Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Cửa sông thiên đường

 Cửa sông thiên đường

Nhà văn Nguyễn Hải Yến vừa đoạt Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn (2018-2020) của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm với hai truyện ngắn Hoa gạo đáy hồ và Cửa sông thiên đường. VHSG xin chúc mừng tác giả trẻ người Hải Dương và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn hay Cửa sông thiên đường của chị.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Chúng tôi ngồi trên thuyền xuôi dọc dòng sông. Còn xa lắm mà vách núi Pha Long đã hiện lên sừng sững nguyên một màu trắng toát phẳng lì như xẻ, cao vượt hẳn trên cái nền xanh thẫm xịt của rừng già. Người đàn ông dẫn đường lặng yên khua mái chèo, mãi đến khi nghe trong gió có tiếng u u càng lúc càng rõ mới thì thầm: “Đêm vắng nghe tận bản xa cũng thấy. Em biết không, suốt từ đầu nguồn đến đây có mấy khoảng sông phình rộng, đẩy dòng sát vào chân núi. Chỗ ấy dân đi nghề chúng tôi gọi là búng nước. Búng Pha Long kia kìa. Lớn nhất. Trông lặng thế thôi nhưng hiểm lắm. Em biết nhiều chắc nghe câu: “Nhất Chiếng, nhì Cả, ba Long. Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi…”. Ba Long chính là Pha Long đấy, cả một dãy núi dài hơn cây số… Ngày xưa, đây là nơi tập kết tre, luồng để đóng bè, xuôi sông Mã…”. “Toàn núi đá thế này, rừng luồng ở đâu?”. “Tận thượng nguồn. Nhánh sông này chảy xuyên qua rừng luồng, cũng y như dòng lớn, lắm ghềnh đá, lại không có đường bộ, nhưng giời phù, mùa thu hoạch luồng cũng là mùa mưa. Nước đầy, thả luồng từ trên núi xuôi xuống búng. Người dưới búng chờ sẵn, chỉ việc kết bè rồi ra sông Cả, về xuôi… Nghe đơn giản phải không?”.
Tôi gật đầu…
Người đàn ông chỉ tay về phía trước: “Em nhìn đi! Búng Pha Long dồn hết nước thượng nguồn. Đây cũng là nơi dân vạn chài câu xác người chết trôi. Chết ở đâu trên kia, muốn tìm xác cứ ở đây mà chờ, dăm ba ngày nếu còn thì nổi. Qua ngày ấy không thấy thì nhất định mắc kẹt trong ngầm đá nào đó dưới sông, vĩnh viễn không lên được. Lúc ấy chỉ còn cách quay về, làm mộ gió… Dân đi bè cả vùng này sống nhờ Pha Long nhưng cũng kinh sợ nó. Vì sao em biết không?”. “Em không. Nhưng em biết tiếng Thái cổ Pha Long là “Núi Trôi”. Người Thái nói ở búng có “Cửa sông thiên đường”, nơi linh hồn người chết tụ hội trước khi lên chầu trời. Ta có thể gặp người chết rồi ở đấy. Tất nhiên là phải có duyên. Em cũng biết ở đó có duy nhất một lối ngầm vào được cửa sông trong núi. Nếu qua được đó hãy tìm mọi cách chạm tay vào vách đá trắng, gọi tên người cần gặp…”. “Tôi không nhiều chữ nghĩa, không biết điều đó . Chỉ biết rằng vào trong kia duy nhất có một con đường, dân trong vùng gọi là tử địa. Đường ấy mỗi năm chỉ mở một lần, mỗi năm đổi một hướng vì núi không đứng yên bao giờ. Chân núi tụ tập những oan hồn lang bạt. Tiếng u u em nghe thấy là tiếng khóc… Vào đến nơi em sẽ thấy trên vách núi không ngọn cỏ nào mọc nổi trừ một cái cây không rễ kì lạ. Không chui ra từ hốc đá, có thân mà không rễ, cũng không nhánh, chỉ có một túm lá đầu ngọn, quanh năm xanh. Người ta bảo đó là cây “thần” có thể cải tử hoàn sinh, cũng là cây “bùa yêu”, cả ngàn năm mới cho lá một người, chỉ cần để vào ngực áo thì có thể tìm lại được người mình yêu, thậm chí cứu người ấy sống lại nếu đã chết rồi. Nhưng cây “thần” rất kị những kẻ độc ác hay bạc tình. Bao nhiêu người vỡ bè chết mất xác khi qua thác Pha Long trên kia đều là những người như thế. Tôi cũng có người anh Cả vỡ bè, chết ở đây.”. “Ông có tin không?”. “Tôi tin… Tôi ở đây bao năm chỉ để chờ một ngày thần cây cho lá…”. “Ông tìm người?”. “Tìm một người con gái. Bất kể còn sống hay đã chết. Quỳ dưới chân cô ấy xin tha thứ rồi bỏ tất cả, đưa cô ấy lên thuyền xuôi về hạ lưu, tìm một triền đê có bốn mùa hoa cỏ, làm một căn nhà nhỏ, đắp cái bễ lò rèn, sáng nào cũng nổi lửa rồi cùng chờ mặt trời lên…”. “Có phải người con gái chỉ hơn tầm tuổi em một chút, trên vai gánh đôi quang gánh, một bên quang trống trùm tấm vải mưa, còn bên kia chỉ có mớ liềm han?”. “Sao em biết? Em thấy cô ấy ở đâu?”. – Người đàn ông chồm dậy lắp bắp hỏi dồn, mặt tái hẳn đi vì xúc động, bàn tay nắm tay tôi run nảy lên từng đợt. “Đêm hôm trước, ở chỗ nghỉ chờ sáng sau lên đường. Cô ấy ở cùng em. Biết em muốn tìm một người vào được cửa Pha Long, cô ấy chỉ lên đây gặp ông.”. “Thảo nào, đêm qua… Cô ấy còn nói gì nữa không?”. “Còn nhiều nữa…”.
***
Hôm ấy, khi chiếc xe ôm chở tôi dừng trước cửa nhà trọ thì trời đã sập tối. Ở đây đêm dài. Mới sáu giờ mà sương đã quây đặc bốn phía. Bóng đèn điện không đủ soi một quầng nhỏ trước hè. Bà chủ nhà ái ngại phân trần: “Chờ mãi! Cứ tưởng em không lên. Đang mùa phượt, nhóm khách mới đông quá, ở một lượt hết phòng. Giờ biết tính sao?”. Tôi thả chiếc ba lô ẩm sương xuống góc bàn: “Có gì cho em ăn không? Còn nghỉ, chỉ cần ghé lưng đâu đó. Sáng mai em đi sớm rồi.”. “Thế sang tạm khu nhà cũ. Người nhà tôi cũng vừa về bên ấy.”. “Chị hỏi hộ em chưa?”. “Hỏi rồi nhưng không ai biết đâu. Bọn này toàn đứa mới làm, chỉ quen đưa khách đi theo Tour sẵn. Chỗ rừng sâu núi hiểm không dám.”. “Hay mai em vào bản…”. “Chắc gì… Mà biết đâu chỉ là truyền thuyết…”.
Bên ngoài bất chợt có tiếng gọi. Một luồng gió ùa theo cánh cửa vừa hé vào tận chỗ tôi ngồi. Tiếng chủ nhà suýt xoa: “Lạnh quá!”. Tiếng phụ nữ hỏi điều gì nho nhỏ. Tiếng chủ nhà nói thêm gì đó, những âm thanh rì rầm lẫn vào trong tiếng leng keng của chiếc chuông gió bên hiên, rồi quay vào: “Giờ em theo chị ấy sang bên nhà cũ. Chị ấy cũng nghỉ tạm để ngày mai ra bến về xuôi.”.
Theo tay chỉ, tôi nhìn thấy một người phụ nữ bên kia quầng đèn vàng, ánh mắt buồn hoang hoải hút chặt người đối diện. Chị mỉm cười, ra hiệu tôi theo.
Rời khu nhà chỉ hơn chục bước chân là đi vào bóng tối. Con đường mòn ven đồi chìm trong sương. Người phụ nữ phía trước chỉ còn là cái bóng mờ lẫn vào trong màu sương đùng đục. Đôi lúc, chiếc bóng ấy dừng lại, có ý chờ. “Sắp đến chưa hả chị?”. “Sắp rồi! Ngay trước mặt kia thôi!”. “Em không nhìn thấy gì! Sương dày quá!”. “Đêm nay tự dưng mù nhiều chứ mùa này không phải mùa sương… Em thấy ánh lửa chưa? Chắc người bên này đốt sưởi. Vẫn còn giá lắm. Giờ em vào trước, tôi xuống bến chút, tí quay lại. Cứ đi thẳng. Tầm chục bước nữa sẽ có người…”.
Một cô gái trẻ đón tôi đầu lối ngoặt: “Cứ sợ chị lạc. Bà chủ dặn em chờ. Khu này đang phá ra xây lại, xe tải quần nát đường, bọn em quen lối đi còn khó.”. “Khu này hình như rộng hơn bên kia?”. “Rộng hơn nhiều. Địa thế đẹp. Nhìn ra sông trước mặt kia kìa!”.
Cô gái chỉ tay về phía một khoảng sẫm mênh mông. Không thể biết đấy là sông nếu như không nghe thấy sóng rì rầm. Mơ hồ còn nghe cả tiếng hát, tiếng đàn ông cười nói xôn xao. “Cửa sông đấy. Chỗ này là bến thuyền đậu chờ xuôi… – Rồi quay sang – Vào đi chị. Hôm nay gió nhiều!”. “Chờ thêm chút nữa được không?”. “Chờ ai?”. “Người dẫn đường lúc nãy. Chị ấy bảo xuống bến. Tí quay về.”. “Chị ấy trông như thế nào?”. “Không rõ mặt lắm nhưng thấy ánh mắt buồn và gánh đôi quang gánh.”. “Chị Hoài! – cô gái thốt lên, nhìn hút về phía cửa sông – cả vùng này chỉ mình chị ấy có đôi quang gánh. Thế em chờ với! Mình vào đây rồi để cửa chờ…”.
Đêm về khuya. Trên tấm phản gỗ kê tạm, tôi nằm bên người con gái đã ngủ ngon, nghe bốn phía tiếng sông rì rầm. Gió kéo cánh cửa lỗ chỗ vết mọt đục kẽo kẹt liên hồi. Đêm không tĩnh cho đến khi ngoài thềm có tiếng lịch kịch. Tiếng gọi nhỏ. Tôi bật dậy, hé cánh gỗ: “Chị Hoài?”. Người phụ nữ hồi tối đang đứng trước thềm : “Em chưa ngủ?”. “Không ngủ được chị ạ! Chị vào đi!”.
Đôi quang gánh xếp gọn vào một góc cuối chỗ nằm, người phụ nữ ngẩng lên thì thầm: “Sao biết tên chị?”. Rồi hướng mắt về phía cô gái: “Em ấy bảo phải không? Cả vùng này ai cũng biết chị. Mai em cũng xuôi?”. “Không! Em vào bản.”. “Đi một mình? Làm gì thế?”. “Em tìm mẹ…”.
Im lặng… Tiếng sóng thôi không rì rầm… Chị Hoài ngồi ghé vào cuối cánh phản, thận trọng giở cái nón cũ đậy trên miệng thúng, nâng niu trên tay mấy món đồ đã cũ trong ánh đèn ngủ lờ mờ. Tôi bị hút vào đó, nhìn không chớp mắt. Đó là những chiếc liềm, dáng cong nhẹ và mảnh như vệt trăng đầu tháng. “Đẹp quá! Lâu lắm rồi em mới nhìn thấy cái liềm dáng thanh thế này! Nhưng han mất rồi. Chắc lâu không rẽ.”. “Em biết?”. “Vâng! Ngày xưa, nhà em nghèo lắm, vào mùa, mẹ đưa em đi khắp nơi gặt mướn. Còn ngày thường ai thuê gì làm nấy. Đêm về mẹ vật đất vườn, đóng mộc, tự lên lò, nung gạch, rồi dặn em chờ, mẹ đi theo người ta vài chuyến ngược nguồn, có tiền về xây nhà cho con ở. Ngày ấy em lên bảy. Chờ mãi đến bây giờ… Người làng bảo mẹ chết…”. “Thế sao lại lên tận đây?”. “Em nghe nói ở đây có Cửa sông thiên đường, có thể gặp người đã chết. Mà mẹ lại theo người làng đi chặt luồng thuê trên này… Nếu mẹ mất rồi em cũng mong một lần được gặp… Chị nghe ai nhắc đến cửa sông này bao giờ chưa? Em hỏi mà không ai biết, Chẳng lẽ chỉ là huyền thoại?”. “Không đâu. Có thực đấy. Nó ở chân búng Pha Long. Nhưng lâu rồi không ai nhắc… Mà núi non hiểm trở… Nhưng nếu muốn, chị chỉ đường, có người đưa em đến tận nơi…”. “Người ấy là ai?”. “Là em chồng của chị. Chú ấy quanh quẩn ở Pha Long mấy chục năm rồi… Giờ em ngủ lấy sức. Lúc nào đi chị gọi…”.
***
Không biết tôi đã ngủ bao lâu, khi tỉnh dậy xung quanh vẫn tĩnh như chưa từng có một cửa sông ngay phía trước. Chị Hoài đang xếp gọn đồ vào thúng: “Đi thôi em! Hơi xa mà đường khó.”.
Chị đỡ quang gánh lên vai, đội cái nón dẫn tôi qua quãng đường lồi lõm vệt bánh xe. Gió bốn phía ùa về. Bất chợt đôi quang gánh lồng khồng đang đong đưa trên vai trĩu xuống. Tôi nghe trong gió tiếng trẻ con rúc rích: “Cho em theo với! Mẹ Hoài ơi!”. Rồi tiếng búa trên đe –tiếng búa nhịp đôi một trong một đục, giòn giã và náo nức. Tiếng gió bễ trầm trầm thổi qua lòng đất. Và cả ánh lửa rèn – những tia lửa theo tay búa hất ngược lên vẽ vào nền đêm những đường cầu vồng, nửa đầu rực rỡ, nửa sau khuất trong bóng tối. “Chị nghe tiếng gì không?”. “Không! Chỉ thấy sóng!”. “Em nghe tiếng trẻ con. Tiếng bễ lò rèn.”. “Sao biết là tiếng bễ?”. “Ngày xưa, trước khi vào mùa, năm nào mẹ cũng cho em sang chợ rẽ liềm. Em thích ngồi quay bễ…”. “Chợ cách làng có xa không?”. “Không chị ạ! Qua một con sông. Nhưng từ ngày mẹ mất em không sang lần nào nữa.”. “Sao thế?”. “Sợ bác lò hỏi mẹ, em biết trả lời sao?”.
Im lặng rất lâu. Con đường phía trước vẫn hun hút tối rồi hẹp dần lại thành lối mòn. Những cành cây đẫm sương bắt đầu quệt ngang mặt người. Đôi quang gánh phía trước dừng lại: “Em nắm lấy. Bước theo…”. “Chị dừng im lặng. Nói gì đi!”. “Ừ! Chị kể…”.
Tiếng thì thầm phía trước dẫn tôi đi.
***
Làng chị ven sông Cả. Mở mắt là thấy đê quai sừng sững trước mặt che khuất cả một nửa chân trời bốn mùa lan lan những vạt màu hoa cỏ. Hoa tanh tách tím. Hoa lau vờn như mây. Và cả mùa đông cỏ may lụi trong gió bấc vẫn ủ triền đê màu tím thẫm như bóng tối. Đứng trên đê, nhìn qua bên kia sông, gần khuất tầm là bóng sẫm của cây đa già ba cội xòe tán rộng che một khoảng đất mênh mông.
Chợ nằm dưới gốc đa ấy, đông nhất vùng vì có bễ lò rèn.
Ngày thường, các bễ lần lượt thay nhau nổi lửa, nhưng những phiên giáp mùa thì tất cả đều cùng rừng rực đến tận xế trưa. Ngày ấy, bao giờ bu cũng đưa chị lên thuyền sang sông từ mờ đất, gửi ở bếp rèn cuối chợ với đống dao mẻ, liềm cùn rồi tất tưởi quay đi. Thổng buổi mới trở về, chỉ cần lật mê nón úp trên miệng thúng là biết vui hay buồn. “Ế rạc ế rài bác ạ. Cả gánh rau may đủ tiền rước lửa… Quà cũng không mua được cho con…”. Bác thợ rèn dừng tay búa, móc mấy hào lẻ trong cái hộp gỗ trước mặt: “Thằng Út! Cõng em ra đầu chợ mua cái bánh đa!”. Bao giờ lúc ấy chợ cũng đã vãn người, bà hàng cũng đang quạt những nhát quạt cuối cùng trên chiếc ang đất đựng than hoa. “Thằng cu cõng em đấy hẳn? Thầy mày lại xin được con bé ở đâu về?”. “Nhà em ấy ở bên kia sông. Không phải em xin bà ạ!”. “Tao đùa thế chứ em đâu mà sẵn cho thầy mày xin!” –Rồi kéo cái ghế gỗ – “Ngồi xuống đây xem nào! Thằng này càng lớn càng vương tượng. Mà con mẹ mày từ ngày ấy cũng không ỏ ê gì hả?”. “Không bà ạ!”. “Trần đời mới có một giống nhà nó! Mà chắc chết bờ chết bụi, chết dấm chết dúi ở đâu rồi chứ nỡ lòng nào mà bỏ thằng bé đẹp dư này.”…
Phiên chợ nào bà hàng cũng kể cho hai đứa nghe câu chuyện một buổi sáng cũng vào phiên giáp mùa như này, thầy mày thấy trước cửa lều có cái thúng đậy mẹt mà chằng lạt cẩn thận. Nghĩ ai đi chợ sớm chờ mở hàng, thầy mày mới nhấc sang bên, nào ngờ nghe động đậy. Mày như con mèo chết đuối nằm trong cái áo rách, xung quanh lót toàn là rơm, không khóc lên được, chỉ khè khè như người ta thở cố. Tao cũng phục thầy mày, trên đời có một. Đàn ông đàn ang, vợ vừa mới mất, nuôi một đứa con đã khổ lại còn đèo bòng thêm cả mày. Thế mà ai xin cũng không chịu, bảo ông giời cho tôi thì tôi nuôi. Mà cũng chẳng lấy vợ. Cứ như thế… Trần đời.”
Bao giờ câu chuyện cũng kết thúc bằng cái giật mình và tiếng kêu của bà hàng: “Úi! Suýt quên! Thằng cu! Bỏ em đấy! Chạy về hỏi thầy mày xem đống liềm của tao đã xong chưa? Mang ra đây! Hỏi luôn bao nhiêu tiền, tao giả! Quàng lên!”.
Chợ ở bên kia sông, đứng trên đê là nhìn thấy nhưng mỗi năm chị chỉ đi duy nhất một lần.
Một buổi chiều cuối mùa xuân, đích thân bác thợ rèn sang sông xin bu cho chị về làm dâu. Chồng của chị không phải người hay cõng chị đi dọc những phiên chợ vãn để mua một chiếc bánh đa vừng – người vuốt má mỗi lần gặp lại khen năm nay xinh hơn năm ngoái – người ngồi trước mặt chị quai từng nhịp búa chắc và đanh vẽ trong mắt những đường lửa cầu vồng mà là người con đẻ của bác – người đến tận lúc ấy chị cũng chưa tường mặt bởi vì khi quai búa bao giờ anh Cả cũng ngồi xây mặt vào trong, còn nếu không thì lùi hẳn vào bóng tối căn lều lụp xụp để gọt cánh, để liếc, để mài những lưỡi dao sắc lẻm hay tỉ mẩn rũa từng chiếc răng liềm, cả buổi chẳng nghe nói một lời nhưng mỗi lần vô tình nhìn về phía ấy chị đều giật mình khi bắt gặp ánh mắt lóe lên, đảo nhanh như mắt rắn. “Nhà có hai thằng con giai, hơn kém nhau chả mấy tuổi mà mỗi đứa một tính. Thằng Út nhanh nhảu, chịu khó mà ngoan. Thằng Cả cạy mồm chẳng được nửa câu nhưng học nghề tinh lắm. Bà thấy không, phải có nghề lưỡi chấu mới nhọn như kim, đều tăm tắp mà sắc như dao cạo như này. Cứ vào tay nó là dao han, liềm cùn cũng thành mới hết. Thằng Út còn phải học nhiều chứ thằng Cả thì tôi yên tâm. Nó sắp thay tôi làm thợ cả, sắp rèn bằng mắt được rồi.” – bác lò đã có lần kể với bu như thế. Chị nhớ, trong căn lều cuối chợ, anh Cả bao giờ cũng khai hỏa, gõ nhịp dẫn lên thanh sắt nung đỏ trên đe bằng một tiếng “cắc” từ cây búa lỡ – âm thanh chói gắt chứ không hiền và trầm như tiếng búa giáng nhịp bồi. Ngày ấy, bu ốm nặng, nằm liệt trong buồng, nắm tay chị khóc mãi: “Đồng ý đi con! Nhà bên ấy có xa lạ gì. Mà bác ấy thì cả vùng đều biết. Đã lành còn tốt tính. Con người ta có yêu có thương mới hỏi con làm vợ. Mà mày về bên ấy bu chết mới yên lòng”.
Bu ra đi ngay sau ngày cưới của chị.
Năm ấy chị mười tám tuổi.
Và đã bắt đầu yêu…
***
Căn nhà nhỏ có bốn người lớn nằm sâu trong ngõ tối, từ khi chị về chẳng mấy lúc có tiếng cười. Khoảnh sân nhỏ trước cửa quanh năm âm âm u u. Chiều hôm ấy, từ ngoài ngõ chị nghe thầy bảo cứ chịu khó làm ăn tích cóp, chỗ đất này thầy chia làm hai. Đứa nào làm nhà trước thầy cho gạch, cho gỗ. Này mấy cây nhãn kia mà xẻ ra là khối thịt đấy nhá. Tha hồ mà đóng đồ. Cứ gọi là bền khươm năm. Tiếng chú Út cười thế thì thầy cứ cho anh Cả hết, con còn lâu mới làm. Mà con cũng chẳng cần thầy ạ. Ở hết bao nhiêu. Rồi lâu lắm mới nghe tiếng chồng chị: “Con đang tính theo người ta lên mạn ngược. Đi bè luồng.”. “Đang yên lành đi ngược làm gì?”. “Đi mới có tiền. Cứ ở nhà quẩn quanh xó chợ với cái bễ lò rèn thì hết kiếp cũng không ngóc đầu lên được.”. “Nhưng nguy hiểm lắm.”. “Là người ta nói thế cho mình khỏi ngớp chứ ai đi ngược chẳng giầu. Con phải đi. Không có tiền vợ nó cũng khinh cho. Nhục lắm!”. “Sao mày lại nói thế. Con bé ngoan mà biết điều…”. “Nó ngoan, nó biết điều, nó tử tế với thầy, với đứa nào nó thích thôi. Còn với con thế nào sao con không biết. Nó đẹp thế mà chịu lấy con cũng chỉ vì bắt buộc… Giờ mẹ nó chết rồi càng không thèm để con vào mắt…”. “Anh Cả đừng nói thế, chị ấy nghe thấy… Tội nghiệp…”. “Nghe làm sao được. Mà mày bảo tội cái gì? Nó về nhà thắp hương cho mẹ nó, đi từ xế buổi đến giờ… Nó làm gì bên ấy mày có biết không?”.
Chị lặng yên, quay lại triền đê, không nghe được thầy và chú Út nói thêm gì nữa. Nhà mẹ bên kia sông, nếu mẹ còn, chị chỉ cần bơi qua dòng hoàng hôn đỏ sẫm là về với mẹ. Lúc ấy mặt chị sẽ ướt, mẹ không biết là nước sông hay nước mắt. Nhưng bây giờ chị chỉ có một mình…
***
Thế rồi một buổi chiều có hai người đàn ông ra bến. “Thầy biết thằng Cả đi là thằng Út sẽ theo. Nó lo cho anh lắm. Cái thằng… Tội nghiệp… Chẳng nghĩ gì cho mình…” – Thầy vừa nhìn theo con thuyền chỉ còn như cái bóng sẫm chỗ cửa sông vừa lấy tay áo chặm vào mắt. Chị yên lặng, nhớ ánh mắt chạm mắt mình trước lúc quay sang thầy: “Chúng con đi chuyến này chắc lâu mới về thầy ạ. Giờ lên đấy còn vào rừng, vào bản tìm nguồn hàng, tìm đường đi lối lại. Mình gây dựng từ đầu nên vất vả. Thầy và chị ở nhà cứ yên tâm. Bọn con sẽ nhắn tin về…”.
Cũng từ buổi ấy, chị theo thầy sang chợ, ngồi thay vào chỗ chú Út, học quai từng nhát búa. Thầy bảo mày đàn bà con gái lại bụng mang dạ chửa, không làm được đâu. Chị cười con phải làm, con giữ lửa cho thầy, sau này chồng con về anh ấy không làm thì thôi, con giữ cho chú Út. Mà sao hai người mãi chẳng có tin về thầy nhỉ? Ừ tao cũng thấy sốt ruột. Mong lắm mà cũng chẳng biết hỏi ai. Mưa nguồn chớp bể lại nước độc rừng thiêng, sông sâu sóng cả… Thầy con mình chỉ biết cầu cho chúng nó bình an… À mà nhớ hôm nay mua lấy đôi chiếu mộc về rải tạm. Giá kể thằng Cả đừng phí công làm gì…
Thầy đang nói đến chiếc giường gỗ chính tay chồng chị đóng trước lúc lên đường. Cái giường ấy cao gấp ba bình thường, bốn chân vít chặt xuống mặt nền bằng những khớp khóa bập xuống đe sắt, má và vai gường chập bằng ba vai hai mươi gỗ thịt, bưng kín bốn phía như một chiếc quan tài. Thương con dâu không đêm nào ngủ được, thầy dọn cái chái nhà ngang, quây lại tấm liếp, ngả cái chõng tre, lót thêm lần lá chuối khô. “Cái thằng khéo tay lắm. Cái gì cũng làm được. Đồ gỗ trong nhà toàn nó đóng đấy chứ. Cái giường cứ để nguyên đấy kẻo khi nó về không thấy lại cằn nhằn. Thầy bảo mày ở nhà trên, thầy xuống đây thì không nghe. Nhưng thôi… Dưới này cũng kín chán. Mai thầy đan tấm giại che thêm phía trước. Cái thằng đến lạ. Cứ lì lì cả ngày chẳng nói nửa câu. Thế mà khi thầy hỏi hai đứa có ưng đứa nào thì bảo, thầy hỏi cưới cho nó nói ngay là nó ưng con. Đừng nói thầy mà cả thằng Út cũng không ngờ đấy. Mà chịu khó. Mấy hôm trước khi đi, nó ở ngoài bễ, rèn rèn, đúc đúc, đến tận tối mới về. Hỏi thì bảo có người đặt hàng gấp, phải làm cho kịp. Toàn một loạt mũi giáo, mũi chông sắc như mũi kiếm, chẳng biết để mang đi đâu. Mấy ngày lúi húi đóng giường cũng nào khiến ai giúp. Thầy cũng hỏi mày đóng cái giường gì lạ thế. Nó giả nhời đóng gầm cao cho thoáng. Mà bưng kín thế này để rắn rết khỏi chui vào. Với lại phòng khi tháng bảy lũ lên… Con lấy lá chuối khô đan thành đệm rồi mới rải chiếu, thầy dặn nhà con chỉ thay chiếu, đừng thay đệm. Bao giờ con về, con làm… Cái thằng… Kể ra cũng biết lo cho vợ cho con.”.
Chị sinh em cu dưới chái nhà ngang, trước cái ngày chú Út rã rời lê bước trở về quỳ dưới chân thầy mà khóc. Anh Cả mất tích trong một chuyến đi luồng, khi lũ ống đột ngột tràn qua.
* * *
Mẹ con chị có một căn nhà nhỏ sau ngõ cúc tần bắt lên đê – chỉ vài bước chân là thấy cửa sông, thấy triền đê trùng trùng hoa cỏ.
Từ ngày thầy ốm liệt giường, chị theo chú Út đi khắp vùng, suốt dọc các chợ phiên. Dù xa hay gần thì đồ nghề cũng chỉ dồn trong hai đôi quang gánh. Chị đi sau. Đôi thúng cái cồng kềnh nhưng không đằm bước, một đầu quang trùm kín tấm vải nhựa che gió. Em cu vẫn ngủ yên. Khắp vùng có lẽ chỉ bễ rèn này lạ nhất. Chú Út là thợ cả nhưng bao giờ cũng quai búa phụ. Nhịp búa dẫn của chị trong và cao kéo nhịp phụ lên theo, quấn vào nhau ròn rã và náo nức. Cứ như thế, chẳng nói với nhau mấy lời nhưng muốn điều gì chỉ nhìn vào mắt nhau là biết.
Một buổi chiều tháng bảy ta, sau một tuần mưa sầm sập, nước lũ dồn về cuồn cuộn, lấn đến sân, đến thềm rồi mấp mé nạch giường tre thầy nằm. “Chị cho Cu lên thuyền. Nhớ neo sát vào cột. Cẩn thận kẻo ngã. Tôi chạy ít thóc rồi cho thầy vào buồng. Cái giường ấy cao, nước còn lâu mới lên đến đấy!”. Chị còn nhớ chú Út đặt mấy bao thóc lên dọc giường sát tường – cái giường gỗ quái dị cao gần một mét, muốn bước lên phải qua bậc như bậc thềm – rồi quay ra cõng thầy: “Thầy sang tạm bên này. Chỉ mai là nước rút!”. “Ừ! Xem mẹ con nó thế nào! Thằng Cả trông thế mà giỏi. Phòng được cả khi nước lũ.”.
Chân chú Út vừa đặt lên thì bất ngờ chiếc giường sập xuống lôi ập hai người về phía trước, ngã dúi vào mấy bao thóc cũng vừa ập xuống theo. Rất lâu sau tất cả mới bàng hoàng nhận ra dưới gầm giường cắm đầy những mũi chông sắt nhọn hoắt, mảnh và sắc như mũi dao bầu, cao thấp không đều nhau dầy dần về phía giữa – cái giường be gỗ xà cừ dầy hai đốt ngón tay nhưng thang lại làm bằng gỗ phượng, nhỏ và mảnh như thân mía lách. Vậy là chỉ cần một vật nặng với những rung động bất thường…
Chết lặng…
Không ai nói nổi một lời…
Thầy sục xuống, nước mắt cứ chảy dài thành vệt thâm đen hai bên gối cho đến tận lúc ra đi.
Sau đám tang thầy, chú Út dựng nhà, bảo chị cho em Cu ra ngoài đấy. Trẻ con cần thoáng mới sởn sang cứng cáp. Cứ yên tâm, tôi ở đây hương khói cho thầy.
***
Căn nhà mái rạ lạnh ngắt như chưa từng có bóng người. Tiếng khóc, tiếng gọi mẹ Hoài vẫn quẩn quanh bên cánh cửa. Chị quỳ xuống, ghé sát mặt vào cái ngưỡng tre thì thào: “Em ơi! Mẹ này!”. Tiếng khóc ngừng bặt. Tĩnh như tờ. “Em nín đi! Mẹ về với em này!”. “Mẹ ơi! Em sợ!”. “Đừng khóc! Chờ mẹ! Tí mở cửa, mẹ bế em! Giờ em ngủ nhé!”.
Chị nằm xuống bên ngưỡng cửa hát thì thầm: “Kiếp rèn đỏ lửa còn tiền. Nguội lò tắt lửa phụt đèn hết tiêu. Hỡi cô thắt yếm lụa điều. Môi hồng má thắm có yêu thì về…”. Bên trong kia, tiếng nấc nhỏ dần. Sữa từ ngực chị chảy ướt hai bên vạt áo. Em Cu của chị tròn ba tuổi. Sõi sàng và cứng cáp nhưng vẫn chưa dứt sữa thế mà bị giật khỏi tay mẹ, bị kéo xềnh xệch trên nền đất về đây. Chị ước gì người đang ở với em Cu trong ấy không phải là chồng chị, là bố của em. Giá như ông ấy không trở về… Hay trở về mà không giàu có… Em Cu sẽ cứ ngồi trong lòng thúng theo mẹ và chú đi khắp các chợ phiên…
… Có tiếng lạch cạch. Rồi cửa mở. Người đàn ông khật khưỡng, mắt đỏ vằn tia máu xuất hiện trước mặt chị: “Biết điều về rồi đấy hả? Tưởng còn gan, ở lại đấy với giai?”. “ Anh cho em bế con một tí. Em mặc quần áo cho nó. Muỗi đốt khắp người con rồi.”. “Không chết được. Thằng này bị lũ cuốn, rồi lạc, lê lết trong rừng hàng tuần có chết đâu. Cũng may có người cứu, có người cưu mang để gây dựng lại, còn có tiền về mở mặt với đời. Cô đừng có giở trò. Tính bỏ tôi mà dễ à? Biết điều quay lại, tôi đi đâu phải theo đấy, hầu hạ dạ vâng. Bằng không tôi chỉ cần mang thằng cu này đi thì đến lúc chết cô cũng đừng hòng gặp nó…”.
Chị lặng yên, lấy bộ quần áo, ôm con vào lòng lúi húi mặc, che đi những mảng da thịt nổi tịt, sưng phù vì muỗi độc.
Ngày mai, hai mẹ con sẽ khăn áo, bỏ lại triền sông đầy hoa cỏ, theo người đàn ông trước mặt ngược nguồn…
***
“Cô ấy còn nói với em gì nữa?”. “Không ông ạ! Lúc ấy trời sắp sáng. Chị bảo cứ đi thẳng chừng mươi bước nữa đến ngôi nhà gạch bên sông, gọi cổng, hỏi tên chú Út, bảo chị Hoài nhờ đưa ra búng Pha Long tìm Cửa sông thiên đường, còn chị phải ra bến kịp đò xuôi để về đúng phiên rước lửa. Có phải là người ông tìm? Nếu thế thì cũng chỉ quanh quẩn vùng này. Dễ gặp thôi ông ạ. Mai em quay về bến, hỏi những đò xuôi sáng qua. Nhưng em chỉ sợ chị ấy không muốn gặp ông, bởi vì chị biết rõ ông ở bến này, bảo em cứ đến, hỏi người tên ấy, nhờ dẫn đi tìm đỉnh Pha Long, còn nói ông ở đây bao nhiêu năm, mọi lạch ngầm thuộc hết, chỉ có mình ông mới biết đường vào. Chị nói lâu lắm rồi mới thấy em là người duy nhất nhắc đến Pha Long, thấy có duyên mới chỉ đường giúp em lên đấy, còn hẹn em xong việc về với chị, chị dẫn sang chợ, nổi lửa lò rèn… Nếu chị muốn gặp thì ông đã gặp rồi…”.
Con thuyền dừng lại hẳn…
Người đàn ông buông chèo, rũ xuống gục đầu trên hai gối.
Tĩnh lặng hoàn toàn. Tiếng u u từ lòng núi phía trong kia vọng về không còn nữa. Dưới chỗ tôi đang ngồi nước phẳng như gương. Trời chưa nắng nhưng cũng hết mây mù. Mùa xuân bắt đầu về từ hai bên bờ sông bằng những sắc hoa đủ màu điểm lên đây đó trên cái nền xanh còn loáng nước của rừng già.
***
… Ngày cô ấy đem con đi theo anh Cả cũng là một ngày mùa xuân, sau mấy hôm tôi vắng nhà vì đi tìm mối mua phôi sắt – người đàn ông ngồi trước mặt tôi lại rì rầm.
Người anh Cả tưởng rằng mất tích vì lũ cuốn ấy giờ đã là một ông chủ bè luồng bảo anh rằng chú cứ ở nhà làm nghề của thầy, hít khói than ăn mạt thép, tôi đưa chúng nó đi, đừng nói nhiều, không cản tôi được đâu, thằng cu nhớn rồi còn bấy bớt gì nữa mà lo phỏng lo loan, mới lại thói đời xưa nay chồng đâu vợ đấy, ở nhà một mình lại hơ hớ như thế, chẳng biết đâu mà lần. Tôi đã tính toán chu đáo cả rồi, chỉ chờ sớm mai con nước… Lúc đó, Hoài ngồi ôm con trên bậc hè đất trân trân nhìn ra cổng, bàn tay mẹ đan vào bàn tay nhỏ bé của con ghìm chặt xuống mép hè đến trắng bệch, lặng im không nói một lời nhưng khi anh cúi xuống bế em Cu lên hỏi nhỏ ý chị thế nào, cô trả lời ngay, nhẹ như gió thoảng: “Mẹ con tôi phải đi thôi chú ạ! Chú ở nhà hương khói cho thầy. Khi nào em Cu lớn…”.
“Thế ông để chị ấy đi à?”.
“Tôi hận tôi đến chết vì điều đó. Giá ngày ấy tôi đừng hèn, đừng nghĩ trước nghĩ sau về ơn cưu mang của thầy nhiều đến thế… Nhưng tôi không làm được. Chỉ biết bỏ tất cả đi theo hai mẹ con…”. “Lên tận đây hả ông?”. “Đúng thế! Lên tận đây, thượng nguồn sông Mã, đi bè luồng. Ngày ấy không có đường bộ, muốn chuyển gỗ, chuyển tre, luồng về xuôi chỉ có thể nhờ dòng Mã Giang này thế nên nghề đi bè mới thắng…”.
Dòng Nặm Mã hiền hòa bên Lào chảy qua những dãy núi sừng sững phía tây về Thanh Hóa biến hình thành con ngựa trắng hung dữ, bất kham cả bốn mùa. Mùa nước cạn những mỏm đá ngầm lởm chởm giăng hàng ngang dọc khắp lòng sông. Mùa mưa, thác ghềnh gào réo suốt ngày đêm với hàng nghìn những vực, những vụng quần bên đá ngầm, nước sôi ùng ục thành những tử huyệt sẵn sàng hút cả người lẫn thuyền bè xuống tận đáy sâu. Anh Cả không lấy lại của dân buôn những bè luồng đã kết sẵn phía hạ nguồn mà lên tận thượng nguồn Pù Mát, lần tìm mua của dân bản, thuê người chặt, thả xuống búng kết bè, dồn dần về ngã ba sông Luông hợp thành bè lớn, rồi mới xuôi về tận điểm cuối cùng là Nga Sơn, Hậu Lộc… “Đi thế vất vả tí nhưng mua tận gốc, bán tận ngọn mới có tiền.”. Những ngày chờ bè xuôi, hai mẹ con Hoài ở trong một ngôi nhà nhỏ ven sông, vốn là nhà bỏ hoang, của một người cũng làm nghề lái bè luồng nhưng đã bị xoáy ngầm cuốn vào vách núi khiến bè tan, người chết mất xác. Ở đó, anh Cả đã chuẩn bị sẵn một cái khung ghép bằng những thanh sắt, giằng chặt vào nhau bằng dây thép . Khi hàng chục bè luồng nhỏ kết lại với nhau thành một bè lớn dài vài chục mét, khung sắt ấy được mang lên, buộc chặt vào thân bè, trùm vải bạt. Ấy là chỗ cho mẹ con Hoài. Những chuyến đi hàng tuần hay nửa tháng phụ thuộc vào nước thuận hay nước dữ, Hoài ôm con ngồi trong cái khung sắt ấy, lặng lẽ nghe em Cu nói chuyện với anh. Có lần Hoài hỏi có bao giờ hai mẹ con tôi thoát được cái chuồng nuôi người ấy? Anh im lặng mãi rồi hỏi Hoài và em Cu đi với tôi không? Xuôi chuyến này… Chỉ còn dăm ngày nữa…
Nhưng chuyến đi cuối cùng ấy về chậm hơn dự tính. Anh Cả bảo chờ mua ít khối de, khối táu, cột phía dưới bè, chở về xuôi. Vài năm là tôi có một cái nhà gỗ, cả vùng không đứa nào có. Anh bảo kiểm lâm dạo này làm dữ lắm, nhiều người đi gỗ lậu bị bắt, anh thấy rồi. Vả lại không đi ngay thoát đoạn đá ngầm này vài hôm nữa mưa nguồn, không lường được đâu. Nhưng anh Cả cười khẩy chú non gan quá. Nếu sợ thì lên bờ. Tôi thuê người khác…
… Hôm ấy, bè đã xuôi gần về đến hạ nguồn. Trời chiều đang ai ai nắng bất chợt tối sầm. Gió nổi. “Bão rừng đấy anh ạ! Trên kia mưa mấy hôm rồi. Gió thế này… Còn nước thượng nguồn về nữa. Bè mình còn gỗ ở dưới, dễ va đá ngầm. Nguy hiểm lắm… Bây giờ mình ghé bờ tránh. Tan rồi hãy đi!”. “Tan để bọn kiểm lâm nó chặn phía dưới, công toi à? Mà chờ đến bao giờ? Lũ hàng tuần thì sao? Của đống đồng tiền, chỗ neo không có, nó giật cho tung bè ra thì có mà ăn cám. Đi cố vài cây nữa qua đoạn này, xuôi nước càng về nhanh…”. “Nhưng nguy hiểm… Còn hai mẹ con…”. Hoài bế em Cu đi ngang qua anh nói nhỏ: “Chú đừng nói nữa! Không được đâu! Cứ đi càng tốt. Nhanh cho mẹ con tôi thoát cái chuồng nhốt người…”.
Bão rừng… Mưa quất chéo như những vệt roi tre ngang mặt người. Lũ về cuồn cuộn. Gió giật tung tấm bạt che khung sắt quăng xuống sông. Hoài ôm em Cu, tay níu chặt sợi dây mây nêm trên mặt bè, cố che chắn cho con khỏi những đợt sóng đang hất tung bốn phía. Bỗng chiếc bè chúi dụi xuống, rung lên bần bật rồi chao đảo. Những tảng đá sừng sững như sống lưng trâu bắt đầu xuất hiện. Phía trước là thác Pha Long, hai bên núi đá sừng sững xối nước vào chính giữa. Anh đang gồng mình đẩy sào cho bè đi đúng hướng chợt nghe tiếng Hoài kêu chú Út thất thanh. Phía đằng sau, theo tay chỉ, những tảng đá hộc cuốn theo dòng lũ tung lên, nhào xuống, nhảy chồm chồm trên mặt nước. Anh chưa kịp kêu hai mẹ con cúi xuống thì một thân gỗ rừng trốc gốc to cả ôm vùn vụt lao theo con lũ hướng thẳng vào bè. Hoài vừa đẩy em Cu về phía trước, chưa kịp chui ra khỏi cái khung sắt thì thân gỗ đã lao lên đúng chỗ hai mẹ con ngồi, phá tan mảng bè chỗ ấy lôi Hoài chìm theo cái khung sắt xuống lòng sông…
***
Nắng bắt đầu hừng lên…
Tiếng sóng lóc bóc vỗ bên mạn thuyền làm giật mình cả không gian tĩnh lặng. Tôi lặng im, đưa tay lau nước mắt trên gương mặt sạm đen của người đàn ông trước mặt: “Ông đừng khóc! Chị chắc đang chờ ông trong ấy!”. “Chỗ Cửa sông thiên đường? Mỗi năm dòng chỉ mở một lần cho thuyền qua núi. Chỉ hôm nay. Em tìm tôi đúng dịp. Nhưng em vào đấy làm gì?”. “Em tìm mẹ. Nếu mẹ mất rồi cũng phải nhìn mẹ lần cuối… Hỏi mẹ còn nhớ em không?”. “Còn tôi không mong gặp Hoài vì không tin cô ấy chết. Ngày Hoài bị lũ cuốn, tôi về bến này chờ mãi không thấy xác nổi lên”. “Thế thì chị còn sống. Em sẽ đi tìm chị ấy cho ông!”. “Cám ơn em!”…
Người đàn ông dẫn đường đứng dậy, nắm lấy mái chèo: “Búng Pha Long đây rồi! Em chờ chút. Nước đang rút. Chỉ chút nữa là thấy lối vào. Nhưng phải nhìn tinh vì cửa vào năm nay ở chỗ nào tôi không biết…”.
Lại có tiếng u u như tiếng gió hút qua lòng núi. Vách núi dâng lên, lộ dần một khoảng trống nhỏ, sâu hun hút.
“Kia phải không ông?”.
“Đúng rồi!”.
Một vòm hang nhỏ từ từ xuất hiện cuối chân búng. Người đàn ông hối hả chèo: “Phải đi nhanh. Nếu nước lên là không về kịp. Em ngồi xuống. Bám chắc vào!”.
Nước đang rút ào ào về phía miệng hang tối đen như mực. “Ông đi kiểu gì?”. “Tôi thuộc… Đường vào có ba dòng chảy. Phải đi dòng bên phải. Nếu đi dòng trái hoặc dòng giữa thì sẽ lao vào vách núi. Chừng ba mươi mét rẽ sang trái tránh bãi đá ngầm rồi men theo miệng vực, chỉ sơ ý là xuống đáy. Phải liều vào nhiều lần mới biết. Trừ tôi, cả vùng này không ai dám… Bám chắc vào. Cúi thấp…”.
Chúng tôi bị hút vào miệng hang. Xung quanh tối sầm không phân biệt được ngày hay đêm. Chỉ thấy nước réo ầm ầm bốn phía, Từng đợt nước tát thẳng vào mặt, xộc vào tận phổi khiến tôi ho sặc sụa. Thuyền nhoi lên, hụp xuống, chao nghiêng rồi xoay tròn chóng mặt… Có tiếng va đập dưới đáy. Vách núi sượt qua một bên vai lạnh toát. Tiếng quát đằng sau bảo tôi cúi thấp nữa. Nước ập vào đầu, vào gáy, vào lưng. Tôi chìm trong nước. Ở phía nào đó mơ hồ nghe tiếng mẹ tôi: “Chờ mẹ về xây nhà gạch cho con!”. Tiếng gọi: “Chú Út ơi!”. Tiếng trẻ con cười…
Con thuyền trồi lên. Bắt đầu lao vun vút. Vẫn tiếng quát cúi thấp xuống phía sau. Gió vuốt hai bên những vệt sắc rách da người. Nước đang đẩy chúng tôi về phía trước càng lúc càng nhanh. Rất lâu sau mới dần dần chậm lại. Cơn choáng váng qua dần…
Tôi mở mắt…
Thuyền dừng hẳn, chạm tay xuống nước không tìm thấy dòng chảy, sương mù bao quanh bốn phía, không biết đâu là bờ, không định hướng nếu như phía xa không có một khối trắng mờ, cao sừng sững, lừ lừ di chuyển. “Phía trước kìa ông! Núi đang trôi. Phải đến tận nơi chạm tay vào nó!”…
Im lặng… Không nghe cả tiếng mái chèo nhưng thuyền vẫn lướt trong sương, hối hả đuổi theo. Đỉnh Pha Long trôi dần vào quầng sáng cuối chân trời. Rồi tất cả bỗng bừng lên rực rỡ…
Cửa sông thiên đường mênh mông hiện ra trước mặt tôi. Không thấy vách Pha Long sừng sững, trắng toát, phẳng lì như xẻ. Không thấy cây thần, cây bùa yêu không rễ hàng ngàn năm mới cho lá một người…Không thấy người đàn ông dẫn đường vừa đưa tôi qua cửa tử. Chỉ có mình tôi. Con thuyền nhỏ lững lờ trôi trên nước lặng về phía mặt trời đang lên trên một triền đê ngợp sắc màu hoa cỏ. Tôi thấy ngôi nhà nhỏ có lối vào giữa hai dậu cúc tần tơ hồng bắt đầu giăng đôi sợi. Thấy nhịp đôi tiếng búa trên đe… Tiếng gió bễ thổi qua lòng đất… Thấy mẹ tôi và bên cạnh là người con gái ấy, chống đòn gánh bên đôi quang thúng đứng chờ.
Cuối triền đê có cái bóng tròn lẫm chẫm. Tiếng cười, tiếng trẻ con rúc rích lẫn đâu đó trong sắc hoa đang dâng lên như muôn sắc cầu vồng.
“Chờ em, chờ chú Út theo với! Mẹ Hoài ơi!”…
NGUYỄN HẢI YẾN
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...