Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Non cao rừng thẳm

Non cao rừng thẳm

Ngày em ra đi cuối thu khi rừng đã no mùa. Mùa chín sẫm cỏ cây tràn non cao sừng sững. Lưng trời vách đá bạc tựa mắt nhìn như níu bước chân ai. Nhớ tiếc, buồn thênh. Chuyện xưa rồi, sao mỗi khi ý nghĩ trở lại quê nhà lại hiện dáng em gầy thủơ ấy. Cái dáng đang độ bứt kén tuổi thơ, chuyển thì thiếu nữ vừa đi vừa ngoái lại nhìn. Em đang thu lại lần nữa ngôi nhà xưa vào thương nhớ trước lúc ra đi, hay ngóng tôi đến tiễn em như đã hẹn?
Phía trước, mẹ em khoác túi nải lặng lẽ sau cha, cha dắt xe đạp buộc đồ đi sau cỗ xe ngựa. Xe ngựa của lão Thồn, cha em thuê chở đồ ra bến. Lão mới ngoài năm mươi vậy mà như đã hơn bảy chục. Ít chăm sóc bản thân con người sớm già trước tuổi. Lão chẳng mấy để ý vẻ ngoài. Lúc nào cũng áo chàm mốc bạc, quần ống rộng không đai lưng, chỉ dải rút luồn cạp bện bằng sợi po núi. Một đầu buộc mẩu gỗ nhỏ như ngón út, đầu kia thắt xu đồng, lúc cởi chỉ cần bật nhẹ là tuột. Khi mặc ngoắc hai vật vào nhau, nhét lộn cạp quần là thin thít. Mặt lão lúc nào cũng xờm râu bụi. Thoạt nhìn có vẻ dữ, thật ra lão hiền.
Nhà văn Cao Duy Sơn
Lão vung roi vào không khí, nói gì đó nhưng mọi người im lặng. Không sao. Người nhà này hôm nay đang bận lòng. Định khơi chuyện vui cho vợi không khí nặng nề, nhưng có vẻ không đúng lúc. Lẽ thường, phải xa ngôi nhà, xa chòm xóm gắn bó bao năm ai chẳng buồn. Buồn thì không muốn bắt chuyện rồi. Lão xoay mông trên chiếc đệm bằng bao tải đặt trên thành xe, khẽ rung cương, huầy huầy thúc ngựa.
Thỉnh thoảng thấy em chậm bước, nhìn lại phía sau, mẹ nhắc:
– Nhanh chân lên con, mười một giờ xe khách khởi hành đấy. Mình còn phải xếp đồ lên xe nữa.
Em quay lại, bước nặng nề. Tôi biết, em không muốn rời đây. Em bảo mình sinh ra ở đâu thì quê ở đó. Bố mẹ cũng không muốn thế, nhưng không thể khác. Thấy em buồn, mẹ an ủi: “Phải chuyển về quê nội con ạ. Bà chỉ còn mình cha ở đất bắc này, các cô chú đều đã chuyển vào Tây Nguyên. Khi đi ai cũng muốn đón bà theo nhưng bà không chịu. Bảo, đây còn mồ mả tổ tiên, ông nội sao có thể bỏ lại. Ai cũng sẽ có ngày cuối, bà biết ngày cuối ấy đã sắp đến với mình. Bà đã chuẩn bị quần áo mới đợi ngày về cho tròn đạo nghĩa. Vào Tây Nguyên xa tít tắp biết có còn sống nữa mà về. Như thế là có tội với trời đất, tổ tiên. Thương bà, cha con đã xin về dạy ở trường gần nhà. Có quyết định rồi. Biết tin bà mừng lắm. Nhà này, bố mẹ sẽ không bán. Ai cần thì cho đến ở nhờ. Biết đâu còn có ngày trở lại, cũng là muốn lưu giữ kỷ niệm nơi con sinh ra. Sau này nếu có trở về, còn có nơi để con lui tới, hoài niệm”.
Em kể tôi nghe lời mẹ mà như bày tỏ niềm riêng. Thấy trống rỗng, mênh mang buồn, như sắp ly biệt với gì đó vô cùng thân thiết. Chợt nhận ra hình như mình đang yêu. Là tình đầu của tôi với em. Vậy mà lại sắp xa nhau. Chợt nghe thổn thức trong lòng, có còn gặp lại em? Bao giờ, biết đến bao giờ? Ngày, tháng, năm… tôi mới tuổi mười sáu, em vừa mười lăm.
Không ai biết tôi vẫn đang lặng lẽ theo em, theo gia đình em đang đi sau cỗ xe ngựa lão Thồn hướng ra bến xe khách.
Tôi không dám bước ra để chia tay em. Phận con nhà nghèo đã ám vào tôi ái ngại như một thứ bệnh. Nhà tôi cả thảy tám miệng ăn trông vào hàng quà bánh của mẹ, với đôi bàn tay chai sần đục đá bán cho người Cô Sầu xây nhà của cha. Sáng tới tối cha trên núi, mẹ ngoài chợ, vậy mà hằng tháng vẫn thiếu ăn cả chục ngày. Tôi vừa đi học, vừa phải phụ giúp gia đình nên ít thời gian được đi chơi, ít chơi nên ít bạn. Bạn với tôi chỉ có em. Nhà em, nhà tôi liền dãy cách nhau ba nhà. Em là con thầy giáo Cầu người miền Tây Hòa An, được phân công vào dạy cấp ba Cô Sầu đã gần hai chục năm có lẻ. Thầy là giáo viên dạy giỏi, chan hòa với đồng nghiệp, xóm giềng. Em giống cha, vui vẻ hồn nhiên và ngoan hiền. Có lần em bảo, cha em thiện cảm với tôi. Dù nhà nghèo nhưng tôi chăm học, không lêu lổng đua đòi như những trẻ khác ở thị trấn Cô Sầu. Còn nhắc em chuyển lời của thầy tới tôi, đừng mặc cảm hoàn cảnh, sống phải có bản lĩnh mới thành người đàng hoàng. Ai chẳng có lúc gặp khó khăn, nhưng phải ý chí và biết nuôi hy vọng. Gắng học, sau này chữ nghĩa sẽ giúp ta trưởng thành. Lần đầu thấy có người đáng kính quan tâm tôi ngỡ ngàng, cảm động. Tôi chăm chỉ hơn. Thỉnh thoảng gặp thầy, thấy thầy gật đầu, ánh mắt thân thiện như càng được khích lệ.
Tình bạn tôi với em ngày thêm gắn bó. Em với tôi cùng chơi những trò chơi của con trai mà em không chút ngại ngần. Nhưng khi em rủ tôi chơi trò của lũ con gái thì tôi run. Là trò tung đồng ngói được ghè tròn qua đầu, nhảy ô cửa kẻ trên mặt đất. Khi chơi nếu ai nhảy lạc hoặc giẫm vạch bị coi là thua, phải cõng bạn chơi nhảy lò cò qua ô cách. Em chẳng khi nào mắc lỗi, chỉ tôi vụng, hay thua phải cõng em. Em không nặng nhưng cõng con gái thì thật ngại. Hai tai cứ nóng bừng. Em ngoan ngoãn mềm mại, ấm áp trên lưng tôi. Khi duỗi lưng, thả em xuống, mắt em long lanh, má ửng hồng. Thấy ngượng ngùng, lòng bộn rộn. Cảm giác ấm mềm còn trên lưng tận bây giờ.
Em hồn nhiên, vô tư cũng khiến tôi đỡ dần nhút nhát, nhưng còn gì đó vẫn ngăn tôi chưa thể bình tĩnh trước chỗ đông người. Những lúc ấy tôi mong có em ở bên. Chỉ ánh mắt thôi sẽ giúp tôi tự tin. Tự tin trả lời câu hỏi của thầy cô; tự tin phát biểu trước lớp; tự tin hát trọn bài trong những lần sinh hoạt đoàn sẽ không run, không gãy giọng. Thấy đó là yếu kém luôn khiến mình đau khổ, chẳng biết đến khi nào mới thôi.
Giờ em đang mỗi lúc một xa tôi, thời gian chẳng còn mấy mà sao vẫn không dám ra tiễn. Thật đáng ghét cái sự hèn. Biết mà không thể ngắt ra khỏi tâm trạng. Vẫn ẩn sau cây rừng để được nhìn em, tiễn em trong im lặng. Một thứ im lặng đang kìm nén âu sầu. Lẽ nào mình đã yêu em? Yêu là thế sao? Là xúc cảm con trẻ rất mơ hồ, đang khiến trái tim non nớt run rẩy mà thiêng liêng khác lạ. Giá được thổ lộ tình mình với em? Tôi thoáng sợ khi ý nghĩ táo bạo đó vừa hiện. Mình sẽ không đủ can đảm. Để hở tình cảm ấy trước cha mẹ em còn đáng ngại hơn. Người lớn tinh ý lắm, gì họ cũng đoán biết. Lòng như lửa đốt.
Chợt thấy cha em chậm bước, vẫy em lại gần, khẽ nói gì đó. Vẻ mặt em trở nên rạng rỡ. Em nhanh chân bước về phía tôi:
– Anh Hân ơi, có phải anh ở đó không? Ra với em đi, đừng ngại.
Mặt tôi nóng bừng. Ngượng muốn chui vào kẽ đá. Đang còn do dự, lại nghe em dịu dàng:
– Anh đừng ngại, nhà em ai cũng muốn gặp anh trước lúc đi. Hay thật đấy, chỉ mình em là không biết thôi, cha bảo, sáng nay anh là người dậy sớm nhất xóm và đã ra đây để đợi tiễn mọi người…
Tôi dần bớt lo ngại. Muốn cảm ơn em, hay nói gì đó mà không thể. Chỉ nhìn em như chưa bao giờ được nhìn. Giờ mới nhận ra em thật xinh. Dáng mảnh mai hồi nào nay đang nhú nét thanh tân. Mắt em, miệng em, đôi môi tươi hồng và mái tóc vờn trong gió thu đang gần tôi lắm. Gần tới mức tôi nhận ra hương thơm từ da tóc em nhè nhẹ nồng nàn. Khoảng cách chỉ tầm tay mà sao không đủ can đảm. Tôi run run:
– Sao biết anh đứng đây?
– Là cha đấy! Cha bảo, anh đang ở đây! Muốn ra tiễn mọi người, nhưng chắc còn ngại gì đó. Rồi cha chỉ cho em chỗ này. Em thật mừng khi gặp anh. Lần sau đừng thế nữa nhé. Hôm qua đã hứa rồi, vậy mà làm em ngóng mãi.
Lặng một hồi, tôi khẽ nói như để riêng mình:
– Lựu ơi, em đi rồi, đâu có còn đây nữa mà lần sau.
Nước mắt em tuôn trào. Em đến, chủ động nắm tay tôi:
– Hè em sẽ về, đợi em nhá.
Lòng thẫn thờ. Bây giờ mà đã nhớ thế này, mai biền biệt biết sẽ thế nào?
Tôi lặng người nhìn em. Ước mình hóa thành những giọt lệ trên mắt em buồn. Đôi mắt dịu dàng, chứa chan biệt ly, thương nhớ. Rồi em đi.
Từ đây ra đến bến xe còn khoảng ba cây số. Xa xa bóng lão Thồn ngất ngư trên thành xe, cha dắt xe đạp theo sau, rồi đến mẹ và em đang dìu nhau đi trong gió thu cuối mùa se lạnh.
Ngày ấy đã lâu rồi. Tôi đã đi nhiều nơi. Vất vả với mưu sinh, sự nghiệp ít có dịp được trở lại quê nhà. Cũng bặt tin em từ đấy. Nhưng sớm thu kia vẫn thi thoảng hiện về. Hiện về cả thị trấn nhỏ với những ngôi nhà xây đá giữa những núi bao quanh có cái tên Cô Sầu! Em sinh ra từ đây hẳn cũng tình hoài hương như bao người xa xứ. Đã khi nào tìm về ngôi nhà cuối xóm đuôi vượn chúng mình? Hay cũng lại như ta có khi hưởng vui, hay cuốn theo công việc mà quên mất đường về. Lòng mênh mang buồn. Kiếp người như mây bay bay.
***
Đang ngắm cảnh vật bên đường chợt nghe ai hỏi:
– Chắc anh dưới Hà Nội lên đây công tác?
Tôi ngẩng lên. Phụ xe. Tuổi gần ba mươi, vẻ mặt dễ mến.
Định nói “Trông tôi giống người Hà Nội lắm sao?” nhưng lại thôi:
– À, vâng! Kết hợp lên thăm vài nơi nữa.
– Anh làm ngành gì?
– Tôi dân nông nghiệp.
– Giờ đang là thời của nông nghiệp đấy, Bí thư huyện em cũng kỹ sư nông nghiệp, đang uy tín lắm!
– Thế à! Cũng phải, lãnh đạo bây giờ đương nhiên phải là người có học rồi.
Phụ xe hào hứng:
– Em cũng từng học Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên, những việc liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt cũng hay để ý.
– Tiếc nhỉ! Vậy sao không theo?
Giọng phụ xe xa xăm:
– Thời buổi này xin việc đâu dễ, đến cửa nào cũng một câu trả lời, hết biên chế! Bốn năm theo học, phải bỏ ai chẳng buồn. Nhưng xin mãi không được thấy mình như đồ thừa, nản, thế là buông. Biết thế xin học trường dạy nghề rồi đi xuất khẩu lao động. Giờ thì chẳng còn bận lòng. Phụ xe tuy vất vả nhưng cuộc sống cũng tạm ổn anh ạ.
– Nhưng xem ra, có vẻ vẫn còn vương vấn với nghề!
– Mấy năm theo học, kiến thức vẫn ám như nợ đời, vậy nên việc gì liên quan cũng hay để ý. Nông thôn bây giờ đã khác trước, khởi sắc hơn. Từ ngày có Bí thư mới chuyển từ Hòa An về, nông nghiệp của huyện đã có bước chuyển. Sau hai năm khảo sát các xóm xã, nắm được thế mạnh địa bàn, Bí thư đã chỉ đạo các ngành chức năng quy hoạch lại vùng, đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với đất đai, khí hậu. Bước tiếp theo, lập dự án xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa, rồi liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ giúp bà con. Bây giờ thì khối nhà đã giàu lên rồi. Lãnh đạo như thế là giỏi phải không anh?
Chưa kịp trả lời đã lại nghe anh ta nói tiếp:
– Không chỉ giỏi, chị này còn xinh nữa, nghe nói là lãnh đạo nữ xinh nhất tỉnh đấy. Chị ấy còn chuyển gia đình về đây ở, nhà cuối xóm đuôi vượn, là ngôi nhà của cha mẹ chị ấy để lại từ trước, sửa chữa lại chút ít. Giờ thì ổn rồi… xe đến bến rồi anh ạ.
Tôi chẳng còn nghe anh ta nói gì nữa, lòng bàng hoàng. Nhà cuối xóm đuôi vượn. Là ngôi nhà của cha mẹ để lại ư, lẽ nào?
Phụ xe có vẻ không còn để ý đến tôi. Đang hướng ánh nhìn vào chiếc xe con phía trước, anh ta chợt reo lên:
– Là chị ấy kia, Bí thư Lựu đấy, anh thấy chưa, xinh không?
Gặp xe khách ngược chiều, chiếc xe con chậm lại. Phía sau, cửa kính chỉ lên một nửa. Khoảng mở đó chợt như sáng rỡ bởi khuôn mặt của một phụ nữ. Có phải đó không? Ngay trước mình là hình bóng bao năm vẫn hoài niệm. Cảm xúc bàng hoàng. Tôi khẽ lắc đầu để chắc mình không mơ. Vẫn thế, vẫn là em ngày nào dù bây giờ chút ít khác xưa. Đằm thắm hơn, chín chắn hơn. Liệu có nhầm không? Tôi nhắm mắt rồi lại mở nhìn. Chiếc xe vụt qua. Thoáng tiếc nuối khiến ngực thắt lại. Phía xa một chấm nhỏ khuất mờ. Không thể là ai khác. Đúng là em rồi. Vậy là em đã trở về như đã hẹn. Chỉ riêng tôi thôi, luôn là kẻ đến chậm.
Tôi bước trên đường phố. Thị trấn đã khác xưa. Ngước lên đỉnh núi xa, những muốn tìm lại bóng người một thủơ. Cỗ xe ngựa của lão Thồn, cái lão lúc nào cũng mặc bộ quần áo chàm bạc phếch. Cha dắt xe đạp đi sau, mẹ và em dìu nhau đi trong gió thu cuối mùa se lạnh. Em bảo, lần sau anh đừng như thế nữa nhé. Là khi anh nhút nhát không dám ra tiễn em. Câu đó chắc em không còn nhớ. Bây giờ thì anh không còn nhút nhát, đã cứng cỏi, trưởng thành hơn qua mỗi đận thăng trầm. Có điều, lại lần nữa anh là người đến chậm. Chẳng được như hẹn ngày nào. Cho kịp bước nhau đành để kiếp sau. Lưng trời cao những vách đá như những mắt buồn, đang nhìn xuống những rừng cây lá thắm. Bao đời nay vẫn thế, mai sau rồi cũng vẫn vậy, chỉ tôi buồn. Một nỗi buồn không tên.
CAO DUY SƠN
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...