Phát hiện nhạc cụ cổ nhất
của nhân loại: Cây sáo cổ tích
Cuối tuần qua, các nhà nghiên cứu của trường ĐHTH Tuebingen
(Đức) đã cho ra mắt hiện vật được coi là nhạc cụ cổ nhất được tìm thấy trong lịch
sử loài người từ trước đến nay. Đó là một cây sáo làm từ ngà voi có niên đại ít
nhất 30.000 năm.
Điều đó cho thấy loài người đã bắt đầu với những nốt nhạc đầu
tiên ngay từ khi Trái Đất còn lạnh lẽo băng giá và người Neandertal vừa chập chững
bỏ tư thế bò bốn chân. Khi ấy thủy tổ của nhân loại đã có cảm hứng với những âm
thanh "cao cấp" hơn là những tiếng nói phát ra từ vốn từ vựng còn khá
hạn chế để trao đổi giao lưu với nhau.
Cây sáo tạc bằng ngà voi dài 18,7 cm này được tìm thấy trong
một hang động tiền sử ở Blaubeuren (miền nam Đức) và mới được các nhà khoa học
dựng lại. GS Nicholas Conrad, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu khẳng định thời điểm
tạo tác ra nhạc cụ này tối thiểu là trước đây 30.000 năm. Với phương pháp đồng
vị phóng xạ carbon, tuổi đời của vật liệu ngà voi để làm cây sáo thậm chí được
xác định đến 36.000 năm.
Từ 1990, cũng tại di chỉ trên người ta đã tìm thấy hai cây
sáo tương tự, chỉ khác là làm bằng xương cánh ngỗng trời và vì thế chúng được
chế tác thành nhạc cụ không khó lắm, vì ống xương vốn đã rỗng lòng.
Ngược lại, để gia công vật liệu ngà voi đặc, đòi hỏi phải rất
khéo tay và công cụ tương đối tinh xảo. Những mạch nối và lỗ khoan chính xác của
hai nửa cây sáo là một phát hiện ngoài tầm mong đợi của giới chuyên gia. Ngay cả
với máy móc hiện đại hôm nay, không ít thợ thủ công phải bó tay trước vật liệu
khó tính này. Người tiền sử ở Blaubeuren ghép cây sáo từ hai mảnh được gia công
trước và hoàn toàn khớp với nhau một cách hoàn hảo. Hai mạch nối chính xác đến
mức không cho khí lọt qua và nguyên thuỷ chúng dược dán bằng nhựa cây bạch
dương.
Dựa trên khoảng cách các lỗ sáo, có thể phỏng đoán âm thanh
và hợp âm du dương. So với sáo xương ngỗng, sáo ngà voi tạo ra được âm vực trầm
hơn và cao hơn hẳn.
Tất cả ba cây sáo, cho dù ở trạng thái nào, cũng minh chứng
cho một sinh hoạt "văn hóa" ở tầm nhất định trong cuộc sống khắc nghiệt
thời tiền sử. Và chắc chắn âm nhạc đã đóng vai trò quan trọng ở cộng đồng ấy.
Trong số những nhạc cụ cổ nhất đã được phát hiện của nhân loại, có một cây sáo
cổ 28.000 năm tuổi được tìm thấy ở miền núi Pyrénée (Pháp). Trung Hoa, dù có
khí hậu nhiệt đới có sức tàn phá mạnh hơn, cũng đóng góp một nhạc cụ xuất xứ
trước cây 9.000 năm.
Kỳ thực từ thập kỷ 70 người ta đã tìm ra cây sáo Blaubeuren,
tuy nhiên không phải ở dạng nhạc cụ mà bị vỡ thành 31 mảnh vụn với nhiều mạch
ghép khó hiểu. Không ai biết được đó là các thành phần của đồ vật nào.
Trong khi khai quật, người ta cũng đã quen tìm thấy nhiều mảnh
ngà voi, vì thời Băng Hà mới (cách đây từ 30 đến 40 nghìn năm) ở Nam Đức đánh dấu
một thời hưng thịnh của những thợ săn kiêm nghệ nhân thủ công tại địa phương
này. Từ ý tưởng rằng trong số "rác rưởi" lọc ra từ hố khai quật nhất
định phải còn điều gì lý thú, mãi gần đây các nhà khoa học mày mò mới tìm ra được
đủ 31 mảnh vỡ có mạch nối giống nhau và khi ghép lại, người ta đã có cây sáo
nói trên.
Chuyên gia âm nhạc Friedrich Seeberger đã được mời tư vấn. Dựa
vào cây sáo cổ, ông chế một phiên bản bằng gỗ mềm, có phóng to hơn một chút và
quả thật người ta có thể chơi nhạc trên đó.
Nguyên tắc hoạt động của cây sáo cổ không giống với sáo dọc
hay sáo ngang của châu Âu hiện nay, song rất trùng hợp với các loại sáo tìm được
ở vùng quanh Địa Trung Hải và Trung Quốc ngày xưa. Ở Ai Cập
và Bulgaria hôm nay, các loại sáo có cấu trúc gần giống như thế vẫn
được các trẻ mục đồng sử dụng, thậm chí đem biểu diễn trong dàn nhạc mới. Từ
các nền văn hoá "trẻ" hơn, có rất nhiều nhạc cụ hơi được làm từ ống
xương chim ưng hay thiên nga. Hạn chế bởi độ dài của ống xương, các âm của
chúng khá cao và chua, không thể so với những nốt trầm của sáo Blaubeuren.
Ngà voi vào thời điểm cách đây 30.000 năm là vật liệu quý nhất,
tương tự như kim cương hôm nay. Không loại trừ việc âm nhạc còn mang ý tưởng
tôn giáo như nghệ thuật tạo hình. Về mặt tạo âm, ngà voi là vật liệu có thể mài
nhẵn và đánh bóng được, khác với ống xương bên trong lòng luôn có vết gồ ghề
nên không sinh ra được những âm thanh hay hơn.
Với sự phát hiện ra nhạc cụ này, các nhà nghiên cứu không chỉ
ngạc nhiên về nghệ thuật chế tạo công cụ của loài người đã đạt một trình độ
tinh xảo khá sớm, mà còn hết sức bất ngờ trước việc con người đã biết chơi nhạc,
chứng tỏ đã có một tư duy rất phức hợp và khả năng suy nghĩ trừu tượng, ngay từ
khi còn "ăn lông ở lỗ".
29/12/2004 Khuyết Danh
29/12/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét