Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Thềm nhà nhạt nắng

 Thềm nhà nhạt nắng

Y Ling nhìn thấy Loan - cô sinh viên thực tập mà anh đang hướng dẫn ở bậc thềm nhà mình.
Có vẻ như cô bé đã đợi anh rất lâu. Vừa nhìn thấy Y Ling về tới cổng, cô bé đứng bật dậy, mắt lấp lánh, không giấu được sự mừng rỡ.
– Em chào thầy.
– Em đợi thầy lâu rồi đúng không?
Giọng Y Ling tỉnh như không. Bỗng dưng thấy bối rối. Thực ra Ling không muốn cô bé vào nhà. Chỉ cần hai cánh cửa mở ra, mọi sự ngổn ngang của quần áo, chăn mền, tất và đồ chơi của bọn trẻ bày đầy trong nhà sẽ không kịp giấu đi đâu.
Nhà đàn ông có hai đứa con. Nhà đàn ông không có vợ.
Ling cười gượng gạo:
– Em ngồi chơi. Để thầy rót nước mang ra cho. Trong nhà hơi nóng.
Nóng thế nào được so với ngoài sân. Khi cái nắng làm bỏng cả mặt sàn bê-tông, luống cải xanh trồng hôm nào bây giờ còn trơ lại những rễ, nằm gục trên nền đất khô không khốc. Cô bé có vẻ thông minh. Lẳng lặng ngồi xuống bậc thềm, mũi giày di di xuống đất.
Nhà văn Niê Thanh Mai
Ling vào nhà. Hơi lâu. Cơ bản để dọn dẹp vội vàng sách vở, đồ chơi và hằng hà thứ linh tinh của hai đứa con bày biện la liệt tối qua. Mười lăm phút sau đó, Ling mang nước ra sân cho cô bé.
– Uống nước đi.
Nhóm thực tập của cô bé mà Ling phụ trách có hai đứa. Cậu sinh viên nam thì chỉ hỏi bài trên trường. Còn cô bé thì chạy theo Ling suốt ngày. Hết xin dự giờ lại hỏi bài. Thậm chí hai ngày lại đến nhà Ling một lần. Ling ngại.
Những điều ấy không quan trọng. Điều Ling bối rối là con gái Ling. Năm nay học lớp bốn, hôm trước trong bữa cơm nó nhìn chăm chăm vào mặt ba, giọng nghi ngờ:
– Cha. Cha sắp có bạn gái à?
– Ai bảo thế?
– Chẳng ai bảo. Con thấy chị sinh viên của ba đó, đến nhà mình hoài. Chị đó muốn làm bạn gái của ba đúng không?
Ling sững người. Nó chờ một câu trả lời. Con trai Ling. Thằng bé sáu tuổi lập tức ngừng nhai, nó cũng chăm chú nhìn cha như chị. Ling cười mỉm:
– Rô này, Rô có thích ba có bạn gái không?
– Không.
– Còn chị H’Nang, con thích ba có bạn gái không?
– Không.
Con bé dằn dỗi. Ling vẫn cười:
– Đứa nào cũng không thích. Ba cũng đâu có thích. Chị đó là sinh viên thực tập. Chị chỉ đến hỏi bài thôi. Lần này là lần duy nhất được nói chuyện này. Ba không thích nghe đâu. H’Nang nhớ chưa?
Con bé yên lặng. Nó không trả lời. Không định hứa. Nhưng nét mặt đã giãn ra.
Y Ling không ngủ được. Câu hỏi của H’Nang cứ quay mòng mòng trong đầu. Ling muốn có bạn gái không. Lâu quá Y Ling không nghĩ đến điều đó. Kể từ ngày H’Sương bỏ đi. Khi đó Rô mới có sáu tháng, con bé H’Nang mới hơn ba tuổi. Thằng bé Rô khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm. Nó khát sữa mẹ. Nửa đêm, Ling bật dậy, lụi cụi pha sữa cho con mà thấy cổ họng mình đắng ngắt. Điện thoại H’Sương ò í e.
Rô một tuổi. Nó biết đi rồi biết chạy sớm hơn những đứa cùng tuổi trong xóm. Ling phải chạy theo thằng bé một ngày mấy chục lần. Bất kể người phụ nữ nào đi ngang qua nhà, Rô cũng chạy thẳng một mạch ra cổng, ôm chầm lấy chân gọi mẹ. Rô gọi lạc cả giọng, nước mắt nước mũi vòng quanh. Ling khổ sở đứng chôn chân nhìn họ bế thằng bé lên, vỗ về và trao nó lại cho anh. Những người đàn bà ấy luôn nhìn hai cha con bằng ánh mắt ái ngại.
H’Sương đi biền biệt. Cho đến ba năm sau đó thì đột ngột một buổi chiều quay về nhà. Nước hoa thơm lừng. H’Nang lôi em chạy quắn ra cổng đón mẹ. Ling lững thững ra mở cổng. Thấy nhói lồng ngực khi H’Sương ôm con bé H’Nang cười giả lả “Con gái mẹ à, con lớn quá”. Thằng bé Rô đứng cách một khoảng. Xa lạ. Nó không nhận ra người phụ nữ đang ôm chị nó kia là mẹ. Vì có lẽ nó có biết mặt mẹ đâu. Chỉ có H’Nang là còn nhớ.
Chiều hôm ấy H’Sương chở con gái đi phố. Thằng bé Rô ôm chặt lấy chân Ling nhìn theo bóng chị. Nước mắt giàn dụa, giọng khản đặc vì khóc nhiều. Lâu quá rồi Ling không chở con đi phố. Bao nhiêu tiền lương dành trả nợ xây nhà. Cũng chẳng có tâm trí nghĩ đến chuyện đưa con lên phố. H’Sương trở về, đưa mỗi con bé chị đi phố sau khi mặc cho nó váy áo. Mặc kệ thằng bé Rô ngơ ngác rồi giãy khóc. H’Sương muốn Ling phải phát điên.
Bao nhiêu lần Ling muốn phát điên vì H’Sương. Ngay từ khi hai đứa còn yêu nhau, lúc biết tin có thai, H’Sương nằng nặc bảo phá đi, cô ấy chưa muốn cưới xin hay vướng bận gì. Ling nài nỉ suốt mấy đêm. Con chúng mình đấy. Anh muốn cưới em. H’Sương cười nhạt. Không, tôi nghèo. Anh còn nghèo hơn. Sống mãi trong sự nghèo đói, vất vả cùng với anh thì tôi không muốn.
H’Sương không muốn nhưng cha mẹ đôi bên thì tha thiết lắm. Mà tục lệ của làng nếu phá thai thì phạt rất nặng. Phàm xuất hiện một sinh linh trong mình, phải sinh nó ra và nuôi dưỡng nó nên người thì mới được. Thế là cưới. Rồi con bé H’Nang ra đời, hai năm sau thằng bé Rô ra đời. Một mình Ling quần quật làm lụng nuôi cả nhà. Lương hằng tháng đưa cho vợ, nhưng chừng được mười ngày thì cô ta ném cái thùng đựng gạo ra giữa nhà. Chẳng còn gạo đâu. Anh làm thế nào thì làm.
Thì sang nhà đồng nghiệp mượn.
Rồi thì Ling làm thêm đủ mọi việc. Thậm chí tranh thủ giờ nghỉ để chạy xe ôm kiếm đồng ra đồng vào. Hễ đi thì thôi, về đến nhà, con thì đứa bò dưới sàn nhà, đứa khóc ngằn ngặt vì đói bụng, vợ nằm ôm điện thoại tựa vào thành giường, bếp núc lạnh tanh. Ling gằn giọng:
Đàn bà có cái việc nấu bữa ăn cho con mà cô không làm được à?
Tôi mệt. Anh cũng là người đẻ ra chúng nó mà. Mắng gì.
H’Sương sẵng giọng. Máu dồn lên mặt Ling đỏ phừng phừng. Ling đá tung cái nồi cơm ra sân, loảng xoảng. Hai đứa con hoảng vía khóc ầm ĩ. Cô vợ nhảy dựng lên, giọng đanh như tiếng xoong vỡ:
Anh muốn đánh tôi thì đánh đi. Sống với anh rồi chạy ăn từng bữa thế này, tôi sống không bằng chết. Chi bằng anh giết tôi đi cho tôi bớt khổ. Trời ơi.
Ling ngồi phịch xuống sân nhà, mặc kệ vợ tru tréo trong nhà. Mặc kệ hai đứa con khóc réo. Thấy ngột ngạt như bị nhốt trong bốn bức tường nhỏ hẹp, hun hút. Một ngày sau đó, cô ta bỏ đi cùng với một người đàn ông lạ.
Bao nhiêu năm rồi, Ling chẳng thể nào quên cái lúc ấy. Khi mà con bé H’Nang với tay theo đòi mẹ, khóc ầm ĩ. Khi mà cả người Ling cứng đơ không chút cảm xúc nào. Khi mà trời vần vũ nổi gió và chuẩn bị đổ mưa.
***
Dạo này H’Sương thường xuyên ghé qua nhà.
Ling mở cổng bằng vẻ dửng dưng khi cô ấy dừng xe trước nhà. H’Sương lướt cái nhìn qua vai Ling, giọng thân mật:
Bọn trẻ con đâu anh? Em nhớ chúng nó quá.
Cô nghĩ bọn trẻ con có tin cô không?
Ling cười khẩy. Thốt nhiên anh thấy lợm giọng như người đêm qua uống quá nhiều rượu, nhiều đến mức sáng hôm sau thoảng đâu cũng nghe mùi rượu. H’Sương lách người dắt xe vào sân, không trả lời. Nhưng cô đột ngột sựng lại khi thấy có một cô gái đang ngồi ở trong phòng khách, cặm cụi viết đến mức không biết cô vào nhà. Đến khi H’Sương hắng giọng thì cô gái mới ngước lên, hơi giật mình gật đầu chào.
Ling không buồn giới thiệu, anh để mặc H’Sương rồi tiếp tục trao đổi bài giảng với Loan. Mặc kệ cô ta đi lên nhà rồi xuống bếp, thong thả trong dáng vẻ của bà chủ nhà. Anh thoáng nhìn thấy ánh mắt bối rối, thấp thoáng buồn của Loan. Nhưng Ling im lặng. Có khi như thế lại hay, Loan thông minh, chắc anh không cần phải nói gì.
Khi Loan chào ra về, H’Sương đứng tựa cửa, nhìn theo với ánh nhìn giễu cợt:
– Bạn gái anh đấy sao? Quả non nhỉ!
Ling không buồn trả lời. Không biết từ bao giờ, Ling thấy sự xuất hiện của H’Sương nhạt nhẽo đến thế. Chỉ khác là hôm nay sao anh thấy lòng mình trống rỗng quá.
Cảm giác trống rỗng như của bốn năm trước. Khi H’Sương bỏ nhà đi với người đàn ông khác. Sau khi dỗ mãi hai đứa trẻ con mới lăn ra ngủ thì Ling thức suốt đêm, hết soạn bài giảng lại chấm bài kiểm tra. Đêm nào cũng thức, người gầy rộc và hai mắt sâu hun hút. Rồi những hôm người đột nhiên nóng phừng phừng, mồ hôi túa khắp nơi, chỉ thèm có người đàn bà ấp tay lên trán, lướt bàn tay qua vai, dụi vào ngực. Khi ấy, Ling nhớ quay quắt mùi hương thoang thoảng dịu dàng của H’Sương.
Hôm nay lại khác. H’Sương đứng ở đây, trong gian phòng khách nhỏ, nét mặt đã dịu đi thì Ling thấy lòng mình sao nguội lạnh thế. Thậm chí không còn sự căm giận như ngày nào cô quay về nhà lần đầu tiên sau khi bỏ nhà đi. Dạo này H’Sương rất thường xuyên về nhà, chăm mua đồ chơi cho bọn trẻ con. Thậm chí còn quét dọn nhà cửa. Nhà của Ling có vẻ như ấm lên. Bọn trẻ con mấy ngày trước thì xa lạ. Nhưng mỗi ngày, sự xuất hiện của H’Sương làm chúng nó quen dần. Thằng bé Rô đã chạy đến hỏi chuyện mẹ nó mặc kệ con bé H’Nang vẫn gườm gườm bằng ánh mắt nghi ngờ.
Ling thấy lòng mình ngổn ngang quá. Lúc Loan chào ra về với ánh mắt buồn ở bậc thềm, Ling đã nghĩ, hay là mình bảo với cô bé rằng người đàn bà ấy chỉ là mẹ của các con tôi thôi. Người đàn bà ấy không phải là người tôi yêu đâu em ạ.
Giá mà nói được như thế thì nhẹ nhõm biết bao!
NIÊ THANH MAI
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...