Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Không uổng công má

Không uổng công má!

Một. Nắng quái thường xảy ra vào lúc chiều hôm. Chiều hôm trên cục đất “Khổng tước nguyên” thì lạ lắm! Cái lạ đó trải dọc theo bờ sông Tiền từ Đông sang Tây. Má cậu Hai Thoại(1) ngồi mạng lại tấm áo cho con trong bóng nắng sắp sụp mí chiều.
– Má ơi! Ngừng tay đi má, kẻo mờ mắt!
Tiếng nhắc má của cậu Hai mang trọn cả cái tình mẫu tử được nuôi dưỡng từ những lời ru của mẹ. Lúc theo chồng về mần dâu họ Đỗ, má Năm vừa bước qua tuổi mười lăm. Dòng họ Đỗ đâm chồi nhảy ba nhánh: Đỗ Trình, Đỗ Tường, Đỗ Kiến… đã chịu đời không thấu bọn cường hào ở quê nhà, nên đành gạt nước mắt bỏ xứ Quảng Ngãi dong buồm vô Nam. Nhánh Đỗ Tường, Đỗ Kiến men theo sông Vàm Cỏ Tây tới đất Thanh Phú thì trụ lại (2); còn nhánh Đỗ Trình rẽ ngả sông Rạch Tra bám đất Hòa Bình. Má cậu Hai dồn hết sức mình mưu sinh để nuôi dưỡng tương lai cho con. Cậu Hai trì chí “sôi kinh nấu sử”, tất cả cho kỳ thi khoa Quý Mão (1843) trường Hương Gia Định. Má Năm thuộc lớp người con nhà nho, được cha khai tâm từ nhỏ. Dẫu không “‘trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” thì cũng là người hiểu biết chút chữ “thánh hiền”.
Nhà văn Trần Bảo Định
Má Năm thường nói:
“Trong cõi trời đất, chẳng có chi tự nhiên nẩy sinh, Khổng tước nguyên cũng vậy. Đâu tự nhiên mà có con công, mà có cái gò để thiên hạ gọi Gò Công! Biết bao máu mắt, xương tàn cốt rụi của người đi trước khai hoang, lập điền mở cõi…”.
Cậu Hai học ở má Năm những điều đã chắc gì nơi “cửa Khổng sân Trình” giảng dạy.
Những buổi chiều tàn, lúc rảnh rỗi, má con hay quét lá vàng khô un chiều bằng những sợi khói. Nhìn những sợi khói bay về phương vô định, má nghĩ đời người đừng như sợi khói bay; phải định cái phương mình đang sống để đủ độ yêu thương mà sống chết với nó.
– Đất nổi mặt đất thì gọi gò, đất nổi mặt nước sông thì gọi cồn (cù lao). Trấn Định Tường có gò, có cồn… tất có đủ điều kiện và tư cách gìn giữ nguyên khí đất Nam Kỳ.
Lời má Năm nói chắc cứng, cậu Hai liên tưởng:
“Đầu nước Việt ở phía Bắc, với đôi mắt là hai rặng núi Đông Triều và Hoàng Liên Sơn nhìn xương sống Trường Sơn xòe như nan quạt chồm ra biển Đông, đuôi gối lên những móng chưn núi Chứa Chan, núi Mây Tầu(3) ở phía Đông; núi Bà Rá, núi Đồng Long, núi Bà Đen(4) ở phía Tây, trước khi đuôi bất thình lình dựng đứng tạo Thất Sơn… biểu tượng Rồng Việt!?”.
Rồi, cậu Hai hình dung cái nơi cậu sinh ra và lớn lên: “Sông Vàm Cỏ Tây phía Bắc, sông Tiền phía Nam, sông Bảo Định phía Tây, biển Đông phía Đông; thiệt đúng là chốn nguyên khí tụ. Mai nầy đất nước hữu sự, nơi nầy chắc là nơi khởi sự cứu nguy!”. Đôi lần thấy con chểnh mảng việc học, má rầy cậu Hai: – Má nuôi con ăn học không vì muốn con kiếm đôi ba chữ thánh hiền để làm người. Nếu phải học làm người, thì con học trường đời hà tất học trường Hương Gia Định!
Má dằn từng tiếng:
– Đã học, thì phải đỗ đạt! Năm rồi, Phú Kiết đã có cử nhơn(5). Năm nay, Yên Luông trông cậy vào con, đừng để bà con quê mình thất vọng!
Cậu chưa kịp thưa lời, má nói nhẹ nhàng:
– Vì việc học của con, má cực nhưng không khổ. Má chỉ khổ, khi con lười biếng việc học hành!
Qua mùa trăng thu năm sau, bà con thôn Yên Luông dù nghèo khó hay khá giả thảy đều ngưng việc đồng áng, cùng nhau ăn mừng cậu Hai vừa đỗ đạt(6) và hôm đó, ngay cả tổng Khởi, tổng Hòa Bình cũng có mặt từ sáng sớm để nghinh đón tân khoa!
Mười sáu năm sau! Cậu Hai thôn Yên Luông ngày xưa, giờ đã là tri huyện Tân Hòa, xứ sở nơi ông cất tiếng khóc chào đời.
– Lạy má! Con trẻ không giữ tròn đạo trung với vua…
Huyện Thoại quỳ lạy mẹ.
Gió Gò Công thổi rạp thân dừa nước, xé lá tưa cành.
– Con là tri huyện, khác gì “phụ mẫu dân”. Cướp vô nhà, há lẽ phụ mẫu bó gối ngồi nhìn bọn cướp? Huống hồ, lũ giặc Tây dương xâm lấn bờ cõi Nam Kỳ, đánh chiếm thành Gia Định; quan quân án binh bất động chờ lịnh triều đình?
Má ngưng nói, ngắt thêm thuốc xỉa.
Ngoài bìa rừng dừa, gió mỗi lúc một mạnh và hình như, trời sắp nổi cơn thịnh nộ bão giông.
– Đánh là nghịch ý chỉ vua. Thà nghịch ý chỉ vua, vẫn hơn “thúc thủ quy hàng” để lũ giặc ngông cuồng sát hại dân, tàn phá làng mạc!
Tiếng Sáu Sanh(7) rõ mồn một ngoài hàng ba hiên nhà.
Từ lúc chồng vắn số, người quen Sáu Sanh chuyển cách xưng hô: gọi cô thay gọi bà.
– Chết! Chết! Cô Sáu quá bước ghé chơi, má con tôi không kịp đón tiếp chu đáo. Thiệt thất lễ… thất lễ!
– Người nhà cả, thím Năm nói quá!
Cô Sáu nói gần như muốn giải tỏa cái đạo trung quân của Nho gia đang chế ngự đầu óc kẻ sĩ:
– Trước đây, “trung quân ái quốc” nhưng tình thế bây giờ “ái quốc thương dân”. Nếu mất nước, mất dân thì vua còn đâu “sơn hà xã tắc” để mần vua?
Má con Huyện Thoại chưa kịp rót nước mời khách. Cô Sáu nói luôn:
– Việc vua bãi chức tri huyện của cậu Hai đã thể hiện sự bất lực của vua, cái lúng túng như gà mắc tóc trước kẻ thù xâm lược của triều đình. Quản Định (8) nói: “Huyện Thoại là trang tuấn kiệt thời loạn đất Tân Hòa. Dám làm và làm đúng theo tiếng gọi của lương tri “cứu dân, cứu nước trước khi trung với vua!”. Tui tới đây là để trao thơ của Trương Quản cơ gởi cậu Hai.
Huyện Thoại tiếp thơ, lật đật mở:
“… Đã hèn thì phải hạ mình, đã nhát thì cái gan hư hỏng. Người xưa nói hèn nhát là vậy! Ta hoàn toàn tin huyện quan là đấng trượng phu, bậc anh hùng sẵn sàng cứu dân cứu nước. Hẹn nhau ở đất Gia Thuận…”.
Hình như, ngoài bến nước sông Tra có tiếng quốc kêu gọi bạn!
 
Hai.
– Ông bà gọi thảo điền, là có ý chỉ vùng đất trũng nhiều bàng sậy, ngập bùn sình nằm giữa các giồng đất. Tháng nắng, đất khô nứt nẻ; tháng mưa, đất lầy lội. Nếu không là nông dân bổn địa thì không thể có kinh nghiệm cày trâu vỡ đất…
Cô Sáu bàn bạc việc quân với Huyện Thoại mà nghe như chừng chẳng hề đá động gì tới việc quân.
Lúc nầy, Trung tá Desvaux chỉ huy quân thủy bộ vào thành Mỹ Tho và cùng lúc đó, liên quân Pháp – Y Pha Nho (Tây Ban Nha) cũng đã đánh chiếm xong Gò Công(9) và chúng gấp rút lập đồn Gò Công.
Huyện Thoại trầm ngâm.
Cô Sáu nói tiếp:
– Đất lầy bã hèm, người ta dùng trâu đực cày đất vì trâu đực móng chưn cao khó mắc lầy. Trâu cái, móng chưn thấp ngắn dùng vào việc kéo rơm rạ sau ngày mùa… Người Gò Công có câu: “Đực trực đồng, cái trực dạ”. Hỏi ra, mới biết đó là câu thành ngữ của người đàng cựu dặn người đời sau, rằng: “Trai phá lũy đạp thành, gái lo hậu cần nuôi chí cả!”.
Cô Sáu ra về khá lâu, nhưng lời cô nói khiến đầu óc Huyện Thoại còn suy nghĩ lung lắm. Bên tách trà sen đậm đặc hương quê nhà, chuyện cũ hiện ra chầm chậm trong tâm trí của ông: Trần Thiện Chánh đậu cử nhơn trước ông một khoa(10) đã không màng tới chức tước và cũng không chờ lịnh triều đình, ông cùng Lê Huy mộ dân binh đánh phủ đầu quân xâm lược Pháp, ngay khi chúng vừa đặt chưn lên đất Gia Định…
Thấy sắc mặt con dàu dàu, má Năm biết tâm tư của con đang trong cơn chấn động. Má nói nhẹ nhàng:
– Con là người có học, là kẻ sĩ mà lại là kẻ sĩ khoa bảng; giống như cây mọc trong vườn thượng uyển. Chả lẽ, con của má, chẳng bằng loài cây mọc nơi bờ ruộng mương vườn?
Nghiêm sắc mặt, má nói tiếp:
– Người xưa thường khuyên: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”, có nghĩa buông dao đồ tể thì lập tức thành Phật. Buông hay không buông dao đồ tể là quyền tự do lựa chọn của con, chớ không ai có quyền bắt con phải lựa chọn.
Rồi, má nhấn mạnh:
– Thương nước, thương dân thì đánh bọn xâm lược. Quay lưng với xứ sở, với đồng bào thì hàng quân xâm lược. Cái đó, tùy con!
Dường như thấy lời mình mạnh mẽ, má Năm khẽ nhắc:
– Lúc nầy, tại đây, nếu con chần chờ không dám hành động là có lỗi với bà con làng xóm, là có tội với liệt tổ liệt tông kiến họ Đỗ nhà ta!
Những lời khuyên nhủ của má, những việc đã và đang làm của cô Sáu, khiến Huyện Thoại thôi nản lòng vì bị vua bãi quan và thôi nản chí vì Đại đồn Chí Hòa thất thủ(11). Ông chủ động bắt mối liên lạc với các nghĩa sĩ trong vùng, nhứt là với ngài Phó Quản cơ Trương Định.
Trống cầm canh rớt sang canh khuya buồn sương phụ!
Sáu Sanh thao thức ngó lên bàn thờ chồng, rồi ngó xuống giường bên, ngắm nghía đứa con gái có khuôn mặt giống cha như đúc. Mắt Sáu ngân ngấn và có lẽ, lòng thầm trách chồng: “Sao mình nỡ đi vội để tui thui thủi một mình giữa cảnh nhà tan, nước mất”.
Từ hôm nhận được mật thơ của chị Hai(12) ngoài Huế gởi về, dặn rằng: “Phải… Phải… như vầy… như vầy… Việc nước là hệ trọng, tùy thời mà thủ tiết… Và, tập trung tiền của góp sức vào việc đánh đuổi kẻ thù chung!”, cô Sáu mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên. Nhiều đêm, cô bồi hồi nhớ lại: Năm mười chín tuổi đi lấy chồng, hai mươi mốt năm sau chịu đời góa bụa. Vợ chồng duyên thắm tình nồng được chín mặt con, thì chỉ còn một đứa gái(13)… Giờ đây, “Trai vì nước quên thân, gái vì nước quên thủ tiết”, nhứt thời làm sao cô tránh khỏi băn khoăn nghĩ ngợi. Má cô thương chị Hai mồ côi mẹ nên dắt chị về nuôi từ nhỏ. Má cô dạy chị công, dung, ngôn, hạnh. Cha cô dạy chị chữ thánh hiền. Năm cô lên bốn, chị đã là mười bốn và rồi chị em xa nhau bởi chị theo cha ra Huế. Sau đó, chị được tiến cung và trở thành Gia phi Từ Dụ của vua Thiệu Trị. Bây giờ, chị là Thái hậu Từ Dụ…
Sáu Sanh xin chị Hai cho thời gian huỡn đãi, thủng thẳng sẽ thực thi chuyện bước đi bước nữa với Trương tướng quân. Còn giờ đây, việc cần kíp là hỗ trợ tiền bạc nuôi quân, khí tài chiến đấu cho Huyện Thoại đánh giặc ngay trên quê hương mình. Cô Sáu là người đàn bà giàu nứt vách đổ tường không những ở Gò Công mà kể cả toàn xứ Nam Kỳ Lục tỉnh. Nhưng, giàu nứt vách đổ tường mần chi, khi xứ sở đang sinh linh đồ thán! Cô Sáu thường trút nỗi lòng mình với Huyện Thoại như vậy!
Minh Mạng lấy vợ họ Hồ ở Thủ Đức, Thiệu Trị lấy vợ họ Phạm ở Gò Công(14). Cả hai đầu Nam-Bắc Gia Định đã cột ràng triều Nguyễn. Tự Đức nhớ quê ngoại cho đắp “con đường sứ”, nối giồng Sơn Quy lên Gia Định(15). Huyện Thoại âm thầm đi thực địa “con đường sứ” nhằm tính kế nghi binh. Đồng thời, cử Đội Lực dò ngả lộ me qua Cầu Huyện để tập kết quân. Ông cũng không quên cảnh giác tàu Pháp có thể từ Mỹ Tho xuống tiếp viện Gò Công, một khi đồn Gò Công bị nghĩa binh tấn công. Và, nếu vậy, tàu chiến của chúng chỉ có một thủy trình duy nhứt là theo sông Cửa Tiểu vô Vàm Giồng, đến vàm Vểnh Lợi rồi tiếp tới rạch Gò Công… Nghĩa binh của ông đủ sức ngăn chặn chúng!
 
Ba.
Lẽ thường, người phụ nữ sẽ mất họ tên, thứ bậc của riêng mình sau khi đi lấy chồng. Đằng nầy, cô Sáu không hẳn như vậy. Người quen biết cũ ở xứ Gò Công vẫn kêu Sáu Sanh là cô Sáu, chớ không kêu bà Bá hộ Bổn dù đã hai mươi năm sống cùng chồng. Cô Sáu ưa nói với người thân:
“Cái mạng còn chưa chắc đã giữ được, thì tiền của chắc gì mà giữ được. Nếu phải vì việc nghĩa, ta chẳng tiếc chi cái mạng”. Huyện Thoại hoàn toàn tin ở cô Sáu, người tạo mọi điều kiện cho nghĩa binh chuẩn bị tập kích quân Pháp vừa đặt chưn lên đất Gò Công. Tin mật báo cho hay, quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha sẽ chọn một trong ba ngả đường sông: Rạch Chanh, Kinh Trạm tức sông Bảo Định và sông Cửa Tiểu từ biển thọc vào để đánh chiếm Định Tường. Huyện Thoại cùng bộ tham mưu đánh giá tình hình: “Giặc không thể sử dụng Rạch Chanh vì rạch cạn, hoang vu sẽ cản trở tàu chiến. Chắc chắn giặc tập kết quân tại vàm Vũng Gù (Tân An), dùng pháo hạm phá vỡ các đập cản trên sông Bảo Định dù chúng phải trả giá thiệt đắt…”. Tuy vậy, Huyện Thoại vẫn quả quyết: “Giặc sẽ chơi trò ‘thanh Đông kích Tây’ trong tam thập lục kế của Tôn Tử”.
Rồi, ông liên tưởng tới chuyện Khổng Minh ra lịnh cho quân nổi lửa hẻm Hoa Dung, vốn tính đa nghi nên Tào Tháo cho rằng Lưu Bị dùng kế dương Đông kích Tây bèn chọn chính hẻm Hoa Dung đành sụp bẫy của quân Quan Vũ… Là người Nho học, lại là một cử nhơn đất Gia Định, thì cái bọn giặc Tây dương kia làm sao che nổi được mắt ông! Huyện Thoại mỉm cười… Ông tiên liệu và định việc:
– Đường tiến quân của giặc ở sông Bảo Định chỉ là diện, đường tiến quân của giặc từ hướng biển vô sông Cửa Tiểu mới là chính điểm. Thành Mỹ Tho sẽ hoảng loạn và thất thủ nhanh chóng bởi đường tiến quân nầy. Có khi, giặc chưa đánh mà tướng giữ thành đã bỏ chạy.
Hồi lâu, Huyện Thoại càu nhàu, cau có một mình: “Dẫu rằng biết vậy, nhưng với võ khí thô sơ làm sao đánh pháo hạm, tàu chiến giặc ngay “chính điểm Cửa Tiểu” để cứu thành Mỹ Tho?”. Đúng như dự đoán của Huyện Thoại, cả ba pháo hạm1 từ biển tiến vào Cửa Tiểu phá đập ngăn sông tại vàm Cửa Tiểu (Gò Công), vàm Kỳ Hôn (Chợ Gạo) và đồng thời, chúng đánh tan hai đồn binh giữ đập ngay trong buổi sáng, đến xế trưa cùng ngày, mũi quân đi đường biển vô Cửa Tiểu chiếm thành Mỹ Tho theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành”. Ba pháo hạm Fussées, Lily, Sham Rock do Chuẩn Đề đốc Page chỉ huy. Ngày 12.4.1861, khoảng 13 giờ 30 phút trưa, Chuẩn Đề đốc Page cùng đoàn quân vào thành Mỹ Tho không gặp phải một sự kháng cự nào từ phía quân triều đình. Trong lúc đó, mũi quân đi đường sông Bảo Định phải chịu tổn thất nặng và hai hôm sau, mới tới thành Mỹ Tho mang theo xác Trung tá Bourdais.
***
 
Gò Công thất thủ!
Dân tình nhốn nháo nhưng không bất ngờ, bởi họ hiểu “cái gì đến tất sẽ đến” sau khi Đại đồn Chí Hòa vỡ trận. Cô Sáu tìm gặp Huyện Thoại ngay trong đêm đầu tiên bọn xâm lược liên quân Pháp – Tây Ban Nha ngả lưng lên mặt đất Gò Công.
– Chậm gì thì chậm, nhưng không thể chậm hơn hai tháng nữa, khoảng Tết Đoan Ngọ… Thoại nầy sẽ ra tay!
Tiếng côn trùng kêu rả rích từng chập từng hồi ngoài ruộng, sau cơn mưa chiều ngập nước trắng đồng. Đêm vắng lặng và hy vọng. Thỉnh thoảng có tiếng súng nổ vu vơ của bọn lính viễn chinh, có lẽ nhớ nhà hoặc giả sợ ma nơi đất lạ!
– Cô Sáu yên tâm! Cô Sáu giúp ta và nghĩa quân theo đúng kế hoạch vừa vạch ra… Chỉ cần nhiêu đó là đủ!
Mặt trời đỏ ối buổi rạng đông!
Trung úy Paulin Vial, Trưởng đồn kiêm Giám đốc bổn xứ sự vụ Gò Công, đứng trên bờ thành đất, một tay chống nạnh, một tay chỉ trỏ đôn đốc dân phu cắm cọc, dựng rào cặp theo mé hào sâu bảo vệ đồn.
Tháng nay, từ ngày bọn Tây chiếm đất, Tư Nhạn người em kết nghĩa ruột rà với cô Sáu, cầm đầu nhóm con gái xứ Tân Hòa lân la bọn Tây, phục vụ chúng những món ăn đặc sản của miền quê ngoại vua Tự Đức. Riết rồi quen dần và thân thiện. Vả lại, “gái nào đẹp cho bằng gái Gò Công” thì bọn lính viễn chinh làm sao “bình chưn như vại”!?
– Mời quan hai(16) ngưng tay, uống nước dừa xiêm, ăn mộng dừa của em, nè!
Viên Trung úy nghe “của em, nè!” kèm hai tiếng “mộng dừa” của Tư, đôi mắt sáng rỡ. Bởi, cả tháng nay, hắn quen ăn mộng dừa, một món ăn dân dã nơi vùng đất hắn chiếm đóng mà ở trời Âu, nơi quê nhà của hắn chưa từng nghe, nói chi thấy. Hắn đút tay vô túi quần, rút khăn mu-soa (mouchoir) lau mồ hôi lấm tấm trên cái bản mặt dài sọc, thoạt ngó giống như mặt ngựa. Dân phu xây đồn gọi hắn là “quan hai mặt ngựa” hoặc để kêu cho gọn, dân phu gọi “Tây mặt ngựa”. Hắn nhai ngấu nghiến một hơi hết sạch ba cái mộng dừa. Hình như, hắn “khoái chí tử” rằng, mộng dừa là mộng đẹp gì đó, thì phải!
Nhiều lần qua tên thông ngôn, Tư giải thích cho hắn hiểu cái mộng dừa mà hắn thèm ăn chết mê chết mệt!
– Trái dừa khô lên mầm, trổ cây. Thường do để ở kẹt nhà hoặc chỗ mấy cái lu nước ẩm ướt, sau thời gian ngắn, nó lên mộng nứt da. Mộng dừa chính là cái phần mầm nở bự trắng nõn nà phía trong trái dừa. Mộng dừa thoang thoảng hương thơm đồng quê, khi nhai nghe sực sực, xốp xốp… kích thích miệng và đỡ khát cổ họng.
Mọi diễn biến tiếp cận và vẽ họa đồ đồn Gò Công, Tư làm rất tốt.
Tháng Năm, theo con trăng, trời thường nắng sớm mưa chiều và đêm chưa nằm đã sáng. Huyện Thoại tính toán kỹ về thời gian, thích hợp với thiên văn để đánh vỗ mặt quân thù và nhổ đồn Gò Công.
Cô Sáu dặn dò Tư Nhạn kín đáo và khéo léo rắc bột thuốc tiêu chảy lên từng cái mộng dừa theo đúng dự kiến của kế hoạch Huyện Thoại.
Huyện Thoại không sử dụng lực lượng mấy trăm nghĩa binh đang tập kết, ém quân ở Lộ Me vì không thể đánh cường tập vào đồn Gò Công bằng võ khí thô sơ giáo mác, búa chày… chống võ khí tối tân súng đạn. Chờ thuốc tiêu chảy kích hoạt bụng dạ bọn Tây ăn mộng dừa, Huyện Thoại trực tiếp dẫn hai mươi dũng sĩ đất Gò Công xông thẳng vô đồn đánh cận chiến, giải quyết chiến trường nhanh, gọn trước lúc bình minh ló dạng.
Cơn mưa chiều tạnh từ rất lâu.
Trời trở đêm sang khuya, sương mù dày đặc!
Trung úy Trưởng đồn và đám lính chột bụng đi đại tiện liên tục khiến thân thể phờ phạc, mất sức. Thình lình, phía “con đường sứ” lửa cháy xé toạc màn đêm. Huyện Thoại cùng hai mươi dũng sĩ đạp chướng ngại vật, mở toang cửa đồn tràn vào như cơn lốc sóng thần. Bọn lính Tây trở tay không kịp, thất kinh hồn vía chạy tán loạn.
Đêm tối mịt(17), chỉ thấy nhau qua ánh chớp ngoằn ngoèo của sấm sét nổ um trời. Huyện Thoại túm tóc Trung úy đâm mạnh một phát về hướng cổ họng, nó vùng mạnh, lưỡi mác xượt xéo bả vai. Nó rống lên tiếng rống như heo bị thọc huyết! Thế trận bắt đầu giằng co, tụi Tây lần hồi hoàn hồn và mỗi lúc sự bất lợi nghiêng hẳn về phía nghĩa binh. Huyện Thoại bị dính đạn trọng thương.
Bầu trời tỏ dần, từng cụm mây trắng tản ra, nhùng nhằng kéo dài như những dải khăn sô viền quanh mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt nước biển tụ màu đỏ ối, đỏ hơn máu!
 
Bốn.
Huyện Thoại cùng hai mươi dũng sĩ đất Gò Công, không một ai còn sống sót để quay về!
Hôm đưa xác con về chôn cất ở đất nhà (18), má Năm cầm nắm đất buông xuống huyệt:
– Thoại ơi! Không uổng công má nuôi con ăn học thành người!
Chú thích:
1. Đỗ Trình Thoại (1815 (?)-22.6.1861) người thôn Yên Luông, tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là ấp Kim Liên, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang).
2. Nay là xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An (xưa thuộc huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Phiên An và sau đó là tỉnh Gia Định).
3. Núi Chứa Chan (Long Khánh), núi Mây Tầu (Phước Tuy, nay là Hàm Tân).
4. Núi Bà Rá (Phước Long), núi Đồng Long (Bình Long), núi Bà Đen (Tây Ninh).
5. Âu Dương Xuân (thân phụ Âu Dương Lân) người thôn Phú Kiết (Định Tường), đỗ cử nhơn thứ 9 khoa Nhâm Dần, 1842.
6. Đỗ Trình Thoại đỗ cử nhơn khoa Quý Mão (1843).
7. Trần Thị Sanh (1820-1882) vợ thứ của Trương Định. Bà là con thứ sáu của ông Trần Văn Đồ và bà Phạm Thị Phụng (bà Phụng là em gái ông Phạm Đăng Hưng, cô ruột bà Phạm Thị Hằng tức Thái hậu Từ Dụ, mẹ của vua Tự Đức). Như vậy, Thái hậu Từ Dụ với bà Trần Thị Sanh là chị em cô cậu ruột.
8.Trương Định (1852) làm Phó Quản cơ đồn điền, và từ năm 1862, bà Trần Thị Sanh là nguồn hậu cần của nghĩa binh Trương Định cho tới ngày 20.8.1864, Trương Định hy sinh.
9. Ngày 14.4.1961.
10. Trần Thiện Chánh (1822-1874), người thôn Tân Thới Tây, tổng Long Tuy Thượng, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định (nay là ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM). Ông đậu cử nhơn thứ tư, khoa Nhâm Dần (1842), đồng khoa với Âu Dương Xuân (thân phụ Âu Dương Lân).
11. Ngày 25.2.1861.
12. Bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, tức Thái hậu Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức (15).
13. Bà Trần Thị Sanh có đời chồng trước là Bá hộ Dương Tấn Bổn (mất năm 1860), sinh được chín người con (mất 8 còn 1 là gái tên Dương Thị Hương). Sau nầy, bà Hương lấy chồng là ông Huỳnh Đình Ngươn, cha của chí sĩ Huỳnh Đình Điển (người đã giao Nam Kỳ lữ điếm cho ông Trần Chánh Chiếu làm trụ sở phong trào Minh Tân ở Mỹ Tho; đồng thời, cũng là người góp phần lo hậu sự khi cụ Phan Châu Trinh mãn phần lúc 21 giờ 30 phút ngày 24.3.1926) và tang lễ được cử hành tại Bá Huê lầu, 54 đường Pellerin, Sài Gòn (cơ sở của Huỳnh Đình Điển).
14. Phạm Thị Hằng là con dâu bà Hồ Thị Hoa.
15. Năm 1848, vua Tự Đức cho khởi công đắp “con đường sứ”, còn gọi “con đường Trạm” (sau nầy gọi đường cây dương hoặc lộ dương). Nay là Quốc lộ 50 (Tp.HCM đi thị xã Gò Công).
16. Cách gọi theo số thứ tự cấp bực sĩ quan Pháp của dân gian (thiếu úy là quan một, trung úy là quan hai… tới đại tá là quan sáu).
17. Tức đêm 21 rạng 22 tháng 6 năm 1861 (Tân Dậu).
18. Mộ Đỗ Trình Thoại, hiện nay ở ấp Kim Liên, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
29/6/2020
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...