Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Đi biểnXXXXX

Đi biển

Nó xách giỏ, nê cái bụng nặng nề đi ra cửa, nhìn tôi cười cười, nói giọng tỉnh bơ:
- Mẹ ngủ đi! Có gì con điện, chưa “xi-nhê” gì đâu, còn tám ngày nữa mà.
Thằng chồng phụ họa:
- Sanh đẻ thời bây giờ dễ hơn gà, hơi sức đâu mẹ lo. Khám thai xong, con đưa vợ con đi ăn, mẹ đừng trông.
 
Chúng nó đi rồi, căn nhà trở nên yên ắng. Tôi muốn ngủ một chút cho quân bình đầu óc vì đêm qua thức quá khuya. Nằm hồi lâu không chợp mắt được, tôi ngồi dậy, rửa mặt chải đầu, lấy sách báo ra đọc. Mở tờ Tuổi Trẻ thấy tin trận động đất nhẹ vừa xảy ra ngày hôm qua trên thành phố và một số tỉnh thành khác mới hay mình vừa nằm trong cơn vặn mình của đất. Sự kiện thật lạ lùng chưa từng có. Không lẽ thành phố mình đến lượt bị trời phạt rồi sao? Hồi đó giờ nghe nước nọ nước kia bị nạn chớ nước mình làm gì biết chuyện “động trời động đất” này. Vậy là giờ đây không có nơi nào trên mặt đất được bình yên vĩnh cửu cả. Mà thôi! Chuyện đó là chuyện của thiên nhiên, dù cho trời cao đất dày đến mấy đi nữa tới ngày mòn mỏi chịu đựng không nổi con người thì phải phản ứng là tất nhiên rồi. Thôi thì người ta chết mình chết, hơi sức đâu lo. Có lo là lo cái bầu của con gái, nó sinh con so mà siêu âm thấy thai nhi trên 3 ký lô, không biết bác sĩ sẽ chọn cách sinh nào cho an toàn đây?
 
Hôm khám lần trước bác sĩ khuyên nên sinh thường tốt hơn sinh mổ, nhưng tôi cứ lo không biết sinh thường mà thai nhi lớn như vậy có sự cố gì không. Còn sinh mổ lại sợ gây mê tổn thọ, rồi biết đâu trong lúc gây mê có chuyện gì…? Sinh mổ đôi khi cũng gặp biến chứng này nọ chớ phải chơi đâu. Hỏi má tôi là bà mụ vườn, nhiều năm kinh nghiệm thì bà bảo: “Tao đỡ đẻ biết bao nhiêu đứa rồi, thai nhi 4 kí, có đứa trên 4 kí vẫn sanh đẻ bình thường, có cần mổ miết gì đâu, đời bây giờ hở ra là mổ, mổ có hại nhiều hơn có lợi, không hiểu sao họ cứ thích mổ”...
 
Nghe bà già nói vậy yên tâm được đôi chút, hơn nữa sanh ở nhà thương lớn có tiếng tăm, lại gởi chỗ bác sĩ quen chắc không đến nỗi nào. Để tăng thêm niềm tin trước khi đứa con bé bỏng của mình bước xuống thuyền “vượt biển”, đêm đêm tôi đốt nhang cầu trời khẩn phật, vái lạy ông bà khuất mày khuất mặt phò hộ cho cuộc sinh đẻ được tròn vuông, mọi việc tai qua nạn khỏi.
 
Chờ sốt cả ruột, tới 5 giờ chiều điện cho thằng rể, nó báo tin làm tôi chới với: “Có dấu sanh rồi mẹ ơi! Mẹ chuẩn bị thức ăn nhẹ, con về lấy đem qua cho nó liền”. Cái thằng thiệt tệ! Chuyện hệ trọng vậy mà nó dềnh dàng không chịu báo sớm. Bây giờ gấp gáp thế này biết nấu món gì đây. Tôi nhớ lại coi hồi đó mình bồi dưỡng thức ăn gì trước khi đi sanh. Những năm đó đâu có tiền nhiều để tẩm bổ cho đàng hoàng, chỉ uống quấy quá ly cà phê lấy sức. Phải rồi! Đàn bà lên bàn sanh hay buồn ngủ, uống cà phê sẽ tỉnh người, vả lại đang đau đẻ đâu còn muốn ăn uống gì nữa. Tôi khuấy ly cà phê sữa đổ vào bình thủy nhỏ, nướng mấy miếng sandwich bỏ vô bọc mủ để giữ ấm, thay quần áo rồi ra trước cửa ngồi chờ. Một chút sau, tiếng thằng rể kêu í ới dưới đường, tôi vội chạy xuống.
 
Người thân của sản phụ ngồi la liệt trong phòng chờ. Ai nấy dán mắt vào màn hình trước mặt, những con chữ màu vàng hiện ra liên tục. Nhìn màn hình một lúc, tôi như ngồi trên lửa, phân công thằng rể theo dõi, đi ra chỗ vắng bấm máy gọi cho vị bác sĩ phụ trách ca sanh của con, đợi một hồi lâu, nghe giọng bà hụp hửi: “Tử cung nở 3 phân, chắc cho sinh thường chớ không mổ”. “Cô ơi! Cho tôi lên phòng sanh đưa thức ăn cho nó được không?”. Bên kia đầu dây tiếng tuýt tuýt vang lên khiến tôi hụt hẫng. Trở về phòng chờ thấy màn hình hiện ra tên con mình, bước tới hỏi, cô gái bảo thức ăn không gởi lên được vì sản phụ sắp sanh. Tôi cầm giỏ xách đứng lớ ngớ không biết tính thế nào. Đàn bà sắp sanh không ăn uống gì làm sao có đủ sức để “vượt cạn”. Nhưng điều quan trọng nhất đối với phụ nữ trước cuộc sinh nở là nên có người thân bên cạnh để chăm chút đỡ đần khi đau đớn, nhất là người chồng, người cần thiết phải chứng kiến cảnh đau đẻ của vợ mới thấu hiểu được phần nào nỗi khổ đàn bà. Tinh thần là quan trọng, vậy mà giờ đây con tôi phải một mình chống chỏi với “sóng gió”. Tôi muốn gởi cho con một mẩu tin nhắn hay vài hàng chữ an ủi động viên, vậy mà theo qui định nghiêm nhặt của bệnh viện, sản phụ sắp sanh phải cách ly với người thân, cũng không được sử dụng điện thoại. Tôi bỗng ân hận, phải chi cho nó sanh ở bệnh viện khác chắc mọi việc dễ dãi hơn nhiều. Gương mặt thằng rể buồn thiu, càm ràm: “Hôm rồi vợ con đòi sanh ở bệnh viện H.V mà mẹ không chịu, ở đây không có người quen, khó khăn như vậy đó!”. Tôi chống chế: “Họ kỹ như vậy tốt chớ sao? Chỗ sanh đẻ cho người thân đi luông tuồng làm sao đảm bảo vệ sinh”. “Vệ sinh gì! Làm như đi đày không bằng, bây giờ không biết vợ con ra sao, lỡ có chuyện gì…”. “Thôi! Sanh đẻ không nói chuyện xúi quẩy, tao gởi cho bác sĩ rồi, bệnh viện này là bệnh viện lớn nhất thành phố, biết bao người vô đây chớ có mình mình sao. Ở dưới quê cũng lên nằm vật nằm vạ chờ sanh, nhà mình gần đây mà đi chỗ khác rủi có bề gì họ cũng chuyển đến đây thôi”. “Thôi! Đã đến đây phải tuân theo luật lệ của người ta, nói chi nữa cho thêm rối…”
 
Tôi bước vội ra chỗ mấy khóm hoa cho đỡ bức bối, không muốn tiếp tục cuộc tranh cãi. Nó là đàn ông, thuộc tuyp người trời sinh ra đầu tiên trên trái đất với hình hài không bị đày ải bởi những cuộc mang nặng đẻ đau, đã vậy người đời còn có thói quen nam trọng nữ khinh, bọn nó được ăn trên ngồi trước, được “trị vì thiên hạ”, có quyền năm thê bảy thiếp mà không bị hành hạ gì về thể xác, người như vậy làm sao hiểu thấu nỗi hiểm nguy, đơn độc của người phụ nữ khi banh da xẻ thịt hạ sinh ra một con người. Nỗi lo của nó làm sao lớn bằng nỗi lo đang trĩu nặng lòng tôi, nỗi lo của những người cùng cảnh và cùng huyết thống. Tôi nhìn lên phòng chờ sanh với ánh mắt tuyệt vọng. Con tôi đang ở trên đó, nó sắp đi vào mười hai cửa ngục mà không có một ánh mắt thân thuộc gởi theo, không một lời ân cần thăm hỏi, không có miếng cơm miếng cháo cho vững bụng. Giống hệt cái cảnh của tôi ngày xưa, lên bàn sanh không có người thân, đói khát và tủi thân khiến cuộc sanh xảy ra nhiều sự cố tưởng đâu tử vong. Cảnh ấy lâu rồi nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy nghèn nghẹn nơi cổ.
 
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ chợt thấy tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi ở công viên bên phải, tôi bước vội đến, đốt nén nhang, miệng lầm rầm cầu xin đấng từ bi những điều đang đè nặng trong lòng. Không hiểu sao trong giờ phút sinh tử này tôi chỉ còn biết nương tựa vào các vị thần linh, cầu mong họ chở che cho những sinh linh bé nhỏ đang lặn hụp trong bể khổ trần gian. Khấn vái xong, quay nhìn khắp lượt công viên, đây đó những chiếc ghế đá chật ních người nằm ngồi chờ đợi. Một vài bà bầu còn tỉnh táo ngồi cạnh người thân, cố ăn thêm những món ăn do người nhà đem tới, gương mặt người nào người nấy nằng nặng nỗi lo.
 
Tôi trở lại phòng chờ, sốt ruột nhìn những họ tên lạ hoắc lạ huơ hiện lên màn hình, những người ngồi gần lần lượt tay xách nách mang đi ra, phòng đã thưa vắng người. Quái lạ! Gần hai tiếng đồng hồ trôi qua vẫn chưa thấy tên con gái, hay là có sự cố rồi. Thằng rể điện liên tục cho bà bác sĩ nhưng không gặp, mặt nó xịu xuống càng làm cho tôi thêm rối.
 
Tôi bước đến hỏi cô trực máy vi tính, cô bảo hình như lúc nãy có báo tên trên màn hình rồi sao thân nhân ở đâu không theo dõi, cô mở máy kiểm tra danh sách sản phụ thì thấy tên con ở phòng “Săn sóc đặc biệt”. Mừng như bắt được vàng, tôi cùng thằng rể cập rập bước lên lầu.
 
Thằng cháu đỏ hỏn nằm cạnh mẹ khóc ngằn ngặt. Con gái nước da xanh nhớt, đôi mắt mệt mỏi nhắm nghiền, máu đỏ thấm loang cả ra ngoài tấm đắp, nó thều thào: “Mẹ ở đâu mà nãy giờ... Cho con miếng nước… Gọi giùm bác sĩ! Con bị làm băng…”.
 
Tôi chạy vội qua phòng bác sĩ trực, gọi toáng lên: “Bác sĩ ơi! Con tôi bị băng huyết!”. Chiếc băng ca được đẩy tới, thằng rể xốc vội vợ đặt lên xe, nó chạy theo chiếc xe thì bị mấy cô y tá ngăn lại. Tôi lính quýnh bồng cháu ngoại lên, đổ cho nó mấy giọt nước, cái miệng nhỏ xíu, đôi môi đỏ hồng chép chép những giọt nước mát đầu tiên, nó uống được một lúc thì bớt khóc. Tôi ôm cháu vào lòng, hơi ấm từ cơ thể bé bỏng của nó chuyền sang, một tình cảm vừa lạ lẫm vừa hết sức thân thiết ruột rà oà vỡ trong lòng, nước mắt tôi tuôn tràn.
 
- Vợ mầy đâu rồi con?
Bà sui bước vào ngơ ngác hỏi. Thấy tôi khóc, bà lo lắng:
- Bộ có chuyện gì sao?
- Nó bị ra huyết… Vậy mà nãy giờ không biết để nó nằm đây một mình.... Mẫn ơi! Con qua bên kia canh chừng họ đưa nó ra thì chạy theo, đừng để lạc mất như hồi chiều nghe con…
- Không sao đâu! Ở đây họ giỏi lắm. Máy móc tối tân hiện đại, thuốc men cũng tốt. Đừng lo quá. Ở hiền sẽ gặp lành mà! Chiều giờ bà với nó ăn uống gì chưa?
- Ăn gì nổi mà ăn. Ăn vàng cũng không ham. Tội nghiệp! Sanh đẻ mà nhịn đói nhịn khát làm sao đủ sức rặn. Phải biết vầy hôm trước xin sanh mổ cho rồi…
- Thôi! Bình tĩnh! Sanh ra được là mừng. Vái mười hai Mụ Bà mười ba Đức Thầy cho mẹ con nó tai qua nạn khỏi. Để tôi pha sữa nhểu cho thằng nhỏ, nó đói meo rồi.
 
Bà sui khuấy sữa, muỗng sữa ấm được đút vào miệng, thằng bé bỡ ngỡ vài giây rồi bắt mùi sữa chép nuốt liên tục. Nhìn cái miệng nó mút từng giọt sữa mà chạnh lòng, giờ này đáng lẽ nó được kề bên mẹ bú những giọt sữa non đầu đời, vậy mà mẹ nó vẫn chưa qua được cơn nguy khốn của cuộc vượt cạn, rủi ro mẹ nó có bề gì, thằng nhỏ… Tôi không dám nghĩ tiếp, lòng như muối xát kim châm.
 
“Mấy bà cho nó uống kiểu đó bị sặc cho mà coi! Vô đây rồi mà muốn làm gì thì làm, không cần hỏi ai hết”. Cô y tá gắt gỏng phía sau khiến chúng tôi giật mình quay lại. Định hỏi thăm tình trạng của con thì cánh cửa đã đánh sầm sau lưng cô ta. Tôi giao thằng nhỏ cho bà sui, chạy qua phòng y tá trực hỏi thăm, cô y tá hồi nãy tuôn ra giọng nói nhọn hoắc như những mũi kim: “Có gì đâu mà hỏi tới hỏi lui hoài, có bác sĩ, y tá rồi còn lo gì nữa”. Tôi lấy tờ 50 ngàn bỏ vào túi cô ta, nài nỉ: “Em vui lòng theo dõi bệnh tình của cháu giùm chị. Có chuyện gì báo giùm bác sĩ ngay. Hồi chiều huyết ra nhiều mà ở đây không ai kêu bác sĩ, chị không biết nó đã lên phòng trên nầy rồi, lo ngồi chờ ở dưới đất bỏ nó có một mình…”. Tôi nói trong tiếng khóc tức tửi.
 
Người phụ nữ nhìn tôi giây lát, dường như tôi đã khơi gợi được chút tình mẫu tử nơi trái tim sạn chai vì nghề nghiệp này, giọng cô dịu nhẹ hơn: “Không sao đâu cô! Có lẽ chị ấy không bị băng huyết, chỉ do sây sát phía trong một chút! Chuyện sanh đẻ đôi lúc cũng gặp trúc trắc nhiêu khê lắm. Trường hợp này chắc không có gì nguy hiểm đâu. Cô yên tâm lo cho cháu bé, uống sữa thì cho uống từng chút một, nhớ nâng đầu nó lên để tránh sặc, bị sặc nguy hiểm lắm!”. Tôi thấy lòng dịu xuống đôi chút, lắp bắp nói: “Cám ơn cô! Cô nhớ giúp giùm cháu nghe cô!”.
 
Quay về phòng, thấy rể với bà sui đang đút sữa, thằng nhỏ chu cái miệng ngớp ngớp như sắp bị sặc, điếng hồn điếng vía, tôi kêu:  “Nâng đầu nó dốc lên, uống sữa không được để đầu thấp dễ sặc lắm!”. Tôi ôm cháu, vuốt lấy vuốt để bộ ngực bé xíu, nó ngớp ngớp thêm vài cái nữa rồi nằm im, nhìn lớp áo vẫn phập phồng lên xuống, tôi thở khì, bảo thằng rể: “Con đi mua gì ăn rồi lên canh chừng, nó sẽ chuyển ra phòng hồi sức, nhớ đừng để lạc, ở đây rộng lớn quá không biết đường đâu mà lần”. Thằng rể dạ rồi te đi một nước. Giờ đây, trong lúc nguy nan, tôi trở nên yếu đuối lạ lùng, chợt thấy thằng rể như thân thiết hơn ngày thường, những chuyện buồn vui bấy lâu bỗng dưng tan biến. Tôi không còn thắc mắc là nó có quý mến mình hay không, tại sao nó xử sự với mình vô tình vô tâm như vậy? Chỉ cần thấy nó có lo lắng cho con gái là mừng lắm rồi.
 
Tôi ngước nhìn bầu trời đêm đầy sao, không biết ngôi sao nào là sao kế đô chiếu mệnh con trong năm này. Đàn bà đi sanh nhằm năm sao xấu lạch ạch lắm, nói trước rồi mà vợ chồng không nghe, còn bảo tôi “âm lịch”, để bây giờ xảy ra cớ sự. Tuổi trẻ là vậy! Thích thì cứ làm chớ không suy nghĩ nông sâu gì cả. Thôi thì bề nào sanh thằng nhỏ ra được là mừng, mong sao cho mẹ nó vượt qua cơn sóng to gió lớn này.
 
Tiếng khóc thét của sản phụ bên phòng sanh dội tới làm tôi giật mình. “Má ơi! Cứu con… Má ơi! Cứu… Ui cha! Đau gì chớ không phải đau bụng đẻ má ơi… ơ…” . Tiếng kêu cứu nặng oằn nước mắt nghe xé ruột xé gan làm lòng tôi thắt lại. Không biết hồi chiều con gái mình có kêu khóc như vậy không, tiếng kêu cứu của người phụ nữ trong giờ phút đau đẻ sao đơn độc, lẻ loi quá. Giờ phút hiểm nguy đó chỉ có người đỡ đẻ chứng kiến, am hiểu khá rõ diễn tiến cuộc sanh nở, mạng sống hai mẹ con sản phụ hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, tình cảm của vị cứu tinh áo trắng kia. Vị áo trắng giờ phút đó khác nào như người lèo lái con thuyền giữa cơn bão biển. Bất chợt, tôi nhớ những ngày định mệnh của mình. Một mình đi đến bệnh viện, từ lúc đau đẻ cho tới lúc bị băng huyết ngất xỉu, nhà trường mới sắp xếp đưa đồng nghiệp tới phụ giúp, sáng hôm sau má tôi từ dưới quê tất tả chuyến xe sớm đi lên, còn chồng thì cả tháng sau mới xin được đơn vị nghỉ phép vài hôm, lặn lội từ biên giới Tây Nam trở về.
 
Hai cô y tá đẩy chiếc xe băng ca đi tới. Tôi mừng rỡ chạy đến. Người mẹ trẻ nằm trên băng ca đôi mắt nhắm nghiền, gương mặt xanh bợt, tấm ra trắng đắp lên thân hình nhỏ nhắn, mới nhìn giống như xác chết khiến mắt tôi hoa lên, ngờ ngợ tưởng con mình. Chiếc xe đẩy về phía cuối phòng, dãy hành lang trở nên vắng lặng, tiếng kêu khóc của sản phụ nơi phòng sanh cũng nín bặt, chỉ còn nghe mùi ê-te thoảng trong gió và những ngọn đèn trắng bạch chiếu sáng cả khu vực rộng lớn. Đã ba giờ khuya, không biết con giờ này ra sao? Mong cho trời mau sáng, trời sáng rồi có lẽ mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tôi ngồi thụp xuống dãy ghế nơi hành lang, mình mẩy rũ riệt như vừa leo núi. Tiếng thằng cháu khóc oe oe trong phòng khiến tôi chạy vội vào.
*
Tôi chạy theo con gái, cố gào lên với giọng hụt hơi, cái bóng trắng nhờ nhờ cứ phất phới phía trước. Bỗng nhiên nó sụp xuống hố sâu, trong bóng tối dày đặc tôi kêu thét lên rồi quỵ xuống.
Tiếng băng ca chạm mạnh vào cửa phòng khiến tôi choàng tỉnh. Giọng ai đó kêu:
 
- Người nhà bồng em bé theo mẹ lên phòng nghỉ.
Tôi bật ngồi dậy, mồ hôi tươm đầy trán. Con gái nhìn tôi, giọng yếu ớt:
- Mẹ cho con miếng sữa, con run quá...
Tôi đổ sữa khuấy sẵn trong bình ra ly, kề bên miệng cho nó, vừa bảo thằng rể:
- Con gom hết đồ đạc xách theo. Chị lấy khăn trùm cho thằng nhỏ rồi ẵm nó giùm tôi, tôi phụ với cô y tá một tay.
- Mẹ cho con ly nữa!
- Không. Phải đi ngay! Người nhà theo tôi!
 
Tôi chạy lúp xúp theo cô hộ lý, bà sui ẵm cháu, thằng rể tay xách nách mang lặc lè đi phía sau. Vừa đẩy xe tôi vừa nhìn con, tóc tai xã xượi, đôi môi thâm xì, gương mặt già xọp, nước da trắng bệch nhăn nhó, nó lấy tay xoa bụng, cố nén tiếng rên.
 
Tôi nhẹ lòng được đôi chút nhưng nhìn thể trạng của con như ấm ức một điều gì. Phải chi nó sanh mổ chắc đâu ra đến nỗi nầy. Điều ám ảnh nặng nề nhất hai ngày nay là nó có bị vỡ tử cung không? Trời ơi! Nếu nó bị vỡ tử cung thì sự hiểm nguy vẫn còn mấp mé kề bên. Nhìn nó yếu ớt như con mèo ướt, tôi quay đi để giấu giọt nước mắt chực ứa, hồi lâu tôi bảo:
 
- Sanh đẻ thì phải đau, dạ con co thắt mới tốt, con ráng chịu đau vài ba ngày sẽ đỡ hơn.
- Mẹ bóp tay chân giùm con! Mệt quá! Để con khỏe rồi cho thằng nhỏ bú…
- Pha sữa bình rồi. Con ráng bớt đau đặng cho con bú, sữa non tốt lắm.
 
Tôi nắm bàn tay xanh xao nhão nhoẹt của con xoa bóp, mong truyền thêm hơi ấm và sức mạnh cho nó. Như được an lòng, nó nhắm mắt ngủ yên, tôi dặn dò bà sui đôi câu rồi chạy ra ngoài gọi bác sĩ. Giọng bà mệt mỏi:
 
- Đêm qua tôi phải đỡ mấy ca, thành ra không gặp chị được. Trường hợp của cháu không cần sanh mổ vì nó sanh thường được. Do đầu cháu bé hơi to khi rặn bị sây sát âm đạo nên phải may lại, đường may hơi sâu đó. Phải hết sức kỹ lưỡng để không bị nhiễm trùng nghe. Chị nói vỡ tử cung hả? Không phải đâu, nếu vỡ làm sao yên được. Chị đừng lo lắng quá. Như vậy là tạm ổn rồi, ăn uống đầy đủ cho mau lại sức nghe, không cữ kiêng gì cả. Vậy thôi chị nha.
 
Tôi bần thần giây lâu. Nỗi lo kia vừa tan thì nỗi sợ mới ùa đến. Nó không bị vỡ tử cung nhưng da thịt chỗ non nớt mà vá đi vá lại hai ba lần như vậy làm sao không có những tai biến bất ngờ. Lời dặn dò của bác sĩ càng làm tôi thêm lo. Quay lại khu hậu sản, tới lầu bốn thấy mọi người bước ra khỏi thang máy vội bước theo, luẩn quẩn tìm phòng mãi hồi lâu mới chực nhớ còn hai lầu nữa mới tới chỗ con nằm, đành quay lên. Bước được mấy bậc cầu thang bỗng thấy tối sầm mặt mũi, đầu óc quay tròn, lật đật ngồi bệch xuống nền gạch, bấm mấy huyệt thái dương, hít thở đều, tự động viên: “ Lúc nầy mình không nên đau bệnh, phải khỏe để lo cho con cháu. Phải khỏe, không được bệnh. Đó là lệnh”. Gắng gượng đứng lên, tôi cố định thần đi tiếp lên lầu sáu.
 
Thằng bé khóc đòi bú. Con gái thấy tôi vội kêu:
- Mẹ ơi! Con đau quá, xin thêm thuốc giảm đau… Cho con đi tiểu.
Tôi vội lấy cái bô dẹp đặt dưới mông nó, bộ phận dưới sưng tấy, một đường may vắt dài như con rếch, máu và nước tiểu chảy lan ra cả quần. Nó nặng nhọc tiểu ra từng giọt máu tươi. Tôi bước vào phòng vệ sinh, nhìn bô nước máu của con lòng quặn đau như máu mình đang chảy, tôi thấy xây xẩm mặt mày, vội ngồi xuống bàn cầu.
 
Tôi báo cho bác sĩ trực biết tình trạng của con, cô bảo chuyện ra máu và sưng là bình thường không có gì lo, phải chịu đau cả tuần mới bớt được, để cô tăng cường thêm thuốc giảm đau. Uống thêm phần thuốc mới cơn đau vẫn không dịu, tiếng rên đau đớn của nó vẫn vẳng bên tai, tiếng khóc đòi sữa của thằng cháu khiến cho ba người lớn trắng đêm không chợp mắt.
 
Tôi gọi người bạn là bác sĩ sản khoa tới hỗ trợ, chị cho loại thuốc đặc hiệu chống viêm nhiễm và giảm đau. Từ lúc đặt thuốc, con gái có phần thuyên giảm, nó ăn được cháo và uống nhiều sữa hơn. Nó muốn cho con bú ngay vì sợ dòng sữa mẹ bị cạn khô.
 
Hai bầu vú đã hơi căng sữa. Con tôi cố ngồi dậy dựa vào tường, gương mặt đờ đẫn mệt mỏi, nó nhìn thằng bé giãy giụa không chịu ngậm cái đầu núm vú vừa lớn vừa khô cứng, cứ luôn miệng hỏi: “Sao nó không chịu bú vậy mẹ?”. Tôi cố đặt miệng cháu vào cái núm vú đen thui của mẹ nhưng nó vẫn nẩy ngược, khóc ré. Bà sui nhểu sữa lên núm vú để “mồi”, nó bắt hơi nút được mấy cái rồi lại nhả ra. Mồ hôi con gái nhỏ giọt trên trán, trong thế ngồi đầy vẻ cam chịu, đôi mắt nó ánh lên sự trìu mến của tình mẫu tử. Tôi động viên con: “Nó chưa quen thì vậy đó, phải cố gắng giai đoạn đầu, con không nghe người ta nói, có gì khổ bằng nuôi con mọn sao?”.
*
Thằng cháu bắt đầu quen vú mẹ, cái miệng rộng háu đói của nó khóc oang oang đòi bú liên tục. Sữa mẹ chưa xuống nhiều không đủ cung cấp, nó vừa bú vừa quấy khóc, dỗ hoài không nín mẹ nó cũng khóc theo.  
                                   
Mồ hôi, nước mắt lẫn máu đã đổ ra trong những ngày sinh nở, con gái như thân cây hết nhựa sống, xơ xác sau cơn gió bão. Tuy vậy, dù miệng mồm vẫn còn lạt lẽo, vết thương vẫn ri rỉ máu tươi nhưng con gái vẫn cố ngồi lên, tập đi tập đứng, cố ăn uống cho mau lại sức để có sữa cho con bú. Đêm khuya, nhìn cái dáng mảnh mai yếu ớt của nó ngồi tựa lưng vào tường ôm con cho bú không hiểu sao nước mắt tôi chảy dài… Nỗi nhọc nhằn này có ai hiểu thấu hơn người mẹ?.
13/10/2006
Kim Quyên
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...