Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

DDDDDSương khói mịt mờ

Sương khói mịt mờ

“Nhìn vào bên ngoài của Hà Nội hôm nay, nhiều người tưởng những điều tinh tế như trong văn của Nguyễn Khải, xa hơn là Vũ Bằng, Thạch Lam đã mất; tiêu cực hơn, người ta chỉ thấy một Hà Nội chật chội, xô bồ, một Hà Nội với trẻ con vượt đèn đỏ, nghiện ngập và trộm cắp. Sương khói mịt mờ của Đỗ Bích Thúy không từ chối hiện thực. Hà Nội với khu phố cổ của cô bức bối, chật chội, thậm chí còn nhếch nhác, nhưng đằng sau những bức tường có nhiều chuột không sợ người ấy, bên trong, thẳm sâu cất giấu ở những hẻm ngõ đèn còn nhập nhoạng như sương khói, vẫn lóe sáng, âm ỉ những điều tử tế, ân cần, chan chứa cái tình.
Truyện ngắn không có chuyện, sẽ tẻ nhạt nếu thiếu đi sự quan sát dựng cho ra những chi tiết có không khí hết sức tinh tế trong đời sống Hà Nội của một nhà văn vốn giàu tình cảm. Từ đề tài miền núi, hiện thực và lãng mạn, bay lên như Tiếng đàn môi bên bờ rào đá, văn chương nhà văn xuất thân từ miền núi này, sau hơn chục năm gần đây bắt đầu len lỏi vào cái sâu thẳm của đất ngàn năm, mà ở đó Đỗ Bích Thúy vẫn giữ được góc nhìn hết sức nhân hậu và bản lĩnh”. – Lời bình của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý
Nhà bà nằm sâu trong một con ngõ tối, ẩm ướt, nhỏ, chiều ngang chỉ vừa một chiếc xe đạp, xe máy. Hễ có xe máy từ trong đi ra, từ ngoài đi vào, đều phải bật đèn, bấm còi toe toe, xe đạp thì bấm chuông, gõ vào gác ba ga tiếng lạch xạch rõ to, đề phòng đầu kia có người đi tới, gặp nhau, không tránh nổi. Phía bên trên trần, chỉ chừng hơn một tầm với, những gia đình ở trên tầng hai đều rủ nhau đua ra. Và họ đều bố trí bếp, nhà vệ sinh ở đấy. Trong các hành lang hun hút, bé, chật, các gian phòng không bật đèn tối như bưng, nghe rõ nước rí rách suốt ngày đêm. Thi thoảng, đang lò dò đi ra đường, chợt nghe tiếng nước ào một cái, xối xả, quyết liệt, bà lại giật thót, tưởng nước đã đổ ướt hết từ đầu đến chân.
Nhà tầng trên còn ti tí ánh sáng, nhà tầng dưới như hũ nút, lại đều trổ cửa sắt mở ra ngõ cho nhất cử lưỡng tiện. Số là phố này hay mất nước máy nên năm hộ phải hò nhau khoan chung một cái giếng. Khoan mấy chỗ, chỉ đến giữa ngõ nhỏ mới thấy nước. Cái máy bơm đặt ở đấy, dây dợ lằng nhằng, nhà nào cần bơm nước thì chạy ra cắm cái phích vào ổ điện nhà mình mà bơm. Thế nên phải trổ cửa ra ngõ. Chả trách được. Hai cái cửa sắt đen sì, tối om om, chỉ khi nào cần bơm nước mới ken két kéo ra, rồi lại ken két kéo vào. Trộm cắp như rươi, sểnh cái là mất, nên phải hết sức cẩn thận. Trẻ con thường được dạy thế.
Một trong hai cái cửa sắt ấy chính là phần tường của cái bếp. Một cái kệ xi-măng lát gạch men nhỏ, một cái bếp ga, bình ga để dưới chân, xoong chảo tiện thể treo ngay trên cửa sắt. Mỗi khi cửa kéo ra đẩy vào lại kêu loảng xoảng. Dưới gầm bếp, cũng là chân cửa sắt, lúc nào cũng ướt nhoẹt, lúc nào cũng có dăm ba con chuột bé tí, mắt sắc lẻm, nhớn nhác chạy qua chạy lại. Trẻ con thường sợ chuột, nhưng bọn trẻ ở trong khu nhà này lại chả biết sợ là gì, vì ngày nào chả thấy chuột. Chuột lại càng không sợ người, thấy người chỉ giương mắt lên.
Một trong hai nhà tầng một ấy có một bà cụ già. Già lắm, chắc cũng chín mấy, mắt hơi mờ, chân chậm, nhưng đầu óc còn minh mẫn. Thỉnh thoảng lại thấy con dâu bà hét toáng lên: “Con đã nói bao nhiêu lần rồi mà bà chả nhớ gì cả, con đánh đuổi bọn nó chưa xong, bà lại còn đổ cơm cho nó ăn nữa”. Chả phải hỏi cũng biết bà cụ vừa đổ cơm thừa ra khe hở của cái cửa sắt cho chuột ăn. Bà cụ bảo, cơm thừa dù một hạt, đổ đi cũng là phải tội. Cho chuột ăn đỡ phí.
Bà ở đây tính ra đã bảy thập niên. Người cũ nhất ở khu nhà này chỉ còn bà và bà cụ hơn chín mươi kia thôi, còn thì đã “đi” hết. Theo hợp đồng với Nhà nước thì bốn căn hộ khi chưa cơi nới mỗi căn chỉ có mười sáu mét vuông, chính xác hơn thì căn của cha mẹ bà là mười lăm mét rưỡi. Thế mà hồi xưa tám anh chị em với cả bố mẹ là mười người, vẫn ở đủ. Biết đủ là đủ, bố bà bảo thế.
Bố bà là thợ may, khéo léo lắm nhưng chả có vốn để mở cửa hàng nên chỉ ở nhà may vá lặt vặt cho hàng xóm láng giềng, kiếm đồng ra đồng vào. Còn mấy anh chị em bà đứa thì đi bộ đội, đứa thì học hành dở dang, đi làm công nhân từ lúc vừa đủ tuổi.
Bố bà có cái thú uống trà buổi sáng. Thường thì ông cụ chỉ ăn tí ti theo đúng nghĩa lót dạ, rồi sai con mang cái hỏa lò đất nhỏ xíu lên gác xép. Trên đó đã có một cái hộp gỗ đựng những viên than hoa đen nhánh, một cái bình đựng nước mưa hứng giữa trời từ cơn mưa gần nhất. Ở đó, trổ ra một cái cửa sổ bé bằng nửa cái mâm đồng. Nhìn qua ô cửa sẽ thấy một ngọn sấu. Mùa lá xanh rất xanh, mùa quả nhìn rõ những chùm quả lúc lỉu. Trong lúc bố uống trà, đọc một tờ báo vừa mua thì bà nhìn ra cây sấu. Chỉ nhìn ngọn sấu, không cần nhìn lịch cũng biết thiên nhiên đang vào mùa gì. Ông cụ có một cái ấm rất đặc biệt: Ấm men da lươn, đầu vòi và tay cầm bịt bạc. Sau khi tráng trà, pha trà, ông mới đưa cái vòi ấm lên trên ngọn lửa than hoa nhỏ, hơ cho cái vòi thật nóng. Xong, uống trà thẳng từ vòi ấm. Nước trà nóng, đi qua cái vòi bịt bạc vừa nung, cứ gọi là sôi xèo xèo trong cổ họng. Đấy là bà hay tưởng tượng thế, chứ nào có dám uống bao giờ. Mặc dù đôi lần ông cụ bảo: Con có muốn uống thử không? Bà nói ngay: Thưa cậu, con sợ nóng lắm. Bà là con gái lớn, lành hiền, thơm thảo, ngoan ngoãn, lại học hành tiến bộ nên ông cụ yêu nhất. Chả bù cho mấy thằng giặc suốt ngày trèo sấu, trèo me bắt chim non.
Nhà nghèo, đông con, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những món ngon, hình dung ra những món ngon. Chính bà cũng chỉ nhớ những món ngon nhất mà mình được ăn thuở bé. Một lần, bố bà đi ăn cỗ ở đâu đó về. Các con đã ngồi chờ ở nhà, bàn tán, đoán già đoán non xem hôm nay cậu sẽ mang thứ gì về. Và bố bà lấy từ trong túi áo ra một cái gói bằng lá sen, bên ngoài buộc rơm rất cẩn thận. Mở ra, ôi… đó là một gói cơm rang. Cơm rang với lạp xưởng, hành phi, hạt sen, trứng. Những miếng lạp xưởng đỏ hồng, rịn mỡ, hơi quăn mép vì qua lửa già, chỉ thoạt nhìn khi gói lá sen mở ra, hấp dẫn đến độ những cái bụng trẻ con đồng loạt sôi lên òng ọc. Non bát con cơm rang ấy chia làm sáu phần. Mỗi đứa được chừng một thìa con. Mấy thằng con trai chỉ sau cái chớp mắt đã nuốt chửng, bà thì ngồi riêng ra một góc, nhấm nháp từng hạt một. Nhấm nháp gần hết thì nhận ra mấy cặp mắt tròn xoe của các em đang nhìn mình, thế là lại chia, đứa hai hạt, đứa ba hạt.
Món cơm này được mua từ quán cơm của một ông người Hoa trong con ngõ nhỏ cạnh chợ Đồng Xuân. Bố bà tả: Ông ấy rất béo, đầu trọc tếu với cái bụng to như bụng ông địa và cặp má đỏ rực vì hơi lửa. Cơm rang phải là cơm được nấu hơi khô, để thật nguội. Trước khi rang người ta vẩy nước nguội vào, đánh cho tơi như xôi vò. Lửa cháy thật to, chảo thật nóng, mỡ thật già, phi hành khô đập dập đến đúng lúc chuyển mầu cánh gián thì cho cơm vào. Cơm rang không được đảo mà ông ấy dùng một tay to như tay hộ pháp cầm cái tai chảo hất lên đều đặn, cơm cứ thế mà lăn đều trong đó. Tới khi từng hạt cơm vừa đủ giòn như bánh mì vừa ra lò, nghĩa là ở ngoài thì giòn, ở trong vẫn mềm thì đổ cơm ra đĩa. Lại phi hành mỡ, lúc này mới cho lạp xưởng, hạt sen đã luộc, bóc vỏ giấy, trứng tráng mỏng, tất cả đều thái hạt lựu, vào chảo, vừa săn lại vớt ra. Cho cơm trở lại chảo, cơm vừa nóng thì cho lạp xưởng, hạt sen, trứng vào. Ông ấy dùng một cái bàn sản bằng gỗ dài thế này này, vén cơm ở giữa chảo lên, lộ ra một khoảng bằng cái trôn bát, rót nước mắm vào đó. Đợi khi nước mắm bốc hơi hết, chỉ còn cái phần đậm đặc dưới đáy chảo, vừa đủ hơi sém bốc lên mùi thơm nhức cả mũi thì đảo đều. Chà!
Bố bà vừa tả xong, sáu cái họng đều ực ực! Ông cụ cười rất hiền: “Sau này có đứa nào định làm đầu bếp thì để cậu lên xin với ông ấy cho học nghề”.
Nhưng sau này chả đứa nào làm đầu bếp. Cũng sau này, khi buôn bán phố được phép bung hết cả ra, hết cả thời đói khổ, được ăn nhiều cỗ bàn, ứ hự thịt cá, cả mấy anh chị em mỗi khi nhắc đến bố đều bảo chả bao giờ được ăn món gì ngon đến thế nữa.
Mười chín tuổi, bà đi làm công nhân trong nhà máy dệt. Lương thấp, nhưng vẫn còn hơn ở nhà ăn bám. Mỗi dịp nhận lương bà lại trích ra mua biếu bố một lạng trà móc câu chính hiệu Thái Nguyên. Nhận gói trà nhỏ, bao giờ ông cụ cũng mở ra. Chỉ cần mở miệng túi, đưa qua mũi, hễ thấy ông cụ gật gật là biết đã mua đúng loại trà mà ông cụ ưa dùng. Bà biết chỗ mua trà. Từ nhà máy, đi tàu điện lên Bờ Hồ. Từ Bờ Hồ đi lên Hàng Đào, vào một cái ngõ nhỏ, sâu hun hút, tối om, hàng trà ở tít trong ngõ đó. Người bán trà là một bà cụ đã già, tóc bạc trắng, ngồi phía trong một cánh cửa sổ lúc nào cũng mở một cánh, khép một cánh. Không phải hỏi giá, vì lúc nào bà cụ cũng chỉ bán từng ấy tiền cho một lạng trà. Bà thường đưa tiền, nhận trà. Thảng hoặc bà cụ có hỏi: Ông nhà dạo này có khá không? Trả lời: Cảm ơn cụ, cậu con vẫn thế ạ. Có đợt nhà máy chậm lương, đến gần hai tháng mới trả cho công nhân. Lên mua trà, bà cụ hỏi: Sao lâu mới thấy cô đến. Hay là ông cụ dạo này không khỏe? Thưa cụ, tại con bị muộn lương, hôm nay mới tới được ạ. Ô vậy à. Tháng sau có bị muộn thì cứ đến mà lấy, rồi bao giờ có trả cho tôi cũng được. Để ông cụ nhịn, tội nghiệp. Đàn ông ấy, đã nghiện trà mà không có để uống thì khổ sở lắm. Họ có thể nhịn ăn chứ không nhịn được trà.
Điều này thì bà biết. Khi hết trà, mà lại chỉ còn vài xu lẻ, thèm quá, bố bà sai bà ra đầu đường mua tạm một chén trà vỉa hè. Nhưng thường thì ông chỉ ngửi qua chứ không uống. Ông bảo, uống trà không ngon nó hỏng mất miệng. Ngửi cho đỡ thèm thôi. Nói rồi, thần người nhìn lá sấu qua cửa sổ.
Một lần, như mọi bận, vừa lĩnh lương xong, bà tới chỗ bà cụ bán trà. Cánh cửa sổ nhỏ đang đóng im ỉm. Bà gõ cửa. Một lần, hai lần, ba lần, cánh cửa vẫn đóng. Một cái đầu bé xíu ghé ra từ cánh cửa nhà đối diện:
– Bà Vân đi viện cô ạ.
– Bà ấy ốm hả cháu?
– Vâng. Bà cháu ốm một tuần nay rồi ạ.
– Cháu có biết bà ấy nằm ở nhà thương nào không?
– Hình như nhà thương Bạch Mai ạ.
Bà đã đứng trước cánh cửa khép kín hồi lâu, tự dưng thấy bần thần như vừa đánh rơi thứ gì. Cánh cửa sổ được ghép lại từ những mảnh gỗ có những cái vân nhỏ như gỗ thông, sơn xanh phai bợt lốm đốm. Bình thường, khi nó mở ra, bà cụ ngồi đó, mắt đeo một đôi kính có cái gọng mầu hổ phách, thận trọng gỡ những sợi len từ chiếc áo cũ đã có vài lỗ thủng. Có ai đến mua trà, bà lại hơi cúi mặt xuống để cái nhìn vượt lên trên mắt kính. Cẩn thận đặt cuộn len vào cái ngăn kéo trước bụng, những ngón tay trắng xanh, mảnh, gầy, nhăn nheo bốc trà từ trong cái túi lớn vào túi nhỏ, đặt lên bàn cân. Đặt làm vì thế chứ bà cụ đã bốc quen, bốn nắm là một lạng, tám nắm là hai lạng, cấm có thừa thiếu bao giờ. Đôi khi có chuyện gì vui bà cụ lại nhoẻn cười, hơi lộ ra hàm răng đều tăm tắp như hạt na, cặp môi cắn chỉ nhỏ và hơi mỏng rất đỗi ý nhị. Ánh nắng vàng nhẹ cuối chiều lọt qua cái mái cong của ngôi chùa cổ phía trước hắt qua cửa sổ, nhảy nhót trên những sợi len nhiều mầu, lấp lánh trên cặp mắt kính.
Bố bà chỉ quen uống trà ở đây. Biết ông nghiện trà, bạn bè của các con khi đến thăm thường mang theo trà để biếu, nhưng ông đều chỉ vui vẻ nhận rồi cất đi. Đợi khách về lại sai con “mang ra cho bà bán nước trà” ở đầu phố. Không uống thì cho bà ấy, đỡ phí.
Bà quay ra đầu ngõ, mua năm quả cam, đi bộ ra Bờ Hồ, đón tàu điện xuống Mơ rồi đi bộ xuyên qua Đại La sang Vọng. Bà cụ nằm trên giường, đầu hơi nghiêng nhìn ra phía cửa sổ. Bên ngoài có một cây xà cừ còn non, cành lá xanh mướt đung đưa. Bà ngồi ghé xuống mép giường bệnh:
– Con không biết là cụ ốm.
– Bệnh già ấy mà. Gió phất qua là đổ thôi. Bà cụ nhoẻn cười, vài sợi tóc bạc lòa xòa trên trán, trên má – Thế là hôm nay không có trà mang về cho ông cụ rồi. Vài hôm nữa cô quay lại nhá, để tôi dặn cháu nó phần sẵn.
– Không sao cụ ạ. Cậu con vẫn còn một ít dùng tạm ạ.
– Cô đi cái gì xuống đây?
– Dạ, con đi tàu điện ạ…
Nằm yên một lát, tai như hơi dỏng lên, bà cụ như nói thầm để chỉ bà nghe thấy:
– Tiếng leng keng tàu điện nghe vui tai đáo để. Hồi xưa, lúc tôi còn khỏe, chạy chợ được, ngày nào cũng lên lên xuống xuống vài chuyến, vui thật.
Bà cầm lấy mấy ngón tay gày guộc của bà cụ, vài cái móng đang dài ra.
– Để con cắt móng tay cho cụ nhé.
– Cảm ơn cô.
Bà lấy cái bấm cũ trong túi xách ra, nhẹ nhàng bấm từng cái móng tay trong veo của bà cụ.
Bà cụ lại hỏi:
– Ông nhà dạo này còn may nữa không?
Bà giật mình:
– Sao cụ biết cậu con làm may?
– Ngày xưa, có lần tôi đặt ông ấy may cho cái áo cánh lụa.
Không may, là cái áo nữ đầu tiên ông ấy cắt, bị hỏng, không mặc được. Cứ sửa đi sửa lại mãi. Cái giống áo quần, may đã hỏng thì chỉ có bỏ đi, càng sửa càng xấu. Đi đi, lại lại mãi thành ra quen nhau đấy. Hồi ấy, các cô cậu mới chỉ chừng này thôi. Bà giơ tay làm động tác đo, trên mép giường một quãng.
– Nhưng sao cụ biết con là…
– Nhìn đôi mắt là nhận ra thôi. Cô có đôi mắt rất giống ông ấy, còn lại chắc giống mẹ. Bà nhà mất sớm, cả nhà nheo nhóc vất vả lắm. Không biết giờ đã đỡ chưa.
Bà định nói, vẫn còn vất lắm cụ ạ, nghĩ sao lại thôi.
– Hồi ấy, nếu tôi cương quyết thì…
Bà cụ chỉ nói thế rồi chìm vào im lặng. Như thể xung quanh bà chỉ có những chiếc lá xà cừ xanh biếc và tiếng leng keng của tàu điện từ quá khứ vọng về.
Đấy là lần cuối cùng bà gặp bà cụ bán trà. Lần sau tới thì cụ đã được đưa ra ngoại thành, về với tổ tiên.
Ít lâu sau thì bố bà cũng bỏ đi. Chỉ vì thèm trà quá mà trong nhà lại hết, ông mở cửa lúc sáng sớm đi ra phố định kiếm chén trà. Gió lạnh ùa tới, thân già mong manh…
Anh chị em bà tiễn bố ra ngoại thành. Ở một ngôi mộ còn mới, bà nhận ra người trong ảnh. Mái tóc khi chụp ảnh hẵng còn xanh, nhưng cái miệng thì vẫn thế, với cặp môi hơi mỏng cắn chỉ, tươi tắn và giản dị như một bông hoa cúc.
Trước khi bố bà mất, ông gọi bà tới, ghé vào tai bảo: Giỗ cậu, nhớ cho cậu ấm trà nhé.
Sau này, mỗi lần nhớ bố bà lại mang cái ấm pha trà bịt bạc ra, pha một ấm, không uống, chỉ ngửi qua. Vì bà hay mất ngủ, uống một ngụm trà là thức đến sáng. Chỉ ngửi trà, hình dung ra dáng bố gày gò ngồi bên ô cửa nhỏ, những ngón tay dài, mảnh khảnh run run cầm ấm trà nóng, đưa lên miệng, khói bay mờ mịt hư ảo.
ĐỖ BÍCH THÚY
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...