Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Lê Mỹ Thạnh: Thông cô lâu

Truyện ngắn Lê
Mỹ Thạnh: Thông cô lâu

Sông Hinh trở mình từ những trận gió Lào thổi mạnh xuống dãy Trường sơn đầy bụi đỏ và cây cối như oằn mình trơ ngọn, đồi tranh đang mùa nở hoa cúi rạp trắng xoá bên bờ lau sậy cùng cam chịu những cơn cuồng phong thịnh nộ.
Người đi qua đây phải cúi mặt để không bị bụi đất hất tung vào mắt, họ mang những chiếc bao cước nặng được cột thành kiểu ba lô trên vai, những con “ngựa trời” bốc đầu bỏ lại thêm vạt khói cay nồng trên con đường mịt mờ xa xôi như chính cuộc đời của họ.
Bãi vàng đã hiện ra.
Vùng đất bị cày xới, những hầm cũ sau khi bọn phu đã lấy đi thứ đất dưới tầng sâu tầm chục mét đang ngậm thứ nước đỏ ngàu. Tiếng động cơ từ những chiếc máy hút nước rì rì lẫn trong tiếng la hét, hò dô của anh em đang hì hục dưới một hầm ếch mà tất thảy đều hi vọng ngày kia đời mình có thể sẽ được hay ho hơn?!
Nhà văn Lê Mỹ Thạnh
Một gã người cao to tay cầm cuốn sổ dày cộm đang báo cáo với một người đang nằm cuộn mình trong tấm ba -đề -sô rằn ri trên cái sạp gỗ như muốn bật lên theo tiếng ho từng cơn dữ dội.
– Dạ, đại ca, thằng Kim bò và thằng Mã đen sáng nay không có mặt ạ.
Gã cao to như muốn nói gì thêm nhưng có vẻ ngại, có lẽ không đơn thuần là báo cáo quân số mà gã biết tỏng đêm qua hai đứa “thân tín” kia – theo như gã nghĩ – đã tuồn những bao đá hạng A đi mất tiêu rồi..
– Còn gì khác không?
– Dạ anh Ba, tiền sắm chuyến đã cạn, tụi em phải ghi sổ chị Tám Bàng nhiều bận rồi ạ… đêm qua lán dưới sốt hai đứa nặng lắm em đã cho uống ký ninh và xông lá, không chắc… phải cáng ra lộ để nhập bệnh xá chứ nó vàng lắm rồi anh!?
… Thằng Kim bò là một đứa bụi đời từ khi lên tám tuổi, hồi đấy nó bán trà đá bên hông xe lửa, tối đến nó co ro trên cái sạp gỗ bán bông đủ loại của chị Khánh, nó nói với đồng bọn rằng: tao ngủ mà vẫn còn hương hoa bay quanh có đâu như thằng Mã chọn sạp mắm mà nằm, ngu bỏ mẹ!
Ba Thông nhớ lần đầu gặp, miệng nó tía lia: uống trà đá để tiền ăn cá, mại dô chú ơi… nghe cũng ngộ, lời rao hồn nhiên mà mùi mẫn, không uống cũng không đành.
Hỏi han thì mới rõ sự tình nó là đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đời còn gì thãm thiết hơn chứ?
Hôm sau anh trở lại nói năm câu ba sợi rồi vô đề luôn:
– Về với chú, có nhà để ngủ, có cái để ăn, rồi được đi học, chịu chưa?
Nó cứ tần ngần nhìn xuống mười ngón chân xương xẩu, vò nát vạt áo. Hình như là nó không tin hay quá bất ngờ? Bất giác nó chạy một mạch rồi lôi về một thằng nhóc đen nhẻm, hai đứa bỗng quỳ sụp xuống mếu máo:
– Chú nuôi thì nhận hết hai đứa con nha chú, nha chú…
Ba Thông hiểu, mới bây lớn mà thằng Kim nó sống có tình có nghĩa, thật đáng khen phục – người anh em đã qua những tháng ngày bơ bất trên sân ga đầy nắng và thất nghiệp trong mưa dầm – Mã đen không thể bỏ lại một mình, Mã đen có ba mẹ nhưng họ đã bỏ nó đi biệt xứ rồi vì nợ nần, đời hai đứa có khác gì nhau đâu?!
Anh cúi xuống ôm hai đứa nhỏ vào lòng, nói vui:
– Ô kê salem, nhớ đem hai cái ấm về làm kỷ niêm”.
Những kẻ mua thúng bán bưng quanh nhà ga xúm lại vui vẻ reo hò, có tiếng anh bán cơm dõng dạc:
– Mau mà bái sư phụ đi con, tụi bay có phước mới gặp ba Thông đấy!
Người ta nói về ba Thông như một hảo hớn giữa dòng đời loạn lạc, là một Võ Tòng nhiều khí phách, luôn thương xót những cảnh đời bất hạnh.
***
Tuy hoà năm 1973 phố xá rộ lên những tụ điểm vui chơi cho lính Mỹ đang đóng quân rải rác từ sân bay Đông tác, nếu muốn qua thị xã chỉ mất mười lăm phút đồng hồ bằng xe jeep. Quán bar Bg nằm trên đường Lê Lai đông nghẹt khách, con gái vùng duyên hải mặn mòi làm say đắm lòng trai viễn xứ, bởi vậy những cuộc đọ sức giữa lính mỹ to kềnh và bọn con trai bản xứ xảy ra là chuyện thường ngày.
– A lô anh Ba…
Ba Thông có mặt, chỉ cần ba mươi giây thì mọi việc coi như ổn thoã, có anh ba thì cái câu tứ hải giai huynh đệ là châm ngôn. Mà thật lạ, thoạt nhìn ba Thông có vẻ hiền khô, bước đi thì nhẹ như gió trên đôi ba ta vải, miệng cười ló răng khểnh trông thư sinh lạ, vậy mà…
Thời đấy du đãng thành lập nhiều nhóm, mỗi nhóm có một lời thề hoặc vì chút ân oán mà đặt cho mình một tên gọi để sống tồn tại- chẳng hạn:
– Du đảng nhưng không du côn
– Hận đời tuổi trẻ, hận kẻ bạc tình
– Đồi thông hai mộ, (có lẽ cũng hiểu là chết sống có nhau) v.v và vv.
Kim và Mã dược gởi vào trường dòng trên quốc lộ, thời gian còn lại tụi nó đòi đi bán mỗi món cà rem đậu đỏ quanh khu tháp Nhạn, tụi nó đã thật sự bỏ lại đường phố, sân ga những ngày lang thang và khi đêm về đầy rẫy sự cám dỗ..
***
Buổi tối, gió vẫn còn rít từng cơn, bãi vàng về đêm như một thị trấn thu nhỏ, những bóng đèn điện xài bằng chiếc máy phát nổ xình xịch đặt trên một cồn đất cao, từng nhóm năm bảy tên phu ngồi tụm lại làm ba xị đế tâm tình .
– E mậy, làm vài trứng lộn cho lộn hên lên coi, xui bỏ mệ…
Có tiếng chen ngang sành sỏi:
– Xưa rồi Diễm! ra động bà Thìn kia tha hồ thì là mà.
Cả bọn phu phá lên cười-họ cười vì nhiều lẽ…cho đến khi trăng mười chín lên cao và theo sau có tiếng khóc thút thít khi bản ngã đã trở về từ những thằng bé miệng còn hôi sửa (nói theo kiểu dạy đời của mấy anh lớn) khoảng mười sáu mườ bảy tuổi hoặc đầu hai thứ tóc mang trong người nỗi sầu tha hương say đời nghiêng ngửa.
Đêm bãi vàng tuy vui cũng thoã thuê mà buồn cũng vời vợi, trong từng đấy con người đa phần là sa cơ lỡ vận, họ tìm đến bãi vàng để mưu cầu may mắn, đóng pô vào vách đá để khoan từng mảng đá có đính thứ ánh sáng lấp lánh mang tên hy vọng., ngày mai dọc trên những con suối họ ngâm mình dưới nước để đãi tìm những sái vàng sau cùng trên bánh mâm có cái núm như nhũ hoa con gái- dưới ánh nắng chói chang làm cháy xém thân thể như những thằng mọi rừng trong phim ảnh.- gọi là trầy vi tróc vảy thì cũng chưa thấm nghĩa.
Tiếng guitar với điệu rumba nghe thôi thúc xua tan những nghĩ suy xa lắc về chốn quê nghèo khó , nụ cười ai trong số họ phản phất một thời từng vào ra nơi mà hễ đến là quên lối về..đó là ngón đàn của Phúc lọ, một tay buồn đời tìm đến non cùng thuỷ tận để tìm quên và kết nghĩa chi giao trong đám phu vàng, đời thì buồn nhưng cầm đàn lên thì rộn ràng nhịp nhảy thể như đang ở Hawaii cùng tắm biển với những nàng tiên trên cát vàng. Ngón đàn Phúc lọ làm người ta vui, làm người ta say, vài ba anh đứng tuổi cũng tụ lại mà phô diễn đôi chân cuốn hút, như đã từng là một vũ công điệu nghệ nơi chốn phồn hoa trong quá khứ nhạt nhoà?
…….
“Đôi khi trộm nhìn em
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao?…”
Đến đoạn này thì ai hầu như cũng biết đó là giọng hát ấm nồng của Thông cô lâu trong bản tình ca của Trầm Tử Thiêng, dù đang chưởi nhau hay đánh lộn thì cả bãi vàng bỏ hết mà xúm lại như thời loạn lạc lính trẻ bỏ súng gươm mà nghe Khánh Ly hát vậy.
Khi Thông cô lâu hát là lúc máu trong người anh đã pha năm mươi phần lưu linh, hồn bềnh bồng khi anh nghĩ về người đàn bà đã vì anh mà chịu khổ sở nơi mái nhà đơn lẻ chồng chất nợ nần, vì anh đã từng đút sào vô bụi nhiều phen, hảo hớn một thời cũng rơi lệ bên cánh đồng bất tận với vài trăm con vịt không chịu đẻ trứng hoặc “buồn đời” mà nghẹo cổ hàng loạt dưới ruộng nước mênh mông.. Bao giờ thì người ấy cũng chỉ nói một câu: thôi, giày dép còn có số! Người đàn bà đấy thật đơn giản nhưng mỹ miều một thời con gái làm trai tráng anh hào không dám rớ vì sợ ăn lựu đạn của ba Thông!
“Cuộc đời là vách núi là tường mây
(Thương em) nắng gió đêm ngày
Mà anh chim vút cánh bay…”
Có người đã úp mặt vào vai ai đó mà khóc sụt sùi.
Đêm bãi vàng chìm vào giấc ngủ sâu cùng tiếng kéo gỗ vì mệt nhọc của bọn phu đào lẫn với vạn côn trùng đang rên rỉ bên vạt rừng đầy muỗi sốt rét.
Buổi sáng hôm sau, trời nhiều sương muối trắng đục một màu làm che phủ đám rừng xanh mướt.
–  Hầm bên đông sập lấp thằng Xa rồi… rồii…
Tiếng gào thét đứt quãng xé lòng…
Đó là một ngày buồn u ám, hầm sâu hai mười lăm mét, đào hầm ếch vô mười lăm mét thì nấm mồ cho chú em quả là thách thức dù đã cố đào bới trong tuyệt vọng.
– Thôi thì… hãy ngủ yên!
Ngày hôm sau quân số giảm mạnh vì họ mang tư tưởng sống nay chết mai, có người vì buồn thương cho kẻ xấu số mà nghĩ tới thân phận mình,họ nằm im trên những chiếc võng không màng ăn uống., về hay ở thật không thể quyết định trong lúc đầu óc trăm mối tơ vò.
Trở lại chuyện hai thằng đệ Kim bò và Mã đen.
Sau khi tụi nó đi rồi Thông cô lâu hay ngồi trầm ngâm nhìn xa xăm xuống quả đồi đang như những hố bom khổng lồ. Anh không buồn trách gì bọn nhỏ chỉ sợ trên đường đời vạn nẻo nó sẽ đi về đâu? Có ai bảo bọc cho tụi nó? Nếu nó đi mà thong thả mà nhẹ nhàng thì thôi nó cứ đi đi…có lẽ cũng vì tình nghĩa mà nó ở lại với Thông cô lâu đến ngày hôm nay, có lẽ đến lúc nó phải đi rồi..Hai đứa nó đi tay không còn những bao sái bị mất là do một nhóm người khác đánh cắp, Thông cô lâu không trách ai cả…chỉ là hoàn cảnh đẩy đưa!?
Mùa mưa đã bắt đầu, bãi vàng ngập trong nước, không biết bơi mà đi lớ ngớ thì chết toi mạng, dưới thị trấn người ta gởi thư đòi tiền nợ mua lương thực và thuỷ ngân tới tấp, Thông cô lâu nhớ lại mấy bận trước trúng quả đậm bên Trà kê cũng được trăm mấy chục cây, anh em chiến hữu cũng được phần công trạng. Thông cô lâu có tiền thì đời anh em lên hương, có đứa sau đấy phất lên làm ăn rồi bỏ nghề,… có đứa về quê lấy vợ thỉnh thoảng nhớ về những ngày chinh chiến nơi bãi vàng mà giật mình… thậm chí mấy em bướm đêm rạc cánh cũng tìm đến xin anh chút ngân lượng mà làm lại cuộc đời… chỉ có ba Thông, làm như nặng cái nghiệp, còn bao nhiêu anh lại sắm chuyến, lại hô hào và lại lên đường…
Trời không cho thì chịu, nhưng làm tới thì đổ nợ.
Đêm cuối cùng nơi rừng núi giang tay Thông cô lâu tuyên bố “giã từ vũ khí”.
Những gương mặt thân tình cũng lắm bùi ngùi,-Thái thẹo, Thạnh lân, Cảnh quẹo, Phúc lọ đã khóc – họ tiếc về những ngày tháng có nhau, về những vắt cơm mè rang đợi chờ mẻ đá khoan ngang lấp lánh chất đầy xe cút kít, lúc đấy họ nhìn nhau mà ánh mắt long lanh trên khuôn mặt lấm lem bụi đất và trong hạnh phúc họ cũng đã từng đổ máu, rơi nước mắt…
Chị nhà vẫn mãi một câu: giày dép còn có số!
“Thôi về đi đường trần đâu có gì  tóc xanh mấy mùa…?” (làm như ông Trịnh viết đoạn này cho riêng Thông cô lâu hay sao ấy!?)
Nói thì nói để mà biết tại sao người ta gọi anh là Thông cô lâu.
Đi nhiều, thấy nhiều, ai có vô tâm cho mấy thì cũng cầm lòng không đổ khi chứng kiến cái cảnh tranh giành địa phận mà chém nhau tương tàn, là người đẹp một thời nhung lụa vì lỡ vận mà trôi dạt chốn rừng sâu nước độc mua vui nhân thế rồi héo mòn bỏ xác để người đời lấp cho nấm đất theo năm tháng thành mồ vô chủ..Bãi vàng là nơi tha nhân lấy niềm tin dung thân để rồi tuyệt vọng cạn nghĩ mà xì ke xì cọt đến bỏ mạng, là anh lớn một thời dưới trướng bao nhiêu là em út, nói một câu, hai bên đang đập lộn cũng bỏ mã, bỏ côn mà răm rắp vâng lời, vậy mà cũng đành gác kiếm chào thua khi con sốt rét rừng quật ngã thiếu điều sưng gan mà mất mạng. Cát bụi, cũng chỉ là cát bụi mà thôi!
Sau lưng Thông cô lâu đến bây giờ- vẫn còn hình xăm với hai dòng chữ:
Hồng phấn = cô lâu,
Vương hầu = bạch cốt.
Tạm dịch:
Đời có gì đâu, dù là danh gia, đẹp đẽ, vua chúa , công hầu, thì khi chết cũng chỉ còn lại nắm xương trắng mà thôi!
Ông bán một quán cà phê nhỏ, hiền hoà nhìn nhân gian đi qua trên một miền quê hẻo lánh.
LÊ MỸ THẠNH
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...