Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Người dưng khác xứXXXX

Người dưng khác xứ

Quê Nội tôi ở nơi khỉ ho cò gáy của thung lũng Tháp Mười. Cái xứ quanh năm con người chỉ biết làm bạn với cây lúa, con cá con cua, với những nghề thủ công đương đát từ những loại cỏ trời cho như bàng, đưng, lác…
 
Ngoài những tháng mùa mưa, nước ngập trắng trời trắng đất, đường xá lầy lội nhếch nhác, còn lại những tháng nắng phong cảnh quê Nội cũng nên thơ, trữ tình lắm. Con đường làng thẳng tắp với hai hàng tre xanh xạc xào trong gió, rặng dừa ven sông đón những hạt phù sa từ chi nhánh sông Tiền đổ vào, cành lá mượt mà, trái ôm lúc lĩu trên ngọn khiến cho bờ sông mát rười rượi. Giữa trưa nắng chang chang, bơi xuồng dưới sông vẫn không thấy nóng nhờ bóng dừa che chở, đở nâng.
 
Vùng quê hẻo lánh như vậy mà không hiểu sao người tứ xứ trôi dạt về đây, làm ăn sinh sống hòa thuận với nhau như con một nhà mới lạ. Ở cuối con lộ làng có tiệm thuốc Bắc của ông Hai Chệt người Phúc Kiến. Ông nói tiếng Việt lờ lợ buồn cười chết được. Bọn trẻ con tụi tôi đứa nào hay đái dầm, khóc đêm là bị hù đem cho ông Chệt nấu cao, vò viên làm cao đơn hườn tán. Mỗi lần ông tôi sai ra tiệm mua thuốc, tôi vừa đi vừa khóc vì sợ gương mặt bậm trợn và giọng nói rang rảng của ông.
 
Ở đầu lộ làng có Vàm cống tẻ vô nhà Nội tôi gọi là cống Huế. Nghe Nội nói ngày xưa, có nhiều người Huế đến đây sinh sống, lập nghiệp nên đặt tên cống Huế. Không biết số người đó phiêu bạt giang hồ đi đâu nữa trên bước đường lập nghiệp nhưng lúc tôi lớn lên, học tới lớp Nhất ( lớp Năm bây giờ) thì còn lại ở đây một người, người đó cha mẹ chết hết chỉ còn một mình ông bám trụ lại làng, học hành cũng kha khá, làm  nghề  y tá  mà sau nầy duyên trời dung rủi đã trở thành chồng của cô Út tôi.
 
Năm đó, mới thi Tiểu học mà tuổi tôi đã mười ba, mười bốn.Tuy lớn xác nhưng tánh nết còn khờ khạo lắm. Mỗi lần đi học về tới đầu Vàm cống, ngang qua trạm y tế của dượng Ut thì bị dượng ngoắc lại nhờ đưa thơ cho cô tôi.  Giọng nói của dượng nhẹ nhàng, ngọt lịm như đường phèn nhưng từ ngữ phát ra phần lớn mang âm nặng khiến tôi nghe không rõ:
 
- Trâm gợi lạ thư cho cô Ut  dùm chụ Trâm hỉ?
 
Tôi cười như nắc nẻ, sau khi cười đã đời rồi hỏi lại:
 
- Cô Ut là cô nào hỉ chụ?
 
Dượng cười xòa, cốc lên đầu tôi, doạ:
 
- Mi ạc lắm. Khi mô tau làm dượng mi, mi chệt với tau. Nì! Cầm cại nì ăn đi, tau biệt mi thịch nọ .
 
Dượng nhét vào tay tôi trái ô môi đen tuyền và mấy trái me dốt mới nhìn đã chãy nước miếng, tôi hồ hởi ra giá:
 
- Mỗi lần đưa thơ hai trái ô môi, mười trái ổi hoặc mười trái me thì cháu đưa liền.
                  
Dượng vui vẻ gật đầu , hứa lần sau sẽ tăng phần thưởng lên. Tôi chạy bay về nhà, cất cặp lên nóc tủ, lấy lá thơ lận vào lưng quần rồi u qua nhà Nội , kiếm côÚt. Cô  đi ruộng chưa về, tôi quày quả ra ruộng tìm  để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng, giao lại cho cô một vật quan trọng mà đối với ông bà tôi là phải hoàn toàn giữ bí mật.
 
Giữa đường ra ruộng, tôi chợt bị đau bụng dữ dội do tiêu thụ mấy trái me dốt cùng ca nước mưa ở nhà Nội. Tôi quýnh quáng bước vào cây cầu cá bắc gần đó để “giải quyết” sự cố. Xong xuôi, bước ra khỏi cầu, tôi chạy u về hướng cô Ut đang nhổ cỏ mạ. Đến nơi, tôi hớt hải gọi:
 
- Cô Út! Có việc quan trọng!
 
Cô ôm đám cỏ lúa đi tới, lo lắng hỏi:
 
- Chuyện gì ?
 
Tôi cười cười:
 
- Thơ dượng  Út..
 
- Tiên tổ bây! Chưa gì hết kêu dượng nầy dượng nọ không sợ ông Nội biết được là chết chùm cả đám.
 
Cô Ut mắng mà miệng cười tủm tỉm, đôi má ưng ửng, hai mắt long lanh. Tôi biết cô  đang nóng lòng đọc thư  nên càng rề rà :
 
- Ut ơi ! Bữa nào đi chợ Ut mua cho con cây kẹp tóc có gắn bông như kẹp của con Bé Hai nha Ut.
 
- Ờ. Còn gì nữa hôn? Con muốn gì Ut cũng mua hết nhưng mà con phải kín miệng không thôi ông Nội cạo đầu khô tô dầu hắc tao đó. Thư đâu, đưa cho cô?
 
Tôi  mằn lưng quần lấy lá thư nhưng nó không còn ở đó nữa. Tôi nhảy tung lên hai bận vẫn không thấy, hốt hoảng kêu:
 
- Cô ơi! Con … làm rớt.. rồi..ồi..
 
- Ở đâu?
- Đằng.. cây cầu.. ca..á..
            
Cô tốc chạy về phía cầu, tôi cũng lúp xúp chạy theo. Cô bẻ nhánh trâm bầu quơ bầy cá đói đang xâu xé mảnh thư tình . Vớt được lá thơ lên, cô vội chùi vào ống quần cho khô nước rồi lấy cái khăn trùm đầu chùi  lần nữa những mãnh giấy bèo nhèo. Cô trãi nó ra nắng  để hong khô , cúi xuống chăm chú đọc mấy dòng chữ chi chít không hàng, không lối, rồi chúm chím cười một mình.
             
Tôi đứng trơ dưới gốc trâm bầu, nắng chang chang trên đầu mà không thấy nóng. Tội nghiệp cô, không hề quát mắng đứa cháu một lời. Cô tôi tội lắm, thương dượng Ut mà không biết có kết duyên được không bởi vì quê quán dượng xa lắc xa lơ, dượng lại mồ côi mồ cút, ông bà Nội  có một đứa con gái rượu dễ gì gả cho người xa xứ. Làm nhiệm vụ đưa thư hơn một năm trời, càng hiểu rõ hoàn cảnh , tôi càng thương hai người nhưng biết cách gì giúp họ đây. Tôi chỉ là  đứa cháu nhỏ nhít, hay mau nước mắt, vô ý vô tứ, ham ăn ham chơi, có được tích sự gì.
 
Cô đọc đi đọc lại lá thư đến lúc mấy mãnh giấy khô queo, cẩn thận xếp  bỏ vô túi, hớn hở tâm sự:
 
- Dượng mầy nói tới đây sẽ nhờ ông Hai Chệt làm mai mối cho cô với dượng. Mà tao sợ quá, cái kiểu ăn nói ba trớt ba hút của ông Hai chắc tiêu. Dượng mầy cha mẹ không còn, gặp mai mối trời trợt như vậy nữa là tiêu luôn. Ngày mai đi học con đưa dùm cô lá thư, hẹn gặp dượng bàn  bạc cho kỹ  mới được.
 
Tôi thắc mắc:
 
-  Đã dượng Ut nói tiếng khó nghe  còn  đi mượn ông già  tiếng Việt không rành làm sao ông Nội chịu?
 
- Chuyện đời biết đâu mà lần. Coi vậy chớ biết đâu ông Nội chịu cũng không chừng, bị vì kỳ đó có lần ông Nội đau nặng tưởng chết, ông Hai hốt thuốc trị hết nên ông Nội mang ơn ông Hai dử lắm, mà ông Hai thì thương dượng mầy, thầy thuốc Tây với thầy thuốc Bắc mà không kỵ nhau, kỳ cục vậy đó.
 
Tôi cắc cớ :
 
-  Rũi ông Hai làm mai không được cô tính sao?
 
-  Thì ở giá luôn tới già. Thương lỡ rồi, dễ gì thương được người khác nữa. Hổng ấy tao đi tu, y như cái tuồng” Ao cưới trước sân chùa” vậy đó.
 
Tôi le lưỡi, lắc đầu. Không ngờ con trai, con gái lớn lên, gặp được nhau, thương  được nhau rắc rối, cực khổ quá cở. Vậy mà tôi cứ mong cho mau lớn, trở thành  thiếu nữ để được yêu thương chàng hoàng tử của lòng mình. Bây giờ nhìn cảnh cô Ut đâm ngao ngán hết biết. Cách nhau có mấy trăm mét đường sông mà có khi nữa tháng hay cả tháng, cô tôi lợi dụng những lúc đi chợ huyện bán đồ vườn hay mua sắm những thứ cần thiết trong nhà mới tạt ngang qua trạm y tế của dượng một chút để mua thuốc đỏ , bông băng hay thuốc trị hen cho ông tôi.  Hoặc chờ khi nào ông bà đi đám giỗ, đám cưới đâu đó thì dượng mới dám đến nhà. Những khi đó, tôi được cử ra đứng dưới gốc ô môi ngoài bờ cái canh chừng . Có lần, vì mải mê hái mấy trái ô môi chín, ông bà Nội về hồi nào không hay khiến cô, dượng tôi  bị một trận xấc bấc xang bang.
 
Ông tôi giỏi chữ Nho nhưng lại có bằng Sơ học chữ quốc ngữ, biết chút ít tiếng Pháp, nghe nói ngày xưa ông Cố  là địa chủ, tới thời ông tôi thì ông theo Vệ quốc quân đánh Pháp nên nhà cửa ruộng nương dần dà do chiến tranh mất lần. Theo cách mạng nhưng  máu nhà Nho với máu địa chủ vẫn còn âm ỉ trong huyết quản nên tánh khí ông khó khăn, kiểu cách khiến trong gia đình và làng xóm ai cũng nể sợ. Tuy vậy, nhờ có chút ít học thức, nên đôi lúc ông xử sự cũng “ thoáng” chớ không đến nổi nào. Tỉ như, tôi là cháu nội gái( ba tôi thứ ba, đang tập kết ngoài Bắc) nhưng ông quyết định nuôi tôi ăn học cho đến nơi đến chốn. Đó là một quyết tâm mới lạ mà người làng lúc ấy chưa ai nghĩ tới.
 
Bà tôi  nông dân, sinh ra và lớn lên trên những cánh đồng. Từ khi lấy ông,  chuyện ruộng nương, bếp núc một tay bà cai quản vì ông tôi hết đi buôn bán làm ăn đến làm chính trị, bị Pháp bắt cầm tù ở nhà lao Khám Đường (Mỹ Tho),sau khi ra tù mắc bệnh hen nặng, hết thuốc Tây đến thuốc Bắc trị hoài không khỏi.
 
Bà không biết chữ nhưng mê cải lương với hát bội. Nhiều tuồng tích xưa bà thuộc làu làu. Nghe nói ngày trước, lúc làm ăn khấm khá, ông tôi thường bao nguyên dàn cải lương cho xóm làng và bà tôi xem. Những ngày ấy là ngày hội của làng. Bà tôi mặc  áo the, quần lãnh Tân Châu, tóc mượt đen bới gọn sau gáy, trông bà lạ lẫm và xinh đẹp hẳn lên. Bà ngồi  hàng ghế đầu, chăm chú xem. Tới đoạn nào thương tâm, bà sụt sịt khóc trước , kế đến cô Út tôi, rồi mấy bà hàng xóm cũng lã chã theo. Không biết họ khóc vì vở diễn, hay vì thấy bà khóc mà cảm động lây, vì người ở làng rất quí mến bà. Bà hiền thảo, chân chất như củ khoai, củ sắn, hay động lòng và hay giúp đở mọi người. Một đời bà lam lũ làm lụng, nuôi ba tôi với chú, bác tôi ăn học, sau nầy những người ấy noi chí hướng của ông, theo kháng chiến đánh Mỹ, có người đã hy sinh  (ba tôi và chú Sáu).  
             
***
 
Chuyện của cô tôi làm sao giấu được lâu trong ngôi làng nhỏ bé đó. Ông bà hay được, gọi cô Ut hỏi chuyện. Ông  hỏi:
 
- Thằng đó có tính chuyện gì với bây chưa?
 
Cô Ut ngồi lặng thinh trong góc bộ ngựa gõ, đầu cúi gầm, nước mắt giọt ngắn, giọt dài rớt trên mấy ngón chân đang miết miết khoảng nền đất phẳng lì. Bà tôi đở lời:
 
- Thằng đó tướng tá coi được, trị bịnh cũng  mát tay lắm. Hôm đó ba mầy không nhờ nó là theo ông theo bà rồi. Cái gì cũng được, có cái cha mẹ không còn , khi bây ốm đau, chữa  đẻ biết cậy dựa ai, với lại nó nói tiếng nước nào chớ không phải nước Việt mình, tao nghe tiếng đặng tiếng được không biết đường đâu mà lần .
 
Ông tôi nạt:
 
-  Nó người miền ngoài , cũng là người Việt chớ người nước nào mà bà nói trật đường rầy hết vậy?
 
Ông tiếp tục cuộc tra vấn:
 
- Nó có tính chuyện cưới hỏi với bây chưa mà sao hỏi làm thinh vậy Ut?
 
Cô tôi không ngẩng đầu lên, tằng hắng cho giọng bớt khàn, rồi nói:
 
- Thưa ba.. Anh định nhờ ông Hai..tới nói chuyện với ba…má…
 
- Hai nào?     
 
- Thì ông Hai thuốc Bắc chớ Hai nào? Nó với ổng se nhau lắm. Phải ông Hai đó không Ut?
 
- Dạ.
 
Ông lại hỏi:
 
- Chừng nào nó bước tới?
 
Cô Ut lặng thinh  hồi lâu, rồi ngập ngừng:
 
- Dạ..con không biết…
 
- Bây liệu coi có kham nổi cực khổ với nó không? Tánh ý nó hợp với bây không? Chuyện vợ chồng là chuyện gắn bó lâu dài, so hơn tính thiệt cho kỹ lưỡng mới được, không phải chuyện mèo mã gà đồng mà quơ ngang hốt bứa. Ông Tư Thiệt bên kinh Cộng Hòa muốn kết sui với tao mà ai dè bây để bụng thương nó hồi nào không hay. Bởi vậy có con gái trong nhà như hủ mắm treo đầu giàn , cha mẹ chưa biết , lối xóm hay hết rồi. Từ nay tao cấm, không được hẹn hò qua lại, để tao điều tra kỹ gốc tích thằng nầy coi ra sao. Còn bà nữa, phải theo dõi sát nó đó, có con gái lớn khổ lắm, không khéo thì.. thì… Ông tôi dọng dọng cây ba toong trên nền đất cứng rồi đứng dậy, đi ra vườn, kết thúc buổi sát hạch đầu tiên.
                       
Cuộc hạch hỏi tuy không có kết quả nhưng xem chừng cô tôi yên tâm được phần nào, vì chuyện tày trời của cô đã được ông bà biết đến, mừng nhất là ông  không tỏ thái độ quyết liệt cản ngăn. Ý kiến ông đưa ra tuy mơ hồ nhưng vẫn có tia hy vọng. Cô Ut hỏi tôi như người bạn trang tuổi:
 
- Mầy nhắm ông Nội điều tra ai được Trâm?
 
- Con đâu có biết. Dượng Ut ở đây từ nhỏ mà còn hỏi han gì nữa. Ở đây còn ai người Huế mà hỏi, không lẻ ông Nội ra Huế được sao?
 
Giọng cô tôi bổng mơ màng:
 
- Ờ. Phải có dịp hai cô cháu mình ra đó chơi một chuyến, nghe nói cảnh ngòai đó đẹp lắm, có cầu Trường Tiền, sông Hương đẹp hơn con sông mình nhiều, núi Ngự nên thơ nữa, nghe nói chỗ đó hồi xưa vua chúa ở nhiều  vô số kể.
 
Thấy cô vui, tôi cũng hùa theo:
 
- Con học Sử, Địa biết rành chỗ đó mà . Con còn biết mấy câu hát ru nữa. Ờ! Để coi:” Anh về ngoài Huế lâu vô. Thắt rế tay bèo gởi lại cho em “. Không biết thắt rế để lại đặng bán hay làm kỷ niệm cô Ut há?
 
Cô cười  giòn:
 
- Cô đâu có biết ý tứ của người xưa ra sao. Chắc là thắt để kỷ niệm tình yêu của họ chớ bán chác gì ba cái thứ rẻ rề đó. Ông bà mình hồi đó cũng văn chương thâm trầm dễ sợ. Dượng Ut mầy viết thư cho tao chữ nghĩa, thơ phú dữ lắm mà tao không nhớ nổi câu nào. Chắc cũng nhờ ba cái chữ nghĩa đó mà xiêu lòng tao. Tao thiệt tình, thương chi người xứ khác cho khổ thân… Cô tôi nhìn xa xăm rồi thở dài.
 
Tôi  cám  cảnh , an ủi:
 
- Bộ cô ngán ngẫm rồi hả? Có con cô đừng lo, khó gì khó con cũng phụ với cô được mà. Nhưng con nghi  ông Nội  giả bộ làm khó cho cô dượng đừng có lừng lên, chớ  không chịu gả là ông nẹt ra lửa liền.
 
Không ngờ câu lý sự đó làm cho cô tươi lên, cô cốc đầu tôi giọng âu yếm:
 
- Mầy đúng là con của anh Ba. Ai dạy mà  biết rành rọt vậy con?
 
- Cô nhớ kỹ nha ! Nhỏ nầy cũng lớn xộn rồi, sắp lên cấp hai rồi đó. Tính gì thì tính mau lên, không thôi con ra trường huyện học là cô mất cánh tay mặt đó.
 
- Ờ. Để tao bàn mưu tính kế với bà Nội mầy coi.
 
Cô Ut ôm tôi vào lòng, hôn lấy hôn để trên mặt tôi như để cám ơn đứa cháu trung thành.
                                                   
***
 
Không biết cô Ut bàn với bà Nội chuyện gì mà mấy hôm sau, tôi nghe bà nói với ông phải mời ông Hai vào kê toa hốt thuốc vì mưa lũ sắp tới. Mùa lũ là mùa cả nhà sợ nhất. Ông lên cơn hen suốt đêm. Có đêm đang ngủ ngon, tôi giật mình vì tiếng thở rền rền, nặng nhọc của ông. Ông ngồi dựa vào vách mùng, gương mặt tím tái, đôi tròng mắt lờ đờ, trắng dã như người chết. Bà tôi vuốt lấy vuốt để  bộ ngực còm cỏi của ông, cô Ut thì soạn sành đống thuốc Tây của dượng Ut đưa mà chỉ có cô mới biết thuốc nào uống với thuốc nào. Những lúc ấy, nhìn ông uống thuốc tôi chợt ứa nước mắt, tôi sợ ông chết thì nhà nầy không còn người đàn ông thân thuộc nào để lo lắng, rầy la và thương yêu chúng tôi nữa.
 
Thầy thuốc được mời đến. Bắt mạch, kê toa xong, ông tôi đuổi bà cháu ra ngoài rồi thì thầm to nhỏ gì với ông Hai mà tôi với cô Ut cố rình nghe cũng không được. Cô Út  lấy củi ra bữa còn tôi  xuống sông tắm. Nước mát làm tôi phấn chấn hẳn lên, tự nhiên tôi tin tưởng ông Hai sẽ đem điều lành đến cho cô tôi.
 
Quả nhiên, hồi lâu sau tôi nghe ông Hai nói oang oang trên bờ với cô Ut:
 
- Êm xuôi hết dồi! Ông già khó chịu một chút mà liều xong dồi. Thằng ló tốt quá mà. Không lấy ló thì lấy ai chớ? Chúc mừng hai lứa bây nhá, chừng nào lám cưới nhớ mời ngộ lớ.
             
Ông quày quả bước đi, cái dáng cao lớn lòng khòng. Cô tôi chạy bươn theo để dẫn ông qua cầu nhưng ông lắc đầu, xua tay. Ông nói ông quen cây cầu khỉ nầy rồi, dẫn dắt làm chi. Thấy ông qua được cầu rồi, cô tôi chạy ra sông, nhảy ùm xuống nước, thách tôi lội đua có thưởng. Tôi vừa lội vừa tát nước vào mặt cô, la lên:
 
- Bữa nay cô thắng lớn rồi! Nhớ mua kẹp với dép cho con đó.
 
Cô tôi cười, tiếng cười trong trẻo vang lên trên bến sông dưới nắng ban mai khiến cho đám dừa nước vui lây, cũng xì xào trong gió.
                                                         ***
 
Ông tôi ngày càng kiệt sức, chỉ ăn cháo qua bữa. Từ ngày đồng ý gả cô , dượng Ut mới được tự do ra vào chăm sóc ông.Thuốc mới nào đặc trị bệnh hen dượng đều mua  cho ông , dượng còn tìm mua cả mật gấu trên rừng cho ông uống. Có dượng, nhà tôi  ấm áp hơn. Ông bà tôi giờ đây đã thật sự thương dượng Ut như con đẻ. Còn tôi yên lòng cắp sách ra trường huyện, tiếp tục học cho đến nơi đến chốn như ý ông tôi muốn.
 
Đám cưới cô Út diễn ra nhanh gọn vì không biết ông tôi đi lúc nào. Đám cưới mà cô không được vui , nụ cười không tươi, đôi mắt to đen lúc đứng trước bàn thờ làm lể gia tiên ngân ngấn nước, cô len lén chùi vào dạt áo rồi lầm rầm khấn vái, còn tôi đi ra bờ cái dựa lưng vào gốc ô môi , tức tưởi một mình. Bây giờ tôi mới  biết mình đã mất cô Ut rồi. Từ nay, cô không còn là của riêng tôi nữa, cô sẽ có con, sẽ nâng niu hôn hít con cô, có món ngon vật lạ cô sẽ dành cho nó hết. Tôi mồ côi mẹ, ba không có nhà biết nương tựa vào ai đây. Đã vậy, ông tôi còn đau bệnh triền miên, bà tôi  già rồi, trăm sự chỉ nhờ cô Ut, làm sao cô cáng đáng công việc và chia sẻ tình thương cho đều được. Tôi khóc như mưa như gió và nghe tiếng khóc của mình hòa trong tiếng reo của cánh đồng lúa đang trổ đòng.
 
Ông tôi mất sau ngày cưới của cô tôi một tháng. Ông được nằm trong khu mộ gia đình. Ông mất, đêm không còn nghe tiếng ho liên hồi, tiếng thở nặng nhọc rền rền, tiếng gọi lấy nước và tiếng chân bà tôi vội vã trên nền nhà. Căn nhà trở nên yên ắng, lạnh lùng. Có khi  đang ngủ,  tôi nghe tiếng ông gọi” Kim Hương! Sao không dậy học bài con!” Tôi nhớn nhác ngồi dậy, nhìn qua chỗ ông , chỉ thấy có bà tôi nằm đó, tôi hõang hốt trùm kín mền lại, ngón cái bấm ngón út để ma đừng nhập. Phải chi giờ nầy có cô Ut tôi đở khổ biết bao nhiêu, nước mắt tôi tràn ra ràn rụa…
 
Nỗi buồn ông mất và nổi buồn cô Út có chồng cũng nguôi ngoay theo niềm vui có bạn mới. Tôi ra trường huyện học đã ba tháng, quen được mấy bạn mới ngoài thị trấn Cai Lậy, thêm con Bé Hai là bạn cũ , chúng tôi kết thành nhóm học tập rất vui. Chiều thứ bảy nào tôi với nó cũng về nhà, có khi rủ thêm đám bạn về chơi cho vui cửa vui nhà.
 
Nhà cửa, ruộng nương, từ ngày có dượng Ut được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng hơn. Những ngày rảnh việc, dượng tôi gom mấy đứa trẻ bị ghẻ lỡ trong làng rữa ráy,băng bó cho chúng. Mặc chúng kêu gào, chửi bới vì đau đớn ông cũng kiên trì làm cho xong việc mới thôi. Cô tôi cười, cô nói ông hay làm chuyện tào lao, có ngày tụi nó đón đường đánh ông không còn cái răng ăn trầu. Dượng tôi ít nói, hay cười. Từ lúc lấy vợ, dượng học nói giọng miền Tây, âm sắc nghe dễ hơn, câu nói có pha trộn nhiều từ Nam bộ khiến bà tôi khen, bà tôi nói thằng đó chịu thương, chịu khó mà lại sáng dạ.
***
 
Năm 1961, hòa với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, quê tôi nổi dậy diệt ác phá kềm, xã rào ấp chiến đấu, đấp mô, đặt trái, gài chông. Thanh niên làng, tốp theo du kích, tốp theo bộ đội chủ lực. Phụ nữ gánh vác chuyện nhà thay cho đàn ông. Cơ sở trị bệnh của dượng tôi  thành trạm y tế , dượng phụ trách Dân y xã lo sức khỏe cho dân làng và cứu chữa thương binh khi  hữu sự.
 
Ngôi nhà lá đơn sơ ở đầu Vàm cống là nơi mang lại sức khoẻ , niềm tin yêu cho dân làng và du kích. Dượng tôi với  cậu phụ việc làm không ngơi tay. Từ mụt ghẻ hờm, ghẻ ngứa cho đến những bệnh trầm trọng nguy nan, thậm chí đau đẻ đều do một tay dượng. Bệnh nào nặng, ngoài tầm tay thì dượng sơ cứu rồi chuyễn ra huyện. Từ lúc bom đạn triệt phá thôn xóm, công việc của dượng càng ngập đầu, chuyện nhà phó mặc một mình cô tôi. Tôi xin nghỉ học để phụ cô nhưng bà không cho, bà bảo phải học cho giỏi sau nầy đỡ khổ tấm thân.
 
Năm 1964, làng tôi biến thành khu oanh kích tự do vì nơi đó đã trở thành hậu phương vững chắc cho bộ đội chủ lực và các ban ngành khác. Các trận càn quét của sư đòan 7, sư đòan 9 liên miên. Dượng tôi bị bọn Trâu Điên bắt trong trận càn mùa lũ, do dượng phải điều hai thương binh đi sơ tán.
 
Chúng kéo dượng ra bờ gò trâm bầu ( chổ cô Ut đọc lá thư đẩm nước trước đây), cột dượng vào gốc cây ô môi tra tấn. Những báng súng nện thình thịch lên đầu lên lưng, tiếng hự hự đau đớn vang lên, máu thắm đỏ lưng dượng. Tôi nghe tiếng thằng sĩ quan la lên:
 
- Giọng thằng nầy trọ trẹ chớ không phải dân ở đây. Gặp đầu đảng rồi bây ơi! Tra nó coi mùa Thu hay mùa Đông vậy?
                       
Tiếng đấm đá ịch đụi lại vang lên. Cô Ut đẩy thằng con hai tuổi cho tôi, bươn vội xuống chiếc xuồng cột ngoài mé vách bơi ra giữa sông, la làng:
 
- Làng xóm ơi! Chị Tư ,chị Năm ơi! Ra coi lính đánh chồng tôi gần chết rồi bà con ơi! Chị Tư, chị Năm ơ…ơ…
 
Từ phía bên kia sông, ba bốn chiếc xuồng bơi ra rồi những chiếc khác tiếp theo làm thành một dãy, tiếng la khóc, tiếng hét phẫn nộ vang lên:
 
- Đề nghị mấy ông thả thằng đó ra, nó là thầy thuốc của xóm nầy, nó cứu người đó, tại sao giết nó?
 
- Tại sao giết thầy thuốc? Tại sao? Quân dã man! Quân giết người..ười…
 
Một loạt súng nổ vang, tiếng quát :
 
Mấy bà tính làm loạn hả? Việt Cộng nói tiếng Bắc kỳ rõ ràng không thấy sao còn binh vực?  Nó còn ngang ngược chửi tụi tui nữa kìa!
 
- Chồng của tôi mà mấy ông nói Việt Cộng nào? Tiếng cô Ut  rổn rảng nghe lạ lẩm và dử tợn. Mấy ông không tin, tôi trình giấy cho coi. Bằng cấp Cán sự y tá của mấy ông còn ràng ràng đây ! Ảnh làm thầy thuốc bao nhiêu năm nay, cứu dân ở đây ai mà không biết.   
 
- Bắt người phải có chứng cớ, đụng ai bắt nấy, không ai là thường dân hết hả?
 
- Mấy ông bắt nó, mấy ông giết tụi tui đi!
 
- Đả đảo bắt thầy thuốc, đánh đập thường dân vô tội! Đả đảo!
 
- Cả một vùng sông nước vang vang tiếng kêu la. Loạt súng nữa tiếp theo, đạn rơi lủm bủm quanh khu vực xuồng của đám biểu tình. Thằng chỉ huy chỉ cây gậy về phía mấy bà:
 
- Tôi hứa sẽ thả thằng nầy ngay sau khi thẩm định rõ nó là thầy thuốc chính hiệu. Các bà giải tán đi! Tôi lấy danh dự hứa với dân Mỹ Đông đó. Không tin thì thôi.Chị gì đó, đưa  bằng cấp của chồng cho tôi làm cớ.
 
- Đừng đưa! Đừng tin họ!
 
- Không đưa thì ở tù, các bà đừng đổ thừa tôi không giữ lời hứa nhen.
 
Bầy trực thăng đáp xuống ngoài cánh đồng, tên sĩ quan và đám lính vội lôi dượng tôi đi, vừa đi chúng vừa bắn lại phía sau khiến cho đám xuồng ghe và cô tôi  đang bươn theo phải  ngừng lại, lóng ngóng giây lâu rồi phải quay mũi xuồng, ai về nhà nấy vì đám pháo ở bót kinh Mười Hai đã bắt đầu đề-pa.
                                                 
***
Dượng tôi bị giam ở khám Đường ( Mỹ Tho) , nơi ngày xưa ông Nội đã từng ở đó. Không có dượng Ut, trạm y tế chưa chấn chỉnh được, xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi hữu sự, người làng thường nhắc dượng với bao luyến tiếc ngậm ngùi. Cô tôi ngày một gầy héo bởi những gánh nặng chồng lên vai.Cô với tôi thay phiên nhau đi thăm nuôi dượng, tôi  tích cực viết nhiều lá đơn để cô xin giảm án . Đôi lúc nhìn cô, tôi xót xa tự hỏi không biết sức vả đâu mà cô kiên gan bền chí đến như vậy.
 
Tội nghiệp dượng tôi! Cũng vì thương cô, mến xứ sở quê làng của cô mà lận đận lao đao đủ thứ chuyện. Người dưng, khác xứ mà sao sâu nặng với nhau quá vậy, tôi cũng không hiểu. Chắc nhờ sự mặn nồng đó mà dượng tôi sớm được ra tù, trở về bên Vàm cống thân yêu và nhận một trọng trách lớn hơn: Trưởng trạm Dân y Huyện.
3/1/2005
Kim Quyên
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...