Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Người đi từ mùa xuân

Người đi từ mùa xuân

Chuyến này là chuyến thứ ba Mạ kẽo kịt đôi thùng gánh nước. Cô xắn cao quần sợ lấm đất. Bắp chân trần trắng nõn lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật khiến mấy gã thanh niên chạy xe qua cũng phải rướn mắt nhìn. Hai chuyến trước nước trong thùng sóng sánh làm ướt mấy bậc cầu. Sợ trơn trượt cô cố bấm chặt ngón chân. Đòn gánh vẫn trên vai, Mạ liệng thùng xuống và rẽ nước. Mấy cái bèo hoa dâu dập dềnh dạt sang hai bên, cô cúi mình vục được hai thùng đầy.
Mạ ghé vai nhấc đòn chậm rãi bước lên từng bậc. Lúc xuống thùng không thì dễ chứ đi lên với hai thùng đầy cũng phải chùn chân. Lên miệng giếng thì dễ hơn, hai thùng nước đầy đong đưa, nhún nhẩy theo nhịp bước. Đôi hàng cau thẳng tắp đang mùa trổ hoa chạy dài phía trước ngào ngạt hương thơm đón chân cô. Vừa quẩy thùng rẽ vào ngõ, nghe có tiếng xe rì rì sau lưng. Mạ cố ý bước sang bên để nhường đường nhưng chiếc xe dường như không chịu đi lên, cứ chầm chậm đi sau như trêu ngươi. Bực mình, quay lại bắt gặp Dân cười khì khì dặn với:
Nhà văn trẻ Vũ Thị Thanh Hòa
– Này, tối nay. Chỗ cũ nhé. Có việc quan trọng đấy.
– Gì chứ? Mới hôm qua… – Mạ đỏ mặt nhìn quanh, sợ ai đó nghe thấy.
– Không biết đâu. Cứ thế đi!
Chẳng hiểu có chuyện gì. Nhắn tin là xong, lại còn bày đặt dặn dò. Đi qua sân, Mạ hạ đôi thùng, đổ vào chum nước. Nước trong bể đã cạn, mưa xuân chỉ lắc rắc vài hạt nên chẳng thấm vào đâu. Trong bếp bà Mùi đang chất nồi cá kho, mùi giềng mùi khế và rau răm tỏa ra thơm lựng.
– Mẹ thấy con gái giỏi chưa. Chỉ loáng cái là đã đầy chum.
Mạ nhặt thêm mấy cành vải khô đem vào bếp. Bà Mùi ra cầu ao rửa tay quay lại lườm con gái. Gớm, tưởng gì. Có giỏi thì cô lấy chồng luôn đi thôi, hăm mấy rồi còn gì. Mạ xịu mặt. Giời ạ, lúc nào mẹ cũng giục. Mẹ cứ chăm con lợn ỉn cho đẫy tạ đi là vừa. Hừ, thế lợn to thịt được rồi mà cô chưa dẫn rể về thì làm sao? Thì còn sao nữa mẹ? Con vẫn ở nhà làm thợ cắt may và chất bếp kho cá cho mẹ như thế này này. Mạ cười giòn. Bà Mùi ra cầu ao rửa tay quay lại rủ rỉ:
– Mạ này! Cái nhà bà Tâm ấy mà. Có ý nhắm con đấy.
– Sao thế được mẹ? Con giai bà ấy ở mãi tận bên Đài Loan kia mà!
Bà Mùi ghé tai Mạ thì thào. May mà có bà Tâm động viên rủ rê vào câu lạc bộ dưỡng sinh nên giờ căn bệnh xương khớp của bà mới khỏi hẳn. Bà Mùi và bà Tâm thân thiết, khác nào chị em ruột. Kha, con trai bà Tâm ít bữa nữa về nước. Đẹp trai, nhà cửa đàng hoàng, bà Tâm lại tâm lý. Lấy Kha hẳn là Mạ sẽ sung sướng cả đời. Còn Dân, chỉ làm thuê làm mướn tay trắng đâu có gì. Cứ mỗi bận bà Mùi cất lời chê Dân như thế, Mạ không bằng lòng. Dù gì Dân cũng là thanh niên chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Dân đã tính sẽ về thưa chuyện với gia đình để người lớn đôi bên có dịp gặp mặt, thăm nhà, tiến tới chuyện dạm hỏi, cưới xin.
*
Mạ ngồi nhấp nhổm không yên. Sao hẹn ra đây mà cứ lặng im thế? Anh bảo có chuyện quan trọng kia mà? Mạ nhìn chằm chặp vào Dân sốt ruột. Mưa phùn từng đọt lây rây phủ xuống không gian một màu hư ảo mơ hồ. Mùi ngai ngái của hơi đất ẩm cùng mùi hoa chanh hoa bưởi quyện hòa sực lên. Vài giọt nhỏ xuống từ mái gianh nơi quán Mạ đang ngồi đều đều lặng lẽ, cần mẫn như âm thanh từ tách cà phê trước mặt.
– Nếu anh đi xa chừng hai năm, Mạ nghĩ sao?
– Nhưng xa là đi đâu cơ? Có lẽ nào…? Anh đi làm ăn xa à?
– Không, anh trúng tuyển và có lệnh gọi nhập ngũ rồi.
Mạ bất ngờ. Dân mới vừa học nghề xong từ năm ngoái, còn đang làm phụ ở gara sửa chữa ô tô xe máy của ông anh họ bên thị trấn. Dạo trước loa truyền thanh xã ra rả thông báo danh sách giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ suốt khiến nhà nào có con trong độ tuổi cũng phải bồn chồn vì nhiều thanh niên còn đang học tập và làm việc ở tỉnh ngoài. Năm ngoái chú An, chú ruột Mạ tối nào cũng sang gặp bố để bàn tính. Chả là mất bao nhiêu công sức nhà chú mới cạy cục, chạy chọt xin cho thằng Tùng được vào làm ở phòng kế hoạch của công ty liên doanh với nước ngoài. Lương tháng hơn chục triệu. Dễ gì ở quê mà có được chỗ làm tốt như vậy. Tính đi tính lại chỉ có cách làm cho trượt kỳ khám tuyển. Hoặc là phải cậy nhờ đến tay Thứ, trưởng ban chỉ huy quân sự xã. Nhưng thằng Tùng cao to, khỏe mạnh, nhanh nhẹn thế, chưa cần khám nhìn đã biết là đạt tiêu chuẩn rồi. Làm sao để trượt? Mình lão trưởng ban chắc gì đã lo nổi. Nếu như ở trên người ta làm chặt thì lão Thứ cũng chẳng đỡ được. Lúc ấy đâm ra nhỡ việc. Đi nghĩa vụ quay về thì vị trí ấy trong công ty chắc chắn chẳng còn. Bàn ra tính vào chỉ có nước là phải bấm bụng rút hầu bao mới mong được việc. Thế là đành nhờ ông Thà trưởng thôn cũng là người trong họ mách nước. Mạ thấy bố bảo, tổng cộng chú An “đi” chỗ nọ chỗ kia cũng phải mất đến vài chục triệu để mua tờ phiếu khám sức khỏe như ý.
Hoàn cảnh Dân như thế. Chắc chả có mà lo lót. Mạ chợt nhớ lần đầu tiên đến nhà Dân…
– Cô đi đến ngôi nhà có cây xoài rõ to trước cổng ở cuối đường kia, là nhà cậu Dân đấy.
Theo tay chỉ của bác gái nọ, cô nhìn thấy ngay. Ngôi nhà có cái cổng sắt với bức tường bao màu rêu gạch. Cây xoài lâu năm tỏa bóng vươn rợp ra đường. Lần đầu tiên đến nhà trong tình thế bất đắc dĩ. Dân có việc lên phố quên mang theo giấy tờ tùy thân nên điện cho Mạ lên nhà tìm và mang đến giúp vì đang bị công an tạm giữ xe trên đường đi. Tiếng là cùng xã nhưng khác làng nên thú thực Mạ chỉ biết xóm nhà Dân chứ chưa biết cụ thể là nhà nào.
– Hớ hớ. Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Như năm…
Mạ bất giác nhìn lên. Cảnh tượng trên nóc nhà làm cô hoảng hốt. Một người đàn ông đang cởi trần, vai đeo khúc gỗ hát nghêu ngao. Ông ta bước trên thành lan can mà tự nhiên như đang đi ở dưới mặt đất vậy.
– Bác ơi, đứng đó nguy hiểm lắm. Bác xuống đi ạ.
– Xuống thế nào mà xuống hở cô. Tôi đang cưỡi xe tăng tiến đến đồn địch đây này. Xung phong! Tiến lên, anh em ơi!
“Đấy. Ông ấy là bố cậu Dân cô ạ. Lúc tỉnh lúc điên”. Đứng ở cổng một lúc, nghe bà Lan, bà thím của Dân, nhà ở sát bên kể. Ông Thẩm đi bộ đội về khỏe mạnh nhưng chẳng may cách đây ba năm bị tai nạn giao thông, cứ thi thoảng lại trở chứng. Giờ thì Mạ hiểu, tại sao những lần kể chuyện anh tránh nhắc đến bố và nhiều lần cô ngỏ ý muốn lên nhà Dân chơi nhưng anh cứ khất lần. Cô chỉ biết mẹ Dân mất vì ung thư trước ngày bố bị tai nạn tròn hai năm. Gia đình có hai anh em. Người anh đã lấy vợ và đưa cả gia đình ra Quảng Ninh đội than thuê kiếm sống. Cổng khóa để đề phòng ông Thẩm lúc lên cơn đi lang thang nên chìa khóa cổng được gửi bên nhà bà Lan cho tiện. Mở được cổng, Mạ và bà Lan vừa dỗ dành hỏi chuyện vừa lân la leo lên tận nóc ông Thẩm mới chịu nghe để cho hai người tìm cách đưa xuống.
– Bác xem cho cháu, anh Dân có để cái ví màu nâu đựng giấy tờ xe trong túi áo kẻ treo trên mắc ở nhà tắm với ạ.
– Áo thằng Dân mặc đi rồi. Có cái áo nào ở nhà đâu chứ. Toàn là quần áo của tôi thôi. Cô là kẻ xấu. Đừng hòng mà dụ tôi!
Với ông Thẩm, Mạ là người lạ nên nói ông ta không nghe đành phải nhờ đến bà Lan. Lát sau đã tìm được cái áo, lấy cái ví đưa ra cho Mạ…
– Mạ hãy đợi tôi nhé?
Đang mải nghĩ, Mạ bỗng giật mình. Đôi bàn tay Dân đã đặt lên tay Mạ. Đôi bàn tay có mùi dầu mỡ nắm trọn tay cô. Sần sùi, ram ráp mà ấm áp. Cái tin Dân vừa báo làm cho Mạ bần thần đến bất an, tuy rằng hôm đi khám tuyển Dân đã tâm sự với cô. Thế là bao dự tính cho mùa xuân này, chuyện hôn nhân gác lại ư? – Sao anh không thử tìm chỗ nào nhờ cậy, lo lót để đỡ phải đi hoặc hoãn đợt này có hơn không? Nếu không đủ thì em góp thêm. Ở nhà làm rồi tích cóp sau.
Mạ hồi hộp, dừng lại quan sát. Dân sửng sốt, nhìn cô ngạc nhiên:
– Đi xong nghĩa vụ cho yên tâm, rồi về làm gì tiếp thì làm. Biết tin anh sắp đi lính, anh Tình đã về chăm bố rồi đấy.
Mạ nghe Dân nói vẻ quyết tâm, không có chút lay chuyển thì sững sờ. Năm nao cũng có trường hợp xin ở lại được. Hơn nữa hai đứa đã bàn tính kỹ cho kế hoạch người lớn đến thăm nhà, dạm ngõ thế rồi. Nếu Dân đi, lỡ hết cả việc lớn. Trong hai năm ấy cô sẽ phải vò võ chờ đợi. Mòn mỏi tuổi xuân. Mà tuổi xuân là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời người con gái. Đâu phải Mạ ế ẩm không có người theo đuổi đâu. Nghĩ đến đấy Mạ tủi thân phát khóc, trong lòng dâng lên sự nghẹn ngào. Nơi khóe mắt đã bắt đầu rơm rớm. Nghĩ mà chán.
– Tùy anh thôi vậy. Anh đâu nghĩ cho em.
Mạ đứng phắt lên làm Dân luống cuống. Bên tai, Dân còn kể lể, phân trần. Bao nhiêu người trong làng, trong xã người ta đi được. Bố Dân ngày xưa còn xin ra trận, giữa bom rơi lửa đạn mà không nề hà. Thanh niên phải làm tròn nghĩa vụ công dân, lên đường cho khỏi hổ thẹn với những người đi trước. Mạ đã không nghĩ được điều ấy cho Dân. Rồi Dân còn nói gì nữa, Mạ không muốn nghe nữa.
Mạ tấm tức vụt chạy ra ngoài giữa màn mưa giăng bụi. Những giọt tủi hờn cứ đua nhau chen rơi, chảy dài nhập nhòa nơi mắt môi.
*
Sáng sớm vừa mở cửa tiệm may thì có mẹ con bà Vân dắt díu nhau đến.
– Cắt cho cái Hằng nhà cô bộ quần áo nhé. Thằng Thắng mới xuất ngũ nên muốn cắt cho cô em gái bộ quần áo mới. Gớm, về một cái là đã lo sắm sửa cho bố mẹ và em sốt sắng lắm. Làm như là mới đi nước ngoài chục năm trời về ấy.
Bà Vân nhắc đến Thắng bằng giọng tự hào. Mà Mạ còn lạ gì Thắng. Đợt ở nhà thi thoảng buổi tối Thắng cùng cánh thanh niên rủ nhau ra tiệm của cô ngồi chơi, tán gẫu. Thắng toàn bị cánh bạn trêu đùa mà chẳng biết nói lại. Nhìn Thắng chậm chạp, không được năng động như người khác nên năm ấy cái việc Thắng được gọi đi bộ đội làm mọi người bàn ra nói vào. Thời gian như bóng câu qua, mới đó đã được xuất ngũ. Không ngờ Thắng bây giờ biết quan tâm đến người thân chu đáo thế. Cô gái nào vớ được anh ta cũng là diễm phúc.
Nghe Mạ xuýt xoa, khích lệ, bà Vân càng hào hứng kể. Đúng là kỷ luật quân đội rèn giũa cho Thắng trưởng thành hơn nhiều. Dạo ở nhà anh ta vẫn còn trẻ con lắm, biết nghĩ gì đâu. Thế mà đi về chững chạc, nhanh nhẹn hẳn ra. Đã thế còn được nhận giấy khen của đơn vị.
Mợ Viện đi chợ về, tạt vào lấy cái quần sa tanh mới cắt cũng chêm vào câu chuyện. Đợt thằng Thắng đi nhiều người nghĩ cũng cám cảnh. Vì xã đông thanh niên, thiếu gì người. Ấy vậy mà mấy thằng to khỏe, sức vóc đọ được trâu lại sợ khó ngại khổ, cạy có tiền chui lủi ở nhà, để cái thằng lù đù đi nghĩa vụ. Thế mà lại may. Giờ thằng Thắng đã nên người. Mợ Viện nói ngay mồm, chẳng có ý tứ gì kiêng nể, sợ những lời nói về Thắng làm phật ý bà Vân. Tự dưng Mạ thấy những ý nghĩ tiêu cực mấy hôm nay bỗng nhiên mềm ra như sợi bún. Cứ nghĩ quá nên vậy. Chuyện đi bộ đội là tốt mà.
– Thế cháu nó trên đơn vị làm những việc gì mà được giấy khen hở bà? Vinh dự quá.
Câu hỏi bất chợt của mợ Viện làm bà Vân cười ngượng. À, cháu nó được giao nuôi lợn, nuôi chó và chăn gà thôi bà. Thì ra quân rồi, bà đầu tư cho anh Thắng trang trại chăn nuôi. Anh ấy quen việc rồi còn gì. Thanh niên cứ chịu khó chăm chỉ, chí thú làm ăn là tạo dựng được cơ nghiệp thôi. Mợ Viện nói xong thì bỏ hẳn cái nón ra và đặt cái làn xuống đất ngồi vào ghế. Có vẻ như câu chuyện làm bà còn chưa muốn về. Bao giờ cũng thế, các bà trong làng đi chợ về tiện là rẽ ngay vào tiệm cô. Không cắt quần áo thì cũng buôn chuyện trên trời dưới nước. Chỉ có điều, quán ở ngay đường làng nên đa phần chỉ có khách trong làng. Mạ cũng mơ ước được chuyển ra ngoài khu chợ. Ở đấy chắc chắn sẽ hút được đông khách ở các làng bên hơn. Nhưng để mua miếng đất ở khu mới của xã cũng phải ngót nghét vài trăm triệu, lại còn tiền xây dựng nữa. Dành dụm mấy năm cắt may ngồi ê cả mông mới chỉ được mấy chục chứ nhiều nhặn gì. Mạ làm gì có đủ. Bà Vân đã bước ra khỏi quán rồi mà tiếng cười hoan hỉ vẫn còn ở lại sau.
*
– Con đã cắt xong mấy bộ quần áo cho mẹ và các bác đây rồi ạ. Tối nay mẹ mang ra nhà văn hóa hộ con nhé!
– Tốt rồi. Hôm qua các bác ấy cũng mới giục mẹ đấy. Ngày mai biểu diễn tại Hội khỏe Phù Đổng của xã có đồ diện rồi. Mặc đồng phục đội hình đẹp hẳn lên.
Bà Mùi giở túi quần áo. Bộ quần áo của bà Tâm bà đành để lại. Không phải vì bà Tâm bị loại khỏi đội hình ngày mai hay là bị ốm đau gì. Bình thường bà Tâm tập dẻo nhất, đẹp nhất câu lạc bộ. Mấy hôm trước nghe bà bạn tâm sự, thấy thương người bạn quá. Chiều qua bà Tâm đã phải lên bệnh viện chăm con bé Diễm nhà bà Nhạn ở xóm trên. Hóa ra con bé có chửa với thằng Kha bên Đài Loan, mới về nước tuần trước để sinh nở. Chả rõ có phải cái thai ấy là của con trai bà không vì từ hồi ở nhà con bé đã có tiếng chơi bời hư hỏng. Nhưng bà Nhạn nhất mực đến bắt đền. Giờ bị động thai nên phải nhập viện để bác sỹ còn theo dõi. Nghĩ tội nghiệp.
– Mẹ biết không. Anh Kha cũng có nơi có chốn rồi mà còn định vơ thêm cả con…
Bà Mùi ngậm ngùi đánh trống lảng. Sáng nay ra chợ dân làng kể ầm ĩ chuyện lão Thứ bị người ta kéo đến nhà đòi nợ. Không phải nhà lão nợ nần mà là chuyện đã nhận của hối lộ rồi nhưng con họ vẫn có giấy gọi nhập ngũ. Đòi thì khất lần nên họ phải vậy. Từ ngày lão Thứ lên chức vụ ấy mới được dăm sáu năm mà đã xây được cái nhà to vật vã. Bây giờ người làng mới rõ.
– Mẹ nghe loa đọc danh sách nhập ngũ đợt này có thằng Dân phải không con? Sao gần đây không thấy nó đến chơi?
Bao nhiêu lo lắng và muộn phiền giờ được giải tỏa. Tư tưởng bà Mùi đã thông thoáng. Mạ nhẹ cả lòng.
*
Đoàn người đưa tiễn tân binh lên đường nhập ngũ từ các nẻo đường đổ về trung tâm huyện nườm nượp. Mạ đưa tay cài cho Dân bông hồng đỏ lên ngực áo.
– Sao tay em run quá vậy? Em thế này anh đi sao nổi?
Mạ nghẹn ngào, bật khóc. Trước cảnh chia tay xúc động cô không nén nổi lòng mình. Cô gục đầu vào vai Dân nức nở.
– Anh hãy mang bông hồng này theo suốt chặng đường. Đừng lo gì cả. Em sẽ lại thăm bác thường xuyên.
Chỉ nói được chừng ấy, Mạ quay người. Tiếng còi xe vang lên một hồi dài giục giã. Mai này, những bước chân cuối đất cùng trời của Dân sẽ luôn có ánh mắt Mạ nâng đỡ, tiếp thêm sức mạnh cho Dân vững bước như màu thắm đỏ của bồng hồng này. Bông hồng Mạ đã cài nơi trái tim.
VŨ THỊ THANH HÒA
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...