Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương: Tha hương

Truyện ngắn Nguyễn Thị
Mai Phương: Tha hương

Sau nhiều đêm trằn trọc không ngủ, Mẫn quyết định thực hiện chuyến đi ấy. Chuyến đi mà suốt mấy chục năm qua, nó luôn nhấm nhói trong lòng, luôn nhồi lên đầu Mẫn một câu hỏi: Không biết nơi ấy giờ thế nào? Hình như trong mơ hồ xa khuất lắm của kí ức, Mẫn vẫn nhớ một vài cảnh vật cụ thể, một bóng hình cụ thể.
Dù thế nào thì nơi ấy, mẹ đã treo cái cuống rốn của Mẫn trên chái bếp. Mẹ bảo, để đó gần lửa cho sáng dạ, cuộc sống sẽ đổi đời không tù mù như cuộc đời của mẹ. Nơi ấy, Mẫn lần đầu tiên áp má lên ngực một chàng trai bên gốc gạo già. Người làng bảo cây gạo có ma, nhưng Mẫn và Phong thì không thấy thế. Những lần trốn mẹ hẹn hò với Phong thức dậy bao rạo rực trong lòng Mẫn. Tình yêu đầu tiên đến lúc nào Mẫn không hề biết. Nó trong trẻo, man mác, rụt rè…
Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương
Mãi sau này khi lang bạt tận vùng thâm sơn cùng cốc, đêm đầu tiên làm vợ người thợ xẻ, Mẫn mới kinh hoàng nhận ra, tình yêu, nếu chỉ có xác thịt thì thật chẳng đáng tôn vinh. Không biết người đàn ông ấy giờ thế nào. Mẫn đôi lúc cũng tự hỏi thế, nhưng cuộc sống lam lũ vật lộn với áo cơm đã cuốn phăng đi mọi ý nghĩ. “Mẹ đi bao giờ về?” – Cô con gái cất tiếng hỏi làm Mẫn sực tỉnh. “Thì chừng nửa tháng, đường xa cũng thấy ngại. Mấy bố con ở nhà nhớ để ý không chết hết gà, lợn đấy”. “Mẹ thì, người chả lo, lo gà lợn, hay cho con đi nữa, con chưa biết quê ở đâu”. Lời đứa con gái nói bỗng làm Mẫn ứa nước mắt. Đã bao giờ Mẫn có đủ tiền để cho chồng con về quê lấy một lần. Mà quê đâu còn ai. Mẹ khuất núi từ ngày Mẫn còn ở làng, người cậu sinh toàn con gái cũng ra đi sau đấy vài năm. Ngày Mẫn đi, muốn nhắn lại hai đứa em họ là trông nom mộ mẹ và cậu thì cũng phải nhắn qua hàng xóm. Mẫn cũng không ngờ chuyến đi dài đến thế, hai sáu năm. Con gái Mẫn năm nay đã hai mươi tuổi, nhưng bị tàn tật, teo một chân từ nhỏ, cậu con trai mới học lớp mười. Cuộc sống còn thiếu thốn, ăn dè buộc túm nên Mẫn cứ dụi dọ, tất tưởi. Điều đó làm Mẫn quên luôn phần đời mình ở cố hương. Mà đã nghèo thì họ hàng hình như cũng quên luôn Mẫn đi, chẳng ai nhớ đến, chẳng ai đến thăm Mẫn bao giờ. Hai đứa con nhà cậu cũng chẳng dư giả. Thư từ vài năm thì đứa em họ bảo, chị cứ yên tâm làm ăn, lúc nào có điều kiện thì về, em vẫn thắp hương mộ bá đều.
Sống về mồ về mả, ai sống cả bát cơm – dân gian bảo vậy, dù biết là bất hiếu, nhưng Mẫn không thể mang mẹ theo. Đêm đêm, trong suốt bấy nhiêu năm, Mẫn vẫn nhớ hơi ấm của mẹ, nhớ cảnh đêm mưa nhà dột rúc nách mẹ ngủ ngon lành. Mẫn nhớ lúc nằm dài trên bãi cỏ giữa cánh đồng cùng lũ trẻ làng hú hét thỏa thích. Mùi gió đồng thơm mát. Bầu trời trong veo. Giờ đây, mái tóc Mẫn dường như còn hơi ấm bàn tay chàng trai cùng làng và da thịt dường như còn cái đau đớn tủi hổ của trận đòn roi năm ấy… Mẫn cho nốt mấy bộ quần áo vào túi xách, rồi dằn lòng nói với con gái: “Đợi sang năm nhà mình khấm khá, em nó nghỉ hè thì cả nhà bắt xe về”. Mẫn nói vậy chứ chính Mẫn cũng không biết có làm được vậy không.
Người lái xe ôm ngoài quán chợ xịch đến. Mẫn vội vàng nhấc túi quần áo rồi dặn với: “Mấy bố con nhớ tôi dặn chưa, tôi đi rồi về ngay”. Bóng tối quấn theo bánh xe. Phải hơn mười cây số mới ra đến đường to bắt xe ngược về Bắc. Xe đi suốt đêm để sớm mai ra đến miền Trung. Mẫn ngồi trên xe mà đầu óc phập phềnh.
Chuyến xe giường nằm chật lèn. Mẫn ngồi thu lu ôm bọc quần áo. Hình như Mẫn bị choáng. Trong ánh sáng mờ đục như sương mỏng, Mẫn thấy hình như mình ngồi chung ghế với một người đàn bà chừng ba mươi tuổi bế theo đứa con nhỏ. Đứa bé có nước da xanh bủng, còn bà mẹ dáng vẻ tiều tụy. Mẫn ngủ gà gật. Ánh đèn xe mờ ảo hắt lên những khuôn mặt mệt mỏi. Có ai đó hút thuốc, mùi khét loang khắp xe. Mẫn ngồi thu mình lại cho người đàn bà bên cạnh bế con. Mẫn cho đứa nhỏ cái bánh, nó cầm lấy mỉm cười. Đang thiu thiu ngủ, chừng một hai giờ sáng, Mẫn giật thột, có cánh tay sờ vào túi mình. “Này, chị làm gì thế.”- Mẫn ngạc nhiên hỏi người đàn bà. “Em tìm tiền, rõ ràng em thấy nó ở đây mà, thật đấy, em vừa đánh rơi…”. “Đâu, rơi khi nào?” Mẫn cúi xuống gầm ghế xe lục lọi, tay không quên ôm khư khư túi quần áo sợ mất trộm. “Đây rồi, biết ngay mà. Này chị, có nhiều tiền là biết ngay lòng dạ người ta tốt hay xấu mà, tiền là thước đo đấy, chị nhớ chưa, hì hì…”. Mẫn nhìn thấy vệt sáng xanh lẹt chạy qua đôi mắt người mẹ trẻ. Mẫn chả hiểu chị ta nói gì, chỉ biết tiền đúng là làm người ta khốn khổ, quay cuồng. Không có tiền thì bỏ cả quê hương như Mẫn đây. Ngủ chập chờn, đầu óc mộng mị, Mẫn chẳng biết trời sáng từ khi nào. Ghế bên trống hoác. Người lái xe càu nhàu: “Cái bà này buồn cười, đường xa, đã nhường cho hai ghế mà nằm thì lại ngồi thu lu một xó suốt đêm”. Mẫn hỏi về người phụ nữ bế con nhỏ bên cạnh. Lái xe trố mắt: “Làm gì có ai, phụ nữ nào, lên từ đầu bến à?”. Một loạt tiếng xì xào. Một lúc thì cậu bé cuối xe nói với lên: “Chị ta chết lâu rồi, mộ ở bãi đất đầu quán chợ ấy”. Cả xe lặng phắc. Cậu bé nói tiếp: “Xưa kia, chị ta là người nơi khác đến, vốn là người giúp việc cho một nhà giàu có nhất vùng này, nhà chủ mất tiền, đổ cho chị ta lấy trộm. Không ai tin chị ta vô tội nên ngay đêm ấy, chị bế theo đứa con nhỏ mới hơn một tuổi nhảy cầu tự tử”. Mẫn rùng mình. Chả biết hư thực ra sao, mình vừa ở cõi trần hay cõi nào. Chả biết ma hay người trên cái xe này. Mà có khi chồng Mẫn nói đúng, xã hội bây giờ con người và ma quỷ cứ lẫn lộn, thực hư. Rồi Mẫn thoáng tin rằng, linh hồn mẹ đã luôn đi theo Mẫn bao năm tha phương cầu thực, sưởi ấm cõi lòng nghèo nàn của Mẫn. Và dù cả đêm mộng mị, say xe vật vã, Mẫn vẫn nhớ rằng, mọi cư xử quê mùa của cái xứ Mẫn sinh ra vẫn còn trong người mình.
***
Mẫn nằm xuống vệ cỏ ngay cái cống nước đầu làng. Ôi, ngôi làng mà Mẫn vẫn thương nhớ đây rồi. Cái cống nước chảy từ đồng ra sông này, bọn Mẫn thường tụ tập ngồi trên cống nhìn cái xoáy nước khổng lồ kêu ùn ụt vào ngày mưa lũ. Nước chảy qua tầm cống dài mấy chục mét rồi đổ ra cửa sông. Hai cánh cống bằng thép được xây lắp từ thời Pháp tự động đóng hoặc mở tùy theo con nước. Cống nước đổ ra cửa sông có một đoạn bờ dựng đứng, cỏ mọc um tùm. Có lần, Mẫn đã liều mình bám vào từng cây dại trườn xuống cửa cống để cắt cỏ, hái hoa. Đứng xuống dưới những tảng đá đầy rêu thẫm, nhìn lên, Mẫn thấy thật đáng sợ. Bờ đê trên kia chênh vênh. Chỉ sơ sẩy một cái là có khi rơi xuống. Mẫn cắt được khá nhiều cỏ và lá duối, buộc vào thắt lưng rồi leo lên, mấy bông hoa dại tím biếc cài vào hai vành tai. Lưng chừng vách cỏ, Mẫn áp má vào cỏ nhìn ra mặt sông. Cảnh tượng chưa từng có. Cả mặt sông dập dềnh đỏ rực hoa gạo. Màu đỏ duyềnh lên cao như lưng trời. Mẫn hét lên một tiếng, âm thanh vọng vào cống vang vang. Mẫn nghĩ, nếu mình buông tay xuống, là sẽ trôi giữa hai vách cỏ xanh ngợp để ra chỗ mặt sông hoa đỏ kia. Mẫn chưa từng thấy bộ phim nào có cảnh hoành tráng đến thế. Bao năm nay, Mẫn luôn nhớ cái khung cảnh ấy.
Nhưng giờ đây, sau một thoáng xúc động, Mẫn nhìn lại, hình như mọi thứ đã quá đổi thay. Rặng cây gạo không còn. Vách cỏ ngày xưa xói lở, trên đó là những bức tường bê tông phân ranh giới giữa nhà dân và cái cống. Lối đi nhỏ ngập phù sa giờ không còn. Ngay gần cống là đống rác to đùng. Xóm chợ đã mọc ngay bên trên đê từ bao giờ không biết. Cửa cống rêu mọc hoang tàn. Dòng nước từ ngòi làng đục ngàu, còi cọc trôi vào miệng cống. Từng đám rác đọng lại, bốc mùi hôi thối. Mẫn nhìn ra xa, khung cảnh đã hoàn toàn khác biệt. Làng lỗ chỗ nhà cao tầng, nhà ống. Không có cái mùi thơm của cỏ bạc hà trong gió nữa. Mùi cống nước thải của thành thị đã tràn về đây. Mẫn ngồi dậy, sợ người ta qua đường lại nhìn mình như kẻ điên. Lạ thật. Mẫn ngồi ngay trên cái cống nước của làng lại cứ thấy nhớ cồn cào cái cống thân thuộc ngày xưa. Mẫn đi đến bến Đá, nơi bọn con gái ngày xưa tắm táp, rửa rau cỏ mỗi chiều. Những tảng đá xanh đã biến mất. Nước cạn, trơ ra những hốc đá lồi lõm. Cạnh đấy, một khu đất lở loét được quây lại chăn đàn vịt vài trăm con. Mùi phân vịt tanh lợm. Mẫn còn nhớ, chỗ chân cây cầu gỗ, mấy chị em Mẫn hay ngồi chơi. Mùa lụt, nước ngập sát mặt cầu. Những tấm ván ghép mặt cầu bị nước làm cho long ra. Chẳng may dẫm chân lên tấm ván đang nổi trên nước ấy là sẽ rơi tõm xuống nước. Mẫn ngồi trên thành cầu, cho hai chân xuống nước đập bì bõm. Dù bơi chả được bao xa, Mẫn cũng dám thả mình xuống chỗ nước ngập đầu rồi bơi vào. Đoạn ngòi này là thiên đường của chị em Mẫn. Trưa nào cũng tắm, đùa nhau chí chóe. Có lần nước rút, nước chảy xiết qua mấy cái chân cầu gỗ. Mẫn ôm cột cầu, lao theo đường chéo sang cột bên kia. Có hôm nhắm trượt, trôi theo nước mấy chục mét. May mà tóm được bụi cây dành dành thoát thân, không thì béo lũ cá. Vậy mà lần ấy, con bé Nụ ngã nước, Mẫn dám xô ra kéo nó vào. Nụ tóm chặt cổ Mẫn, suýt nghẹt thở. Mẫn ngụp xuống lấy hết sức đẩy nó vào, hai đứa vật qua vật lại. Vào bờ, Mẫn xỉu luôn vì quá mệt, Nụ nôn ra nửa thau nước. Người lớn xanh mắt, cứu chết đuối mà không làm người đuối nước ngất đi mới kéo vào bờ thì có ngày chết theo…
Mẫn lội qua bờ cỏ xuống khu sân đình. Giờ này sao làng vắng hoe. Sân đình rêu phong, những mái ngói đã rệu rã. Bên cạnh đấy là một gian thờ cũng mới làm rất hiện đại, nhưng nhìn thì không ăn nhập chút nào. Mẫn nhìn quanh. Không thấy hàng cây duối cụ đâu. Gọi cây duối cụ vì cây rất sum suê, chỗ gốc cây còn tạo thành cái hang có vòm hẳn hoi. Người ta đồn rằng có con rắn trắng mào đỏ khổng lồ sống trong hang ấy. Đó là một vị thần. Ai động đến nó sẽ chết đột tử, không thể cứu chữa. Vì thế mà mô đất ngay cửa hang cứ đùn cao mãi lên, tán lá ngày càng rậm rịt quấn vòng, che phủ tạo thành một lùm cây khổng lồ huyền bí. Mùa duối chín, quả dát vàng mọng mà không ai dám hái. Nhưng chỉ qua vài đêm, những quả chín biến mất, trên mặt lá còn lại một lớp keo dinh dính, nhơn nhớt. Người làng bảo rắn thần ăn và đánh dấu nhà của mình bằng nọc độc. Thế nên trâu bò cũng không được ăn lá duối, ai cũng tránh xa chỗ đó.
Mẫn nhớ rõ, đêm ấy, sau giấc ngủ dài, Mẫn vùng dậy dắt xe đạp, chất bao thóc lên và đạp sang làng bên xát gạo. Mẫn mê mải đạp, chỉ thoáng thấy trên đường ánh sáng có vẻ ướt. Đến nơi, quán xát gạo vẫn đóng cửa. Đợi mãi, không có ai mở cửa. Mẫn gối đầu lên bao thóc, gác chân lên cái xe nằm ngủ.
Người đàn ông đội nón tốt đỏ, chân quấn xà cạp cầm cái giáo dài thúc vào sườn Mẫn bảo: “Ê, nhóc con, ngủ nhà của ta mà không xin phép à. Nửa cái nhà chìm trong nước rồi, chủ quán này có mắt như mù”. Mẫn dụi mắt rồi ngủ tiếp, chẳng trả lời mà cũng không sợ hãi, hai mắt cứ díp lại. Lúc bác chủ quán xát gạo ra mở cửa kêu lên thì Mẫn mới choàng tỉnh. Ngồi một lúc, Mẫn mới biết khi nãy, cái nón tốt ấy ở trong mơ. Mẫn kể lại cho bác xát gạo. Ông ấy tròn mắt, liên tục bảo, thật à, thật không. Có vẻ gì sợ sệt trong giọng nói. Lúc ấy Mẫn chưa biết rằng, ngay dưới chân cái quán xát gạo, sát mép nước là mộ của một người lính dõng vô danh. Tuần sau cái quán sập, người ta đào bới nền đất, thấy bộ hài cốt ngâm trong nước, bên cạnh có lưỡi giáo hoen rỉ.
Mãi sau Mẫn mới được bà nội kể lại. Còn hôm đó, Mẫn xát xong gạo đạp xe về trời vẫn chưa sáng. Trăng suông nên Mẫn không phân biệt được. Túi cám Mẫn để giỏ xe, còn mấy cân gạo Mẫn chằng dây chun đằng sau. Đi đến gốc gạo giáp ranh giữa hai làng, Mẫn nhìn thấy một bà lão gầy gò, mặc quần lụa ống quăn tít, đội nón mê đứng đó. Bà xin đi nhờ. Mẫn thoáng băn khoăn vì không biết để bao gạo đâu. Bà lão nói sẽ ngồi lên bao gạo của Mẫn. Mẫn đồng ý, đạp xe đi. Được một đoạn, Mẫn thấy xe nhẹ bẫng, một luồng gió lạnh phả dọc sống lưng. Mẫn ngoái đầu lại, hai cái ống quần phơ phất bay, nhưng không thấy chân bà lão. Mẫn bắt chuyện, không thấy bà trả lời. Cố đổ hết cái dốc thì Mẫn dừng lại. Ô hay, bà già đã nhảy xuống xe từ khi nào. Mẫn nhìn ra xa, bà đã khuất vào bụi duối cụ, cái nón hở ra mỗi chóp nhọn. Mẫn chột dạ, không biết người hay ma? Mọi người bảo đoạn đường Mẫn vừa đi nhiều ma lắm, không ai dám đi đêm. Mẫn về đến nhà thì trời tang tảng sáng. Chó nhà thấy Mẫn sủa rú lên. Mẹ chạy ra kêu thất thanh vì thấy mặt Mẫn tím ngoét, tay chân lạnh cóng dù đang mùa hè. Sau đấy bà nội kể cho Mẫn rằng, đình làng thờ Thành hoàng, vốn là một bà lão ăn mày. Năm ấy đói lắm, nhiều nhà trong làng đã nhịn cả mấy ngày. Đêm nọ, bà lão ăn mày vào làng, khoác theo một tay nải gạo. Bà chia cho mỗi nhà một nắm nấu cháo qua cơn đói. Sau một đêm ăn no ngủ say, sáng dậy thì mọi người thấy bà lão ấy đã hóa ở góc thềm. Chỗ gạo còn lại nuôi được lũ trẻ qua đận đói. Người làng chôn cất rồi tôn bà làm Thành hoàng, thờ ở ngoài đình. Người ta vẫn bảo đêm đêm, ai chở gạo đi qua đường đê bà lại xin một ít cho làng. Phải thế chăng mà làng năm nào cũng được mùa, thóc gạo đầy sân. Mẫn giờ mới thấy sợ. Mỗi khi nghĩ đến luồng hơi lạnh sau lưng và hai cái ống quần bay sau xe Mẫn sởn hết da gà. Bà đồng trong làng bảo rằng Mẫn sẽ khổ lắm, ai bảo biết những điều không nên biết, sau này sẽ đi biệt xứ chả có tiền mà về quê.
Mẫn nghĩ, bà ấy nói đúng thật đấy. Sau đêm hẹn hò với Phong ngoài gốc gạo đầu làng, hai đứa kéo nhau về đầu điếm. Mùa rơm rạ mới thơm nồng. Phong bốc từng nắm rơm đáp về phía Mẫn. Mẫn chạy vòng quanh gốc cây hồng pháp. Phong túm tay kéo mạnh, cả hai ngã dúi xuống đụn rơm êm xốp. Vồng ngực Mẫn nóng rực, gấp gáp kề ngay khuôn mặt đang tê dại của Phong. Và rồi, chẳng biết ma lực nào xui khiến, hai người như tan đi trong những nụ hôn dài, Phong say mê vùi mặt vào hai bầu vú Mẫn. Mẫn chỉ cảm thấy mình tan ra ướt đẫm, rồi trôi trên thảm rơm bồng bềnh ra mãi cửa sông. Mùi rơm sực nức. Bỗng có ánh đèn pin, rồi tiếng quát lạc giọng: “Ai? Ai làm trò gì đấy hả?”. Hai người vội vã rời nhau Mẫn hoảng hốt đưa tay tìm khuy áo. Trời đất, mẹ Phong. Bà rú lên, cầm cái gậy hèo quật tới tấp vào người Phong: “Thằng mất dạy này, cha mẹ ơi, chúng mày làm trò gì thế hả”. Phong cuống quýt ôm lấy mẹ: “Mẹ, mẹ nói nhỏ thôi, con và Mẫn yêu nhau… Mẫn, em về đi…”. Bà mẹ gào lên: “Ai cho mày thế hả? Con bé kia, tránh xa con bà ra. Đồ con nhà mất nết kia”. Mẫn tủi hổ, vấp lên vấp xuống chạy vào bóng tối. Người làng đã lác đác có người đến. Mẫn về chúi trong xó bếp khóc như chưa bao giờ được khóc.
Ở làng, không có việc gì có thể giấu được. Tiếng đồn xi xao khắp ngõ trên xóm dưới. Mẹ Mẫn ê mặt, cả ngày hôm sau ở nhà chửi rủa Mẫn hết lời. Mẹ Mẫn ầng ậng nước mắt bảo: “Trời ơi, con dại cái mang, mẹ bảo mày rồi, đừng có dây vào nhà ấy cơ mà”. Mẫn đau đớn khi nghe lũ trẻ con trong làng kháo nhau rằng: “Vú con Mẫn trắng lắm, thằng Phong thế mà khiếp…”. Phong bị nhốt trong nhà dễ hàng tuần lễ. Ngày Phong trốn được ra, đập đập tay vào vách bếp nhà Mẫn thì Mẫn sợ hết hồn, thì thào trong nước mắt: “Anh về đi, em và anh hết rồi”. Hàng tháng, Mẫn tránh mặt Phong, đi đâu Mẫn cũng bị người làng xì xèo. Phong tìm mọi cách nhắn nhủ lời xin lỗi. Mẫn chỉ ứa nước mắt tủi hờn, cái nón sụp xuống che mặt.
Mẹ Mẫn ốm nặng rồi qua đời. Phong ngấp nghé ngoài ngõ muốn đến chia buồn, nhưng cũng không ai trong nhà Mẫn đồng ý. Cậu Mẫn trừng mắt: “Hai đứa ngu này không biết vì cái nhà ấy mà mẹ mày phải sống đời khổ nhục thế sao?”. Chôn cất mẹ xong, cậu mới cho Mẫn biết rằng mẹ cô vốn đẹp gái nhưng tính tình chảnh chọe nên đã lớn tuổi vẫn chưa có chồng. Chính ông bác ruột của Phong đã rủ mẹ Mẫn đi khỏi làng trong một đêm mưa lớn. Tuần sau thì người đàn ông ấy về, còn mẹ Mẫn thì không. Cả họ xúm lại hỏi thì ông ta bảo không biết, thích thì theo, không thích thì thôi. Cuối năm ấy, mẹ Mẫn về, ôm theo đứa bé nhăn nheo khát sữa. Cả làng cả xã ồn lên thêm thắt vào câu chuyện, khiến nó li kì hơn. Mẹ Mẫn từ đó sống mà như chết. Câm lặng và nhẫn nhịn, cua ốc quanh năm suốt tháng nuôi con. Vậy mà lạ lùng, từ nhỏ đến lớn Mẫn không được ai kể cho điều gì. Không rõ Phong có biết? Qua lời cậu, Mẫn mới biết, người đàn ông ấy và cả làng đã quỳ trước mặt mẹ Mẫn xin tha lỗi khi biết được Mẫn là đứa bé bị bỏ rơi ở chùa, mẹ Mẫn xót thương xin về nuôi, cũng để nuôi hi vọng có chỗ dựa sau này. Họ biết điều đó khi một ngày mưa gió, vị sư già từ đâu đến làng tìm mẹ Mẫn. Những kẻ vẫn thì thụt đêm đêm áp tai vào vách nhà người đàn bà côi cút để đơm đặt đã nghe được câu chuyện của nhà sư và mẹ Mẫn. Mẹ đẻ Mẫn chết rồi, không còn cơ hội nào quay lại tìm con, nên Mẫn hoàn toàn thuộc về mẹ, thuộc về nơi này. Mẫn đã khóc bao nhiêu ngày sau khi mẹ mất. Nếu biết mẹ đã hi sinh như thế, đã bỏ phí đời con gái để nuôi mình thì Mẫn sẽ khác. Mẫn sẽ không vòi vĩnh, ngang bướng gì mẹ hết, cũng sẽ không tơ màng gì Phong cả. Mẫn sẽ không bao giờ làm mẹ buồn. Đến lúc muốn chuộc lỗi thì còn mẹ nữa đâu mà chuộc – nghĩ thế nên Mẫn cắm đầu làm lụng nuôi con, nuốt tủi buồn vào lòng mong mỏi một ngày trở về thăm mộ mẹ.
Ai như chị Mẫn phải không? Có tiếng người hỏi. Mẫn sực tỉnh. Cô Ngần thì phải, sao đã già thế, tóc bạc trắng. Vâng, cháu Mẫn đây, cô Ngần ạ, tóc cô…? Già rồi cháu ơi. Mày sống thế nào mà mất tăm thế cháu, chẳng cả về quê? Vào nhà cô ăn cơm, rồi sang nhà con Bống sau, chúng nó đi buôn hết giờ chẳng ai ở nhà đâu, con Nga đi Đài Loan rồi còn đâu. Vâng, cháu ra mộ mẹ đã.
Hai người đàn bà ôm chặt nhau tủi hờn, nước mắt trào ra. Cô Ngần góa chồng từ hồi Mẫn ở làng, thi thoảng cô vẫn qua cho mẹ con Mẫn con cá, mớ rau. Cô Ngần thoăn thoắt dẫn Mẫn ra khu đồng Ổ Cá ngày xưa. Những cái mương ngập lút cỏ hồi trước giờ được xây bê tông, mép phẳng lừ, trâu bò trượt chân bị thương như chơi. Quả đồi đầy cỏ dại và sim mua ngày trước đã biến mất. Mộ bia san sát, xây đủ màu sắc như một thành phố tí hon cho người sống vậy. Một nấm cỏ lọt thỏm giữa những ngôi mộ mái vòm mái vát. “Ối mẹ ơi, đứa con bất hiếu của mẹ đây!”- Mẫn rú lên rồi gục xuống ôm nấm mồ khóc như mưa. Mẫn nhổ cỏ, bày mấy quả cam lên đỉnh mộ thắp hương và kể lể nguồn cơn, bao nhiêu chuyện cất giấu trong lòng giờ mang ra nói với mẹ. Tiếng gió rít trên đầu như cổ vũ lời của Mẫn. Niềm xót xa ân hận dồn tắc ứ trên cổ Mẫn. Cô Ngần giục về, mẹ mày linh thiêng khắc biết mày thế nào, cuối năm tao bán bò có tiền sẽ xây cái đế mộ cho mẹ mày, chị em thương nhau ở làng này có nhiều đâu. Mẫn tủi thân sụt sịt, bước thập thõm theo cô. Nhà cô Ngần đã xây bê tông khang trang, thằng con trai lấy vợ ở rể làng bên, con gái cô đi làm công nhân tối mới về. Thi thoảng có người làng đi qua gọi với vào, có khách à bà Ngần ơi. Cũng có người nhớ Mẫn, nhưng nhìn Mẫn ngơ ngác, ăn vận chẳng lấy gì làm sang trọng, họ cũng không thiết chuyện trò. Mẫn ăn cơm nhà cô Ngần. Hai cô cháu ngồi nói đủ thứ chuyện, cô trách người đâu vô tâm vô tính, đi bao năm không về, không thư từ gì, ít ra cũng phải được lời nói. Mẫn gục mặt, miếng cơm nghẹn ứ. Từ giờ, Mẫn chính thức nhờ vả cô Ngần trông coi mộ mẹ. Mẫn lấy ra tờ hai trăm ngàn dúi vào tay cô Ngần. Cô Ngần chối phắt, thôi tao chả lấy, mày chẳng giàu có gì, nếu không đã chả đi một mình về đây. Cầm lấy nuôi con. Mẫn im lặng. Mẫn mong gặp cái Bống. Cô Ngần lắc đầu, nó vỡ hụi to lắm, có khi còn phải bỏ xứ mà đi ấy chứ. Làm ruộng không thể giàu được, nhưng nó thích giàu, buôn bán thực phẩm chức năng dạng đa cấp ý, vay nhiều tiền lắm, giờ mới vỡ ra là nợ hàng tỉ đồng, chả ngày nào không có người đến đòi nợ, dọa chém dọa giết. Nó bỏ trốn rồi, chồng con cũng chẳng biết đã đi đâu.
Mẫn thở dài, cứ nghĩ, trở về, Mẫn sẽ ôm chầm lấy mấy cái thân hình ruột thịt ấy mà khóc, mà hàn huyên, ai ngờ sự tình lại thành thế này. Mẫn giục cô Ngần đưa sang nhìn căn nhà của chị em Nga Bống. Cánh cổng sắt khép im ỉm. Bìm bìm hoa tím leo dọc bờ tường. Đàn bướm trắng bay xi xao. Nhưng tuyệt nhiên Mẫn không thấy gợi lại chút gì thân quen, mọi thứ đã quá khác với ngày xưa. Nền đất căn nhà mẹ con Mẫn ở ngày trước giờ là cái xưởng may bao bì máy chạy rầm rầm. Cạnh đó là đống rác ni lông đang nham nhở cháy. Mẫn tha thẩn đi dọc đường làng, gặp ai cũng hỏi, cũng chào, nhưng chẳng ai còn nhớ Mẫn. Người già không ra khỏi cửa, trẻ con ở đường không biết Mẫn. Mẫn cố gắng nghe xem có tin gì về Phong không, nhưng hầu như không biết gì thêm về việc Phong đã rời bỏ quê hương.
Mẫn lang thang đi tìm gốc gạo đầu làng hồi ấy. Nhưng hầu như cảnh sắc đã quá khác. Không có cây cối gì, chỗ gốc gạo xưa là cây cầu xi măng bắc ngang con ngòi nhỏ. Cạnh đó chi chít ao nuôi cá. Giờ họ nuôi cá theo kiểu mô hình nuôi lợn thả vịt lấy phân cho cá ăn, mùi thối nồng nặc trong không gian. Nước nổi váng lên màu xanh lạ lùng. Mẫn nhắm mắt, nghĩ giờ mà ngã xuống kia chắc chết, không còn bơi tung tăng như trước nữa, không chết đuối thì chết vì nước phân.Vết thương tủi nhục cũ chợt nhói lên. Chỉ chút thôi. Có lẽ, những cơn gió giờ cũng đã hoàn toàn khác. Lần đầu tiên Mẫn cảm nhận rõ là mình đang nhớ lão chồng ẩm ương và lũ con khờ dại, Mẫn muốn trở về với họ. Xứ ấy chẳng có kỉ niệm ngọt ngào của Mẫn, nhưng chí ít Mẫn được tồn tại, được sống với những yêu thương, bực tức thường nhật của một con người. Mẫn dang hai tay trước bãi cỏ cuối làng hít một hơi thật lớn. Nhìn đám lá khô bay tả tơi Mẫn chợt nhận ra, mình chẳng thuộc về nơi nào cả. Mẫn cứ đi chênh vênh giữa kí ức và thực tại. Mẫn tha hương ngay trên đất quê mình. Cố hương bỗng xa lạ, lạc lõng đến thế. Nếu không có mẹ, chắc Mẫn không còn dịp trở về để thấy điều đó.
Mẫn quỳ lạy bên mộ mẹ lần cuối rồi về nhà cô Ngần, mong hết đêm để mai bắt xe chuyến sớm về nhà. Cả đêm, cô Ngần cứ rì rầm to nhỏ, chuyện cũ chuyện mới. Nhớ sang năm lại về nhé, về xây mộ mẹ rồi cho cô theo ra nhà chơi – tiếng cô Ngần nghe xa như như gió. Mẫn khẽ vâng rồi lạc vào bao ý nghĩ. Cô Ngần ghé sát miệng vào gáy Mẫn, thì thào. Mẫn nghe mà như trôi trên thảm cỏ đắp lên đời mình.
Tháng 3-10.2018
NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...