Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022
XXXXXBuồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa
Buồn nôn, Sartre
"je comprenais la Nausée, je la possédais"
“Hữu thể có đó, không nguyên do, không lý do.” Tranh luận
trong lãnh vực trừu tượng là tranh luận bất tận, và rất thường khi, lúc tạm
kết, không thể nhứt quyết là ai có lý, và ai thắng ai bại rõ rệt như hai đội
túc cầu trong một trận đá bóng. Bởi lẽ đó, trước hết nên bàn cãi trong lãnh vực cụ
thể: khoa học. Đối với khoa học thì khi một vật có đó, là nó có nguyên do và lý
do để có đó. Có điều là trong khả năng hiện tại (dụng cụ quan sát, đo lường,
phương pháp khảo sát…), đôi khi ta chưa giải thích được, chưa biết được vì
lý do nào mà nó có đó. Ta chưa giải thích được tại sao (pourquoi?), và như
thế nào (comment?) mà nó có đó. Cái “như thế nào” còn mong có ngày biết được.
Còn cái “tại sao” có lẽ ta sẽ không biết được bao giờ. Nhưng cái sự kiện ta
không biết không có nghĩa là nó không có. Bằng chứng hiển nhiên:
sự vật có đó. Vậy thì giải thích làm sao đây? Đáp: “Chưa giải thích được!” Và tạm
đặt tên cho nó là bí ẩn (énigmes). Trong trời đất, trong cõi người,
có những bí ẩn từ hàng trăm hàng ngàn năm nay, cho tới giờ vẫn còn là bí ẩn. Người
ta gọi là bí ẩn chớ không gọi là phi lý. Kiên nhẫn thì gọi
là bí ẩn. Hấp tấp thì la lên phi lý! Nếu tuyên bố vội vàng
"Hữu thể là phi lý", thì cũng không có thể kiên nhẫn mà nhủ thầm
"Hữu thể là bí ẩn". Cũng đâu có sao.
Nói "Hữu thể phi lý ngay từ trong yếu tính của
nó", điều này không sai, nhưng cũng không đúng. Hữu thể vốn tự nó không có
một cái lý riêng hay ý nghĩa riêng nào của nó hết – không
giống như mỗi người chúng ta có một trái tim riêng của mình trong lồng
ngực. Thường khi, trong đời sống, mỗi người chúng ta đề ra cho mình một mục
tiêu để nhắm tới, và gọi nó là ý nghĩa cuộc đời (cho nó le lói?)
Đối với một đầu óc duy lý, thì bất cứ việc gì cũng cần phải có một ý nghĩa
thì nó mới chấp nhận. Bất luận ý nghĩa nào, miễn phù hợp với cảm quan của
chàng là được. Bởi vậy, nếu ý nghĩa đó do chính chàng bày đặt ra thì quá good!
Nhưng xét cho kỹ lại thì cuộc đời giống như một quả cầu pha lê trong suốt không
màu. Ta sơn lên quả cầu đó một màu chọn theo ý ta, rồi gọi cái màu đó là ý
nghĩa đời ta. Biết màu nào mới thực sự là ý nghĩa và thực sự thuộc
về bản chất của cuộc đời, không tuỳ thuộc vào phê phán chủ quan của cá nhân?
Nhưng tại sao ý nghĩa đó mà không là một ý nghĩa khác? Nếu cho rằng dựa trên những
tiêu chuẩn "khách quan" để chọn lựa, thì tại sao lại chọn lựa những
tiêu chuẩn đó? Rồi cứ thế mà lòng vòng.
Nói rộng ra, cho dù là cái rễ cây hay bất luận một sự vật nào
khác, bất luận một pháp nào khác, bất cứ một hữu thể nào khác, thì
cũng vậy thôi. Cái vấn đề có chăng là ở chỗ thường khi chính ta đã bày đặt ra
vấn đề. Chính ta đã nguỵ tạo ra vấn đề. Bởi lẽ chính cái tâm của
ta đã vọng chấp. Bởi lẽ chính cái tâm của ta đã vọng hiện.
Và cũng vì lẽ đó mà niệm niệm sanh khởi. Trí tuệ hay cái tâm của ta
là một nhà ảo thuật chuyên môn vọc giỡn ý niệm và quăng bắt chữ nghĩa. Gần cuối
cuộc đời mình, Sartre cũng đã phần nào ý thức ra được mình là nạn nhân của
chữ nghĩa khi viết Les Mots. Ý niệm và chữ nghĩa đối
với trí tuệ cũng giống như là những ký hiệu toán học đối với Einstein hoặc Poincaré và
những nhà toán học khác. Chúng chỉ là những ký hiệu không có thực thể, không tự
có trong Trời đất. Nếu cần, trí tuệ sẽ dùng nguỵ biện để tráo trở chữ
nghĩa, và dùng hý luận để bẻ cong ý niệm hầu mê hoặc ta. Một khi ta bị
nó mê hoặc rồi, ta sẽ trở thành cuồng tín và lôi kéo kẻ khác vào
tròng cho nó mê hoặc theo. Và tin rằng “hữu thể là phi lý”!
Trở lại các ví dụ ban đầu về “ngẫu nhiên” và “tất định”. Chẳng
hạn sự kết thai của hài nhi. Một cách cụ thể, cái nguyên do:
chàng và nàng (hoặc theo Lão Tử: âm và dương). Lý do: có thể hôm đó, nhân
dịp sinh nhựt hôn lễ, chàng tặng cho nàng một chiếc nhẫn ngọc thạch. Nàng cảm động
nên “thưởng” công cho chàng đã lặn suối trèo non, vất vả làm overtime để
gom được món tiền lớn mua chiếc nhẫn quý. Rồi lần đó, trong bóng đêm, con tinh
trùng đó đã đột nhập cái trứng đó, kết thai thành đứa nhỏ đó.
Sự kiện này, theo khoa học, nó có tính cách “ngẫu nhiên”, không thể đoán trước
được. Tuy ngẫu nhiên, nhưng mà nó có nguyên do và lý do của nó như đã phân
tích. Có điều là ta không thể đoán trước được, thế thôi. Theo Sartre, sự kết
thai đã đưa tới sự hiện hữu của đứa nhỏ. Nhưng sự hiện hữu của đứa nhỏ tự
bản chất nó là “ngẫu nhiên”, vì thế nó không có lý do gì để hiện hữu (theo
định nghĩa). Tuy nhiên, một điều rất hiển nhiên, không thể nào phủ nhận được
(ngoại trừ dùng ngụy biện hay “tiểu xảo”): Đứa nhỏ có đó. Nhưng
Sartre nhứt định là nó không có lý do để có đó. Sartre từ chối, Sartre tước đoạt
quyền hiện hữu của nó. Tại sao? Tại cái “định nghĩa”. Như vậy, quan niệm và định
nghĩa của Sartre về “ngẫu nhiên” như vừa nói có hợp lý lắm chăng? Hay là nó có
tính cách hàm hồ và độc đoán, mang nặng cảm tính. Hoặc nói
xa hơn nữa, nó có dụng ý: đi tới kết luận “Hữu thể là phi lý”. Như vậy, ngẫu
nhiên, và hệ quả của nó là phi lý, đã sai lầm ngay từ trong định nghĩa. Như ta
thấy, mặc dù đều là “ngẫu nhiên”, nhưng khoa học và triết học đã đi tới hai
cách diễn giải và hai cách nhận định hoàn toàn khác biệt nhau, nếu không muốn
nói là đối nghịch. Theo khoa học: ngẫu nhiên là không đoán trước được, nhưng nó
có nguyên do và có lý do để xảy ra, nó có lý do để có đó, nó có lý do để hiện
hữu. Theo triết học/ Sartre: ngẫu nhiên là không có lý do để hiện hữu, tại
vì đó là cái định nghĩa. Tuy nhiên, chớ nên quên rằng phủ nhận hiện hữu
cũng mặc nhiên là đã công nhận hiện hữu: Hiện hữu phải có đó rồi thì sau đó mới
có thể phủ nhận nó được. Bởi lẽ đó, “phủ nhận hiện hữu” là một việc làm hết sức
lẩm cẩm, cũng giống như “con kiến mà kiện củ khoai”!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cái còn lại hóa cái không
Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét