Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Du lịch Italy: Thành phố Vatican - Thánh Đường St. Peter

 Du lịch Italy: Thành phố Vatican
Thánh Đường St. Peter 

Thành phố Vatican
Thành phố Vatican nằm trong thành phố Rome. Phần bài viết này chỉ nói về Vatican.
Vatican
Vatican, một bang hay thành phố hoàn toàn riêng biệt nằm trong thành phố Rome, là quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới. Diện tích cả nước là .17 sq mi hay .44 sq km, nằm trên vùng đất cao. Vatican tọa lạc phía tây bắc Rome, thủ đô của Ý, và được bao bọc bởi hệ thống tường thành cao kiên cố được xây từ năm 800, cùng có camera an ninh rải kín. Dân số cỡ dưới 1,000 người. Năm 1929, chính phủ Italy đã ký với Giáo hoàng điều ước Ratlam, thừa nhận Vatican là một quốc gia có chủ quyền. Tuy diện tích nhỏ nhưng bộ máy hành chánh của Vatican rất hoàn hảo, có quân đội bảo vệ do Thụy Sĩ tổ chức, có hệ thống bưu chính và ngân hàng riêng. Tem do Vatican phát hành có thể lưu hành và sử dụng tại Italy. Tuy nhiên, Vatican không có các ngành công nghiệp, cũng như không có khách sạn, nhà hàng, nhà hát, hay trường học; khí đốt, điện, nước và các mặt hàng tiêu dùng đều do quốc gia Italy cung cấp.
Bản đồ Vatican
Swiss guards
Tài liệu cho biết, bên trong tường thành gồm 61 công trình kiến trúc từ nhà thờ, nhà nguyện, cung điện, thư viện, ngân hàng, bưu điện, tòa nhà chính quyền, trung tâm truyền thông, đường phố, công viên, các đài phun nước và sân bay trực thăng. Hầu hết các mái vòm, toà tháp, hành lang, nhà nguyện với trần nhà và tường đều được tô điểm bằng các bức họa, tác phẩm điêu khắc.
Sau khi Ðức Giáo Hoàng John Paul II chết vào ngày 2 April 2005, thì vào ngày 19 April, 2005, Hồng Y Giáo chủ người Ðức Joseph Ratzinger được chọn làm Ðức giáo Hoàng mới với tên Giáo Hoàng là Benedict XVI. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI từ chức ngày 28, February, năm 2013, và ngày 13 March 2013, Hồng Y Giáo chủ Francis lên nối chức.
Những địa điểm được biết đến trong quốc gia Vatican đáng kể nhất là công trường thánh Peter (St.Peter’s Square), Ðại Giáo đường thánh Peter (St. Peter’s Basilica), Cung điện Vatican, Viện bảo tàng Vatican. Bức tường Vatican là ranh giới với Rome, Italy.
Viện Bảo tàng Vatican (Musei Vaticani)
Cửa vào Viện Bảo tàng Vatican
Có thể nói Musei Vaticani là kho tàng tồn trữ nghệ thuật dồi dào nhất trên thế giới. Nhà nguyện Sistine với tác phẩm của nhiều họa sĩ, điêu khắc tên tuổi, như Bernini, Sandro Botticelli và nhất là tác phẩm của Michelangelo và bốn phòng tranh vẽ trên tường (frescos) của Raphael cùng với những nghệ thuật đẹp nhất thuộc Roman, Etruscan, Greek, Egyptian, Assyrian đều hiện diện ở đây. Với cả ngàn phòng để thăm viếng thì trọn hai ngày cũng chưa đủ, tuy nhiên có bản đồ hướng dẫn theo màu để thăm viếng những phòng chính. Những phòng/ nhà bảo tàng này nằm ngay cạnh Đại Giáo đường St Peter.
Fountain of Pigna (Pine cone) with two peacocks

The Sphere Within Sphere in Pigna courtyard
Viện bảo tàng Vatican nằm ở phía bắc Đại Giáo đường Peter, là bảo tàng lâu đời và nổi tiếng trên thế giới, với diện tích 55.000 m2. Bảo tàng là một phần của Dinh Vatican (Vatican Palace), nơi cư ngụ của Đức Giáo Hoàng từ năm 1377, bảo tàng có ước chừng 1,400 phòng, gồm 12 nhà trưng bày và 5 dãy hành lang, được gọi là "Phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng Vatican". 
Các phòng trưng bày nghệ thuật. Bảo tàng Vatican.
Bảo tàng Gregorian-Etruscan chứa những cổ vật từ thế kỷ thứ 9 đến 1 trước Công nguyên.
Bảo tàng Chiaramonti trưng bày khoảng một ngàn tác phẩm điêu khắc, chạm khắc Hy Lạp - La Mã, cùng nhiều bức tượng Ai Cập do Augustus đưa về Rome.
Tượng Hecules nhìn từ phòng 
Chữ Thập Hy Lạp
Tượng Artemis trong phòng Candelabra
Phòng Candelabra
Bảo tàng Pio Clementino. Do Ðức Giáo hoàngClement XIV (1769-1774) và Pius VI (1775-1799) tài trợ, với rất nhiều phòng sưu tầm theo mọi chủ đề. Tại phòng thú vật tập trung các cổ vật với nhiều loại đá khác nhau đôi khi có màu đá gần giống như màu da lông thú. 
Ðặc điểm là có tượng Laocoon nổi tiếng, xuất xứ từ Tòa nhà Vàng của Nero, tượng Thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp với vẻ đẹp cổ điển lý tưởng (thường gọi là tượng Apollo Belvedere, và bức tượng Thân người Belvedere/ Belvedere Torso có nhiều ảnh hưởng tới đến khuynh hướng điêu khắc của Michelangelo sau này.
Laocoon và hai con trai.
Laocoon và hai con trai - Hình hiện tại
                                   và hình cũ trước năm 1957
Nhóm tượng Laocoon được đào thấy ở Rome vào năm 1506 và được đặt ở Vatican từ ngày đó đến giờ.
Ðây là nhóm tượng bằng cẩm thạch, phiên bản của bản chính bằng đồng của 1 điêu khắc gia Hy Lạp làm năm 140 TrCN. Nhóm tượng lớn cỡ người thật, được ba thợ điêu khắc tên Agesander, Polydorus, và Athenodorus, người thành Rhodes khắc họa cảnh một thầy tu của thành Troy có tên là Laocoon cùng hai con trai của ông - Antiphantes và Thymbraeus - bị bóp nghẹt bởi rắn biển của thần biển Neptune. Chuyện tích kể là khi nhìn thấy con ngựa gỗ trước cửa thành, dân chúng Troy hò reo kéo ngựa vào thành. Chỉ có Laocoon là nhận ra âm mưu của Ulyses, phóng ngọn lao của ông vào hông ngựa làm vang lên tiếng leng keng của vũ khí giáp trụ quân Hy Lạp nấp bên trong. Nhưng dân chúng đã bị Athena làm mù quáng, không nghe lời ông. Để trừ khử ông, thần Athena sai hai con rắn thần từ dưới biển lên quấn chết cả ông lẫn hai đứa con.
Người ta đã tìm thấy nhóm tượng này ngày 13/1/1506 trong di tích Domus Aurea (Dinh thự Vàng) của hoàng đế Neros. Nhóm tượng được làm từ 4 khối đá cẩm thạch ghép lại, mô tả sự chống cự tuyệt vọng của 3 cha con khi bị rắn thần quấn chết. Từ gương mặt, cử động của thân người đến sự căng cứng của các cơ bắp, tất cả đều rất hòa hợp, mẫu mực. Khi được phát hiện, phần tay phải của Laocoon bị mất (kể cả một cánh tay của cả hai người con). Ðã có nhiều tranh cãi giữa các nghệ sĩ, điêu khắc gia xem tư thế của cánh tay phải của Lacoon sẽ như thế nào. Michealangelo khi đó cho rằng cánh tay phải sẽ gập lại (như sau này người ta tìm thấy). Các nghệ sĩ khác thì cho rằng nó phải kéo dài ra (như hình chụp). Giáo hoàng khi đó mới thành lập hội đồng nghệ thuật để quyết định và chỉ định Raphael làm trọng tài. Cuối cùng đồ án tay phải giơ lên cao được chọn, cánh tay mới được gắn vào và trưng bày từ năm 1540. Vào năm 1906 một nhà khảo cổ học đã tìm thấy phần cánh tay bị mất của một bức tượng (tượng người cha) và gửi đến Vatican. Và hơn 50 năm sau đó mãi tới nãm 1957, Vatican mới quyết định đó chính là một phần tay phải của Laocoon và gỡ phần tay đắp thêm trước đây ra vào năm 1957. Và rồi sau đó phần tay của hai người con đã gắn vào cũng đã được gỡ bỏ vào những năm 1980s.
Belvedere Torso.


Belvedere Torso. Thân mình Belvedere. 2012
1968
Belvedere Torso được tìm thấy ở Roma trong thời Phục hưng và người ta cho rằng tượng này đã truyền cảm hứng cho danh họa Michelangelo tạo nên hình ảnh Adam trong bức tranh tường The Creation of Man ở nhà nguyện Sistine.

Thân mình Belvedere là một mảnh điêu khắc thân mình một người đàn ông, chiều cao toàn điêu khắc 1.59m (5 ft 25/8 inches). Tác phẩm có chữ ký đề tên một nhà điêu khắc người thành Athens là Apollonius, và đã từ lâu được xem như là có từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên. Nhưng hiện nay đã được cho rằng đây là một bản sao mà Apollonius đã sao chép lại từ tác phẩm điêu khắc có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Bức tượng mô tả một người đàn ông ngồi trên bộ da của một động vật. Nhân vật được mô tả trong bức tượng này hiện vẫn còn là nghi vấn. Một số chuyên gia cho rằng đây là chân dung của Hercules hay một số nhân vật thần thoại khác.
Tương truyền rằng, Michelangelo ngưỡng mộ bức tượng này đến mức ông đã từ chối lời đề nghị của Giáo hoàng Julius II, hoàn thiện tác phẩm điêu khắc bằng cách gắn tay, chân và gương mặt cho bức tượng. Michelangelo cho rằng bức tượng quá đẹp và không nên thay đổi. Belvedere Torso hiện là một trong số ít tác phẩm điêu khắc cổ đại vẫn được giữ nguyên vẹn như từ khi khám phá ra.
Apollo Belvedere
Apollo Belvedere có thể là bản sao một điêu khắc từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Với phong cách quý phái và hình dạng đẹp, tượng Apollo Belvedere đã được gắn thêm vào phần cánh tay ngoài cho mường tượng là thần vừa bắn cung xong.
Apollo Belvedere (2012)
Vatican Museums 1968
Căn phòng Rafael. Năm 1508, Giáo hoàng Julius II Della Rovere giao cho Rafael Sanzio (khi ấy mới có 25 tuổi, được Bramante giới thiệu) vẽ những bức tranh trên tường trong 4 gian phòng của mình ở tầng trên cùng. Kích thước 3 căn phòng của Giáo hoàng khá nhỏ, căn thứ tư thì lớn hơn nhiều. Người ta hay gọi chung tất cả là "Căn phòng Rafael" (Raphael's Stanze).
Phòng triển lãm tranh Vatican: Giáo hoàng Pius XI ra lệnh xây dựng nhà triển lãm này vào năm 1932 để trưng bày bộ sưu tập của Vatican có từ nãm 1800, dưới thời Giáo hoàng Pius VI. Tại đây, ta có thể tìm thấy những tác phẩm xuất sắc nhất của Giotto, Cimabue, Beato Angelico, Melozzo da Forli, Perugino, Titian, Domenichino, Caravaggio, Rafael và Leonardo da Vinci. Ngoài ra, còn có gian giành riêng cho Nghệ thuật Hiện đại.
Bài viết này theo lộ trình hướng dẫn của đoàn du lịch do người chủ đoàn và người hướng dẫn địa phương đảm nhiệm và cũng coi như là một lộ trình mà hầu hết các đoàn du lịch đều theo. Ði theo đoàn có cái lợi là họ lo cho tất cả và chúng ta không phải sắp hàng dài cả giờ để chờ mua vé, hay có vé rồi vẫn phải sắp hàng chờ lâu. Lộ trình tóm tắt như sau.
Qua cửa vào, đi thang lên tầng một nơi có sân thượng nhìn ra sân trong Pigna và Belvedere; đi qua phòng Chiaramonti với thần La-mã; rồi đi thang lên lầu hai đến bảo tàng Pio-Clementino với sân tám cạnh có nhiều bồn tắm cổ và nhưng vách lõm chứa tượng Apollo Belvedere và Laocoon; qua phòng Tượng; rồi phòng nhà Thơ có Belvedere Torso; rồi phòng Tròn có chậu cẩm thạch đỏ vĩ đại đường kính 13m, chung quanh phòng Tròn là 9 tượng trong hốc lõm đặc biệt có tượng thần Hercules mạ đồng màu vàng. Qua phòng Tròn là phòng Chữ Thập Hy-lạp với hai cỗ quan tài lớn của Nữ hoàng hiển Thánh Helena và con gái Constantina, cửa có tượng Ai Cập, chính giữa phòng là mosaic Athena. Sau đó là một hành lang dài phòng Thảm, phòng bản đồ Ý, phòng Raphael và rồi đến nhà nguyện Sistine.
Nhà nguyện Sistine (Cappella Sistina).
Nhà nguyện Sistine dài 40.9m và rộng 14m. Trần cao 13.4m ở từ sàn tầng chính của nhà nguyện. Mái vòm thì phức tạp và có lẽ khi được xây dựng đã không có mục đích để đáp ứng những tranh hoàng bích họa. Tường chia làm ba tầng với 6 cửa sổ ở trên cao nhất. Giữa các cửa sổ là những phần thòng xuống (pendentives) để chịu đựng trần nhà vòm. Giữa các pendentives này có những khung tam giác gắn vào vòm trần trên những cửa sổ.
Nhà nguyện Sistine, đặt tên theo Giáo Hoàng Sixtus IV, được tài trợ bởi Đức Giáo Hoàng Julius II, và được dựng lên vào cỡ giữa năm 1473 đến 1481, là nhà thờ nhỏ của các Giáo hoàng. Nhà thờ này nổi tiếng vì bức họa "Sự phán xét cuối cùng" (The Last Judgement) của Michelangelo.
Hành lang bản đồ và hành lang với những bức tranh tường của một số họa sĩ như Pietro Perugino, Sandro Botticelli, Domenico Ghirlandaio miêu tả cuộc đời của Moses và Jesus, dẫn đến phòng có bức tranh "Sự phán xét cuối cùng" của Michelangelo, tác phẩm trên trần của Michelangelo.
Hành lang bản đồ nước Ý
Toàn bộ tranh trên trần Sistine chapel 
(Hình từ trang Vatican)
Trần Sistine Chapel (1508-1512) là công trình vĩ đại của Michelangelo Buonarotti. Bức "Sáng thế kỷ" có diện tích 300 m2, được ghép từ 9 bức tranh với nội dung miêu tả lại những câu chuyện trong Kinh thánh. Trong bức tranh có hơn 300 nhân vật với đường nét sắc sảo, dáng vẻ sống động có thần. Michelangelo đã mất 4 năm để vẽ bức tranh này.
Trên những khung vòm vươn lên giữa năm cửa sổ ở mỗi bên nguyện đường là hình ảnh các tiên tri Cựu Ước, những người đã nói với dân Do Thái về Ðấng Cứu Thế sẽ đến, xen kẽ với hình ảnh các nữ tiên tri ngoại giáo, những kẻ theo truyền tụng cổ xưa đã tiên báo cho người ngoại đạo biết sự xuất hiện của Ðấng Cứu Thế. Michelangelo đã vẽ họ ngồi đắm mình trong suy tư, đọc, viết, tranh luận, hay như đang lắng nghe một tiếng nói từ nội tâm. Giữa những nhân vật này, ngay giữa vòm trần, ông vẽ câu chuyện Sáng Thế kỷ và truyện Noah. Chen giữa những câu chuyện này bằng rất nhiều hình ảnh khác, mang những câu chuyện khác.
Bố cục có hơn 300 nhân vật và có chín tình tiết trung tâm từ Sách Khải huyền, được chia thành ba nhóm: nhóm thứ nhất là Sự sáng tạo Thế giới Thiên đàng và Trái đất của Chúa; nhóm thứ hai là Chúa tạo ra người đàn ông và đàn bà đầu tiên Adam và Eve và sự mất ân huệ của Chúa do bất tuân lệnh nên bị đuổi ra khỏi vườn Eden; và cuối cùng, nhóm thứ ba là sự cầu khẩn của Loài người và đặc biệt là của gia đình Noah. Những hình này không tuyệt đối theo thứ tự thời gian. Trên các vòm tam giác đỡ mái được vẽ mười hai người đàn ông và phụ nữ đã tiên đoán sự xuất hiện của Chúa Jesus. Họ gồm bảy nhà tiên tri Israel và năm phụ nữ tiên tri của Thế giới Cổ đại.
Trong số những bức họa nổi tiếng nhất trên trần có Chúa tạo ra Adam, Adam và Eve trong Vườn địa đàng, Ðại hồng thủy, nhà tiên tri Isaiah và Bà đồng Cumaean. Quanh các cửa sổ được vẽ các tổ tiên của Chúa Jesus. Bức họa The Creation of Adam là bức họa nổi tiếng nhất thế giới trong lịch sử hội họa cho thấy một hình ảnh thánh tượng Bàn tay của Chúa (Hand of God) mang đến sự sống cho Adam.
Bản thân Chúa bay trong không gian, được đỡ nâng bởi các Thiên Thần, đang chuyển dần lại gần Adam đang ngồi trên trái đất, từ một phía khác, mình quấn một tấm áo choàng rộng bung ra như một cánh buồm trong gió. Lúc Chúa đưa bàn tay ra, dù không chạm vào ngón tay của Adam, ta như thấy con người đầu tiên trỗi dậy, như từ trong một giấc ngủ và nhìn vào khuôn mặt chan chứa tình yêu thương của Đấng Tạo hóa. Cách Michelangelo sắp xếp để cái "chạm tay" Thần thánh trở thành trung tâm và điểm hội tụ của bức tranh, và cách ông làm ta nhận ra sự toàn năng qua vẻ nhàn hạ và uy lực của cử chỉ sáng tạo này thật tuyệt vời trong nghệ thuật hội họa.
Chín cảnh miêu tả chuyện Sáng Thế Kỷ trong Thánh kinh (Book of Genesis) bắt đầu từ bàn thờ hướng ra cửa chính gồm: The Separation of Light and Darkness, The Creation of the Sun, Moon and Earth, The Separation of Land and Water, The Creation of Adam, The Creation of Eve, The Temptation and Expulsion, The Sacrifice of Noah, The Great Flood, The Drunkenness of Noah.
Con Rắn Ðồng. The Brazen Serpent.
Trong một khung tam giác góc ngay trên bàn thờ là một cảnh mang tên "Con rắn bằng đồng".
[Trích trong bài viết Những biểu tượng của ngành Y do Trịnh Nguyễn Ðàm Giang biên soạn: Biểu tượng con rắn bằng đồng có tên Nehushtan đã được nhắc đến trong Thánh kinh. Trong Bộ sách những con số (số 21:6) của Thánh kinh có viết rằng người Do thái (Israelites) than phiền với Moses và Chúa về hoàn cảnh tuyệt vọng của họ (Tại sao ngài lại mang chúng tôi... để chết trong trong hoang dã? Vì chẳng có thức ãn và nước uống...." (21:5).
Sự than phiền này làm Chúa nổi giận nên sai rắn hung dữ tấn công người Do thái. Nhiều người chết quá làm người Do thái phải chạy đến Moses và cầu khẩn Chúa tha tội cho họ. Chúa nguôi giận, bèn sai Moses làm một cây gậy có một con rắn bằng đồng cuốn quanh. Những người nào đã bị rắn cắn chỉ cần nhìn vào cây gậy này là tự nhiên khỏi bệnh. Có thể cũng vì lý do này mà Nehushtan đã mang ảnh hưởng đến cho cây gậy Asclepius và được dùng sau đó như một biểu tượng cho y khoa và ngành y. Năm 1508, dưới sự tài trợ của Pope Julius II, Michelangelo Buonarroti đã vẽ trên trần toà Sistine Chapel một cảnh minh họa thiên tai rắn với dân Do thái và sự thành hình của rắn bằng đồng].
Rắn đồng
Nữ tiên tri người Cumaen
Bà tiên tri người Cumaean. The Cumaean Sibyl. Bà đã chỉ dẫn cho Aeneas, trong hành trình xuống thế giới dưới đất để thăm cha. Michelangelo vẽ nhà tiên tri nữ này có khuôn mặt cằn cỗi, già nua, có thân hình thật to lớn, có cánh tay trái thật rắn chắc (tượng trưng cho lòng tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Giáo hội Cơ đốc La Mã). Bà có hai cuốn sách Cựu và Tân Ước. Nhà tiên tri cúi đầu đọc một cuốn, không để ý đến cái gì khác ngoài quyển sách của mình. Một người theo bà cầm cuốn thứ hai. Michelangelo không vẽ trang phục các nhân vật tiên tri giống như trong lời kể thần thoại. Ông chỉ quan tâm đến giá trị tượng trưng của họ - một giá trị nhân vãn - những con người được soi sáng về tinh thần.
Ðây là tình tiết trong tác phẩm sử thi Aeneis bằng tiếng Latin của nhà thơ Virgil, sáng tác năm 29-19 TCN, kể về cuộc phiêu lưu của Aeneas, một người thành Troy, trong hành trình đến Ý, nơi ông trở thành tổ tiên của người Roma.
Và sau cùng là bức "Sự phán xét cuối cùng" được vẽ trong 6 năm, cao 20 m, rộng 10m, là bức họa lớn nhất thế giới. Trong bức họa có hơn 200 nhân vật.

Michelangelo vẽ bức họa tổng hợp "Sự phán xét cuối cùng" khoảng từ nãm 1536 đến 1651 do Ðức Giáo Hoàng Clement VII đặt hàng, đặt trọng tâm vào hình ảnh của chúa Christ, ghi lại khi mà Sự phán xét cuối cùng được tuyên bố. Sự bình thản chịu đựng như đòi hỏi sự chú ý và làm dịu sự rối loạn đang diễn ra ở chung quanh. Bức họa bắt đầu di chuyển chậm miêu tả tất cả những nhân vật liên quan.
Bên cạnh Đức Chúa với thân hình đầy đặn như của một người trên trái đất, đứng uy nghiêm dang tay phải lên cao như đang suy nghĩ để ra phán xét cuối cùng, là đức mẹ Virgin hòa hợp trong vị thế ngồi nghiêng đầu nhìn xuống trong tình trạng như đầu hàng với hai cánh tay khép lại bên mình. Những vị thánh và những người được lựa chọn để lên Thiên đường, được vẽ chung quanh Chúa và Ðức mẹ, cũng đang lo âu chờ đợi lời phán quyết. Vài vị thánh có thể nhận được ra ngay như thánh Peter với hai chìa khoá, thánh Laurence với giá sắt (gridiron), St Bartholomew với da của chính ông trong tay trái mà từ trước đến giờ đã được giải thích là chân dung tự vẽ của chính Michelangelo (Michelangelo ví mình như tấm da người bị lột, một con người bị vắt kiệt sức lực), St Catherine of Alexandria với cogwheel, và St Sebastian đang quỳ gối cầm cung. Ở chính giữa phần dưới là thiên thần của Apocalypse đang đánh thức người chết bằng tiếng còi. Ở bên trái là những thân người đang trổi dậy khi thân họ đang đi vào thiên đàng (Resurrection of the flesh), bên phải có thiên thần và quỷ đang tranh đấu để mang người chịu hình phạt vào địa ngục.
Ở phía bên phải tận cùng của bức họa trên tường vĩ đại này có hai nhân vật không thuộc kinh sử, đó là Charon của Dante đang trên thuyền với mái chèo và quỷ dẫn những người chịu hình phạt đến trước Minos quan tòa của thế giới dưới mặt đất có thân với rắn cuốn chung quanh.

Sự khỏa thân trong bức họa của Michelangelo đã làm nhiều chức sắc đương thời khó chịu (Hồng Y Giáo Chủ Carafa),và nhất là vị chủ lễ của Đức Giáo Hoàng (Biagio De Cesena), và ông đã đòi bỏ bức tường này ra khỏi Sistine Chapel. Để tỏ sự bất bình, Michelangelo đã vẽ Minos có khuôn mặt tựa như Cesena.
Sau khi Michelangelo qua đời, bộ phận sinh dục nam sau đó được vẽ che đi qua tài của họa sĩ Daniele Da Volterra. Cũng vì việc làm này mà Volterra được gán cho cái tên Braghettone "họa sĩ vẽ đai quần" (breeches - painter).
Hiện nay bức họa này đã được tu bổ, sửa chữa, để mang lại màu sắc trong sáng nguyên thủy của ban đầu, trừ một góc trên cùng bên phải, được giữ lại mọi người so sánh. Những hình ảnh khỏa thân ban đầu sau một thời gian bị che đậy nay phần lớn cũng đã được lấy bỏ đi để mang lại nguyên thủy như Michelangelo vẽ.
Cãn phòng nhỏ phía sau phòng hình có một cánh cửa chứa lò đốt và một hệ thống ống dẫn khói ra ngoài. Đó là nơi để tòa thánh chính thức thông báo khi bầu Đức Giáo Hoàng mới. Khi bầu được thì họ sẽ đốt cho khói trắng tỏa ra báo tin cả thành phố là đã chọn được Ðức Giáo Hoàng mới, nếu khói đen bốc ra thì có nghĩa là chưa có sự thống nhất ý kiến và cần phải bầu lại.
Vài sự kiện về nhà nguyện Sistine.
Nhà nguyện Sistine mang tên người đã tài trợ/ đặt làm là Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Sixtus IV. Chữ Sixtus viết tiếng Ý là Sisto.
Nhà nguyện Sistine bề ngoài trông rất bình thường chỉ giống như là một khối hình chữ nhật lớn bằng gạch không trang trí gì hết. Nó không có cửa lớn riêng để vào mà chỉ có những lối vào qua những cánh cửa của Dinh Đức Giáo Hoàng
Mặc dù Nhà nguyện Sistine nổi tiếng với những bức họa (frescos) vẽ trên tường, trên trần nhà của Micelangelo, nhưng trước đó cũng đã có frescos rất nổi tiếng của Botticelli vẽ dọc theo hai bức tường của hành lang dài của nhà nguyện: một bên kể chuyện gia đình Moses, một bên kể chuyện về Chúa.
ÐGH bảo trợ tài chính cho Michelangelo nãm 1508 là Julius II, cháu (nephew) của Sixtus IV. Chữ nephew của Anh ngữ lấy từ chữ nipote của Ý có nghĩa là "cháu" hiểu theo nghĩa lạm quyền của giáo hoàng để thiên vị người trong gia đình. Ngày xưa, thường thì chữ "cháu" của ÐGH được hiểu là con trai của họ.
Những phòng ngoài cho phép chụp hình, riêng phòng nhà nguyện Sistine thì tuyệt đối không được chụp hình, không được ăn uống và tuyệt đối phải im lặng.
Rời Nhà nguyện Sistine qua một cầu thang xoáy rất đẹp của Giuseppe Momo (rập theo thang xoáy của Bramante dành riêng cho Đức Giáo Hoàng ở cạnh Dinh Giáo Hoàng), chúng ta sẽ ra cổng dẫn sang Đại Thánh Ðường St. Peter.
Thang xoáy của Momo
Ðại Thánh đường St. Peter
Như đã viết ở phần 1, sau khi rời phòng nhà nguyện Sistine thì chúng ta đi xuống cầu thang để ra khỏi bảo tàng Vatican và bước sang quảng trường St. Peter và vào thăm Đại Thánh đường St. Peter.
Quảng trường Thánh Peter (Piazza San Pietro)
Hình internet
Ngay trước mặt Đại giáo đường thánh Peter từ ngoài xa nhìn vào là quảng trường thánh Peter (San Pietro) hình bầu dục. Đây là công trình kiến trúc của Bernini.  Gian Lorenzo Bernini thiết kế quảng trường St Peter, dưới thời Giáo hoàng Alexander VII (1655 -1667) theo hình bầu dục, với 284 cột đỉnh Doric cao 16m bằng đá cẩm thạch sắp bốn dẫy bao quanh quảng trường hình bán nguyệt. Phía trên có tổng cộng 140 bức tượng thánh cao hơn 3m cùng nhiều giáo hoàng đội mũ giáo hoàng. Trong số 140 tượng này, những phụ tá của Bernini, như Lazzaro Morelli và Giovanni Maria de Rossi đã hoàn thành 90 bức. Năm 1702, giáo hoàng Clemens XI quyết định đưa thêm 50 bức tượng. Nổi lên ở giữa là huy hiệu khổng lồ của Alexander VII Chigi (1655-67).
Ngay chính giữa công trường hình bầu dục này là một tấm bia tháp vuông và nhọn (obelisk). Bia tháp này nguyên thủy do Pharaoh Nencores dựng lên vào cỡ 1935 trước Công nguyên tại Heliopolis, được chuyển đặt tại Alexandria cỡ 30 năm trước CN. Tấm bia tháp cao 25 m, nặng 327 tấn này sau đó được Hoàng đế La Mã Caligula chuyển đến La Mã (Rome) để trang trí cho quảng trường bên cạnh hoàng cung tại đồi Vatican (Vatican Hill).

Năm 1586, Giáo hoàng Sixtus V ra lệnh chuyển tấm bia tháp đó về quảng trường thánh Peter.  Phải mất 900 người, 140 ngựa và 44 trục kéo cùng thừng để chuyển tháp đá này trên đường rày đến quảng trường St. Peter. Tháp đá này được đặt lên một giá có sư tử đồng ở bốn góc cao 10m, và trên đỉnh có mang một chữ thập. Chiều cao tổng cộng của bia tháp cỡ 41m. Từ trên không nhìn xuống, công trường trông giống một bánh xe cực lớn.
Hai bên của tòa tháp là hai bồn nước giống nhau, một do Carlo Maderno dựng vào năm 1613 ở phía bắc, và một do Bernini sao chép lại ở bên kia cột tháp. Bồn phun nước chảy xuống ba tầng chậu rất đẹp.
Từ quảng trường hình bầu dục này, chúng ta đi vào một quảng trường nhỏ hơn có hai bên là hai hành lang dài 120m dẫn đến nhà thờ.
Diện tích công trường thánh Peter rất lớn, và là nơi tòa thánh Vatican dùng để cử hành các hoạt động lớn của tôn giáo.
Nếu đến thăm công trường vào ngày thứ Tư thì có dịp được thấy Ðức Giáo Hoàng làm lễ và ban ơn cho con chiên. Nhưng cũng vì là buổi sáng có Đức Giáo Hoàng nên không được phép vào thăm nhà thờ, và nếu muốn thăm bên trong đại giáo đường thánh Peter (St Peter’s Basilica) thì phải trở lại ngày khác.

Đại Giáo đường Thánh Peter (Basilica di San Pietro)
Ðại Thánh đường (ÐTÐ) St. Peter là nhà thờ mang kiến trúc của cuối thời kỳ phục hưng nằm tại thành phố Vatican. Có thể nói Đại giáo đường thánh Peter là nhà thờ Thiên chúa giáo tráng lệ nhất thế giới, trải dài từ đông sang tây dài 187 m, từ nam sang bắc rộng 218 m, cao 137 m. Nhà thờ tiêu biểu với kiểu kiến trúc cột to mái vòm cổ điển, có khoảng không gian lớn nhất trong các nhà thờ Thiên chúa giáo trên thế giới, có thể chứa hơn 60,000 người với diện tích hơn 20,000 m2.
Trong truyền thống Công giáo, đây là nơi chôn cất Thánh Peters và nhà thờ mang tên vị Thánh. Thánh Peter là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu và theo truyền thống, vị Thánh này sẽ là Đức Giám mục đầu tiên của thành Rome và tiếp đó là Đức Giáo Hoàng đầu tiên.
Nền móng của nhà thờ hiện nay được xây dựng từ nhà thờ Constantinian cũ, được Julius II mướn Donato Bramante cho khởi công bắt đầu vào ngày 18 tháng 4 năm 1506; Michelangelo tiếp tục công trình xây cất vào năm 1546 với đồ án riêng của ông; khi Michelangelo qua đời năm 1564, vòm chính nhà thờ vẫn chưa hoàn tất; 25 năm sau và với nhiều thay đổi nhà vòm mới được xong qua đảm trách của Porta và Fontana, và sau cùng cũng được hoàn tất và khánh thành vào ngày 18 tháng 11 năm 1626, mất hơn 100 năm sau ngày khởi công.
ÐGÐ St. Peters không hẳn là một nhà thờ vì nó không phải là chỗ của một Giám Mục mà là một nhà thờ Giáo Hoàng.
Công trình Nhà thờ Thánh Peter kỷ niệm việc Thánh Peter được Chúa Jesus phong làm tông đồ chính. Vì Rome là thủ đô của đế chế La Mã, hai tông đồ Peter và Paul đã tới thành phố này để truyền đạo trong thiên niên kỷ đầu tiên. Khi những người Thiên chúa giáo bị hành hình vì đức tin của họ, thì tông đồ Peter bị bắt và đưa tới đấu trường La Mã rồi hành hình trên cây thánh giá vào năm 67. Thi hài của ông được chôn cất trong một ngôi mộ nhỏ có mái che ở sườn đồi Vatican.
Gần 300 năm sau, vào năm 324 Constantine, vị đế vương theo đạo Thiên chúa đầu tiên của thành Rome cho dựng một nhà thờ xây lên tại nơi được xem là nơi đặt mộ của Thánh Peter. Hơn một ngàn năm sau  (1452) thì nhà thờ suy tàn quá độ. Năm 1547 ÐGH Paul III cho Michelangelo đảm trách dự án xây cất lại. Từ dó cho đến dầu thế kỷ 20, Vatican không thể đưa ra được bằng chứng gì là thánh Peter được chôn cất bên dưới nhà thờ. Tới năm 1939, các công nhân tu sửa khu hầm bên dưới nhà thờ St Peter, nơi mai táng truyền thống của các giáo hoàng, đã phát hiện ra một ngôi mộ La Mã cổ. Sau nhiều tháng đào bới, những người khai quật đã tìm đến một khu vực những ngôi mộ cổ hơn, gần khu vực bên dưới án thờ. Ngay dưới án thờ, người ta tìm thấy một khu vực chôn cất lớn và một bức tường sơn đỏ. Trong một hốc tường là xương của một người đàn ông. Năm 1968, Giáo hoàng Paul VI tuyên bố đây chính là xương cốt của Thánh Peter.
Một chút chi tiết hơn thì cho đến năm 1506, nhà thờ St Peter, nhà thờ chính ở Vatican vẫn còn rất nhỏ và đơn giản. Dựa theo những công trình đã có của các hoàng đế và sultan, Giáo hoàng Julius II quyết định tạo cho nhà thờ xưa cũ một mái vòm. Ông thuê kiến trúc sư Donato Bramante làm việc này. Nhưng cả Bramante lẫn giáo hoàng Julius II đều qua đời trước khi công trình được hoàn thành. Năm 1546, một nghệ sĩ trẻ từ Florence có tên Michelangelo được chỉ định toàn quyền việc tiếp tục xây nhà thờ St Peter.
Michelangelo đã thiết kế lên một mái vòm so với công trình Pantheon gần đó thì đường kính nhỏ hơn Pantheon, nhưng cao hơn nhiều. Làm gần như hoàn toàn bằng đá nặng, công trình vòm có đường kính 42 m và chiều cao 138 m. Để đỡ được một mái vòm khổng lồ như thế, các thợ xây phải đặt 3 vòng sắt bên trong lớp đá của mái vòng và rồi các kỹ sư của Vatican phải thêm vài vòng đỡ khác nữa.
Ngoài nhà thờ đứng ở hành lang thềm cửa trước (Portico) thì chúng ta thấy có 5 cánh cửa vào nhà thờ. Cánh cửa Holy Door (The Porta Santa), cánh cửa cuối cùng ở bên phải của lối vào, được Đức Giáo Hoàng mở cứ mỗi 25 năm một lần bằng cách dùng một búa bằng bạc gõ vào gạch (những viên gạch xây Holy Door có trưng bày trong một phòng ở bảo tàng Vatican). Lần chót cửa được mở là năm 2000, vậy là đến năm 2025 cánh cửa Holy Door mới lại được mở lại.
Cupola. Small cupola 
Holy Door
Ngay ở phía cổng vào bên tay phải căn phòng nguyện đầu tiên trưng bức tượng The Pieta (1498-1499) một tuyệt tác bằng đá cẩm thạch của Michelangelo. Tượng được bảo vệ trong lớp kính chống đạn dày cỡ 5cm. Tuyệt tác Pieta cho thấy Đức Mẹ đang nhỏ lệ khóc ôm giữ thân của con trai trong lòng và trong vòng tay sau khi Chúa đã bị đóng đinh vào Thập tự giá. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng đã hoàn tất toàn hảo của Michelangelo khi ông chỉ mới 24 tuổi (1498) và cho thấy khuynh hướng nặng phần tôn giáo và buồn bã tự nhiên của Michelangelo. Đây là bức tượng duy nhất có chữ ký của ông nằm trên một băng đặt ngang ngực của Mary với hàng chữ: MICHAEL AGEKUS BONAROTUS FLORENTFACIEBAT, và một chữ M trong tay phải của Mary.
Photo by SVĐG
Phía sâu trong thánh đường, ở phía trên cao bức tường của chính điện có một vầng sáng hình bầu dục. Bên dưới vầng sáng là Ngai của thánh Peter, bốn chân ghế nạm ngà voi được đỡ bởi bức tượng của hai nhà thần học người Hy Lạp và hai nhà thần học người La Mã. Phía trên lưng ghế có trang trí hình hai tiểu thiên sứ, trong tay cầm chiếc chìa khoá mở cửa vào nước Chúa và chiếc mũ ba tầng của Giáo hoàng. Đây là chiếc mũ Giáo hoàng đội khi lên ngôi. Ba tầng tượng trưng cho thần quyền, quyền lập pháp và quyền tư pháp của Giáo hoàng. 
Mặt sau Holy Door
Ngai của Thánh Peter
Trên đỉnh bức tường trong nhà vòm có nhiều bức tranh và cửa sổ kính có khảm màu sắc rất tươi sáng. Bốn bức tường trong đại điện có nhiều tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch và bích họa lớn cùng nhiều tác phẩm trong thời kỳ văn hoá Phục hưng của Italy như Quiaoto, Michelangelo, Bernini v.v...
Ngay phía trước ngai của thánh Peter là một cái giường vua (canopy/baldacchino) bằng đồng của Bernini cao 29 m (50ft) làm mái che trang hoàng bàn thờ của Đức Giáo Hoàng. Bốn cột đồng xoắn chạm trổ hình cành lá laurel, olive vàng, và nhiều con ong. Phía dưới canopy là mộ của thánh Peter (nhưng cốt để ở nơi khác). Bên phải là tượng của thánh Peter, những ngón chân bên bàn chân phải của thánh đã bị mòn do khách thập phương sờ tay vào.

Ở dưới một cái vòm có cột trụ chống đỡ là lối đi xuống hang Vatican, dưới đó có rất nhiều quan tài của các hoàng đế và giáo hoàng.
Từ thánh đường bước qua cửa ra ngoài, phía bên trái ở sau hành lang cột dài 120m và phía ngoài vòng cung là dinh Apostopic, nơi Đức Giáo Hoàng cư ngụ. Nhìn lên tầng chót của dinh ngay góc bên phải chúng ta thấy nhiều cửa sổ. Cái cửa sổ thứ hai là phòng đọc sách/ nghiên cứu của ĐGH và là cửa sổ mang tên "Window on the World"; nơi đây ĐGH chào đón và ban phép lành cho con chiên vào mỗi trưa Chủ Nhật.
Window of the World
Lằn ranh giới Vatican và Rome
Qua những lần thăm viếng Rome ngắn ngủi, thời gian chỉ cho phép chúng tôi thăm viếng và chụp hình được như thế. Rời Bảo tàng Vatican và quảng trường St. Peter, chúng ta sẽ tiếp tục đi thăm thành phố Rome.
Sóng Việt Đàm Giang
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...