Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Người ấyXXXXX

Người ấy

“Tóc mai sợi ngắn, sợi dài
Thương em không đặng, nhớ hoài ngàn năm”
 
Tôi hé mắt nhìn.Quang vừa ngâm nga, tay vừa vuốt vuốt mái tóc cô bé Thanh Xuân trêu ghẹo. Tôi bật cười một mình rồi nhắm mắt lại, tiếp tục dòng suy tưởng về người thanh niên đặc biệt mà có lẽ tôi sẽ gặp trong đại hội thanh niên Đồng bằng sông Cửu Long lần nầy tại An Giang.
 
Kim Hòa, tên người ấy. Cái tên có vẻ nửa nam, nửa nữ, không đúng với thực chất con người nhưng đó là một chàng trai mạnh khoẻ, đen đúa, thông minh và rất đàn ông. Kim Hòa chưa phải là người yêu của tôi. Chúng tôi quen nhau mới mấy tháng nay, chưa nói tiếng yêu thương nào nhưng có lẽ đối với anh ta thì tình trong như đã….
 
Không biết Kim Hoà thì sao, chớ tôi với bản tính lười biếng, dẫu có yêu anh ta đi nữa thì cũng yêu theo kiểu chàng Trương trong  Bướm trắng của Nhất Linh. Nghĩa là nhắm tiện thì yêu, không tiện thì thôi, tôi không quyết tâm vun quén cho cây tình đơm hoa kết quả, bởi tôi tự tin rằng, với tuổi trẻ và nhan sắc của mình tuy không rực rỡ, kiêu sa nhưng cũng khá mặn mà duyên dáng , không sợ gì “ quá đát”.
 
Tôi quen Kim Hòa ở Hội chợ Quang Trung vào kỳ triển lãm Công Nông nghiệp tòan quốc năm 2003. Sáng hôm ấy, tôi chợt phát hiện ra anh ta đang đứng ở quày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp với đoàn khách nước ngòai bằng tiếng Anh.Tôi nghe bập bõm chữ được chữ mất. Tôi là sinh viên trường đại học Nông nghiệp, ngoại ngữ không giỏi. Nhìn  anh ta đang thao thao với khách mà nể mặt vô cùng. Tự nhiên tôi đứng chen vào cuối đoàn khách khiến anh ta tưởng tôi trong nhóm ấy liền bắt tay khi họ từ giã. Tôi lúng túng phân trần nhưng không hiểu sao anh ta lại nở nụ cười đầy thân thiện, có ý muốn làm quen. Anh ta xin địa chỉ, nói cười hồn nhiên khiến tôi quên cả rụt rè, e lệ.
 
Không biết nghề nghiệp chính của anh ta là nghề gì, dường như làm phiên dịch thì phải, tuổi tác khoãng ba mươi, quê ở Tri Tôn, nhưng xã nào, ấp nào thì tôi không rõ. Mà rõ để làm chi khi tôi không có tâm huyết gì với anh ta kia chứ.
 
- A!  Tới Lâm Viên rồi.
 
Tôi mở mắt nhìn những ngọn núi xanh rì bởi cỏ non và tàn cây vừa ra tược sau mấy trận mưa đầu mùa. Thốt nốt đưa những tàn lá tròn như chiếc quạt khổng lồ phe phẩy dưới nắng mai. Chim từng bầy chao liệng trên bầu trời trong. Ruộng lúa hai bên đường đang thời con gái làm cho Lâm Viên vừa có vẻ đẹp mềm mại của miền Đồng bằng, vừa có vẻ hùng vĩ của miền sơn cước, lại pha một chút kỳ bí của đất nướcĂng
Co.
 
- Đẹp quá! Tôi buột miệng kêu.
 
- Chưa đâu. Lên núi Cấm mới hết ý. Quang nói với vẻ hiểu biết.
 
- Anh lên hồi nào mà biết? Thanh Xuân hỏi.
 
- Xin lỗi cô em nhen. Nơi nào đẹp của quê ta anh đều biết cả. Anh còn biết đất ở đó thuộc loại đất gì, trồng cây gì thích hợp và trồng như thế nào có năng suất nữa đó.
 
- Nổ vừa phải thôi. Làm như có một mình anh biết vậy. Nên nhớ em với chị Duyên cũng là nhà nông như anh đó, anh biết mười người ta cũng biết năm chớ không phải dốt đâu. À! Chị Duyên ơi! Anh ấy ở huyện nào?
 
- Tri Tôn.
 
- Ấp nào, xã nào?
 
- Không rõ.
 
- Sao kỳ vậy? Quê quán của người yêu mà không rõ là sao?
 
- Chưa chánh thức mà.
 
- Hi..hi.. Người yêu mà làm như vô Đảng không bằng. Chánh thức với lại dự bị. Mà nè! Đại hội nầy có gặp ảnh không?
 
- Không biết.
 
- Trời đất! Mơ mơ màng màng kiểu nầy mà yêu đương nổi gì.
 
- Ối xời! Quen để mà quen, tiện thì yêu, không tiện thì thôi. Năm non bảy núi, cách trở nghìn trùng, tao làm biếng yêu quá.
 
- Hà..hà…Yêu mà làm biếng, để coi chuyến này chị còn làm biếng nữa không?
                                            *
                                      *           *
Chúng tôi ngồi dưới rặng bạch đàn, bên hồ cá giống của huyện Lâm Viên. Tai tượng, cá chép, rô phi, mè hoa được lưới lên và chiên ngay bên bàn tiệc. Tiếng ly tách chạm nhau, tiếng cười nói râm ran của những chàng trai trẻ nghe rộn rã vui tai.
Gió chiều thổi qua mấy vạt bắp lai nghe lào xào. Những trái bắp mẫy hạt, vàng ánh đeo đầy trên thân cây mập mạp. Bắp này hái vào nướng hoặc nấu ăn liền, ngọt cho mà biết. Tôi là đứa chúa thích nướng. Ngày nhỏ ở quê, bất cứ thức ăn nào nướng được là tôi nướng, chuối, khoai, bắp, hột mít, hột sầu riêng, hột chôm chôm..
 
- Chị Duyên! Sao nãy giờ chưa thấy anh ấy?
 
Thanh Xuân khẽ hỏi làm mất dòng hồi tưởng về món nướng. Tôi  khẽ gắt:
 
- Ai mà biết. Mầy làm như tao vợ ảnh không bằng.
 
Cô ả trợn mắt:
 
- Chị này thiệt lạ. Không thấy bạn mà tỉnh bơ như không. Em chưa thấy ai dị kỳ như chị .
 
- Ưà. Tao vậy đó. Đã nói làm biếng yêu mà hỏi hoài. Chuyện của tao làm gì nóng ruột dữ vậy? Yêu với đương, toàn  chuyện phù phiếm, lo cái bao tử trước đã. Mấy con tai tượng chiên xù đang nhìn kìa! Lo ăn trước đi ! Chuyện tình  hạ hồi phân giải.
 
- Thôi đi! Nói chuyện với chị mệt quá, hơi đâu lo chuyện bao đồng của thiên hạ. Chà chà! Phải  “ xực phàn”  thôi chị Duyên ơi! “ ngộ lói” quá “ dồi”.
 
- Ăn lần đi. Người phàm mắt thịt như mầy có tâm hồn ăn uống phong phú lắm. Thằng Quang đâu ?
 
- Ai mà biết. Chị làm như em vợ ảnh không bằng.
 
Tôi đang nhai mấy cái vi cá vàng rượm thì nghe Quang kêu giật giọng:
 
- Chị Duyên ơi! Anh  Thanh Kỳ muốn gặp chị nè!
 
Tôi đứng dậy chào, nở nụ cười xã giao.
 
- Chào cô. Nghe tên cô lâu rồi nhưng nay mới được gặp. Anh Hoà có gởi cho cô lá thơ. Anh ấy bận nuôi đàn bà đẻ nên chưa đến được. Chắc sáng mai anh ấy mới đến. Thơ của anh ấy đây hà…hà…
 
- Nuôi… đe..ẻ…à…? Tôi sửng sốt lập lại.
 
- Ờ. Anh ấy có phân công tôi lo chỗ ăn nghỉ cho các bạn. Sáng mai mới có mặt anh ấy.
 
- Mà..mà..nuôi ai..vậy a..anh?
 
- Ai chà! Cô không biết gì hết sao… hà..hà..
 
Tiếng cười vô tư, quái ác như xuyên thủng tim gan tôi. Dường như có tiếng ai khúc khích đệm theo phía sau lưng  nhưng tôi không màng quay lại. Lỗ tai lùng bùng, tứ chi rã rời, miệng lưỡi khô đắng. Bất giác, tôi cầm ly rượu đưa lên miệng. Chất rượu nồng cay làm đầu óc choáng váng, tim đập liên hồi. Lần đầu tiên, tôi ở trong trạng thái hoàn tòan suy sụp.
 
Cố gượng đứng lên, tôi tỏ ra bình thản, thong thả bước ra phía vườn bắp tuồng như đi ngắm cảnh. Chắc không ai để ý đến thái độ của tôi vì mọi người đang bận nói cười. Ngay cả Thanh Xuân và Quang cũng không hề hay biết trái tim tôi đang nổi sóng ba đào.
 
Đứng khuất sau mấy cây bắp non tơ, tôi đưa đôi mắt vô hồn nhìn lên mặt trăng vừa mới nhô lên trên đỉnh núi Lâm Viên mà nhớ mấy câu thơ của Tản Đà:
 
“Đêm trăng buồn quá chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi
Cung nguyệt có ai ngồi đó chửa?
Hằng Nga xin chị nhắc lên chơi…”
           
Tôi đang chán cõi trần lắm rồi. Nếu lên được cung trăng ngay bây giờ, tôi sẽ bay lên liền. Trăng ơi là trăng! Trăng biết chăng, đêm nay có một người con gái Tiền Giang đứng dưới vầng trăng của Lâm Viên mà thất tình vì một chàng trai của cái xứ kỳ bí này không?
 
Té ra là tôi đã vướng vào đường yêu thật rồi chớ không lơ mơ như  trước nay tôi tưởng. Đã quen biết nhiều người nhưng có bao giờ tôi bị như thế nầy đâu.
 
Bổng nhiên tôi đâm ra mừng. Mừng vì trái tim chưa chai. Nó vẫn còn biết yêu, ghét, vui, buồn. Nó còn biết cái thú đau thương của hạnh phúc. Tôi mừng mà đau, mừng mà tuyệt vọng.
 
Nhưng tôi chịu bó tay dễ dàng như vậy hay sao? Phải tìm hiểu cho ra lẽ. Tại sao anh ta có vợ rồi mà còn lừa dối tôi, bộ thấy tôi có chút nhan sắc rồi định gạt gẩm chắc. Lầm to rồi. Tôi không phải là con cừu non đâu.
 
Mà nghĩ cho kỹ, anh ta cũng chưa làm điều gì quá đáng. Chỉ là những cái liếc mắt, những câu nói bóng gió xa xôi hay cao lắm là có cầm tay tôi một đôi lần chớ chưa làm điều gì để tôi thất thoát lớn . May mà còn kịp để thắng lại một cuộc tình đang đà tuột dốc. Tính lại, anh ta cũng chưa phải là  “ phân nữa của mình “ thì dại gì buồn, buồn chi cho khô héo đời hoa. Trên đời nầy còn thiếu gì người xứng đáng hơn anh ta, bộ anh ta tưởng mình là tiên sa, phụng lộn gì chắc. Thôi kệ! Rủi mà may, buồn mà mừng.
 
Nghĩ tới đây,  lòng bỗng thấy phấn chấn hẳn lên. Lấy lại được bình tĩnh, tôi lục lọi trong bóp lấy ra cái kiếng nhỏ kiểm tra lại nhan sắc, thấy yên tâm, tôi quay vào.
 
- Mỹ Duyên! Nãy giờ cô đi đâu làm tôi kiếm hết hơi. Cô có mệt thì tôi đưa về phòng nghỉ. Thanh Kỳ nói với giọng đã hơi rè.
 
- Em đi được. Cám ơn anh.
 
Tôi bước vội ra con đường mòn quanh co dưới hai hàng trúc, bỏ lại sau lưng tiếng cười đùa vui vẻ, vô tư. Tôi phải về sớm để gậm nhấm nỗi buồn đang đè nặng trong lòng mà không biết tỏ cùng ai.
*
*  *
 
- Mọi người đâu hết rồi Mai Liên?
 
- Chưa dậy. Đêm qua hợp mặt vui lắm sao anh không tới?
 
- Đi gì được mà đi. Bận tối mắt tối mũi. Tiền Giang có ai qua không?
 
- Ba người.
 
- Đâu hết rồi?
 
- Còn ngủ.
 
Tôi bật ngồi dậy khi nghe giọng nói quen thuộc ở phòng ngòai. Trái tim đánh thình thình. Đêm  qua trằn trọc hoài mới chợp mắt được một  chút. Nhìn vào gương, hai con mắt thâm quầng, tóc tai bùi nhùi, mặt mày phờ phạc. Tệ quá! Đúng là gương mặt của kẻ thất tình. Tôi nằm xuống nghĩ ngợi miên man. Anh ta đi từ lúc nào mà có mặt ở đây vào giờ nầy. Gặp anh ta mình sẽ nói câu gì? Không.! Không cần nói gì cả. Còn gì nữa mà nói.
 
- Cộc..Cộc..Chị Duyên ơi! Có người cần gặp.
 
- Ờ. Chờ chút.
 
- Nhanh nha chị.
 
Tôi luống cuống trang điểm. Không muốn xuất hiện với gương mặt sầu héo. Việc gì phải tỏ ra cho họ biết mình thất trận. Có điên mới cho người ta biết mình đang đau khổ vì họ. Trang điểm xong xuôi, tôi chậm chạp mở cửa.
 
- Em !
 
Anh ta đứng chắn nơi cửa phòng, kêu lên mừng rỡ. Tôi đưa ánh mắt lãnh đạm nhìn, hỏi giọng lạnh lẽo:
 
- Anh mới tới à?
 
- Ờ. Em đi đường có khỏe không?
 
- Khỏe.
 
- Em tới hồi nào?
 
- Hôm qua.
 
- Mình đi ăn sáng đi em. Anh ta cố kiên nhẫn.
 
- Tôi không đói.
 
Không nén nổi, anh nhìn tôi trân trối:
 
- Mỹ Duyên! Sao bữa nay em lạ vậy? Hay là em…
 
- Em sao? Tôi nghênh mặt thách thức.
 
- Em giận anh phải không?
 
- Không dám giận đâu. Tôi mím môi và nhìn sang chỗ khác, cố kềm  cho nước mắt đừng trào ra.
 
- Ơ kìa! Anh ta nhìn tôi lo lắng, mạnh bạo cầm tay tôi lôi đi. Ra đây nói anh nghe coi việc gì vậy?
     
Tôi không muốn đi theo chút nào nhưng đứng lại mà khóc ở đây thì nguy quá, đành gượng gạo bước theo.
 
- Sao? Việc gì nói anh nghe coi. Anh ta nóng lòng hỏi khi tôi vừa ngồi xuống ghế trong quán cà phê.
 
- Không có gì cả. Giọng tôi ấm ức.
 
- Thôi! Đừng dấu anh. Nếu không thương  thì nói thiệt đi, đừng đối với anh như vậy, anh khổ lắm.
 
- Không dám thương đâu . Vợ anh sanh con trai hay con gái ? Tôi đột ngột hỏi với giọng đầy mai mỉa.
 
- Vợ nào?
 
- Vợ anh chớ vợ nào?
 
- Vợ..a..anh? Ai..nói..ói..với..ới… em. Anh ta bỗng cà lăm.
 
- Thanh Kỳ chớ còn ai nữa.
 
- Cậu  ấy nói..ói sao..ao..?
 
- Còn hỏi cơ cầu nữa. Nước mắt tôi trào ra, tuôn rơi như mưa Ngâu.
 
Á…à..ha..ha.. Bỗng nhiên anh ta cười, giọng cười thật khó ưa. Dường như những kẻ gạt gẫm thường có giọng cười như vậy chắc. Hà…hà… Anh ta tiếp tục cười như chưa bao giờ được cười.
 
Tôi bực bội đứng dậy, bước nhanh ra khỏi quán. Không thể chịu đựng thêm giây phút nào nữa. Thật là tàn nhẫn, vô lương tâm.
 
Anh ta chạy theo tôi, bất kể dòng người đang xuôi ngựơc trên đường, anh vừa chạy vừa kêu:
 
- Duyên! Nghe anh nói đây!
 
Tôi vẫn nhanh chân bước, không muốn nghe tiếng gọi tình yêu ở phía sau.
 
- Duyên! Đứng lại coi.
 
Đuổi kịp được tôi, anh chụp bàn tay, nói oang oang:
 
- Em lầm rồi. Không phải anh nuôi vợ đẻ đâu, thiệt mà…
 
Mấy người khách đi trên đường dừng lại nhìn chúng tôi tò mò. Mặc kệ ai nhìn cứ nhìn, anh vẫn tiếp tục phân bua:
 
- Thanh Kỳ ghẹo em đó.Tại em chưa biết tiếng cậu ấy, chuyên môn phá đám người khác. Anh có nuôi đẻ nhưng không phải người ta…
 
-  Vậy chớ nuôi  thứ gì? Tôi tức tối nạt ngang.
 
- Trời ơi! Heo đẻ ông ơi. Khổ quá! Con heo của anh nó đẻ mười hai trự. Canh cho nó bú hai ngày nay muốn lòi con mắt  đây. Ông Thanh Kỳ nầy thiệt tình…hà..hà..Hèn gì, thấy sắc mặt là nghi rồi.
 
Tôi nửa tin nửa ngờ nhưng nghe giọng nói, tiếng cười của anh không thể không tin được.
 
- Quay lại quán uống hai ly sữa hồi nãy rồi anh kể cho nghe chuyện heo đẻ, hấp dẫn lắm em ơi!
 
- Xí…í.. Làm như chuyện gì lạ lắm vậy.
 
- Hà..hà.. Không lạ sao được. Mười hai con heo giống loại mới nhập của Pháp đàng hoàng. Con nào con nấy phê phê. Tám con cái, bốn con đực, mừng còn hơn ai cho vàng mà em nói không lạ à. Lo hội nghị nầy xong, em lên nhà anh xem cho biết.
           
Anh nói với vẻ hồ hởi kỳ lạ. Không biết hồ hởi vì mười hai con heo giống hay vì nhìn gương mặt tôi không còn căng như lúc đầu.  Bây giờ nhìn kỹ mới thấy anh đen và gầy hơn trước. Đôi mắt sáng sâu hoắm, mệt mõi, hai gò má nhô cao, nhọn hoắc. Tim tôi bổng mềm như cọng bún, nhưng vẫn cố giữ giọng  sắt thép:
 
- Bộ ở nhà không ai phụ sao cực dữ vậy?
 
- Ai đâu mà phụ. Bà già anh đau yếu hoài, thằng em thì bận đi học, một mình lu bu quá mà anh lại muốn thử nghiệm mấy giống heo mới để nhân giống cho bà con nuôi. Công chuyện như vậy mà neo đơn muốn chết luôn.
 
- Sao không biểu vợ lo? Tôi cắc cớ hỏi.
 
Anh nhìn tôi cười cười:
 
- Vợ chưa cưới mà lấy ai biểu. Ờ, hay là em tới phụ anh ít bữa.
 
- Không dám đâu. Hồi nào giờ ai biết nuôi heo nuôi quéo gì?
 
- Không biết thì bây giờ tập. Dầu gì cũng là kỹ sư nông nghiệp như ai. Phải biết trồng trọt, chăn nuôi chớ nói miệng suông ai nghe. Mà điều.. nói vậy chớ..Anh nhìn quanh quất rồi đưa tay tôi lên mũi, giọng âu yếm:  “ Bàn tay nầy để nuôi anh hay hơn”
 
- Ối! Anh này kỳ ghê.Tôi rút tay về, nghe nóng ran ở má. Đàn ông khi yêu, dường như họ không thấy người chung quanh thì phải.
              
Chúng tôi sánh vai nhau trở lại hội nghị. Anh huyên thuyên hết chuyện nọ đến chuyện kia. Sao hôm nay anh nói nhiều vậy không biết. Anh nói về vườn bắp lai, về bầy heo giống , hấp dẫn đến nổi tôi phải chăm chú nghe và muốn được tham quan học hỏi.
*
*    *
 
Ở băng trước, Thanh Xuân tựa đầu lên vai Quang ngủ mê mệt. Không biết cô ả ngủ thật hay giả vờ, nhưng trên gương mặt lộ rõ nét vô tư yêu đời. Những kẻ đang yêu chắc lúc nào cũng mơ màng, chập chờn nữa tỉnh nữa mê như người say xỉn, Tôi bổng buồn cười với ý nghỉ của mình, buột miệng kêu:
 
-  Quang ơi! Cái thuở mới yêu chắc người ta hay ngủ gà ngủ gật lắm hả?
 
- Thì yêu đi, biết liền hà. Bữa nay chị hết làm biếng yêu chưa?
 
- Chưa.
 
- Thiệt hôn?
 
- Hổng lẽ xạo.
 
- Xạo chớ còn gì nữa. Thanh Xuân bỗng kêu lên the thé. Nghe người ta nuôi đẻ, cái mặt xanh lè như tàu lá chuối. Hí hí.. lại còn vừa đi vừa khóc nữa chớ. “Trời ơi! Em lầm rồi. Anh có nuôi vợ đẻ hồi nào đâu?” Hi..hi..
 
Môi tôi nở nụ cười hình trái ấu. Loại nụ cười của người gian dối bị bắt gặp quả tang. Tôi giả vờ nổi sùng:
 
- Thì ra mấy người dòm ngó chuyện riêng tư  của người khác phải không? Thằng Quang coi chừng tao nghen mậy. Chuyện nầy chắc có bàn tay mầy nhúng vô phải không?
Hí..hí..hà..hà..Tiếng cười trong trẻo vang lên trong nắng sớm mai khiến cuộc đời thêm rộn rã. Tôi làm thinh, không nói tiếp câu nào, lặng lẽ nhìn ra cảnh vật hai bên đường, bỗng thấy yêu từ buôi cây, gốc cỏ của quê hương nầy. Cám ơn quê hương Thất Sơn sản sinh ra người con trai đã làm cho tim tôi biết rung động trước thiên nhiên và tình yêu con người. Tôi là đứa chúa chây lười, vô tâm vô ý, kiêu căng tự phụ, từ nay có anh, tôi tin rằng tôi sẽ tốt đẹp hơn lên.
  
 
“  Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nổi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn…” Tiếng hát của Nhã Phương phát ra từ băng nhựa khiến lòng tôi man mác.
 
Từ nay, tuy ở hai đầu nỗi nhớ nhưng tôi không còn e ngại năm non, bảy núi, sẽ đến với Thất Sơn bằng con tim của mình, vì đó là quê hương thứ hai của người yêu  “chính  thức” của tôi, một kỷ sư nông nghiệp giỏi của An Giang. 
1/1/2005
Kim Quyên
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...