Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Trần Thúc Hà: Lính đưa phà

Truyện ngắn Trần
Thúc Hà: Lính đưa phà

Tôi không nói chiếc cầu này. Tôi nói người sống, người có thể chết, người đã chết, người Liên Xô kể cả giặc Mỹ đi qua bến phà cạnh chiếc cầu này.
Hồi đó tôi thuộc đơn vị Công binh, Binh trạm 16, làm lính đưa phà qua bến phà Long Đại trong chiến tranh chống Mỹ. Chiếc cầu này làm từ thời Pháp trên tỉnh lộ vừa cho tàu hỏa, vừa cho ô tô qua lại. Cầu Long Đại nằm trên thượng nguồn sông Nhật Lệ. Cuối sông Nhật Lệ là thành phố Đồng Hới, là cửa bể Nhật Lệ. Cầu Long Đại nằm ở giữa tỉnh Quảng Bình. Quảng Bình là nơi hẹp nhất của cả nước. Tính từ cửa bể Nhật Lệ cho đến xã Trường Sơn sát biên giới nước Lào, theo đường chim bay không đến năm mươi cây số.
Ngày xưa đây là lối mòn, là con đường Thượng đạo. Trịnh Nguyễn phân tranh quân sư Đào Duy Từ cho đắp một con lũy về phía Nam, dưới chân núi Đầu Mâu cách cầu phà Long Đại chừng vài trăm mét ra tận biển. Nhiều lần tấn công nhưng quân Trịnh không vượt qua được lũy này. Khi chiếc cầu bị đánh sập thì chiếc phà ra đời. Thời đánh Mỹ con đường trở thành độc đạo, không kể về sau có con đường chiến lược Trường Sơn. Thực ra, vùng đất này còn có con đường quốc lộ mà trước đây gọi là Hạ đạo – đường thiên lý đi men theo bờ biển. Nhưng vào cuộc chiến tranh chống Mỹ con đường bị băm nát, lại trống trải giữa đồng bằng, không có rừng cây để cho những đoàn xe, dòng người tiến vào Nam trú ẩn. Đoạn đường tỉnh lộ có phà Long Đại trở thành túi bom của máy bay Mỹ. Ở đấy đất xới lên như ruộng cày, không có một chỗ nguyên vẹn đặt được bàn chân, đường kính hơn một cây số hai bên bờ sông, hố bom chồng lên hố bom, không còn một ngọn cỏ một cành cây, chỉ toàn bùn đất một màu đỏ ối. Có khi một đêm không có phà qua sông bởi bom đào quá nhiều hố, lực lượng thanh niên xung phong và dân làng không kịp làm đường…
Nhà văn Trần Thúc Hà
Binh trạm 16, có một đại đội Thanh niên xung phong làm đường, rà phá bom mìn, có hầm hào ăn nghỉ cho anh em lái xe sau khi xe được ngụy trang ẩn nấp, chờ đêm đến qua phà. Chúng tôi là lính đưa phà! Cũng là lính nhưng không được cầm súng đánh trả, cứ đưa lưng, đưa đầu cho quân thù dội bom. Tất cả nhẫn nhục, cắn răng chịu đựng. Cảm giác như trước mặt mình thằng cướp đến nhà, nó đập phá lục lọi tìm của mà không dám kêu la kháng cự. Đành mặc chúng, thây kệ bom đạn, giặc Mỹ muốn làm gì thì cứ làm, chúng tôi chỉ biết đưa phà làm sao cho an toàn. Cứ mỗi kíp lái phà có mười một người. Tôi là phà trưởng, một lái ca nô kéo, một phụ. Còn tám anh em, bốn người trước bốn người sau nâng cầu hạ cầu khi phà cập bến và điều khiển xe cơ giới lên xuống phà. Khi bị bom đánh trúng ca nô hoặc máy hỏng thì chúng tôi làm người chèo đưa phà đến nơi an toàn. Hằng ngày cứ khoảng bốn giờ rưỡi sáng cắt phà, đem phà cách đấy vài cây số tìm nơi có những lùm cây tràn ra mặt nước mà giấu rồi về hầm trú ẩn, lính phà làm một giấc cho đến trưa, rồi cơm nước trong binh trạm. Chiều ra nơi giấu, nếu lính thợ chưa sửa chữa xong thì điều động một chiếc phà dự phòng. Hôm nào quãng năm giờ, năm rưỡi nếu có mây mù chúng tôi đưa phà ra bến. Nếu trời quang phải đợi tối…
Một hôm chỉ huy báo có một nhà báo nước ngoài đi vào chiến trường. Điểm đầu tiên nhà báo đến là bến phà, nhà báo muốn được tiếp xúc công tác của đơn vị. Sáng ấy ông đến, ông ta chụp hình lia lịa từ cửa hầm cho đến nơi nghỉ ngơi. Ông ta hỏi chuyện, có cán bộ địa phương và người phiên dịch đi theo. Ông hỏi: Có sợ chết không? Tôi trả lời: Sợ! Nhưng nhiệm vụ trên hết. Ông bắt tay tôi và nói: “Khơ ra sô! Khơ ra sô!”. Hồi học cấp Ba tôi có tòm tèm học tiếng Nga nên tôi biết đó là tốt, tốt, và ông là người Liên Xô. Trong lúc chờ đợi đến tối để chụp ảnh lúc chúng tôi lái phà, nhà báo muốn đến những làng chung quanh bến phà. Anh cán bộ địa phương đưa ông ta đến làng Xuân Dục, Cổ Hiền, Long Đại cách bến phà chừng hơn cây số.
Từ ngoài đồng ruộng ông đã thấy rải rác các cô gái dân quân súng quàng vai, cày ruộng, cày ngay bên miệng hố bom. Chiếc máy ảnh của ông không ngừng bấm. Ông hỏi các cô gái cày ruộng mang súng để làm gì? Cán bộ địa phương đáp: Để bắn máy bay tầm thấp và bắt phi công nhảy dù. Ông gật gật đầu tỏ ý khâm phục. Vào làng, anh cán bộ đưa ông đến một lớp học cấp Một. Lớp có mười lăm em chừng tám cho đến mười tuổi. Các cháu ở dưới nhà hầm nửa chìm nửa nổi, có gác gỗ kê cao quá thành hầm cho thông thoáng, cho ánh sáng lọt vào, trên có đắp đất dày chừng nửa mét để tránh mảnh bom và đạn rốc két. Ông hỏi chỉ trường học thôi, hay các sinh hoạt khác có ở dưới hầm không? Anh cán bộ đáp: Có bệnh xá cho người ốm, cho những bà mẹ trở dạ, các cuộc hội họp đều ở dưới mặt đất; đến những con trâu, con bò cũng có hầm trú ẩn. Những gì không thể như gặt lúa, ra sông lấy nước mới đi lại trên mặt đất. Khi vào trường học, ông lùi trước, lùi sau chụp cho được toàn cảnh chiếc hầm và những học trò có đứa đang cặm cụi viết bài.
Lại có tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, tiếng bom xé gió nổ ầm ầm phía bến phà, rất gần làng. Trong hầm mặt đất chao đảo như đưa võng, một lúc sau mùi khét lẹt của thuốc bom xộc tới. Ông nhìn những đứa học trò, đứa chép bài cứ chép, đứa xem bài của bạn cứ xem. Người phiên dịch tỏ ra lo sợ những tiếng bom nổ gần. Ông hỏi một em ngồi ở bàn đầu: Em có nghe tiếng gì vừa rồi không? Em đáp: Dạ có. Tiếng máy bay và tiếng bom! Em có sợ không? Dạ, quen rồi! Một ngày không biết bao nhiều lần giặc Mỹ đến ném bom, sợ thì không nghe được cô giáo giảng bài! Ông xoa đầu khen và cảm ơn rối rít. Ông hỏi người cán bộ đã có lần nào dân làng bị bom Mỹ sát hại? Anh cán bộ đáp nhiều lần. Đi trên đường bị, đưa trâu đi ăn cỏ bị. Có gia đình năm người, bom đánh trúng hầm lúc đang ngủ… Ông nói: Nguy hiểm thế sao không di dân đến nơi tránh bom đạn? Anh cán bộ đáp: Dân vùng tuyến lửa này có một lời nguyền: Bám làng bám đất để sản xuất chiến đấu. Bỏ làng ra đi thì ai cày cấy, đêm hôm có nguy cấp cần giúp đỡ thì ai đến ứng cứu! Ông nhà báo hỏi: Nguy cấp đấy là những việc gì? Anh cán bộ đáp: Chuyển đạn khi trong đêm xe trên đường bị bắn phá, khi có nhiều thương binh cần chăm sóc, đi đào công sự cho bộ đội phòng không, tiếp đạn từ nơi dự trữ cho bộ đội và có thể thay thế pháo thủ nạp đạn. Vậy làm sao biết được những tình huống như vậy trong đêm, ông nhà báo lại hỏi. Anh cán bộ đáp đã có quy định chung. Cứ nơi nào nổ ba phát súng liên tiếp là nơi ấy cần giúp đỡ. Mỗi làng đều có một đội dân phòng, gồm nam nữ thanh niên cho đến trung niên lúc nào cũng sẵn sàng có mặt.
Trước khi vào tuyến lửa, ông nhà báo được một tướng lĩnh nói với ông hai tiếng chiến tranh nhân dân, lúc ấy ông chưa hiểu hết chiến tranh nhân dân là gì. Mấy ngày nay ông nhận ra chiến lược chiến tranh nhân dân là như thế. Một em bé chín mười tuổi không sợ bom đạn, lớn lên sẽ là một chiến binh tốt. Đến tối ông xuống phà cùng chúng tôi. Ông nhà báo Liên Xô không sợ chết nhưng không có kinh nghiệm gì về bom đạn, nên tôi phải đi kèm ông lúc nào thì hối phải nằm xuống, lúc nào thì tôi phải che chắn để giảm thương tích cho ông. Chuyến phà hôm đó tôi rất lo, nếu máy bay đến thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thật may, khi tiễn ông lên đường đi tiếp vào Nam không có tiếng máy bay nào.
Cái chết, cái sống trong chiến tranh bất ngờ và không nói trước được. Hôm đó phà chúng tôi chở xe tăng vào Nam. Một chiếc xe tăng trườn lên phía trước đầu phà, chiếc thứ hai phần cuối. Tôi và bốn chiến sĩ đứng phía trước phà để khi cập bến hạ cầu cho xe lên nhanh nhất. Lúc ra giữa sông thì máy bay giặc Mỹ đến. Chúng bắn pháo sáng, đến con ốc vít trên sàn phà cũng trông rõ mồn một. Phà chúng tôi nằm trong quầng sáng ấy. Tôi gào lên trong tiếng máy bay gầm rú, hối thúc người lái ca nô mở hết tốc lực lao vào bờ. Anh em phía phía trước cứ hai người một bên để nhanh chóng thả cầu. Các chiến sĩ xe tăng nhảy lên xe người nổ máy, người điều chỉnh súng mười bốn ly năm. Máy bay lao xuống, các trận địa pháo phòng không bảo vệ bến phà đan lưới lửa trên trời, có lẽ hoảng sợ tên phi công ném bom trượt mục tiêu, cột nước gần làm cho chiếc phà chao đảo. Chiếc thứ hai lao xuống, thằng này lì lợm hơn, gần mục tiêu nó mới cắt bom. Bom trúng vào phía sau phà, chiếc tăng đằng sau bốc cháy, phà khoét một mảng sâu, nước tràn vào chìm dần. Phà chưa tới bến nhưng chiến sĩ lái chiếc tăng phía trước trườn người ra thét lớn, ra hiệu cho chúng tôi thả cầu. Chuyến phà ấy một chiếc tăng chìm cùng các chiến sĩ trên xe, bốn anh em công binh hy sinh. Hai chiến sĩ lái ca nô, tôi và anh em đứng phía trước nhờ chiếc tăng phía sau che chắn nên không thương tích gì.
Hôm sau chúng tôi bổ sung thêm người và nhận chiếc phà mới. Những chiến sĩ này khi được phân công về bến phà tỏ ra không vừa lòng. Họ nhập ngũ, được huấn luyện ba tháng rồi vào chiến trường. Ai cũng hăm hở ra mặt trận đánh nhau với giặc Mỹ. Vậy mà được bổ sung làm anh lính phà, có khác nào anh chèo đò ngang ở quê, chán lắm. Tôi là tiểu đội trưởng, tôi phải động viên lính mới. Tuy không cãi lại được nhưng xem ra các chiến sĩ mới không yên tâm.
Bốn chiến sĩ tân binh mỗi người ở mỗi quê. Cậu có thân hình chắc đậm ở Thái Bình cho biết: Quê anh có khẩu hiệu: Lúa gạo là súng đạn, mỗi thanh niên phải là một chiến sĩ ngoài mặt trận. Thiếu thóc đóng thuế, trốn tránh nhập ngũ là những người bị chê cười. Cậu có thân hình dong dỏng cao, nước da trắng là một học sinh Hà Nội, vừa tốt nghiệp cấp III xin gác lại giấy gọi vào đại học xin nhập ngũ. Cậu thứ ba, xứ Nghệ, có cha hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không nhận ưu tiên nhà con một, to tiếng với ban tuyển quân nói: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, sao lại không cho tôi đi chiến đấu, các ông có phải gián điệp ăn lương của Mỹ không? Ban tuyển quân phì cười, ghi tên của cậu vào danh sách trúng tuyển. Cậu thứ tư lầm lì, ít nói người Quảng Bình, cùng quê với tôi. Nơi ở của cậu bom đào bới không kém gì bom ở phà Long Đại. Bom trong làng, bom trên đường đi, bom trên đồng ruộng, bom trong rừng, bom ngày, bom đêm, bom trưa, bom chiều lúc nào cũng nghe bom nổ, khi gần khi xa. Tưởng như mảnh đất này chỉ để cho Mỹ dội bom, cho Mỹ phô diễn sức mạnh tàn phá, buộc cả nước Việt Nam khuất phục cúi đầu. Trong khí thế cả nước sục sôi chống Mỹ, ba mươi vạn dân Quảng Bình đưa cuộc sống vào lòng đất để chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, một tấc không đi một li không rời; tháo nhà cửa cột kèo lót đường qua những đoạn lầy lội cho xe đi bởi xe chưa qua nhà không tiếc. Cha mẹ, vợ cậu người Quảng Bình bị bom ném trúng hầm. Từ đội viên thanh niên xung phong về chôn cất bố mẹ, cậu ta xin tòng quân, quyết một mất một còn với giặc Mỹ. Vậy mà được bổ sung làm anh đưa phà.
Vài tuần thì các tân binh quen việc.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhất là năm 1971-1972.
Mỹ dùng bom loại mới – bom gắn tia lade, máy bay điều khiển tia la de vào mục tiêu. Chúng ta thiệt hại lớn. Những trận địa pháo phòng không 57 li, 37 li bị bom phá hủy. Chống lại chúng những đơn vị lớn có ra đa phát sóng làm lệch tia lade đi hướng khác. Nhưng ở trận địa Long Đại chưa có máy ấy. Cách duy nhất buộc chúng ta, những khẩu pháo phòng không 14,5 li phải dũng cảm chấp nhận thương vong. Đó là đưa pháo sát bến phà hơn, ngay ở hai đầu bến. Máy bay bổ nhào vào bến là gần như một đường thẳng với các nòng súng. Giây phút mất còn là ở đây, ai mưu trí, ai dũng cảm người ấy thắng. Đạn bay lên làm phi công hốt hoảng luồn lách điều chỉnh tia lade đi không chính xác, hoặc có khi bom trúng đạn nổ ngay trên trời.
Ác liệt thế, nhưng đêm đêm các đoàn quân vẫn tiếp nối qua bến phà để vào chiến trường, những gương mặt trẻ măng với một khí thế vào trận. Nhưng những người trở ra thật đau lòng. Có khi một toán vài mươi người mặt xanh như tàu lá, vừa đi vừa sốt run rẩy, qua được phà thì đi không nổi nữa. Chúng tôi phải dìu các anh vào trú tạm dưới các hầm binh trạm. Dứt cơn sốt, ăn được cơm vài ngày lại đòi quay vào mặt trận. Anh y tá đi theo để chăm sóc không chịu. Nhiệm vụ của anh là đưa đồng đội đến một trạm điều dưỡng ở Thanh Hóa.
Một hôm, đang mùa trăng sáng, có một đơn vị trở ra đi qua bến phà, yêu cầu của binh trạm phải quan tâm đặc biệt, có hầm hào trú ẩn, có xe ô tô để đến đêm đi tiếp. Khoảng ba giờ sáng phía bờ nam đơn vị đặc biệt ấy lên phà. Cứ hai người một, có khi một nam một nữ thanh niên xung phong cáng một võng. Đoàn có mười võng, trên võng là những chiến sĩ pháo phòng không bị thương nặng trong trận đánh với máy bay Mỹ chiều hôm qua trên đường Mười, đường nối tỉnh lộ Hai với đường chiến lược Trường Sơn. Lên phà. Mặt phà không được bằng phẳng cho lắm, không có cách nào khác hơn, chúng tôi đành đặt các anh xuống sàn. Chiến tranh quá tàn khốc, có chiến sĩ không còn tay, có người mất cả một mảng bụng, có người quấn băng khắp cả đầu, bít cả mặt. Có chiến sĩ bị mảnh bom xuyên lồng ngực, hơi thở thoi thóp. Anh đưa tay yếu ớt ra hiệu cho tôi lại gần. Tôi biết điều buồn đau đang đến. Hồi ở nhà ông nội tôi nói với bố tôi là người trước khi nhắm mắt bao giờ cũng muốn được trông thấy người thân bên cạnh mới yên tâm ra đi. Bây giờ ở chiến trường không có cha mẹ, người thân nhưng có ai đó bên cạnh để được nhìn thấy… Tôi vẫy anh em đến bên anh. Đôi mắt anh chầm chậm nhìn chúng tôi, nước mắt ứa ra rồi thốt lên, tiếng rất nhỏ: “Mẹ ơi!”. Tim anh ngừng đập, mắt không khép… Tôi quỳ xuống, vuốt mắt cho anh, nước mắt tôi cũng trào ra! Sống chết đối với chúng tôi là chuyện không tránh khỏi. Nhưng khi nghe tiếng “Mẹ ơi!” của đồng đội thốt lên trước khi tắt thở thì thật vô cùng đau đớn. “Mẹ ơi!” Một tiếng gọi tha thiết, một tiếng gọi tuyệt vọng, một nỗi luyến tiếc cuộc sống dồn lên hai tiếng “Mẹ ơi!”. Chúng tôi không chỉ ngậm ngùi xót thương mà tâm trí còn hướng về một miền quê người mẹ mòn mỏi ngóng trông con mà không có ngày trở về. Ngày trở về của con chỉ là hài cốt, đọng lại trong hài cốt ấy là một lời “Mẹ ơi!”. Mẹ sẽ khóc, mẹ sẽ ôm lấy hài cốt ấy mà thốt lên: Mẹ của con đây! Mẹ của con đây. Có nghe mẹ gọi không con?
Hai tiếng “mẹ ơi” trước khi chết của đồng đội làm cho chúng tôi lặng im.
Một hôm, một tiểu đội vừa bộ đội vừa dân quân dẫn một tên tù binh qua phà. Hắn cao to, chúng tôi chỉ đứng ngang vành tai. Khi phát hiện là thằng Mỹ, anh lính Quảng Bình lao tới định cho nó mấy quả đấm. Nhưng các dân quân và tôi đã đứng chặn cậu lại. Anh thét lên: Mày là những thằng giết chết cha, mẹ, vợ tao. Thằng Mỹ qua ánh sáng mờ mờ của đêm trời sao thấy sự hờn căm trong hai con mắt như hai cục lửa của người lính thì sợ hãi, nép sau lưng mấy anh bộ đội. Lúc ấy tôi mới hiểu: Giải một thằng tù binh chỉ cần hai ba người là đủ. Nhưng dọc đường thấy nó là thằng Mỹ, đồng bào xông vào đánh đập nên huyện đội cử cả chục người đi bảo vệ nó. Anh văng tục: Mẹ cha nó, nó giết mình mà khi bắt được lại phải bảo vệ nó, không được động vào chân lông kẻ tóc nó. Tức lắm! Nhưng lệnh cấp trên đành chịu.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy một thằng Mỹ. Trước Cách mạng Tháng Tám tôi tám tuổi, tôi chưa hiểu hết nô lệ và độc lập. Tôi thấy thằng Tây cũng cao to như thằng Mỹ, nhưng hắn đội mũ ca lô lệch màu trắng viền xanh, tay cầm ba ton, tay dẫn con chó có màu lông vừa sẫm nâu vừa hoe vàng lưỡi luôn thè ra hung dữ, đi đến đâu đồng bào cũng khép nép sợ hãi, khoanh tay bẩm quan lớn, đến con chó của nó cũng phải bẩm cụ khuyển. Nửa đêm 26 tháng 3 năm 1945, nghe một loại súng nổ trong dinh công sứ Pháp. Sáng ra biết quân Nhật đảo chính, mấy thằng quan Pháp bị bắt, nghe đâu có một số lính Pháp chạy lên động Phong Nha tìm đường sang Lào. Lính Nhật khác với lính Pháp quần áo mũ mão một màu đất thẫm, chân quấn xà cạp vai đeo súng, lưng đeo gươm dài, đi ngựa, chúng không dọa nạt ức hiếp đồng bào. Chúng thường nói Nhật Bản và người Việt Nam cùng chung da vàng, cùng bắt tay nhau xây dựng khối Thịnh vượng Đại Đông Á, chứ chưa biết nó là quân phiệt, đi xâm chiếm các nước khác. 25 tháng 8 năm 1945 quê tôi khởi nghĩa cướp chính quyền. Tôi chạy theo đoàn người xông vào dinh bắt án sát, tuần vũ rồi nghe tuyên bố Việt Nam độc lập. Trước đó chừng mươi ngày Nhật đã đầu hàng đồng minh nên đồn binh của chúng cạnh dinh tuần vũ, án sát án binh bất động. Qua năm 1946 Tàu Tưởng lại kéo vào nước ta với danh nghĩa tước vũ khí giải giáp quân Nhật. Mang danh là quân đội nhưng bọn chúng không hơn không kém một bầy đói khát, bẩn thỉu. Có quân đội nào mà ăn mặc rách rưới nhếch nhác, mắt mày ốm o thất thần, hai chân thì ghẻ lở máu mủ ruồi bu, ra chợ thì mua một cướp hai; đồng tiền của chúng mất giá, như tờ giấy lộn, sang ta chúng buộc giá trị đồng bạc của chúng ngang đồng bạc Đông Dương. Chợ thưa người. Người có vật phẩm đem bán thấy bóng của chúng chạy tan tác. Cũng may, chúng chỉ đóng quân một thời gian ngắn rồi rút về nước. Đó là bốn tên giặc đã đến quê tôi.
Bến phà Long Đại thời gian này rất căng thẳng. Cứ bốn năm chuyến qua lại thì có một chuyến trúng rốc két hoặc bom. Binh trạm cũng thay đổi chiến thuật: mở bến phà mới cách đó chừng vài trăm mét; khi một chuyến phà bị đánh hỏng, bọn giặc lái trên trời biết chúng đã đánh chìm phà, đã làm tê liệt qua lại trên sông nên không cần đánh phá tiếp. Lợi dụng khoảnh khắc đó, một con phà thay thế ngay tức thì. Tuy mạo hiểm nhưng nhiều đêm nhờ thế mà không tắc phà. Để tránh thiệt hại, quân số trên phà giảm đi sáu người. Nâng cầu hạ cầu chỉ cần hai người. Những đoàn quân không qua phà nữa mà xuôi về phía dưới qua đò. Phà chỉ chở tăng, pháo và ô tô vận chuyển lương thực.
Các tân binh của tôi bây giờ là bốn trưởng phà, một người hy sinh, một bị thương nặng. Lính mới đến, cứ mươi chuyến phà qua lại là có thể chỉ huy phà. Một lần phà gần đến bến thì bom dội trên bãi, đất đá vùi lên phà, tôi bị chôn trong đám đất đá ấy. Cũng may, đầu tôi kê trên thành phà, đất đá vùi kín từ cổ trở xuống. Đây là chiếc phà thứ tám bị đánh hỏng. Nửa giờ sau tôi mới được đồng đội đến đào bới, đưa về cấp cứu của binh trạm. Y sĩ của binh trạm cho biết thân thể của tôi không bị một mảnh bom nào, nhưng ngực của tôi bị một tảng đất đè lên, ảnh hưởng đến phổi. Binh trạm cho tôi đi an dưỡng, tôi từ chối.
Nghĩ thế nào đó, đại úy binh trạm trưởng bảo: Cho cậu năm ngày về thăm nhà. Chiến tranh, chết chóc mà được về thăm nhà không có nỗi vui sướng nào bằng, kể cả khi tôi được nhận bằng khen vì sự dũng cảm. Hôm ấy, giặc ném bom cháy, tôi cởi áo nhúng nước nhảy lên xe tải dập tắt đám cháy trên các hòm đạn, bốc một hòm đạn đang dính lửa ném xuống sông, nhờ thế cứu được xe, cứu được phà. Quên cả lời cảm ơn thủ trưởng, tôi thốt lên: Mẹ ơi! Lạ thay, tôi sực nhớ cậu đồng đội trước khi chết trên phà cũng thốt lên như thế. Sau này tôi mới cảm nhận anh lính nào ra trận sống, chết niềm vui nào, đớn đau nào cũng nghĩ đến mẹ. Mẹ ơi!
Trở lại binh trạm ít hôm thì được tin ta chiến thắng trận Điên Biên Phủ trên không ở thủ đô Hà Nội đúng như lời Bác Hồ kính yêu đã nói: Đánh cho Mỹ cút… Trước khi giải thể binh trạm chúng tôi đi viếng, sửa sang những nấm mồ của đồng đội ngã xuống.
Có vài trận mưa đầu xuân, bãi đất tan hoang trên bến phà Long Đại đã có mấy mầm cỏ non xanh rờn nhú lên. Trên những ngọn cây đã nghe tiếng chim ríu rít gọi bầy từ ở phía xa xa vọng về.
TRẦN THÚC HÀ
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...