Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng: Mê muội

Truyện ngắn Nguyễn Thị
Bích Vượng: Mê muội

Khoảng 11h 25 phút, đây là giờ cao điểm nhất trong ngày làm việc của khoa cấp cứu, bệnh viện huyện Minh Châu, nơi Lan, con dâu ông Cần đang công tác. Lan đang hối hả cuốn theo không khí tất bật, kiểm tra lại công việc, để chuẩn bị bàn giao cho kíp trực buổi trưa, thì nhận được tin bố chồng chị bị ngã, bất tỉnh. Lan hốt hoảng, quay về phòng thay đồ.
Chị vừa cởi chiếc áo blouse trên người ra, vừa nói với đồng nghiệp: “Em chị vừa gọi điện. Chị phải về ngay, chiều nay chị xin phép nghỉ, các em làm thay chị nhé”. Mọi người lo lắng cho Lan, rồi cắt cử người ở lại khoa, người mang thuốc và đồ cấp cứu về cùng với chị. Lan cảm ơn đồng nghiệp, nói: “Để chị về nhà xem sao, có gì chị sẽ gọi lại nhờ các em sau”. Lan đi như lao về phía lán để xe. Một cơn gió thổi ngang qua mặt, mang theo mùi đặc trưng mà hầu như bệnh viện nào cũng có. Thứ mùi ấy không hề dễ chịu vì sự hỗn tạp của chất thải, mùi mồ hôi của bệnh nhân và mùi thuốc tẩy nồng nặc. Lan lấy trong túi ra cái khẩu trang, che kín mặt, chỉ còn lộ mỗi đôi mắt. Dắt xe ra, rồ ga cho xe chạy nhanh, ruột gan nóng như lửa đốt…
Con đường từ nơi Lan làm việc về nhà chừng 5-6 km. Hai bên đường ngút ngát toàn ngô là ngô. Thi thoảng điểm một vài ruộng cải, hoa nở vàng ruộm, rực rỡ, xen lẫn với màu xanh của những thửa ngô đang thì con gái, thi nhau trổ cờ. Hương hoa thoang thoảng bao trùm, làm vợi đi cái nắng nóng của buổi trưa hè. Nhưng lúc này trong đầu Lan chỉ nghĩ làm sao để nhanh về nhà. Chiếc xe máy phóng nhanh, bánh xe chà vào đá dăm trên mặt đường nghe lạo xạo, để lại phía sau bụi trắng như khói.
Lan dắt xe vào cổng. Nghe tiếng động, mấy người bà con trong nhà ông Cần nhốn nháo nhìn.
“Kìa, chị Lan đã về rồi kìa”. Lan đi như chạy vào nhà, chào mọi người, để vội cái túi xách xuống ghế, sà đến bên giường bố chồng, Thuần đang ngồi trên chiếc ghế, cạnh đầu giường ông Cần nằm, đứng lên nhường lại ghế cho Lan: “Bố à! Bố có đau ở đâu không? Bố thấy trong người thế nào bố, bố… “.
Nhà văn Nguyễn Thị Bích Vượng
Ông Cần lơ mơ nghe tiếng người gọi. Ông nhíu đôi lông mày rồi từ từ mở mắt. Ông thấy đầu đau như búa bổ. Ông định nhỏm người ngồi dậy, nhưng cả tấm thân nặng trĩu. Ông muốn nói câu gì đó, nhưng môi lưỡi bị tê cứng, cố gắng mãi ông mới nói được một câu: “Tôi thấy đau đầu”. Mọi người thở phào mừng vì ông Cần đã tỉnh. Lan nhanh tay lấy máy đo huyết áp và nhiệt kế ra đo, chị cho bố uống sữa. Ông Cần khó nhọc lắm mới uống được vài ngụm.
Lúc đó Lan quan sát kỹ, thì thấy nhân trung của bố chồng hơi lệch. Biết tình hình bệnh trầm trọng, cần phải đưa ngay lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu kịp thời, Lan khẽ nói: “Ông uống chút sữa, xong con sẽ đưa ông lên bệnh viện để bác sĩ kiểm tra xem sao ạ”. Ông Cần không nói gì, nét mặt có vẻ lo lắng. Lan động viên: “Chắc không có gì nguy hiểm đâu. Ông cứ yên tâm, bệnh viện kiểm tra, mình cẩn thận vẫn hơn ông ạ”.
Lan đi ra ngoài, lấy điện thoại gọi cho Hoàng chồng chị, con trai thứ của ông Cần. Hoàng sửng sốt: “Anh sẽ về ngay, nếu cần em cứ đưa bố lên bệnh viện trước đi, anh thu xếp công việc rồi lên sau”. Lan gọi điện báo cho anh Ánh. Anh là con trai trưởng của bố mẹ chồng Lan, nên mọi người thường gọi Ánh là anh trưởng. Lan nói với anh trưởng: “Bố bị tai biến mạch máu não rồi. Em chuẩn bị đưa bố lên bệnh viện tuyến trên ạ”. Anh trưởng giật giọng: “Thế ông bị nặng lắm à, mà phải chuyển lên tuyến trên”. Lan chưa kịp trả lời, thì nghe tiếng Mích, vợ kế của anh trưởng vọng qua máy của Lan: “Bảo cứ từ từ, để hỏi chúa, xem chúa bảo đi được giờ nào hãy cho đi”. Chắc điện thoại của anh trưởng bật loa ngoài. Anh trưởng ngập ngừng: “Thím… thím chờ tôi gọi hỏi chúa xem giờ nào đi được, tôi sẽ báo lại cho thím sau”. Bất cứ có việc gì chung của cả nhà như hiếu, hỷ, giỗ chạp, bố mẹ, anh em ai ốm đau hoặc có việc trọng đại là vợ chồng Lan hoặc các em đều phải gọi điện để báo cáo vợ chồng anh trưởng. Và hình như việc gì vợ chồng anh trưởng cũng bảo để còn hỏi “chúa”…
“Chúa” mà anh trưởng vừa bảo Lan phải chờ để nghe phán, là một người đàn bà nhỏ thó, có đôi mắt một mí, với đôi lông mày xăm bằng mực tàu xanh lét như hai sợi chỉ. Chị ta là bạn thân của Mích, cùng cảnh bị chồng bỏ, tự cho mình biết nghề xem bói, và cũng tự xưng mình là “chúa”, nên hễ cứ đi đâu trên 10 km là vợ chồng anh trưởng lại phải gọi điện để “chúa” phán giờ nào tốt rồi mới đi.
Một lát sau anh trưởng gọi lại bảo Lan: “Đúng 4 giờ chiều thím mới được cho xe xuất phát đưa ông ra khỏi nhà đấy nhé”. Lan giật mình. “Cứu người như cứu hỏa mà lại nằm đợi những 5 tiếng đồng hồ nữa mới được đi? Với lại giờ ấy chuẩn bị sang ca trực tối rồi…”. Lan chưa nói dứt lời, thì Mích lại nói xen vào: “Chúa mà đã phán thì như đanh đóng cột, nếu mà không nghe thì ông sẽ bị chết trên đường đi đấy”. Rồi anh trưởng bảo Lan: “Bây giờ thím phải đi sắm ngay từng này thứ. Anh trưởng kể một lô nào là giấy tiền bao nhiêu loại, mỗi loại bao nhiêu. Nào là hoa loại này mấy bông, loại kia mấy bông, loại này mấy quả, loại kia mấy quả… rồi mang lên chùa gần đấy, thắp hương kêu các ngài phù hộ thì bệnh của bố sẽ giảm ngay”.
Lan không tin vào bói toán, chị ậm ờ, rồi chủ động tắt máy, sau đó gọi điện xin ý kiến chồng. Hoàng rất tin tưởng vào chuyên môn cũng như sự nhanh nhạy của Lan trong công việc gia đình mỗi khi anh vắng nhà. Lan thống nhất với chồng rồi nhanh chóng chuẩn bị những thứ cần thiết đợi chờ xe của chồng về. Bà Trinh, mẹ chồng Lan, từ nãy vẫn rầu rĩ, tay bà đang nắm lấy bàn chân ông Cần nắn nắn, bóp bóp. Lúc này Lan mới sực nhớ đến bữa trưa của mẹ chồng, chị khẽ nói: “Mẹ đã ăn cơm chưa?”. Bà Trinh thở dài: “Vừa mới nấu xong, định lên nhà gọi ông xuống ăn, thì thấy ông đổ vật xuống đất, may mà có vợ chồng Hà Thuân nó ở bên nhà chú Khâm, và mấy người xung quanh nghe tiếng tôi kêu mới chạy đến, bế ông lên giường. Cơm canh vẫn bày cả ra đấy đã kịp ăn uống gì đâu!”. Lan an ủi mẹ chồng: “Mẹ cứ yên tâm, ở nhà giữ gìn sức khỏe. Con gọi cho cô Thu rồi, lát nữa cô Thu sẽ xuống ở cùng với mẹ. Con đưa bố đến bệnh viện điều trị vài hôm sẽ khỏi thôi. Bây giờ mẹ đi ăn cơm đi, kẻo muộn”. “Hãng gợm, để ông ấy đi rồi ăn sau cũng được”. Bà Trinh sụt sùi, kéo vạt áo lên lau nước mắt.
Lan vội vàng đi xuống bếp. Nồi cơm mẹ chồng chị nấu bếp củi, bằng nồi gang vẫn để trên chiếc kiềng, than tro đã tàn, nguội ngắt. Nhà Lan nồi cơm điện có, nhưng mẹ chồng chị không dùng. Bà bảo nhà sẵn củi dùng điện làm gì cho tốn tiền. Với lại nấu bếp củi, bằng nồi gang, ăn cơm ngon hơn. Một đĩa trứng chưng gà nhà nuôi đẻ, với vài cọng rau muống bà Trinh hái ngoài vườn về luộc, thêm lọ ruốc thịt lợn Lan làm sẵn để bữa sáng ăn cho tiện. Mọi thứ đã bày ra mâm gỗ. Nhà bà Trinh mâm nhôm, mâm đồng đều có cả, nhưng bữa trưa khi chỉ có hai ông bà ở nhà, bà Trinh thường dọn cơm ra mâm gỗ. Cái mâm gỗ đã dùng từ rất lâu, xung quanh bị sứt sẹo, cọ rửa khó sạch. Đã có lần Lan bảo mẹ chồng: “Mẹ bỏ cái mâm gỗ này đi, lấy mâm nhôm ra dùng, vừa sạch vừa rễ rửa”. Nhưng bà Trinh bảo: “Ngày xưa đến bữa, bát đũa, đồ ăn bày cả xuống mê chiếu rách còn được nữa là… Cái mâm gỗ này nó gắn bó với ông bà suốt mấy chục năm, từ cái thời ngày hai bữa, bày lên mâm chỉ toàn có khoai lang với củ đót hầm, chứ nào có như bây giờ. Mà nó vẫn còn dùng tốt, làm sao phải bỏ nó đi chứ”.
Lan thấy lòng xa xót, chị đứng ngây ra nhìn, cùng lúc đó ngoài ngõ có tiếng còi xe, biết là xe của chồng đã về. Chị với tay lên tủ bếp lấy chiếc lồng bàn đậy thức ăn trên mâm lại, rồi vội vàng quay ra. Cháu Đoàn, người lái xe cho Hoàng từ trong xe bước nhanh vào nhà, chào mọi người, rồi tất cả mỗi người một tay đưa ông Cần ra xe. Bà Trinh mắt ngân ngấn nước, miệng lẩm bẩm: “Con nó đưa ông vào viện mấy ngày, ông chịu khó ăn, chịu khó uống thuốc cho mau khỏe rồi về nhà với tôi ông nhé”. Lan bùi ngùi, xúc động, nắm lấy tay mẹ chồng, bà lẽo đẽo đi theo Lan, đưa ông Cần ra tận cổng, ông lên xe đi rồi, bà Trinh vẫn đứng nhìn theo cho đến khi chiếc xe đã khuất, mới quay vào nhà.
Con chó mọi hôm giờ này đã được ông Cần mở cũi cho ăn. Hôm nay hình như biết chủ bị ốm, nó nằm cuộn khoanh, mắt lim dim buồn. Người ra người vào thăm hỏi mà nó cấm có sủa câu nào. Bà Trinh đi đến bên chuồng chó, tay run run mở khóa. Con chó chạy vụt ra, lao một mạch xuống bờ ao. Bà Trinh lại quay ra mở chuồng gà, đàn gà nháo nhác chạy ra vườn. Rồi bà lủi thủi vào bếp, xới lưng bát cơm đưa lên miệng. Miệng bà đắng ngắt, nhai cơm, như nhai củi, nuốt không trôi. Bà xới một ít trộn cho con chó, một ít tung ra sân cho đàn gà, đàn gà thi nhau mổ từng hạt cơm trên nền sân, líu ríu…
***
Ông Cần nằm ở bệnh viện, điều trị bệnh đúng một tháng thì được ra viện. Bà con họ hàng, làng xóm tíu tít chạy qua hỏi thăm. Ông Cần đi vào buồng mở chum thóc, moi ra một chai thủy tinh, vỏ của chai bia ở trong đựng trà sen do tay ông ướp, đem ra pha mời mọi người uống. Trà sen ông Cần làm nổi tiếng là ngon. Hồi còn trẻ vợ chồng ông Cần thuê cả một cái đầm sen lớn để lấy hoa ướp trà. Từ ngày tuổi cao sức yếu, con cái đi thoát ly hết, ông bà không kham nổi nên đành trả lại đầm cho xã. Nhưng mỗi năm mùa hoa nở, chồng Lan vẫn đặt mua vài trăm bông cho ông bà ướp trà để nhà dùng, cũng là thú vui ngày xưa của bố mẹ anh.
Nhà ông Cần tối hôm nay bật thêm đèn sáng trưng ra tận ngõ. Bên chén trà sen ngan ngát, tỏa hương, với đĩa trầu têm cánh phượng tự tay bà Trinh têm rất khéo. Căn nhà đầy ắp tiếng cười…
***
Thời gian trôi nhanh như chạy. Mới hôm nào ông Cần khỏi bệnh về nhà mà hôm nay đã vừa tròn một năm rồi…
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng. Lan vội vàng nói với chồng: “Anh nhìn kìa, đúng là bố mình, ông ra cổng đứng làm gì nhỉ”. “Chắc bố đứng chờ vợ chồng mình về”.  Khi xe của vợ chồng Lan về tới cổng, Hoàng cho xe dừng lại: “Em cầm đồ ăn, để anh đưa bố vào nhà”. Đến bên: “Bố đứng làm gì ở đây, trời rét lắm, bố vào nhà đi”. Ông Cần không nói không rằng, mắt xa xăm nhìn về cuối ngõ. Hoàng nói tiếp: “Bố chờ chúng con à? Chúng con về rồi, bố vào nhà cho đỡ lạnh, nào để con đỡ bố nào”. Ông Cần lúc bấy giờ mới nhìn Hoàng, mếu máo: “Không! Không phải bố chờ các con, là bố chờ, là chờ anh trưởng”.
Lan cảm thấy lòng mình se lại bởi câu nói của bố chồng. Hoàng xúc động, sống mũi cay cay, anh quàng tay ngang lưng bố, rồi dìu ông vào nhà, Lan xách thức ăn vào bếp. Biết bố, mẹ chồng thích ăn canh cua, nên chiều nào dù bận mấy chị cũng kỳ cạch giã cua nấu với rau mồng tơi thêm một chút rau đay, rau rền hái ngoài vườn… Vẫn mấy món ăn hợp với khẩu vị của bố mẹ chồng. Vậy mà tối nay ông Cần ăn rất ít. Dù cho vợ chồng Lan mời thế nào ông cũng chỉ ăn vài miếng cơm với một chút canh rồi đứng lên đi vào giường nằm từ chập tối.
Bà Trinh tối nay ăn cũng ít hơn mọi hôm, bà ngồi trước bộ trường kỷ, thu cả hai chân lên ghế, nét mặt đăm chiêu, mắt xa xăm nhìn ra ngõ. Xung quanh hàng xóm im ắng, đèn ngoài đường xóm đã tắt. “Mẹ vào giường ngả lưng cho đỡ mệt”. Bà Trinh rón rén đi vào chiếc võng để ngay cạnh giường ông Cần đang nằm, ngả lưng xuống võng, có tiếng muỗi vo ve bên tai, bà nhón chân định đưa võng để xua muỗi, nhưng rồi lại sợ tiếng võng đưa làm ông Cần tỉnh ngủ. Bà hướng về chiếc giường ông Cần đang nằm. Lạ thật, mọi hôm giờ này là ông đã ngáy o o. Vậy mà hôm nay… Bà cố giỏng tai nghe, vẫn không nghe thấy cái tiếng ngáy quen thuộc mà nhiều tối nằm cạnh ông, bà đã bị mất ngủ vì nó.
Không gian vắng lặng, chỉ có tiếng xì xào của con trai và con dâu thứ. “Vợ chồng nó đang bàn bạc chuyện gì nhỉ”. Bà Trinh chăm chú nghe, câu được câu mất, nhưng bà biết con dâu và con trai bà đang lo lắng về việc ông Cần chiều nay ra cổng đứng chờ vợ chồng con trai trưởng.
Bà biết tính Hoàng thương bố mẹ. Vợ nó làm nghề y, mua thuốc bồi bổ sức khỏe cho ông bà dùng thường xuyên, thức ăn đồ uống, quần áo, tivi, tủ lạnh đồ đạc trong nhà chả thiếu thứ gì. Đã nhiều lần Hoàng bảo: “Thuê người ở nhà trông nom bố mẹ, lúc vợ chồng con đang trong giờ làm việc ở cơ quan”. Nhưng bà nhất định không đồng ý. Bà Trinh chăm chú nghe vẫn chỉ là tiếng rì rầm cùng với tiếng của chiếc đồng hồ treo tường vọng vào căn phòng ông bà nằm.
Bà Trinh thở dài, vắt tay lên trán miên man nghĩ, chợt bà nhớ lại hôm trước đi họp thôn. Cô Xinh trong giờ giải lao, nói: “Xóm này nhất vợ chồng bà Trinh. Các con, các cháu đều phương trưởng, thành đạt cả, không nhà nào bằng. Sướng nhất hai bác đấy…”. Mọi người đều tấm tắc khen. Mà họ khen cũng đúng. Có con, cháu nhà nào trong xóm này được như nhà bà? Con trai trưởng của bà  đã từng là một sĩ quan, giữ chức giám đốc của một nhà khách thuộc Quân khu Ba, bây giờ về hưu lương cao ngất ngưởng. Còn Hoàng đang là một cán bộ quản lý của một ngành quan trọng trong tỉnh. Ba cô con gái cũng đều thoát ly, cuộc sống dư giả. Ông bà từ lâu được vợ chồng Hoàng chăm sóc rất chu đáo, các con gái cũng hiếu thảo, qua lại thăm nom, quà cáp cho bố mẹ luôn… Chỉ bị mỗi con Mích mất nết, suốt ngày ghen ngược lên với các con chồng, giành giật cả vật chất lẫn tình cảm của chồng cho hai mẹ con mình, rồi mượn lời thầy bói hù dọa, tìm cách lôi kéo chồng nghe theo mình mới ra nông nỗi này. Con Thạch mà còn sống thì đúng là nhà bà dâu, rể, trai gái, các cháu nội ngoại hai bên được tất, đằng này…
“Năm ngón tay, cũng có ngón dài ngón ngắn. Chả nhà nào vuông tròn hết cả đâu”. Bà Trinh tự an ủi mình, rồi khẽ ngồi dậy, rón rén đi ra ngoài, thấy phòng của vợ chồng con trai vẫn mở, bà nhẹ nhàng bước vào: “Các con chưa đi ngủ à”. Lan vội vàng bưng chiếc ghế để cho mẹ chồng ngồi. Bà Trinh rầu rầu kể: “Không phải hôm nay bố con mới ra ngõ ngóng vợ chồng nhà Ánh đâu, mà đã hơn một tuần nay rồi, chiều nào bố con cũng ra cổng đứng như thế. Mẹ nói thế nào ông ấy cũng không chịu vào, chỉ đến khi chiếc loa treo ở đầu ngõ cất lên bài ca cải lương, ông ấy mới chịu vào nhà. Nhưng hôm nay chiếc loa phát thanh của thôn bị xảy ra sự cố, ông không biết, nên cứ đứng chờ mãi, rõ khổ”. “Thế mà gần chục ngày rồi mẹ mới nói”. Hoàng thốt lên. Anh đứng phắt khỏi chiếc ghế, quay ra lại quay vào, vò đầu bứt tai. Chiếc kim giây của chiếc đồng hồ treo tường vẫn cần mẫn buồn tẻ. Chợt Hoàng nảy ra ý định. Anh đưa mắt nhìn lên chiếc đồng hồ, đã 9h 30: “Bây giờ con bấm điện thoại cho anh trưởng để mẹ nói chuyện nhé…”. Bà Trinh đây đẩy: “Mẹ già rồi, lại nặng tai nữa, biết gì điện thoại mà nói, con gọi mà giục vợ chồng nhà nó, biết đường thì về nhanh lên”. “Thì con bấm sẵn rồi, mẹ chỉ việc nói thôi, có gì mà không biết. Với lại mẹ giục anh ấy về thì không sao, chứ con mà giục thì… “. Bà Trinh rối rít. “Ừ, ừ, thế con gọi đi”.
Hoàng lấy điện thoại gọi cho anh trưởng. Rồi bật loa ngoài. Sau hai hồi chuông thì nghe tiếng anh trưởng: “Anh à! Mẹ muốn nói chuyện với anh này, anh nói với mẹ nhé”. Bà Trinh để sát miệng vào chiếc điện thoại nói rõ to. “Thế vợ chồng con dạo này có khỏe không? Hai vợ chồng tranh thủ về nhà chơi. Lâu lắm rồi các con không về, bố  mẹ nhớ các con lắm. Bố con cũng chỉ vì nhớ con mà sinh bệnh, ốm nằm không dậy được nữa rồi, các con cố gắng tranh thủ về thăm bố…”. Bà Trinh đang nói thì tiếng Mích, con dâu trưởng của bà vọng vào: “Về gì mà về, về để mà ốm theo ông à? Chúa đã bảo tuổi bố tuổi con xung nhau thì tốt nhất là ít gặp cho nó lành”. Bà Trinh nổi nóng: “Này, chị không về thì thôi, nhà tôi cũng không cần cái mặt chị. Nhưng chị đừng có đầu độc con trai tôi rồi cho nó ăn bùa mê thuốc lú nhé. Từ ngày con tôi vớ phải chị nó mới đốn đời mạt kiếp thế này… “. Anh Ánh vội vàng cắt ngang lời bà Trinh: “Vâng để con xem sao, mẹ nghỉ đi”
Bà Trinh khóc nấc lên. “Sống mất cậy, chết mất nhờ. Lúc nào cũng chỉ lo giữ thân mình, bố ốm mặc bố, mẹ ốm mặc mẹ, không biết ngại với xóm làng à? Cứ ở đấy mà hầu con đĩ, có đồng nào nó quẵm hết, già ốm ra đấy mới biết thân”. Ông Cần từ nãy nằm phòng bên cạnh nghe hết đầu đuôi câu chuyện của vợ và các con. Sáng hôm sau, ông không dậy, nhịn ăn cả ngày. Ông nằm bất động một tuần liền, không nói không rằng, chỉ thi thoảng mới nhấp một ngụm nước, người dán xuống chiếu. Lan kiểm tra huyết áp, mạch, nhiệt độ cho bố chồng… mọi chỉ số sinh tồn đều bình thường. Duy chỉ có huyết áp là hơi thấp một chút, vì ông không ăn gì.
Lan mời bác sĩ về khám nhưng cũng không phát hiện ra bệnh gì. Lan hỏi bố: “Ông mệt à?”. Ông cũng không trả lời: “Hay con đưa ông vào viện kiểm tra sức khỏe xem sao”. Lúc bấy giờ, ông Cần mới khẽ lắc đầu, tay xua xua, ra hiệu không đồng ý. Bà Trinh đứng cạnh Lan nắm lấy tay con dâu, hai mẹ con đi ra ngoài hiên, bà mới nói nhỏ: “Bố con tuổi cao rồi, bệnh của người già, thuốc không chữa nổi đâu, đừng đưa bố vào viện nữa, lỡ không may mà như nhà bác Thà ở xóm trên thì gay. Nhà bác ấy vừa mới tuần trước bố bị ốm, rồi cũng đưa vào bệnh viện, đến khi bệnh nặng quá rồi mới cuống lên cho về nhà không kịp, đành phải đưa xác về nghĩa trang làm ma… Nghe nói, con trai ông Thà cũng làm quan chức ở tỉnh giàu có lắm, muốn trả hiếu bố làm đám ma thật to, nhưng rồi lại sợ, có dám đưa xác về nhà đâu. Lại còn mang tiếng mãi về sau là chết đường chết chợ nữa chứ”. Chú Khâm, em trai ông Cần  đứng ngay đó, chăm chú nghe bà Trinh nói, rồi gật gật đầu tỏ vẻ rất đồng tình với quan điểm của bà Trinh…
***
Con cháu í ới gọi nhau: “ông sắp mất rồi”. Họ mạc làng xóm kéo đến hỏi thăm. Mấy bụi cây rậm rạp cạnh khoảng sân trước nhà cũng bị phát quang, mượn thêm vài bộ bàn ghế kê tiếp khách… Việc chuẩn bị lo hậu sự cho ông Cần đã được Hoàng cắt cử người nào việc ấy. Con cháu, anh em ruột đứng quanh ông Cần chờ giờ… Ông Khâm, em ruột của ông Cần nhìn một vòng rồi hỏi:
– Thế đã ai báo cho vợ chồng anh trưởng biết chưa?
Thu, con gái ông Cần nhanh nhảu trả lời:
– Cháu gọi điện báo rồi!
– Thế cháu nói thế nào mà giờ này vẫn chưa thấy mặt vợ chồng nó?
– Cháu bảo anh chị thu xếp về ngay, bố sắp mất rồi.
– Thế chúng nó bảo sao?
– Anh ấy bảo, chúa cho biết tuổi của anh ấy khắc với tuổi của bố cháu. Anh ấy không về đâu, đã có anh Hoàng ở nhà lo hậu sự…
Đột nhiên, ông Cần dồn những tàn lực cuối cũng định nhỏm dậy nhưng không thể. Tất cả mọi người đều lặng phắc nhìn gương mặt của người sắp ra đi chan chứa nước mắt…
Chẳng biết có phải trên cõi đời này còn có một thế lực vô hình lớn hơn tình phụ tử. Không, đó chính là sự mê muội đầy ám thị đã mang đến tính vị kỷ xấu xa trong kiếp nhân sinh này…
NGUYỄN THỊ BÍCH VƯỢNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...