Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Trào lưu di dân Nam tiếnXXXX

Trào lưu di dân Nam tiến

Theo các sách cổ Hán văn có ghi từ những kỷ nguyên trước công nguyên, ở phương Nam Trung Hoa ngày nay có một giống người có tục vẽ mình, phân chia thành nhiều bộ lạc mà sử gia La Hương Lâm (Trung Hoa) đã kê cứu: Ô Việt, Âu Việt, Mân Việt, Dương Việt, Sơn Việt, Nam Việt, Lạc Việt, Tây Âu Việt, Việt thường, Đan Việt, Đằng Việt, Điền Việt, Việt Tủy, Cứu Việt, Dạ lang, Quì Việt ... mà gọi chung là Bách Việt.

Hơn hai ngàn năm trước Việt tộc đã một thời bá chủ từ miền Nam sông Dương tử trở xuống mà sách sử gọi là nước Xích-quỷ, phía Bắc giáp Động đình hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp biển Nam Hải.
Nhưng với sự bành trướng của các bộ tộc phương Bắc, các bộ lạc Bách Việt hoặc bị tiêu diệt dần, hoặc phải tràn xuống phương Nam, rải rác theo bờ miền biển và lục địa như Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Lĩnh Nam, ở đó họ hỗn hợp với thổ dân bản xứ mà lập thành các bộ lạc lớn, thôn tính số bộ lạc linh tinh (Bách Việt), một ngày một thu lại, chỉ còn năm nhóm Việt tộc có hình thức quốc gia là Đông âu-Việt ở Ôn Châu, Mân Việt ở Phúc Châu, Nam Việt ở Quảng Châu, Tây âu-Việt và Lạc Việt ở phía Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Trong nhóm Bách Việt, một ngành thiên di xuống phương Nam, khiến cho dân tộc ấy trở nên một dân tộc có thể bảo tồn được tính chủng tộc nguyên thủy, chưa bị di dân Hán tộc đồng hóa dung hòa, do điều kiện thuận lợi của tình thế địa lý. Đó là nhóm Lạc Việt, tổ tiên trực tiếp của dân tộc Việt Nam.
Cho nên trong khoảng bốn năm, từ năm 211 đến 214 trước công nguyên, nó có thể chống cự với quân nhà Tần. Mà từ khi Hán Vũ đế diệt nhà Triệu (111 trước công nguyên) trở về sau, Việt Nam tuy lệ thuộc vào Trung Hoa hơn 1000 năm, thấm nhuần văn hóa Hán tộc, nhưng không bị Hán tộc đồng hóa và thu hút, kết cục vào thế kỷ thứ X nó thoát ly Trung Quốc đứng độc lập.
Đấy là bước đầu Nam tiến của Việt tộc trong hệ thống Bách Việt, ở đây Lạc Việt đã tổ chức thành quốc gia phong kiến đơn sơ, các bộ lạc ở dưới quyền tù trưởng Lạc tướng, Lạc hầu.
Nhưng sau khi Hán tộc đã chiến thắng Việt tộc ở Giao Chỉ và mặc dù bao phen nổi dậy với tiếng gọi giống nòi của họ Trưng, họ Triệu, họ Mai, họ Phùng thì Việt Nam đã lệ thuộc vào Trung Hoa hơn một ngàn năm (ngẫm nghĩ thật buồn!). Mãi đến họ Ngô thế kỷ thứ mười mới thoát ly khỏi ách đô hộ của Hán tộc để trưởng thành là một quốc gia độc lập như ý muốn của dân tộc, tự do khai phóng theo tinh thần dân tộc. Nhưng để tồn tại với dân tộc tính, Lạc Việt không chịu đồng hóa vào Hán tộc thì phải mở đường Nam tiến xa hơn nữa, xuống phía Nam theo bán đảo Đông Dương, theo bờ biển và dãy núi Trường Sơn, như lời khuyên của Trạng Trình: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Đó là điều kiện sống còn của dân tộc muốn bảo tồn dân tộc tính, và đó cũng là vận mệnh lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ thứ X cho đến nay trải qua mấy triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đổ bao xương máu để tranh thủ lấy một chút nghĩa sống trên mặt đất.
Sơ lược về nước Chiêm Thành
Trong khi Việt tộc bị đô hộ trên đất Giao Chỉ và Cửu Chân, sau khi họ Trưng thất bại, thì ở miền Trung nước ta ngày nay, Chiêm tộc quật khởi, xây dựng quốc gia hiệu là Lâm-ấp, thoát ly ảnh hưởng Hán tộc, theo văn hóa xã hội, chính trị pháp chế của Ấn-Độ. Cuộc vận động độc lập đó trải qua bốn thời kỳ từ 100 đến 192. Từ khi Chiêm độc lập, vì đất nước eo hẹp, một bên là núi, một bên là biển, thiếu đất đai phì nhiêu để cày cấy, cho nên luôn ngó lên các châu phương Bắc như Nhật Nam, Cửu Đức, Giao Châu và không ngớt đòi đem quân lên xâm chiếm. Sau đó, Chiêm chiếm lấy huyện Thọ Linh nay là Thừa Thiên.
Từ 347 đến đầu những năm 800, Chiêm tộc luôn tấn công lên các châu phía Bắc.
808, nhà Đường đem quân tấn công, Lâm-ấp lui về phương Nam, vào Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ, và đổi quốc hiệu là Chiêm Thành từ đó.
Ta chiếm đất Chiêm Thành
Việt tộc lập quốc trong điều kiện khó khăn nguy hiểm bội phần so với Chiêm tộc. Phía Bắc phải đương đầu với Hán tộc, phía Tây phải tranh thủ với một đối phương chẳng kém hùng mạnh là Thái tộc mà đại biểu là Nam Chiếu, Đại Lịch từ Vân Nam tràn xuống, liên kết với dân Mán, Mường miền Sơn Động, từng chiếm cứ miền Bắc hàng mười năm.
Nhà Đinh: Ngay sau khi Đinh Tiên Hoàng mới thống nhất sơn hà, mà nước đã bị quấy. Nguyên là, Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp 12 sứ quân mà trong số ấy có Ngô Nhật Khánh. Nhật Khánh là dòng dõi Ngô Quyền. Bấy giờ y còn trẻ. Vua Đinh lấy mẹ y làm hậu, đem em gái y gã cho con trai mình là Liễn và gã con gái mình cho Nhật Khánh. Tuy vậy, Nhật Khánh vẫn oán, bàn chạy vào Chiêm Thành. Cuối năm Kỷ Mão (979), Nhật Khánh đưa hơn nghìn thuyền Chiêm về đánh kinh đô Hoa Lư. Chẳng may, khi vào bể Đại-ác và Tiểu-khang (thuộc hải phận Ninh Bình Nam Định ngày nay) thuyền bị bão chìm. Quân Chiêm tan và Nhật Khánh cũng bị chết. Đây là cuộc nam phạt đầu tiên trong lịch sử độc lập của các vua ta. Chiêm Thành vì đó phải kinh sợ, nhún nhường.
Nhà Tiền Lê: Vua Lê Đại Hành sau khi phá được nhà Tống, định sang đánh Chiêm Thành, vì lúc vua lên ngôi có sai sứ sang Chiêm bị vua Chiêm bắt giam sứ, nên sang đánh báo thù. Quân vua Đại Hành sang chiếm giữ được kinh thành nước Chiêm và bắt được người, lấy được của rất nhiều, nhưng không hề nghĩ đến việc mở mang bờ cõi. Từ đó Chiêm Thành phải sang triều cống nước ta.
Nhà Lý: vận mạng của Việt tộc chỉ bắt đầu được củng cố vững vàng từ đây với võ công oanh liệt của Lý Thường Kiệt, phía Bắc tấn công lên đất Tống, phía Tây chinh phục họ Nùng của nước Đại Lịch, phía Nam uy phục được Chiêm Thành. Điều đó được thể hiện rõ từ thời vua Lý Thánh Tông, muốn giữ thế quân bình với thế lực phương Bắc, thì phải tổ chức đất nước thật vững chắc để cân bằng với phương Bắc. Ngược lên phương Bắc lấy lại bờ cõi xưa kia thì rất khó khăn, tuy vừa mới nhất thời thắng được Tống ở châu Khâm, châu Liêm, nhìn sang phương tây thì rừng núi hiểm trở, lại vướng thế lực của Đại Lịch (họ Nùng) cũng đang nhòm xuống phương nam, nhất là đồng bằng miền Bắc Việt Nam. Vậy chỉ còn một đường sinh tử là mở đường Nam tiến.
Vào những năm đầu của nhà Lý, trong khoảng 16 năm, Chiêm Thành không hề cống hiến gì ta nữa. Mùa hè 1043 còn sang quấy rối ven bể. Vì thế, 1044, vua Lý Thái Tông mới có cuộc thân chinh. Chuyến ấy ta vào sâu trong nước, giết chúa là Sạ Đẩu, bắt 30 voi, 5000 người và chém giết đến 3 vạn người. Tháng bảy năm ấy, vua Lý kéo quân vào kinh đô, bắt rất nhiều cung nhân, nhạn nữ. Sau cuộc đại này, Chiêm Thành kính nể ta rất nhiều và theo lệ cống hiến đều đều. Và cũng như nhà Tiền Lê, Lý Thái Tông cũng không nghĩ đến việc mở mang bờ cõi.
Đến thời Lý Thánh Tông, cái ý chí Đại Việt được thể hiện rõ. Thánh Tông là một ông vua không những nhân mà còn dũng. Lý Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc muốn mở mang bờ cõi, muốn có danh ngang với một thiên tử. Vua đặt quốc hiệu là Đại Việt (1054), tôn các vua trước là Thái Tổ, Thái Tông, coi các nước nhỏ là chư hầu, và muốn ngăn cấm Chiêm Thành thần phục Tống. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt làm đại tướng quân và đi tiên phong. Lý Thường Kiệt tiến thẳng vào đất Chiêm, thắng trận Nhật Lệ, rồi trận Tu Mao, cùng vua Lý Thánh Tông tiến vào kinh thành, nhưng vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman III) đã trốn thóat. Nhưng sau đó cũng bắt được vua Chiêm. Chế Củ xin dâng ba châu để chuộc tội, là châu Địa Lý, châu Ma Linh và châu Bố Chính. Thánh Tông lấy ba châu và tha vua Chiêm về nước.
1075 vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt vào kinh lý, vẽ lại địa đồ hình thế, đổi tên châu Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh. 1103 Chiêm Thành khôi phục lại ba châu đã mất, Lý Thường Kiệt phải đem quân vào lấy lại, lúc này ông đã ngoài tám mươi. Sau đó Chiêm nhiều lần quấy nhiễu nhưng đều thất bại.
Nhà Trần: 1252, Chiêm Thành lại đem chiến thuyền vào cướp biên giới và sai sứ cầu xin lại đất đã dâng. Vua Trần Thái Tông thân chinh đi đánh, bắt được vương phi là Bố Gia La rồi trở về. Năm 1301, vua Trần Nhân Tông gã công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân để kết thân tình, Chế Mân dâng sính lễ là hai châu Ô, Lý. 1307, vua Trần Nhân Tông đổi tên thành Thuận Châu và Hóa Châu, chiêu dụ cư dân, chia ruộng đất cho cày cấy.
Nhưng không bao lâu thì Chế Mân chết, Huyền Trân bị cướp trở về. Sau đó vua Chiêm kế vị là Chế Chi bị Trần Anh Tông lừa bắt đem về rồi chết ở Gia Lâm, từ đó Chiêm Việt thù oán mãi.
Chiêm tộc quật khởi lần cuối
Nhà Trần từ vua Dụ Tông trở đi bắt đầu suy nhược, mà Chiêm có vua anh dũng là Chế Bồng Nga ra sức tập trận, luyện binh nhằm đánh Việt Nam trả thù rửa hận. Từ 1367, quân Chiêm nhiều lần đánh thắng quân nhà Trần.
1376, quân Chiêm sang đánh phá ở Hóa Châu, vua Duệ Tông thân chinh đi đánh, mặc dù đình thần hèn nhát cố can.
1377, vua Duệ Tông tử trận tại thành Đồ Bàn, tướng sĩ chết rất nhiều, quân ta thua to.
1378, Chiêm Thành đánh vào Thăng Long.
1380, quân Chiêm lại sang phá ở Thanh Hóa, Nghệ An, bị Lê Quý Ly đánh đuổi được. Nhưng sau đó, quân Chiêm vẫn nhiều lần sang quấy phá.
1384, Chế Bồng Nga bị tướng nhà Trần là Khát Chân phục kích giết ở Hưng Yên. Từ đó, Chiêm Thành mới nhụt bớt nhuệ khí, trong nước lục đục, hai con Chế Bồng Nga phải sang hàng nước Việt Nam, đều được phong hầu.
Nhà Hồ: bước sang thế kỷ XV, tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, vua Chiêm phải dâng đất Chiêm Động, Cổ Lũy (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi) để bãi binh. Triều đại nhà Hồ chỉ tồn tại vỏn vẹn chưa đầy 7 năm (1400-1407) nhưng lại là triều đại có lắm chuyện rất đáng lưu tâm.
Đến lúc này lịch sử chiếm lĩnh Chiêm Thành đã qua ba thời kỳ: thời kỳ thứ nhất, vua Lý Thánh Tông (1069) chiếm lĩnh châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính là đất Nhật Nam xưa thuộc Tàu, thời kỳ thứ hai, vua Trần Anh Tông (1306) thu nhận châu Ô, châu Lý cũng không phải là lãnh thổ Chiêm Thành xưa, thời kỳ thứ ba Hồ Hán Thương (1402) chiếm Chiêm Động và Cỗ Lũy là đất cũ Chiêm Thành.
Như vậy là từ thế kỷ X đến XV, theo dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) vào đến Bình Thuận, Việt Nam đã mở rộng lãnh thổ của mình xuống 3/5 lãnh thổ Chiêm Thành. Nhưng từ 1069 đến 1400 nước ta lấy 5 xứ của Chiêm Thành mà chưa thấy kinh lý như đất của mình, quốc thổ tuy mở rộng nhưng không nghĩ đến di dân khai khẩn, chỉ cho mấy đạo binh đến đóng đồn phòng ngự như thể bảo hộ, mỗi năm thu thuế và thúc dân bản xứ phải triều cống vua mình. Xem ra nước ta khi trước không phải vì mục đích di dân chiếm đẩt Chiêm Thành mà là vì cái chủ nghĩa đế bá muốn bắt các nước nhỏ bên cạnh mình thần phục, "tiểu sự đại" nhưng "đại" cũng có trách nhiệm với "tiểu".
Chính sách di dân của Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu với họ Hồ. 1402, Hồ Hán Thương cho làm con đường thiên lý từ Thanh Hóa chạy đến Hóa Châu, lấy đất Chiêm Động, Cổ Lũy phân ra bốn châu đặt ra chức An Phủ Sứ Lộ Thăng Hoa để cai trị, dời dân có tiền, có sức mà thiếu ruộng cày vào đó. Những dân đó tuy vào lập nghiệp khẩn hoang nhưng cũng thúc vào quân ngũ, hễ khi có việc thì đi đánh giặc, khi không việc quân thì lui về làm ruộng.
Họ Hồ không chỉ mở đạo lộ mà còn mở thủy lộ trên lục địa để tiện đường vận chuyển giao thông. 1404, Hồ Hán Thương cho đào một con sông từ Tân Bình đến Thuận Hóa. Như thế đủ thấy tầm vĩ đại về sự khai khẩn quốc thổ của nhà Hồ.
Đất Thuận Hóa này về sau đã trở thành một địa điểm hậu cứ trọng yếu để Lê Thái Tổ sử dụng đánh nhà Minh, như lời Mộc Thạnh tuyên bố với Trương Phụ: "Hóa Châu núi cao sông rộng chưa dễ đã lấy được", Trương Phụ cũng nói: "Ta có làm người được cũng ở đất Hóa Châu, mà nếu làm ma cũng ở đất Hóa Châu, Hóa Châu mà không lấy được thì còn mặt mũi nào về gặp chúa thượng". Qua những lời nói ấy của các đại tướng nhà Minh, chúng ta có thể suy đoán mất Hóa Châu Chiêm Thành khó lòng mà giữ được nước, mà việc Nam tiến của dân tộc Việt cũng là cái kế bảo tồn dân tộc đối với đế quốc phương Bắc hùng cường.
Nhà Lê: lợi dụng nước ta vừa trải qua cuộc kháng chiến với nhà Minh, Chiêm Thành đem quân vào đánh phá. Nào ngờ Việt tộc lại sớm phục hưng với nhà Lê. Và nhà Lê từ thời Lê Thái Tông năm 1434, 1444, 1445, Chiêm Thành được lòng nhà Minh lại đánh cướp Hóa Châu nhưng bị quân ta đánh bại. Đến thời Lê Thánh Tông vào năm 1470 Chiêm Thành đem 100.000 quân đánh Thuận Hóa. Lần này, 1471, vua Lê Thánh Tông sắp đặt một trận đại quy mô để quyết tâm làm cho Chiêm Thành kiệt quệ. Thắng trận Đồ Bàn (hay còn gọi là Trà Bàn), kinh đô của Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm, vua Lê Thánh Tông lấy tất cả đất đai từ Thạch Bi Sơn (tỉnh Phú Yên) về phía Bắc lập thành Thừa Tuyên Quảng Nam, đặt phủ, huyện, ra lệnh khắc bia trên núi gọi là núi Đá Bia. Còn bao nhiêu đất đai của Chiêm Thành còn lại (1/5) vua chia thành ba nước nhỏ là Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Phan cho tướng Chàm làm chúa.
Đến lúc này ta có thể thấy: từ khi dành được độc lập chủ quyền, người mở đầu cho công cuộc Nam tiến của dân tộc là vua Lý Thánh Tông cùng với những chiến công oanh liệt của Lý Thường Kiệt, tạo tiền đề cho các triều đại sau. Tiếp theo là Trần Anh Tông mở rộng quốc thổ đến châu Ô, châu Lý. Đến nhà Hồ, với chính sách di dân, khai khẩn quốc thổ, mở rộng đạo lộ cũng như thủy lộ, rất đáng lưu tâm. Đến thời vua Lê Thánh Tông, đã làm cho Chiêm Thành suy yếu thật sự, không còn khả năng tấn công, quấy phá nước ta. Từ nhà Đinh đến nhà Lê công cuộc Nam tiến là vận mệnh lịch sử của dân tộc để bảo tồn dân tộc tính, để không bị đồng hóa bởi Hán tộc, dân tộc ta phải đổ biết bao xương máu để tranh một chút nghĩa sống trên mặt đất. Công cuộc Nam tiến đó sau này trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mở rộng quốc thổ từ Nam Quang cho đến mũi Cà mau: Nam tiến với nhà Nguyễn.
Khách quan mà nói thì nhà Nguyễn, đặt biệt là các chúa Nguyễn, đã có nhiều công với dân tộc, mà công lao lớn nhất có thể là công đã mở rộng quốc thổ về phương Nam.
Với bia khắc trên đỉnh núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn ở Tuy Hòa (Phú Yên), tưởng như cuộc xung đột Chiêm Việt chấm dứt từ đây mà con đường Nam tiến của dân tộc Việt cũng dừng. Nào ngờ xảy ra việc Trịnh Nguyễn phân tranh trong lịch sử Việt Nam, vua Lê chỉ còn hư vị tượng trưng cho đơn vị dân tộc thống nhất bất phân, Chúa Nguyễn vào Nam, Chúa Trịnh đất Bắc. Nhưng chính có cuộc phân tranh ấy mà cuộc Nam tiến càng được thúc đẩy.
Năm Chính Trị thứ nhất triều Lê ánh Tông (1558), Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, những người làng Tống Sơn cùng với quân lính Thanh Nghệ đem cả gia đình đi theo. Về sau mỗi khi ra đánh phương Bắc thì dân Nghệ Tĩnh lại theo vào khai khẩn đất ở phương Nam, sinh sống ở đất Chiêm Thành. Dần dần Thuận Quảng trở thành một cõi cường thịnh.
Trước khi mất, Nguyễn Hoàng năm 1613 có trối lại Hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên rằng: "Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Linh Giang hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và Thạch Bi vững bền. Núi sẵn vành sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân chúng luyện binh để chống chọi với Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta".
(Đại Nam thực lục tiền biên)
Như thế Nguyễn Hoàng quyết chí mở đất ở miền Nam, dựng cơ sở để thống nhất sơn hà, đánh đổ họ Trịnh ở phía Bắc. Khi trước vua Lê Thánh Tông đã cắm biên giới phía Nam tại Tuy Hòa, đến Cù Mông mà thôi. Từ Tuy Hòa trở xuống còn là đất của Chiêm Thành. Năm 1578 Nguyễn Hoàng đã lấy đất Phú Yên. Nhưng năm 1653 vua Chiêm Thành Ba Tầm lại đem quân quấy nhiễu nên chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) sai Hùng Lộc vào dẹp, tiến quân qua Thạch Bi Sơn, lấy đất đến Phan Rang làm giới hạn, mở thêm hai phủ Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh). Chúa cho Hùng Lộc trấn giữ, bắt Chiêm Thành giữ lệ cống. Đến năm 1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn Phúc Chú sai tổng binh Nguyễn Hữu Kính đi đánh, bắt được Bà Tầm về Phú Xuân. Chúa đặt Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, đặt quan cai trị, rồi lại đổi thành Bình Thuận, cho thân thuộc Bà Tranh làm chức Khám lý, ba người con làm Đề đốc, lại bắt thay đổi y phục theo Việt Nam để phủ dụ dân Chiêm. Đến 1696 chúa lại đặt phủ Bình Thuận, lấy nốt Phan Rang, Phan Rí của Chiêm đổi thành huyện Yên Phúc và Hòa Đa. Từ đấy nước Chiêm Thành mất hẳn, tuy vẫn còn vua Chiêm nhưng vô quyền.
Tuy lấy xong nước Chiêm Thành, nhưng công việc Nam tiến của Việt Nam chưa xong, vì xứ Trung không có đất phì nhiêu đủ cho một nước nông nghiệp thịnh vượng để đương đầu với chúa Trịnh ở phía Bắc. Cho nên đồng bằng lưu vực sông Cửu Long là mục tiêu cho chúa Nguyễn bấy giờ dựng nước.
Nam phương đây là đất Chân Lạp, một nước thịnh vượng, từ thời Lý đã cho sứ thần ra cống ở Thăng Long. Chân Lạp đất rộng người thưa, là mục tiêu mà chúa Nguyễn hướng đến. Vì thế, nên khoảng thế kỷ XVII, chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên 1613-1635) đã kết thân với vua Chân Lạp bằng cách gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey-Chetta II (1618-1626), và vua Chân Lạp đã phong bà là Hoàng Hậu. Từ năm 1623, sứ thần từ Huế đến Chân Lạp, đem theo lễ vật trọng hậu dâng lên vua Chân Lạp, để nhân danh chúa Nguyễn xin phép cho dân Việt Nam được làm ruộng và buôn bán trên đất mà ngày nay là Sài Gòn, và bấy giờ là miền cực nam của Chân Lạp. Bà Hoàng Hậu can thiệp với vua để sự thỉnh cầu ấy được nhà vua ưng thuận, và vua Chey-Chetta kết cục đã ưng thuận.
Đây là chính sách ngoại giao thân thiện. Chính sách này mở đầu cho việc di thực của dân tộc vào Chân Lạp thành công mỹ mãn.
Ngoài ra lại còn những cơ hội thuận lợi đưa đến, như nội bộ Chân Lạp trong giới lãnh đạo lục đục, lại thêm phía Tây bị quân Xiêm luôn luôn đe dọa muốn thôn tính, khiến cho phải cầu viện sự bảo trợ của Việt Nam, và đây là chính sách viện trợ quân sự.
Đã hai lần, Chân Lạp đã nhờ viện trợ quân sự của chúa Nguyễn để đẩy lùi các cuộc xâm lăng của quân Xiêm vào năm 1621 và 1623.
Năm 1642, một người con của Chey-Chetta II là Hoàng tử Chan đã giết vua Ang Non để lên ngôi vua, sau đó lấy một người vợ Mã Lai, cùng theo đạo Hồi của vợ.
Trong thời gian này, tại Chân Lạp có rất nhiều người Chiêm và Mã Lai đến sinh sống, từ Chiêm Thành chạy qua để trốn giặc giã. Vì vua Chân Lạp theo đạo Hồi, nên nhóm người này được ưu đãi. Điều này đã gây bất bình trong Hoàng tộc cũng như dân chúng. Theo lời khuyên của Hoàng Thái Hậu, quả phụ vua Chetta II, họ vận động xin chúa Nguyễn viện trợ. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) nhận lời can thiệp và cử Trấn thủ Trấn Biên Dinh (Phú Yên) thống lĩnh một đạo quân vào Nam để tái lập trật tự. Vua Chân Lạp bị bắt và sau khi được trả tự do đã nhường lại Biên Hòa cho chúa Nguyễn.
Đến năm 1674, vua Cao Miên là Nặc Ông Chân mất, Nặc Ông Non (hay Nặc Ông Nộn) lên nối ngôi. Nhưng Nặc Ông Đài, trong dòng trưởng, vì không được lên trị vì, bèn cầu cứu Xiêm La đánh Nặc Ông Non.
Chúa Hiền lại được Nặc Ông Non xin tiếp viện. Nặc Ông Đài thua trận chạy vào rừng bị chết. Em Nặc Ông Đài là Nặc Ông Thu ra đầu hàng quân ta.
Cũng như chính sách đã thực hiện với Chiêm Thành, chúa Nguyễn đã áp dụng ở Chân Lạp chia hai đất nước để hòa giải. Nặc Ông Thu được phong làm Chánh quốc vương đóng đô ở Long-úc, Nặc Ông Non được phong làm Phó quốc vương đóng đô ở Sài- Gòn.
Đến năm 1679, có quan tướng nhà Minh là Trấn thủ Quảng Tây Dương Ngạn Địch, phó tướng Hoàng Tiến và Tổng binh châu Cao, châu Lôi và châu Liêm (thuộc Quảng Đông) Trần Thượng Xuyên, phó tướng là Trần An Bình không chịu thần phục nhà Thanh, nên đem 50 thuyền, 3000 quân sang xin làm dân Việt. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp mới dung nạp họ, cho bọn Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa, khai khẩn và thiết lập phố phường buôn bán, thuyền buôn của người Thanh, phương Tây, Nhật Bản, Java đi lại thông thương phồn thịnh. Do đó văn hóa Hán thấm nhuần vào đất Đông Phố này (tức Gia Định), thay thế và cạnh trạnh với văn hóa ấn, Chân Lạp. Người Hoa, người Khmer, người Chiêm hợp hóa cả vào dân Việt.
Đồng thời với tướng nhà Minh Dương Ngạn Địch, lại có Mạc Cửu, di dân nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, tránh sang ở Chân Lạp làm chức Oc nha ở đất Sài Mạt trên bờ vịnh Xiêm La, nơi giao thông tấp nập. Ông chiêu mộ dân phiêu bạt đến Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cày, Cà Mau lập thành bảy xã thuộc Hà Tiên. Năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục, chúa Nguyễn phong cho chức Tổng Binh Hà Tiên. Đến khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tích (hay Mạc Thiên Tứ) trấn thủ Hà Tiên, đắp thành lũy chống giữ quân Xiêm, mở rộng thông thương buôn bán, khuếch trương Hán học, giáo háo nhân dân, làm cho Hà Tiên trở nên nổi tiếng ở góc trời Nam hẻo lánh trong vịnh Xiêm La.
Hà Tiên phồn thịnh, trở thành vật thèm muốn của cả Xiêm và Chân Lạp, một bên muốn cướp lấy, một bên muốn đòi lại. Nhưng họ Mạc lựa chọn sát nhập vào triều đình Việt Nam. Cho nên năm 1739, Chân Lạp định chiếm lại Hà Tiên, chúa Võ Vương sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh vua Chân Lạp, Nặc Nguyên bỏ chạy, xin nộp đất cầu hòa. Đất ấy là miền Nam Gia Định, Gò Công và Tân An bây giờ.
Năm 1756, Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên nói với Chúa Nguyễn xin giúp đỡ. Võ Vương sai Thiên Tích đưa Nặc Tôn về Chân Lạp làm vua. Nặc Tôn dâng đất phía bắc sông Bassac tức vĩnh Long, Sa Đéc, Tân Châu, Châu Đốc ngày nay. Nặc Tôn đền ơn Thiên Tích năm phủ, Thiên Tích đều dâng cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn cho sát nhập vào Hà Tiên, dưới quyền họ Mạc bấy giờ từ Cam Bốt cho đến Cà Mau.
Để kết lại, nếu loại ra giai đoạn Bắc thuộc, lãnh thổ Việt Nam có thể tóm tắt như sau:
1. Đời Hùng Vương: Văn Lang (?)
2. Đời An Dương Vương: Âu Lạc (?)
3. Đời Đinh và Tiền Lê: miền Bắc và miền Trung đến đèo Ngang
4. Đời Lý: mở rộng đến Cửa Việt (sông Hãn thuộc Quảng Trị) (1069)
5. Đời Trần: thêm đến đèo Hải Vân (1306)
6. Đời Hồ: đến Quảng Ngãi (1402)
7. Đời Lê: đến Khánh Hòa (1470)
8. Chúa Nguyễn: - hết miền Trung (Phan Thiết) 1697
9. Miền Nam: Lục Tỉnh (1765)
Đến đây, dân tộc Việt đã mở rộng lãnh thổ từ Nam Quang phương Bắc cho đến vịnh Xiêm La.
Nhưng chiếm được đất là một chuyện, còn giữ được đất và có dân lại là chuyện khác. Đấy là cả một chính sách thuộc về khả năng dân tộc. Jules Sion, trong "L'Asie des Mouson - Géographie Universelle" có nhận thấy:
" Mục đích của người Việt không phải đem quân cướp lấy tù binh về làm nô lệ.
Họ không cần bắt nô lệ, họ tự làm lấy. Đối với họ thắng trận không phải là để có người làm mà là để có đất cày.
... Trước khi Việt Nam sát nhập đất Nam kỳ về mình, người Việt đã lập ở đấy những tổ chức, làng mạc, những người di dân đã sống chung với người Miên.
... Những nguời di dân đủ các hạng: dân cày không có ruộng, tù tội, quân cướp bóc muốn chuộc tộị..Cũng có khi chính phủ thu nhập những người đó rồi đưa xuống những miền mới chiếm lãnh, hay lập đồn điền nơi biên thuỳ để phòng bị lân bang tới đánh".
Nhà cổ học Aurousseau, thuộc trường Viễn Đông Bác cổ (ẸF.ẸO), cũng kết luận bài khảo cứu công phu của ông về cuộc di dân vĩ đại của Việt tộc từ sông Dương Tử đến vịnh Xiêm La:
"Những yếu tố, những sức mạnh có thể tiêu diệt được một nước mới thành lập thì đều bị vô hiệu trước sức sống mãnh liệt của người Việt.
Việt tộc chiếm cứ các đồng bằng Bắc Việt ngay từ cuối thế kỷ III trước công nguyên. Xã hội Việt Nam phát triển thịnh vượng tại đây. Lần lần các làn sóng di dân tiếp tục lan xuống phía Nam, để tới một điểm xa nhất trên đường mở rộng quốc thổ mà người Bách Việt khởi từ thế kỷ IV trước công nguyên.
Người Việt tới Trung Việt ngay từ cuối thế kỷ sau, ở đây Chiêm tộc chận họ lại một thời gian khá lâu. Nhưng người Việt vẫn giữ dược các đà phát triển đó như một sức mạnh âm ỉ và sau một cuộc tiến triển, sau nhiều năm chinh chiến, họ đã thắng được Chiêm tộc vào năm 1471 để tiến mãi về phía nam, tới Quy Nhơn cuối thế kỷ XV, tới Sông Cầu 1611, tới Phan Rang 1653, tới Phan Thiết 1697, tới Sài Gòn 1698, tới Hà Tiên 1714. Cuối cùng trong nửa đầu thế kỷ XVIII, người Việt đã hoàn thành cuộc bành trướng của dân tộc và chiếm trọn đất Nam kỳ hiện thời".
Một đặc tính trọng yếu nhất trong cuộc Nam tiến ấy là Việt tộc trước sau vẫn giữ được dân tộc tính thuần nhất Việt Nam đến nỗi người Lào, người Chiêm, người Tàu Minh Hương, người Mên đều Việt hóa. Đại úy Gosselin trong sách "L'empire D'Annam" đứng trước thực trạng ấy cũng phải kinh ngạc: "Hết thảy các sử gia có nhiệt tâm tìm tòi sự thật đều phải công nhận rằng: khi đặt chân lên đất Việt Nam, người Pháp đã phải đụng chạm với một dân tộc thống nhất, thống nhất một cách không thể ngờ được, từ miền Cao nguyên thượng du Bắc Việt cho tới biên giới Cam Bốt, thống nhất về đủ mọi phương diện nhân chủng cũng như chính trị và xã hội ".
Cái dân tộc tính đặc sắc Việt Nam mà các học giả Pháp quan sát tại chỗ đã nhận thấy là thành quả của chính sách di dân khôn khéo có phương pháp đường lối mà Nguyễn Cư Trinh (1715-1767) đã trình bày lên chúa Nguyễn Phúc Khoát trong một bài sớ rằng:
"Từ xưa việc dùng binh chẳng qua là trừ kẻ cầm đầu mà mở mang đất nước. Nay Nặc Nguyên đã hối lỗi nạp đất xin đầu hàng, nếu tìm mãi chỗ giả dối của nó, thì nó chạy trốn. Thế mà từ Gia Định đến thành La Bích đường sá xa xôi không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai nên trước hết hãy lấy hai phủ này để củng cố mặt sau cho hai doanh trại. Nếu bỏ gần cầu xa, e rằng địa hình cách trở, quân dân không tiếp xúc, lấy được tuy dễ mà giữ được thật khó. Năm xưa mở mang Gia Định tất phải trước hết mở đất Hưng Phúc rồi đến Đồng Nai, khiến cho quân dân đông đủ rồi sau đó mới mở đến Sài Gòn. Đó là kế tằm ăn dâu (Tàm thực). Nay đất cũ từ Hưng Phúc đến Sài Gòn chỉ hai ngày đường, dân còn chưa yên ổn, quân giữ cũng còn chưa đủ. Huống chi từ Sài Gòn đến Tầm Bôn xa sáu ngày đường, địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, đóng quân giữ thực sợ chưa đủ. Thần xem người Côn Man giỏi thuật bộ chiến, người Chân Lạp cũng phải e sợ. Nếu cho họ ở đất ấy để họ chống giữ, lấy người Man đánh người Man (dĩ Man công Man) cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất hai phủ ấy uỷ cho phiên thần xem xét hình thế, đặt thành đóng quân, chia cắt ruộng đất cho quân lính và nhân dân, vạch rõ biên giới, cho lộ vào châu Định Viễn để thu lấy toàn khu".
Sông cửu Long giới thiệu để các nhà sử học trao đổi thêm,những bài này không phản ảnh quan điểm của Nhóm chủ trương. 
28/10/2004
Khuyết Danh
Nguồn: Phạm Trung Tùng sưu tầm
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...