Tư pháp phải trình nội vụ lên Hành pháp. Hành pháp đưa  qua Quốc hội để soạn thảo luật mới. Trong một phiên họp kín, Hạ viện chấp thuận một dự luật bổ túc điều... của bộ hình luật, định án chung thân cấm cố cho tôi trạng tương tự, nhưng khi đưa lên Thượng viện dự luật đã bị bác với số thăm tối đa, viện dẫn lý do: “yếu tố chính của tội trạng thuộc lãnh vực tinh thần và do một hoàn cảnh đặc biệt” đã không được chú ý. Với lại, không gian và hoàn cảnh đặc biệt mà trong đó can phạm đã “hành động” - Thượng viện tránh dùng chữ “Phạm tội” - là một thành phố mà cuộc chiến đã hủy diệt hoàn toàn nền kinh tế, dân chúng đang lâm vào tình trạng kinh tế kiệt quệ cần phải được làm cho sáng tỏ hơn nữa – Có thể Thượng viện muốn lưu ý Hạ viện phải phân biệt chính phạm với ý thức cá nhân hoàn toàn tự do hay chỉ là nạn nhân, đồng loã với...? Không nên chỉ chú trọng – một cách hẹp hòi – đến tội trạng của riêng một cá nhân không thôi, như vậy luật pháp không còn giữ được yếu tính căn bản của nó là sự công bình, phải xét đến hoàn cảnh hàm dưỡng tội lỗi và thúc đẩy can phạm sa vào tội lỗi – về điểm này, một cách thâm trầm, Thượng viện đã thọt lét Hành pháp, “đó chẳng qua là một hiện tượng mạt vận, một hậu quả thê thảm của chính sách kinh tế của quí ngài đó thôi! Nhưng dự luật được sự đồng tình của Hành pháp nên cuối cùng nó được Hạ viện biểu quyết chấp thuận (ý Hành pháp là ý trời, điều đó dân chúng không còn lấy làm lạ nữa. Dư luận cho rằng Hành pháp dùng thủ đoạn, hơi có vẻ độc tài, tuy nhiên, trên bình diện chính trị lời chê trách đó có vẻ trẻ con, có lẽ phải quy trách nhiệm cho giới lập pháp mới phải lẽ! Và rồi nội vụ được đưa ra xử trong một phiên tòa công khai, với nhiều dụng ý của chính phủ (chứ không phải vì dư luận đòi hỏi).
 
Phiên tòa đã lôi cuốn một số người dự thính kỷ lục. Vào ngày xử, từ mờ sáng, vừa chấm dứt giới nghiêm vào lúc 5 giờ, dân chúng đã kéo đến đứng chờ ở khoảng đường trước toà án đông nghẹt, làm cản trở xe cộ lưu thông. Rồi khi hai cánh cổng lớn vừa mở, làn sóng người tràn vào xô dạt cả mấy nhân viên công lực giữ trật tự. Họ tiến vào sân, leo lên các bực thềm, đổ vào phòng xử chiếm lấy chỗ ngồi trên những băng ghế dài. Những người đến sau đứng chật cả hành lang, trong sân, rồi ra đường, trên lề, dưới những gốc me cao - không ngớt đổ những cơn mưa lá vàng lên đầu tóc họ, khi có những cơn gió đến.
 
Một phần vì tính cách đặc biệt của vụ án, phần khác - theo lời của một phóng viên có óc khôi hài – vì Hành pháp muốn làm cho vụ án trở nên phổ cập sâu rộng trong quần chúng để thay một lời khuyên răn họ và tỏ rõ một chính sách cương quyết. Các phóng viên báo chí trong nước, các hãng thông tấn ngoại quốc đều được mời đến chứng kiến phiên tòa. “Cứ xem cái cách người ta bày tỏ cảm tình đặc biệt đối với các phóng viên – điều này rất hiếm thấy khi mà họ (tức bọn phóng viên) bị ăn dùi cui dài dài trong lúc đi lấy tin, có gắn trên ngực rõ ràng chữ “BÁO CHÍ” rất dễ đọc – và các loa phóng thanh gắn trên các cành cây trong sân toà án thì đủ biết...”Biết gì thì anh ta lại không nói ra… đó là cái đặc tính ỡm ờ chung rất đáng ghét của mấy gã nhà báo - nhưng anh ta thừa biết là người ta dư sức hiểu ý anh ta là cái ý châm chọc chính quyền. Nghĩa là: “Các ông ấy muốn rằng, con dân trong nước hãy đến mà nghe, xem tòa trừng trị thật nặng nề kẻ phạm pháp để tự liệu tấm thân. Đùng có ló mòi làm loạn. Chính phủ đã quyết tâm rồi thì đừng có hòng ai chống đối mất công. Đói thì tìm rau cỏ mà ăn, chứ ăn thịt đồng bào là đồng loại mình là nghĩa lý gì? Thú vật cũng chưa đến nỗi vậy. Với lại, đã đói đâu? Chính phủ vẫn nhập cảng gạo cho ăn, trồng lúa không được thì đã có gạo ngoại quốc. Ngoan thì sống, ló mòi chống đối thì bị bóp mũi ngay”. Ấy, cái thâm ý của làng phóng viên luận ra là như vậy và độc giả, cũng thừa hiểu được như vậy nữa mà chẳng phải dùng đến trí thông minh gì nhiều.
 
Càng lúc số người kéo đến càng đông, một viên cảnh sát được lệnh dựng bảng cấm xe cộ qua lại, dành riêng khúc đường cho người đến dự thính phiên tòa đứng yên ổn.
 
Tám giờ kém mười phút thành phần quan tòa đến và đúng tám giờ thì bị can được đưa vào. Lúc ông chánh án và thành phần phiên tòa đi vào, dân chúng chỉ im lặng nhìn họ với ánh mắt dò xét. Nhưng khi bị can đến, từ ngoài đường, một làn sóng xôn xao lan tràn vào đến bên trong phòng xử.
- Lão Hạ! Lão Hạ! Những người hiếu kỳ vội la lớn lên, chen lấn đến gần nhìn cho rõ mặt lão, khiến làm thành một vòng rào người vây chặt lão vào giữa. Các nhân viên công lực áp giải phải mất công một lúc mới dẹp được đám đông, lấy chỗ đưa lão Hạ đi.
- Lão Hạ! Con quỉ khát máu! Con quỉ. Một người từ xa, vừa la lên vừa xông xáo đến gần lão Hạ một cách hăm hở nóng nảy. Ông ta vung tay lên làm một cử chỉ hăm dọa. Nhưng bỗng ông ta ngẩn người ra khi mắt ông trông thấy lão Hạ đang ung dung tiến bước. Mắt ông ta mở to, miệng há hốc, lùi lại mấy bước như định tháo chạy.
- Ồ! Ồ! cũng như mọi người, để bày tỏ sự ngạc nhiên, kẻ nóng nảy cũng thốt lên những tiếng kinh ngạc.
- Lão Hạ đó à? Phải lão Hạ không? Có lý nào? Ông ta hoài nghi mắt mình và mọi người.
- Đúng, chính lão Hạ! Lão bán thịt người đó.
- Trông lão ta... như thế kia, chẳng có vẻ gì là…
Lão Hạ mặc lễ phục VN, trông như một bô lão xưa có việc lên yết kiến nhà vua: Áo dài gấm xanh lơ dệt chữ thọ nổi, quần lụa trắng, chân đi hài đen mũi tròn. đầu chít một vành khăn chữ “nhất” màu đỏ thắm làm nổi bật mái tóc và chòm râu bạc trắng óng mượt rũ xuống quá ngực. Phải, trông lão Hạ chẳng giống chút nào với hình ảnh mà họ đã tưởng tượng lâu nay (qua các hình vẽ “hí họa” của các họa sĩ trên các báo ở thủ đô - hẳn phải là một lão già có bộ mặt mạ quỉ. Họ đâu ngờ lão Hạ, lão bán thịt người lại là một cụ già đẹp lão, quắc thước và cốt cách uy nghi như vậy.
 
Trước những lời bàn tán kinh ngạc nhưng đầy thân tình của quần chúng mà lão Hạ nghe rõ, nét mặt lão vẫn điềm nhiên, nhưng tươi thắm. Mắt lão sáng ngời nhìn lại mọi người, nghiêm trang nhưng thân ái, hai khoé môi thắm hơi nhếch lên như mỉm cười với họ.
- A! Vậy mà lâu nay cứ đinh ninh... Một người thốt lên giọng hối tiếc. Thế luật sư nào cãi cho bị can?
- Không có ai cả.
-...?
- Lão ta từ chối sự biện hộ của luật sư chính phủ. Lão nói rằng hạng luật sư đó chỉ là hóa thân của công tố viện. Vả chăng, nghe đâu lão phủ nhận từ đầu những lời buộc tội bất cứ từ đâu đến.
- Lão cũng không thuê luật sư riêng à?
- Không. Dầu lão có thừa tiền để thuê mười luật sư một lúc. Lão tự biện hộ.
- Nhưng chính phủ nào chịu vậy?
- Chắc chắn như thế rồi. Để vậy thì còn gì thể thống một chính thể dân chủ nữa. Hẳn là người ta phải chỉ định một luật sư nào đó để biện hộ cho lão.
- Ai vậy?
- Nghe đâu như tay luật sư Y...X... nào đó.
- Tay Y... biện hộ à? Thế thì sự từ chối của lão Hạ hoàn toàn có lý.
 
Làn sóng người xôn xao theo chân lão Hạ tràn vào phòng xử. Khiến ông chánh án phải nện búa nhiều lần để lập lại trật tự.
Qua những lời xầm xì của cử tọa người ta thấy dư luận đã có phần thiên vị, họ bị tình cảm chi phối mà quên lý trí mới là yếu tính của sự công bình trong luật pháp.
 
Thoạt tiên khi mọi người trông thấy cái phong cách chửng chạc đường hoàng và nhất là ánh mắt thẳng thắn đầy tự tin của lão Hạ họ liền bị chinh phục; Cốt cách của con người lão Hạ đánh đổ thành kiến in sâu trong trí tưởng tượng của họ về hình ảnh và tính khí quỉ vương của lão do các báo thêu dệt. Tất cả mọi người đều cảm thấy có một uẩn khúc chưa được giải bày trong vụ án hi hữu này. Chưa chi có người đã cả quyết lão Hạ không phải là một người ghê gớm như lời vẽ vời đồn đãi. Bạo phổi hơn có người còn nói Lão Hạ là một người tốt, nhưng liền bị chất vấn, kẻ bạo phổi đâm ra bối rối. Chẳng qua anh ta bị lôi cuốn bởi cái dáng vẻ đáng trọng đáng kính của Lão Hạ mà vội bộc lộ không dè dặt tình cảm riêng tư của mình như vậy. Thực ra, có thể anh ta có một linh cảm bén nhạy nhưng vì vụng về đã không diễn tả được thành lời khéo léo. Vả chăng, cũng chưa có những bằng chứng cụ thể nào để minh chứng cả, nên lúc đó anh ta đỏ mặt lên, ấp úng một cách tội nghiệp rồi lủi mất.
 
]
 
Tuy gọi là một phiên tòa đặc biệt, nhưng rồi theo cách thế điều khiển của ông chánh án, tính cách đặc biệt bị dìm mất và phiên xử hiện ra cái bộ mặt già cỗi của nó mà dân chúng đã chán ngấy rồi. Họ như đã trông thấy những phán quyết của tòa trước khi ông chánh án chính thức đưa ra. Khiến họ không còn chút hứng thú vì ngạc nhiên, dầu rất nhỏ nhặt (rất tiếc là phiên tòa gặp trục trặc phải đình lại...)
 
Tuy nhiên, nhờ sự thể đó ở phía các quan tòa mà về phần lão Hạ, đã gây được một không khí sôi nổi trong cử tọa, khi lão đứng lên tự biện hộ. (Trước đó công tố viện đã buộc tội lão Hạ rất gắt gao, nhân danh đạo đức và luân lý giữa con người, tập tục truyền thống của dân tộc, danh dự của tập thể quân đội và của những cá nhân đã hy sinh sinh mệnh cho đại cuộc...) Rồi, đến phiên luật sư biện hộ – xin lưu ý quí độc giả, đây là một luật sư của chính phủ chỉ định – ông ta tỏ ra rất hùng hồn trong lời biện hộ, nhưng không đưa ra được những lý lẽ vững chắc mới lạ nào. Ông chỉ nhấn mạnh đến sự thể can phạm bị mất quân bình tình cảm, tinh thần bị căng thẳng trong một thành phố có trận chiến, sự ám ảnh do thói quen của một người mổ thịt...xong, ông “Xin quí tòa rộng lượng khoan hồng” và hể hả ngồi xuống. Trước đó nữa thì các nhân chứng gồm ông trưởng toán tuần cảnh đêm, xác nhận là có bắt được mụ Hạ, bị mất trí. Có nhận mớ lòng và rượu nếp, nhưng ông hoàn toàn không rõ đó là... thịt người...Còn mấy can phạm đồng lõa thì thú nhận có bị lão Hạ mua chuộc bằng tiền để đi ăn cắp xác đem về cho lão.v.v...
Nghe xong, lão Hạ không dấu nụ cười mỉm, nhưng đầy bao dung.
 
Lão thong thả đứng lên. Sau thủ tục “thề nói sự thực”, lão Hạ vòng hai tay trước bụng. Không khí trong phòng xử chợt im phăng phắc. Mọi người chú mục nhìn vào lão (Công tố viện phản đối hành động tự biện hộ của bị can, nhưng ông chánh án cho phép). Sau khi đã xác nhận tội trạng mình với những lời vắn tắt, sáng sủa, lão lên tiếng với các quan tòa.
- Thưa quí quan tòa, lão Hạ cất tiếng. Giọng lão điềm tỉnh, chậm nhưng sang sảng, tự chủ có khí lực tinh thần mạnh mẽ:
- Trước hết tôi muốn ngỏ lời cảm ơn thịnh tình của quí tòa đã chỉ định luật sư biện hộ cho tôi, mặc dầu ngay từ đầu tôi đã từ chối. Tôi cũng cám ơn luật sư đã tỏ ra rất can đảm khi nhận lời biện hộ cho một người đã phủ nhận ngay từ đầu thiện chí của mình.
 
Công tố viện lại phản đối, vì lời lẽ bị can có giọng điệu mỉa mai, châm chọc. Nhưng tòa lại cho phép.
- Cám ơn quí tòa, lão Hạ tiếp lời. Tôi xin xác nhận ngay tình trạng sức khoẻ và sự sáng suốt của tinh thần tôi, giữa lúc này và cả trong thời gian trước đây khi tôi làm một việc mà hậu quả đưa tôi đến đứng trước mặt quí vị hôm nay. Sự xác quyết này sẽ được hiểu như lời phủ nhận trực tiếp của tôi là một con bệnh thần kinh và hành động của tôi - lúc bấy giờ - vượt ra ngoài vòng kiểm soát của lý trí. Thiện ý của luật sư muốn gỡ tội cho tôi, đối với tôi là một điều sĩ nhục, không xứng đáng với nhân cách của tôi. Tôi, lão Hạ, tôi hoàn toàn có ý thức sáng suốt một cách sâu xa về việc làm của tôi. Như vậy có nghĩa là, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động của mình.
 
Lão Hạ ngừng nói, tràng pháo tay của hàng nghìn cử toạ từ trong phòng xử ra đến bên ngoài nổ vang bất ngờ khiến ông chánh án bối rối. Ông vội với lấy cây búa đập liên hồi để lập lại trật tự. Nhưng trật tự mãi một lúc sau mới được vãn hồi.
 
Cho đến lúc đó ông chánh án mới thấy ý kiến bắt các loa phóng thanh ra ngoài thật là bất lợi. Dĩ nhiên những lời lẽ buộc tội rất hùng hồn và gay gắt của công tố viện đã được khuếch đại bởi mấy cái loa phóng thanh đó trước đây, nhưng ông không mấy hài lòng thấy nó cũng rất trung thành với cái giọng sang sảng và rất khúc chiết của lão Hạ. Ông ước gì mấy cái loa phóng thanh đó hiểu được ý ông và ở về phe ông. Nó chỉ khuếch đại những lời nói nào có lợi cho phe ông thôi, ngoại trừ nó im tịt đi có phải hay ho biết mấy không. Đàng này...Nhưng kìa! Trời đã giúp ông. Mấy cái loa phóng thanh đã câm họng và giọng Lão Hạ dẫu to cách mấy cũng chỉ vang được đến cuối phòng mà thôi. Mà cái gì nữa thế kia? Ông chánh án ngạc nhiên. Ông nghe tiếng ồn ào như chợ vỡ bên ngoài vọng vào. Rồi ở những hàng ghế cuối, các cử tọa cũng đứng lên la ó. Ông chánh án hiểu ra ngay là họ đã phản đối sự im tiếng của các loa phóng thanh. Ông nện búa đến vỡ gỗ bàn, nhưng vô ích. Cả phòng xử cử tọa đều đứng lên rồi. Một làn sóng người từ bên ngoài tràn vào. Tức thì ông ra lệnh đóng cửa phòng xử.
- Hãy để lão Hạ nói! Hãy để lão Hạ nói. Cử tọa la lên.
Ngoài sân bỗng nghe mấy tiếng nổ bụp...bụp, rồi một làn khói mù tỏa ra rất nhanh.
- “Lựu đạn cay!”. Óc ông chánh án lóe lên ý nghĩ kinh hãi đó.
- Đóng cửa phòng xử! Mau lên! Ông chánh án hét to. Cả các cửa sổ.
 
Nhưng khói cay không phải như làn sóng người mà lớp cửa gỗ có thể ngăn lại được. Nó lập tức len qua các khe hở làm cho cặp mắt ông chánh án cay như xé, nước mắt chảy ra ràn rụa. Rồi mũi cũng cay nồng và nước mũi cũng chảy. Tình trạng đó cũng xảy ra cho những người trong phòng. Họ tự động mở cửa vọt ra ngoài để tìm chút không khí, nhưng bên ngoài màn hơi cay cũng đang bao trùm. Thế là cử toạ ùn ùn kéo nhau rời xa nơi cư ngụ của thần Công lý!
 
Màn hơi cay tan dần. Khi ông chánh án và thành phần phiên tòa, công tố viên, luật sư lục tục kéo nhau vào phòng - vị nào mắt cũng đỏ hoe và tay mỗi người cầm một chiếc khăn đẫm nước, có vị còn giữ lại cả cái vỏ chanh - thì chỉ thấy còn lại một người duy nhất còn ở lại trong phòng, đó là lão Hạ. Lão còn đứng nguyên trong vành móng ngựa, đầu hơi cúi xuống, nhắm mắt - nhưng khi nghe tiếng động thì lão ngẩng lên ngay - kỳ dư không còn ai, kể cả các nhân viên công lực có nhiệm vụ giữ trật tự cũng mãi một lúc sau mới vào lại.
Ông chánh án ra lệnh đình phiên xử vào buổi chiều.
 
]
 
Phiên tòa phải hoãn lại sau đó rất lâu vì đột ngột, lão Hạ lâm bệnh nặng không thể ra hầu toà được. Lão được đưa vào điều trị trong một nhà thương chính phủ, nhưng bệnh tình không thuyên giảm, ngày càng trở nên trầm trọng thêm cho đến khi lão mất, hai tuần sau đó.
 
Khi vụ án đem ra xử lại sau thời gian tạm hoãn đã mất hết vẻ hào hứng lúc đầu. Phiên tòa lần này có vẻ ít hấp dẫn – mặc dù giới tư pháp cố thổi phồng tính cách quan trọng của nó để lôi cuốn quần chúng – nên không có mấy người đến dự. Tuy nhiên, số người còn hiếu kỳ đến ngồi cũng vừa chật mấy dãy băng dài dành cho cử tọa.
 
Sự buồn tẻ của một phiên tòa không còn bị can - chẳng khác nào một đám cưới không có cô dâu chú rể - có thể nhìn thấy ngay trên nét mặt kém hăng hái của các nhà đại diện pháp luật cầm cân công lý. Họ lầm lì, không phải như thường lệ là để làm tăng thêm vẻ trang nghiêm và đứng đắn, nhưng là vì họ đã bị bắt buộc phải làm một công việc không còn hứng thú. Thực ra, họ như bị ám ảnh bởi cái dáng vẻ thách thức một cách khả ái của lão Hạ. Đứng trước lão, họ cảm thấy được một động lực tiềm ẩn thôi thúc khiến họ phấn khởi, điều mà họ chưa từng bắt gặp ở những tội nhân khác. Một động lực khoái hoạt như sự quyến rũ của một thế giới còn mập mờ, mời gọi bước chân nhà thám hiểm. Như một hứa hẹn, một hy vọng mơ hồ về một điều gì sắp hiển lộ trước bàn tay sáng tạo của nghệ sĩ. Sự hiện diện của lão Hạ khiến họ nhận ra họ với bổn phận, như đứng trước một kẻ thù phải đương đầu, làm phát huy tinh thần sáng tạo nơi họ. Hóa nên, lão Hạ mất đi, mang theo xuống lòng đất tất cả nỗi háo hức của một thế giới bí mật làm xôn xao tâm hồn họ, để lại một khoảng trống bỡ ngỡ không thể hàn gắn, khiến họ cảm thấy công việc đang làm trở nên tẻ nhạt, không còn mang ý nghĩa đầy khích lệ như lúc đầu nữa.
Phiên tòa khai mạc trong không khí buồn tẻ đó.
 
Đúng vào lúc sự bất an xảy đến trong tâm hồn và họ chưa kịp buộc mình phải chọn một lối thoát hợp lý thông thường nào thì có một việc bất ngờ xảy ra.
Từ dưới hàng ghế cử tọa, một bà lão tóc bạc trắng lừng lững đi lên. Hai nhân viên công lực định cản bà lại, nhưng sự cương quyết của bà lướt thắng họ, trong khi họ bối rối chưa kịp phản ứng thì bà cụ đã đứng trước mặt ông chánh án. Cụ bà chính là vợ lão Hạ.
- Kính thưa quan tòa. Giọng bà rành rọt. Vừa nói, tay bà run run móc trong túi ra một phong thư, cúi mọp dâng lên ông chánh án.
- Đây là bức tâm thư của lão Hạ, chồng tôi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đã viết để lại. Giọng bà tràn đầy cảm xúc. Ông nhà tôi dặn, sau khi chôn cất xong xuôi, đem thư này dâng lên cho tòa..
 
Đầu bà gục hẳn xuống, khóc nấc lên.
- Tội nghiệp chồng tôi, theo di chúc của ông, chúng tôi chôn ông không quần áo, trên mộ trồng một cây cam...
Bà lảo đảo đi trở ra và trước sự ngỡ ngàng của ông chánh án và các cử tọa.
Không ai hiểu bà muốn nói gì.
 
Ông chánh án cố giữ nét mặt điềm tỉnh, tiếp lấy phong thư, chậm rãi để xuống bàn, cử chỉ lưỡng lự. Đoạn, trao cho thừa phát lại. Ông chánh án bằng lòng để viên lục sự đọc lên  trước tòa. Được coi như là lời biện hộ của bị can. Bức thư sau đó đã hầu như làm mất trật tự trong phòng xử, ông chánh án phải mất nhiều thì giờ tái lập. Tuy nhiên, đó là trong những giây phút đầu. Về sau, cử tọa như bị những lời lẽ trong bức thư thu hút, họ giữ một sự yên lặng tuyệt đối, đến nỗi, sau khi viên lục sự đã đọc xong bức thư hồi lâu mà họ như vẫn còn chìm sâu trong giòng suy tư, ngồi yên không nhúc nhích. Và rồi mãi đến khi tòa tuyên án họ cũng không nghe thấy. Tất cả lẳng lặng rút lui khỏi phòng xử, mặt buồn dàu dàu như mới vừa chịu tang. Nhưng nếu ai tinh ý, sẽ nhận ra trong ánh mắt trầm ngâm của họ đang âm ỉ một ngọn lửa nhỏ dần dần cháy sáng lên, trở thành một niềm vui thầm kín.
 
3. Tâm thư của Lão Hạ,
 
“Tôi rất ân hận và hối tiếc không còn có dịp trở lại hầu chuyện cùng quí vị, tôi sắp sửa phải vĩnh biệt cõi đời, cuộc sống và đất nước Việt nam yêu dấu của chúng ta nơi mà quí vị và đồng bào tôi sẽ còn tiếp tục cuộc sống”.
 
“Tôi muốn ngỏ lời cùng quí vị, trước khi tôi trả lại cho Đất thân xác tôi và cho vũ trụ hồn thiêng tôi. Những gì tôi ngỏ cùng quí vị ở đây, không phải là lời biện hộ để xin lượng khoan hồng. Không, tuyệt đối và hoàn toàn. Đây chỉ là một bức tâm thư, viết bằng máu của tim tôi, những giọt máu còn ấm nóng trong những giây phút cuối cùng trước khi ngừng nghỉ, đông đặc lại trong thân thể tôi”.
 
“Khi biết mình sắp vĩnh viển từ bỏ cõi đời, vĩnh biệt những người thân yêu, đồng loại, mặt trời, trăng thanh, những tinh tú của trời xanh, những đám mây, rừng và núi, hoa lá..., người ta sẽ nghĩ ngợi điều gì? Riêng tôi, trong những ngày cuối cùng này, tâm hồn tôi hoàn toàn thanh thản để nghĩ tới cuộc ra đi. Một nỗi hân hoan hầu như quá độ khiến lòng tôi thêm náo nức, căng tràn niềm vui sướng khi nghĩ rằng, khi hồn thiêng tôi đã tan vào trong vũ trụ bao la, thân xác tôi, đã được Đất tác tạo và dưỡng nuôi sẽ được trả về lại cho Đất, để trở thành những chất dưỡng sinh cho cây cỏ, những cây cỏ tốt tươi đó lại tiếp tục làm lớn mạnh thể xác những trẻ sơ sinh, bồi bổ làm tăng thêm sinh lực cho những cơ thể đã trưởng thành. Góp phần vào công cuộc duy trì và hình thành những đời sống thế hệ tương lai.”
 
“Tôi lạc quan. Vâng. Xin quí vị cho tôi được bày tỏ lòng tin tưởng của tôi ở sự cảm thông của quí vị, trong sự giám sát của một lý trí hoàn toàn sáng suốt, ở nơi tôi, vào những giây phút này. Một sự sáng suốt mà tôi chưa hề có được trong suốt cuộc đời, đã cho phép tôi ôn lại tất cả những tư tưởng và hành động, từ quá khứ xa xôi đến những phút giây gần gũi trong hiện tại”.
 
“Trên đây, sở dĩ  tôi phải xin phép quí vị (bày tỏ lòng tin tưởng của tôi nơi sự cảm thông của quí vị) vì lẽ, tôi không có đủ lòng bao dung để dễ dàng tin rằng quí vị - những phán quan - có thể cho phép tâm hồn quí vị gần gũi trái tim - Dù là trái tim sắp tắt nghỉ - của một người mà quí vị đã nhất quyết nhìn như một tội đồ”.
 
“Phải. Tôi hiểu rõ, dưới mắt quí vị, hay trong cõi lòng sâu xa của quí vị nữa, hành động của tôi là một trọng tội, không thể tha thứ được trong đời sống cộng đồng của xã hội chúng ta, một xã hội bị bao vây bởi những qui luật của một nền luật pháp thiếu sinh khí, cổ hủ và hẹp hòi. Một xã hội mà trong đó, một đa số chịu sự cai trị không vùng vẫy của thiểu số, bóp nghẹt đời sống thể xác, làm tiêu mòn sinh lực, tiềm năng của đời sống sáng tạo của tinh thần. Ở đó, chỉ có một thiểu số là có quyền sống như họ nghĩ tưởng, có quyền hành động (hạng người này, mặc dù là sự nông cạn và hủ hóa của tinh thần họ, họ tự cho mình là thành phần đại diện quần chúng, rất sáng suốt). Họ luôn luôn đưa ra một thứ bánh vẽ “Tự do và công lý”, nhưng kẻ nào tin họ thì liền bị đầu độc bằng chính thứ bánh đó, và nhóm đa số quần chúng đã tự đầu độc hoặc bị đầu độc, từ lâu nay”.
 
“Dĩ nhiên, có những phần tử ý thức, nhưng họ luôn luôn bị trói buộc bởi đời sống vật chất không vùng thoát ra nổi, họ ý thức được cả sự hèn nhát cam chịu của họ, đó chỉ là những ý thức bị thui chột. Những kẻ đó, vướng mắc trong lệ luật hẹp hòi và thiển cận của cộng đồng, vướng mắc trong những tập tục luân lý sáo mòn của xã hội, tổ chức nhằm để dễ bề cai trị theo một chính sách ngu dân. Bọn cai trị muốn rằng dân chúng luôn luôn phải phục tòng chúng, ngửa tay xin ân huệ chúng - và chỉ mình chúng có quyền tỏ lòng thân ái đối với họ mà không có trường hợp ngược lại - không được phát huy một sáng kiến riêng nào”.
 
“Trong một tập thể, kẻ nào không tuân theo lề luật của nó, sẽ bị trừng trị, dầu là sự bất tuân có nói lên một ý kiến hay ho và có ích đến ngần nào cho tập thể - mà đi ngược lại đường lối của kẻ cai trị”.
 
“Trong một hoàn cảnh xã hội với nền luật pháp như vậy, hành động của tôi bị kết án, điều đó hiển nhiên”.
“Vì chưng, đó là một trường hợp cá biệt và ngoại lệ: thể hiện ý thức cá nhân thành hành động”.
“Hẳn quí vị muốn biết tôi nghĩ gì về hành động của tôi?”.
 
“Xin thưa:”
“Tôi cho hành vi của tôi là một nghĩa cử phát xuất từ một thiện tâm phi phàm, rất đáng khích lệ”.
“Quí vị cau mày, hẳn vậy. Đó không phải là một việc mà tâm trí những kẻ tầm thường có thể nghĩ ra được, còn nói gì đến hành động?”
“Đời sống quí vị đã bị buộc chặt vào, bị chi phối sâu xa bởi lề thói của tổ chức xã hội và nền luật pháp lạnh lùng mà cộng đồng con người hôm nay đang bị khuất phục. Tâm trí quí vị không thể vượt qua được một dị đồng quá lớn lao để thông cảm tư tưởng tiềm ẩn sau hành động của tôi, đó không phải là lỗi do nơi quí vị”.
 
“Đối với quí vị chỉ có tội lỗi nơi can phạm - mà không có can phạm - lời buộc tội và hình phạt, ngoại trừ không còn gì khác nữa”.
“Ghê tởm thay nền luật pháp chỉ căn cứ nơi tội lỗi - là phần thấp kém nhất trong con người  - để nhằm đạt đến cứu cánh là hình phạt”.
 
“Kẻ làm luật không biết rằng, hình phạt chỉ là thứ tiếng gọi, một môi trường nuôi dưỡng và làm phát sinh thêm tội lỗi: (Đó là nền luật pháp của xã hội loài người chúng ta hôm nay)”.
 
“Dầu rằng mỗi phiên tòa đều có một hay nhiều luật sư, sự hùng biện của họ thường nhuốm tính chất tiêu cực đối với vấn đề phải giải quyết. Và trong mọi phiên tòa, đối với can phạm, người ta luôn luôn để lộ ý muốn buộc tội hơn là soi sáng vào chính tội lỗi của hắn”.
“Trong quí vị, không ai để ý đến và tự đặt cho mình câu hỏi này: “Nếu quí vị tuyên án tử hình một người thì ai sẽ xét xử tội lỗi đó của quí vị?” (Quí vị không thể thối thác hành vi sát nhân được)”.
 
“Không ai có nhiều tội lỗi hơn những người làm luật và những nhà thi hành luật, (họ, cá mè một lứa cả) - xét về phương diện xúc phạm đến nhân cách con người - Điều đó được chứng minh hùng hồn bằng đời sống tối tăm của các tù nhân trong các nhà tù được mệnh danh là “Trung tâm cải huấn”
 
“Sự kiện đó, không còn gì làm cho chúng ta thất vọng hơn”.
“Tuy nhiên, dầu thất vọng đến đâu, tôi cũng không ngăn được lòng tôi bày tỏ cùng quí vị những lời tâm huyết với ước mong, quí vị sẽ đem chính tâm hồn người của quí vị mà soi rọi tới”.
 
“Tôi muốn kêu gọi nơi quí vị, không phải là những người đại diện cho nền pháp luật đầy thiên vị, bất xứng với nhân cách con người, phi công lý, hời hợt và nhiễm tràn tính cách nông nổi của một thứ lý trí bệnh hoạn, nhưng như quí vị là những nhà tư pháp đại diện cho một nền công lý đích thực, xây dựng trên nền tảng của lương tri và tâm linh”.
 
“Một nền luật pháp mà chữ công - chính được viết bằng viết nhân ái, mực tâm hồn lên mảnh giấy là chính trái tim của mỗi con người. Có như thế quí vị mới chính thực là những pháp quan không còn sợ bị lầm lẫn khi thừa hành nhiệm vụ trong những phiên tòa phán quyết tội trạng của con người - có tội lỗi nào của người khác mà chúng ta không chia sẻ ít nhiều?”.
 
“Nhưng tôi xin lưu ý quí vị về một điểm tế nhị trong nền luật pháp lấy nền tảng ở lương tâm: Lương tâm chịu sự chi phối sâu xa của tập quán (một thứ “lệ làng” của tâm hồn), mà tập quán là kết tinh của một giòng sinh hoạt thuần nếp lâu đời của một tập thể (bị giới hạn bởi không gian và thời gian), sự mâu thuẫn do đó sẽ thực sâu xa. Nhưng nếu không lấy lương tâm con người làm nền móng thì không sao ý thức được một cách công bình căn nguyên của tội lỗi, hầu qui định một nền luật pháp nhân ái mà cứu cánh tích cực là ý thức và cải hóa tội lỗi chứ không cốt ở ngăn ngừa và trừng trị là phương thức tiêu cực lỗi thời”.
 
Ngay từ trong tuổi thơ ấu, tôi đã được hấp thụ một nền nếp giáo dục theo truyền thống luân lý tổ tiên. Nền luân lý đó là kết tụ những tinh hoa của mấy ngàn năm kinh nghiệm mà các bậc tiên liệt đã để lại. Có nhiều điều tôi ghi nhớ, nhưng hơn hết, nền luân lý đó dạy cho tôi biết quí trọng tinh thần và sinh mệnh con người. Rằng tinh thần và sinh mệnh con người là một cấu tạo duy nhất, bất khả hồi phục, bất khả thay thế của đấng thiêng liêng. Rằng con người không có quyền nhân danh một cứu cánh hoàn thiện nào để hủy diệt một sinh mệnh.
 
Trong số quí vị, hẳn có người đã từng là những bậc cha mẹ, dưỡng nuôi và chăm sóc những đứa con từ khi chúng sơ sinh đến tuổi trưởng thành? Quí vị hẳn biết rằng đứa con lớn lên không phải chỉ bằng thực phẩm mà còn bằng nước mắt, bằng mồ hôi, bằng những đêm trắng âu lo? Đứa con lớn lên bằng chính sinh lực của quí vị, quí vị đã nuôi nấng chúng bằng sự tiêu hao sinh lực của chính mình.
 
Đó là phần của quí vị và đứa con phải ghi nhớ công ơn. Nhưng đứa con không phải chỉ cưu mang món nợ riêng đối với quí vị, nó còn phải cưu mang ơn Đất, bởi Đất đã góp phần dinh dưỡng phần thể xác của chúng. Thể xác chúng do Đất tác tạo thành cũng như đã tác tạo nên mọi sinh vật.
“...Với niềm hy vọng và lạc quan của tôi đặt nơi quí vị, tôi xin trình bày cùng quí vị một vài ý tưởng về những điều sau đây:
“Đứa con: mầm hy vọng”
“Tôi là một người cha của sáu đứa con”
“Trong số quí vị, hẳn có người là cha của những đứa con?”
 
“Mỗi đứa con của chúng ta là một mầm hy vọng, mầm hy vọng mỏng manh mà chúng ta phải dưỡng nuôi với biết bao công khó, mới gìn giữ được nó ở lại với chúng ta đến lúc trưởng thành”.
 
“Tôi xin quí vị hãy cùng tôi để lòng hồi tưởng lại...những giây phút đầu tiên mầm hy vọng kết thành”.
“Trước hết, phải chăng là tình yêu? Phải. Chính là tình yêu của chúng ta đã lóe lên trong trái tim tuổi trẻ, vào một buổi xa xôi nào mà hẳn tôi cùng quí vị vẫn chưa quên? Vào một buổi “Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”. Vâng từ một buổi chiều nhạt nắng đó, trái tim chúng ta bắt gặp một hình ảnh yêu kiều và chúng ta để mặc lòng ta run lên những nhịp điệu yêu đương với biết bao cơn mơ mộng tràn bờ...”
 
“Rồi chính sự réo gọi của tình yêu đó đã kết hợp hai đời sống, hai tâm hồn. Nhịp tim yêu đương từ nay không còn tấu lên trong lẻ loi đơn độc, một hòa tấu khúc đã được phối hợp với những cung bậc âm thanh tuyệt diệu: đó là Tấu Khúc Lứa Đôi”.
“Kể từ đó, trong say sưa mê đắm của hương tình, Tấu Khúc Lứa Đôi vang lên không ngừng nghỉ, không mỏi mệt: reo vui đón ánh dương quang chói chan rực rỡ, êm ái vỗ về trong bóng ngã chiều tà, dặt dìu trong đêm thanh thơm ngát dạ hương... lồng lộng trên các từng thanh khí réo gọi mảnh hồn thiêng lãng đảng hãy quay về kết tụ thành mầm xuân tinh túy… Vào một sáng tinh mơ, trong khung cảnh yên bình của lộc non còn say ngủ”.
“Tay trong tay, thiếu phụ trẻ ngã đầu lên vai ta thỏ thẻ: “Mầm xuân đà kết tụ”.
“Thoạt nghe, chúng ta nghĩ gì? Có phải chúng ta đã reo lên: “A! Con ta: một mầm hy vọng! A! Ta là kẻ đã làm nảy sinh một mầm hy vọng, một mầm sống cho cõi đời!”
“Ta ngây ngất trong niềm sung sướng và hạnh phúc như nhắp phải men nồng. Niềm hân hoan ngập tràn chan chứa lòng ta”.
“Ta đặt lên má ấm hồng lên cơn e thẹn của nàng chiếc hôn đằm thắm. Ta nhìn sâu vào mắt nàng lấp lánh ánh sao sa và nàng vội che dấu nụ cười rạng rỡ sau làn tóc rối đang cạ vào da, cổ ta tỏa hương hoa mộc”.
“Nhưng như Tấu Khúc Lứa Đôi không ngừng nghỉ, hạnh phúc mà Mầm hy vọng mang đến cho chúng ta tăng lên mãi với thời gian, trong lòng ta cơn ngây ngất khôn nguôi”.
 
“Vào một đêm vắng lặng - tưởng chừng nghe ra hơi thở của hư vô - người thân nhẹ nhàng dìu tay ta lướt đi trên vòng cong dịu dàng vừa mới chớm”. (Vòng cong. Ôi! Vòng cong mịn màng ấm áp của da căng, cưu mang Mầm sống đơn sơ)
“Rồi cơn máy động xảy ra! Cơn máy động như một luồng điện cực mạnh lóa lên từ cõi hỗn mang truyền qua da thịt bàn tay ta, khiến thể xác và phách hồn ta run lên cơn tê buốt”
“Cơn máy động! Cơn máy động!”
 
“Như một làn sấm sét đánh vào cõi u minh làm vỡ ra trăm mảnh, cho bầu ánh sáng của trăm thiên hà vụt lóe đổ tràn trề khai nguyên tân vũ trụ”.
“Cơn máy động! Phúc âm truyền đến từ cõi mang mang thiên địa, hòa tan trong máu me thân thể, nỗi mừng vui tở mở làm tạo nên cơn đớn - đau - hạnh phúc từng đốt thịt xương, từng phiến nhỏ mảnh linh hồn lẩy bẩy run run”
“Tin Xuân đưa lại từ cánh én đơn độc qua vùng trời bão tố. Mang theo trên lông cánh xác xơ hơi ấm của tia nắng long lanh đầu tiên Đông Quân vừa trao gởi...”
 
“Qua cơn xúc động tưng bừng của giờ sáng thế, từ tưởng tượng phong phú của chúng ta vẽ ra hình dáng con của chúng ta”
“Em mong nó sẽ là con trai và thật giống anh”
“Anh mong nó sẽ là  gái và thật giống em”.
“Lứa đôi hẳn sẽ đối đáp như vậy và thấy trước mắt mình hình ảnh đứa con trong tương lai qua nét mặt của nhau? Trong tình yêu vị tha hình ảnh trẻ thơ trở nên đẹp tuyệt vời”
 
“Thời gian trôi qua trong lặng lẽ mà sức xây dựng cũng vô thường: Người thân lại áp tai ta lên thân nàng để nghe tiếng đập của quả tim thơ. Đó là những nhịp đập đầu tiên của trái tim vừa mới tượng hình. Tim con chúng ta hấp thụ máu của người yêu ta nhảy rộn ràng trong nhịp tim của mẹ.”
 
“Ôi! Âm vang nhịp nhàng của sự sống vẳng đến tai ta như lời thì thầm của một tân vũ trụ đang hình thành. Cõi sáng tạo thâm u vừa hé màn chuyển đến thế giới con người những tín hiệu đầu tiên của thông điệp báo tin giờ ra mắt vị tân sứ giả, chúng ta bàng hoàng tiếp nhận.”
“Và rồi, trước khi nỗi mừng vui nổ ra như một ngọn pháo bông giữa trời đêm vắng trăng sao  - trước khi mùa xuân trở lại với xiêm y rực rỡ muôn màu, chúng ta chịu sự rét buốt của một mùa đông dài - trước khi mầm non nẩy lộc, đất và vỏ cây nứt nẻ - cùng với người yêu, chúng ta chịu đựng cơn đau đớn dài dặc của ân huệ tràn đầy. Cơn đau đớn làm quằn quại thân xác người yêu chúng ta nhưng cũng làm bừng nở hướng dương trong hai tâm hồn. Những giòng mồ hôi lạnh vả ra trên vừng trán là nước mát làm tươi thắm chồi hoa: Ôi linh hiển! Nỗi đớn đau trong giờ hội kiến”.
 
“Như đất và vỏ cây nứt nẻ cho mầm non trỗi dậy, người yêu ta xé thịt để vị tân sứ giả ra đời. Trước khi lịm đi vào giây phút cuối cùng của cơn đau đớn, tai nàng nghe vang lên tiếng nói đầu tiên của thông điệp. Mầm hy vọng đã hiện hình bằng thể xác máu xương, ré lên khúc reo ca vang vang chào mừng quê hương mới, nhân loại mới”.
“Kia rồi, vị tân sứ giả, đã từ thế giới nào bước đến chọn mặt đất làm quê hương cư ngụ. Kia rồi! Người bạn mới trong cộng đồng nhân loại, đường lãng du đã dừng chân ở lại địa cầu”.
“Trước khi thiếp ngủ giấc hồi sinh, người mẹ để tuôn rơi hai giòng nước mắt của hạnh phúc hiến dâng”
“Lòng tràn ngập hân hoan, tay vững chãi, chúng ta ôm người bạn nhỏ mỏng manh gọn vào lòng, áp má ta vào làn da măng sữa, nhỏ những giọt nước mắt sung sướng lên má măng tơ”
 
Đến đây tôi muốn được biết quí vị có phải là những người tin rằng mỗi thân xác ẩn tàng một linh hồn không? Tôi nghĩ, hơn ai hết, quí vị là những người có niềm tin cực đoan về vấn đề đó, nên quí vị đã hết mình cổ súy cho sự tin tưởng vào đời sống mai sau. Không riêng gì quí vị, đó là một bệnh dịch lan tràn đã từ hai ngàn năm mà hơn hai phần ba nhân loại đã nhiễm phải. Đối với những người đó, đời sống trần thế không đáng kể - miệng họ là ống loa của một đấng thượng đế vô tăm - khuyến khích con người hãy hướng vọng đến những hứa hẹn trong đời sống linh hồn. Từ đó sinh ra hiện tượng gì? - Hiện tượng hủy thể. Trong số những người cổ động đời sống mai sau đó, có những kẻ tinh ma - chính họ không hề tin một chút gì về điều họ nói ra cho kẻ khác - lợi dụng sư nhẹ dạ của số đông xuẩn ngốc để lùa họ vào một cơn tự sát tập thể, để riêng những kẻ đó thủ lợi về đời sống vật chất - Những kẻ này, để ve vuốt sự ray rứt của lương tâm đã ru mình vào một ảo tưởng là họ đã đưa linh hồn bọn xuẩn ngốc kia vào một thiên đàng thực sự!
 
Hẳn là quí vị thấy cơn tự sát tập thể đó đang diễn ra trước mắt quí vị trong chiêu bài “Hướng đến đời sống mai sau”? (Muốn hay không, đám đông vẫn bị một thiểu số xô họ vào chiếc thòng lọng ở đó có gắn những chữ can đảm, anh dũng, kiêu hùng...)
 
Tôi cho như vậy là lầm lạc, và không đành lòng. Không đành lòng nhưng tôi cũng không làm gì để cứu vãn tình trạng, trước cơn sóng dịch hạch đó: Ba đứa con trai đầu của tôi đã bị làn sóng đó cuốn đi, cõi biệt tăm.
 
Chắc hẳn về phần tôi, quí vị cũng muốn biết tôi có tin con người có linh hồn không? Tôi xin trả lời ngay: Tôi tin con người có linh hồn, nhưng linh hồn của tôi không giống chút gì với thứ linh hồn của quí vị tin. Linh hồn của quí vị giống như một con người hoàn toàn, nhưng vô hình, phải vậy không? Còn linh hồn của tôi chỉ là sự kết tụ của khí thiêng trong vũ trụ. Khi sự sống thể xác con người ngừng nghỉ thì làn khí kết tụ đó sẽ tan ra bay tản mát trong không gian vô tận. Sự cấu tạo mỗi linh hồn hoàn toàn mới mẻ. Từ quan niệm đó đưa tôi đến một niềm tin: trong sự tôn trọng sinh mệnh của con người, tôi liên kết chặt chẽ sự tôn trọng cả linh hồn và thể xác như một nhất thể bất khả phân ly, nhưng khi làn khí kết tụ đã chia lìa tan vào trong vũ trụ thì thể xác sẽ trở về với đất. Đó là một bổn phận. Để làm chất dinh dưỡng cho đất sinh sôi những mầm rau cỏ tiếp tục nuôi sống những thể xác mới. Đối với tôi không có đời sau của linh hồn nơi một thế giới nào khác mặt đất mà chỉ có đời sau của những con người gồm cả hồn lẫn xác, đó là những thế hệ con người tương lai. Thể xác phải có bổn phận nuôi sống những thể xác gián tiếp hay trực tiếp, đó là quan niệm về luân hồi vật thể của tôi.
 
Trong cuộc tàn sát tập thể hiện tại, mỗi ngày trong thành phố tôi cư ngụ không biết bao nhiêu những thể xác còn căng tràn sinh chất, một cách hối hả, ngã gục nơi đầu đường xó chợ và để cho thối rữa, đó là một hành động phí phạm của trời, một tội lỗi xúc phạm đến đất, vì chưng, tôi không chấp nhận được quan niệm nghĩa trang mà phải là một “công viên” đầy các giống cây trái được nuôi dưỡng bằng chính những thể xác nằm trong lòng đất, dưới mỗi gốc cây. Bằng không chúng ta phải sử dụng ngay những sinh mệnh đã trở thành thi hài kia vào mục đích dinh dưỡng, chúng ta phải kíp làm cho nó hồi phục lại sự sống trong cơ thể chúng ta dưới hình thức máu. Đó là một hành động có tính cách truyền tiếp sự sống, thiêng liêng như trong giây phút làn khí thiêng sông núi kết tụ lại hiến dâng mầm sống cho bào thai.
 
Trong thời gian cuộc tàn sát tập thể xảy ra tại thành phố tôi, có một số lớn dân chúng trong khu tôi ở lâm vào tình trạng khô chất dinh dưỡng và họ sắp chết. Tôi đã đứng ra làm công việc truyền tiếp dưỡng chất cho họ và họ đã sống qua cơn tai biến.
 
Quí vị gọi cuộc tàn sát tập thể hiện nay gì? - Là sự hy sinh để đạt đến đời sống linh hồn mai sau? Tôi cho như vậy là không chính xác, mà phải gọi đó là “cuộc-tương-tàn”. Vâng, không còn gì đúng hơn từ ngữ đó, trong ý nghĩ sâu thẳm của quí vị.
 
Tôi có một khu đất rộng ba ngàn mẫu, xin quí vị chuyển lời đề đạt của tôi lên chính phủ, tôi xin cống hiến khu đất đó để thành lập một công viên, lấy tên là: “Công Viên Tương Tàn” để ghi nhớ một giai đoạn nhục nhã trong lịch sử chúng ta. Kể từ hôm nay, chúng ta có thể bắt tay ngay vào việc đem những thi hài đã chết trong cuộc chiến đến chôn tại khu đất đó, trên mỗi ngôi mộ trồng một cây ăn quả. Công việc đó sẽ còn được tiếp tục sau khi cuộc tương tranh chấm dứt, chúng ta sẽ đổ xô lên núi, lên rừng tìm cho bằng hết những xương tàn cốt rụi về cho công viên đó. Rồi ra, khi công viên đã hoàn tất, mười năm sau, quí vị sẽ được thấy những đôi tình nhân đi dạo dưới những tàn cây, âu yếm mớm cho nhau những quả chín. Và mỗi đứa trẻ trai và gái chạy nhảy tung tăng đều có cầm trong tay một quả xoài, một quả bưởi, hay một trái đào tiên.
 
Phần tôi, tôi đã lập di chúc cho các con tôi, hãy chôn tôi trần truồng - vì tôi đã sinh ra trần truồng - trong mảnh đất gia đình. Chôn nông và bên trên mộ trồng một cây cam, đặt tên là Lão Hạ, cây cam sẽ có trái - chỉ nghĩ đến đó thôi mà sự sung sướng làm tôi như sắp tắt hơi - và các con tôi, cháu tôi sẽ ăn những quả đó và tôi lại tiếp tục đời sống tôi trong thể xác của những người thân yêu.
 
]
 
Câu chuyện “Lão Hạ” đã xảy ra năm mươi năm trước nên tưởng tôi không cần nói rõ phần cuối của phiên tòa làm gì thêm vô ích. Chỉ biết rằng ngày nay ý kiến thành lập “Công Viên Tái Sinh” của Lão Hạ đã được thực hiện. Chính phủ đương thời xét thấy rằng các bậc cha anh họ đã mù quáng đưa cả dân tộc vào con đường lầm lạc, đó là một kinh nghiệm chua xót đáng cho các thế hệ sau ghi nhớ. Công viên đã được lập trên đất của Lão Hạ và đúng như ý kiến của lão. Một công viên bao la như một khu rừng nhỏ chi chít cây cho quả bốn mùa, thu hút du khách trên khắp thế giới. Giữa công viên, một đài kỷ niệm vĩ đại được xây cất ngay từ đầu, là một công trình kết hợp giữa kiến trúc và điêu khắc tuyệt hảo. Một tấm bia cao, làm theo tỷ lệ hình thể nước VN, trên đó ghi hơn ba triệu tên người đã bỏ mình trong cuộc tương tranh, đồng thời cũng được khắc trên một miếng đồng gắn ở mỗi thân cây.
 
Vào thời của Lão Hạ, ý kiến “nghĩa-trang-công-viên” và thuyết “luân hồi vật thể” của lão là một ý kiến không thể chấp nhận được. Nhưng nay mọi người đều cho đó là một ý kiến tiến bộ và vị tha. Người ta, chẳng những coi đó là điều nên làm mà còn như một bổn phận đối với những thế hệ tương lai nữa. Trên khắp nước, đâu đâu người ta cũng thay thế nghĩa trang của hậu bán thế kỹ hai mươi, lập lên “nghĩa-trang-công-viên” để làm nơi cho những kẻ quá cố tiếp tục đời sống của họ dưới một hình thức khác. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu rằng đó chỉ là một hành động có mang tính tượng trưng của một quan niệm chứ không phải là mục đích kinh tế. 
Kon Tum, 28.8.1972
Kinh Dương Vương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...