Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

XXXXGhe xuồng miền Tây Nam bộ: Nét đẹp văn hóa độc đáo

Ghe xuồng miền Tây Nam bộ:
Nét đẹp văn hóa độc đáo

Có thể nói miền Tây Nam Bộ là nơi hội tụ của những kênh rạch, sông ngòi. Gắn bó với cảnh sông nước ấy chính là những chiếc ghe, chiếc xuồng đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Trải qua hàng bao thế kỷ, cái hình ảnh thân thương ấy không bị mất đi mà dường như ngày càng được tôn vinh và gìn giữ. Bởi đó chính là một nét đẹp văn hóa độc đáo mà nơi đây có được.
Ghe xuồng miền Tây Nam Bộ phát triển theo nhiều kiểu, đa dạng, phong phú. Từ những chiếc ghe, xuồng chèo chống, luồn lách qua các kênh rạch đủ cỡ, đủ hình dạng, đủ độ nông sâu cho đến những loại ghe thuyền cỡ lớn, vận tải nặng, chuyên chở được nhiều người. Ngày nay, việc di chuyển trên sông nước còn có ghe máy, xuồng máy chạy với vận tốc nhanh dùng song song với các loại ghe, xuồng cổ điển. Chính vì sự tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật mà nghề đóng ghe cũng đã có sự thay đổi ít nhiều về hình dáng và kỹ thuật lắp ráp. Ở miền Tây Nam Bộ, người ta phân biệt hai loại ghe và xuồng rất khác biệt.
Xuồng có mấy loại: xuồng ba lá, xuồng máy, xuồng năm lá... Xuồng ba lá dài trung bình 4m, rộng 1,5m, có sức chở từ 4- 6 người, vừa gọn nhẹ, vừa kín đáo. Sở dĩ gọi là xuồng ba lá vì có 3 ván, một ván giữa và 2 ván hai bên hông, ở giữa có kê sạp nhưng thấp hơn ở đầu mũi và đầu lái để giữ thăng bằng. Xuồng 5 lá hình dáng không khác mấy loại ba lá, chỉ có khác là gồm 5 mảnh ván ghép lại nên mức độ tròng trành ít hơn và hai đầu xuồng có khác chút ít. Xuồng 5 lá chính là xuồng ba lá cải tiến. Xuồng máy có gắn động cơ để có vận tốc nhanh hơn. Xuồng có đôi be gió chắn trên hai bên mép xuồng và chạy suốt chiều dài thân xuồng. Xuồng máy có đầu lái giống hình thang vuông.
Ghe có nhiều loại: ghe tam bản, ghe bầu, ghe chài, ghe lườn... Ghe tam bản mui ngắn, có đến 9 mảnh ván ghép hoặc nhiều hơn. Ghe có đôi be gió giống như xuồng máy, boong ghe chiếm nửa chiều dài bụng ghe, nơi này để làm chỗ nghỉ ngơi, còn phần trước để chất hàng hóa. Ghe có bánh lái nằm dưới lườn sau đầu lái và có cần để điều khiển. Trước mũi ghe có vẽ con mắt mà theo dân gian, thì đây là biểu tượng để trừ ác thú hay thuồng luồng tiến công. Ngoài ra, còn có thêm loại ghe tam bản mui dài chiếm gần hết chiều dài của ghe. Loại này trông như một cái nhà di chuyển trên mặt nước. Ghe bầu là loại ghe lớn có trang trí đẹp, dùng cho gia đình giàu sang. Ghe lườn thon nhẹ, bụng nhỏ và dài, còn gọi là ghe độc mộc vì được làm từ một thân cây gỗ, đẽo gọt và khoét ở ruột để thành ghe. Ghe trông đơn giản, không cong ở hai đầu mũi và lái, trong thân ghe chẳng kê sạp như các loại ghe khác. Ghe chài gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, có hai tầng, bên trong thân ghe chia làm hai phần, phần đầu chứa hàng hóa, phần sau cho người đi ghe. Ghe chài còn có phần mui rời phía sau phòng lái dùng để tắm rửa, nấu cơm, dùng cho người đi buôn bán xa, lâu ngày và sống trên sông nước.
Bên cạnh các loại ghe vừa kể trên còn có nhiều loại phương tiện đi lại như tắc ráng, phà, chẹt, bè... Di chuyển nhanh, chở nhẹ thì có ghe lưới, chở hàng thì có ghe bè, ghe lồng, dùng chở cá thì có ghe cá, ghe rổi, dùng để bắt tôm cá thì có ghe cào tôm...
Nghề đi ghe, đi xuồng từ lâu trở nên quen thuộc với cư dân miền Tây Nam bộ, tồn tại song song với nghề làm ruộng, làm vườn. Hiện nay, tại một số địa phương ở miền Tây, việc đi lại bằng đường bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại cho nên sông ngòi vẫn là thủy đạo quan trọng trong công tác vận tải, thương mại và đi lại. Hơn nữa, ghe xuồng cũng là phương tiện để truyền tải văn hóa dân gian đi khắp nơi. Chính hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông rạch gắn bó suốt đời với cư dân miền Tây Nam bộ, cho nên đã xuất hiện những điệu hò, câu hát như hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Đồng Tháp... và đã tạo nên sắc thái văn hóa riêng của văn minh miệt vườn.
11/10/2004
Khuyết Danh
Nguồn: Thanhnien/ Báo Bình Dương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...