Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Lại Văn Long: Kính thiên văn

Truyện ngắn Lại Văn
Long: Kính thiên văn

“Hãy nhìn lên những ngôi sao và không nhìn xuống chân mình”… Bố tôi coi câu nói nổi tiếng của nhà bác học Stephen Hawking là tuyên ngôn khoa học và mục tiêu cả đời mình. Hơn ba mươi năm miệt mài “nhìn lên những ngôi sao”, bố đã đạt được giải thưởng được coi là “Nobel” của thiên văn học, tên bố được đặt cho một ngôi sao mà bố đã phát hiện và tìm ra quy luật vận động của nó. Bố được nhiều đại học danh giá của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… phong học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư. Báo chí trong nước, quốc tế thường xuyên nhắc đến những phát biểu rất “đỉnh” về thiên văn học của bố, về những công trình nghiên cứu đã đưa tên tuổi bố vào những vì sao bất tử…
Nhà văn Lại Văn Long
Khi tôi thi đậu khoa vật lý thiên văn, ngay buổi sinh hoạt đầu tiên, thầy trưởng khoa cầm bảng danh sách tân sinh viên đọc từng tên rồi hỏi:
– Thân Trọng Hoàng có phải là con giáo sư Thân Trọng Đằng?
Tôi đứng lên khép nép gật đầu, lí nhí “dạ”. Thầy reo lên:
– Tuyệt, giáo sư Trọng Đằng là người hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ! Thật vinh dự khi con của thầy tôi chọn khoa này!
Gần trăm tân sinh viên và hơn chục thầy cô giáo của khoa đồng loạt ồ lên rồi nhìn tôi bằng ánh mắt kinh ngạc. Tôi bỗng sợ hãi đến rủn chân!
Bố đã vận động tài trợ quốc tế để xây dựng nên đài thiên văn tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Công trình tao nhã nhưng sang trọng được đặt trên đỉnh núi cao 350 m so với mặt biển phía Đông; Nam – Bắc là làng mạc, đô thị và chân trời phía Tây bóng dáng hùng vĩ mờ ảo của dãy Trường Sơn. Nhiều nghiên cứu sinh là học trò của bố vì quá thần tượng và cả muốn nịnh sư phụ nên xúi:
– Thầy đã nỗ lực suốt mấy mươi năm, cái đài thiên văn này mang tên thầy là hợp lý!
Bố tôi mỉm cười lắc đầu, không phải vì khiêm tốn mà vì kiêu ngạo. Danh đã gắn với vì sao bất tử giữa vũ trụ vô cùng vô tận, ông còn thèm khát gì sự hữu hạn của một công trình nhân tạo nhỏ bé.
– Nên đặt tên “Hoa Sen” cho ước mơ khoa học này!
Bố tôi nói với các đồ đệ trung thành bằng ngôn ngữ từ tốn, nét mặt thánh thiện, phong cách thanh cao hệt như bức họa về Đức Khổng Tử dung dị mà cao siêu giữa các học trò được lưu truyền trên sách báo. Mùa hè sau năm học thứ nhất, lớp tôi được ra thực tập ở đài Hoa Sen vừa xây dựng xong, mới đi vào hoạt động hai tuần. Từ trưởng, phó khoa đến các thầy cô đều sung sướng, tự hào khoe với sinh viên về sự ưu ái mà bố tôi – nhà thiên văn nổi tiếng đồng thời là ông chủ của đài Hoa Sen đã dành cho khoa vật lý thiên văn này. Tôi được nể trọng hơn nhờ hào quang của bố!
Đoàn thực tập về lại Sài Gòn sau ba ngày quần bố tôi mệt đến bở hơi tai. Tám trợ lý, nhân viên của bố cũng phải làm việc hết công suất để phục vụ cho hơn trăm con người đang háo hức nghiên cứu các vì sao qua kính thiên văn hiện đại. Bố mệt nhưng rất vui vì đã hoàn thành vai trò làm “lực hấp dẫn” cho các ước mơ bay đến chân trời khoa học bao la, kỳ bí. Bố là người thầy tài ba, tận tụy được cả đoàn thực tập ngưỡng mộ, trọng vọng. Mái tóc nghệ sĩ bạc quá nửa và gương mặt mãn nguyện của bố như được tưới thêm hạnh phúc khi chỉ còn hai cha con, tôi mở loa cho bố cùng nghe cú điện thoại của mẹ từ Sài Gòn:
– Bố con cả đời chỉ yêu các vì sao, nhưng mẹ không ghen mà tự hào vì điều đó!
Bố cười to:
– Em mới là ngôi sao đẹp nhất, quý nhất của anh!
Tôi ý tứ để lại điện thoại cho bố mẹ tâm sự rồi bỏ ra ngoài. Lúc tôi quay lại, bố chỉ vào kính thiên văn đường kính đến nửa mét, dài hơn sải tay như khẩu đại bác hùng dũng hướng thiên:
– Đêm nay con sẽ chứng kiến vẻ đẹp huyền ảo của vũ trụ!
Suốt ba ngày theo đoàn thực tập, tôi chẳng có cơ hội ghé mắt vào ống kính vì phải nhường cho thầy cô cùng các bạn. Tôi tưởng tượng ra vẻ đẹp của mặt trăng và các vì sao qua vô số câu trầm trồ, xuýt xoa của những người được sử dụng phương tiện quan sát bầu trời này. Giờ tôi đang vuốt ve ống kính màu bạc kiêu hãnh. Tôi có thể dùng nó suốt đêm nay bên cạnh sự chỉ bảo của bố. Không còn gì hạnh phúc hơn với một kẻ dò dẫm bước vào Thiên văn học như tôi. Song lòng tôi trống trải, không một chút ham muốn. Thay vì ghé mắt vào ống ngắm, tôi hỏi bố:
– Kính thiên văn chỉ cho hình ảnh ngược. Có khi nào những vì sao xinh đẹp thực ra rất xấu xí không bố?
Bố vỗ đầu tôi, cười xòa:
– Khi chĩa ống kính xuống mặt đất sẽ có hình ảnh cây cối, nhà cửa, xe cộ bị lộn ngược; còn hướng lên bầu trời bao la thì ảnh xuôi hay ngược không quan trọng. Những ngôi sao đẹp không giả dối dù nhìn theo góc độ nào. Vẻ đẹp đó là chân lý, vĩnh hằng. Bởi vậy bố mới thích câu nói của Hawking “Hãy nhìn lên những ngôi sao và đừng nhìn xuống chân mình”…
– Có cách nào để hình trên mặt đất không bị ngược không bố?
– Con phải chỉnh lại các lăng kính. Khi đó kính thiên văn sẽ thành… siêu ống nhòm, có thể nhìn rõ nét vật rất xa…
Tôi reo lên mừng rỡ, van nài:
– Bố chỉ cho con cách chỉnh lại các lăng kính đi.
Bố nhíu mày:
– Để làm gì?
– Con sẽ hóa thánh thần với “thiên lý nhãn” này!
Bố ngẫm nghĩ rồi gật đầu…
Ba đêm liên tiếp tôi ngủ sớm rồi thức dậy lúc 1 – 2 giờ để quan sát thiên văn. Bố đang công tác nước ngoài nên đài Hoa Sen cũng không có khách. Tôi ở trên phòng mái vòm – nơi đặt ống kính, bên dưới là tổ bảo vệ bốn người thay nhau trực 24/24 vì đài nằm trên đỉnh núi vắng vẻ. Tôi tắt hết đèn chung quanh đài, dưỡng mắt quen với bóng tối rồi bắt đầu cho một đêm ngắm sao trong thời tiết rất tốt. Bầu trời quen thuộc mênh mông, kỳ ảo ngoài sức tưởng tượng dưới kính thiên văn. Dãi tinh vân cua như bức tranh sống động với muôn vàn sắc ánh sáng mà không một lễ hội hoa đăng hoặc tác phẩm nghệ thuật nào có thể sánh bằng. Vũ trụ vô cùng vô tận chi chít những ngôi sao lớn nhỏ xanh đỏ, tím vàng… hoặc trắng bạc đến kinh ngạc. Nhiều ngôi sao to lớn lạ thường, phát ra từng chùm, từng đĩa ánh sáng lộng lẫy, kiêu sa không thể tả. Nhiều chòm sao dễ thương như một bó hoa cẩm rất nhiều kim cương, ngọc quý. Dù không có tình yêu các ngôi sao như bố, tôi cũng bị cuốn hút vào thế giới lung linh vời vợi, thăm thẵm này. Tôi dùng ống kính để thỏa trí tò mò với bầu trời cho đến lúc bình minh ló rạng, hình ảnh mờ dần, các vì sao lấp lánh biến mất nhường chỗ cho màu xanh tím đục bao phủ kín tầm nhìn. Tôi mệt mỏi gục xuống bàn thiếp đi…
Tỉnh dậy khi nắng ngập khắp phòng mái vòm, ngước nhìn đồng hồ đã gần 9 giờ sáng, tôi đứng dậy ra lan can nhìn về phía biển rồi chuyển sang ngắm thành phố dưới chân núi. Tôi định đánh răng, rửa mặt rồi phóng xe máy xuống phố kiếm bữa ăn sáng thì một ý nghĩ lóe lên khi sực nhớ đến cách thức chuyển đổi các lăng kính mà bố đã dạy. Ống kính thiên văn vào loại tối tân nhất thế giới do Italya chế tạo, trị giá hơn 200 nghìn USD có thiết kế lăng kính đảo ảnh. Chỉ cần vài thao tác trên máy tính, tôi đã có ống nhòm siêu khủng. Tôi nhất nút để ống kính đang ngước lên trời hạ xuống, chỉa thẳng về hướng thành phố, rồi hồi hộp ghé mắt nhìn. Tôi rú lên thảng thốt trước những gì đang chứng kiến. Các ngôi nhà, hàng cây, đường phố, xe cộ… ở cách tôi trên 6 cây số đường chim bay giờ ập vào mắt tôi to lớn, rõ ràng, còn hơn lúc tôi đứng trước chúng. Tôi hí hửng chỉnh ống kính về phía một ngã tư đông đúc đúng lúc xảy ra va quẹt giữa một chiếc taxi 4 chỗ và xe tải nhẹ. Hai bác tài bung cửa lao xuống với những khuôn mặt đỏ bừng vì giận dữ. Tôi không thể nghe họ nói gì, chỉ thấy cả hai vung tay, dậm chân rồi lao vào đấm đá nhau túi bụi. Tài xế taxi mặc đồng phục xanh bị đối thủ đá vào giữa mặt, té ngửa, lồm cồm ngồi dậy với máu mũi, máu mồm. Anh ta chạy đến mở cốp xe lấy ống túp sắt quay lại phang kẻ thù. Tài xế xe tải bỏ chạy về xe mình, mở cửa ca bin rút cây kiếm sáng quắt ra nghênh chiến. Cổ họng tôi khô khốc, tay bấu ống kính run rẩy, tim muốn vỡ tung khi thấy rõ ràng nhát kiếm chém một đường từ mặt xuống ngực tài xế taxi. Anh này loạng choạng, buông vũ khí rồi ôm mặt, lăn ra đất. Máu ứa ra từ các kẽ ngón tay, chảy xuống màu sẫm nhựa đường… Cặp mô tô chở 2 cảnh sát giao thông áo vàng và 2 cảnh sát cơ động mặc giáp đen, chớp đèn đỏ liên tục từ hai hướng quặt vào chỗ đánh nhau. Cả bốn vị cùng chĩa súng vào kẻ cầm kiếm rồi hai cảnh sát áo giáp đen xông vào quật ngã, tước vũ khí, còng tay hung thủ. Một bé gái 6, 7 tuổi, mặc sơ mi trắng, áo đầm xanh, hai bím tóc thắt nơ hồng nhảy từ ca bin xe tải xuống, chạy ào đến ôm người đàn ông lấm lem bụi đất, hai tay bị còng sau lưng, mặt mày thất thần. Cô bé ôm ông ta, hai khuôn mặt giống nhau cùng đau đớn tột cùng! Người đi đường bu lại kín đen, tôi buông ống kính ngồi thịch xuống ghế thở dốc, kinh hoàng cứ như mình là nạn nhân vừa bị chém đứt mặt, đổ máu… hay mình là cô bé dễ thương tức tưởi chứng kiến người cha phạm tội đang bị pháp luật trấn áp, trừng phạt. Tôi bỗng thương cô bé ấy vô cùng!
Có tiếng gõ khe khẽ, tôi bừng tỉnh, đứng lên, chạy ra mở cửa. Bác Tư bảo vệ khệ nệ bưng cái mâm đặt lên bàn:
– Mời cậu Hoàng ăn sáng, uống cà phê!
Tôi kinh ngạc:
– Sao bác Tư phải lo chuyện này cho cháu?
Ông già cười hiền:
– Ngày nào tôi cũng phục vụ giáo sư Đằng mà…
– Nhưng… cháu…?
– Mai mốt cậu cũng thành giáo sư thôi. Được phục vụ những người học cao, tài giỏi là vui rồi!
Chẳng còn cách nào từ chối tôi đành ngồi xuống ăn hết tô phở, uống cạn ly cà phê sữa đá. Ông Tư nhìn tôi hài lòng rồi cẩn thận lau mặt kiếng bàn làm việc sạch bóng trước khi bưng mâm xuống lầu. Tô phở thật ngon, ly cà phê cũng vậy, tôi hết đói và cũng quên chuyện hơn thua, đâm chém tàn khốc trên đường phố lúc nãy. Tôi hướng “siêu ống nhòm” ra ngoại ô thành phố…
Như một thiên thần tò mò lơ lửng trên cao, tôi căng mắt lục khắp một căn nhà có vườn rộng và tường cao bao quanh. Sân trước lát đá, lá khô rụng đầy. Những cửa vòm kiểu Châu Âu, hàng cột đá cao lớn vững chãi như những công trình La Mã – Hy Lạp còn sót lại. Hàng rào phía trước, hai cánh cổng, lan can lầu và lớp bảo vệ các cửa sổ đều là sắt uốn hoa văn mềm mại, tinh xảo. Bậc thềm đón khách vào sảnh chính đặt hai tượng đá nữ thần thổi sáo và đánh đàn. Cửa trước đóng kín nên tôi hướng ống kính khắp mặt tiền ngôi nhà, trầm trồ với những phù điêu khắc ở các đầu, gốc cột đá, các bệ lan can và trên các vòm cửa lớn, cửa sổ. Ngôi nhà đã xuống cấp, mái ngói dột làm nhiều mảng tường chi chít vết đạn bị loang lỗ, mốc meo. Vài phù điêu bị bể, gãy, đóng rêu. Nhưng chính sự phôi phai, rạn vỡ theo trăm năm gió mưa, sự tàn phá của chiến tranh và sinh ly tử biệt của các đời chủ in hằn trên công trình cổ này khiến nó hấp dẫn kỳ lạ. Đó là sự rệu rã của quá khứ huy hoàng!
Phần sau ngôi nhà là cả bảo tàng nghệ thuật ẩn núp dưới tán cây xum xuê. Những tượng Phật bằng sa thạch đỏ, vũ nữ Apsara uốn éo vũ điệu thần bí, các vị thần nửa người nửa thú và cả những khối vuông khắc các khuôn mặt ái, ố, hỉ, nộ… Tôi từng vào bảo tàng nghệ thuật quốc gia và được thuyết minh về những giá trị khi tôn giáo tìm đến sự vĩnh hằng của đá. Tôi đang say mê với từng phiến đá xám lạnh, bất tử đó. Nhưng ở đây, các giá trị nghệ thuật bị bỏ xó, lãng quên!
Tôi miên man theo ống kính, bỗng phát hiện một người chạy xe máy chở một thùng to từ lùm cây sau các bức tượng phóng ra. Tôi điều chỉnh góc nhìn vào cánh cửa bằng tole của căn nhà kho tạm bợ như mảnh vá lạc lõng, xấu xí, thảm hại sau lưng biệt thự. Trong nhà sáng đèn nên “siêu ống nhòm” của tôi quét rõ các ngóc ngách. Thì ra đây là một xưởng chế biến thực phẩm có 5, 6 người đang làm việc. Họ lấy từng tảng thịt to trong các bao tải ra chất thành đống dưới nền nhà dơ bẩn. Các súc thịt đã ngả màu thâm đen, ruồi nhặng bu đầy và lúc nhúc dòi bọ. Các công nhân đeo khẩu trang rùng mình, lắc đầu, đưa tay phẩy mũi vì mùi thịt thối. Bể xi măng to ở góc trái được xả ngập nước rồi một nam công nhân đổ chất sền sệt màu đỏ tươi từ can nhựa vào hồ, ông khác dùng xẻng quậy lên. Các công nhân nữ đưa các súc thịt vào máy cắt thành từng miếng nhỏ như bàn tay rồi thảy hết vào hồ hóa chất. Họ làm rất nhanh, chốc lát đã xử lý xong mấy tạ thịt thối. Họ nghỉ ngơi hút thuốc, uống trà, ăn kẹo chừng 15 – 20 phút, sau đó đeo găng cao su bọc cánh tay đến nách, đứng quanh hồ, vớt từng miếng thịt lên đặt ngay ngắn vào các khay nhựa trắng. Những miếng thịt thối rã, bầm đen giờ sáng hồng, tươi rói như mới cắt ra từ đùi con bò đang ung dung gặm cỏ. Các khay thịt được đặt dưới quạt công nghiệp cho khô bề mặt rồi được cho vào các túi nilon có in hình con bò vai u, thịt bắp đang “cười” vô tư với dòng chữ to đậm “bò tươi hảo hạng”. Các túi thịt bò đẹp, sang được đưa vào các tủ đông. Một lát thì ông chạy xe máy lúc nãy quay lại thảy các bao thịt thối xuống nền nhà bẩn rồi lấy từng gói “bò tươi hảo hạng” đã đông đá cho vào thùng chở đi…
Tôi bàng hoàng trước những gì vừa chứng kiến. Nhớ tới tô phở bò rất ngon mới ăn, tôi ào vào nhà vệ sinh móc họng ói đến mật xanh, mật vàng rồi liu xiu quay lại, thả thân rã rời xuống sopha phòng khách…
Tôi ngất đi vì kiệt sức và ghê tởm trước công nghệ kiếm tiền bất lương, độc ác lén lút sau bức bình phong nghệ thuật! Tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đã ba giờ chiều, tôi tập thể dục chút đỉnh rồi tắm rửa cho tỉnh táo, ăn vài cái bánh quy rồi ngồi tiếp vào ghế quan sát thiên văn. Lần này tôi chọn trường học với hi vọng “thiên đường trong sáng” sẽ giúp tôi vơi đi những ngột ngạt, ghê tởm. Một ngôi trường mới tinh, sáng lấp lánh các khung cửa kính và những khẩu hiệu rất hay về giáo dục được dán khắp nơi. Sân trường rộng rãi, thơ mộng với cây xanh, phượng đỏ, hoa vàng. Tôi chọn “lớp 8A1” cô giáo trẻ, thướt tha trong tà áo dài dùng bút lông viết trên bảng mica trắng đề cương của bài giảng môn “Giáo dục công dân”… Cô nắn nót từng chữ… “Quyền tự do ngôn luận là quyền của công dân được tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của nhà nước, xã hội”… Viết xong, cô quay xuống rồi cau mày khi thấy bạn nam ở cuối lớp đang nói chuyện với bạn nữ bên cạnh. Cô bước xuống tát vào má nữ sinh rồi bắt nam sinh ngậm cái khăn lau bảng cô cầm trên tay. Nữ sinh ôm má đỏ lựng mếu máo, em trai ngậm cái khăn bẩn với nước mắt ràn rụa. Khuôn mặt xinh đẹp của cô giáo lạnh lùng, phảng phất chân dung nhà độc tài ở thời xa xưa nào đó! Cô quay lên bục giảng mà không biết rằng nam sinh đã lén lấy điện thoại ra nhắn tin cho ai đó. Nhắn xong, em giật khăn ra ném xuống bàn rồi đứng dậy nói gì đó. Cô giáo quay lại với nét mặt u ám. Cô lôi đứa trẻ bắt đứng trước lớp rồi chỉ vào từng học sinh bắt lên tát vào mặt đứa bạn phạm lỗi. Mỗi em tát 3 cái, em nào tát qua quít, cô bắt tát lại thật mạnh, cho đến lúc “phạm nhân” loạng choạng rồi xuội xuống! Cô giáo mãn nguyện khi “phạm nhân” liêu xiêu về lại chỗ ngồi với khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt, đỏ lựng, máu mũi ứa ra vì hơn trăm cái tát tàn bạo! Cô bắt cậu ta tiếp tục ngậm giẻ bẩn rồi ung dung giảng cho học sinh hiểu về “quyền công dân”.
Bất ngờ hai ông, ba bà từ bên ngoài xộc vào lớp cuồng nộ xỉ mặt cô giáo. Một bà cầm điện thoại quay hết lớp học, quay cậu học trò đang nhăn nhó chịu nhục hình ngậm giẻ lau bảng. Khuôn mặt “độc tài” của cô giáo giờ trắng bệt. Một ông chống nạnh chỉ xuống đất, cô giáo lật đật quỳ, chấp tay lạy sống năm vị phụ huynh đang tung hoành trong “giang sơn” của cô. Tiếng ồn ào “đánh thức” nhiều giáo viên và học sinh các lớp gần đó. Họ túa đến đứng chật hành lang. Một thầy giáo đeo cravat bước vào nói gì đó, nhưng đám phụ huynh đang chiếm thế thượng phong phẩy tay, gạt đi. Từ học sinh trong lớp đến học sinh ngoài hành lang đều lấm lét, sợ hãi, nhiều nữ sinh đã quệt nước mắt khi thấy cô giáo quỳ lạy đám người lạ mặt… Tôi – chứng nhân của chuyện kinh hoàng trong học đường qua “thiên lý nhãn khoa học” đã bàng hoàng, hét lên vì quá đau đớn, phẫn nộ!
Hoàng hôn buông xuống trong tiếng kêu chói tai, buôn thảm của vô số những con chim sau một ngày mệt mỏi kiếm ăn, dáo dác gọi nhau về tổ. Tôi vẫn đứng bên lan can lầu của đài thiên văn, mắt trừng trừng nhìn biển hoang vắng đang đặc thẫm lại theo chiều tà. Chán chê, tôi quay vào định chỉnh lại các lăng kính để lát nữa hướng lên trời tìm khuây khỏa qua sắc đẹp các vì sao. Tôi đặt tay lên các nút điều khiển, nghĩ sao lại quay ống kính nhìn ra biển. Tôi sẽ “nhìn xuống chân mình” một lần nữa thôi trước khi dâng hết đêm nay cho sự huyền ảo của bầu trời. Biển mênh mông xa vợi bỗng ập vào mắt tôi, tôi quét tầm nhìn rộng ra rồi tập trung vào điểm sáng là chiếc du thuyền đang ở gần một hòn đảo um tùm cây cối, có khách sạn 5 sao sát mép nước. Trên thuyền có người đàn ông mặc quần short, cởi trần và một mỹ nữ mặc đồ tắm hai mảnh. Thân hình nóng bỏng của cô ta là động lức để tôi dùng hết khả năng chỉnh cho hình ảnh thu được rõ nét nhất. Siêu ống nhòm đã không phụ tôi, từng nốt ruồi, vết tàn nhang trên cơ thể hấp dẫn đó hiện rõ mồn một. Tôi mới 19 tuổi, chưa biết mùi đàn bà, đang sôi sục, bức bối khi ngắm quả “bom sex” này. Du thuyền sáng trưng giữa biển mênh mông đang sẫm tối cứ như một ngôi sao kỳ vĩ giữa vũ trụ ảm đạm. Đó là mục tiêu lý tưởng cho cuộc quan sát bí mật của tôi. Người đàn ông khỏe khoắn đang đè cô gái xuống sàn tàu, hôn chăm chút từ ngón chân, bắp đùi đến khuôn ngực nảy nở đã rơi áo tắm. Cô gái cũng say đắm vít cổ người tình và mười ngón tay đẹp vuốt ve mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh, dài phủ gáy. Tôi rạo rực theo yêu đương mùi mẫn như phim Mỹ của họ. Bỗng cái điện thoại bên cạnh sáng đèn, cô gái xô người đàn ông ra, vén tóc, lượm điện thoại áp vào tai. Bây giờ tôi mới có cơ hội chiêm ngưỡng khuôn mặt của nàng. Tôi ngờ ngợ… bàng hoàng rồi giật mình tê tái khi đôi môi chúm chím và ánh mắt lả lơi đó rõ ràng là Mai Nghi – hoa khôi sinh viên đang học chung lớp tôi! Bao nhiêu cảm xúc rần rật trong cơ thể tôi xuội lơ theo cơn ghen đang cuồn cuộn thay thế bản năng đã thoái trào. Suốt mấy tháng qua, Mai Nghi đã cho tôi biết bao hạnh phúc, ước mơ. Tôi cứ tưởng mình đẹp trai, ngôi sao bóng đá khối đại học và con trai độc của nhà thiên văn lừng lẫy nên mới được nàng rủ đi cà phê, lang thang suốt đêm dọc bờ kè lộng gió, thơ mộng. Nàng còn tặng tôi chiếc áo sơ mi thật đẹp, trên túi áo thêu hai chữ “HN” chồng lên nhau với ngụ ý tên Hoàng của tôi sẽ gắn bó sít sao mãi mãi với tên Nghi của nàng. Chúng tôi chỉ nắm tay và có lần nàng vuốt má trái hôn nhẹ lên má phải của tôi. Chỉ nhiêu đó đủ để tôi nóng ran, mộng mị suốt cả tuần. Đấy là tình đầu bất diệt của đứa con trai trong trắng đến tội nghiệp! Tôi đau đớn đến tê dại, ước được phá sập bầu trời để tất cả cùng tan biến trong bất hạnh thấm đẫm hoàng hôn này! Nhưng tôi phải nhìn mặt gã tình địch khốn khiếp đã!
Nàng ngồi nghe điện thoại, gã chồm dậy từ phía sau đặt tay lên “đỉnh đồi”, tay kia mơn man ở nơi lẽ ra phải dành cho tình yêu chân thành, xứng đáng của tôi. Khoang thuyền sáng trưng, từ khoảng cách 25 – 30 cây số, ống kính được chế tạo để nhìn thấy những ngôi sao xa xôi cả vài năm ánh sáng đã thu hình rất tốt. Từng sợi lông trên mu bàn tay “cướp bóc” hiện rõ mồn một huống gì vết sẹo lồi đỏ au hình trăng khuyết đang đập vào mắt tôi… hãi hùng. Tôi cầu xin mọi việc không giống như tôi nghĩ. Nhưng muộn rồi, khuôn mặt của đôi tay “cướp bóc” đó đã ập vào ống kính với những đường nét, đặc điểm tôi đang mang trên khuôn mặt của mình. Tôi không đủ sức rú lên vì cả thể xác lẫn tâm hồn đã bủn rủn, tan nát!
Mẹ đã cứu tôi bằng cú điện thoại đổ chuông khi tôi đang tê lịm, suy sụp, buông xuôi trong vực thẳm tối tăm. Tình yêu vô bờ bến và lòng hiếu thảo với mẹ đã giúp tôi rũ sạch mọi uất ức, thất vọng để làm việc phải làm. Mắt tôi vẫn nhìn vào ống kính viễn vọng, tay giữ điện thoại áp má trái, tôi gằn từng lời chậm rãi, đầy uy lực của chính nghĩa:
– Mẹ tôi vừa nhập viện vì đau tim, Mai Nghi hãy giúp bố tôi mặc lại quần áo, thu dọn đồ đạc để về Sài Gòn ngay. Tôi đã đặt vé chuyến 20 giờ và chờ ông ấy ở sân bay!
Tôi thấy rõ sự kinh hoàng khi Mai Nghi thả rơi điện thoại rồi cuống cuồng vơ choàng khăn tắm che thân. Bố tôi sững sờ rồi cắn môi gục đầu sau khi nhìn về phía đài Hoa Sen, bụm hai tay vào nhau ra dấu xin tha thứ. Lẽ ra ông không nên dạy tôi cách điều chỉnh ống kính thiên văn thành “siêu ống nhòm” nhìn thấy mọi tội lỗi trên đời…
Dù vội ra sân bay để đêm nay kịp chăm sóc mẹ, tôi vẫn đọc lại dòng chữ to, đỏ được bố dán trước chỗ ngồi làm việc: “Hãy nhìn lên những ngôi sao và không nhìn xuống chân mình” - Stephen Hawking!.
Tác phẩm được giải nhì cuộc thi Bút ký, Truyện ngắn của Tạp chí Cửa Việt 2018-2019.
12/12/2018
Lại Văn Long
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...