Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Đỗ Phấn: Kẻ vận đen

Truyện ngắn Đỗ Phấn:
Kẻ vận đen

I. Dù chẳng có chút mê tín dị đoan nào nhưng tôi rất tin rằng Bá là kẻ vận đen. Một thứ vận đen triền miên từ thời trai trẻ cho đến tận giờ, khi đầu đã vài thứ tóc. Tất nhiên, thế hệ chúng tôi qua vài cuộc chiến tranh, sẽ chẳng ai là người vận đỏ hoàn toàn. Nhưng Bá luôn gặp những chuyện xui xẻo, chí ít, hơn tôi trong gần suốt cuộc đời.
Những năm học sinh phổ thông vào nửa cuối thế kỉ trước, Bá cùng lứa với chúng tôi. Chỉ khác trường. Ngôi trường của tôi khá gần trường Bá nhưng độ sang trọng và nề nếp lại kém xa. Trong thành phố có vài ngôi trường nổi tiếng thì đương nhiên, những học trò ở đấy không bao giờ quá kém. Bá học không giỏi lắm nhưng để tốt nghiệp phổ thông trung học cũng chẳng khó khăn gì. Đó hình như là một lẽ đương nhiên với học sinh Hà Nội. Đứa nào yếu một chút đã nghỉ ngay từ khi học lớp bảy để xin đi làm hoặc học các trường trung cấp dạy nghề. Đã học hết lớp mười là sẽ vào đại học. Nhiều đứa vào học trường này thấy chán, lại bỏ ngang thi trường khác. Tất nhiên vẫn đỗ.
Bá có lẽ là trường hợp hiếm hoi thi trượt đại học. Tất nhiên chuyện này có nguyên nhân của nó. Chẳng gì anh cũng gốc gác gia đình buôn bán chứ không phải dân học hành. Các cụ dù buôn bán lâu đời ở Hà Nội nhưng nói chung không mấy quan tâm đến chữ nghĩa. Và anh, chỉ còn mỗi con đường thi vào trung cấp mĩ thuật bởi anh cũng có chút ít năng khiếu về lĩnh vực này. Cái vận đen đầu tiên này lại không phải vì lí do gia cảnh. Chính cái gia cảnh nhà có cửa hàng mặt phố chẳng lấy gì làm thiếu thốn lại giúp anh không phải bỏ học đi làm. Đi học tiếp, chỉ có cách duy nhất là thi vào một trường trung cấp nếu như không muốn ở nhà chờ nhập ngũ. Kiểu những học sinh trung cấp như thế, lúc ấy thành phố đã không còn hiếm nữa vì càng về sau con đường học vấn của một học sinh thành phố cuối cùng cũng chỉ cách ấy. Không có lựa chọn nào khác ngoài học hành.
Nhà văn Đỗ Phấn
Sau bốn năm học, tốt nghiệp trung cấp mĩ thuật, cuộc đời Bá bắt đầu kinh qua những thử thách. Được phân công về một viện nghiên cứu phục chế các công trình văn hóa cổ – cũng là cách đi làm bất đắc dĩ mà thôi bởi một viện nghiên cứu ngày ấy gần như chẳng có việc gì cụ thể cho một tay nghề chỉ ở trình độ trung cấp. Nhưng cán bộ do nhà nước đào tạo ra, tất nhiên phải dùng hết theo chế độ phân công công tác. Cũng tất nhiên, chỉ tốt nghiệp trung cấp thôi mà được phân công ngay tại Hà Nội là điều không hề dễ với con nhà nghèo. May gia đình anh có điều kiện. Và như vậy, anh phải chấp nhận làm hầu hết những việc gần như vô danh. Từ kẻ vẽ khẩu hiệu cơ quan cho đến làm mấy cái sa bàn thuyết minh cho công trình và đôi khi là pha trà quét dọn xưởng và phục vụ các lãnh đạo những dịp bù khú. Tất nhiên cái viện nghiên cứu của anh cũng giống như hàng chục viện nghiên cứu khác. Nghĩa là cũng rất hiếm ai nhìn thấy thành quả nghiên cứu của họ. Thậm chí, chính anh là người cơ quan mà gần như mù tịt những công việc do chính mình làm. Bởi vì hồ sơ nghiên cứu xong dĩ nhiên xếp vào đáy tủ sau khi đã nghiệm thu. Chẳng bao giờ được mang ra ứng dụng ở đâu cả.
Công việc buồn tẻ và thu nhập rất thấp khiến anh chẳng thiết tha gì với nghề. Thực ra, những thứ anh được đào tạo cũng chẳng dùng gì vào công việc hàng ngày của viện. Công trình văn hóa cổ gần như không cần đến kĩ năng thiết kế của anh. Thừa thời gian, anh mày mò tự học sửa chữa tivi. Thế nhưng thử thách thứ hai đến với anh mới muôn phần gian khổ. Đúng vào dịp đất nước tổng động viên cho chiến tranh vệ quốc năm 1980, anh cùng các bạn đồng trang lứa nhập ngũ. Tôi lúc ấy đang đi dạy ở một trường đại học cũng đầu quân đợt này. Gặp anh trong quân ngũ mới biết nhà anh ở rất gần nhà tôi và chúng tôi có khá nhiều bạn chung ở thành phố này. Kí ức đánh khăng đánh xèng từ hồi sơ tán chúng tôi vẫn thuộc lòng, rồi từng câu chuyện nhỏ trên mỗi góc phố quen thuộc. Kí ức ấy, chúng tôi mang theo vào lính và trở thành những kết nối hết sức thân thiết. Tất nhiên lính Hà Nội chẳng ở đâu và chẳng bao giờ có hội đồng hương. Những cựu binh qua quân ngũ thường nói với chúng tôi như vậy. Chẳng biết vì sao, nhưng chúng tôi cũng mặc nhiên coi đó là chuyện không bao giờ nghĩ tới.
Lính Hà Nội vào đến đơn vị rất dễ nhận ra nhau. Vả lại lúc đó chúng tôi đã hơi lớn tuổi. Chỉ còn một năm nữa là hết tuổi nghĩa vụ quân sự. So với lính tráng ở đơn vị thì bọn tôi thuộc lứa tuổi cán bộ tiểu đoàn rồi. Gặp nhau thấy quân hàm binh nhì trên ve áo thật tương phản với nét mặt già dặn, lính tráng thường trêu nhau, sao trông mặt bác cũ thế mà quân hàm mới có thế? Chắc bị kỉ luật nhiều lắm? Là cứ trêu chọc nhau thế thôi chứ họ thừa biết lính tổng động viên lúc ấy phần lớn nhiều hơn tuổi nghĩa vụ quân sự kha khá. Nhiều người đang là cán bộ công nhân viên nhà nước.
II.
Hóa ra bộ đội lại là nơi Bá có những công việc tốt hơn ở cơ quan. Anh được phân công vào bộ phận tuyên huấn sư đoàn. Cũng chỉ kẻ vẽ loanh quanh trong doanh trại thôi nhưng lính tráng và các sĩ quan chỉ huy đầy thiện cảm với mấy anh lính mới có nghề này. Tay nghề của chúng tôi chắc chắn hơn đứt mấy anh lính tự học trong đơn vị. Chính vì thế, chúng tôi cũng được nể trọng hơn. Nhất là Bá. Anh thấy lần đầu tiên được làm việc sinh hoạt bình đẳng với các đồng đội, lại chẳng bao giờ bị phân công những việc nặng. Đã thế, thỉnh thoảng vẽ giúp các chị nuôi vài mẫu hình thêu áo gối lại được bí mật cung cấp thêm thực phẩm ngon lành. Chẳng biết vì sao lúc ấy nữ quân nhân lại thích thêu áo gối đến như vậy. Các chị không dùng. Mà nếu có mang tặng nam quân nhân thì hẳn là cũng chẳng anh nào dám dùng.
Việc phân chia bằng cấp trong đơn vị có vẻ như chẳng ai để ý. Nó chỉ có giá trị khi hết nghĩa vụ. Tốt nghiệp đại học thì ở hai năm. Tốt nghiệp trung cấp phải hết ba năm.
Nếu cuộc đời cứ trôi đi vui vẻ như thế thì hai năm nghĩa vụ của tôi và ba năm của Bá sẽ chẳng có gì đáng phàn nàn. Nhưng không. Do có học hành đào tạo cao hơn nên tôi được thuyên chuyển lên Quân đoàn bộ làm một công việc phức tạp hơn. Đó là thiết kế xây dựng nhà truyền thống Quân đoàn. Trước ngày chia tay, hai thằng rủ nhau ra quán rượu. Cũng giấu giếm qua loa thôi vì anh em vệ binh rất quý chúng tôi. Bên chén rượu mía nhạt toẹt cùng với ống bơ lạc rang, hai thằng tâm sự đến khuya. Tôi hứa với Bá khi ổn định chỗ làm việc sẽ kéo anh lên theo. Bá nghe ra cũng hào hứng với kế hoạch ấy. Dù sao thì làm việc với những người quen biết cũng dễ chịu hơn nhiều. Hơn nữa, Quân đoàn bộ cũng đóng gần Hà Nội hơn, sẽ có nhiều cơ hội được về thăm nhà.
Thế nhưng câu chuyện đã không diễn ra như mong muốn. Chẳng qua vì lúc ấy thông tin liên lạc giữa lính với nhau chỉ có mỗi một cách thôi. Viết thư. Bá và tôi viết thư cho nhau phải hàng tháng sau mới nhận được. Thậm chí, sau này, có những bức thư tôi viết về gia đình mãi khi ra quân, ở nhà cả tháng mới tự nhận được. Thời gian tôi chuyển lên Quân đoàn, Bá ở lại Sư đã bị nhiễm bệnh thận. Đơn vị đang có kế hoạch cho anh ra quân trước thời hạn. Nhưng tôi không hề biết việc đó. Vẫn hàng ngày hồn nhiên thúc giục các chỉ huy mau chóng điều anh lên Quân đoàn làm việc. Các chỉ huy phần thấy tôi một mình khá vất vả với khối lượng công việc rất lớn, phần khác muốn đẩy nhanh tiến độ nên cũng ráo riết làm quyết định điều động Bá lên. Thậm chí khi có quyết định rồi, phòng còn cử hẳn một đồng chí thiếu tá trợ lí về Sư đoàn để đón một anh binh nhất là Bá.
Thoáng thấy Bá cõng chiếc ba lô nhẹ hều thất thểu đi trên con đường đất vòng vèo dưới chân đồi cùng sĩ quan chỉ huy về phòng, tôi đã linh cảm được điều gì đó không hay lắm rồi. Nét mặt anh đầy vẻ thất vọng và sức khỏe hình như cũng không được tốt. Nhưng những điều mình nghĩ lại không thể nói ra ở chỗ đông người. Tối hôm ấy khi chỉ còn riêng hai thằng trong lán, tôi pha một ấm trà đặc ngồi hàn huyên. Bá thở dài: “Nếu hôm nay ông không đón tôi lên đây thì đầu tuần sau tôi đã xuất ngũ rồi!”. Tôi chết lặng khi nghe Bá cho biết thông tin như thế và thầm tự trách mình quá không cẩn thận. Nhưng chẳng còn cách nào khác. Tôi chỉ biết an ủi Bá: “Lỡ rồi, tôi với ông phải cố gắng vậy thôi”. Tôi biết, vận đen một lần nữa đến với anh vì lỗi của tôi. Nó làm tôi áy náy mãi. Rõ ràng mình muốn giúp bạn nhưng kết quả lại ngược lại. Bởi vì hết hạn nghĩa vụ, tôi được ra quân trước anh một năm nên mình anh ở lại phải làm nốt tất cả những công việc còn dang dở cho đến ngày bản thiết kế hoàn chỉnh. Nếu không phải là bạn bè từ trước, chắc chắn ai cũng hiểu rằng tôi gọi anh lên để thế chân cho tôi trước khi ra về.
III.
Tôi quay trở lại trường đại học làm công tác giảng dạy. Việc của một anh giáo tuy nhàn nhã nhưng hóa ra lại chẳng được việc gì. Một tuần có hai buổi lên lớp thôi nhưng thời gian vô tình bị xé lẻ. Chẳng thể làm được cái gì dài hơi ở nhà. Và cũng chẳng thể đi đâu xa.
Phải một năm sau tôi mới gặp lại Bá ở Hà Nội. Không một lời phiền trách, anh coi vận đen của mình là tất nhiên. Gặp tôi trên phố anh hồn hậu thông báo. Anh về cưới một cô vợ vô cùng tháo vát làm kế toán ở một cửa hàng bia hơi nhà nước. Có lẽ khoảng thời gian này anh hạnh phúc nhất. Chẳng có vận hạn gì cả. Vợ anh sinh hạ một con gái sau vợ tôi một năm. Hai thằng thỉnh thoảng rủ nhau tụ tập bia hơi trên cửa hàng vợ anh. Chẳng phải không có tiền mà chỉ vì bia hơi lúc ấy nhà máy sản xuất vẫn chưa đủ để bán. Cửa hàng nào cũng xếp hàng dài dằng dặc. Riêng lên cửa hàng vợ Bá, hai thằng lẻn vào phòng ngồi im lặng ngóng ra mặt nước hồ Trúc Bạch và chờ. Bia sủi bọt trắng tinh bưng ra đều đều. Bình tĩnh thong thả vừa nhấp mấy ngụm bia vừa ngắm mấy con cò lửa lao nhao trên mặt nước trắng bạc. Có lẽ đó chính là một cách phục vụ mà chúng tôi được hưởng trọn vẹn nhất kể từ khi biết uống bia hơi cách đó hàng chục năm. Bia hơi mà được ngồi trong nhà hàng sang trọng như thế, hẳn là chỉ có người nhà mậu dịch viên.
Thế nhưng công việc của Bá ở cơ quan vẫn chẳng có gì thay đổi. Anh tâm sự rất thật lòng, ở lính về cũng chỉ được cái đỡ bị sai vặt. Mọi việc và mọi người đối với anh vẫn thế. Trong cơ quan nhà nước, bằng cấp vẫn luôn là một khoảng cách không đổi. Cái chủ nghĩa bằng cấp đã ăn sâu vào mọi bộ máy và hình như đó là con đường tiến thủ duy nhất. Muốn tiến thủ, anh chẳng có cách nào khác là phải học hành. Làm sao để số lượng bằng cấp của mình vượt trội hẳn so với những người trong cơ quan dù chẳng để làm gì cả. Chẳng bao lâu sau, Bá được cơ quan gợi ý cho đi xuất khẩu lao động bên Tiệp Khắc. Anh hiểu rằng đó là một cách giảm biên chế mà thôi. Đi lao động xuất khẩu tức là sẽ quay trở lại với công việc chân tay hàng ngày. Nhưng hứa hẹn một khoản thu nhập đáng kể sau vài năm làm việc mà nếu ở nhà thì chúng tôi chẳng biết bao giờ mới có.
Thế nhưng vận đen vẫn đeo đuổi anh không dứt. Chưa hết nửa nhiệm kì anh đang làm việc thì các nước Đông Âu sụp đổ. Anh dĩ nhiên nằm trong danh sách về nước khi lưng vốn chưa tích lũy được bao nhiêu, chẳng đủ để bắt đầu cuộc sống tự do bên ấy. Và anh cũng chẳng muốn ở lại làm gì khi vợ trẻ, con bé vẫn đang ở nhà. Một chiếc xe máy Babetta và vài món đồ pha lê làm kỉ niệm nhanh chóng bán đi phục vụ sinh hoạt hàng ngày của một gia đình. Và quan trọng nhất, cơ quan cũ không nhận lại anh nữa. Anh bắt đầu cuộc sống bươn chải như một thị dân thực thụ với nghề sửa tivi tự học. Cô vợ anh cũng vì thế mà tràn trề thất vọng. Gia đình nhiều lúc lục đục tưởng như không thể cứu vãn nổi.
Tôi còn theo đuổi nghề dạy học được thêm vài năm nữa. Khi Bá từ Đông Âu trở về cũng là lúc tôi từ biệt ngôi trường của mình. Những biến đổi xã hội diễn ra thần tốc trong thời gian này. Nền kinh tế thị trường ra đời với tôi là một may mắn khi được làm đúng công việc mình thích và kiếm đủ tiền cho gia đình. Nhưng với Bá thì chồng chất khó khăn. Ngày càng rất ít khách hàng mang sửa tivi. Người ta thường cho đồng nát cái cũ và đi mua mới. Anh phải tìm một công việc khác. Đó là vác chiếc camera đi phục vụ cưới xin, ma chay, mừng thọ, sinh nhật. Công việc này hình thành đi vào hoạt động trơn tru chẳng được bao lâu thì sức khỏe anh bắt đầu đi xuống. Đã không thể còn vác nghễu nghện chiếc camera chạy rầm rập các phòng cưới, nhà tang lễ được nữa. Cũng không đủ sức đêm hôm ngồi làm ảnh, dựng băng, lồng tiếng… Trong vòng một hai năm, anh già sụm hẳn xuống. Cường độ lao động giảm sút trông thấy.
IV.
Làm thế nào để hết vận đen. Bá không biết. Và tôi lại càng không. Thế nhưng cuộc đời vẫn phải diễn ra. Thị dân có cách sống đi vào nề nếp lâu đời lại càng nhiều chi tiêu không thể tiết kiệm. Áo quần dù chưa cũ rách cũng phải một năm vài lần sắm mới. Gặp bạn bè tệ nhất phải có li cà phê. Lâu lâu cả nhà cũng phải đi nghỉ mát đâu đó. Và hiếu hỉ ma chay cưới xin bây giờ là quanh năm mà không còn theo mùa nào nữa. Đấy còn chưa kể những việc lớn như nhà cửa hay lo chuyện con cái lớn lên lập gia đình. Tôi biết, Bá vẫn bền bỉ tìm những công việc phù hợp với mình. Có lúc thấy anh mang kim châm cứu đi đến từng nhà bệnh nhân. Cũng có lúc thấy anh tất bật đến giờ hẹn bấm huyệt cho một ai đó. Những công việc dạng y học cổ truyền này tôi chưa từng thấy anh học hành bao giờ. Và có nhất thiết phải học hành không? Nếu có thì nhiều nhất với anh, cũng chỉ tự học như ngày học sửa tivi mà thôi. Nhưng rõ ràng, nó vẫn nuôi sống anh hàng ngày. Dù gặp vận đen hay không thì anh cũng vẫn phải sống.
Nếu chỉ xét theo khía cạnh những thị dân được làm đúng việc của mình và có thu nhập đủ để trang trải thì thành phố của tôi có được bao nhiêu người như thế? Có lẽ đây là một bí mật không dễ tìm hiểu. Dù sống lâu ở đây hay vừa mới nhập cư, hình như vẫn có một thứ tên là số phận đeo bám. Giờ thì tất nhiên, chẳng ai ở thành phố còn sống dưới mức nghèo khổ nữa. Hoặc là có mà chúng ta không biết. Trong câu chuyện của tôi với Bá suốt nửa thế kỉ qua, hình như cũng chưa bao giờ chúng tôi nhắc đến chuyện đó. Thản nhiên chấp nhận đã thành một lối sống ăn sâu trong thị dân từ rất lâu rồi. Nó đã gần như làm thành một cốt cách. Chẳng có trường lớp nào trong thành phố dạy chúng ta cách sống này. Và cũng không chỉ một vài đời mà đủ để thấm nhuần cái chân lí tưởng rất đơn giản ấy. Người dương dương tự đắc khoe khoang thành đạt hay người dúm dó bạc nhược đều không phải là phong thái sống ở thành phố này. Hình như chẳng có ai đáng gọi là giàu có thành đạt hay nghèo khó khốn khổ. Họ tương đối bình đẳng một cách tự giác với nhau.
Tôi không thể biết được Bá sẽ còn gặp vận đen nào nữa hay không. Nhưng có một điều chắc chắn sẽ xảy ra, lứa tuổi chúng tôi giờ cũng là lúc bắt đầu có những diễn biến không hay về sức khỏe. May mắn nhất là khỏe mạnh cho đến lúc lìa đời. Kém hơn có thể là ốm đau những trận rất nặng rồi ra đi sớm sủa. Không may nhất là bệnh tật triền miên kéo dài. Nếu thế thì cũng chỉ là vận đen cuối cùng mà thôi. Chỉ một vận đen này sẽ mang chúng tôi đi mãi mãi. Chẳng có gì đáng sợ. Bá nghèo. Và sức khỏe bắt đầu suy giảm. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy nụ cười ngừng hoặc tắt trên gương mặt bạn. Ô hay, vận mệnh hình như không thể làm gì để thay đổi được bạn. Hay ngược lại, hình như tôi đã quá coi những sự kiện như thế trong cuộc đời bạn là vận đen. Bạn có nói gì đâu!
Trại viết Phú Yên, 5.2020
ĐỖ PHẤN
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...