Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Thu Hằng: Bếp làng Gianh

Truyện ngắn Nguyễn
Thu Hằng: Bếp làng Gianh

Đan đón từ tay chú Sàng chồng rổ xảo trên gác bếp xuống, khệ nệ bê ra tới bậu cửa thì chợt nhìn thấy bóng áo xanh trứng sáo của thím Miền bế cu Cau lấp ló sau cánh áo nâu phai mầu đất của bà chú. Một tiếng rầm rơi ngay sau lưng Đan, chồng thúng chú Sàng đang xếp trên gác đã rơi xuống đất quay tròn lông lốc như xoáy gụ, vung bụi tro, bồ hóng mù căn bếp, đôi tay của chú đuội ra như chiếc nan gãy, đôi mắt ngạc nhiên mở to hơn bất cứ lúc nào, khuôn mặt phủ tro bụi đen nhẻm của chú nhìn trân trân ra cổng. Bụi tro túa ra ngoài, bay đậu lên tán lá mít, rắc lấm tấm đầy sân gạch.
Tiếng gác bếp kĩu kịt, chú Sàng bám thang tụt xuống, đi nhanh ra sân, mỗi vết chân in xuống sân gạch là thêm mỗi vệt bụi tro bám theo chân chú. Đan đứng lặng, ôm chồng rổ xảo nhìn theo thắc thỏm, trán đã rịn ra mấy giọt mồ hôi. Trên tay thím Miền, cu Cau đã đưa ngón cái lên miệng mút mút.
Mấy cây tre đực già chú vừa ngả hôm qua đang nằm chềnh ềnh giữa sân, vô tình cản bước chân của bà chú và mẹ con thím Miền. Bà quay lại nắm lấy tay thím Miền giữ lại.
“Hãy hượm, cẩn thận kẻo ngã!”.
Bà nặng tai nên thường nói rất to, chân chú Sàng sững lại. Chưa bao giờ trời nắng nực như hôm qua, tựa một chảo lửa khổng lồ quay khô quắt người ta ra tóp mỡ, vậy mà chú Sàng đánh trần ra vườn chặt tre, cả một bụi tre già tới chục cây bị chú đốn hạ, mặt chú cứ phừng lên như than nóng, tay cuộn từng cục y cơm nắm, mồ hôi tuôn lã chã trơn nhẫy tấm lưng sạm đen. Sau những nhát dao chắc nịch, từng cây tre già đổ rào rào xuống ao, chú kéo lên, róc phạt cành gai, giờ cả bụi nằm dài thuồn luỗn từ đầu đến cuối sân, ngọn chờm cả ra vườn.
Nhà văn Nguyễn Thu Hằng
Đan nhìn thấy vành nón lá của thím khẽ ngẩng lên hướng về phía chú, má thím dần ửng hồng, vành nón hơi ngại ngùng cụp xuống.
Đã tuần nay, thím và cu Cau không ở nhà.
“Còn đứng đấy, ra đón vợ con vào!”.
Chú Sàng lóng ngóng vì lời giục giã của bà chú.
“Mấy cây tre phải cưa đem ngâm xuống ao trước đi!”.
Thím Miền vẫn cúi xuống sân gạch, tay ôm cu Cau, còn cu Cau thì đạp chân chòi chòi vào tà áo xanh trứng sáo của thím, cái áo thím thích mà Đan vô tình đã ngâm cùng áo trắng của chú, áo nâu của bà nên mầu đã phai lên nhau.
“U đi đón mẹ con cu Cau về?”.
“Ừ, vào nhà đã”.
Giọng bà chú ấm như một hơi trầu nồng phả ra.
Chú dắt bà bước qua mấy cây tre trước rồi quay lại, tay đón cu Cau, tay dắt thím. Cu Cau ôm ngay lấy vai chú, nhoẻn miệng cười lộ lúm đồng tiền sâu như hai cái cơi trầu trên má, thím Miền e dè bước theo. Đan thấy dáng điệu thím giống như cái hôm ăn hỏi chú dẫn về ra mắt họ hàng rồi lên xã đăng ký kết hôn. Hôm ấy, thím nhìn thấy Đan đứng ôm cột bếp đã cười khoe ngay hai lúm đồng tiền, thím cúi xuống xoa đầu Đan, lúc sau thì kéo Đan vào lòng chải tóc, bện sam cho Đan.
Nhưng hôm nay, thím chỉ cúi xuống tránh những thân tre để đi vào nhà mà thím chẳng thèm nhìn Đan lấy một cái.
Đây là nhà của bà chú, của chú thím. Thím và cu Cau phải về ở đây là đúng.
Chỉ có Đan là người thừa thãi như đám phoi phoi bị vót ra mà thôi.
*
 “Thím Miền mắt xanh mỏ đỏ, quần là áo lượt, có biết xuống bếp rơm nấu cơm, đun nước không Đan?”.
Nhiều tháng sau đám cưới của chú thím mà thỉnh thoảng vẫn còn có những câu nói cửa miệng của mấy bà già trong xóm rủ nhau ngồi chắp thừng, chắp chão bên gốc tre đầu ngõ hóng gió, mát mẻ dò la về cô con dâu mới về xóm, lúc nào nhìn thấy cũng chỉ một hình ảnh là lượt, phấn son, phóng xe cúp đi làm công ty. Hễ cứ gặp Đan ôm những bó nan tre ra cổng hong có một mình, thấy trong sân vắng bóng bà bóng chú, mấy bà thường tạt vào tai những câu thóc mách rát hơn cả nắng quắt. Thím Miền là lượt áo quần, mắt xanh, môi đỏ thì sao, đúng là thím chưa quen nấu cơm bếp rơm, thím còn phải đi làm công ty từ sáng tới tối mới về thì đã có bà, có Đan. Đan quý thím nên tự dưng đâm ghét mấy bà già nhiều chuyện này, vờ không nghe thấy, tay tãi nan đều xuống đám cỏ gà ven đường, xong thì chạy ngay vào bếp, còn mấy chồng thúng, xảo, rổ, rá đợi Đan phơi nhanh kẻo mốc bởi hôm trước dính mưa.
Sáng trước chú Sàng chở hàng đi chợ, cột hàng cao vút quá đầu chằng sau gác ba ga xe đạp muốn chèn gù lưng chú. Nhưng cả phiên bán được có hai cái rá với cái xảo, chỉ đủ tiền xé vé. Tan chợ, về tới đầu làng thì gặp trận mưa rào, chú Sàng đã vội vã phủ tấm ni lông che mưa choàng khắp chồng hàng, đạp cuống cuồng vào gốc đa tránh trú mà hàng đan vẫn dính mưa, ẩm, đang ngả mầu muốn bật mốc. Cả nhà đều mong trời mau nắng lên để phơi ngay nhưng suốt buổi chiều ấy trời cứ mưa lai rai khiến cho bà thở vắn than dài, cánh tay giã muối vừng của bà uể oải nhịp chày. Đan vừa đi lớp về ngồi bê nồi gang còn lưng bát cơm nguội đợi vét cối đá, muối vừng cuối cối mịn mìn min, béo ngậy, chén cơm nguội thơm ngon quặn lưỡi. Ngồi trong bếp ngóng mưa rơi lộp bộp trên nền sân gạch cũ đã rêu phong, mùi ẩm mốc của đất gạch quyện trong mùi vừng lạc thơm nức dậy sau mỗi nhịp chày, bà kể chuyện làng, chuyện chú Sàng lành như cái rổ cái rá mà dám đấm bạn chảy máu mồm.
Làng nằm giữa cánh đồng xôn xao sóng lúa, mặt hướng ra sông Cái oàm oạp nước phù sa châu thổ lở bồi đôi bờ cho lúa, ngô, khoai, sắn đến lau, tranh, tre, nứa quanh năm xanh ngát trời. Người dân ngoài việc đồng áng cấy lúa trồng khoai như bao làng khác còn thêm nghề thủ công hương truyền, nghề đan lát. Nào thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, rổ, rá đến thừng, chão, chổi, rế… đều từ tay thợ đan làng sinh ra. Đất lành thương dân nghèo cho cả mái ấm, rơm đồng quyện gắn bùn ao cùng với tre, tranh dựng nên những ngôi nhà gianh, vậy làng mới có tên làng Gianh.
Nhưng cậu Phong, bạn học cùng với chú Sàng, ở làng Đào, xấu thói xỏ xiên, “làng Gianh là làng Ranh mãnh, nan thúng không cật, bện thừng lót phoi”. Môi Phong trều ra như môi cá trê, mắt vẽ đường cong như lưỡi câu móc máu dồn lên đầu Sàng phừng phừng, cặp sách vứt phịch xuống đất, hai cậu cuốn lấy nhau như hai chú gà chọi lâm xới, cát bụi thốc lên mù mịt cả đoạn cống Dèm. Ông Hạ đang lóp ngóp đánh giậm dưới sông đạp bèo lao lên, rứt được hai đối thủ ra thì cái trán dính bùn của ông cũng nổi cục bằng quả ổi, chẳng biết nắm tay của ai.
Đan vừa nhai cơm vừa cười tủm, không ngờ chú Sàng cũng nổi máu hiếu chiến như vậy, bà vét nốt cho thìa muối vừng dưới cối rắc vào bát, giục Đan ăn mau rồi đi nấu cơm, mưa thế này, thím Miền về có khi ướt.
Tiếng xe máy rì rì ngoài sân, thím Miền về thật. Chú Sàng đội nón chạy ra sân đón, dắt xe lên bếp giúp vợ. Thím chào bà, cởi áo mưa, rũ rũ, vô tình nước mưa rỏ tong tỏng lên chồng thúng xảo chú để trên cái giường tre cũ. Như tiếng sấm nổ đùng, chú Sàng quát lớn:
“Không nhìn thấy gì à? Làm ướt hết hàng của người ta rồi, mưa này biết bao giờ mới nắng mà phơi!”.
Một quầng mây đen tụ lại, mặt thím sa sầm. Chú Sàng vẫn cau có như miếng cau khô, vội vã đi tìm giẻ lau tạm mấy cái xảo phía trên, trong khi đó, thím ôm bụng, ậm ọe chạy vội ra hiên bếp ngồi thụp xuống nôn khan.
Bà cầm tấm khăn bông ra đưa cho thím, hỏi:
“Miền chậm tháng lâu chưa?”.
“Dạ, con… hơn hai tháng rồi ạ!”.
“Mừng quá, u sắp có cháu bế rồi!”.
Giọng bà vui như được mùa lúa mới, thím không nói gì, ôm khăn che mặt chạy lên nhà.
Tối ấy, thím không ăn cơm. Thím vẫn dỗi, chú gọi không được, sai Đan gọi.
Lần đầu tiên, nhìn vào buồng thím, Đan thấy thím nằm quay mặt vào tường, người rung lên từng cơn, thím nín lặng khóc một mình.
Vào cái đêm đau đớn ấy, lúc Đan vừa mười tuổi, Đan cũng nằm trong buồng này, quay mặt vào trong tường, âm thầm khóc, trong khi ở nhà ngoài, mẹ ngất lên ngất xuống, bà thắp xong ba nén nhang, rũ xuống tràng kỷ như mo tre gặp bão tố quật cho rơi rụng, di ảnh ông rầu rầu trong làn khói hương nghi ngút, họ hàng đang họp bàn chuyện sẽ làm đám ma cho bố Đan như thế nào khi xe của công ty than đưa bố về ngay sau vụ sập hầm mỏ xảy ra bất ngờ trưa đó.
Giá bố không bị tai nạn lao động mất sớm, mẹ sẽ chẳng bao giờ bỏ Đan lại với bà chú mà đi bước nữa ở tận một làng chài ven biển miền Trung, đã hai năm rồi mà chưa một lần mẹ sắp xếp để về thăm quê được, bà cậu đến chơi mua cho Đan bộ quần áo, bảo, do mẹ mới sinh em bé, rồi có trận bão lớn tràn qua, tốc cả mái nhà…
Bà chú và chú Sàng rất thương Đan, nhưng cũng chẳng thể bằng mẹ. Cả thím Miền nữa, thím tết tóc, mua váy, còn đánh phấn cho Đan xinh như cô dâu buổi đi diễn văn nghệ trên xã nhưng Đan vẫn không dám sà vào ôm lấy thím như ôm lấy mẹ mỗi đêm mẹ nằm khóc sau ngày bố mất. Như chính lúc này đây, Đan chỉ dám đứng phía cuối giường thím, rụt rè chạm khẽ vào tay thím.
“Thím dậy ăn cơm thôi!”.
“Cả nhà ăn đi, thím không muốn ăn”.
Giọng thím cấm cảu, thím kéo chăn mỏng đắp lên người, cánh tay của Đan rơi thõng xuống, chơi vơi. Lần thứ hai Đan lại có cảm giác hụt hẫng, e ngại với thím. Lần đầu, sau đám cưới của chú thím chừng nửa tháng, Đan vô tư định chạy vào buồng chơi với thím, nghe trộm được thím đang thầm thì với chú vài câu đã vội giật lùi bước ra.
Trời chói chang nắng sau nửa ngày mưa rào rả rích. Ngoài ngõ mấy bà già trầu vỏ vãn chuyện buôn thì cũng hết giang, cắp con thừng con chão rủ nhau về nhà chuẩn bị bữa cơm trưa, Đan dàn xong mớ hàng hôm qua bị mưa ướt ra đầy sân thì thím Miền về, chiếc váy đỏ mới tinh xòe tròn như cái ô, bụng thím khẽ nhú ra, những bị bọc ni lông đeo đầy hai bên yếm xe, cả thùng xốp chằng chặt phía yên sau.
“Bà đâu, chú đâu, Đan?”.
“Bà ra đồng thăm lúa, còn chú đi sang bên Đào chặt mây, có người gọi bán. Sao thím về sớm thế?”.
“Mây với chả tre, ế ẩm mà cứ suốt ngày”.
“Chú bảo may quá có mớ mê thúng trên gác bếp đợi cạp, rồi nức mà chưa có mây”.
“Ra đỡ cho thím! Hôm nay công ty mất điện”.
“Thế là được nghỉ à thím?”.
“Mất điện thì còn may được gì mà chẳng nghỉ, khờ thế!”.
Đan thấy mình đúng khờ, công ty làm bằng máy móc đâu có thủ công như ở nhà đan lát đâu.
“Cẩn thận, nồi cơm điện thím mới mua, từ nay đỡ phải toét mắt đun rơm nhé!”.
Nhà bác Bào hàng xóm đã mua nồi cơm điện từ năm ngoái, anh Phúc đi học trên phố về, cắm cơm ở trong nhà cho Đan xem, chẳng cần ghế mà vẫn chín, chỉ có điều ăn không có vị thơm như nồi gang, Đan về kể với bà. Bà bảo, nhất vẫn là cơm nồi gang đun bếp rơm, mở vung nồi đã thơm khắp nhà, cơm trắng, dẻo thơm, cháy vàng sần sật. Căn bếp sinh ra là để nấu cơm, đem cơm nấu trên nhà thì biến nhà thành bếp à?
Trưa, bà đi thăm đồng về, ngồi vào mâm thấy cái nồi cơm điện trắng toát, cằn nhằn thím Miền có tiền phải biết tiết kiệm còn sinh con, cơm cứ nấu nồi gang cho thơm ngon. Chú Sàng bê bát cơm lên chan canh, vừa và một miếng lập tức chê cơm nhạt. Mặt thím như có làn khói xám, trong khi bà vừa ăn vừa kể câu chuyện về làn khói ấm của căn bếp đã gắn bó với ông bà cả cuộc đời chắt bóp.
Đất vườn căng mịn nhựa phù sa, ông rút dây cắt kéo, đất từng miếng như tấm lưng người đổ lên vai bà, đằm lún bước chân. Hai ông bà thức đêm, đóng gạch dưới trăng nên gạch dầy mưng mức, vuông vức như những chiếc bánh chưng. Lúa phải cắt sát đất để lấy rơm, quang gánh nặng trĩu vai, tích góp qua nhiều vụ chiêm mùa, bảy đống rơm vàng suộm chất cao to lừng lững bằng những cây nhãn trong vườn mới đủ để ông đốt gạch. Tiền bán thúng xảo tích hai năm đủ mua ngói lợp, tiền bán thóc đủ thuê công thợ, tiền bán lợn đủ mua vôi, cát, tiền bán gà, bán chuối đủ đóng cánh cửa,… bấy nhiêu năm mà bà vẫn nhớ như in từng khoản.
Ngày cất bếp, ông mua nguyên cỗ lòng về đánh mười lăm bát tiết canh đãi thợ. Hai ngày đã cất lợp xong, mái ngói au đỏ cố định dấu lớn hơn hướng về mặt đất, gạch còn đủ lát mảnh sân phơi, góc vườn lấy đất đóng gạch thành một cái ao cá, thả bèo ong, nước trong lẻo, trên bờ ông ươm mấy bụi tre, quanh năm gió mát.
Căn buồng nhỏ trái nhà cụ đã từng là phòng cưới cho hai cặp vợ chồng, sẽ lại tiếp tục đón cặp vợ chồng mới, ông chú Rá cưới vợ, ông bà chú và bé Dần, bố Đan lúa ấy vừa hai tuổi, chuyển xuống bếp mới xây ở. Chiếc giường tre kê sát góc trái bếp, khoảng giữa về lưng bếp là hố cạp thúng con, thúng cái, phía trước là chỗ ngồi đan, đến bữa dọn đồ đan gọn vào góc, mâm gỗ bê ra, dăm, bảy cái ghế con quây quần lại thành bàn ăn cơm đầm ấm. Chạn bát ông tự đóng còn thơm mùi tre ngâm, cùng chum tương, vại cà đặt sát tường, vòm bếp nhú ra ngang dọc hai bước chân đủ kê ông đầu rau, trên vòm cuốn tre xây thành ống khói…
Đan nghiện cái mùi rơm cháy quyện với mùi tương cà tưởng như ướp vào từng chiếc nan, mê đan, xà, kèo. Lần mẹ còn chưa đi theo người ta, bà ra đồng dỡ sớm rổ khoai lang, hai mẹ con ngồi nấu cơm, nướng khoai, Đan đã chun mũi hít hà kêu khoai chưa chín mà sao đã thơm? Mẹ chỉ gác bếp trĩu cong những nan mê, thúng, rá, bảo, mùi bếp đấy.
Giờ mẹ đến nơi xa, không biết còn nhớ mùi bếp nữa không?
Đang ngồi rửa bát ở sân giếng, chú Sàng cầm hai chùm quả mây vàng óng như tơ, chú cho Đan một chùm, còn thì cầm vào buồng một chùm. Vừa bê mâm bát lên mặt bể phơi, Đan nghe thấy trong buồng có tiếng thím gắt dỗi: “Ai giờ mà còn thèm ăn quả mây một mùa như chú cháu nhà anh nữa!”.
Đan nằm võng ngoài vườn nghe bọn chim lích chích, vị mây vẫn đằm chát nơi đầu lưỡi như hồi còn bé xíu lần đầu tiên theo chú đi chặt mây bất chợt nhìn thấy có thứ quả nhỏ vàng óng như tơ được sinh ra trong những bụi mây đầy gai góc, đưa lên miệng nếm thử thấy tê tê chan chát đằm đặm. Đan cũng giống bao đứa trẻ khác ở quê, không những thích ăn những thứ quả khôn mà còn thích nếm cả những chùm quả dại trong vườn, như quả mây này, giờ vẫn cứ ngon lạ, sao thím Miền lại chê một mùa?
*
Hình như, em bé trong bụng thím Miền càng lớn lên thì thím càng ít nói, ít cười, còn hay gắt gỏng với chú Sàng. Những buổi ăn cơm dưới bếp cùng cả nhà của thím ít đi bởi thím thường tăng ca về muộn, ngày nghỉ thím về nhà đẻ chơi, cũng không còn cho Đan bám càng như hồi chú thím mới cưới nữa.
Chân thím xuống máu, phù to như cây chuối hột, không ngồi máy may lâu được, thím nghỉ trước chờ sinh. Buổi trưa, Đan bận tuốt rơm nếp cho bà bện chổi giao hàng cho khách, thím phải vào bếp đun nấu, thím lôi nồi điện bà đã cất dưới gầm giường ra cắm cơm. Lúc vào bếp nấu thức ăn, mặt thím đỏ rừ như say rượu, thím càu nhàu về khói bếp, lửa rát, bụi tro, chiếc que đời bị đốt cháy ngắn ngủn khi thím cứ đút que đời để cùng rơm cháy, nồi rau luộc quên không mở vung sôi lạch cạch. Chú Sàng nhìn trước sau thấy bà đã ra đồng thì bỏ đống tre đang chẻ chạy vào bếp đun cho thím, khi nhìn thấy bóng bà về thấp thoáng đầu sân, chú vội vã dụi bếp chạy ra ngồi vót nan dưới giàn mướp.
Nước giếng sóng sánh đổ đầy thau, bó lá thơm được tay bà gột rửa mát rượi, cả cái nồi đồng điếu xếp đầy lá. Bà vắt tấm khăn đen lên đầu, lụi cụi châm lửa đun nước lá. Chú Sàng bảo:
“U vừa ra đồng, nắng mệt, để em gọi Miền xuống đun nước gội đầu cho u!”.
“Cứ để u, Miền nó vừa nấu cơm ra”.
Chú nháy mắt với Đan, Đan tủm tỉm như một cái ngoắc tay với chú, Đan sẽ không mách bà chuyện chú lén vào bếp giúp thím. Bữa trưa, bà đón bát cơm từ nồi điện ăn, không phàn nàn gì thêm. Ăn xong bà lau rửa nồi sạch sẽ, không cất đi nữa. Thím Miền co chân ngồi trên tràng kỷ bóp bóp kêu tê mỏi, bà sai chú Sàng bê thau nước lá đã bớt nóng vào.
“Nước lá u đi kiếm ngoài đồng Mật, lại đun trong nồi đồng điếu, ngâm chân sẽ đỡ tê phù con ạ”.
*
Tan học, Đan đi như chạy, nắng đuổi bóng vẹo bước chân. Tới nhà, nhìn sân ngập nắng mà không thấy chú hong hàng, quẳng vội cặp sách xuống bàn con ở gốc mít định chạy vào bếp bê hàng ra hong thì nghe tiếng chú Sàng tức giận quát lớn:
“Làm gì cũng phải xin phép u, không được tự tiện bỏ chum vại, lọ chai của u ra gốc mít!”.
“Rảnh rỗi để em tổng vệ sinh bếp còn ở cữ. Em đã mua hết chai lọ mới để đựng. Rồi sẽ sắm cái chạn mới nữa, cái chạn tre này ọp ẹp như răng ông lão. Mấy thứ chum vại chai lọ cổ lỗ sĩ ấy để trong bếp chỉ tổ chứa muỗi ruồi, gián rết, dẹp ra ngoài vườn cho gọn. Giờ thử hỏi còn ai dùng chum vại, tích chai lọ, túi ni lông bọc to bọc nhỏ như mẹ anh không?”.
Giọng thím rít qua kẽ răng, nghe như tiếng mài dao sin sít vào chôn bát sành. Qua ô cửa sổ nhỏ, Đan nhìn thấy thím bê cái chum đựng nước cáy bà mới giã phơi được hơn tháng nhưng nặng quá đành phải bỏ xuống, thím chuyển sang bê cái vại đựng muối của bà ì ạch đi ra cửa thì chú Sàng giằng co lại, tuột tay, mất đà, thím ngã vào ổ rơm. Một tiếng kêu “ối” vang lên. Thím ôm bụng, quằn quại, có thứ nước luếnh loáng chảy dọc theo ống quần thím. Vại muối rời khỏi tay chú Sàng, rơi phịch vào cái hố cạp thúng, muối vẩy vãi tung tóe, chú lao tới ôm xốc thím lên, nhìn thấy Đan sợ sệt trước cánh cửa bếp, chú giục rối:
“Chạy sang gọi bác Bào ngay, nhanh lên!”.
Xe máy bác Bào chở chú Sàng ôm thím Miền vừa vụt qua thì bà ống thấp ống cao gánh quang rau về tới cổng, hay tin thím trở dạ, bà chạy vội vào trong hòm lục lấy ít quần áo tã lót cũ dặn Đan ở nhà nấu cơm rơm, luộc ba quả trứng gà, rồi bà tất tả đi bộ lên trạm xá. Cơm om vung dậy mùi, Đan dập lửa, cời than nóng quanh nồi ủ cháy. Muối rơi vãi đang ứa nước khắp nền bếp, Đan cúi xuống hố cạp vét muối, bê vại lên, thấy dưới đáy hố có hai cây mạ nhú ba lá mầm vàng vọt bị đè đổ rạp xuống lòng hố.
Chú Sàng kế cận nghề đan sau khi ông mất. Từ căn bếp này biết bao nhiêu thúng cái, thúng con tròn vành chuông cứng ra đời, qua phiên chợ tới các làng lam lũ cùng bàn tay người nông dân bưng mùa qua mưa nắng. Chú đan thúng giỏi nhất nhì làng, thúng làm đến đâu hết đến đó, cái hố cạp cứ nhẵn thín đi. Ngày bé, những trưa hè oi nồng, anh Phúc sang rủ Đan chơi trốn tìm. Đan nhảy xuống hố cạp thúng, đậy mê nan lên, Phúc chẳng tìm ra, còn Đan mát quá nằm cuộn tròn như con cuốn chiếu đánh một giấc ngon lành trong lòng hố cạp.
Đan ngồi thọt vào lòng hố, nhổ vội cây mạ bấy bớt đi, sợ chú nhìn thấy, lại buồn.
“Thím Miền đẻ thằng mầm giềng ba cân hai rồi nhé!”.
Bà vừa về đến sân đã khoe rất to. Chân tay Đan cứ quýnh cả lên trong lúc dọn cơm. Bà lên thay chén nước mưa trên bàn thờ, thắp hương lầm rầm khấn vái. Vừa ngồi vào mâm, ăn quáng quàng, bát cơm vẫn còn bốc hơi khói bà đã xong, xách cặp lồng cơm trứng, rót ít nước cáy, lật đật đi bộ lên trạm xá.
Hôm sau, chú Sàng và bác Bào võng thím về, bà bế em bé, Đan nấu cơm xong sớm, chạy ra tận đầu làng hóng đón.
Em bé về, cả nhà vui, lây sang khắp hàng xóm. Thím Miền chưa có sữa nhiều, em bé háu ăn khóc oe oe. Mấy tối đầu, bà ngoại em bé tới ngủ cùng để đỡ thím Miền. Củi nhãn phơi khô đã xếp đầy chặt trái bếp để bếp lúc nào cũng đỏ lửa nóng hổi cơm rau, bén đằm âm ỉ nhuyễn nồi cháo sú giò, ngan ngát thơm nước lá tắm cho thím cho em, giã cả mầu lá mít tan trong nước mưa để rửa bầu ngực của thím giục sữa nhanh về.
Cái rổ trứng gà con so bà treo lủng lẳng sát cửa bếp dành luộc chấm nước cáy cho thím ăn cơm sáng để lành dạ đã cộc vào đầu bà khi bà cứ lúi cúi lục tìm quanh quất. Giọng bà lầm bầm hay bọn chuột chạy tha đi của bà mấy cái chai, cái lọ thủy tinh bà để dành rồi? Đan ôm bó rơm ấn vào thùng bếp rồi chạy ra gốc mít, lát sau mang cho bà ít chai lọ không vào, bà chọn một cái lọ thủy tinh bé nhất đem đi rửa sạch, phơi khô.
*
“Về mau, chú thím mày đang cãi nhau to đấy!”
Mấy bà già ngồi đầu ngõ lại nhũng nhẵng đánh thừng ngoằng vào chân Đan, nắng nhòa đi, Đan cất bước nặng nề. Thím Miền về ngoại chơi đẻ hai tháng, mới về được mươi ngày, dù thím không còn khó tính như lúc chưa đẻ, và cu Cau đang tập lẫy luôn phải có người bên cạnh trông nên thím cũng hay gọi Đan vào giường trông em giúp thím. Buổi trước đi chợ đổ vía thím còn mua cho Đan một cái váy hoa, bảo mặc nhà cho mát, cứ quần chùng áo dài em nó đái vào, giặt mệt lắm, lòng Đan rung lên cảm xúc khó tả khi nhận cái váy thím cho, Đan càng năng làm việc nhà, trông em giúp thím.
“Nhà thì đông miệng ăn cứ bám vào cái bếp mà đan với lát thì bao giờ mới ngóc lên được! Bà già nặng tai, lẫn cẫn rồi, mình phải quyết. Đợt này em lĩnh tiền đẻ thì phá bếp đi xây lại, đặt bếp ga, còn nấu bột cho con. Chẳng rơm rạ gì nữa cho bụi bặm, rặm người, anh cũng đi công ty cho lành. Rồi thì vợ chồng phải xin bà ra ở riêng, phải xây được cái nhà tầng tử tế mà ở chứ!”.
“Cô không được nói thế, tôi cấm đấy! Nhà còn một mẹ một con mà cô…”.
“Một mẹ một con, bà vẫn có cái Đan!”.
Những ngọn khói oằn cong mình dần tan trong nắng, bóng Đan xoay vòng tròn rúm lại dưới sân, tai ù ù đi như bầy ong vỡ tổ, miệng khô rộp, bụng đang đói cồn cào bỗng rạo rực chướng lên, cảm giác khó thở, tắc nghẹn nơi cổ họng. Nhìn thấy Đan về, chú Sàng chợt bặt ngay, lùi lũi bước ra gốc mít tìm con dao dựa chẻ cây tre mới hạ.
Chưa bao giờ chú nhìn lén Đan mà lúc này vừa chặt được hai nhát dao, chú chợt nhìn lén Đan, rồi quay đi, giọng rầu rầu:
“Thôi, lên nhà trông em cho thím nấu cơm nốt”.
Trưa qua Đan đi học về muộn, thím Miền đã phải nấu cơm. Xới đến bát thứ ba thì nồi hết cơm, chú Sàng cằn nhằn nấu ít, thím Miền buông ngay bát đứng lên đay đả, trưa nay vét còn có hai bò, nhà đông người ăn nó nhanh hết gạo thế đấy. Miếng cơm trong miệng Đan sậm sật như sống, đôi tay cầm đũa đuội đơ. Không biết bà có nghe được không, bà chỉ gắp cho Đan miếng cá kho, giục, ăn đi cháu. Cố nuốt nốt bát cơm mà miệng Đan cứ như nhai rơm nhai rạ.
“Cháu bà nội tội bà ngoại mới đúng chứ, sao cái Đan không thích về ở với bà cậu như những đứa khác nhỉ? Bao giờ thì mẹ mới cho vợ chồng mình ở riêng cho tự do?” Tai Đan lại nhức nhối nhớ lại câu nói của thím mà Đan đã muốn quên đi từ lâu, chính cái lần Đan định chạy vào buồng chơi với thím nghe thấy thím thì thầm với chú, Đan đã phải giật lùi trở ra.
Trong nhà có tiếng ngã đánh bịch kèm theo tiếng khóc chết giấc của cu Cau. Mọi người cuống cuồng chạy vào, cu Cau tự lẫy lật từ trên giường rơi xuống đất, khóc chết giấc. Chú Sàng vừa bế cu Cau lên tay thì thím Miền lao đến, nhìn thấy con trán sưng vù như quả ổi, tím tái khóc không lên tiếng, thím vỗ ngực bồm bộp, gào lên như rứt ruột:
“Một đống người mà để thằng bé ngã thế này. Anh có đẻ ra nó đâu mà anh biết xót, ối giời ơi là giời!”.
Cu Cau vẫn tím tái người, mãi tiếng khóc mới bật ra quằn quại. Đan ân hận vì sự chậm chễ của mình, đôi vai run rẩy, nước mắt cứ thế ứa ra.
Trên nhà, mọi người đang lo lắng cho cu Cau thì dưới bếp, nắm rơm thím Miền chưa kịp dụi lúc vội vã lao lên nhà đã bén ra, bén ra liếm chỗ rơm rác bừa bãi, nhoằng tới thùng rơm. Bà vác cuốc về đến sân thấy khói lửa mù mịt, thất kinh, ú ớ: “Bà con ơi, cháy, cháy bếp, cứu với!”. Tiếng gọi nhau í ới từ chỗ mấy bà già chắp thừng bên gốc tre, có cả tiếng anh Phúc oang oang như loa phát thanh loang nhanh khắp xóm, tiếng bước chân rầm rập đổ tới cùng lanh canh xô, chậu.
Chú Sàng hốt hoảng trao cu Cau vẫn khóc ngằn ngặt sang tay thím Miền giục thím cho Cau bú để chú chạy xuống bếp dập lửa.
“Con trai anh mà không bằng cái bếp à? Đằng nào cũng phá, cứ cho cháy hết đi để xây bếp mới!”.
Bốp! Bàn tay vừa cầm dao chặt tre, vừa bế cu Cau của chú sập lên má thím, mặt thím đỏ ẩng những hằn ngón tay, cu Cau giật mình ngơ ngác rồi lại khóc nấc lên, thím nhìn với cặp mắt rực lửa uất hận khiến chú Sàng chững lại giây phút rồi cũng nhao xuống bếp. Thím đứng lên, một tay vẫn bế cu Cau cho bú, một tay thím với chiếc ba lô, thím lao ra khỏi nhà.
*
Giờ thì thím chịu theo bà chú trở về.
Những ngày thím bỏ về ngoại, bà sốt ruột cu Cau đã sang thăm một lần, nhưng thím không theo bà về. Ngay sau đó, thím thuê một phòng trọ ra ở riêng, vì em dâu của thím cũng vừa sinh cháu. Mấy bà già ngồi chắp thừng hóng tin làng thím kể với nhau, Đan đem đồ đạc trong bếp bị ám khói ra ao rửa ráy, nghe được. Lần này, Đan không thấy ghét mấy bà già hay buôn chuyện nữa, chuyện cũng chỉ để kể, để hiểu thôi, không có mấy bà ngoài ngõ, anh Phúc vừa về chơi kêu to chạy sang, mọi người nhanh chân tới giúp thì cả căn bếp của bà đã cháy sạch chứ đâu còn đồ hàng cho hai chú cháu khệ nệ bê chuyển thế này.
Nhìn cu Cau đang bú mẹ tòm tọp, Đan chỉ muốn chạy vào xoa đầu, thơm má em một cái nhưng e ngại thím Miền, đành đứng nép bên cánh cửa.
“U tính sửa, nhưng thôi. Chồng con đã gọi cho cậu Phong thợ xây, chốc nữa cậu ấy sẽ tới xem xét và nhận công trình. Lũy tre đem ngâm để làm mái, rồi sẽ mua nguyên vật liệu…”.
Giọng bà nhẹ bẫng như sắp bắt tay vào một vụ mùa mới, thím Miền cúi xuống vuốt mấy ngọn tóc sữa đang chờm xuống mặt cu Cau.
Hai chú cháu chuyển vừa hết đồ đạc, hàng họ trong bếp ra thì chú Phong đi xe máy tới, phía sau còn đèo một ông khách tóc muối tiêu ăn vận lịch sự. Sau khi ngắm nghía tứ phía căn bếp, lại trèo lên gác bếp cùng chú Phong kiểm tra mái ngói một cách tỉ mỉ, ông khách gặp bà.
“Tôi đang định dựng một ngôi bếp lối cổ, xin phép được chụp ảnh căn bếp nhà bà tham khảo mẫu, và sẽ mua hết toàn bộ gạch và ngói của căn bếp nhà bà, giá cả không quan trọng, sáng mai đích thân tôi sẽ cho quân tới dỡ!”.
Chú Phong thì vỗ vai chú Sàng cười khì:
“Gác bếp vẫn chắc chắn lắm, dễ thừng làng này toàn bện bằng cật tre chứ chả lót phoi tí nào ông ạ”.
Tối ấy, gian bếp dù đã dọn ra vãn nhưng vẫn cứ phảng phất mùi khói ấm của rơm củi, tre giang, cả nhà ngồi quây quần bên mâm gỗ ăn cơm lần cuối dưới mái bếp cũ, chỉ nghe tiếng bát đũa va rất khẽ như tiếng thở của căn bếp. Cu Cau đang ngủ trong nôi đặt cạnh thím Miền, chợt giật mình tỉnh giấc, rồi cứ thế khóc ngằn ngặt, thím Miền bế lên, ấn ti vào miệng nhưng Cau vẫn ngửa cổ lên trần bếp khóc như có ai cào ai cấu.
“Mấy ngày nay, cứ tối đến là cháu khóc cả tiếng, nửa đêm tỉnh dậy lại khóc, bụng cứ cuộn lên, hay cháu đau ở đâu? Con không biết phải làm sao”.
“Trộm vía…”
Bà nhìn lên gác bếp, vẫn còn mấy thanh tre già gác, treo trên đó. Bà chỉ cho chú Sàng tháo cái ống tre sậm bóng da lươn treo ngay phía giáp đầu giường tre cũ đem xuống. Rút khăn lụa đội đầu, bà lau ống tre cẩn thận hết bụi tro rồi bảo chú Sàng mở cái nút tre. Sáu lọ thủy tinh nhỏ dầy như đít chai rơi xuống tay bà trong ánh mắt ngơ ngác, ngạc nhiên của mọi người.
“Lọ đựng dây rốn của mọi người đấy!”.
Đan đón từng lọ thủy tinh nhỏ từ tay bà.
“Hai cái lọ cũ này, cụ bà buộc chỉ đỏ chỉ vàng là của ông nội Thúng và ông chú Rá này. Còn đây ghi chữ D là của bố Dần này, chữ S là của chú Sàng, còn chữ Đ là Đan, và cái lọ mới đây, vết vôi còn trắng tinh, chữ C là của cu Cau đấy”.
Đan cầm lọ dây rốn của mình lên, tò mò ngắm cái cái dây rốn bên trong đã khô cong, ngả mầu nâu nhạt. Mắt thím Miền nhìn như dán vào những chiếc lọ thủy tinh nhỏ, thím cầm chiếc lọ có đựng dây rốn của Cau lên, đăm đắm.
Ở hai cột hiên bếp, hiên nhà về phía đông, bà buộc hai cái áo sơ sinh của cu Cau, cái dây rốn được đặt đúng giữa bụng, chỗ cái rốn sâu hun hút của cu Cau. Đêm ấy, em ngủ thin thít. Nhưng bà khó ngủ, bà cứ trằn trọc giở mình, hơi trầu vỏ cay nồng. Tiếng gà gáy vang lên khắp xóm, Đan tỉnh giấc, quờ tay sang bên cạnh không thấy bà đâu. Đan đi ra sân, trời tang tảng sáng, ngoài cổng có tiếng bước chân anh Phúc chạy tập thể dục rình rịch. Dưới bếp, nồi xoong va lanh canh, tiếng lửa reo, tiếng nước sôi, dáng bà ngồi đun lặng lẽ, bàn tay chi chút từng nắm rơm. Đan khẽ ngồi xuống bên bà, ngả đầu vào vai bà, hơi ấm lan đỏ ửng đôi má, mùi khói cay cay xộc vào mũi Đan.
NGUYỄN THU HẰNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...