Những chiếc mặt nạ cười
Nếu không biết rõ, một người lạ chắc chắn sẽ đoán sai số tuổi
thật của Hai Đầu gối. Sở dĩ hắn có biệt danh đó vì hắn có lối đánh bằng đầu gối
rất ác liệt. Mỗi khi hắn giở đòn, nạn nhân mạnh nhất cũng khó có thể chịu nổi
ba cú đánh. Hai bàn tay hắn để những móng dài, nhọn như vuốt chim ưng, bấu vào
ót nạn nhân, kéo ghịt xuống. Rồi trong cái đà bổ xuống đó, ngực nạn nhân sẽ hứng
trọn chiếc đầu gối của hắn từ dưới hất mạnh lên. Tất cả những động tác đó gọn
gàng, nhanh nhẹn, xảy ra chỉ trong chớp mắt, hầu như cùng một lúc, đến nỗi
chính nạn nhân, từ khi trông thấy hắn, đến lúc ngã quỵ, trào máu họng, cũng
chưa biết mình bị hạ bằng cú đòn gì. Hắn thường hãnh diện xòe hai bàn tay với
mười chiếc móng dài được trau chuốc, bôi sơn rất cẩn thận. Màu sơn đỏ bầm của
những chiếc móng tay dài ở nơi một gã con trai trông có vẻ kinh dị. Có lần,
trong lúc giở ngón sở trường, một móng tay bị gẫy, hắn tỏ ra tiếc rẻ vô cùng. Hắn
nói:
- Phải mất mấy tháng mới dài ra được như cũ đó anh. Giọng hắn
bực tức. Cái ót của thằng đó cứng như gáy bò kéo cày.
Hắn luôn luôn ăn mặc rất tươm tất. Áo quần ủi láng, thẳng nếp.
Giày mũi nhọn bóng loáng. Đặc biệt là mái tóc dợn sóng tự nhiên của hắn không
lúc nào tôi bắt gặp một sợi tóc lòa xòa. Tất cả đều được bện chặt lại với nhau,
láng mượt, bằng thứ dầu chải tóc loại thượng hạng, tỏa một mùi thơm dễ chịu.
Thoạt trông từ xa qua bề ngoài của lối phục sức. Hai Đầu Gối tỏ ra là một gã
thanh niên phong nhã, một hạng công tử bột, và người ta khó nghĩ là hắn có thể
làm việc gì khác hơn là đi chim gái – hạng gái thích đọc những tuần san phụ nữ
phổ thông. Nhưng nếu có dịp đến gần hắn để quan sát gương mặt khá đẹp trai, người
ta sẽ kinh ngạc nhận ra một vẻ gì đã khiến hắn vượt qua số tuổi hai mươi của hắn
hàng mười năm, biểu lộ từ trong đôi mắt vàng khè, chằng chịt những đường gân
máu đỏ. Hắn rất ít nói. Thảng hoặc mới thấy hắn hé đôi môi đỏ như tô son luôn
luôn khép chặt, để lộ một nụ cười gượng, lạnh lẽo, vô hồn. Ngay cả trong lúc
nói chuyện với tôi, đôi mắt vàng của hắn luôn luôn chìm trong một thế giới khác,
hoàn toàn xa lạ, và hắn sẽ làm thất vọng những ai muốn tìm cách len vào thế giới
bất khả xâm đó của hắn. Hắn đi, đứng, ăn ngủ, giao tiếp với xã hội loài người,
nhưng ở hắn sự cách biệt dựng cao lên, như có một bức tường ngăn bằng thủy
tinh, người ta thấy hắn xuyên qua đó giống như một hình nộm hoàn hảo, biết hoạt
động. Mức độ dửng dưng, lạnh lùng đã trở nên như là một bản chất ở hắn khiến những
người đối diện yếu bóng vía không dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Và nếu đã vô tình
bắt gặp, ít có người chịu đựng được mà không vội quay đi nơi khác… Vì thế mà hắn
không có một người bạn, dù là những người bạn trong nghề. Chính những người đó
cũng cảm thấy cái vẻ vô nhân tỏa ra, bao kín lấy con người hắn như một khối
băng dày. Ngoài những lúc gặp gỡ vì công vụ, mọi người đều xa lánh hắn. Hắn
hoàn toàn bị rơi vào một thế giới cô độc, nhưng hắn không bao giờ tỏ ra biết tới
điều đó cả. Và, nếu trong sinh hoạt bình thường hắn lầm lì, lạnh nhạt xa lạ
không thích ứng được bao nhiêu thì ở một nơi chốn khác, thuộc lãnh địa của hắn,
hắn có toàn quyền sinh sát, hắn tỏ ra linh động một cách khác thường. Môi trường
mà ở đó, hắn cảm thấy được thở một không khí thích hợp, được sống một cách đầy
đủ, sảng khoái là không khí ẩm mốc của một căn phòng thiếu ánh sáng với những bức
tường tróc vôi, nhem nhuốc những vết bẩn màu nâu, với những bình điện, những dụng
cụ chế tạo đặc biệt để làm cho thân thể con người đau đớn – bắt họ thú nhận
ngay cả những tội lỗi không hề phạm – với mùi thịt da cháy khét, với chất nước
đỏ thắm ấm nóng tuôn ra từ miệng, từ mũi. Trong không khí đó hắn như được gia
tăng sinh lực, hắn sống thực con người hắn trong môi trường thích hợp, hắn trở
nên nhanh nhẹn như một con cú khi màn đêm buông xuống.
*
- Anh đừng tỏ ra ngoan cố. Gã đàn ông giữ nhiệm vụ thẩm vấn
ngẩng lên nhìn người thanh niên, nói với giọng bất bình. Gã vừa đọc xong những
lời khai của người thanh niên có dáng dấp của một thư sinh chưa rời ghế nhà trường
– và anh ta không được hài lòng.
- Anh phải khai tất cả những sự thật, gã tiếp. Chúng tôi muốn
biết điều đó, gã ngừng lại châm điếu thuốc, rít một hơi nhẹ đoạn tựa cằm lên
bàn tay có cầm thuốc, mặt quay đi nơi khác – trước đó gã nhìn chầm chập vào mặt
người thanh niên – gã gõ mẩu bút nguyên tử xuống xấp giấy, cười nhạt. Theo như
những lời khai của anh ở đây thì chẳng những anh vô tội mà còn tỏ ra là một người
đáng cho tôi kính phục vì lòng cam đảm, vì việc làm cao cả, vô vị lợi của anh.
Có lý nào như vậy mà anh gặp tôi tại đây? Hãy tỏ ra biết điều một chút đi, ông
bạn.
Người thanh niên hơi ngạc nhiên khi thoạt nghe những lời lẽ
phản đối nhẹ nhàng của nhân viên thẩm vấn mà anh không mong đợi.
- Thưa ông, người thanh niên đáp. Nếu ông muốn biết sự thật
thì không còn điều gì khác hơn những lời tôi đã khai trong giấy nầy.
Hơi ngập ngừng, nhưng giọng người thanh niên thật bình tĩnh
và rõ ràng. Chính người thẩm vấn cũng nhận thấy như vậy. Ngoài ra còn có dáng vẻ
ung dung và nhã nhặn biểu lộ trên gương mặt anh ta. Tuy nhiên, gã cũng nhìn thấy,
những đốt đầu tiên của bàn tay người thanh niên bám chặt lấy mét chiếc bàn gỗ
thô, máu bị đẩy đi, màu da trở nên trắng. Hắn đang tận dụng nghị lực, gã nghĩ.
Lời nói của người thanh niên như một cái tát nẩy lửa quất vào
mặt khiến gã bất bình. Sự nhã nhặn của gã đối với can phạm không phải để đón nhận
những lời nói với giọng xách mé và thái độ bình tĩnh có vẻ ngạo mạn, xấc xược
như vậy. Dưới mắt gã kẻ đối diện luôn luôn phải tỏ ra sợ sệt, quy lụy, van lơn
hèn hạ như những tên ăn cắp. Một tiếng dạ thưa, hai tiếng “bẩm xếp con”. Sự nhã
nhặn của gã đối với can phạm – những kẻ đã ở vào cái thế “cá nằm trên thớt” –
là để tỏ ra, gã chẳng những là người vô tội mà còn là người đang cầm dao, người
đại diện cho luật pháp. giá trị nhân cách của gã đối với can phạm cao vòi vọi.
Gã không nói ra, nhưng với cung cách của gã, một cách thầm kín, buộc những kẻ
không may kia phải biết đến điều đó. Sự sợ hãi, vẻ đê tiện ở nơi những tên đầu
trộm đuôi cướp làm thỏa mãn hai khía cạnh tâm lý đó của gã. Vừa khinh bỉ chúng
gã lại vừa cảm thấy tự ái được ve vuốt. Trước đây chưa một người nào đến gặp gã
ở chiếc bàn gỗ quen thuộc này lại không làm gã thỏa mãn hai khía cạnh tình cảm
đó. Vì vậy mà thái độ bình thản ung dung và nhã nhặn của người thanh niên đã trở
thành một tội, đối với gã còn khó tha thứ hơn là những tội gã nghĩ rằng người
thanh niên đã phạm đối với quốc gia mà gã đang có bổn phận bắt phải nhìn nhận.
Vẻ bất bình thoáng qua trong cái liếc nhanh của gã về phía
người đối diện. Nhưng gã đã quá quen thuộc để khéo léo giấu ngay đi. “Tao như
thế này mà đi giận mày à? Tức mày à?” Trong ánh mắt gã người tinh tế dễ nhận
ngay ra điều đó. “Mày là hạng nhóc con, tao muốn bóp mũi lúc nào chẳng được”.
Và sau làn khói thuốc nhả ra đúng lúc che mờ gương mặt gã, người thanh niên chỉ
nhận ra một vẻ trầm ngâm xa vắng, như lời nói của anh vừa rồi bị rơi vào một
khoảng không chẳng mảy may có tác động. Anh ta không chờ đợi thái độ
trầm tĩnh đó.
Mặc dầu lòng ấm ức, người thẩm vấn vẫn giữ được giọng ôn tồn,
rất kẻ cả, tuy nhiên không che dấu hết được vẻ mỉa mai trong câu hỏi:
- Anh có biết Hai Đầu Gối không?
- Thưa ông không…?
Ông ta cười, nhưng nghe như một tiếng khịt mũi:
- Hắn ưa hạng người như anh lắm. Gã nói, liếc nhìn người
thanh niên, vẻ bí mật. Anh không phải là đối thủ của hắn đâu. Ông ta tiếp. Hạng
vai u thịt bắp cũng chưa kham nổi, ròm ròm như anh, tôi e… Gã bỏ lững câu nói.
Và đúng như ý gã mong muốn, người thanh niên tỏ ra hơi xao xuyến, điều đó làm
cho gã hài lòng đôi chút. Nhưng vẻ xao xuyến ở người thanh niên chỉ thoáng qua
thôi. Cái vẻ mà người ta nhận thấy rõ nhất trên gương mặt thư sinh trắng trẻo của
anh là một nỗi buồn khôn tả. Và lạ thay, chính nỗi buồn đó, biểu lộ nơi đôi mắt
đã khiến cho người thẩm vấn bỗng cảm thấy khiêng dè, một cảm tình bất chợt mà rất
ít khi gã bắt gặp, trong suốt quãng đời hành nghề. Tuy nhiên, gã lại không nhận
ra được vẻ thương cảm của người thanh niên gởi gấm hồn nhiên đến gã trong ánh mắt
buồn rầu đó.
Hành động là chấp nhận thử thách của nghịch cảnh. Người thanh
niên ý thức điều đó một cách rõ ràng và dứt khoát. Không phải anh khinh thường
những đớn đau thể xác đang chờ đợi anh, nhưng nỗi đau đớn đích thực chính là ở
tinh thần bị nô lệ. Và anh đã làm những gì mà lương tri của một con người đòi hỏi,
theo ước vọng của một đa số bị đàn áp. Bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi
thúc anh hành động hoàn toàn vô vị lợi. Lương tâm anh yên ổn, anh cảm thấy
trong tâm hồn anh một niềm sung sướng nhẹ nhàng. Anh đã hành động như một con
người trên ý nghĩa cao quí nhất của nó.
Anh không oán trách những người đã xem anh là kẻ thù nghịch của
họ cần phải trừ khử. Vì nếu CÔNG BÌNH – là hai chữ rất đáng yêu – mà kẻ độc tài
hay sử dụng, thì điều mà người bị đàn áp sẽ cảm thấy đó là BẤT CÔNG, không thể
nào khác được. Đàn áp là cái thế yếu của kẻ độc tài, còn vùng lên chống đối là
thế mạnh, ở về phía những kẻ yếu kém. Mỗi bên hành động theo tư thế riêng của
mình, giống nhau trong cố gắng, sự khác biệt lớn lao nằm ở cùng đích, Cả hai
cùng nỗ lực, nhưng một đằng nỗ lực đem đến ánh sáng, đằng kia nỗ lực duy trì
bóng tối.
Anh không tin rằng, giữa thời đại này, chỉ thiện tâm không mà
thôi lại có thể đem lại một kết quả tốt. Tuy nhiên chính nhờ tin vào sự chỉ đạo
của lương tri con người mà những hành động hướng đến cùng đích tốt ở nơi anh đã
phát khởi. Cùng với lòng tin tưởng rằng, hễ có một ý hướng tốt trong công việc,
tất sẽ có những quyền lực vô hình phò trợ. Tâm trạng đó thật cổ điển và hoàn
toàn có tính cách tượng trưng, nhưng chính đó là nền móng căn bản của truyền thống
nền luân lý của dân tộc anh, nhờ đó, trong sinh hoạt xã hội người ta đã biết cư
xử với nhau công bằng, không cần đến nền pháp luật áp dụng những hình phạt nhằm
hạ thấp, tiêu diệt phẩm giá con người như trong xã hội hiện tại, bị ảnh hưởng
những chủ thuyết căn cứ trên bạo lực, mạnh được yếu thua.
Những gì xảy đến cho dân tộc anh từ hơn nửa thế kỷ trở lại
đây làm băng hoại tận nền móng luân lý nhân bản ấy. Chính anh cũng đã từng hoài
nghi tính chất thụ động của nó, khi anh thấy bạo lực mỗi ngày một thắng thế, và
những gì gọi là “ở hiền” đều chẳng được “gặp lành” mà còn trái lại. Nhưng anh
cũng ý thức sâu xa rằng, sự duy trì nền luân lý dựa trên căn bản tình người đó
là một việc hệ trọng và cần thiết, liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của dân tộc
anh và cả nhân loại nữa.
Sự thắng thế của nền văn minh dựa vào bạo lực để bành trướng
có tính cách nhất thời, giống như sức mạnh của một triều sóng đang dâng. Những
gì nằm trên đà tiến của nó sẽ bị tiêu diệt, trong đó có con người. Nhưng cơn
sóng không thể tiêu diệt hết con người và tiếp tục dâng lên mãi, sẽ có ngày sức
đẩy khởi nguyên yếu đi, cơn sóng nguôi dần và hạ xuống, chìm mất trong lượng nước
vĩ đại của đại dương. Cơn sóng đó phát xuất từ Tây Phương và Mỹ Châu, đang tràn
sang Đông Phương, và Đông Phương chính là lượng nước vĩ đại của Đại dương mà
cơn sóng sẽ tan vào.
Nhưng đó là xét theo cùng đích. Đời sống con người không phải
bao giờ cũng đặt ở cùng đích mà có tính cách giai đoạn. Con người cần phải có
những phản ứng thích nghi để đối phó – sự đối phó nhằm bảo tồn cùng đích – cứu
vãn và hàn gắn kịp thời những gì do cơn sóng tàn phá, kể cả việc tự đặt mình
làm vật chướng ngại, nhằm thức tỉnh hay làm giảm bớt sức mạnh tàn phá của nó.
Trong đất nước anh có một số người chỉ đủ trí khôn ngoan để
tránh khỏi sự tiêu diệt của cơn sóng bạo lực, bằng cách tiếp tay đẩy cho cơn
sóng nhanh hơn, và thu nhặt những lợi lộc do cơn sóng mang lại trong đà tiến
tiêu diệt đồng bào họ. Đối với dân tộc, họ là những phần tử mà lớp người trẻ của
anh có bổn phận phải nói cho họ rõ sự lầm lẫn đáng phàn nàn đó, lôi họ trở về với
cộng đồng dân tộc, trở về trong truyền thống trật tự của một xã hội được thiết
lập trên nền tảng của một nền luân lý có nhân tính.
Anh và những người trẻ tuổi khác, một buổi sáng đã đi rao giảng
chân lý đó, nhưng đã bị những nô lệ của bạo lục đến dập tắt. Anh không lấy làm
lạ tại sao người ta không nhận ra cái thiện ý trong việc làm của bọn anh. Điều
đó cũng dễ hiểu, như mật ngọt và hương thơm bao ngoài viên độc dược bao giờ
cũng quyến rũ cho người ta thích nuốt hơn là vị chua, đắng của một viên sinh tố.
Hương thơm ý vị của hoa mộc, hoa sói bao giờ cũng khó nhận hơn là hương ngọt
ngào mê hoặc của loài hoa ăn thịt.
Gã thẩm vấn ngước lên nhìn gương mặt đăm chiêu của người
thanh niên, cảm thấy rõ gã đã thật sự bất lực trong việc thuyết phục anh nhận
những tội trạng như gã mong muốn. Đây là lần thứ ba gã gặp lại người thanh niên
tại bàn thẩm vấn này, và đến đó, công việc ở giai đoạn đầu của gã đã chấm dứt.
- Thôi được, gã xếp lại những tờ khai, nói với người thanh
niên bằng một giọng giận dỗi, hăm dọa. Nếu anh không muốn được đối xử tử tế thì
chúng tôi sẽ có những biện pháp khác. Gã hơi cao giọng để nhấn mạnh những tiếng
sau cùng. Lúc đó anh có hối hận thì đã muộn. Đừng trách tôi sao không nói trước.
Người thanh niên không trả lời, nhưng trong ánh mắt lặng lẽ
anh tỏ ra đã nghe rõ những lời của hắn ta. Anh hoàn toàn không có gì phải ân hận
khi giữ vững những lời khai và vì đó mà anh nhận chịu những hậu quả thế nào đi
nữa. Sự thật của chân lý thì duy nhất, làm sao anh có thể công nhận một sự thật
nào khác nữa? Anh không thể hiểu được hai tiếng CÔNG BÌNH thốt ra từ miệng của
những kẻ đại diện cho bạo lực khi họ đàn áp những người kém thế.
Người thẩm vấn gõ cán viết vào mặt bàn làm hiệu. Một người
đàn ông vội vàng bước vào. Chiếc còng được tra vào cổ tay người thanh niên, anh
bước theo gã đàn ông.
Người thẩm vấn phải mất một khoảng thời gian ngắn để vượt qua
cơn bối rối. Gã chưa kịp có phản ứng gì khi người thanh niên gật đầu chào, ngỏ
lời cảm ơn và từ giã, thì anh ta đã đi khuất sau khung cửa.
*
Tôi gặp lại Thanh tình cờ tại một thành phố trên cao nguyên,
khi tôi ghé vào một hàng cà phê bên vệ đường. Sự thay đổi ở Thanh toàn diện đến
nỗi, lúc đầu tôi không nhận ra – dù là Thanh đã nhận ra tôi trước – nếu Thanh
không thấy sự ngỡ ngàng của tôi, lên tiếng:
- Thanh đây mà, anh quên rồi à? Thanh cười buồn.
Tôi cũng nhận ra nơi nét mặt Thanh vẻ bối rối. Tôi nắm chặt lấy
bàn tay Thanh, siết lại một cách nồng nhiệt:
- Ồ! Thanh! Lâu quá rồi không gặp. Tôi vồn vã nói, nhưng giọng
tôi không được tự nhiên lắm. Tôi ôm lấy vai Thanh siết lại thân mật. Thanh mau
lớn quá, tôi hối hả nói tiếp. Mới ngày nào… bây giờ… đã trưởng thành rồi.
Tôi hỏi thăm gia đình ba má Thanh, những thay đổi bình thường
trong đời sống của Thanh và những việc vặt vãnh khác. Tôi lấy làm lạ, dầu là
tôi đã hết sức tỏ ra thân mật để chuộc lại cái lỗi vô tình lúc đầu, Thanh vẫn
giữ vẻ buồn buồn ở gương mặt cúi xuống như muốn tránh ánh mắt tôi. Đứng bên tôi
mà như Thanh đang trong một thế giới nào khác. Thanh không trả lời những câu hỏi
của tôi, mãi sau, Thanh mới ngẩng lên và nói sang một chuyện khác không liên hệ.
Sự thay đổi ở nét mặt và cái dáng vẻ của Thanh hiện tại đã
khiến tôi ngạc nhiên hết sức. Ngoài mái tóc quăn tự nhiên, trước kia luôn luôn
bồng bềnh, nay đã được chải gọn mà tôi còn nhận ra, Thanh không còn giữ lại những
gì trước kia, dầu ở một chi tiết nhỏ nhặt, đã in trong ký ức tôi, hình ảnh của
một cậu học sinh trung học…
Dạo đó chúng tôi ở cùng xóm. Cái xóm nhỏ gồm những gia đình
công chức chiếm một quãng ngắn con đường khuất nẻo trong khu thành nội. Gia
đình Thanh ở đầu đường, căn nhà liên kế với chiếc cổng sơn màu lục nhạt và giàn
hoa giấy nở hoa đỏ ối vào mùa hạ. Tôi còn nhớ mãi Thu, chị đầu của Thanh, cô nữ
sinh đệ nhị trường Đồng Khánh, với mái tóc thề óng mượt, gương mặt bầu bĩnh trắng
hồng, mắt to đen nháy, hay đứng dưới giàn hoa giấy, ngậm một chiếc lá xanh giữa
hai vành môi đỏ mọng.
Thanh là con trai thứ hai, cậu học trò đệ tam trường Quốc Học,
lúc nào áo cũng bỏ ngoài quần, tóc quăn bồng bềnh, chăm học nhưng cũng không
kém mơ mộng. Những đêm trăng, rất khuya, tôi còn thấy Thanh cùng với vài người
bạn trong xóm cùng lứa tuổi đi dạo trên con đường ngập ánh trăng hai bên rợp
bóng lá. Họ hút thuốc lá thơm mua lẻ và huýt sáo miệng nho nhỏ… Thỉnh thoảng
Thanh có đưa cho tôi đọc những bài thơ lục bát và những bài viết ngắn, như một
loại tùy bút ngẫu hứng. Thơ của Thanh thường gởi gắm một tâm sự ướt đẫm sướt mướt
của một mối tình khó thổ lộ với một cô gái nào đó. Tuy có vẻ ủy mị nhưng rất hợp
với tuổi vô tư mười bốn của Thanh và sự say mê có vẻ lý tưởng, trong sáng rất
đáng yêu.
- Sau này Thanh sẽ trở thành một thi sĩ, một văn
sĩ nữa. Có lần Thanh đã hồn nhiên nói với tôi như vậy.
- Để ca tụng tình yêu hả? Tôi nhìn Thanh, cười trêu chọc.
- Thanh nói thật mà. Thanh nói thêm bằng giọng rất trang
nghiêm. Ca tụng tình yêu nhân loại kia.
Dạo đó tôi đang học năm cuối của chương trình đệ nhị cấp. Tôi
làm trưởng ban báo chí của trường và Thanh đã có những bài thơ đăng trong tờ Nội
san.
Ba Thanh, ông Y… nghe đâu là một công chức thuộc ngành cảnh
sát, nhưng suốt mấy năm ở xóm đó chưa lần nào tôi trông thấy mặt ông. Ông làm
việc trên cao nguyên, thỉnh thoảng mới về thăm nhà.
Trong biến cố Mậu Thân, xóm tôi bị tàn phá hầu hết. Ngôi nhà
Thanh cũng bị bom làm sập. Ông Y… về rước cả gia đình lên cao nguyên, từ đó tôi
mất hẳn liên lạc với Thanh. Mãi đến nay mới gặp lại.
Thanh đưa tôi về chỗ Thanh ở, trong một xóm khuất sau thành
phố. Thanh nói muốn ở riêng cho có tự do, gia đình ba má Thanh ở chỗ khác. Tôi
nhận thấy có một uẩn khúc gì trong đời Thanh nhưng không tiện vặn hỏi. Căn
phòng của Thanh vuông vức, vách quét vôi xanh nhạt còn mới thật xinh xắn và thoải
mái cho một thanh niên sống độc thân. Tôi ngạc nhiên về sự xếp đặt gọn ghẽ,
ngăn nắp của căn phòng. Tất cả các đồ dùng, tuy giản dị nhưng đâu vào đó, sạch
sẽ như có một bàn tay nội trợ luôn luôn chăm sóc đến. Tôi đến chơi nhiều lần,
không một lần nào tôi bắt gặp vẻ luộm thuộm bừa bãi, là đặc tính cố hữu của những
chàng trai sống độc thân. Cái bàn viết trải vải hoa mầu nhạt kê ở góc phòng,
trên để mấy quyển sách – truyện trinh thám và kiếm hiệp – và vài món lặt vặt.
Chiếc giường ngủ đơn trải ra trắng, thẳng thớm, kê ngang với bàn viết. Trên đầu
giường, một cái tủ thấp để bình hoa – Thanh hay cắm những bông cúc mầu tím và hồng
– dưới chân tủ, một lò điện Thanh chỉ dùng để nấu nước pha trà hay cà phê. Trên
vách tường, chỗ bàn viết nhìn lên, Thanh treo bốn hay năm chiếc mặt nạ luôn
luôn được thay đổi. Cuối dãy mặt nạ là một ống sáo tre và cây đàn Tây ban cầm. Ở
những bức tường còn lại, Thanh treo một vài ảnh tài tử xi nê ngoại quốc, nhưng
đặc biệt không tìm thấy một tấm ảnh khỏa thân nào mà ở phòng của những người bạn
độc thân khác, tôi thấy treo nhan nhãn.
Thanh hay vắng nhà thất thường, nhất là về đêm. Có những đêm
tôi ở lại chơi nhưng Thanh không về, hay về rất muộn vào lúc hai ba giờ sáng,
dáng điệu mệt mỏi, chán nản. Có khi Thanh vắng nhà hai ba ngày liền, hoặc ghé về
vội vàng lấy những chiếc mặt nạ gói lại cẩn thận rồi đi ngay. Không bao giờ
Thanh tỏ vẻ băn khoăn hay muốn cho tôi biết những hoạt động riêng tư đó. Cũng
có khi Thanh nằm nhà cả tuần lễ… Trong thời gian đó, lẽ ra chúng tôi tìm thấy lại
mối dây ràng buộc của những kẻ xa quê, nhưng tuyệt nhiên tôi thấy Thanh không tỏ
ra một tình cảm nào để cho tôi nương theo đó mà hâm nóng lại. Không bao giờ tôi
nghe Thanh nhắc lại những kỷ niệm cũ, về gia đình Thanh cũng như không hỏi han
gì về đời sống của tôi hiện tại. Không bao giờ Thanh để lộ trên nét mặt một
tình cảm nào đó hay thổ lộ một tâm sự. Đôi lần tôi cố gắng gợi ra những kỷ niệm
có tính cách tâm tình. Thanh đều lẳng lặng nghe với nét mặt xa vắng, khiến tôi
có cảm tưởng những lời nói của tôi rơi vào một khoảng không bao la không tiếng
vọng.
Chúng tôi sống cạnh nhau, im lặng như hai chiếc bóng, cả ngày
không nói với nhau quá dăm câu tối cần thiết. Tôi đọc truyện kiếm hiệp, Thanh
làm công việc riêng – và duy nhất, tôi không hề thấy Thanh làm gì khác nữa – cặm
cụi bồi giấy lên một cái khuôn đất nung có hình mặt người để làm những chiếc mặt
nạ, rồi lại cặm cụi bôi màu vẽ rất cẩn thận – những dụng cụ dùng để làm việc đó
Thanh để trong một cái thùng giấy cất trong tủ, chỉ khi nào làm mới lấy ra, sau
này tôi mới biết điều đó. Có nhiều lần, bao nhiêu mặt nạ trên tường Thanh mang
đi hết cả. Thanh lại hối hả làm những cái khác.
Những chiếc mặt nạ đã được Thanh tô màu rất kỹ và đẹp, nhưng
tất cả đều mang một vẻ nham nhở, khó thương đến cực độ. Trong việc tạo ra vẻ
đáng ghét cùng cực ở những chiếc mặt nạ, tôi thấy Thanh có một khả năng đặc biệt
gần như thiên khiếu, không khác gì một nghệ sĩ lành nghề. Không theo một tiêu
chuẩn trang trí nào, nhưng Thanh đã biết chọn lựa màu sắc và những đường nét phối
trí làm cho những chiếc mặt nạ có vẻ đáng kinh tởm. Tôi nhận thấy sự khoái chí
một cách chua chát ở Thanh được biểu lộ cùng với độ kinh tởm mà Thanh tạo ra được
ở những chiếc mặt nạ đó. Đó là bộ mặt của những hung thần, ác quỷ, những kẻ xua
nịnh, hèn hạ và độc ác. Có lẽ là sự thành công hẳn ở khía cạnh đó – ít ra là đối
với riêng tôi – vì tôi không thể nào giữ cho lòng mình tránh khỏi bị khơi dậy một
mối ác cảm độc địa khi nhìn vào những chiếc mặt nạ đó. Những cái trán ngắn ngủn
đầy ngu xuẩn và phản trắc, những đôi mắt lé, ti hí gian xảo, những cụ cười giơ
cả răng lợi ngạo nghễ, thách thức đáng ghét thậm tệ. Tôi nói cho Thanh biết cảm
tưởng đó, Thanh chỉ ngẩng lên nhìn tôi im lặng với hai tròng mắt vàng.
Chắc không phải về phía Thanh, tôi cảm thấy mỗi ngày cái
không khí ngột ngạt khó chịu, những khi tôi tiếp xúc với Thanh, nhìn thấy gương
mặt của một người luôn luôn chìm đắm trong một thế giới hoàn toàn bưng bít tôi
không mảy may len vào được, dù tôi đã cố gắng hết sức. Cả những khi Thanh nhìn
tôi nữa, trước ánh mắt vô hồn của Thanh, tôi có cảm tưởng mình chỉ là một tĩnh
vật. Hình như Thanh cũng nhận ra ảnh hưởng của Thanh đã đưa đến một trạng thái
tê liệt trong tình cảm của tôi và Thanh cố gắng cải thiện lại trong cách cư xử.
Thanh chịu nói chuyện, tỏ ra săn sóc đến tôi, nhưng thật là thảm hại, vì những
cố gắng của Thanh đã chống lại một cái gì hầu như đã trở thành một bản chất sâu
xa trong con người Thanh, nên cử chỉ trở thành gượng gạo, vụng về tội nghiệp.
Thực ra, cái tôi cần đâu phải là những sự chăm sóc có tính
cách đàn bà đó. Tôi cần Thanh biểu lộ trung thực những tình cảm, những xúc động
của một con người. Tôi cần thứ hơi ấm áp của một con người tỏa ra bao phủ lấy
nó trong những sinh hoạt tầm thường nhất, ngay cả trong khi nó bày tỏ lòng hờn
giận, ghen ghét.
Có những đêm Thanh đã thổi sáo cho tôi nghe, hay vừa đánh đàn
vừa hát. Nhưng quả thật là tiếng sáo tha thiết và cái giọng hát ấm, gợi cảm của
Thanh vẫn không xua đuổi đi được cái lạnh lùng bí mật thiếu sinh khí ở Thanh.
Tiếng sáo và tiếng hát truyền cảm có thể phát ra từ một bộ máy, nhưng còn gì
kinh sợ hơn, ở đây, bộ máy đó được chế tạo thành một hình người hoàn hảo. Tôi
có thể mê say tiếng sáo và giọng hát, nhưng làm sao tôi có thể yêu thương chiếc
máy phát ra những âm thanh? Làm sao tôi có thể cảm thấy một nhân tính nơi chiếc
máy đó? Nhân tính của một con người hẳn là cái phần cao quí bên cạnh bản năng của
một con thú, và không phải bao giờ nó cũng biểu lộ một cách hoàn toàn. Nhưng cả
hai sẽ được dung hòa ở mức độ hơn kém để tạo thành cái sinh khí nơi họ. Ở
Thanh, tôi không tìm thấy, ngay cả cái bản năng thú vật nữa. Tôi không thể duy
trì sự giao tiếp với một con-người-như-Thanh. Hình như ở Thanh đã tỏa ra một vẻ
gì, chỉ nghĩ đến việc gặp lại Thanh thôi tôi cũng đã cảm thấy kinh sợ.
Bẵng một thời gian khá lâu, sự liên lạc giữa tôi và Thanh bị
cắt đứt hẳn. Một hôm, không do đường bưu điện, tôi nhận được thư của một người
lạ – bỏ vào hộp thư trước nhà – không đề tên họ người gởi, chỉ ghi một biệt
danh như biệt danh của những tay anh chị làng dao búa. Trong bì có một xấp giấy
viết tay dày, nét chữ, như của một người đau, run rẩy, nguệch ngoạc và một
trang giấy lẻ, ghi mấy giòng chữ lem luốc bằng bút chì:
“Tôi không thể sống mãi với lòng thù hận mỗi ngày đè nặng lên
tâm hồn tôi, xóa mất hẳn nhân tính tôi. Nhưng tôi cũng không thể tìm thấy một sự
hòa giải khả dĩ nào để trở lại trong thế giới loài người, dưới mắt tôi, tình
thương của họ đã bị tiêu diệt. Một đốm tàn của lương tri tôi cho tôi biết rằng
không nên nuôi dưỡng lòng hận thù và gieo rắc nó. Tôi không thể tìm lại tình
người trong thế giới con người, có lẽ đó là một lỗi lầm vượt ra ngoài ước vọng
tha thiết của tôi mà tôi mong được tha thứ.”
“Tôi chỉ còn một phương cách duy nhất để tiêu diệt lòng thù hận
bằng cách xóa bỏ chính tôi.”
“Anh hãy đọc thiên tự thuật tuyệt mệnh nầy với lòng bao dung
và thương xót cho một tâm hồn đồng loại đau khổ.”
“Tôi về gặp lại cha mẹ và các chị em tôi ở thế giới bên kia.
Có lẽ đó là niềm sung sướng duy nhất tôi cảm thấy trước khi từ biệt cõi đời.”
Vì thiên tự thuật khá dài nên tôi không tiện chép cả ra đây.
Và còn có những đoạn mà hầu như sự xúc động cùng cực của tác giả trong khi viết
đã khiến cho sự diễn đạt ý tình không được minh bạch. Tôi chỉ xin trích lại những
đoạn chính trong sự tôn trọng – hết sức tôn trọng - tinh thần bản di chúc của
người quyết tâm tuyệt mệnh.
“… Tôi là hiện thân của một loài quỷ mang hình dáng con người.
Tôi tự cảm thấy được điều đó và qua mắt nhìn của những người chung quanh tôi.
Trước kia tôi cũng là một con người, nhưng từ khi tôi để cho
lòng thù hận chế ngự tôi, từ khi tôi xua đuổi tất cả những gì gọi là nhân tính
nơi con người tôi, chỉ giữ lại và nuôi dưỡng cái phần đáng ghê tởm nhất là ác
tâm, thì tôi biến ngay thành một thứ quỉ sống. Quỉ chết có lẽ còn tha thứ được,
nhưng quỉ sống là một giống quỉ đáng cho con người kinh khiếp. Chung quanh tôi
không phải hiếm thấy giống quỉ đó, thế nhưng chúng nó khéo biết che dấu, chẳng
những qua hình dáng con người mà cả đến những tình cảm nữa – vì đã là quỉ thì
chúng còn giữ làm gì thứ xúc động phù phiếm đó của giống người – nhưng tôi, tôi
không che dấu, tôi muốn cho mọi người đều biết tôi là quỉ sống. Vì thế trong
hàng ngũ quỉ sống tôi lại bị chính đồng bọn tỏ vẻ ghê tởm, khinh bỉ, như vậy,
lũ quỉ sống đó tỏ ra với con người chúng không phải là quỉ sống, để cho chúng dễ
bề đột nhập vào hàng ngũ con người giở những thủ đoạn hãm hại họ mà đôi khi
chúng còn được họ tỏ lòng biết ơn nữa. Cho nên, dẫu là quỉ sống, tôi còn có
chút niềm hãnh diện, ở chỗ, tôi là một con quỉ sống “có tư cách”. Tôi lấy làm
buồn vì còn phải mang hình dáng con người. Lẽ ra tôi phải mang đúng bộ mặt thật
của giống quỉ, như thế, từ linh hồn đến thể xác tôi không còn có điều mâu thuẫn,
ai cũng thấy rõ tôi là một con quỉ, họ có thể đề phòng tôi, như vậy là đúng lẽ
công bằng. Họ không còn kêu than vào đâu được một khi họ rơi vào nanh vuốt của
tôi!”
“Tôi chưa được ăn gan của tất cả các giống vật nên không dám
đưa ra đây lời quyết đoán về phẩm chất thượng hạng của gan giống vật nào. Tuy
nhiên, trong một giới hạn, và căn cứ vào các giống vật tôi đã được ăn gan
chúng, thì không có gan giống vật nào ngon qua được gan giống người. - nhất là
được ăn thứ gan tươi, còn nóng hổi thân nhiệt, máu rỏ chưa kịp đọng. Tôi không
hề là một nhà giải phẫu bao giờ, nhưng tôi có thể lấy gan người một cách khéo
léo. Tôi biết rõ vị trí lá gan nằm ở khoảng xương sườn thứ mấy, chỉ cần một chiếc
lưỡi lê nhọn, sắc, đâm vào chỗ đó, rạch một đường theo xương sườn khoảng một tấc,
lật ngang lưỡi lê lại cho hai xương sườn hơi tách ra, tức thì lá gan phọt ra
ngay, chỉ việc cắt đi, thế là xong. Công việc lấy gan đó đôi khi chỉ xảy ra
trong chớp mắt, chính nạn nhân của tôi cũng chỉ cảm thấy đau đớn chút ít mà
không biết việc gì xảy đến cho y, còn mở to đôi mắt nhìn tôi một cách ngạc
nhiên ngây thơ nữa.”
“Nhưng đó chẳng qua chỉ là một trò giải trí, đúng hơn là thuộc
nhu cầu vật chất mà tôi luôn luôn xem thường – tôi là một con quỉ sống đặc biệt
khinh thường vật chất. Đó là một mâu thuẫn lớn giữa tôi và đồng loại quỷ của
tôi, khiến chúng khai trừ tôi ra khỏi hàng ngũ, vì chúng luôn luôn là hạng thu
góp chẳng những xương máu của con người mà cả đến những của cải tiền bạc nữa.
Điều đáng kể đối với tôi là nhu cầu thuộc lãnh vực tinh thần. Con người cũng
thường hô hào là họ quí trọng đời sống tinh thần, thực ra theo nhận xét của
tôi, cùng đích của đời sống họ là theo đuổi những nhu cầu vật chất. Sự xô xát xảy
ra trong những cuộc tranh giành ảnh hưởng quyền lợi vật chất, là những cuộc xô
xát đẫm máu, khiến cho đến ngay như tôi là quỉ cũng phải kinh sợ. Riêng tôi, chỉ
cần thưởng thức sự đau đớn của con người là tôi đủ no nê rồi, khỏi cần phải ăn
uống gì nữa. Sự đau đớn của người bị tôi hành hạ càng mãnh liệt thì sự sung sướng
trong linh hồn quỉ của tôi càng ngây ngất đê mê.
Sự đau khổ của con người như một chất ma túy, tôi tận hưởng sự
đau khổ của họ giống như họ đã tận hưởng chất ma túy, tôi được đưa vào một thế
giới tuyệt diệu, siêu phàm. Có khi tôi tham lam để cho sự đau khổ của con người
xâm nhập vào linh hồn tôi quá độ, đến nỗi làm cho tôi ngã ra bất tỉnh. Tuy
nhiên, đó là những cơn say huyền nhiệm. Tôi bàng hoàng thấy mình phiêu bồng
trong một thế giới kỳ diệu, ở đó, tôi được gặp lại cha mẹ tôi, chị em tôi đang
mở to những đôi mắt rạng rỡ niềm vui, những nụ cười tươi thắm, như thầm gởi đến
tôi những lời khen ngợi, khuyến khích tôi trả thù con người cho họ hơn thế nữa,
hãy tỏ ra tàn nhẫn vượt bực, trội hơn ngàn lần sự tàn nhẫn mà con người đã đem
đến cho gia đình chúng tôi.”
“… Đêm đã khuya, có lẽ đã qua những giờ đầu của một ngày mới.
Cả gia đình tôi đang yên giấc, chỉ còn mình tôi đang ngồi ôn lại bài vở trong
gian phòng nhỏ. Thình lình, một tiếng nổ long trời lở đất phát ra ngay trong
nhà tôi, làm đèn đuốc tắt ngấm, người tôi bị nhấc bổng lên, rơi xuống nẩy đom
đóm mắt ngực tôi tức hầu như không thở được trong một lúc, gạch đá rơi xuống ào
ào đè lên người tôi. Tôi nhắm nghiền mắt lại, yên trí rằng tôi sẽ chết. Nhưng
ngay sau đó tôi tỉnh lại. Một mùi khói khét lẹt hắt vào mũi, vào miệng tôi. Lửa
bắt cháy. Tôi vội vàng bương gạch đá chỗi dậy, chạy loạng quạng, đầu va vào một
xà nhà. Trời! Tôi hoảng hốt kêu thầm, khi nhận ra toàn thể ngôi nhà tôi đã sập.
Tôi nghe tiếng những người thân bị thương rên rỉ. Tôi chạy lại phía buồng ngủ của
gia đình, mò mẫm trong bóng tối. Máu! Tay tôi vấy những máu lẫn với bụi
cát, còn ướt đẫm. Tôi kêu lên như một người điên:
- Ba ơi! Má ơi! Tôi khóc. Chị Thu đâu? Cu Tý, Gái Lớn, Gái Nhỏ
đâu? Có tiếng cha tôi rên siết ngay bên cạnh tôi. Tôi tìm thấy ông bị đè dưới
những cây gỗ, gạch vụn. Đầu kê lên một cây sắt cong queo và chân ông đã bị gẫy.
- Ba ơi! Tôi đau đớn gọi ông, rờ rẫm lên khuôn mặt ông nhầy
nhụa những máu. Tôi thốt lên những tiếng kêu vô vọng như người mất trí. Làm sao
tôi có thể đem ông ra khỏi những cây gỗ đang đè lên người ông? Làm sao tôi băng
bó vết thương đang tuôn xối máu ở chiếc chân gẫy lìa của ông?!
- Ba chưa chết, cha tôi thều thào. Ba còn chịu đựng nổi. Con
hãy lo đi cứu mẹ và các em con. Đi mau lên!
Tôi bỏ ông lại đó, chui lòn người qua những xà nhà ngang dọc.
Dưới đống gạch ngói này, mẹ tôi ở đâu? Chị tôi, em tôi ở đâu?
- Mẹ ơi! Chị Thu ơi! Gái Lớn, Gái Nhỏ ơi! Tôi kêu lên như một
con chó tru, nước mắt chảy ràn rụa làm mờ cả hai mắt. Tôi nghe có ai gọi tên
tôi. Tôi tiến về phía đó và đụng vào một cánh tay người. Tôi cúi xuống nhặt
lên, bàn tay có mang chiếc vòng cẩm thạch.
- Chị Thu! Bàn tay của chị Thu! Chị Thu ơi, chị chết rồi… Tôi
áp bàn tay chị vào má tôi, run rẩy.
Tôi tìm thấy mẹ tôi bị một bức tường ngã đè lên bụng. Nghe tiếng
mẹ tôi rên rỉ, thở dốc, tôi quíu chân chạy vòng quanh bức tường, réo mẹ tôi như
gọi hồn. Tôi có cảm tưởng nếu tôi ngừng không gọi nữa thì mẹ tôi sẽ chết, mẹ
tôi sẽ bỏ tôi.
- Con ơi… Thanh ơi! Tiếng mẹ tôi từ dưới bức tường yếu ớt vọng
lên.
- Con đây, mẹ ơi! Tôi đáp lời mẹ tôi trong tiếng khóc. Làm
sao con có thể cứu mẹ đây, bức tường nặng quá!
- Mẹ chắc không sống nổi đâu con, mẹ sắp chết. Con lo tìm mấy
em, ba con, chị Thu…
Tôi không dám nói với mẹ tôi rằng ba tôi… và chị Thu.
- Không, không! Tôi vội la lên. Con phải cứu mẹ! Con phải cứu
mẹ! Tôi thét lên điên dại. Mẹ đang có mang, mẹ sắp đến ngày sinh. Con phải cứu
mẹ. Mẹ ơi!
Tôi cố gắng hết sức mình để nâng bức tường lên nhưng không xê
dịch được mấy phân. Tôi đá vào nó, tôi cắn nó, tôi đập đầu tôi vào nó. Nó nặng
quá, nó cứng quá, nó cứng ngắc, nó đè lên người mẹ tôi bụng đang mang bào thai.
Tôi lấy một thanh gỗ nậy lên, bức tường nhớm được một khoảng ngắn, nhưng mẹ tôi
không còn đủ sức để lê ra nữa. Trong khi tôi đang cố gắng nâng cao bức tường
lên nữa thì một tiếng nổ kinh hồn lại phát ra. Mắt tôi nẩy lửa, khúc cây trong
tay tôi văng biến đi, bức tường sập xuống lại. Hơi thở tôi bị tắt đột ngột. Tôi
hoàn toàn bị dìm vào một màn tối.
Sau thảm cảnh đó, gia đình tôi còn lại hai người, cha tôi và
tôi. Nhưng cha tôi không thể còn gọi là một con người được nữa. Cha tôi đã biến
thành một con vật lạ với phần thân thể còn lại đầy những mảng sẹo to, đỏ lòm,
nhăn nhúm. Tôi đã hoàn toàn không còn nhận ra cha tôi nữa khi ông được đưa về từ
tàu bệnh viện Mỹ nếu người ta không nói cho tôi biết “con vật lạ” đó là cha
tôi, Nguyễn Văn Y… Cảnh sát trưởng thuộc Ty CS X…, với cái đầu không còn một sợi
tóc, lớp da đầu ăn liền xuống tới hết gương mặt cùng một màu loang lổ trắng và
hồng của làn da non vừa mới kéo, với hai mắt mù, tai điếc, với hai bàn tay bị cắt
cụt lên tới vai, hai chân cụt lên tới háng. Tôi không còn tìm ra một đường nét
nào còn sót lại, dù là nhỏ nhặt để tôi nhận ra đó là cha tôi. Tiếng nói của ông
cũng thay đổi. Ông cố gắng diễn đạt, nhưng tôi không nghe được thứ âm thanh
hình thành từ chiếc miệng trong không còn răng ngoài không còn môi của ông. Tôi
sờ vào người ông, đưa mặt tôi cạ vào làn da ghê tởm của mặt ông, cách thế duy
nhất tôi hy vọng ông nhận ra tôi, đứa con trai của ông nhờ một phép lạ còn sống
sót sau cuộc tàn sát. Tôi thấy từng miếng da ở đó giật giật, rồi cả người ông lắc
lư, đầu ngúc ngắc, trông ông giống như một con lật đật. Đó là cơn xúc động của
ông, khi ông nhận ra tôi. Ông khóc, nhưng nước mắt không còn chảy ra ở hai khóe
mắt mù, tôi chỉ nhận ra ở cái miệng không môi, méo mó, láng xầy, khi mếu kéo
theo những khoảng da nhăn nhúm làm cho gương mặt không còn lông mày hay một sợi
lông nào khác – một gương mặt trụi lũi – trở nên khủng khiếp, nhờn tởm.”
“… Cha tôi – khối thịt ghê tởm đó – là kết quả của lòng nhân
đạo con người, của khoa y học của một quốc gia văn minh, hùng mạnh nhất của
nhân loại thế kỷ hai mươi. Khi nhận thấy lại cha tôi trong một tình trạng như vậy
tôi mới cảm thấy tận cùng sự mỉa mai của lòng nhân đạo mà con người đã thể hiện
trong việc cố gắng cứu sống cha tôi. Tôi nghĩ rằng, duy trì sự sống của một con
người trong một tình trạng thê thảm như vậy, thật là một hành động phi nhân.
Tha để hắn chết đi lại là một hành động nhân đạo có ý nghĩa.”
“Sự ban bố lòng nhân đạo trong việc cứu sống cha tôi chẳng
khác nào sự thể hiện lòng nhân đạo trong việc thiết lập những cô nhi viện khi
người ta đem giết chết hết cha mẹ của lũ trẻ con đi. Đó chẳng qua là hành động
nhằm thỏa mãn nhu cầu một loại tình cảm mà người ta gọi là lòng bác ái của một
hạng người nào đó – như nhu cầu ăn uống, bài tiết. Đó là một cách lấp liếm, một
cách chạy tội đối với lương tâm họ. Đó là một việc làm được phân công có hàm ý:
một kẻ giết người cho một kẻ khác có dịp cứu người. Và họ đều cảm thấy có sự
khoái trá trong công việc, thỏa mãn được nhu cầu tình cảm riêng – một thứ tình
cảm bệnh hoạn – nơi con người họ, cho giấc ngủ họ được yên, cho bữa cơm họ được
ăn ngon miệng. Bởi lẽ, nếu họ đừng tìm cách giết chết cha mẹ những đứa trẻ,
giúp đỡ cho họ nuôi dưỡng được con cái của họ, thì chắc chắn, không một bậc cha
mẹ nào lại đưa con mình vào cái nhà ban-bố-tình-thương-đầy-vụ-lợi đó cả. Như vậy,
chỉ khi nào người ta đã tận tâm giúp đỡ các bậc cha mẹ nuôi dưỡng con cái họ, đừng
tìm cách giết họ, ít ra người ta còn thấy có chút ít ý nghĩa trong việc săn sóc
những đứa trẻ vô phúc trong những trường hợp bất khả kháng.”
“Cần gì một phát minh y học tìm ra cách ngăn ngừa
hay loại bỏ chất phóng xạ xâm nhập vào cơ thể con người, nếu con người đã không
chế tạo những quả bom nguyên tử để tiêu diệt chính họ?”
“Nếu không bao giờ cố tình cho độc dược vào chén nước uống của
người khác thì việc cố gắng tìm kiếm phương thuốc giải độc, gọi là để cứu người
ngộ độc là một việc làm có phần nào phù phiếm.”
“Đó là không kể đến những công trình nghiên cứu, những phát
minh hoàn toàn có tính cách phi nhân. Người ta nghiên cứu làm thế nào để cho
hơi nóng của bom Napal bắt cháy nhanh đối với da thịt con người, những chất hơi
làm tê liệt bộ thần kinh…”
“Nền văn minh cơ khí của con người càng ngày càng tiến bộ
trên chiều hướng phục vụ bạo lực thì đời sống con người càng chóng tiến đến hồi
tiêu diệt, vì đó là nền văn minh phản lại nhân tính. Cơ giới thì cơ tâm, không
sao tránh khỏi điều đó, và còn gì đáng phàn nàn hơn, đến một lúc tâm hồn con
người trở thành những bộ máy?”
“… Tình cảnh khốn khổ của cha tôi không kéo dài lâu. Ông
không còn thấy, không còn nghe, nhưng còn trí óc. Ông cảm thấy không thể kéo
dài đời sống của một con thú, tệ hơn một con thú nữa. Bởi vì ngay như một con
thú cũng có thể điều khiển sự bài tiết theo ý muốn. Cha tôi làm công việc đó
ngoài sự kiểm soát của ý chí ông, vì thần kinh giữ nhiệm vụ đó đã hoàn toàn bị
tê liệt.”
“Một hôm tôi vắng nhà, ông đã đập đầu vào tường chết.”
“Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm như rứt đi được một của nợ. Tôi phải xấu
hổ thú nhận tình cảm đê hèn đó. Có lẽ là trong những ngày còn sống với một khối
thịt ghê tởm như vậy, tôi cũng đã thầm mong cho cha tôi chết đi.”
“Trong tình trạng thương tật thân thể của cha tôi, muốn tự giết
mình không phải là một việc dễ dàng. Không tay, không chân, điếc và mù, ông đã
gặp biết bao khó khăn trong khi hành động để kết liễu đời mình!”
“Tôi cảm thấy một nỗi đau đớn tột cùng làm cho thể xác và tâm
hồn tôi tê liệt, khi tôi tưởng tượng ra cái cảnh cha tôi – một khối thịt tròn lẳn,
mù và điếc – đã phải vận dụng biết bao can đảm và nghị lực để chống chọi lại bản
năng sinh tồn tự nhiên khi ông đập đầu mình vào tường! Chắc chắn động tác đó
không phải chỉ xảy ra một lần mà ông được toại nguyện. Tôi ôm lấy cái khối thịt
trơ trụi vấy máu đó khóc ngất. Không phải tôi còn tiếc gì đời sống vô nghĩa của
ông, nhưng lòng tôi vẫn trải qua một cơn đau đớn bao la cùng tột mà tôi chỉ cảm
thấy một cách mơ hồ cái nguyên ủy của nó. Tôi như chết lịm đi trong cơn đau
thương đó và khi tỉnh lại, tâm hồn tôi bổng trở nên chai cứng. Có một sự thay đổi
ghê gớm nào đó đã xảy ra trong tâm hồn tôi. Tôi thấy như tôi trở thành một con
người khác, với một linh hồn khác, tôi còn phải làm quen.”
“… Tôi mất hẳn niềm tin nơi con người. Tôi cũng không có lòng
tin vào bất kỳ một tôn giáo nào. Đó là một thứ di sản cao quí của những vĩ nhân
đã bị những kẻ thừa hành lợi dụng vào những mục đích riêng tư. Đến nay, di sản
đó đã hoàn toàn bị phá sản. Tôi không thể tin theo những giáo điều mà người ta
đã cố tình hiểu và giải thích sai lạc đi. Vả chăng, tôi cũng nghĩ rằng, cái
tính cách thần quyền đó chỉ là một sản phẩm tưởng tượng, để xí gạt những tâm hồn
dại khờ. Tôn giáo, trong tư thế của một đấng sáng tạo duy nhất, toàn năng, có
quyền ban bố phúc lành hay chúc dữ, có khác gì một miếng ván trong ảo giác của
một kẻ đắm thuyền, trước khi chìm lỉm, thấy mình vớ được và tin rằng sẽ thoát
qua cơn nguy khốn, trong khi thân xác đang chìm dần xuống đáy đại dương? Nó là
cái phao trong trí tưởng tượng của kẻ sắp chết đuối. Cái phao không có thật,
nhưng là niền an ủi cho những tâm hồn yếu đuối trong giây phút cảm thấy mình bất
lực trước nỗi bất hạnh, sự chết, cái ranh giới cuối cùng trong cuộc đời mà họ
không thể nào thoát khỏi bằng bất cứ cách thế nào. Đó chỉ là những kẻ ngu dại,
ích kỷ và tham lam. Một đời sống sau sự chết được hứa hẹn là một hấp dẫn đối với
họ. Và điều đau đớn là ở chỗ, có thể có những kẻ biết rằng, đó chỉ là lời phỉnh
phờ vĩ đại, nhưng vì quá tuyệt vọng, nên đành phải nhắm mắt tin theo để ve vuốt
nỗi đau đớn tuyệt vọng của mình!”
“…Tôi tuyệt đối đặt lòng tin nơi con người. Dưới ánh sáng mặt
trời, trên mặt đất, chỉ có một sinh vật duy nhất là con người mới có thể chia sẻ,
giúp đỡ, an ủi, cứu vớt nhau trong những hoàn cảnh khốn cùng. Ngoại trừ, không
có một uy quyền thần linh nào có thể làm những công việc ấy. Những ân sủng, những
sự ban bố phước lành ở ngoài thế giới con người chỉ là chuyện lừa dối. Nếu có một
thần tượng, thần tượng đó chính là con người. Không thể có một thần tượng nào
khác ở ngoài mặt đất, thứ thần tượng không hô hấp dưỡng khí, không được nuôi dưỡng
bằng những thức ăn của mặt đất. Đời sống tôi gắn chặt vào mặt đất và đời sống của
con người. Tôi hấp thụ những sinh chất do đất sinh sản, chết đi tôi trả lại cho
đất. Con người tự nó đầy đủ, không van xin, không cầu cạnh những uy quyền khuất
mặt. Con người chỉ có một cuộc chiến đấu duy nhất, thực sự tử sinh, đó là cuộc
chiến đấu với lòng hèn nhát, yếu đuối, với nỗi sợ hãi lớn lao đối với ngày
chung cục – từ đó nẩy sinh ra một hình ảnh tưởng tượng, gọi là Thượng đế, bậc
có uy quyền tuyệt đối có thể cứu vớt cái gọi là “linh hồn”, đưa họ qua một đời
sống vĩnh viễn khác sau đời sống ở trần thế – để dành lại cái thế chủ động đời
sống mình, đời sống của những con người mạnh mẽ đích thực.”
“Tôi không sợ hãi sự chết, không phải bận tâm về nó cũng như
mất thì giờ truy tầm căn nguyên sự có mặt của tôi ở cõi thế gian nầy. Tôi từ
đâu đến và sẽ đi về đâu, tôi không cần biết. Tôi giống như một ngọn cỏ sinh ra
từ đất rồi tôi sẽ trở về với đất. Mặt đất là quê hương đầu tiên và cuối cùng
tôi biết đến. Điều thật sự làm bận tâm tôi chính là khoảng chần chờ giữa hai hố
tối: tử cung và huyệt lạnh. Đó mới thực là thời gian có ý nghĩa tuyệt đối với
con người, ngoại trừ mọi ưu tư về một thế giới khác của linh hồn đều là phù phiếm.”
“Định mệnh dành cho con người là một định mệnh khắc nghiệt. Định
mệnh đó đặt con người cheo leo bên vực thẳm, chỉ cho nó bám vào một cọng cỏ –
mà chùm rễ đã ăn sâu vào lòng đất - và bắt nó phải đứng vững. Đó là cái giá đắt
con người phải trả để đổi lấy một giá trị độc tôn trên mặt đất, vượt lên trên mọi
sinh vật của địa cầu.”
“… Cọng cỏ vẫn bám chặt vào mặt đất, tôi vẫn nắm chặt lấy nó
nhưng tôi đã bị những đồng loại tôi buộc phải buông tay, và tôi đã rơi vào hố tối.
Điều đau khổ nhất cho tôi là sự cưỡng bức quá cay nghiệt khiến cho bao nhiệt
tâm của tôi bỗng chốc tiêu ma, vượt cả ra ngoài sự chống chỏi của nghị lực và ý
chí, những ngón tay tuyệt vọng và đáng thương của tôi cố giữ chặt lấy thân cỏ mảnh
mai đành phải lơi ra. Con người đã không còn muốn cho tôi chung sống với họ,
cùng chia sẻ ánh sáng, thức ăn và khí trời, họ đẩy tôi xuống hố thẳm không
thương xót. Con người đã không cho tôi đặt niềm tin vào họ.”
“…Tôi như một con thuyền mất hướng trong một đại dương tăm tối.
Sự đau đớn làm dâng lên trong lòng tôi một ngọn lửa hận thù của quỉ dữ. Phải, nếu
con người đã khiến tôi đánh mất niềm tin nơi họ, thì tôi sẽ cấu kết với ác quỉ
dể trả thù. Đêm, ngày, mối thù dâng lên tràn ngập trong tâm hồn tôi, mau chóng
biến tôi thành một loài quỷ sống.”
“…Ngoài cái xã hội con người mà tôi không còn dung nạp nổi,
tôi hướng tất cả lòng căm thù của tôi về phía những người đã gài chất nổ vào
nhà tôi để sát hại cả gia đình tôi. Họ giết cha tôi đã đành – cho rằng ông là đối
tượng căm thù của họ – nhưng còn mẹ tôi với cái bào thai sắp ra đời, chị tôi và
những đứa em nhỏ của tôi đã làm gì nên tội? Tôi quyết tâm sẽ trả được mối thù lớn
lao đó ngày nào tôi còn thở, bằng đủ mọi cách nhan hiểm và thâm độc nhất mà tôi
có thể nghĩ ra, để hành hạ lũ người đó.”
“Nỗi đau khổ của chúng trong sự hành hạ của tôi chính là lẽ sống
của đời tôi, sinh chất mới nuôi dưỡng tôi. Tôi đẩy mọi người chung quanh tôi
vào cái thế giới đối nghịch. Tôi nhìn mọi người với cái nhìn đầy hoài nghi. Tất
cả lũ người chung quanh tôi. Tất cả. Làm sao tôi còn có thể biết được những kẻ
quanh tôi, họ là ai? Họ giống tôi quá, họ gần gũi với tôi quá, tôi đã trông thấy
họ từ lúc tôi mới ra đời. Họ là đồng bào tôi, tôi không phân biệt được.”
“Để cho lòng hận thù của tôi được luôn luôn dâng đầy như nước
tràn bờ, để hủy hoại tất cả nhân tính còn sót lại trong tôi – phần nào còn tiềm
ẩn sâu xa trong tâm hồn tôi – cho niềm căm thù của tôi đạt đến tuyệt đỉnh, tôi
tìm cách phá hủy bộ mặt con người dễ thương của chúng – bộ mặt con người nào
cũng có những nét đáng yêu, sự đau đớn được thể hiện trên đó có thể làm cho tôi
trở nên mềm yếu – như thế tôi mới được chìm đắm vào tận cùng lòng căm thù của
tôi và linh hồn quỷ sống của tôi mới trở nên hoàn hảo, hấp thụ trọn vẹn được sự
thống khổ mà tôi mang đến cho họ.”
“Những tiếng kêu la thảng thốt, những thân thể oằn oại với
mùi thịt da cháy khét, những cái giật nẩy người do giòng điện làm bọt miếng
trào ra khóe miệng, những giòng máu rỉ ra ở đầu những ngón tay đâm lút kim nhọn,
những lời van xin thống thiết cùng với giòng nước mắt tuôn trào… kích thích tôi
như một chất men. Tôi say sưa, tôi sung sướng no nê tận tưởng, ngọn lửa hận thù
bốc lên ngùn ngụt…”
“A ha! Mày vẫn còn cười hả, nụ cười mày thật khả ố, khiêu
khích, châm chọc. Một vòng điện nữa, những kẹp sắt nung tiếp tục gậm vào da thịt
mày, những mũi kim nhọn ấn sâu vào dưới những móng tay mày, những cú đánh trời
giáng bằng dùi cui vào hai gan bàn chân mày. Mày đã bất tỉnh. Nhưng mày vẫn còn
cười! A! Nụ cười mày thật nham nhở, dơ dáy, bẩn thỉu. Đôi mắt mày ti hí nham hiểm
và gian đối. Mày thách đố? Mày còn nhìn tao và cười thách đố? Được được. Tao sẽ
cho mày biết mặt. Một gáo nước lạnh… Mày đã tỉnh lại. Tốt. Mày cần phải sống. Sống
để gánh chịu sự hành hạ của tao. Mày đã tỉnh lại đúng lúc. Một cú đầu gối. A!
Mày đã hộc máu mồm. Thứ máu hôi tanh của giống người mày. Một gáo nước lạnh.
Mày khóc hả, mày van xin tao tha thứ cho mày hả? A ha! Thằng người xuẩn động,
ngu muội. Những giòng nước mắt trộn máu tanh tưởi của mày. Mày đừng kêu gọi
tình thương ở tao, vô ích. Đó là một thứ xa xỉ, giả tạo mà tao đã hủy diệt. Nó
là một thứ mặt nạ để con người mang vào lừa phỉnh nhau, để che dấu dã tâm thâm
độc. Tao thù ghét thứ tình cảm rẻ tiền đó! Tao thù ghét… Tôi rít lên giữa hai
hàm răng nghiến chặt, trong khi chiếc lưỡi run lên bần bật. Tôi tạt một gáo nước
lạnh vào bộ mặt khả ố. Hai gáo. Mày còn cười hả? Mày vẫn còn nhìn tao với cái
nhìn ngạo nghễ của mày? Tôi kéo hắn dậy. Cho hắn một cú đầu gối. Kết thúc. Mày
ngoan cố? Mày không chịu khai sự thật? Mày đã nằm yên không cựa quậy. Tim này
đã ngừng đập. Thằng này yếu. Mày chết rồi. Nhưng mày còn sung sướng chán. Mày
còn được chết với đầy đủ, tay chân mặt mũi. Mày còn được mang hình dáng con người.
Mày được chết với nhân dạng, mày còn là một kẻ diễm phúc. Người ta còn nhận ra
mày là xác của một con người. Còn nhận ra… còn nhận… Ha ha !”
“…Tôi loạng choạng bước vào phòng, trong khi mắt tôi đang còn
làm quen với bóng tối, tôi cảm thấy tia mắt hắn đã chiếu lên khắp người tôi.
Ánh sáng tỏa ra như một làn sáng dịu dàng ấm áp bao phủ lấy thân thể tôi, cả đến
tâm hồn tôi nữa, tia mắt ấy dường như cũng bao phủ lên một cách thân thiện, điều
đó khiến tôi bứt rứt. Là một con quỷ như tôi, hơi ấm đó làm cho tôi khó chịu.
Tôi đã tìm cách chống lại. Và lần đầu tiên từ ngày tôi bán linh hồn cho quỷ dữ,
tôi đã phải dùng đến men rượu để khơi dậy lòng thù hận đã bị ánh mắt của hắn
làm cho cùn nhụt như lửa địa ngục đã chạm phải nước cam lồ. Con mồi mới của
tôi, gã sinh viên ốm yếu, hắn đang ngồi đó, co ro trong một góc phòng. Tôi nhìn
gã nhưng phải vội quay đi ngay. Tôi không muốn nhìn vào mắt gã, tôi không muốn
lòng tôi trở nên mềm yếu. Tôi ngửa cổ đổ thêm rượu vào miệng. Hơi rượu tỏa nồng,
đốt cháy cổ họng. Máu trong cơ thể chảy mạnh, người tôi bừng bừng như bốc lửa.
Tôi đã lấy lại được phong độ của một con quỷ sống. Ha ha! Tôi bước hai bước tới
bên gã, nắm lấy cánh tay gã kéo mạnh lên, nhưng trước khi tôi thực hiện động
tác, như đoán được ý tôi, một cách khó nhọc, gã đã cố gắng đứng dậy. Sức lôi của
tôi bị hẫng, tôi suýt ngã. Khi tôi đứng vững lại với hai chân dạng ra, tôi lại
bắt gặp tia mắt trầm tĩnh của gã đang nhìn tôi.”
“Đã ba hôm nay, hầu như tôi bất lực đối với gã thanh niên lạ
lùng nầy, thủ lãnh trong phong trào sinh viên thành phố: gã nhất định không chịu
nhận bộ mặt – chiếc mặt nạ của tôi – mà tôi cố đeo vào cho gã.”
“Anh ạ, đó không phải là bộ mặt của tôi. Gã nói bằng giọng an
nhiên, thân ái như nói với một người bạn mà đã lâu lắm rồi, tôi không được nghe
ai nói với tôi bằng giọng đó. Tôi khó chịu và ngạc nhiên đến cùng cực. Lần đầu
tiên tôi gặp một người dám phản đối lại tôi, với một giọng bình thản như thế.
Tư ái tôi bị tổn thương nặng.”
“Gã có nhận thấy tôi là hiện thân của một con quỷ không? Những
con mồi khác, vừa trông thấy tôi mặt mày đã xanh không còn tí máu, sụp quì xuống,
miệng lắp bắp van xin hèn hạ. Chúng đã được cho biết trước về tôi, cánh cửa cuối
cùng chúng đi qua để bước xuống lỗ đất tối. Có những con mồi không tự chủ nổi
đã bài tiết ra quần, khóc lóc thảm thiết – chúng ta thường thấy cảnh ấy nơi những
con vật ở lò sát sinh trước khi nhận nhiều nhát búa lên đầu hay một lưỡi dao
vào cổ họng – Nhưng rồi tất cả đều ngoan ngoãn nhận bộ mặt mới tôi quàng vào
cho chúng. Chúng tưởng rằng sự ngoan ngoãn vâng lời đó sẽ làm tôi hài lòng và
giảm cho chúng những hình phạt. Nhưng chúng đã lầm. Tôi là một con quỷ mà chúng
đâu có biết. Tất cả những con mồi đến tay tôi đều nhận chịu một số phận chung:
thú nhận một tội lỗi mà tôi tự bày đặt, muốn chúng phải thú nhận: “đặc công
trong thành phố” – cả trăm, ngàn người đều thú nhận duy chỉ một tội đó, đến nỗi
khiến các đồng nghiệp tôi cũng phải ngạc nhiên – hoặc là chịu đựng không nổi đã
nhắm mắt xuôi tay – trong khi miệng vẫn còn cười, nụ cười bỉ ổi, đê tiện, rất
khó thương của chiếc mặt nạ.”
“… Không. Tôi không thể nào chịu thua gã được. Lòng thù hận ở
nơi tôi không thể nào để cho nguôi đi được. Tôi là một con quỷ, tôi phải làm những
công việc của giống quỷ. Tôi phải khơi dậy và nuôi dưỡng mối thâm thù và ác tâm
như một bổn phẩn đối với những người thân khuất mặt của tôi. Tôi phải chiến thắng
từ tâm vì từ tâm không thể tồn tại được trong linh hồn một con quỷ. Từ tâm đã
biến mất trên mặt đất rồi.”
“Trước mặt tôi, gã vẫn điềm đạm trong ánh mắt nhìn, trong cái
dáng thiểu não bề ngoài, nhưng ung dung nội tại. Cái vẻ an nhiên đó ở gã vừa
làm tôi tức giận lại vừa khiến tôi kiêng nể. Nhưng tôi cố làm cho cơn tức giận
bốc lên, thắng lướt lòng trọng nể, không nhìn vào mắt gã – vì hễ gặp ánh mắt gã
tôi sẽ chùn tay lại ngay – tôi tiến tới. Bất ngờ và lanh lẹ như một con diều vồ
mồi, năm móng tay nhọn của tôi bấu vào vai gã vật mạnh xuống trong khi chiếc đầu
gối từ dưới hất mạnh lên. Một tiếng hự vang lên, đục khàn. Gã bật ngửa ra, đầu
va vào tường. Ngoài tiếng va chạm ghê tởm của đầu gối tôi đụng vào lồng ngực gã
và đầu gã đụng vào tường, tôi không nghe gã kêu than một tiếng nhỏ – như những
nạn nhân của tôi trước đây. Gã hoàn toàn im lặng. Sự im lặng đó đã làm cho tôi
chóng mặt. Tôi cảm thấy mệt lả, đầu óc quay cuồng. Cơn quay cuồng chắc chắn
không phải do men rượu, tôi biết thế. Tôi lấy làm lạ. Tôi đã ghì đầu hắn xuống
thật mạnh, nhưng cái ghì của tôi như chạy tuột đi bởi một sức đẩy mạnh hơn gấp
bội. Rõ ràng là gã đã cố ý dùng tàn hơi để đưa cái ngực lép xẹp của gã theo đà
ghì của tôi mà không cưỡng chống, không tránh né, như một hành động tự hiến hồn
nhiên. Một cảm giác nửa kinh sợ nửa nhờm tởm tràn ngập cả linh hồn quỷ của tôi
như một cơn nước xoáy.”
“Ta không thể thua được, ta phải chiến thắng… ta phải… Tôi
vùng dậy đột ngột, la lên như người điên, tạt một gáo nước lạnh vào mặt gã, rửa
sạch những vết máu. Mắt gã vẫn nhắm. Tôi tạt nước tiếp theo, tiếp theo… Gã mở mắt
ra, nhìn tôi, và trước khi tôi nhận ra cái ánh mắt làm cho tôi thấy khó chịu đến
khốn đốn, tôi bước xấn tới, cố tròng chiếc mặt nạ vào đầu gã để che lấp ánh mắt
của gã đi. Nhưng gã vẫn nghiêng đầu né tránh.”
- “Bộ mặt đó… không phải… là… bộ mặt của tôi.” Yếu đuối, thều
thào, gã nhìn tôi nói, vẫn cái giọng thân ái không thay đổi.
“Bộ mặt này của mày… của mày… của mày…” Tôi thét lên như một
con thú dữ trước cơn hấp hối. Chân tay tôi run lên. Tôi nhào tới đánh, đá túi bụi
vào người hắn, hắn im lặng nhận chịu những cú đấm ác hiểm của tôi. Nhưng khi
tôi định mang cho hắn chiếc mặt nạ của tôi thì hắn tìm cách vượt thoát. Tôi lồng
lên, điên cuồng. Tôi đánh, tôi cào cấu, tôi la hét. Tôi dùng hai tay cầm lấy
chiếc mặt nạ đập không ngừng lên người hắn cho đến khi chiếc mặt nạ rách nát
trong tay tôi và, hắn ngã quị. Những gáo nước mạnh… Tôi nhìn lại gã. Gã mở mắt
ra nhìn tôi, đôi mắt sưng húp, nhưng cái vẻ gì nơi đôi mắt gã tỏa ra làm tôi
rùng mình lạnh toát người vẫn không mất. Gã thều thào nói trong hơi thở:
- “ Cái gì? Tôi cúi xuống sát mặt gã hỏi – nhưng mắt tôi vẫn
phải nhìn đi nơi khác - mày nói gì? Gã thở rất mệt nhọc… Việt à? Việt… chi? Cộng
à? Nhưng gã không còn đủ sức nói lại lời gã vừa cố gắng dùng chút hơi tàn để thốt
lên. Tôi chỉ nghe rất mơ hồ tiếng “Việt” và thấy gã há miệng ra, lưỡi cong lên
rồi hạ xuống như khi con trẻ đánh vần âm “nờ a na” nhưng không thành tiếng, và
rồi miệng gã ngậm lại. Vĩnh viễn. Tôi đã cố hỏi gã “Cộng à! Cộng à?” nhưng
trong ánh mắt cuối cùng gởi lại, gã cho tôi biết rằng “anh đã nghe lầm, anh bạn”. Gã
mỉm cười, ánh mắt nguôi dần đi. Cử chỉ cuối cùng để cứu vớt lại sự thảm bại của
tôi là tôi đã hối hả tròng chiếc mặt nạ mới lên gương-mặt-trẻ-thơ-nằm-ngủ-với-mộng-đẹp
của hắn, nhưng vẫn không cứu vãn nổi. Trong cái vẻ hung ác, hiểm độc của chiếc-mặt-nạ-cười
tôi vẫn thấy đôi mắt và nụ cười của gã, đó là nụ cười của người khi-trông-thấy-đóa-hoa-sen”.
“… Tôi đã thua cuộc. Tôi trải qua một cơn đau như người bị bệnh
tà ma quỷ ám. Không. Không phải vậy. Tôi đã là một con quỷ thượng thặng, tôi
không thể bị một thứ quỷ nào ám nửa.”
“…Một cái gì, tôi quên mất rồi, rất dịu dàng, mà không một sức
mạnh nào có thể tiêu diệt được, tôi nhận ra trong ánh mắt sáng bình thản, vô úy
của gã thanh niên. Phải, chính “cái đó” đã ám ảnh tôi và dày vò tôi đau đớn
khôn xiết. Tôi tìm cách thoát ra khỏi ám ảnh đó, nhưng vô ích, bởi nó không thể
cầm giữ, sờ mó tới được, nhưng nó có đó và nó tồn tại, ngay trong tâm linh tôi.
Đôi mắt của gã thanh niên tàng chứa nó, đôi mắt ấy đã vĩnh viễn khép lại, nhưng
nó đã vượt ra khỏi, gã thanh niên đã âm thầm, vô tư gởi nó lại cho tôi. Chính
nó, trong đôi mắt của gã thanh niên, đã lột bỏ cái phần quỷ trong linh hồn tôi,
mắt gã thanh niên là một tấm gương-chiếu-nhân và tôi rùng mình nhận ra cái hình
dáng con người thật của tôi mà bộ mặt ghê tởm của quỷ chỉ lấp ló sợ hãi nấp
phía sau. Trong đôi mắt gã thanh niên, tôi nhận ra lại nhân dáng tôi. Khác với
những đôi mắt sợ hãi hèn hạ mà tôi đã gặp trước đây, nhìn tôi như một con ác quỷ,
gã thanh niên đã nhìn tôi như một CON NGƯỜI.”
“Ôi, đôi mắt đó, trong sáng, vô úy, không gợn mảy may bóng tối,
đôi mắt mang ánh sáng của một ngọn đèn-bất-tuyệt. Đôi mắt đó nhìn tôi, như nước
thiêng, làm tàn lụi tia lửa bỏng hận thù trong đôi mắt quỷ dữ của tôi, đến nỗi
tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của gã. Ánh mắt độ lượng, bao dung, không
thù hận dù tôi đã trút lên gã bao nhiêu lòng hận thù. Tình thương chan hòa
trong đôi mắt gã, bao la như bầu trời, như giòng sông dịu dàng ở quê hương tôi,
như một cánh đồng mạ, như một rừng lá nõn, như niềm hy vọng mới, như muôn triệu
giọng cười đùa trong trẻo của các bé thơ, như một đại dương xanh ngát mênh mông
không gợn sóng, chan hòa ánh trăng thanh vô thủy vô chung. Đôi mắt của lòng
nhân ái khoan hòa, đôi mắt hòa bình, đôi mắt của lòng vị tha cùng tuyệt. Tôi đã
tiêu diệt phần nhục thể đôi mắt ấy, nhưng tôi không thể hủy diệt được những gì
tàng chứa trong đôi mắt, phản ảnh tinh thần của gã thanh niên,
“Những gì” đó tôi không thể nào diễn đạt được rõ ràng bằng
ngôn ngữ, nhưng tôi cảm thấy được sức mạnh siêu phàm của nó, không một bạo lực
nào của ma quỷ có thể kham nổi khi chạm vào nó. Nó bao la bát ngát, nó lồng lộng
phiêu bồng, bao trùm lên mọi nguồn lực thiên nhiên. Nó không ở đâu xa, dầu vậy
con người nhọc công để tìm ra nó, nó ở ngay trong chính mỗi người. Nó không có
tên gọi, con người chỉ có thể cảm biết, và nếu tuân theo sự chỉ đạo của nó, thì
sẽ được gần gũi chính mình. Ai muốn đặt cho mó một tên gọi gì cũng được. Nó là
nhân-tính-đích-thực.”
“…Gã thanh niên đã chết, tôi không thể hỏi gã một điều không
mấy cần thiết nữa, nhưng… tôi muốn hỏi lại gã cho rõ ràng. Gã định nói tiếng gì
sau chữ “Việt-với-một-cái-miệng-há-như-phát-âm-tiếng-NA-rồi-ngậm-lại”, khi gã từ
chối không nhận chữ ‘Cộng” mà tôi cố gán cho gã?”
“…Tôi đã thấy lại con người thật của tôi trong ánh mắt của
người thanh niên xa lạ. Đó có lẽ là nỗi mơ ước tiềm tàng sâu kín trong tận cùng
tâm hồn tôi, suốt thời gian tôi mang một linh hồn quỷ. Nhưng từ khi tôi bắt gặp
lại mình, cùng với sự yên ổn trong tâm hồn, tôi cảm thấy một nỗi đau đớn, nhục
nhã ê chề, một tội lỗi lớn lao không phương giải cứu. Tôi không thể nguôi quên
được mối hận thù đối với những kẻ đã sát hại cả gia đình tôi – đó là định mệnh
khắt khe đã dành cho riêng tôi – nhưng tôi cũng không thể sống trong sự giằng
co, xâu xé giữa lòng hối hận và hận thù.”
“Tôi không luyến tiếc gì nữa trên cõi đời nầy - giữa tuổi
thanh xuân của tôi – tôi muốn từ biệt nó, mặt đất có những đồng loại rất thân
thiết của tôi đang để lòng mình cho một thứ quỷ dữ dần dần xâm chiếm.” HAI ĐẦU
GỐI.
Tôi tìm đến thăm Thanh ở bệnh viên. Viên đạn mà Thanh
định kết liễu đời mình, trong cơn xúc động đã không đi đúng hướng nên Thanh còn
sống. Gặp tôi, Thanh dấu mặt vào gối khóc vùi. Chờ Thanh ngớt cơn xúc động, tôi
nói:
- Tôi đã nhận được thư Thanh gởi. Tôi nắm chặt hai bàn tay –
vẫn còn nguyên những chiếc móng dài sơn đỏ – xanh mướt, lạnh ngắt của Thanh.
Thanh nhìn tôi, vẫn đôi mắt vàng khè, chằng chịt những gân máu, nhưng ánh mắt
là của một con thú bị thương van lơn, đang nhìn gã thợ săn, nước mắt ràn rụa.
Thanh lấy trong túi áo ra một tấm thẻ căn cước đưa cho tôi.
Hình người trong tấm thẻ là một gã thanh niên có gương mặt hao hao giống Thanh,
nhất là ở những chi tiết chính. Cũng mái tóc quăn tự nhiên, hơi xòa xuống che
khuất một góc vùng trán rộng. Cằm bạnh, đôi lông mày dầy nhưng phơn phớt như của
con gái. Đôi môi thanh tú ngậm tự nhiên, nhưng hai khóe miệng hơi nhếch lên như
đang cố dấu một nụ cười tiềm tàng. Điểm đặc biệt lôi cuốn tôi về phía chàng ta
ngay, có lẽ là đôi mắt. Đôi mắt sáng nhìn thẳng, hiền hậu, nhưng bên trong tàng
chứa một sức mạnh tinh thần khiến tôi nể trọng.
Nguyễn Văn NH…, tôi đọc, sinh năm… con ông Nguyễn Văn
Y… Mẹ Lê Thị TH… Một cơn xúc động xâm chiếm tôi, làm cho toàn thân
tôi lạnh buốt.
- Có thể chỉ là một sự trùng hợp chăng? Tôi bàng hoàng ngước
lên nhìn Thanh, hỏi. Đã đón chờ nỗi kinh ngạc của tôi, Thanh chùi những giòng
nước mắt tuôn trào xuống, gượng nói:
- Không… đâu anh. Đó là sự thật – giọng Thanh bị chận lại bởi
những cơn nghẹn ngào. Bàn tay tôi cầm tấm căn cước cũng bắt đầu run lên. Tôi đã
xem lại lý lịch của anh ấy rồi, Thanh nức nở tiếp. Trước kia cha tôi đã có một
đời vợ… sinh ra anh ấy, nhưng vì hoàn cảnh trái ngang cha tôi phải bỏ người vợ ấy
để lấy mẹ tôi. Cha tôi thường nói riêng với tôi, “con còn có một người anh”…
Người đàn bà đau khổ bị cha tôi bỏ rơi với đứa con biệt tin từ
hơn hai mươi năm nay… Gã thanh niên chính là người anh cả của tôi, người anh em
khác mẹ của tôi… Tôi đã giết chính anh tôi, người cùng máu mủ với tôi. Tôi đã…
Thanh khóc nấc lên. Sự xúc động dìm Thanh vào cơn mê man.
Lúc tôi ra về Thanh đã ngớt cơn xúc động, nhưng đang chìm đắm
trong giấc ngủ do liều thuốc an thần. Nhìn nét mặt bình thản của Thanh trong giấc
ngủ với đôi mắt nhắm và đôi môi mỏng như môi một thiếu nữ, hơi tái, tôi thấy lại
trước mắt hình ảnh của Thanh, cậu học sinh trung học ngày nào và tôi nhớ lại lời
nói hồn nhiên của Thanh: “Sau nầy tôi sẽ trở thành thi sĩ… Để ca tụng tình yêu
nhân loại…” Nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi che mặt lại bằng chiếc khăn tay,
nhưng không vội chùi, để cho giòng nước mắt lăn từ từ xuống má.
3/11/2010 Kinh Dương Vương
3/11/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét