Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Nói với em về một cơn mưa

Nói với em về một cơn mưa

Giữa thành phố có đến hàng tỷ người không hiểu sao tôi lại chỉ chú ý đến một mình em. Chung quy chỉ tại trận mưa hôm ấy quá to, quá dai. Từ trước đến giờ, ở Sài thành mưa đấy mà tạnh đấy. Chả có vậy người ta đã đưa cái kiểu thời tiết “Trời Sài Gòn thoắt mưa, thoắt nắng…” vào trong thơ. Sau trận mưa ấy, tôi cứ nghĩ quẩn rằng, chả lẽ ông Tơ, bà Nguyệt già cả đến lẩm cẩm rồi vẫn không chịu nghỉ hưu nên mới chọn cơn mưa sầm sập, tối tăm trời đất làm cơ duyên mai mối để tôi gặp em?
Rồi sau cơn mưa ấy, dẫu có hàng tỷ người trong thành phố cũng chỉ còn như những hình nộm trong cây đèn kéo quân quay tít mù trước mắt tôi, duy có hình ảnh của em là lúc nào cũng tươi tắn, sống động. Sống động bởi vì em thoắt ẩn, thoắt hiện giữa chốn ngổn ngang tô, chén, ly, chai, lon, phảng phất mùi bếp than tổ ong và những  gương mặt nhễ nhại mồ hôi chăm chú giải quyết đĩa cơm bày trước mặt. Tươi tắn bởi em sở hữu gương mặt tuy không đầy đặn nhưng có chiếc mũi cao, thanh tú ở giữa đôi mắt to lấp lánh ánh nâu và cặp môi gợi cảm với nụ cười đáo để ẩn chứa đầy sự bí hiểm.
Nhà văn Hoàng Phương Nhâm
Hình ảnh của em ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm đến nỗi tôi đã phải kể đi kể lại cho tôi nghe trận mưa và những gì đến với tôi sau trận mưa hôm ấy. Bắt đầu là những đám mây đen trĩu nặng bầu trời vào lúc tan tầm, tôi trong dòng người vội vã đổ ra đường với hy vọng sẽ thoát được cơn mưa. Ở thành phố này, mưa to đồng nghĩa với ngập đường và kẹt xe. Biết vậy, tôi đã cố. Mọi người đã cố thế mà vẫn không thể thoát. Cùng mọi người, tôi đứng dầm chân dưới cơn mưa hàng tiếng đồng hồ mà chưa chắc đã nhích nổi vài trăm cen ti mét! Mới đầu nước ngập đến cổ chân, lúc sau đã ngập lưng bánh xe rồi gần lút bánh xe Honda tôi đang cưỡi. Tôi cảm thấy ớn lạnh dọc sống lưng. Tôi bắt đầu thấy rét. Rét lắm và bắt đầu run. Run từ trong ruột run  ra. Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Tôi nghĩ: Chết cha! Ốm mất rồi! Lên cơn sốt rồi! Mắt hoa, chân tay bủn rủn muốn gục xuống tay lái. Tôi phải cố cưỡng lại. Chẳng hiểu làm sao người ta lại đưa được cả người lẫn xe của tôi vào trú tạm dưới chiếc dù trên vỉa hè trước một quán cơm bụi. Rồi tôi mơ màng cảm thấy mình được đưa vào nơi khô ráo. Tôi cứ bồng bềnh, bồng bềnh như trong cơn mơ. Tôi nghe ai đó nói: Ướt hết cả rồi. Phải thay đồ không thì sẽ nguy đấy. Hình như cái thân xác nhũn nhèo của tôi bị lật qua lật lại. Tôi thấy lạnh. Có vật gì cứng cậy hàm răng của tôi và từng chút thứ nước cay, nóng, ngòn ngọt từ từ chảy vào cổ họng. Tôi thấy ruột gan ấm dần. Khi mở mắt ra được còn chưa hiểu mình đang nằm ở đâu, chỉ thấy một gương mặt đàn bà lạ hoắc cúi nhìn tôi lo lắng. Tôi nghĩ đấy là mẹ mình. Thấy lạ vì mẹ tôi mất khi tôi mới hơn mười tuổi. Từ khi bà mất, chưa có người đàn bà nào lại có nét mặt lo lắng cho tôi như thế, ngay cả vài ba người bạn gái của tôi trong những lần yêu trước.
– Tôi đang ở đâu thế này?
– Chắc chắn không phải là ở nhà anh rồi! Anh làm tôi sợ quá! Từ bé đến giờ chả gặp ai bị như anh cả!
Tự nhiên tôi thấy mừng rỡ và gần gũi nữa vì được nghe giọng Bắc.
– Anh sốt ghê quá!
– Tôi cứ tưởng mình mơ ngủ – Tôi gượng cười.
– Thôi. Anh cứ nghỉ đi và đừng có cố làm ra bộ tươi tỉnh nữa.
Tôi vẫn chưa hiểu nếp tẻ ra sao. Trước mắt vẫn lòa nhòa, nhìn đâu cũng chỉ thấy thấp thoáng những gương mặt lạ. Hình như tôi đang nằm trên chiếc giường hẹp ở một nơi nào đó cũng lạ, sực nức mùi ẩm mốc, mùi khói bếp than tổ ong, mùi thức ăn. Những mùi vị ấy khiến tôi buồn nôn. Tôi cố ngồi dậy. Trước mắt tôi tất cả mọi vật đều nhảy múa, quay tít và lộn tùng phèo. Cả tôi cũng bị cuốn vào vòng xoay tít mù đó. Tôi bỗng nghĩ đến chiếc đèn kéo quân. Có rất nhiều bóng người đen đen xoay tít quanh một đốm sáng chói lòa. Tôi bỗng bật cười vì không biết mình đang ở vị trí nào trong cái vòng xoay tít đó.
Khi cái vòng xoay đó dừng lại, cố mãi, cố mãi tôi mới mở mắt ra được. Lần này tôi lơ mơ thấy phảng phất mùi ê te, mùi thuốc tẩy, nói chung là mùi của bệnh viện. Và tôi đang nằm ở một phòng bệnh thật. Hình như là phòng cấp cứu. Một áo blu trắng toát vội bước đến cạnh tôi. Sau mấy cái chớp mắt liền liền tôi nhận ra đấy là một bác sĩ cùng giới tính và còn khá trẻ. Tôi còn đọc được cả tên bác sĩ trên tấm phù hiệu nhỏ đeo ở ngực áo. Bác sĩ mỉm cười thân thiện với tôi. Tôi hỏi:
– Xin cho biết tôi đang ở đâu đây?
– Đang ở bệnh viện!
– Tất nhiên rồi! Nhưng là bệnh viện nào mới được chứ! – Tôi nghĩ là bệnh nhân nên có quyền bẳn một chút – Nụ cười mỉm vẫn trên môi bác sĩ:
– Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Anh được người nhà đưa vào viện đêm ngày mốt, tới bữa nay là gần ba ngày…
Tôi ngơ ngẩn hỏi:
– Tôi có người nhà đưa vào viện à? Mà tôi bị sao vậy, bác sĩ?
– Anh bị cảm thương hàn. May được đưa vào viện cấp cứu kịp thời, không sẽ nguy. Người phụ nữ đưa anh vào viện và chăm sóc anh mấy bữa rầy nói là chị gái của anh. – Tay bác sĩ lại tủm tỉm – Phải vậy không?
Tôi không trả lời mà chỉ nghĩ: Ước chi tôi có… Mà thôi. Đã ước thì ước hẳn một người đàn bà cho riêng mình. Hì hì… Tôi đã chẳng từng có hàng tá các em vây quanh xin chết đó thôi. Em nào cũng thuộc loại chân dài tới nách cả! Ngán nỗi, các em chỉ quen xài tiền American. Duy có một em biết xài tiền Việt thì gắn bó với tôi một thời gian, em không chỉ chân dài mà cánh cũng dài nên khi gặp cành khác cao hơn em  bay luôn. Các em gọi tôi là “đại gia”. Tôi cứ để mặc các em gọi thế cho vui chứ “đại” gì cái loại tôi. Tôi chỉ có một công ty riêng với tổng số vốn vài chục tỷ. Có được như thế tôi luôn luôn phải cày đến mướt mồ hôi trán, đầm đìa mồ hôi lưng và trí lực lúc sung, lúc vãn, thân xác lúc trên trời, lúc dưới đất, bôn ba khắp nơi, lúc nào cũng kè kè một em…laptop! Thú thực, khi có em chân dài bên cạnh, đôi lúc cũng thấy phổng mũi trước thiên hạ. Lúc trơ trọi một mình mới thấy đời sao bạc chi mà bạc. Có người dạy khôn: Chả gì thì cũng phải biết phân biệt thật giả chứ! Thằng bạn thân đã từng trải qua “hai tập” với kết quả là ba đứa con, nốc một hơi cạn ly rum, dằn mạnh cái ly xuống mặt bàn, hờ hững : “Biết chết liền!”. Ờ. Tôi cũng nghĩ: “Biết chết liền!”. Từ đó tôi tự rút khỏi danh tính “đại gia” bằng cách chỉ sử dụng xe hơi khi cần cho việc giao dịch làm ăn, còn lại kiếm chiếc Honda cù cũ chạy cho khỏe.
Kiểm tra bệnh tình cho tôi xong, bác sĩ bảo cơn bạo bệnh của tôi đã từ từ rút nhưng còn phải điều trị vài ngày trong bệnh viện cho dứt hẳn và chuyển tôi sang phòng bệnh thường. Tôi hít một hơi thật sâu để mừng mình đã thoát hiểm. Tôi băn khoăn không biết người đưa mình vào viện là ai. Lăn tăn mãi chợt nhớ đến gương mặt lo lắng giống mẹ mình, nhớ đến mùi khói bếp than tổ ong, mùi thức ăn và mùi ẩm mốc ở đâu đó.Tôi nhớ, mình đã bị cảm và xỉu luôn trên đường từ công ty về nhà trong một trận mưa to thuộc hàng kinh điển.
Biết tôi đã tỉnh táo, trưởng ban bảo vệ của bệnh viện mang mấy tờ giấy ghi biên bản giao nhận tài sản cá nhân của tôi khi tôi nhập viện để tôi xem có đầy đủ không. Lướt qua vài danh mục tôi thấy chẳng thiếu thứ gì: Một số giấy tờ tùy thân, một số giấy tờ liên quan đến công việc làm ăn chứng tỏ tôi là công dân nghiêm túc; 1 laptop hiệu Acer trị giá ngót ngàn đô; 1 xe Honda trị giá khoảng trên mười triệu vnđ; một dế hiệu iphone6 còn mới; 1 ví da bên trong có 5 ngàn 3 trăm đô và 3 triệu vnđ, thêm vài trăm vnđ lẻ nữa. Nghĩa là tôi có đủ khả năng thanh toán tiền viện phí cho cuộc điều trị. Cũng lâu lắm rồi không ốm, cũng chẳng phải chăm lo cho ai nên tôi mù tịt về khoản này.
Mãi đến giờ vào thăm buổi trưa mới thấy một gương mặt quen thuộc trong công ty ào đến. Cũng vào loại chân dài, gương mặt thì đặc biệt khả ái, lúc nào nhìn tôi cũng bằng mắt nai ngơ ngác đến dễ thương. Chân dài mắt nai coi phòng bệnh như chỉ có riêng hai chúng tôi nên hồn nhiên biểu lộ tình cảm. Sau vài câu thăm hỏi tình hình sức khỏe, chân dài mắt nai hỏi tài sản của tôi mang theo có mất mát gì không? (mặc dù chưa biết tôi  mang theo gì khi trên đường về nhà) rồi thao thao bất tuyệt về bọn nghèo đói sinh bất lương nhan nhản trong xã hội. May quá, anh chàng bác sĩ trẻ có lẽ nghe thấy volume của giọng oanh vàng lớn hơn mức cần thiết nên từ phòng trực chạy sang ngón tay trỏ đặt lên miệng, dấu hiệu của sự cần yên tĩnh. Tôi nhắm tịt hai mắt ra vẻ buồn ngủ. Bác sĩ nói nhỏ: “Bệnh nhân vừa được tiêm thuốc ngủ nên không nghe thấy gì đâu!”. Chân dài mắt nai cười ngỏn ngoẻn rồi ghé sát tai tôi: “Chào sếp, em về! Khi nào tỉnh táo alo em nghen!”. Bác sĩ cứu tôi một lần nữa! Đa phần chân dài của tôi là như thế!
Sau khi ra viện, tôi lục lại cái kho trí nhớ rối rắm của mình để tìm điều tôi cho là phải tìm ngay trong thời gian này. Việc này quan trọng hơn cả việc điều hành công ty. Chí ít tôi cũng phải tìm ra người đã giúp đỡ trong lúc hoạn nạn để nói một lời cảm ơn. Không hiểu sao, trong đoạn đời vừa qua tôi đã gặp nhiều vận hạn tưởng như không thể vượt qua, cũng đã được nhiều sự giúp đỡ, tôi đã thực hiện sự tri ân cuộc đời bằng nhiều cách và thấy lòng thảnh thơi, nhưng đằng này lúc nào tôi cũng thấy xốn xang khi nhớ đến gương mặt cúi xuống bên tôi ân cần, lo lắng. Tôi bắt đầu sự kiếm tìm bằng con đường bữa ấy. Tôi thận trọng rà soát tất cả các quán cơm bình dân hai bên đường. Quán cơm nào tôi cũng ghé qua. Rồi tôi cũng tìm ra em giữa hàng tỷ lượt người trong thành phố. Em tất bật thoắt ẩn, thoắt hiện giữa chốn ngổn ngang tô, chén, ly, chai, lon, phảng phất mùi bếp than tổ ong và những  gương mặt nhễ nhại mồ hôi chăm chú giải quyết đĩa cơm bày trước mặt. Đúng gương mặt như tôi vẫn hình dung, tuy không đầy đặn nhưng có chiếc mũi cao, thanh tú ở giữa đôi mắt to lấp lánh ánh nâu và cặp môi gợi cảm với nụ cười đáo để ẩn chứa đầy sự bí hiểm. Tôi gọi một suất cơm và em cũng chỉ dành cho tôi nụ cười đáo để ẩn chứa đầy sự bí hiểm như với thực khách khác. Không hơn. Hay em không nhận ra tôi? Còn tôi tin vào sự nhạy cảm của mình chắc như cầm trái bắp trong tay! Thế là tôi từ chối mọi cuộc nhậu (nếu không cần cho công việc làm ăn) để làm thực khách thường xuyên và trồng cây si ngay trong quán cơm bình dân của em. Mãi rồi tôi cũng biết, nhà em chỉ có hai mẹ con. Em từ ngoài Bắc vào thành phố thuê gian nhà ngót hai chục mét vuông vừa là chỗ ở cho hai mẹ con vừa mở quán cơm bình dân để nuôi con ăn học. Tôi xin em một cuộc hẹn hò. Hẹn hò nghiêm túc (về chuyện này tôi chưa bao giờ nghiêm túc như bây giờ). Em cười : “Tôi hơn anh những ba tuổi cơ đấy!” Tôi thừa biết em ám chỉ tôi là phi công trẻ! Tôi bảo: “Yên trí! Tôi không biết bay chứ đừng nói là lái. Mà nhìn kỹ xem. Tôi có phải là loại trẻ đâu!”. Những lần như thế, em không nói gì thêm chỉ tặng tôi nụ cười đáo để đầy bí hiểm vốn có. Gần hai năm trời, tôi vẫn nêu cao ý chí kiên định, không ngừng phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của mình và chờ mong một cơ hội.
Lại đã đến những ngày cuối năm, trời Sài Gòn bỗng hiu hiu lạnh bởi một chút gió bắc kéo theo lãng đãng sương giăng bàng bạc như khói, như mây. Từ con đường ven thị, những chậu mai đã lổ đổ hoa vàng hối hả theo người bán buôn cây cảnh nườm nượp vào nội đô. Chỉ vậy thôi cũng đủ biết mùa xuân đã đến rất gần. Thế là thời gian lại cho tôi một cơ hội nữa. Nhân dịp này, nhất định tôi sẽ chính thức ngỏ lời cầu hôn với em, bởi vì từ sau cơn mưa định mệnh ấy, giữa ba vạn chín ngàn chân dài mắt nai chỉ có hình bóng em là không hề phai nhạt trong tôi. Mấy thằng bạn đã tư vấn cho tôi nhiều cách tỏ tình, cầu hôn hay ho lắm. Nhưng có lẽ tôi chỉ nói với em câu nôm na tận đáy lòng như vậy thôi! Và tôi cũng không quên cám ơn ông Tơ, bà Nguyệt mặc dù họ đã chọn cơn mưa vào dạng khủng để làm mai mối cho tôi. Thì khi già cả ít ai lại không có đôi chút lẩm cẩm! Mà đôi khi, chút lẩm cẩm ấy lại rất đáng yêu!
HOÀNG PHƯƠNG NHÂM
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...