Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch: Cây son ngừ

Truyện ngắn Vũ Thanh
Lịch: Cây son ngừ

– Tôi gọi thợ rồi đấy. Ba triệu rưỡi một khối. Lúc nữa người ta đến cưa. Ông đừng có bướng. Tôi quyết rồi.
Bà Liên về đến đầu ngõ đã oang oang. Ông Quận kéo điếu thuốc lào, chưa kịp nhả khói, nghe mà sặc khói thuốc. Rồi ho. Ho tiếng nào nước mắt phun theo tiếng ấy, khói cũng phun ra rần rật. Ông thấy ngực căng phồng. Hai mắt cay xè. Muốn nói lại với bà vài câu, nhưng ho chưa xong cơn này đã đến cơn khác, không cất lời lên được.
Khói bật ra trên mặt ông thành một tảng mây trắng đục rồi tan biến. Tiếng ho càng lúc càng dữ dội.
Bà Quận liếc xéo ông:
– Đúng là giời đày!
Rồi bà ngoay ngoảy, bước lên hè, phệt đít lên chổi rơm, ngọt nhạt.
– Bán nó đi, cũng được ba khối gỗ chứ chả ít. Lấy to bù bé, cũng được cả chục triệu. Vừa được tiền vừa được tiếng.
Ông Quận vừa ho vừa dựng điếu cày vào chân bàn, tay vê thêm mồi thuốc nữa. Nhưng ông chưa kịp ấn thuốc vào nõ thì điếu đổ kềnh ra đất, nước điếu tràn ra, bốc mùi khắm khét. Bà Quận lại tru lên.
– Rõ khổ cho cái thân tôi, ngày thì ngửi nước điếu, đêm cũng liếm nước điếu…
Cái giọng chao chát của bà cất lên từng ấy từ là hết cung thăng, thông thường, sẽ thêm một câu trầm kèm tiếng thở dài rồi dừng lại. Nhưng bà dừng đột ngột ở đấy. Mặt đỏ lựng. Liếc nhanh qua cái mồm vừa tắt khói rồi quay đi. Mặt đỏ dừ như cục than vừa bén lửa.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch
Ngót bốn chục năm ông trồng son ngừ, năm nay nó mới trổ hoa lần đầu, từng chùm tím ngắt, cánh mum múp như mâm xôi, mùi thơm rất đặc biệt. Có lúc thoang thoảng, có lúc đậm sánh lại. Có lúc ngan ngát như hoa mai hoa quỳnh, có lúc nồng nồng như hoa sữa. Hương thơm vừa có vị ngọt của mùi quả chín, vừa cay cay âm ấm như ớt dằm… Có khi mằn mặn ngai ngái như mùi đàn bà… cái mùi rất lạ, lạ nữa là từ hôm nó đơm chùm bông đầu tiên đến giờ, ông Quận thấy mình hừng hực như giai tơ. Đêm son ngừ bắt đầu nở rộ, lúc cuộn vào nhau, bà ấy hổn hển thốt lên.
– Của nỡm, cứ như giai tơ ấy nhỉ,
Ông cũng hổn hển theo
– Bà thì khác gì cái hồi tôi mới về. Như nõn đòng thế ai mà nhịn được.
***
Hồi ông mới về. Ấy là cái hồi ông hăm hai.
Hồi ấy, ông Quận chưa kịp cưới vợ thì có lệnh tổng động viên, ông cùng trai tráng trong làng kéo nhau đi biên giới. Trước khi đi, ông còn kịp hôn cô gái đẹp nhất làng một nụ hôn dài, dài từ lúc trăng thập thò ngọn tre đến lúc quăng lên giữa trời. Ông vẫn nhớ cái cảm giác lần đầu chạm miết lên môi thiếu nữ, vừa mềm, vừa ngọt. Hai đôi môi cuộn vào nhau ngay gốc cây mai già ở đầu hồi nhà kho. Cuộn đến mềm nhuyễn, tan chảy… gã trai trẻ căng cứng tưởng như có thể bật tung cúc quần, rồi đột ngột bung vỡ, ướt rượt. Vỡ đến đâu, hai cặp môi gắn chặt với nhau đến đó, mê mẩn, tê dại. Bàn tay cày cuốc khô xỉn là vậy, nhưng lúc ấy mềm như đọt khoai, luồn vào chun quần cô gái, áp lên nõn nhụy trơn nhẫy, nóng rần rật. Lúc buông nhau ra, gã trai còn kịp thì thào vào tai cô gái: “Đợi anh về… anh để dành đến ngày anh về…”
Cô gái òa khóc, nấc từng hồi, cấu chặt lấy gã trai, kẹp chặt bàn tay gã trong cặp đùi ấm rực.
May mà Quận trở về. Hơn hai chục người đi có sáu người trở về, ba người què cụt. Quận còn nguyên vẹn là nhờ may mắn và liều lĩnh. Ấy là cái hôm quân Tàu đốt chợ, Quận xông vào lửa cứu thằng bé ba tuổi, người dân tộc Tày, hai chú cháu cháy bùng bùng. Quận ôm đứa bé, lao vào thác nước. Sống cả, nhưng cả hai đều bỏng nặng. Gia đình nhà cậu bé chữa bỏng cho hai chú cháu bằng nước giã ra từ vỏ cây son ngừ. Lúc về xuôi, ông nội cậu bé cho Quận một cây, to bằng hai ngón chân cái, dặn Quận trồng chỗ có hơi đá, son ngừ phải bám rễ vào đá mới sống được.
Quận mang về trồng ở góc vườn, sát chân núi. Như một kỷ vật thời thanh niên máu lửa.
Đêm đầu tiên trở về, ăn quấy quá xong bát cơm, Quận đi tìm Liên. Đường đất đồi khấp kha khấp khểnh, lốp xe đạp căng hơi nhảy thon thót. Đến đầu hồi nhà kho, Quận thấy Liên đang hái lá trầu. Trầu bò trên tường nhà kho, lên đến đỉnh vỉ ruồi. Trăng đậu vào đấy mà chảy xuống tay Liên từng vốc, vậy mà người hái cứ ngoảnh mặt ra đường ngóng. Quận nhảy xuống xe, lao đến ôm chầm lấy Liên. Liên quấn chặt tay quanh người Quận. Mãi một lúc lâu mới cất tiếng, nghèn nghẹn:
– Em sợ anh không về!
– Phải về chứ! Anh nhớ đến phát điên. Có lúc định đảo ngũ…
– Em …
Quận không cho Liên nói nữa. Môi anh đã ghì siết lấy môi Liên. Hai tấm thân nóng sực như lửa, quấn lấy nhau, mặc kệ trăng rối bù trên tóc, vung vãi dưới chân.
Bụi trầu đầu hồi nhà kho nhầu nhĩ tướp xơ sau một đêm trăng đẹp.
Quận cưới Liên. Xin bố mẹ miếng đất áp núi để dựng nhà. Căn nhà ban đầu có một gian, tường đá ong, kèo cột bằng gỗ chặt trên núi xuống. Hai vợ chồng Quận ríu rít như đôi chim ri, sinh con đẻ cái, đẽo đá dựng thêm hai gian nhà, ở với nhau đầm ấm. Ngày mở mắt ra, Quận phải ngó xem son ngừ có thêm nõn mầm nào chưa, có lá nào bị vàng, có cành nào đựng trứng sâu… Chiều lùa dê trên núi về, Quận lại ra ngó xem son ngừ có gì mới không.
Son ngừ bén hơi gió núi Ba Đào, lại được Quận gia công chăm chút, lớn nhanh trông thấy. Bây giờ nó cao to lừng lững. Tán xòe rộng, tròn đều như cây nấm, che kín ba gian nhà.
***
Ông Quận ngước nhìn tán son ngừ, khói thuốc lào tràn qua mắt, cay sè, kéo theo những giọt nước đặc sánh. Vợ chồng đầu gối tay ấp bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm son ngừ chứng kiến ngọt bùi cay đắng của ông bà. Ngọt bùi thì dễ quên chứ đắng cay thì ông nhớ cả, lúc này, ông không muốn nghĩ đến, chỉ biết, mỗi khi gian nan, ông lại nhủ mình, trầy da tróc thịt ngoài biên ải son ngừ còn cứu được, thì những khốn khổ mưu sinh trong hòa bình có đáng kể gì… một nửa đời trai trẻ ông có cây son ngừ để nửa đời sau tựa vào nó mà sống, mà làm người… vậy mà bây giờ… người đàn bà đầu gối tay ấp với ông muốn cưa chặt nó, muốn nó biến khỏi mảnh vườn này… nghĩ thế, ruột gan ông đã bị lưỡi cưa nhằn nát. Một bên là vợ, một bên là son ngừ, ông không muốn mất ai, không muốn ai bị tổn thương…
Cơn ho không chịu dứt. Nước mắt không ngừng rịn ra. Khói thuốc lào vẫn căng đầy trong ngực. Gắng gượng lắm ông mới bật ra được vài tiếng:
– Bà đã tính kỹ chưa? Tôi thì tôi chả muốn chặt tí nào.
Bà Liên như được khơi họng sau cái ngắc ngứ cuối cung thăng để lỗi mất nhịp giọng trầm, giờ bung tóe thành mớ âm thanh chói lạnh:
– Kỹ lắm rồi, ông đừng có để ma nó ám nữa, nó ám cả đời ông chưa đủ à, từ trẻ đến già chỉ biết bám đít dê, phơi mặt ra đá, rúc đầu vào hang, ông không chán à…
Nghe bằng ấy âm tiết phát ra từ cái miệng ông đã âu yếm ôm hôn hàng chục năm trời… đột nhiên ông lợm giọng… ông rút con dao nhíp trong túi quần ra, cạy một đám vỏ son ngừ, cho vào miệng nhai. Lần thứ hai ông nhai vỏ son ngừ. Lần thứ nhất là sau ngày ông cưới vợ được một năm. Bà Liên gần đẻ, bưng nồi cháo ra khỏi bếp thì bị đổ ụp xuống chân. Ông chạy vội ra vườn, gặm, tước vỏ son ngừ như tước mía, nhai ngấu nghiến để đắp lên vết bỏng cho vợ, dăm ba tiếng sau vợ hết đau rát, da chân chỉ còn vết đỏ mờ mờ nhưng ông thì xây xẩm mặt mày, ruột gan lộn lạo. Ông phải nằm hàng tuần liền không dám đứng lên vì mỗi lần đứng lên lại thấy nhà cửa nghiêng ngả, xoay tròn như chong chóng… Bà Liên cấm tiệt, không cho ông nhai thêm một lần nào nữa, bà sắm cái cối đá xanh, chày gỗ nghiến để dưới gốc cây. Mỗi lần có người đến xin thuốc chữa bỏng, ông chỉ việc đẽo vỏ cho vào cối giã nát đắp lên vết bỏng cho người bệnh.
Bà Liên tuôn một tràng lời cay nghiệt cho hả hê trong dạ, tay cầm quạt nan quạt phành phạch dù tiết trời mới độ cuối xuân. Bà đánh cái nhìn về phía chồng khi ông Quận đã bỏ miếng vỏ son ngừ to bằng năm đầu ngón tay vào miệng nhai nghiến ngấu. Ngày trước ông nhai cái vỏ cây non chỉ bằng mảnh vỏ mía mà đã say, bây giờ, một miếng vỏ to thế kia thì sống làm sao… nghĩ đến đấy, bà đứng phắt dậy, lao đến gần chồng lu loa kêu:
– Ối giời ôi là giời, ông chán sống rồi hử. Vợ ông độc mồm độc miệng, nói cho bõ tức thì thôi chứ… bằng ấy năm ông có chấp tôi lời nào đâu mà giờ ông lại chấp làm gì để ra nông nỗi này…
Bà nói một tràng, không phải nói, mà là gào lên từng chữ, từng câu, như ăn năn hối lỗi, cái kiểu ăn năn hối lỗi của bà không giống ai. Từ trẻ đến già, chưa khi nào bà nói ngọt ngào, được cái tâm tính tốt, chứ cứ nghe ngữ điệu và lời lẽ bà ấy cất lên, có khi tưởng cãi nhau…
Ông Quận sau khi ngậm môi lại để nhai vỏ son ngừ thì không nói gì nữa. Nó đắng lọng óc. Hai hàm răng cựa quậy đến đâu, lưỡi tê cứng đến đó, ruột gan lộn tùng phèo, tưởng bật tung ra khỏi miệng… Lần trước, ông nhai vội nhai vàng để lấy cái đắp vết bỏng cho vợ, chưa kịp biết mùi vị nó thế nào, chứ nếu biết thế này, chắc gì ông đã dám nhai lại… mà có khi hồi ấy, ông chưa ăn cái gì đắng như vậy nên vị son ngừ làm ông sốc… còn bây giờ, vòm miệng ông đã nếm đủ thứ vị trên đời rồi nên nó không thể làm ông quay cuồng đầu óc được nữa. Ông mặc kệ những lời chao chát của bà, vừa nhai vừa lắng nghe cái đắng loang tan trong miệng. Vị đắng tê dại, mụ mị cả đầu óc lẫn răng miệng, ông nuốt ực vào cổ họng như nuốt nước cốt trầu, vị đắng nóng ran, chảy qua yết hầu, qua ngực, xuống đến ức rồi loang khắp bụng. Hàm răng ông vẫn cử động đều đều, vẫn nghiền nát xoan ngừ ra thành nước. Nhưng miệng ông đang ngọt dần, vị ngọt rất lạ, vừa thanh, vừa đậm, vừa bùi…
Bà Liên đứng như trời trồng, nhìn đăm đăm vào ông Quận, mặt tái dại nhưng vẫn cố gắng quan sát từng cử động trên mặt, trên cổ, trên người chồng. Bà chỉ sợ ông cứ ngồi như vậy mà nhắm mắt xuôi tay thì bà cũng chết theo chứ sống làm sao.
Có tiếng xe công nông kêu xình xình ngoài ngõ, tiếng người lẫn trong tiếng máy nghe như gọi đò:
– Ông bà Quận có nhà khô ô ông đới…
Bà Liên nghĩ thợ đến đốn son ngừ nên chạy vội ra cổng, định bảo mấy tay thợ khoan hãy cưa, để bà bàn thêm với ông rồi bà gọi sau, nhưng dăm ba người đã nhảy xuống khỏi xe, khệ nệ khiêng một người đàn ông vào. Người đàn ông bị bỏng dầu hỏa, lửa cháy xém một bên mặt nhưng vẫn đủ để nhận ra ông Hậu trưởng thôn Ba Đào. Mấy người giúp bà Liên đẽo vỏ cây, giã nhuyễn trong khi ông Quận lau rửa vết thương cho ông Hậu.
Ông Hậu ít hơn ông Quận cỡ chục tuổi, đẻ năm cô con gái, cô nào cũng xinh đẹp, lấy chồng giàu có giỏi giang. Con rể cả là cán bộ đoàn xã, con rể út là người đưa ra sáng kiến trồng mai vàng trên khắp các sườn núi Ba Đào, khiến Ba Đào chuyển động rầm rập suốt bao nhiêu năm qua.
***
Làng Ba Đào nằm giữa thung lũng, xung quanh toàn núi, mỗi eo núi có một con đường đất nhỏ vừa hai bánh xe bò. Đường dẫn lên phố, đường sang xã Ba Mận, đường đi sâu vào rừng, đường sang xã Ba Tuyết rồi Ba Giao… Người làng Ba Đào chăn bò, nuôi dê trên núi, trồng dong riềng, sắn dây, củ từ giữa thung. Mùa nào thức ấy, không ai thiếu ăn nhưng không ai giàu có.
Người Ba Đào ra phố thấy cửa hàng cửa hiệu san sát. Sang làng Ba Mận thấy hai cái nhà máy to đùng, làng Ba Tuyết thì dẹp đất dồn dân để làm sân gôn. Làng Ba Giao xây rì-sọt với nhà hàng ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ. Làng nào cũng châng lâng thay da đổi thịt. Xe ô tô rầm rập ra vào, bụi phủ trắng sườn núi phía tây, vàng sườn đồi phía đông. Đồi chè bên làng Ba Mận cũng đang được chặt về làm củi, còn giao đất cho người ta xây nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Chỉ có làng Ba Đào nằm gọn lỏn trong thung lũng là chưa thấy nhà máy xí nghiệp nào đến xây dựng. Nghe đồn làng này làng nọ có người được đền bù cả trăm triệu, Ba Đào thổn thức không yên. Người ta túm năm tụm ba chê ông xã ông huyện không công bằng, rồi than thở cả cái làng này không ai làm quan, lục khắp sử sách cũng không thấy ai học hành đỗ đạt làm quan làm thầy cho làng mát mặt. Người ta than thở rồi tự ti, tự mỉa, lại tự an ủi mình chẳng may sinh ra ở cái làng nghèo, lại núi non vây bọc, nhưng bù lại, làng không phải uống nước thải từ nhà máy đạm, không phải hít thở bụi khói xi măng, con cháu không phải tô son đánh phấn để lau gậy đánh gôn, chạy long tong giữa nắng nhặt bóng cho nhà giàu. Nghèo thì có cái sướng của nghèo, miễn sao không hèn.
An ủi vậy, nhưng làng Ba Đào ngày đêm cựa cục không yên. Có người nảy ra sáng kiến bảo phải tìm hướng đi mới, thật độc, không giống ai để các làng bên trắng mắt ra. Một người khởi xướng lên ý tưởng cả làng trồng son ngừ làm thuốc bỏng, bán đi khắp thế giới. Khổ nỗi, bao nhiêu lần ông Quận thử chiết cành, giâm cành nhưng không được. Mấy chục năm trồng cây, chưa bao giờ son ngừ ra hoa ra quả thì lấy đâu ra giống để trồng. Mà giả như có giống để trồng thì bán cho ai, có một cây nhà ông Quận mà khắp xa đến gần, từ Quảng Bình đến Móng Cái kéo đến xin thuốc bao nhiêu năm nay chưa hết, cả làng mà trồng thì chỉ mang làm củi, củi giờ cũng không ai đun, họ đun than đun ga cả rồi. Với lại, ông bà Quận Liên có cây thuốc quý mà có giàu đâu, vẫn căn nhà  ba gian tường đá ong, ngày xưa lợp cỏ tranh thì đã đổi thành ngói đất, nền nhà cũng đổ chạt, láng xi măng, đánh bóng… không giàu có hơn ai trong làng Ba Đào, chỉ hơn ở chỗ thi thoảng được ăn của ngon vật lạ người ta biếu tạ. Một lần ông Quận được biếu vài chai rượu nhập khẩu, để dành đến hôm lễ thành hoàng làng mới khui ra đãi mỗi người một hớp. Làng chưa ai được uống rượu tây bao giờ nên khen tấm tắc. Bà Liên sung sướng nở mặt nở mày, ra sức khoe cây son ngừ chữa bỏng như thần. Một chị sồn sồn hăng hái bảo giá xây được cái nhà máy chiết xuất nhựa cây son ngừ mà làm kem dưỡng da thì tốt phải biết, son ngừ biết chữa bỏng, chắc chắn biết làm cho da đẹp. Một giọt nhựa son ngừ trộn lẫn chén bột dong với sữa dê, thế nào chả được hộp kem dưỡng da bằng hai ba tạ thóc… Nhưng chả ai lại đầu tư một nhà máy khi nguyên liệu chỉ có một cây son ngừ.
Loay hoay mấy năm giời làng Ba Đào không tìm được “hướng đi” nào mới.
Đột nhiên, chàng rể út của ông Hậu sống trên thành phố, năm ấy cao hứng về quê vợ ăn tết, đi dạo quanh, thấy sườn núi, lưng đồi bao nhiêu cây hoa mai nở hoa vàng như nắng giữa tiết xuân. Anh ta xui mấy đứa em họ của vợ chặt cành mang ra chợ hoa bán tết, không ngờ đắt như tôm tươi. Ngày đầu tiên bán trăm ngàn một cành, đến ngày thứ ba, cũng là ba mươi tết, nó hét năm trăm một cành người ta cũng mua. Dân phố chơi tết ưa của lạ, cả năm mới có một ngày để ăn chơi, ai cũng cố cho sang trọng đẳng cấp.
Thế là từ đấy, cả làng đua nhau trồng mai, họ bứng cây lớn cây bé trên núi về trồng. Cây to thì hai năm, cây bé thì ba hoặc bốn năm là cho hoa. Làng Ba Đào ngất ngây với mai. Có tết, thôn Ba Đào thu tiền tỉ, nhà ít nhất cũng được dăm bảy chục triệu, bằng mấy năm chăn bò, trồng dong. Nhà ông Hậu đi tiên phong, năm nào cũng ở “tốp” những nhà “thắng lợi” nhất làng. Đến kì bầu trưởng thôn, không ai bảo ai, cả thôn chọn ông Hậu. Thỉnh thoảng ông con rể về lại mang cho bố vợ ít kinh nghiệm trồng mai rồi xây dựng vườn mai kiểu mẫu, rồi đối nội đối ngoại trong làng ngoài xã… Bao nhiêu giấy khen của xã của huyện khen các hộ gia đình văn hóa rồi làm ăn phát triển kinh tế giỏi trước đây thuộc về ông bà Quận Liên thì giờ về hết nhà ông bà Hậu Thi.
Xã thấy bà con Ba Đào phất lên phơi phới thì mở các cuộc họp rồi hội thảo rồi thành lập hội này đội kia để “giúp đỡ bà con trồng mai năng suất cao”, “đưa các hộ trồng mai vào quy hoạch sản xuất kinh doanh có tổ chức để phát triển bền vững”. Ba Đào được đón hết đoàn chuyên gia này, doanh nhân kia, lãnh đạo nọ đến tham quan, chỉ đạo sản xuất, hợp tác làm ăn. Cả làng lại châng lâng. Trai gái Ba Đào đi đâu cũng tự hào giới thiệu mình ở làng hoa mai, cái tên Ba Đào quê kệch bị bỏ quên… Thốt ra câu “Em người làng mai!” nghe nó vừa sang trọng, tinh tế, vừa trong sáng, mơ mộng, hơn hẳn cái chữ Ba Đào trắc tra trắc trở… già trẻ lớn bé Ba Đào háo hức động viên nhau không quên mai mỉa làng bên kia núi, xây nhà máy với vui chơi giải trí, tưởng là sang nhưng toàn hít bụi công nghiệp với lại quỳ gối lau giày, chỉ có Ba Đào, trồng cây với hoa làm giàu, vừa giàu, vừa sang, lại thân thiện môi trường, hai cái chữ “thân thiện” người ta nhấn giọng cất lên như thể họ đang được đội vương miện cầm quyền trượng nghe xướng danh hoa hậu thân thiện vậy.
Rồi làng cũng được dự án của tỉnh, điều cả làng thấp thỏm mong đợi bấy lâu, ấy là cái dự án xây dựng làng nghề trồng hoa mai vàng.
Ba Đào vui xôn xao. Đã là làng nghề thì Ba Đào phải có tiêu chí này, chuẩn mực nọ. Nhà ông Quận ngay đầu làng, gần hai héc ta đất ven chân núi, chỗ ấy trồng mai thì làng Ba Đào đủ số vườn kiểu mẫu. Ông Hậu sang nói chuyện với ông Quận vài lần để “động viên” ông bà trồng mai, ông Quận gật gù nghe rồi châm lửa hút thuốc lào, phả khói lên tán son ngừ cười nói mênh mang: “cứ biết thế đã, tớ tính cái đã…” Ông Quận tính hai năm rồi mà son ngừ vẫn phủ xanh một góc núi Ba Đào. Ông Hậu lại xui bà Thi đi gặp bà Liên, chị em to nhỏ bảo nhau cho dễ…
Bà Liên trông đông ngó tây thấy người ta giàu nhanh như đào được vàng mười, bà thì trồng cây nào chết cây ấy. Nay thấy cô này sắm xe máy, mai thấy bà kia mua ti vi màn hình phẳng, rồi máy giặt, tủ lạnh… mà ông bà thì cứ thủy chung với ba gian nhà đá ong với cái bếp than tổ ong hiệu ngọn lửa vàng, chục năm trước nó là cái bếp sang nhất làng… nghĩ vậy, nhưng bà Liên chỉ tấm tức một mình, sợ nói ra ông Quận lại chê xấu vía, không có tay trồng cây cảnh. Mà cây mai cũng lạ, từ hồi xuống vườn làm cây cảnh, nó đổi tính, ưa chăm chút chiều chuộng như tiểu thư nhà giàu chứ có rắn rỏi như hồi còn trên vách núi đâu.
Ông Quận không đoái hoài đến đề nghị của ông Hậu, cứ mải mê với nếp nhà cũ, với cây son ngừ và đàn dê leo núi. Thấy bà Liên đêm ngày thắc thỏm không yên thì bảo:
– Nhà mình con cái lớn cả rồi, tự lo ăn lo ở được rồi, hai vợ chồng già vậy là vui rồi chứ giàu có nữa mà làm gì… có phải cứ giàu là sướng đâu.
Bà Liên dằn dỗi:
– Ông an phận sớm chứ tôi chả chịu, còn sức còn cơ hội thì làm mà hưởng chứ. Chả lẽ ông muốn tôi cả đời không biết đến cái áo the, không được ăn cơm nấu bếp ga, không được ngồi điều hòa xem ti vi màn hình phẳng à… ấy là ông không biết, tôi đi họp phụ nữ bao nhiêu năm rồi, năm nào người ta cũng tuyên dương với khen thưởng, nào là nhân ái tận tình làm phúc cứu người, nào là cố gắng giữ gìn cây thuốc quý cho làng được hãnh diện, đi đâu nói đến làng Ba Đào người ta nghĩ ngay đến cây son ngừ, nói đến son ngừ là nói đến Ba Đào, đấy, bây giờ thì lúc nào cũng mai vàng, với chả mai vọ… cái con mụ Kĩm không chồng mà ba con ấy, suốt ngày được khen vì có vườn mai có giá nhất làng… đấy, cái nhà Hậu Thi, đẻ một lũ con gái vậy mà giờ ai dám xếp ngồi chiếu dưới… ông có đi mới biết, tôi còn cái mặt mũi nào… tôi sống bằng này tuổi mà không bằng đám trẻ ranh…
– Ơ hay, tre già thì măng mọc, bà còn đòi như chúng nó à… Ông Quận nói đến đấy bỗng hạ giọng, ngừng một lúc ông bảo:
– Mà bà ạ, tôi thử giâm vài cây ở vườn nhà mà nó chết khô hết, tôi chọn mua toàn cây khỏe đấy chứ…
Bà Liên cũng nhẹ giọng:
– Tôi tưởng tay tôi khô, trồng mai không được. Mà ông thấy lạ không, cái vườn này, từ hồi son ngừ lớn đến giờ, có cái cây nào mọc được đâu. Tôi không phải động tay dọn cọng cỏ nào, vườn cứ đỏ au, sạch tinh vậy.
– Ừ nhỉ.
– Ngày thả bò ra bãi, tối chùi chân vào chổi đi ngủ, cấm có khi nào tôi phải quét sân nhổ cỏ dọn vườn… Mà ông này, cả bức tường đá ong này, cả mái ngói, chả có tí rêu nào, lạ nhỉ, mấy chục năm mà ngói cứ đỏ lừ, đá ong cứ vàng tinh, ông bảo liệu có phải ma cây son ngừ nó liếm sạch không.
– Bà lú lẫn rồi. Ma gì mà ma…
– Ừ thì không phải ma, khéo cái lá nó có chất nhựa gì nên mới thế chứ. Da người dai vậy mà nó làm liền được sao cây cối không mọc gần được nhỉ. Này, mà ông có kiểm tra các vết thương của người ta không, cái đám da bỏng ông chữa khỏi cho người ta ấy, nó có mọc lông trở lại không.
– Ai mà biết được. Họ chữa khỏi xong đi thẳng đấy chứ…
– Để rồi tôi thử
Ông tưởng bà thử thế nào, hóa ra bà đem giã lá son ngừ ra lấy nước, bôi lên khắp người, chỗ nào càng nhiều lông bôi càng nhiều, không ngờ lông rụng sạch. Ông bảo bà “già rồi lông rụng là bình thường chứ sao”. Bà tru tréo “Ối giời ơi ông chê tôi già chứ gì, già thì vứt đi cho nó rồi, già mà ông cứ xắn lăn vào…”
Từ hôm ấy, bà đi ra đi vào không nói với ông câu nào. Sáng ông lùa dê lên núi bà đùm cặp lồng cơm treo ở cửa, chiều về mâm cơm úp lồng bàn để trong bếp. Ông hỏi thì bà bảo đi lên phố xem người ta buôn bán ra làm sao, chỗ nào mua dê giá cao thì bán chứ cứ ở nhà đợi lái dê nó trả bao nhiêu biết bấy nhiêu thì thiệt… Bà nói vậy ông biết vậy. Ông sắp sáu chục tuổi rồi, có giàu thì cũng giàu rồi, ba thằng con giai mỗi đứa đẻ hai con có giai có gái, yên ổn cả rồi, còn đua đòi gì nữa. Nhưng cả làng nô nức thế kia, bà ấy muốn được bằng chị bằng em cũng là lẽ thường tình. Ông kệ cho bà muốn làm gì thì làm, miễn bà ấy vui.
Cả làng Ba Đào tưởng quên khuấy cây son ngừ thì năm ngoái, nhà máy may xuất khẩu bên làng Ba Mận bị cháy, công nhân bỏ chạy tán loạn, hơn trăm người bị bỏng. Ông đẽo cả cây mới đủ bôi cho mỗi người hai lượt. Họ khỏi. Xã tặng ông giấy khen. Giám đốc nhà máy mang đến biếu ông bọc quà, bên trong có cái phong bì cảm tạ. Bị đẽo vỏ, son ngừ rủ lá cả tuần. Cây thiếu vỏ như người không da, bao nhiêu mạch nhựa bị cắt nham nhở thì còn sức đâu. Ông ra ngẩn vào ngơ, ngày ngày săm soi từng cái ngọn xem có búp non nảo ngổng lên không. Có lúc, ông ngồi lọt thỏm vào hốc rễ, ôm lấy cây mà xoa, lớp gỗ hồng mịn, ông áp má vào, nước mắt trên má dính vào gỗ. Bao nhiêu lần ông chiết cành là bấy nhiêu lần cành hỏng, vậy mà lần này, nó bị đẽo vỏ nham nhở từ gốc đến ngọn. Ông trách mình không biết lựa chiều mà đẽo, mở đường sống cho cây. Rồi lại biện minh cho mình rằng lúc ấy chỉ lo cứu người, tâm trí đâu mà nghĩ đến cây. Ai chả biết mạng người quý hơn cây, nhưng không có cây, đời ông còn nghĩa lý gì. Bao nhiêu năm nay son ngừ gắn bó với ông như máu mủ, nó là nhân chứng cũng là kỷ vật đời trận mạc ngắn ngủi nhưng đáng nhớ. Lâu nay thiên hạ xa gần tìm đến ông cũng chỉ vì ông có cây son ngừ. Nó gọi người khắp nam chí bắc khắp đông sang tây đến với ông, ông ngồi ở nhà nhưng được ăn tôm cá dưới biển, uống chè tầu Thái, hút thuốc Cửu Long, nghe chuyện nhỏ to lớn bé khắp nơi. Cái cây ấy, nó mở mắt ông ra khỏi mấy chóp núi vây quanh làng Ba Đào. Son ngừ có mệnh hệ gì thì ông sống làm sao…
Thấy son ngừ héo, ông bà Hậu Thi lại đánh tiếng bảo ông Quận đốn son ngừ mà trồng mai, làng được công nhận làng nghề thì danh giá cho cả làng, cả làng danh giá thì ông bà cũng danh giá… nhưng ít ai biết nếu xây dựng thành công làng nghề Ba Đào thì ông Hậu nắm chắc cái suất lên xã làm chủ tịch, không ông thì con rể cả ông cũng lên chứ không thể có ai khác…
Nhưng son ngừ không chết. Sau trận mưa rào, nó đâm chồi lộc mới. Đám vỏ còn sót lại mỗi ngày lại đùn ra một tí, như lên da non. Ông Quận hồi hộp trông ngóng nó từng ngày, ngày nào ông cũng ve vuốt vỗ về, như thể xoa cho nó dịu cơn đau. Nửa năm sau, vỏ cây đã phủ gần kín. Rồi đột nhiên nó lại ra hoa. Ngay đầu tháng ba ta hoa bắt đầu nở, tím ngắt. Nắng ấm đến đâu hoa tím đến đó.
***
Ông Quận bôi thuốc cho ông Hậu xong thì bà Thi về đến nơi, bà đi uốn tóc trên phố, chưa xong thì nghe tin chồng gặp nạn vội vã chạy về, tóc còn nguyên mùi thuốc khắm lặm.
Bà Thi nước mắt ngắn dài cảm ơn ông bà Quận Liên rồi móc ví, rút ra mấy đồng tiền xanh màu nước biển trả công, ông Quận xua tay bảo:
– Nhà tôi xưa nay chưa lấy tiền của ai bao giờ. Tôi có cái cây này cũng là do ông trời giao cho tôi cái việc cứu người, làm phúc chứ ai lại làm giàu bằng nỗi đau của người khác bao giờ…
Bà Thi bảo:
– Bác nói vậy thì bác sĩ người ta sống làm sao?
– Họ học hành để làm nghề cứu người thì khác tôi chứ, tôi chỉ làm hộ son ngừ cái việc giã vỏ rồi đắp lên da thịt thôi mà, nó là cái duyên phận của tôi với son ngừ, mà chúng tôi cũng chỉ chữa được cái vết đau ngoài da thịt chứ có chữa được cái ở trong người đâu…
– Bác cứ khiêm tốn vậy, chứ không có son ngừ nhà bác thì…
Bà Thi mới nói vậy, ông Hậu đã tách được cặp môi bị bỏng già nửa ra, thì thào bảo:
– Tôi mệt quá, đau rát lắm, cho tôi đến bệnh viện không thì tôi chết mất…
Mấy người đi cùng ông Hậu đứng lên, dìu ông lên tắc-xi vừa đưa bà Thi về. Ông bà Quận Liên tiễn ra tận nơi, còn đùm thêm một túi cho bà Thi về bôi thêm cho ông Hậu.
Cửa tắc-xi đóng rầm lại, quăng lớp bụi mù mịt ra phía sau. Bà Thi nói với tài xế:
– Chú chạy nhanh nhanh lên cho chị tí, lên bệnh viện tỉnh luôn ấy nhé…
Ông Hậu chen ngang bảo:
– Vội gì… thong thả mà chạy cho an toàn
– Ông thật là… cứu người như cứu hỏa, nhanh tí nào hay tí ấy chứ… tôi không muốn có ông chồng sẹo ngang sẹo dọc đâu nhé, còn cái mặt  này, ít nữa có lên xã làm lãnh đạo hoặc làm bố vợ của lãnh đạo thì cũng phải đàng hoàng chứ nửa vàng nửa đỏ thế này dân nào dám nhìn…
– Bà thì biết gì…
– Ông…
– Tôi hết rát rồi, thấy nhẹ như không rồi, còn chỗ này – ông vừa nói vừa chỉ vào bắp đùi – bỏng hơi sâu nên còn rát tí thôi… bà lo làm gì…
– Nỡm… vậy mà ông làm tôi phát hoảng…
– Nhưng gì thì gì vẫn phải lên bệnh viện tỉnh, mình khỏi bỏng là nhờ lên bệnh viện tỉnh chữa bằng y học hiện đại chứ ai lại khỏi vì cái cây son ngừ trong xó núi…
Bà Thi vỗ đùi cái đét, rồi bảo:
– Vậy ông ngồi ở xe đợi tôi một lúc, tôi rẽ vào kia làm cho xong cái đầu đã, mùi thuốc làm đầu kinh quá…
Ông bà Hậu Thi đi rồi, anh lái xe công nông quay lại bảo bà Liên:
– Nhà Thuận gỗ nó thuê cháu chiều sang đốn son ngừ chở về cho nó, ông bà bán thật à…
Bà Liên nhìn ông Quận. Ông không nói không rằng, chắp tay sau đít đi vào sân, bà khẽ bảo cậu lái công nông:
– Để rồi tôi sang nói chuyện với cậu sau…
Nói xong bà tất tưởi chạy theo ông Quận. Sực nhớ ra chồng mới nhai son ngừ mà không thấy nhả bã, cũng không thấy chồng bị làm sao, bà hỏi:
– Lúc nãy, ông nhai son ngừ thật hay tôi nhìn nhầm?
– Thật
– Sao…
– Sao giăng gì… giờ chả cái gì làm tôi chóng mặt được sất…
***
Đã sang tháng tư ta, nắng hè chói chang, son ngừ vẫn không thôi trổ hoa. Bất kể ngọn mầm nào nhú lên đều cho một đọt nụ, chỉ bảy ngày là nở hoa, hoa tươi hàng tuần mới rụng. Mùi thơm tỏa khắp làng, cái mùi ngòn ngọt, đê mê, khiến đàn bà Ba Đào mềm mại hẳn đi còn đàn ông hừng hực như lửa cháy.
Đêm trăng đầu hè, ông bà Quận Liên quấn vào nhau, bà thỏ thẻ như con gái lần đầu động phòng: “Khéo mai mốt tôi gom tiền đi trồng lại lông, trên phố nhiều chỗ thẩm mỹ lắm, người ta làm trẻ hóa da, nâng vú, gọt cằm, còn khâu cả cái ấy cho nó nhỏ lại như con gái… hí hí… có tiền đúng là thành tiên thật, cái con mẹ Kĩm ấy vậy mà cái gì cũng biết, hôm nọ nó dẫn tôi đi xem mấy chỗ rồi… Bà Thi cũng đi làm rồi đấy, hay lắm…” Ông Quận nghe toát mồ hôi hột. Bà ấy qua năm mươi rồi mà cứ như mới ngoài ba chục… Thẽ thọt một hồi bà ấy quay sang chuyện chặt son ngừ, bảo lá nó độc, nhựa nó cay, còn có nó trong vườn thì không cây cối gì lên được huống hồ là mai, không trồng mai thì không giàu được… Ông thuyết phục bà rằng son ngừ cũng quý, nó biết cứu người, tiền cũng quý nhưng không quý bằng người… hoa mai người ta chơi tết, chơi mãi rồi sẽ có lúc chán, cái gì để chơi cũng chỉ nhất thời. Son ngừ chả ai dám chán. Nó chẳng cho nhiều tiền nhưng làng trên xóm dưới, kẻ xa người gần ai cũng quý nể, sống một đời người được thế là phúc lắm rồi còn cần gì nữa… Bà thì có cái lí của bà. Bà bảo, người ta xây dựng làng nghề rồi làng văn hóa thì nhà nào cũng phải làm, mình là người làng, cũng nên có trách nhiệm với làng, ông chả cần thì cũng cho vợ ông cái thể diện với làng, chứ nay họp phụ nữ nhắc nhở mai họp nông dân vận động rồi họp xóm họp thôn, nhắc đến nhà Quận chỉ thấy chê bôi… ngày xưa họ khen bao nhiêu, giờ mai mỉa bấy nhiêu… nghĩ mà rực ruột… Với lại, ông không biết chứ… cái cây hoa mai ấy, nó đứng đầu bộ tứ quý mai lan cúc trúc, nó là biểu tượng … nó là … còn cái cây son ngừ … gầm trời này có ai biết đâu, mai ông bảo thằng cả nó mang máy tính về, gõ cho ông cái chữ “cây son ngừ” trên gu gồ xem, đố ra được chữ nào…
Bà nói như lên đồng. Ông nghe như có một đàn châu chấu bâu kín quanh tai… Ngoài kia, hoa son ngừ vẫn không thôi buông tỏa những giọt hương ngọt nồng, đắng khét, vài chùm hoa nở sớm đã chắt gió sương hơi đá của núi Ba Đào mà tụ quả…
VŨ THANH LỊCH
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...