Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

XXXXXNgười xây tháp Chàm ở thế kỷ XXI

Người xây tháp Chàm ở thế kỷ XXI

Sử liệu chép rằng, các ngôi tháp Chàm được xây dựng bắt đầu từ thế kỷ VII và chấm dứt vào thế kỷ XIII. Đầu thế kỷ XXI, có lẽ sử liệu lại phải chép thêm rằng, “ở Quảng Nam, đang có một người nung gạch Chăm, xây tháp Chàm. Một mình ông xây nên hai tòa tháp”. Tháp xây xong, ông vẫn còn... nghèo. 
 
Nghe dân gian đồn thổi việc làm và mơ ước “cõi trên” của ông Chỉnh đã lâu nhưng phải đến tận đầu tháng 11 năm nay, sau khi đích thân ông Ngô Văn Hùng - Giám đốc Sở KH-CN Quảng Nam - dường như không thể chờ đợi lâu thêm, đã ký văn bản giấy trắng mực đen, gửi trực tiếp lên Bộ trưởng Bộ KH-CN, đề nghị nghiên cứu thành lập Hội đồng thẩm định và hỗ trợ kinh phí để ông Lê Văn Chỉnh có thể sản xuất đại trà gạch Chăm.
Ông Lê Văn Chỉnh, 63 tuổi, ở thôn Phú Bình, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.Gặt hái đầu tiên của chàng thanh niên Lê Văn Chỉnh ngay sau khi đất nước vừa giải phóng là phát hiện ra di chỉ khảo cổ Tam Mỹ sau nhát cuốc của những người dân làm thủy lợi. Từ phát hiện này, ông được điều về công tác ở Bảo tàng Quảng Nam.
Chỉ với một khóa học 2 tháng về công tác bảo tồn, bảo tàng nhưng liên tục trong một thời gian ngắn, ông Chỉnh cùng 3, 4 anh em khác ở Bảo tàng Quảng Nam đã phát hiện được thêm 10 di chỉ, di tích quan trọng, trong đó có di chỉ Bàu Trám (gồm các ngôi mộ chum và mộ táng) khu di tích Phú Hòa (thời kỳ đồ đồng) ở 2 xã Tam Anh và Tam Xuân, huyện Núi Thành, cùng di tích mộ chum Sơn - Cẩm - Hà, ở huyện Tiên Phước...
Tất cả các di chỉ, di tích này đều thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Theo ông Chỉnh, các hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh có sự tương đồng với gạch Chăm. Một trong những yếu tố tương đồng đó là hiện hữu của bã thực vật trong vật liệu xây dựng. Ngay cả đồ gốm Sa Huỳnh, trong phát hiện của ông Chỉnh cũng có nhiều bã thực.
 
Sự say mê gạch Chăm từ ngôi tháp Chàm Khương Mỹ ở gần nhà thuở còn niên thiếu đã giúp ông khẳng định chắc chắn sự tồn tại tất yếu của chất liệu bã thực vật trong từng viên gạch. Nhờ bã thực vật và cách nung đặc biệt mà những viên gạch Chăm không hề bị thối rữa, không có một loài rêu nào bám phủ trên nó. Bất cứ viên gạch Chăm nào cũng nhẹ hơn gạch bình thường và khi chạm khắc thì đổ bột chứ không vỡ vụn. Tất cả các viên gạch Chăm khi bẻ đôi đều có màu xám đen ở phần lõi.
Từ khám phá này, năm 1990, sau khi nhận được 500.000 đồng tiền về mất sức một lần, ông Chỉnh đã dốc trọn vào việc nung gạch thử nghiệm. Nhà chỉ có 4 sào ruộng, tiền không còn nhưng câu hỏi từ năm 12, 13 tuổi tại tháp Chàm Khương Mỹ đã được ông Chỉnh tự trả lời vào tuổi 40. “Thất bại thì nhiều lắm, không biết phải mất bao nhiêu mẻ nung và bao nhiêu tiếng bấc tiếng chì của vợ con, tôi mới biết cách xây những chiếc cầu đất nung để đưa lửa từ từ vào lò cũng như tìm ra một thứ củi núi không chắc mà cũng không xốp để duy trì nhiệt độ ổn định cho mỗi mẻ nung kéo dài khoảng 1 tuần”. Đây chính là kết luận về bí quyết gạch Chăm của ông Chỉnh.
Tính ra, ông mất mười lăm năm để tìm ra bí quyết này. Phần xám đen ở lõi các viên gạch cũng được ông Chỉnh lý giải một cách thỏa đáng, là do chất phụ gia (bã thực vật) được nhào nặn trong đất sét, khi tiếp xúc với lửa đã cháy âm ỉ ở bên trong. Khi tôi hỏi đến chất phụ gia, ông Chỉnh mau mắn ra sau vườn nhà bẻ một nhành cây, nói gọn lỏn: “Nó đấy!”. Nhành cây trên tay người đàn ông dốc cạn tâm huyết, sức lực vào gạch Chăm, hóa ra là nhánh bời lời - thứ cây mà bất cứ làng quê nào cũng có. Bời lời cũng như ô dước hay dâm bụt, đều cho một thứ nhựa có thể kết dính thay mạch vữa hồ mà các chuyên gia Ý - Việt đang trùng tu Di sản Mỹ Sơn từng đặt vấn đề tham khảo.
 
Công trình trùng tu Di sản Mỹ Sơn tính đến đúng tháng 11 này đã kết thúc năm thứ nhất và theo ông Phan Thanh Bảo - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản, di tích Quảng Nam - thì công việc hiện nay của các chuyên gia là đang thử nghiệm chất kết dính bên ngoài nhóm tháp G3. Tiếc thay, phát kiến của ông Lê Văn Chỉnh lại không hề được ngó ngàng tới.
Ông Chỉnh không lấy đó làm buồn vì tự tay ông từ năm 2002 đến nay, đã đốt lò nung gạch và xây nên 2 tòa tháp Chăm với kích cỡ cùng đường nét không khác gì các ngôi tháp mà người Chăm xưa từng tạo nên khắp giải đất miền Trung. Hai tòa tháp này, một ở giữa lòng thành phố Đà Nẵng, trong khuôn viên nhà hàng Apsara số 222 đường Trần Phú, một ở khu du lịch sinh thái Suối Lương - phía Nam đèo Hải Vân. Xây xong 2 tòa tháp mà mỗi viên gạch cứ chồng khít lên nhau, không cần bất cứ thứ hồ vữa nào chỉ trong vòng 5 đến 6 tháng, ông Chỉnh đâm ra hoài nghi ý kiến của một số học giả cho rằng, để xây nên một ngôi tháp, người Chăm xưa phải mất hàng trăm năm.
 
Có một thực tế buộc phải nói ra, ông xây xong 2 tòa tháp nhưng gia cảnh còn nghèo rớt mồng tơi. Cái sự nghèo, âu cũng là thiên định của cả một đời tâm huyết, lắng nghe hơi thở của từng viên gạch để làm nên điều kỳ diệu không ai từng nghĩ đến: Xây tháp Chàm ở thế kỷ XXI. 
8/11/2004
Khuyết Danh
Nguồn: DƯƠNG THANH TÙNG
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...