Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Bức tranh trừu tượng

Bức tranh trừu tượng

Họa sĩ Phan Biên ngả người tựa hẳn vào thành ghế. Hai mắt nhắm hờ. Trạng thái không phải kiểu thư giãn khi ông vừa phẩy nét cọ cuối cùng cho bức vẽ mà là ông đang rơi vào tâm lý của những người xong mỗi một công việc thường tự kiểm lại chính mình.
Rất lâu như thế, tiếng quạt trần kêu nhè nhẹ như ru ngủ. Phòng vẽ chừng như chùng xuống nhường chỗ cho sự yên ắng. Bất giác họa sĩ Phan Biên mở bừng mắt, ông nhô người về phía giá vẽ, đôi mắt mở to, ông nhìn sâu vào bức vẽ như thể vừa chợt nhớ ra một chi tiết nào đó cần phải sửa hoặc nên vẽ thêm.
Không phải, ông nghiêng nghiêng đầu, những sợi tóc dài trắng xòa xuống che nửa vầng trán, họa sĩ Phan Biên quờ tay gạt tóc sang một bên, ông nheo nheo mắt rồi lại ngả hẳn người vào thành ghế.
– Xong rồi hả anh? Em mang cà phê cho anh đây.
Họa sĩ Phan Biên hé mắt nhìn. Người vừa bước lại bên ông không ai khác chính là bà Ngọc Hà, vợ ông, người đã bao năm nay luôn có mặt mỗi khi ông hoàn thành một tác phẩm. Bà Ngọc Hà đặt tay trái lên bờ vai ông, tay phải vẫn giữ tách cà phê.
– Anh uống cà phê đi.
Bà Ngọc Hà nhắc lại bằng một ngữ điệu chu đáo. Vừa nói bà vừa đánh mắt về phía giá vẽ. Một chút khẽ nhíu lông mày như cố nghĩ.
– Mà anh định đặt tên cho bức vẽ này là gì?
Họa sĩ Phan Biên giơ tay đón tách cà phê, ông ngước lên nhìn vào mắt bà Ngọc Hà và nói kiểu biết ơn.
– Cám ơn em. Em luôn biết đúng lúc.
– Cà phê em mới mua sáng nay. Đúng loại G7 mà anh đã nhắc tối qua.
– Vợ anh là nhất đấy – Họa sĩ Phan Biên chưa vội uống ngay, ông nâng ly cà phê lên ngang mũi hin hít rồi ngước mắt lên nhìn vợ  – Thơm quá lại còn nóng hổi nữa. Đúng là vợ anh.
Nhà văn Nguyễn Trọng Văn
Tuy đã bảy mươi tuổi nhưng họa sĩ Phan Biên luôn dành những lời nói đầy tình cảm với vợ của mình. Thực ra ông có chiều bà một chút cũng không sao, người đàn bà kém ông đúng một giáp này đáng để ông tôn trọng, đáng để ông cảm phục. Hồi hai người đến với nhau đã có bao dị nghị. Nhất là phía gia đình bà Ngọc Hà, mọi người cho rằng ông hơn bà nhiều tuổi sợ sau này hai người khó hòa đồng nhưng cô sinh viên Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương tên là Ngọc Hà dứt khoát gạt đi. Cô yêu người đàn ông là thày giáo của mình. Hồi đó thày Phan Biên dạy môn hội họa được nhiều sinh viên quý mến, trước tiên là bởi thày từng là một người lính lái xe Trường Sơn dạn dày lửa đạn, thứ nữa là bởi sự tài hoa lịch thiệp của thày. Các cụ đã nói “gái tham tài” quả không sai, hơn nữa cổ nhân cũng đã có câu “Vợ chồng cùng tuổi ngồi duỗi mà ăn” kia mà. Từ ngày hai người chính thức trở thành vợ chồng cho đến giờ cũng đã qua cái mốc ba mươi nhăm năm. Họ đã có với nhau hai cô con gái đoan trang, nết na và vô cùng ngưỡng mộ tình yêu của bố mẹ.
– Thu Nga vừa gọi điện cho em, con bảo tối này vợ chồng nó mời ông bà ngoại đi ăn nhà hàng.
– Sao em không bảo con là mình ăn ở nhà cho ấm cúng?
– Em cũng nói thế nhưng con nó bảo “Anh Tùng nhà con mới đi công tác nước ngoài về, vả lại ăn ở nhà nấu nướng lích kích lắm, ăn nhà hàng cho tiện và có thời gian nói chuyện được nhiều hơn”
– Vẽ vời quá. Thôi được rồi, tối nay vợ chồng mình đi với chúng nó, cũng nên cho chàng rể hiền có dịp được thể hiện.
Nắng chiều chiếu xiên qua ô cửa sổ soi sáng bộ râu kiểu Hồi giáo của họa sĩ Phan Biên. Những người lần đầu gặp ông họ đều nghĩ đó là một đạo sĩ chứ không ai cho rằng đó lại là một họa sĩ. Dáng dấp bề ngoài tưởng như rất đạo mạo ấy lại ẩn chứa bên trong một tâm hồn đa cảm. Không hiểu sao những bức vẽ của họa sĩ Phan Biên lại đa phần lại là chân dung, mà cũng đa phần tranh chân dung của ông đều vẽ về phụ nữ. Những bức chân dung phụ nữ của ông đều có một nét chung, đó là rất có hồn, một thứ hồn sâu thẳm chứa đựng những khát khao. Có người trêu rằng “Phan Biên hình như nặng lòng với phái đẹp”. Sự nặng lòng ấy đôi lúc làm vợ ông thấy chạnh lòng. Bà không khỏi có những ghen tỵ tuy rằng vẻ đài các Hà thành của bà cho đến giờ còn khối người phải mơ.
Họa sĩ Phan Biên đã ngồi thẳng người, tâm trí của ông dường như chưa chịu rời khỏi bức tranh. Một thoáng nhíu lông mày nghĩ ngợi rồi ông lại thả lỏng người chiêu nốt ngụm cà phê cuối cùng.
– Anh định đặt tên cho bức tranh này là gì?
– Tranh trừu tượng mà em.
– Em có hỏi thể loại đâu. Mà lần này anh vẽ không như mọi khi. – Bà Ngọc Hà hơi ngạc nhiên. Lúc này bà mới tập trung nhìn bức tranh lâu hơn – Em thấy… bà ngập ngừng.
– Em thấy sao? Mà em nói không như mọi khi là thế nào?
– Mọi khi anh hay vẽ… vẽ chân dung… nhưng mà thôi. Anh có hút thuốc không để em đi lấy cái gạt tàn? – Bà Ngọc Hà tính lảng sang chuyện khác.
– Bức tranh này là tranh trừu tượng nên anh không muốn đặt tên cho nó.
– Thế người xem tranh sẽ hiểu thế nào khi thiếu tên gọi.
– Hiểu thế nào tùy vào cảm nhận của người xem em ạ. Tùy vào lúc xem tranh người xem đang nghĩ đến điều gì. Trừu tượng là vậy, nó cho ta sự phong phú của mỹ cảm – Họa sĩ Phạm Biên nói một thôi dài. Kiểu nói giảng giải như hồi còn đi dạy vậy. Rồi ông giơ tay khẽ chạm vào bức vẽ.
– Em hiểu thế nào?
Bà Ngọc Hà thoáng bối rối. Đây là lần đầu tiên bà gặp phải một câu hỏi khó. Một câu hỏi nếu như xem những bức tranh khác bà đã có thể có ngay những nhận xét. Trước nay mỗi khi họa sĩ Phan Biên vẽ xong một bức tranh bao giờ ông cũng cho gọi bà tới xem. Hẳn là ông không muốn làm vợ buồn vì “cái tính” hay vẽ chân dung phụ nữ của mình. Và cũng bởi dù sao bà Ngọc Hà cũng có kiến thức hội họa. Nhận xét của người biết rõ tính cách sáng tạo của mình sẽ cho những ý kiến từ chủ quan thành chân thực. Còn nữa, vốn tính nghiêm khắc của một thày giáo nên bao giờ ông cũng yêu cầu bà cho nhận xét. Có lần chỉ vì một nhận xét của bà mà ông đã toan hủy ngay bức tranh vừa vẽ xong. Ông bảo “Nó không làm người xem cảm nhận được tức là nó không đạt”. Từ đó mỗi lần được chồng gọi tới xem tranh là bà Ngọc Hà lại cẩn thận nghĩ trước nghĩ sau mới nói cảm nhận của mình, với bà các bức tranh của ông đều đẹp. Lần này cũng thế, họa sĩ Phan Biên lại hỏi vợ về bức tranh vừa hoàn thành.
***
Lá thư đầu tiên Đào gửi anh Biên.
“Khe Ve, ngày mùng 10 tháng 7 năm 1971.
Anh Biên ơi.
Thế là em đã vào tới tuyến lửa Trường Sơn. Anh không thể tin được phải không? Mà anh đi bộ đội đã được một năm rồi. Một năm mà em ngỡ như hàng chục năm ấy. Đại đội thanh niên xung phong của chúng em được giao nhiệm vụ chốt ở ngã ba Khe Ve. Em đoán thể nào xe của anh cũng sẽ đi qua đây. Hôm nào anh qua thì anh cho xe chạy chậm lại nhé. Nếu anh qua mà không thấy em thì anh cứ hỏi là cho gặp “Đào quan họ” là mọi người sẽ báo cho em. Gọi như vậy là vì đại đội em còn có một đứa nữa cũng tên là Đào. Mọi người gọi nó là “Đào hát chèo” vì quê nó ở Thái Bình, mà nó hát chèo hay lắm anh ạ. Anh nhớ đấy nhé “Đào quan họ”. Chúc anh khỏe và lái xe an toàn. Em Đào.
Tái bút: Dạo này Mỹ ném bom ác liệt nhiều. Anh chú ý đấy nhé”
Lá thư thứ hai Đào gửi anh Biên.
“Khe Ve, ngày 12 tháng 8 năm 1971.
Anh Biên ơi.
Em chờ mãi mà chưa thấy xe anh qua. Chỉ sợ anh lại đi đường khác thôi. Mấy hôm nay em hễ thấy có chuyến xe nào đi vào là lại ngóng tai chờ tiếng hỏi “Cho gặp Đào quan họ”. Anh Biên ơi. Anh có khỏe không? Em thấy dạo này xe vào trong nhiều lắm. Chắc sắp được gặp anh rồi. Anh nhớ đấy nhé. Qua ngã ba Khe Ve anh cứ hỏi cho gặp “Đào quan họ”. Lo cho anh nhiều lắm. Bom Mỹ đánh hỏng đường làm bọn em phải san lấp cả đêm. Chỉ sợ đường chưa khắc phục xong các anh chưa chở hàng vào trong kịp thời được. Em Đào.
Tái bút: Em mới nhận được thư nhà. Năm nay nước sông Cầu lên to lắm anh ạ”.
***
– Anh đang… nhớ chị ấy phải không?
Câu hỏi bất ngờ của bà Ngọc Hà làm họa sĩ Phan Biên giật mình. Ông gấp vội mấy trang giấy ố vàng lại và lén cất nó vào hộc chiếc bàn con bên cạnh. Hành động ấy không qua được ánh mắt của bà Ngọc Hà, bà vờ như không thấy mà với tay kéo chiếc ghế nhựa, bà ngồi sát bên trái ông. Bà nghiêng hẳn đầu dựa vào vai ông, bàn tay bà lần lần tìm bàn tay ông. Cử chỉ ấy đủ làm họa sĩ Phan Biên thấy cay cay sống mũi. Ông biết là bà không ghen, ông hiểu là bà đang muốn chia sẻ. Ông nắm chặt tay bà. Cả hai cùng im lặng cùng nhìn chăm chú vào bức tranh. Rất lâu như thế. Vẫn dựa hẳn đầu vào vai họa sĩ Phan Biên, bà Ngọc Hà nói như nói thầm vào tai ông.
– Em thấy. Vâng em thấy hình như đó là một cánh rừng. Một cánh rừng ngập đầy bụi đỏ và một dòng sông lụa chảy ngang qua.
Họa sĩ Phan Biên như choàng tỉnh, ông nhoài người vào sát bức tranh. Tim ông đập rộn rã “Một cánh rừng ngập đầy bụi đỏ và một dòng sông lụa chảy ngang qua”, họa sĩ Phan Biên thầm nhắc đi nhắc lại câu nói của vợ “Một cánh rừng ngập đầy bụi đỏ và một dòng sông lụa chảy ngang qua”.
***
Lá thư thứ ba Đào gửi anh Biên
“Khe Ve, ngày mùng 3 tháng 9 năm 1971
Anh Biên ơi.
Thế là em đã ở Trường Sơn được 2 tháng. Ban đầu em cứ ngỡ vào tới đây rồi thể nào cũng gặp được anh vậy mà chiến trường quá rộng lớn chứ không bé nhỏ như làng An Trạch của mình. Anh Biên ơi. Mấy hôm nay trăng sáng lắm. Trăng Trường Sơn làm em nhớ cái bữa mà anh cùng em đi dạo trên đê sông Cầu ấy. Anh còn nhớ không? Bữa ấy anh tranh thủ về làng để đi bộ đội. Em nhớ như in anh ạ. Đó là lần đầu tiên trong đời người con gái được đi bên cạnh một người con trai. Mà bữa ấy anh chẳng nói gì cả. Anh cứ nắm chặt tay em mà dắt em đi. Ánh trăng soi xuống sông Cầu làm mặt nước long lanh xao động. Em đã hỏi anh “Anh yêu thật hay yêu chơi?”. Anh không trả lời mà chỉ bảo em nhìn ra sông Cầu đi. Rồi anh bảo “Sông Cầu giờ như một dải lụa. Anh ước gì lấy được dải lụa ấy để may áo cho em”. Em tin. Mà anh Biên ơi. Anh có tin em không?
Thôi em chả nói nữa. Xấu hổ chết đi được. Tối hôm qua đại đội thanh niên xung phong của em tổ chức văn nghệ chào mừng ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Bọn chúng nó lại gọi “Cái Đào đâu rồi. Lên làm mấy bài quan họ đi”. Anh có tưởng tượng được cái lúc em lên hát tâm trạng như thế nào không? Nó cứ lâng lâng lạ lắm. Em đứng hát giữa đêm trăng của bạt ngàn Trường Sơn mà tâm trí cứ như đang cùng anh đi trên đê sông Cầu ấy. Em hát đến câu “Đừng thấy em lắm bạn mà ngờ/ Tuy rằng em lắm bạn nhưng vẫn chờ là chờ đợi ai” tự dưng em lại thấy nhớ anh cồn cào. Anh có tin em không?.
Em đi san hố bom đây. Bọn Mỹ lúc đêm qua thả bom dữ dội. Đường 15 cứ như mảnh ruộng cày vừa đổ ải ấy. Đất đá nhão nhoét. Đường trơn trượt, chẳng xe nào đi qua được. Lại còn bùn đỏ nữa, bùn bị bom Mỹ hất tung lên bám kín các cành lá. Rừng Trường Sơn như bị nhuộm một màu đỏ ấy. Đấy, chị A trưởng vừa gọi chúng em đi “chống lầy” rồi. Em đi đã nhé. Em Đào”.
Lá thư thứ tư Đào gửi anh Biên.
“Khe Ve, ngày 27 tháng 10 năm 1971.
Anh Biên ơi.
Đêm qua em nằm mơ thấy xe anh qua Khe Ve. Anh dừng xe rồi thò đầu qua cửa xe hỏi rất to “Cho tôi gặp cô Đào quê Quế Võ, Hà Bắc. À không, cô Đào quan họ”. Thế là mọi người nhao nhao “Cái Đào quan họ đâu rồi? Lại đây nhanh lên. Có anh yêu tới này”. Em mừng quýnh cả người nhưng em run quá nên chân không cất nổi. Em cứ giơ tay ra vẫy vẫy vì chỉ sợ không đến kịp thì anh đi mất. Mà đúng là thế thật. Xe anh chỉ dừng lại mấy giây rồi phóng đi. Em chạy vụt theo gọi tên anh. Em gọi to lắm. Chắc làm mọi người mất ngủ nên cả lán đều bật dậy. Chúng nó bảo “Bọn tao tưởng báo động đi “chống lầy” kia. Không ngờ lại là con Đào nằm mơ thấy người yêu chúng mày ạ. Này con Đào kia. Mày khai ra đi. Mày với anh Biên của mày đã làm những gì rồi. Khai mau. Thành khẩn thì nếu xe anh Biên có đi qua đây bọn tao còn cho gặp. Không thành khẩn ấy á. Bọn tao cấm tiệt luôn. Liệu hồn đấy”. Em ngượng quá đi.
Anh Biên ơi. Anh có nhận được thư nhà không? Trước hôm em lên đường em có qua nhà anh để chào hai bác. Hai bác mắng em “Sao cháu không ở nhà mà đợi thằng Biên. Vào tuyến lửa chỗ hòn tên mũi đạn làm gì. Ngộ nhỡ làm sao thì hai bác biết sống với ai”. Em thương hai bác quá. Hai bác còn dặn “Thôi cháu đi đi. Hai bác có cản cũng không được. Vào trong đó nếu gặp thằng Biên thì nói ở nhà hai bác vẫn khỏe nhé. Đánh giặc xong thì dẫn nhau về nhà luôn chứ đừng đi đâu cả. Về nhà hai bác cưới cho chúng mày”. Em Đào.
Tái bút: Anh nhớ lời hai bác đấy nhé. Đánh giặc xong thì về đi học Đại học tiếp. Anh học xong nhớ vẽ cho em một bức tranh Trường Sơn đấy. Kỷ niệm những ngày chúng mình cùng ở đó mà”.
***
Sau lễ cưới giản dị theo kiểu “đời sống mới” ở hội trường của trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương với nước chè và chút bánh kẹo, cô gái Hà thành Lê Ngọc Hà mới chính thức làm dâu làng An Trạch. Đêm đầu tiên ngủ ở làng cô không sao nhắm mắt được. Phần vì lạ nhà và cũng phần vì có những điều khiến cô phải nghĩ. Hồi tối, Phan Biên dẫn vợ mới cưới đi dạo trên đê. Không biết vì lẽ gì mà sông Cầu đoạn chảy đến đầu làng An Trạch thì lượn thành vòng thúng. Dưới ánh trăng thu, dòng sông Cầu hiện lên như một dải lụa vàng óng thắt vòng ngang lưng cánh đồng lúa đang thì trổ bông. Ngọc Hà đứng im ngây ngất, gió từ trong làng thổi qua cánh đồng đưa lại mùi khói cay cay. Cô nhớ có lần Phan Biên đã nói “Có đi xa mấy anh cũng không quên được mùi khói lò gốm ở quê nhà”. Cô biết chồng mình yêu quê mình lắm, yêu đến nỗi làm cô thấy dấy lên chút hờn ghen.
Ban sáng, khi Ngọc Hà vừa cùng Phan Biên về tới nhà đã thấy rất đông người đang đợi. Đám cưới của cô diễn ra ở trường nên bây giờ mới là lúc bà con trong làng kéo đến xem mặt cô dâu. Ngọc Hà thoáng ngượng ngập. Cô nghe bà con xầm xì to nhỏ. Chuyện nhận xét cô dâu mới thế này thế khác không lạ nhưng qua những lời xầm xì đó Ngọc Hà thầm đoán hình như mọi người đang có ý so sánh. Ban đầu Ngọc Hà cho rằng vẻ ngoài trắng trẻo của mình làm bà con nghi ngại không biết về làm dâu nhà quê có phù hợp không nhưng rồi cô đã đoán ra, mọi người đang so sánh cô với ai đó.
Sau này khi đã có hai mặt con với nhau Ngọc Hà mới đem điều thắc mắc bao lâu ra hỏi chồng. Họa sĩ Phan Biên lúng túng vài giây rồi anh kể chuyện. Hồi xưa, cha anh là một “anh Hai” nổi tiếng khắp vùng. Trong “Bọn quan họ” ấy Anh Hai quan họ tên là Phan Sang người xóm giữa và Chị Ba Xoan quan họ ở xóm ngoài có tình ý với nhau. Ngặt nỗi quan họ chỉ kết bạn giao duyên chứ tuyệt đối không được kết duyên chồng vợ. Hai người bịn rịn chia tay nhau để đi lập gia đình riêng. Họ đã thầm giao kết với nhau là sau này nếu người này có con trai và người kia có con gái thì đôi bên sẽ làm thông gia. Đâu như Phan Biên, con trai của “Anh Hai Sang” đã được “hẹn ước” với cô Đào con gái của “Chị Ba Xoan”. Chuyện có thế thôi.
***
Lá thư thứ năm Đào gửi Phan Biên.
“Khe Ve, ngày mùng 14 tháng 11 năm 1971.
Anh Biên ơi.
Đã sang mùa khô rồi. Mùa khô Trường Sơn chỉ thấy toàn bụi đỏ. Bom Mỹ đã xới tung lên. Bao nhiêu đất đá đều bị biến thành bụi hết. Sau mỗi trận bom bọn chúng em chỉ nhận ra nhau nhờ giọng nói. Còn lại ai ai cũng bị bụi đỏ bao kín mặt mày, nhuộm đỏ quần áo. Bây giờ mà xe anh qua anh sẽ không tìm được em đứng ở đâu giữa mọi người. Em đã nghĩ, khi anh dừng xe, anh thò đầu qua cửa xe gọi rất to “Cho tôi gặp Đào quan họ”. Anh gọi rất to và thế là tất cả tụi chúng nó sẽ ùa về phía anh. Anh chẳng biết em là cô nào đâu nhưng anh yên tâm đi. Em sẽ hát, em hát là anh sẽ nhận ra em ngay. Giờ em hát thử mấy câu để anh biết trước nhé. Coi như em đã “lộ bí mật” nhưng chẳng sao. Em hát đây “Bao quản í ơ ơ ơ ơ lấm đầu là thân là thân lươn kia/ Bao quản í ơ ơ ơ lấm đầu/ Anh Hai về là anh hai tính í ơ ơ để có đôi em về đôi em toán í ơ ơ ơ ơ tính í toán làm chi/ Tính toán nữa í ơ ơ ơ làm gì/ Có yêu nhau thì trò chuyện vân vi…”. Em sẽ hát câu đó. Anh nhớ nhé. Em Đào”
Lá thư thứ sáu Đào gửi Phan Biên.
“Khe Ve, ngày 22 tháng 11 năm 1971.
Anh Biên ơi.
Mấy hôm nay em cứ nghĩ vẩn vơ. Em nghĩ em là cô gái nhà quê còn anh là sinh viên đại học mỹ thuật. Người ta bảo giới họa sĩ đào hoa lắm. Anh sẽ có nhiều cô xinh đẹp vây quanh. Anh sẽ chẳng nhớ tới cái con Đào này nữa. Với lại người ta cũng bảo, cánh lái xe chúa là lắm chuyện lắm. Xe dừng chỗ nào thoáng thấy bóng mấy cô thanh niên xung phong là gọi ời ời “Đồng hương ơi. “Chống lầy thì nhớ chống lầy lái xe nhé”, rồi lại í a nắm tay cô này kéo tay cô kia. Lái xe Trường Sơn được mọi người vị nể nên đi đâu cũng có người bâu. Đấy, chỗ bọn em đấy, hễ thấy có xe qua là bọn chúng nó ùa đến, chúng tíu tít nhận đồng hương, rối rít khen anh đẹp trai. Mà tài thật đấy. Anh lái xe nào cũng có sẵn những thứ quà để cho chị em. Khi thì bánh xà phòng, khi thì nắm quả bồ kết. Lại có anh luôn thủ sẵn cả nắm lược với cặp tóc để tặng chị em nữa. Bọn chúng nó cứ gọi là mê tít mấy anh lái xe. Đôi lúc em thấy buồn. Anh đi nhiều nơi. Gặp nhiều cô nên anh chẳng nhớ gì tới em cả. Em sợ hay là anh đã quên em rồi. Em Đào.
Tái bút: Cũng tại anh gan lỳ tướng quân lắm kia”.
***
– Thế… thế hồi đó anh có gặp được chị ấy không?
Bà Ngọc Hà cuối cùng cũng không giấu được cảm xúc hờn ghen của mình. Bà hỏi nhưng đầu bà lại dựa chặt vào vai họa sĩ Phan Biên hơn. Một kiểu vừa hỏi cho ra nhẽ lại vừa sợ người được hỏi phật ý. Họa sĩ Phan Biên không trả lời, ông vòng tay quàng qua vai vợ. Hành động ấy làm bà Ngọc Hà chợt thấy mình như vừa làm điều gì đó không phải. Bà vẫn dựa đầu vào vai ông.
– Chị ấy đẹp lắm phải không anh?
Họa sĩ Phan Biên ghì cánh tay, ông kéo cả người bà Ngọc Hà lại sát người mình. Dưới nắng chiều chiếu qua ô cửa sổ, bóng của hai người như quện chặt với nhau. Hình bóng của họ cho thấy một sự tin cậy, một sự sẻ chia.
Nhưng rồi cái bóng hình hai người in đậm dưới nền nhà chợt lay động. Họa sĩ Phan Biên khẽ nhích người sang bên trái. Ông đưa tay về phía hộc bàn rút tập giấy cũ ố vàng ra. Ông giữ chặt những tờ giấy đó như sợ bay mất.
***
Lá thư thứ bảy Đào gửi anh Biên.
“Khe Ve, ngày mùng 6 tháng 3 năm 1972.
Anh Biên ơi.
Cái Đào hát chèo hy sinh rồi anh Biên ơi. Em thương nó quá. Nó hy sinh sáng nay. Một quả bom nổ chậm bất ngờ nổ đúng lúc cái Đào đến đó để cắm cờ đánh dấu cho các anh công binh tới tháo gỡ. Tiếng bom đột ngột dậy lên làm mọi người ai cũng hú hồn. Sau tiếng bom nổ bọn chúng em chạy về phía đó gọi tên cái Đào. Gọi mãi, gọi mãi. Chúng em đứa nào đứa ấy đều khóc rất to. Vừa khóc vừa cố đi nhặt nhạnh nhưng chỉ thấy đất đá dính máu. Không thể nào tìm được chút gì dù chỉ một mảnh nhỏ nhất thi thể cái Đào cả. Nó đã tan hết vào bụi đất. Thương nó quá. Nó hy sinh mà phần mộ của nó chỉ là mấy mảnh đất đá dính máu của nó thôi.
Tối qua em với cái Đào hát chèo còn ngủ cùng nhau. Nó ôm lấy lưng em mà hỏi “Tao chưa biết bàn tay con giai nó như thế nào mày ạ. Tay anh Biên của mày có ấm không? Chắc là rắn chắc lắm ấy nhỉ?”. Em xấu hổ đẩy nó ra “Mày đi mà thử cầm tay con giai đi cho biết”. Cái Đào lại ôm em chặt hơn, nó bảo “Mày còn có anh Biên để chờ đợi, để hy vọng gặp được nhau. Tao thì chả có ai. Chỉ thương bố mẹ tao thôi. Hôm xã làm lễ truy điệu cho anh tao, tao thấy bố mẹ tao sọp đi nhiều lắm. Tao tự hứa sẽ đi bộ đội để vào Nam chiến đấu trả thù cho anh tao. Vậy mà họ lại không cho tao đi chiến đấu. Họ phân công đi san đường mới chán chứ. Tao quyết rồi. Tao sẽ không ở thanh niên xung phong nữa. Tao phải được đi chiến đấu. Tao gửi đơn lên đại đội rồi”. Nói rồi cái Đào lật mặt em quay về phía mặt nó “Tao đi chỉ tiếc không gặp được anh Biên của mày. Mày gặp anh Biên thì nói cho cái Đào hát chèo chào anh ấy nhé. Chắc hôm mày và anh Biên gặp nhau vui phải biết”. Rồi cái Đào khe khẽ hát “Hỡi chàng tiểu ơi / Chàng như táo rụng sân đình / Em như gái dở đi rình của chua”. Nó chưa kịp vào Nam chiến đấu trả thù cho anh nó thì nó đã hy sinh. Em thương cái Đào, thương bố mẹ nó quá. Em Đào.
Tái bút: Em không sợ hy sinh. Em tin là chúng mình sẽ sống. Sống để còn dẫn nhau về làng nữa chứ. Anh nhỉ.
***
– Mãi đến tháng 4 năm 1972 anh mới đi qua Khe Ve – Họa sĩ Phan Biên chậm rãi nói từng câu – Lần đó tiểu đoàn xe của anh được lệnh lật cánh từ tuyến đường bên tây Trường Sơn sang tuyến đường bên đông Trường Sơn.
Bà Ngọc Hà hơi ngửa đầu hóng mặt lắng nghe. Bà toan nhắc lại câu hỏi “Thế hồi đó anh có gặp chị ấy không?” nhưng kịp kìm lại. Họa sĩ Phan Biên khịt khịt mũi mấy lần. Ông đang xúc động. Phải mất mấy phút im lặng như vậy họa sĩ Phan Biên mới chậm rãi nói tiếp.
– Anh không quên được, đó là ngày 17 tháng 4 năm 1972. Xe của anh đi trước dẫn đầu đội hình, vừa chớm vào tới trọng điểm Khe Ve thì máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện ra. Nó bắn một quả đạn khói xuống mặt đường đánh dấu mục tiêu. Chưa đầy phút sau đã thấy dậy lên chuỗi âm thanh của loạt bom đầu tiên. Chiếc xe của anh khựng lại, nhưng không đã muộn. Xe đã đi vào khu vực mục tiêu được đánh dấu. Anh định nhấn ga cho xe phóng vụt đi nhằm tách khỏi đội hình nhưng quả bom rơi xuống đầu tiên đã hất tung đất đá, khói bốc lên mù mịt. Một mảnh bom văng vào kính chắn gió. Kính vỡ tan tành. Trời đất tối sầm lại nhưng rất may là anh chỉ bị thương vào vai phải. Đấy, đúng chỗ em đang dựa đầu đấy.
– Ôi chết. Em xin lỗi.
Họa sĩ Phan Biên vỗ vỗ nhẹ vào người bà Ngọc Hà, ý chừng như ông muốn bà yên tâm.
– Anh không tài nào cho xe tiếp tục chạy được nữa. “Xe nào thế kia? Dừng ở đấy để cho bom nó tiêu à?” một giọng con gái vang lên quyết liệt. Anh biết vậy nhưng máu chảy nhiều quá khiến tay không sao cử động được. Lại giọng con gái quyết liệt vang lên. Lần này thì ngay cửa xe “Ôi anh bị thương rồi. Anh xuống xe mau lên” rồi vẫn cái giọng ấy gọi với về bên đường “Chúng mày ơi. Anh ấy bị thương rồi. Lại đây mau lên. Đưa anh ấy vào hầm”. Mấy cô gái thanh niên xung phong ùa tới rất nhanh và cũng rất nhanh các cô đã mở cửa xe đỡ anh xuống. Khi anh vừa bước khỏ buồng lái thì cái giọng con gái lúc trước còn rất quyết liệt chợt kêu lên thảng thốt “Anh Biên. Đúng là anh Biên rồi”. Nén đau anh cố mở mắt để nhìn “Cô là… là Đào… Đào phải không? Sao em lại ở đây?”. “Gặp được anh rồi. Em gặp được anh rồi”. Anh lại hỏi lại “Đào sao em lại ở đây?”. “Gấp lắm rồi. Anh theo các cô ấy vào hầm tránh bom nhanh lên. Chúng mày dìu anh Biên đi luôn đi”. “Nhưng còn em – Anh lo lắng gặng – Em…?”. Đào đã ngồi bên tay lái. Lại một loạn bom nữa trút xuống. “Em định làm gì thế? Đào”. “Gấp lắm rồi. Chốc nữa em quay về em sẽ nói chuyện. Giờ em đi nhé”. “Nhưng em có biết lái xe đâu?”. Đào nổ máy xe nói trong hơi thở mạnh “Các anh bộ đội chỉ cho em rồi. Lát nữa em quay về anh Biên nhé”.
– Chị ấy… chị ấy lái xe đi đâu? – Bà Ngọc Hà phân vân.
– Đào nhấn ga phóng vù đi. Chiếc xe băng qua trọng điểm. Máy bay Mỹ đã trông thấy chúng liền đuổi theo chiếc xe. Những loạt bom tới tấp rơi xuống. Quả nổ bên trái, quả nổ bên phải, có quả nổ trước đầu xe. Rất may là máy bay Mỹ đã bị chiếc xe của Đào thu hút. Đội hình xe của tiểu đoàn đã thoát hết vào đường tránh an toàn.
Im lặng. Tiếng quạt trần kêu ro ro. Chiều đang buông bên cửa sổ tạo nên khoảng tranh sáng tranh tối. Bà Ngọc Hà mở to mắt. Bà nhìn chăm chú vào bức tranh. Chợt bà kêu mừng rỡ. Bà nắm tay họa sĩ Phan Biên. Nét mặt bà hồ hởi như chính mình mới là người đang chờ đợi.
– Chị ấy đã quay về rồi anh ơi. Chiếc xe của chị ấy đang chạy trên dòng sông lụa. Cả cánh rừng đang rực lên màu lửa.
Họa sĩ Phan Biên dụi mắt. Cả hai cùng đứng lên dựa hẳn vào nhau háo hức. Bà Ngọc Hà đưa tay lên vuốt vuốt ngực đỡ tiếng ho của họa sĩ Phan Biên, tay bà vô tình chạm vào những tờ giấy cũ ố vàng mà họa sĩ Phan Biên đang ghì giữ.
– Sau lần ấy đồng đội của Đào đưa anh chiếc ba lô của Đào. Anh đã mang về làng cho bố mẹ của cô ấy. Anh xin phép bố mẹ của Đào cho anh được giữ lại những trang giấy này – Họa sĩ Phan Biên nói nghèn nghẹn – Những lá thư mà Đào đã viết cho anh nhưng cô ấy chưa một lần gửi đi.
Những giọt nước mắt chợt lăn xuống gò má bà Ngọc Hà. Từ rất xa, rất xa vẳng lên câu hát “Đứng ở đằng xa yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại í con mắt liếc lại í bằng ba đứng gần/ Em còn son/ Anh  cũng còn son/ Anh còn son í em cũng í chon son i/ Ước gì ta được ước a gì ta được í làm con một nhà/ Em í về thưa với mẹ cha/ Anh í về thưa với mẹ cha/ Ta í về thưa với mẹ cha……”.
NGUYỄN TRỌNG VĂN
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...