Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Bồ kết về đồng

Bồ kết về đồng

Trưa hoa bưởi cũng buồn như bồ kết
Hương bay đi, tóc bỏ núi về  đồng
Gió Lào thổi đụng Trường Sơn rụng xuống
Dừng lưng đèo nhìn nắng nóng qua sông…
(Trung Dũng Kqđ)
 ***
Tôi vơ thêm nắm rơm ấn chặt vào lòng bếp. Lửa tắt. Khói ngun ngút lên thành cột, màu lam ngả dần sang ánh trắng. Nước trong chiếc nồi đồng đáy tròn thôi không liu riu nữa, mùi hương bồ kết chìm dần xuống, mong manh và mơ màng. Ngoài kia, nắng đã rút thêm nửa thềm gạch. Cái nắng trái mùa cuối đông vàng như mật loãng và trong veo ấy cũng mơ hồ thoang thoảng như hương bồ kết tháng mười.
“Con gội đầu đi. Rồi sang chú Thụ. Đi đôi dép cao su kẻo gai đâm vào chân…”.  Tiếng bà tôi vọng vào từ giữa nắng, lẫn trong tiếng lá nhãn khô đuổi nhau lăn tròn theo gió, xôn xao đến tận bờ gạch giáp tường.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Tôi bưng nồi nước đặt dưới chân cây cột cái. Hơi nước theo nắp vung vừa hé bay lên, quẩn mờ bên chân cột: “Con để đây. Chốc nguội bà gội trước. Con sang chú cho sớm. Nắng tầm này cây khô quả ráo lấy mới dễ, để lâu không bị mọt bà ạ! Hôm nay con bắt chú phải thả dây cẩn thận. Nguyên chùm, gác lên kèo bếp dễ hơn.”.
Chú Thụ là con trai út của bà, nhà ở cuối làng, giáp gò Mả Giặc có ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Hàng Xứ. Bà bảo đồng đất mình trông hiền thế này nhưng ngày xưa từng là bãi chiến trường. Cái ngày loạn lạc, hai nước giao tranh, bên kia thua to, có một bại tướng dẫn tàn quân qua đây, vấp mai phục của ta, bỏ xác lại hết, thây chất thành gò nên mới có tên gò Mả Giặc. Từ bấy, đêm nào cũng nghe tiếng vó ngựa, tiếng binh khí, tiếng khóc… Đủ các thứ tiếng nhưng tịnh không bao giờ nghe thấy tiếng cười. Sau này yên hàn, nguôi ngoai chuyện cũ, dân làng bảo nhau lập cái miếu cho hồn lạc xứ có chốn nương thân. Đi xâm lược nước người rồi chết giáo chết gươm phơi xương bỏ xác nơi đất lạ thành ma đói hồn khát vật vờ không ai đoái hoài cũng khổ. Tội nợ đâu có ông trời biết, giờ chết rồi không phân biệt ta hay giặc, ai mà chẳng như ai.
Thế là chỗ chân mộ gò quanh năm trơ đất sỏi xuất hiện một ngôi miếu nhỏ gọi là Miếu Hàng Xứ, hàng năm lễ mặn hai lần – ngày mùng năm ngoài Giêng, ngày tàn quân chết trận, và ngày mùng hai tháng bảy ta, ngày mở cửa địa ngục cho người âm về thăm lại cõi trần. Gò Mả Giặc hết nghịch từ đận ấy. Đất vẫn không lành nhưng miếu rất thiêng. Người lạc người muốn tìm nhau cứ thành tâm mà cầu, nếu còn duyên nhất định sẽ gặp.
“Ai cũng tin như thế hả bà?”.
“Ừ! Bao đời nay ai cũng tin như thế. Thấy bảo các ngài hàng xứ chết quê người, xa cha mẹ vợ con nên hay rủ lòng thương tìm hộ người lưu lạc.”.
“Nhưng chú Thụ tìm ai bà có biết không?”.
“Bà không biết. Chỉ thấy bảo xa lắm… Tận mạn ngược kia… Đáy bể tìm kim con ạ…”.
… Hết chiến tranh, chú Thụ về làng, không ở cùng nhà với bà mà ra tận chỗ đất hoang cuối vườn cây các cụ giáp với miếu dựng một căn nhà nhỏ. Ai cũng bảo chú gàn, xóm giềng quấn túm khói sớm lửa chiều không ở cứ gò đống một mình với ma hàng xứ. Rồi vỡ đất trồng cây, bù chi bù chút, dành dụm tích cóp để mỗi năm một lần khăn gói lên đường một chuyến tìm người.
Mấy chục năm trời như thế…
… Tôi nhấc cánh cổng gỗ, bước lên con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng rêu loang từng đám. Cửa khép. Chú Thụ không có nhà nhưng khoảng sân chan chan nắng trước hiên đã hong một nong đầy bồ kết. Có chùm vừa héo, mép quả xanh bắt đầu ngả viền đen. Có chùm đã kiệt sẫm lại chuyển màu bồ hóng, lóc cóc tiếng hạt khô ngân trong không gian tĩnh những sợi âm mảnh và giòn. Ngồi ở đây, giữa vườn cây này, mỗi âm thanh dẫu mơ hồ tôi đều nghe thấy rõ. Như đã có lần nghe thấy tiếng bước chân người về xin áo giấy trong đêm…
… Đó là một đêm cuối năm mưa phùn.
Năm ấy tôi mười bốn tuổi.
Quãng ấy, chú Thụ chưa về. Những cuộc thiên di của chú thường bắt đầu từ giữa tháng mười khi gió trở lạnh kéo trời hanh vật khô và kết thúc khi xóm làng rậm rịch cúng ông Công ông Táo. Chú không có nhà nhưng vườn mỗi ngày vẫn hai lần lên ngấn khói. Lá đổi mùa vàng như thảm. Tôi gom chất đầy chái bếp. Bà bảo mỗi ngày nhóm một ít cho ấm vườn. Mấy đứa cháu, may còn có mày ở lại, chứ chỉ mình bà cứ bên kia bên này không biết xoay xỏa làm sao. Ngày bố mày lấy vợ rồi chuyển lên thành phố, mày bé bằng cái dải khoai, cứ bám chú Thụ chằng chằng. Sau chú bảo bố mày là em không vợ không con, anh để cháu em nuôi. Mẹ chết nó đã thiệt thòi, giờ lại chịu cảnh dì nọ em kia, nó khổ, anh cũng chẳng sung sướng gì. Tránh được là hơn. Ngày ấy bà còn khỏe chân đi chợ chiếu, tháng mới nhảo về đôi lần, hai chú cháu ở nhà quẩn quanh với cái vườn, đắp đổi lần hồi thế mà loáng cái đã nhớn từng đây. Chú mày ở rừng về cũng đã mười mấy năm. Năm nào cũng thế, đi chán lại quay về xới xới vun vun. Bao nhiêu tiền bòn mót nhặt nhạnh từ cái vườn này lại dồn cho chuyến tiếp. Tuổi đuổi sau lưng mà người tìm không thấy. Bà bảo chưa kịp hẹn hò gì, chỉ biết quê cô ấy ở Hà Giang, núi rừng mênh mông, lúc gặp biết đâu họ chồng con rồi thì ăn nói làm sao. Thế mà cứ cười, bảo cô ấy vẫn chờ con u ạ… Hỏi cô ấy là ai thì không nói, chỉ hứa sớm muộn sẽ đưa về… Mà sao đợt này đi lâu thế. Mai hăm chín bắt làm ba mươi rồi đấy… Chả biết thế nào… Thôi, giờ con nhen lửa lên đi. Cuối năm nhen bên miếu, sưởi gò cho đỡ quạnh…”.
Tôi ôm cái thúng đầy lá khô và mùn trấu đi theo bà. Cuối vườn là miếu, rồi mới đến gò. Cái gò bao năm trơ trơ toàn đá sỏi, đến cỏ cũng cùn, bốn mùa quằn rụt lại từng mẩu, không bao giờ xanh mà chỉ ai ai vàng. Người làng đồn nhau thịt xương hàng xứ chết thành đất rồi vẫn độc nhưng bà bảo tại ngày xưa, mỗi lần ai phải xa quê nếu còn muốn trở về thì ra đặt lên gò viên đá hay gạch vỡ, lâu ngày cây nào mọc nổi, người chết rồi, đừng nói thế tội người ta.
Trời bắt đầu mưa. Cái mưa im lìm nhưng chạm vào da thịt chỗ nào là buốt sưng lên chỗ ấy. Miếu Hàng Xứ đứng co ro, xám ngoét cạnh Gò Mả Giặc mờ mờ hơi đất nhúc nhắc hồi dần trong tiếng chổi tàu cau bà đang khua từng vệt dài trên mảnh sân trước miếu. Tôi xòe diêm. Mùi lá thơm lên theo khói loang một dải ấm dài rồi tỏa dần ra bốn phía, đuổi mưa ngược lên trời.  Bà lật cái thúng vỉ buồm, nâng nải quả, cẩn thận đặt lên cái đĩa sành trước bệ thờ. Màu tết ngoài kia bất ngờ ùa vào ngập trong lòng miếu. Tôi nghe tiếng rì rầm: “Tháng tận năm cùng tất niên sum họp, bà cháu tôi có nải chuối quả cam mời các ngài về cùng, có hương có lửa có cửa có nhà gọi là có tết cho đỡ kiếp bơ vơ. Xin các ngài phù hộ cho người làng đi xa muôn nẻo được bình an, đá mềm chân cứng để cuối năm kịp về đoàn tụ…”. “Con cầu cho cả chú Thụ con nữa! Cầu cho chú về trước giao thừa. Đêm nay và đêm mai vẫn còn hai chuyến xe trên ấy về, con ở luôn bên này, un đống rấm rồi chụm ít gộc củi chờ chú. Chú về nửa đêm, ngõ xa nhà vắng, gò đống âm u, thấy lửa thấy người đỡ tủi thân bà ạ…”. “Ừ! Tiện thể bà ủ nồi cơm mời người cho ấm bụng…”.
… Trong vườn chú Thụ đêm xuống sớm và sâu hơn. Đêm cũng im lìm và buốt thon thót như mưa ngoài kia đang từ đất dâng lên ngập ngõ cúc tần. Trong cái ảng da lươn giữa nhà, lửa từ đám gộc nhãn chuyển dần sang ánh xanh mơ hồ, hoa lép bép bay lên theo tàn trắng. Tôi ngả cái sàng xuống mặt chõng tre trước ban thờ, bày thêm chồng bát đàn và nắm đũa vừa vót còn hanh hanh màu nắng. Bà thắp hương rồi quay ra xới cơm, từng bát quây tròn lại quanh âu muối vừng vừa xúc lên từ cối giã: “Bà cháu tôi có lưng cơm muối, xin Thổ Công thương tình mở lối cho các ngài hàng xứ được vào ăn một bữa lót lòng.”.
Vườn đêm thôi không gió nữa. Chỉ còn tiếng mưa rì rầm. Tôi ngồi thu lu trước ảng nhìn chằm chằm vào ngọn lửa trong veo:  “Con thích ăn cơm vừng. Chú Thụ con cũng thế. Không biết chỗ vừng chú mang theo đã hết chưa. Mấy giờ chú về đến nhà bà nhỉ?”. “Sớm cũng nửa đêm. Bao giờ chả thế. Khổ thân! Chẳng biết chuyến này có thấy hay lại vẫn chim trời cá nước…”. “Thấy bà ạ! Sớm muộn cô ấy cũng về. Con chuẩn bị sẵn quà rồi cơ.”. “ Cô ấy là ai? Quà gì cho bà xem nào?”.  “Cô Mẩy bà ạ. Chú con đi tìm  cô Mẩy. Cô Mẩy xinh đẹp. Tóc dài. Hay hát: Mưa chiều dừng chân anh ơi…”.
Tôi biết cô Mẩy từ giữa mùa thu, lúc chú Thụ gấp gọn bộ quân phục bạc màu xếp xuống đáy cái ba lô cũng bạc sờn như thế rồi cẩn thận đặt lên trên cái bọc nhỏ gói kĩ một dải băng gạc ố màu, đôi chỗ loang sậm lại. “Lần nào chú cũng mang theo. Của ai đây hả chú?”. “Của cô Mẩy băng cho chú đấy. Mấy chục năm rồi… Ngày xưa  chú trẻ chứ giờ già mà xấu. May còn giữ lại được cái này, khi gặp, nếu cô quên mặt thì chú nhắc.”. “Thế còn chú có nhận ra cô không?”. “Nhận ra ngay. Cô ấy xinh đẹp lắm… Tóc dài…”.
Chú Thụ ngồi giữa vườn cây một chiều đầy gió, giữa đám nắng xôn xao nhảy trên nền đất vườn mùa này ráo như thềm gạch, hỏi tôi có nhìn thấy cô Mẩy không? Cô đứng kia kìa, dưới thung lũng, khuất sau gốc lim cổ thụ của trạm phẫu tiền phương 356 trên đất Thanh Thủy đấy! Cô Mẩy bé nhỏ, mặt tròn, tóc dài búi cao, váy áo Mông còn nguyên vết máu vì mới chuyển thương binh trên cao điểm 1509 về. Con nhìn thấy chưa?
Tất nhiên là tôi nhìn thấy. Cả chú Thụ tôi – mười tám tuổi, mới từ xuôi lên, chưa qua trận nào nên chỉ nghe tiếng đạn pháo rít trên đầu cũng sợ. Tiểu đội trưởng người cùng quê dặn đi dặn lại mày phải theo sát các anh, lên đến  đến 1059 này rồi, có chết cũng phải giết được vài chục thằng hay giáp lá cà một trận chứ lớ ngớ pháo rơi đạn lạc, chết phí chết hoài uổng cả đời trai. Thế mà chỉ tích tắc trên đường hành quân đêm qua, sau ánh chớp xanh lòe và tiếng nổ ngang tầm ngực, tỉnh dậy chú đã thấy mình ở đây. Cô Mẩy kể chú nghe tiểu đội vấp mìn hi sinh nhiều lắm. Tiểu đội trưởng cũng nằm lại bên suối ngoài kia. Mấy người nặng chuyển về tuyến dưới. Chú nhẹ hơn, ở lại trạm phẫu, chờ ổn lại lên đường. Giọng cô hay lắm. Lại hay cười. Con có nghe thấy không?
Tất nhiên là tôi nghe thấy. Tôi nghe tiếng cô Mẩy cười trên đường đi cõng nước. Cái gùi nặng níu đôi vai gầy gập xuống. Nước trong túi nilon cũng óc ách cười theo nhịp bước chân. Thấy chú Thụ theo sau, mảnh băng trên đầu vẫn loang đôi vệt máu. Nghe chú nói ngày mai chú lên cao điểm, gùi nốt chuyến nước này cho cô tạm đủ dùng chú sẽ vác gồ cơi thêm lán. Dạo này nó đánh rát. Anh em bị nhiều, về không đủ chỗ nằm. Nghe chú dặn cô nghỉ đi chút. Chạy cả ngày… Con gái sức đâu… Cô Mẩy nói cô lo cho chú. Vẫn chưa khỏe mà đạn pháo nó câu sang suốt cả ngày đêm, đá núi nát như bột thế kia. Dặn đuổi hết giặc, thong dong rồi cô sẽ đưa chú đi thăm khắp Hà Giang. Thăm dòng Nho Quế. Thăm Quản Bạ bốn mùa thức với mây trời. Cô bảo Hà Giang bây giờ hệt như ức con đại bàng núi đang chắn phong ba. Khi nào hết bão gió lại giang cánh bay lên. Đẹp lắm!
Rồi bất chợt tôi nghe tiếng đại bác rít trên không. Những âm thanh như  mũi khoan xuyên qua đỉnh đầu vào óc. Tiếng cô Mẩy hốt hoảng: “ Pháo chỉ điểm… Có khi trạm phẫu lộ rồi anh…”. Hai bóng người vụt qua. Chú Thụ nói gì tôi không nghe rõ. Rồi dồn dập những tiếng rít xé gió. Đại bác trùm như sấm giáng trên đầu. Tất cả lật tung, đất trời vừa chao võng vừa rùng rùng chuyển động như giữa tâm một cơn địa chấn kinh hoàng…
“Con có nghe thấy tiếng gì không?”.
Không biết bao lâu sau mới nghe chú Thụ hỏi tôi từ đâu xa lắm. Tôi bảo không. Pháo dứt rồi chú ạ! Chỉ có lửa cháy. Không tiếng người. Nhưng chú đang khóc phải không? Trạm phẫu mấy chục con người… Tan nát hết… Cô Mẩy nằm kia, váy áo tả tơi ám kịt khói súng, tóc dài sổ tung lẫn vào với đất. Cô lấy thân mình che cho chú. Cô không bị thương, chỉ bị đất vùi mà gọi mãi vẫn nằm im không dậy. Chú khóc vì sợ phải không?
Chú Thụ lặng đi lâu lắm. Rồi mới lại rì rầm. Không phải sợ. Chẳng còn gì để sợ… Chỉ đau đớn kiệt cùng… Đại bác khoét trạm phẫu thành hố bom thế kia vùi thịt xương mấy chục con người, vừa mới đây thôi vẫn nói vẫn cười giờ gọi khản tiếng không ai đáp lại. Đêm thăm thẳm như đáy mộ, lửa đạn còn sót lại chập chờn như lửa ma trơi. Mặt đất chú nằm đây là địa ngục. Chết sẽ bình yên…
Tôi lặng im nắm chặt tay chú Thụ…
“Con nghe thấy tiếng gì không?”.
Tôi nghe tiếng hát. Tiếng con gái ngân lên từ mặt đất còn nghi ngút khói súng: “Xa vời rừng ban xinh tươi, nở trắng ngàn đỉnh đồi…”. Tiếng cô Mẩy! Cô dậy từ lúc nào mà chú cháu tôi không biết. Cô đang đứng kia. Cạnh gốc lim già bật rễ, tay cuốn tấm gạc trắng tả tơi còn sót lại và vẫn tiếp tục hát: “Mưa chiều dừng chân anh ơi. Kìa mưa tràn đỉnh đồi…”. Cuối rừng trăng đang lên. Trăng sau cơn bão đạn trong vắt. Lửa ma trơi thôi chập chờn. Bóng người con gái bé nhỏ lẫn vào trăng nhưng tiếng hát thì tôi nghe rõ lắm. Tôi nắm tay chú Thụ – bàn tay còn nguyên những vết thương, máu vẫn rỉ ra, từng giọt, xuống đất vườn.
“Con có nhìn thấy gì không?”.
Tất nhiên là tôi nhìn thấy vì trăng càng lúc càng trong. Cô Mẩy vẫn đang lúi húi nhặt nhạnh trên mặt đất. Cái mũ cối. Cuộn băng gạc. Cái bi đông móp xọp. Và cả cái ba lô bị đạn pháo xé toạc một mảnh dài. Rồi quay lại chỗ chú Thụ, khuôn mặt bầu bĩnh loang vệt khói: “Anh ơi! Dậy đi anh! Em băng lại vết thương cho anh! Đừng khóc… Từ dưới lên, lần đầu tiên thấy cảnh này ai chẳng sợ. Còn bọn em quen rồi. Chiến tranh mà anh… Ngày mai anh lên chốt. Chiến thắng nhớ quay về. Em chờ anh rồi mình đi  khắp Hà Giang…”.
Hình như trăng đang lên cả từ trên mặt đất. Trăng mờ như sương. Cô Mẩy lại hát: “Mưa chiều dừng chân anh ơi…”. Chú Thụ giục tôi: “Chỗ hố đại bác lúc sáng là trạm phẫu… Con nhìn đi!”.
Và tôi thấy lửng lơ trong sương cả một cánh đồng đang ngậm sữa. “Đồng Vãng quê mình đấy. Chỉ non tháng nữa là gặt. Con thấy bà chưa? Bà đang nhổ lồng vực. Hoa lồng vực trông thế mà cắm rất lâu tàn.”. “Cả bãi sông chú ạ… Mọc đầy hoa cỏ niễng. Cả bờ đê lau trắng với một tốp học sinh đi học về…”. “Thấy chú chưa? Trường cấp ba của chú ngay chân đê, dưới tán xà cừ mùa này quả bắt đầu nở tung thành những bông hoa gỗ màu nâu ngả ánh vàng… Bọn chú vừa tốt nghiệp…”. “Nhưng chú ơi! Con nghe thấy cả tiếng súng… Tiếng đại bác…. Khói lên thành cột. Không nhìn thấy gì nữa. Cả cánh đồng cỏ niễng hoa vàng…”. “Chiến tranh đấy con… Chú lên đường khi chưa mười tám tuổi. Cô Mẩy cũng thế… Cô vừa học y tá mấy tháng thôi. Mà lại là con gái… Nhìn cô như thế thấy xấu hổ với mình… Cô vẫn hát đấy… Con có nghe thấy không?”…
Trên miệng hố đại bác trăng đã lên ngang ngực, chú Thụ đang ngồi chải mái tóc dài bết đất cho cô Mẩy. Cô xòe lòng tay khoe với chú em có cái này. Hôm trước, các mẹ gửi quà lên cho chúng em có một chùm bồ kết. Bọn con gái chia nhau mỗi đứa giữ mấy quả. Em để dành, thỉnh thoảng đem ra ngửi cho đỡ nhớ nhà. Ngày em chưa lên chốt, mỗi buổi trưa nắng ngập thềm, mẹ lại đun nước bồ kết để sẵn trước hiên, chờ em đi học về thì gội. Tóc em giờ rụng nhiều, mà lúc nào cũng bẩn. Anh đừng cười… Giờ anh lấy nhánh bồ kết khô này chải tóc cho em. Mượt lắm… À, anh đốt cho em một quả… Khói lên rồi đấy… Như thế này giống tết quá. Đêm ba mươi nào mẹ cũng đốt bồ kết, bảo cho ấm nhà… Hết lạnh rồi, em hát anh nghe… Ngày mai anh đi, phải bình yên trở về. Mình cùng trồng một cây bồ kết…
… Bà thở dài, gục đầu xuống gối lặng đi. Tôi chất thêm gộc củi cái vào giữa ảng rồi lấy từ cái thúng con của mình một chùm bồ kết, bẻ một quả đặt ghé vào mép than. Vệt khói thơm mơ hồ bay lên: “Bồ kết nhà bà Khơi bên xóm Giếng. Con mua tận gốc. Chờ cô Mẩy về bà đun nước cho cô gội đầu…”.
Ngoài kia đêm đã sâu. Bốn bề yên tĩnh cả. Tôi bảo bà nếu bây giờ chú Thụ về con sẽ nghe thấy từ tận cửa vườn… Bà ngủ đi… Mình con thức được rồi.
Có tiếng gió trở mình trên tán lá. Âm thanh lúc có lúc không gần lại dần. Rồi bất chợt tôi nghe tiếng bước chân rất nhẹ, rụt rè qua sân rồi dừng lại, không dám dấn thêm bước nữa lên thềm.
“Bà ơi! Có người… Nhưng không phải người quen… Họ sợ…”.
Bà với tay vặn ngọn đèn bão. Lửa âm âm sáng soi thêm một quầng vàng trước cánh cửa gỗ khép kín: “Ai đấy?”
Im lặng…
Tiếng bàn chân lại đặt mớm lên thềm…
“Họ sợ gì đó… Không dám vào…”
Bà níu mép chõng tre đứng dậy, lần ra phía cửa. Gió ùa vào mang theo hơi mưa buốt giật mình.
Không bóng người… Đêm vẫn mịn như nhung.
“Ai cần gì thì nói. Vườn tược gò đống đêm hôm, đất này nghịch không phải ai cũng vào được. Lành ở dữ đi… Đừng bảo là tôi không nói trước.”.
Lửa trong ảng bùng lên thành ngọn. Hương bồ kết quấn quýt cuộn lên theo. Bước chân lên hẳn thềm. Chân trần giẵm trên nền đất. Cửa hé dần sau tiếng kẹt dài. Một người đàn ông tôi chưa quen mặt, tóc bù xù dài xuống tận ngang lưng, rậm như rừng bước vào từ bóng tối, chắp tay chào rồi mấp máy đôi môi tím thâm vì rét. Những âm thanh ngọng nghịu, líu ríu lẫn vào nhau, định thần lắng nghe đến lần thứ ba mới hiểu.
“Ngộ chào hai nỉ!”.
Bà tôi giật mình, hơi lùi lại, nhìn chằm chằm một lượt con người cổ quái  trước mặt. Một lúc sau mới khe khẽ kêu lên: “Ngài là quan hàng xứ? Hôm nay chắc có việc gì mới tìm hai bà cháu tôi. Mời ngài vào kẻo mưa ướt hết…”.
Tôi khơi lòng ảng, chất thêm nắm củi cành cho chóng bén. Người đàn ông rón rén ngồi xuống, hút mắt nhìn vào đám than hoa rừng rực, giơ đôi tay gầy nhẳng lem luốc đất bùn đón ngọn lửa xanh đang phần phật cháy. Hơi nước từ mớ giẻ đeo trên người bắt đầu bốc hơi, mờ mờ khói trắng. Mãi đến khi tôi hỏi lại ngài tìm bà cháu con có phải không mới sực tỉnh, ngẩng đầu lên, hai hốc mắt chập chờn ánh lửa: “Ngộ có việc cần nhờ…”.
***
…Cửa khép. Chú Thụ vẫn chưa về nhưng khoảng sân chan chan nắng trước hiên đã hong một nong đầy bồ kết.
Nắng cuối đông rắc vàng trên con đường ra miếu. Tôi nghe có tiếng giày rất mỏng lướt trên mặt rêu để lại một hàng chi chít dấu chân xám mờ như vệt khói rồi tụ lại dần quanh chỗ tôi ngồi – dấu chân về từ gò Mả Giặc nơi có cây bồ kết nếp chú Thụ trồng đã được mười năm.
Mười năm trước, giao thừa mưa…
Tôi ngồi giữa sân cẩn trọng nâng từng chiếc áo giấy đặt vào quầng lửa. Những người đàn ông từ trong bóng tối lần lượt bước ra đón lấy manh áo bay lên theo khói, cúi đầu bái tạ rồi lại lần lượt lùi khuất vào đêm. Tôi đếm… Chiếc áo cuối cùng… Chiếc áo thứ 51 dành cho người đàn ông tìm về từ ngoài miếu đêm qua.
“Ngài xem kĩ, còn sót ai nữa không?”.
Người đàn ông quỳ xuống. Tôi nhìn thấy, sau ông, lờ mờ qua ánh lửa rất nhiều bóng người khác cũng đang quỳ. “Chúng ngộ chết ở đây, trận đêm mùng năm Tết. Lại đúng 51 người. Đêm tháo chạy, trên mình chỉ duy nhất một manh áo mỏng. Mấy trăm năm bụi bờ gò đống làm giặc đói ma khát, gió dập mưa vùi tan nát hết nên giờ tướng cũng như quân bốn mùa rách rưới như nhau. Đêm qua, ngộ đánh liều tìm hai vị, cầu lòng thương, xin cho mỗi hồn ma lưu lạc xứ người một manh áo giấy. Chúng ngộ bảo nhau nếu không được cũng tuyệt không dám oán vì kiếp ma nhờ hồn đậu mà có chốn nương thân, có cúng có giỗ là phúc đức lắm rồi… Chúng ngộ không biết nói gì, chỉ biết đội ơn vạn bội, nguyện ở lại đây, làm ma đất này, hết lòng giữ gìn trong yên ngoài ấm. Và xin hứa vẫn cùng nhau dốc sức tìm người…”.
Ngoài kia đang giao thừa. Nhưng đêm quanh chỗ bà cháu tôi ngồi đông như thạch. Lửa hóa mã bắt đầu lụi. Tàn trắng phấp phới bay lên. Những bóng người trước mặt tôi tan dần, lẫn vào với gió đang đuổi nhau đến tận cuối vườn.
“Đông qua rồi bà ạ! Gió ấm rồi! Gió sáng mùng một tết…”. “Ừ! Nhưng bà sốt ruột quá! Mày nghe gì không con?”.
Dưới chân tôi đất vườn bắt đầu chuyển mình lan dần ra bốn phía rồi ngừng lại khi chạm tiếng bước chân người. Những âm thanh cao thấp không đều. Hết nhịp tròn xoáy trên nền đất ẩm đến nhịp đầy chắc và êm. “Chú Thụ về rồi bà ạ! Con nghe tiếng nạng gỗ…”. “Còn có ai nữa không?”. “Không bà ạ! Vẫn chỉ một mình…”.
Rạng sáng mùng một tết mười năm trước, chú Thụ về. Vẫn một mình nhưng ôm trên tay một bầu đất nhỏ trồng cây bồ kết Vị Xuyên. Chú bảo u ạ, hơn mười năm con đi hết đất Hà Giang. Con tìm em Mẩy. Đến chỗ nào cũng hỏi thăm, cũng nhiều người tên thế nhưng không ai là em Mẩy làm y tá, em Mẩy tóc dài, hay hát: “Mưa chiều dừng chân anh ơi…”. Cây bồ kết này con lấy chỗ trạm phẫu ngày xưa. Hố đại bác bây giờ thành rừng rồi u ạ. Năm nay con về muộn vì ghé qua thắp cho đồng đội nén nhang. Lúc quay ra, thấy cây mọc ngay cửa miếu. Ngày xưa em ấy hẹn ngày trở về hai đứa cùng trồng một cây bồ kết. Giờ con trồng trước. Lúc em về, cây lớn, có quả gội đầu và đốt suốt mùa đông.
Tôi khẽ chạm tay vào bầu đất. Lá bồ kết trong ánh lửa vẫn xanh ngời lên như lá me non. Bà bảo bồ kết ưa dại nắng, trong vườn cớm, còn mỗi gò Mả Giặc, nhưng từ xưa không trồng nổi cây gì. Giờ đặt thử, biết đâu hợp đất.
Thế là từ ngày ấy trên gò hoang cuối vườn có thêm cây bồ kết. Mỗi năm xòa một tầng lá xanh và quả bao giờ cũng ra muộn, cuối tháng mười mới đẫy. Chú Thụ bảo tầm ấy rừng Hà Giang đang mùa khô, trăng sáng lắm. Ngày chú gặp cô Mẩy là tháng bẩy, giữa mùa hè, trăng rừng cũng sáng thế. Con còn nhớ không?
Tôi chẳng bao giờ quên điều gì. Kể cả cái đêm cô Mẩy về khi cây bồ kết bói lứa quả đầu tiên.
Đêm ấy trăng sáng nhưng gió nhiều. Tôi bảo chú Thụ chụm lửa lên đi, bồ kết nhiều thế này, cô Mẩy chưa về, chú cho con đốt lấy khói lên đỡ lạnh. Chú biết không, năm nay vào trạm phẫu xưa có đường, có cả nhà tưởng niệm. Nhưng họ kể rằng, trận đại pháo bên kia nã sang thung lũng mình mùa hè năm ấy, tất cả hi sinh hết không còn ai. Con bảo không phải. Còn cô Mẩy. Cô Mẩy không bị thương. Cô còn hát cho chú con nghe. “Thế họ bảo sao?” “Họ nhìn con lạ lắm. Bảo chưa nghe chuyện ấy bao giờ. “Ừ cũng nhiều người nói thế.”. “Nói gì hả chú?”. “Nói cô Mẩy hi sinh rồi…”. “Không phải đâu chú ạ! Cô chưa về, mình còn đi tìm. Con lớn rồi, con đi thay chú!”.
Chú Thụ gật đầu, lặng im thả chùm bồ kết đầu tiên vào lửa. Khói lên… Gió ngừng… Mơ hồ xa tận ngoài kia tôi nghe tiếng cửa vườn khẽ mở. Tiếng bước chân trên đường rêu…
“Có người về bà ạ!”.
“Một người hay nhiều người? Bước lạ hay bước quen?”.
“Bước quen… Là các ngài hàng xứ. Họ đi đâu suốt từ đầu tháng bảy giờ mới quay lại… Bà có biết không?”. “Bà không biết. Nhưng con nhớ xem  hôm cúng mở cửa ngục, các ngài xin thêm đồ lễ, bà con mình sắm đủ cả chưa. Chỉ sợ thiếu gì thì tội.”. “Con gà, miếng thịt, rượu trắng, cơm, xôi, thuốc lào, tiền, túi vải, ô đen. Và cả một bộ váy áo Mông. Đủ cả rồi bà ạ… Họ đang quay về đấy. Đi thành đoàn…  Nhưng không chỉ có tiếng chân hàng xứ. Còn tiếng bước ai nữa. Nhẹ và nhanh hơn nhiều. Thoăn thoắt ấy… Nghe vui…”.
Chú Thụ vội vã nhoài người, lấy cây nạng gỗ: “Cô Mẩy đấy con!”. “Sao chú biết?”. “Lúc nào cô cũng thoăn thoắt thế!”.
Lá bắt đầu đuổi theo tiếng bước chân gần sát lại. Tôi mở cửa. Đêm thăm thẳm trước mặt. Tiếng bước chân dừng. Rồi tiếng hát vang lên: “Lễ vật đủ đầy. Dâu rước về đây. Xin nhà trai ra đón…”.
Lửa lại bùng lên rừng rực. Cô Mẩy hiện ra từ quầng sáng bên thềm, tay che ô, mũ mới, váy áo mới bắt ánh sáng lấp lánh. Cô cười. Đêm lùi lại đằng sau…
Tôi nhìn thấy thấp thoáng bóng cả đội quân hàng xứ, áo giấy nhàu gió bụi, nhất loạt cất tiếng, âm âm như gió đại ngàn.
“…Lễ vật đủ đầy. Dâu rước về đây. Xin nhà trai ra đón…”.
  ***
… Tiếng hạt bồ kết khô vẫn lóc cóc. Những dấu chân về từ miếu quây quanh nong bồ kết cũng lao xao. Có mùi hương nhu đâu đó. Rồi chú Thụ lộc cộc trên cây nạng gỗ bước vào. “Chú lấy lá gội đầu cho cô Mẩy? Đêm nay, mình đốt mẻ bồ kết đầu tiên của mùa chú ạ!”.
… Đêm xuống sớm trong vườn chú Thụ. Đêm sâu hơn ngoài kia. Tôi thả chùm bồ kết xuống cạnh mép than hồng giữa ảng. Khói lên mỗi lúc một đằm. Bắt đầu có tiếng bước chân. Nhẹ như lướt nhưng đôi lúc ríu vào nhau xôn xao là tiếng chân cô Mẩy. Chậm rãi từng nhịp nhỏ là tiếng bước chân bà. Còn đi thành hàng, rất đều, trầm như tiếng đất là bước chân các ngài hàng xứ. Lửa lên đều soi cô Mẩy tóc dài như suối. Cô vẫn cười bảo u để con đỡ. Bậc hè này mới làm lại nên cao. Những người đàn ông ngồi thu lu sát vào nhau, áo giấy trùm kín gối, rì rầm hát một điệp khúc nào đó, chậm và buồn. Cô Mẩy bảo dân ca quê họ đấy. Lâu lắm không về, giờ chỉ nhớ mỗi điệu ấy thôi. Các ngài kể ngày chưa sang đây, những đêm giáp tết nhà nào cũng đốt bồ kết xua quỷ xua ma. Ai biết có ngày nơi đất người lại nhờ hương bồ kết để hồn hoang về đoàn tụ…
Đêm nay không mưa. Chú Thụ ngồi chải tóc cho cô Mẩy bên bếp lửa. Tôi lại nghe cô Mẩy hát: “ Mưa chiều dừng chân anh ơi… Bên lửa hồng nay đón người về…”.
Chú Thụ không nói nhưng tôi biết khúc hát tình yêu cô Mẩy đang hát là điệu Gầu plềnh có tên gọi “Dừng chân”…
NGUYỄN HẢI YẾN
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...