Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Thị Ngọc Hà: Ngày trở về

Truyện ngắn Nguyễn Thị
Ngọc Hà: Ngày trở về

1. Đang nghe cô giáo giảng, tất cả học trò bỗng mất tập trung khi hai người đàn ông đẩy cửa bước vào. Cả hai không chào chủ nhà. Người trung niên nói: Chúng tôi cần làm việc với cô ngay. Thảo đành để trò nghỉ sớm hơn mọi ngày. Các anh cần gì? Chúng tôi yêu cầu cô đóng cửa lớp học này lại. Vì sao? Vẫn giọng của người trung niên. Có đơn gửi Chính quyền đề nghị: cô không được mở lớp tại nhà, cô rõ chưa. Tôi mở lớp do các phụ huynh yêu cầu. Không nói nhiều. Người như đồ tể, vừa nói vừa đập mạnh tờ giấy xuống mặt bàn. Đây là biên bản cam kết, ký vào đây. Nếu cô còn tiếp tục, chúng tôi sẽ có biện pháp khác.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà
Thảo nhẫn nhịn đề nghị cho mình kèm học sinh qua kì thi chuyển cấp, nhưng anh ta giơ bàn tay chém gió sát mặt nàng. Loại chửa hoang, còn muốn dạy dỗ con người khác à. Uất ức căng đầy vồng ngực, Thảo vừa thét lên vừa cầm chiếc ghế đẩu ném về phía họ. Cút ngay. Cả hai chạy vội ra cổng, người như đồ tể còn ngoái lại. Cô chờ đấy.
Tâm hồn chìm trong vô thức, nhưng khi nhận ra mẹ ẵm bé Hậu đang đứng lặng nhìn mình, nàng bật dậy ôm chầm lấy hai bà cháu. Nỗi oan ức vỡ òa, Thảo tức tưởi như trẻ dại.
Đầu giờ chiều có lệnh mời Thảo lên quận. Người đàn bà ngồi ở bàn tiếp dân đưa mắt nhìn khinh bỉ lên khắp ngưởi đối diện, rồi lại cúi xuống tờ báo. Gần hai giờ trôi qua, chỉ nghe tiếng lật giở báo xột xoạt và tiếng quạt trần quay ì ạch. Quá nửa chiều, không thèm nhìn Thảo, bà ta xách túi ra khỏi bàn làm việc, chỉ buông lửng một câu. Không được bỏ đi, nghe chưa…
Biết chuyện xảy ra với Thảo, Trang quyết liệt. Không thể chết chìm trong sự hành xử bất công ấy, mày phải lên Phòng giáo dục trình bày cụ thể chứ. Thảo ngả vào vai cô bạn thân, oải từng lời. Có phải tao đã sai không? Ngỡ cứng cỏi như bản tính vốn có, nhưng vừa nói tới đấy, Trang ôm ghì lấy bạn mình nước mắt giàn giụa. Trước khi về quê chồng, Trang dẫn Thảo đến học làm hoa lụa xuất khẩu.
2.
Mỗi khi cùng cực, hồi ức trong trẻo lại ùa về, từng khoảnh khắc ngắn nhất cũng đủ vực Thảo đứng dậy… Ngày ấy cùng Trang đi chợ Bãi, nắng mai lấp ló khe núi Trầm mới tới bến đò. Đò toàn công nhân nông trường và người dân tộc. Hết tròng trành, Thảo chợt thấy người trai bảnh bao quần ghi, áo lanh trắng ngồi phía lái đang nhìn mình. Trong thời chiến mà lại mặc thế này khiến nàng càng khó chịu.
Chợ liêu xiêu mấy dãy lều cỏ gianh, lìu tìu vài hàng xén, còn lại toàn ngô khoai sắn cùng đôi ba sọt chó mèo, lợn giống. Chợt Trang nói nhỏ: “kẻ lạ” đang theo sát chúng mình. Về thôi! Trật trẹo trên con đường đất đỏ bị mưa rừng xói lở, gần trưa mới tới đỉnh dốc thứ nhất, cả hai má đỏ vì nắng, chân mềm vì đói. Trang chỉ xuống thung lũng phía trước, cố qua suối cạn tới rặng trẩu nghỉ ăn bánh ngô nhé. Bỗng Thảo thấy kẻ mặc áo trắng ấy đứng ở rìa lô cà phê gần nhất như để đón đường. “Hắn kìa!” Cả hai tháo dép, quẳng hết đồ ăn, chạy thục mạng… Một thổ âm phương Nam vọng theo: “Đừng chạy kẻo té”.
Một tuần sau, chi đoàn thanh niên Đội Ba nông trường Phúc Tiến, tổ chức phát rẫy hoang trồng sắn vào chủ nhật, để gây quỹ giúp các gia đình trong đội có người thân đang ở chiến trường miền Nam. Vừa nghỉ hè, Thảo cùng Trang xin tham gia với họ. Một triền đồi rậm rì lau lách chen cây dại cao lút đầu người. Ai khỏe đốn cây, yếu hơn phát cỏ gom lại từng đống để đốt. Xế chiều mới quang được một phần đồi. Những đống cây cỏ nổ lách tách, khói bốc lên mùi ngai ngái của nhựa cây tươi. Anh Tiến, bí thư chi đoàn đặt bịch sắn xuống nói như ra lệnh: Nghỉ thôi, chủ nhật sau làm tiếp bây giờ nướng sắn chén đã.
Sinh sống ở thành thị, chưa bao giờ nàng với Trang được thưởng thức hương vị sắn lùi ngon đến thế. Chợt Trang thảng thốt chỉ xuống chân đồi: “Lại hắn!”. Thảo nói đủ Trang nghe. Từ điểm chúng mình xách dép chạy hôm trước đến đây hơn bảy cây số đường rừng, làm sao “hắn” biết chúng mình ở đây mà đến nhỉ? Chưa hết ngạc nhiên đã thấy anh Tiến đứng lên khum loa tay gọi. Lên đây Việt ơi! Thảo và Trang ngạc nhiên hỏi: Anh quen người này à? Việt là sinh viên đại học tổng hợp, con của giám đốc nông trường. Mỗi lần về với cha mình, cậu ấy lại vào thăm bọn anh, bởi Đội Ba đông thanh niên nhất. Anh Tiến nháy mắt hóm hỉnh nhìn Trang với Thảo. Hôm qua gặp anh ở Nông trường bộ, Việt hỏi về xóm dân sơ tán. Anh trót tiết lộ: trong đó có hai thiếu nữ xinh đẹp đang học “10 +3”
Việt vừa chào mọi người, vừa lấy tiếp sắn vùi dưới đống lửa. Anh tự nhiên như chính mình cũng phát rẫy từ sớm vậy. Ngoài sự thân thiện cùng đôi mắt nâu đen phảng phất nỗi buồn thăm thẳm, Việt còn có vẻ đẹp cân đối của phái mạnh, anh không như nàng với Trang đã nghĩ.
Những chủ nhật sau đó, Việt đến lao động cùng mọi người. Trận mưa cuối hạ vừa đủ ẩm đất cho sắn bén rễ. Cả toán thanh niên ùa vào lán nghỉ trưa của công nhân giữa lô cà phê gần nhất. Giọng Việt trầm ấm tha thiết hỏi Thảo và Trang: Mai mốt, hai em có cho tôi tới xóm sơ tán không? Trang trả lời ráo hoảnh: Phải nộp lệ phí. Lệ phí bằng gì, thưa hai cô nương? Trang  quay sang Thảo tìm câu trả lời. Nàng lắc tung cả mái tóc ngắn. Tớ chịu. Tiến vỗ vai Việt. Cậu cứ vào tôi sẽ dẫn sang. Quay về phía Thảo, Tiến cao giọng. Hát vài bài làm lệ phí có được không hai cô giáo tương lai? Được ạ ! Nàng hào hứng trả lời thay Trang.
Tiến tầm thước da nâu bóng săn chắc, đôi mắt to sáng. Anh đúng là người làm công tác Đoàn năng động, tay xách đèn bão vai khoác cây ghi ta, hăng hái dẫn Việt cùng toàn thể thanh niên Đội Ba vào xóm sơ tán. Tất cả tụ tập giữa khoảnh đất trung tâm. Việt vừa hát vừa tự đệm đàn, không chỉ vài bài. Giọng anh có âm vực rộng, sáng ấm mượt mà. Trang hích vai Thảo: Chàng hát giữa mọi người, mà ánh mắt chỉ hướng về mày thôi.
Hè qua đi đã lâu. Ánh mắt của Việt cứ len lỏi vào hầu hết thời gian mỗi ngày. Thảo bâng khuâng trước cảm giác lạ đang nảy nở trong tâm hồn mình. Vừa kết thúc đợt thực tập dài ngày trở về, mẹ đưa nàng phong thư của Việt. Giấu sự hồi hộp trước mẹ, nhưng tay nàng lại run lên.
Đại Từ… 25 tháng 8…
Thảo em!
… Chưa đầy chín tuổi anh đã nghe tin má bị giặc giết. Ký ức kinh hoàng cứ lẩn quất suốt thời ở trường học sinh Miền Nam cho đến khi là sinh viên đại học. Anh trở nên lầm lì trước mọi người. Nhưng từ ngày gặp em, trong anh bỗng trỗi dậy nỗi khao khát sự dịu dàng của phụ nữ, khao khát tình yêu của em…
Cho anh được yêu em. Trả lời anh nhé.
Trần Việt.
3.
Trong căn nhà thiếu vắng hơi ấm đàn ông, gió bấc vẫn luồn lách vào những tiếng rít khan. Đắp thêm chăn cho hai bà cháu, Thảo quay ra làm tiếp cho xong lô hoa để giao trước tết. Tay tẩm hồ từng cánh lụa, nhưng quá khứ lại dẫn dụ nàng trở về mùa xuân năm ấy.
… Việt về nông trường chỉ vì nàng, bởi cha anh đã được điều về chiến khu R từ cuối thu. Anh nôn nóng chờ câu trả lời của người thiếu nữ đã hút hồn mình. Thảo nheo đuôi mắt cười. Hôm nay vẫn là năm cũ, sang năm mới em trả lời cho mới anh nhé. Sương nặng như mưa, giá rét buốt tận xương. Tưởng tượng đến đoạn đường về khu cơ quan nông trường bộ, phải qua hai con suối và trên bảy cây số đường rừng vào đêm cuối năm, Thảo giục anh về kẻo muộn. Nhìn Việt, mẹ Thảo ái ngạị, nhưng cả nhà chỉ mỗi chiếc giường nhỡ. Biết mẹ nàng băn khoăn, Việt hài hước. Bác đừng lo, cháu đi đến đâu đêm sẽ sáng tới đó mà.
“ … Thảo xúng xính trong chiếc áo dài trắng của mẹ sửa lại. Việt sững sờ. Trông em thật tuyệt. Mẹ cười rạng rỡ mà đôi mắt ngân ngấn nước. Bà nói: Đây là vật kỉ niệm ngày bố cưới mẹ, hôm nay mẹ tặng con. Sau khi thắp hương trên bàn thờ bố của nàng, Việt xin phép mẹ dẫn Thảo về quê mình.
Nàng cùng anh đi trên con đường phong quang, không còn khói bom đạn, không còn những hào giao thông ngang dọc, không còn những hầm chữ A đắp đất dày ú ụ bên lề đường… Có mỏi chân không em? Đi bên anh cùng trời cuối đất em cũng không thấy mỏi. Việt nhìn nàng cười. Nụ cười của hạnh phúc.
Nàng theo anh đi mãi, đi mãi. Qua những cánh đồng lúa non xanh mướt mát. Qua nhiều chiếc cầu khỉ trên những dòng kênh, hai bên bờ ngút ngát dừa. Qua trảng cát dài, anh dẫn nàng đến bên cửa sông rất rộng. Phía bờ xa kia làng mạc chỉ là một vệt xanh mờ.
Dừng chân trước ngôi mộ to nhất, cao hơn tất cả những ngôi mộ khác, nằm bên con rạch nhỏ rậm rì đước. Việt cho nàng biết, trong ngôi mộ này có bảy người vừa cán bộ nằm vùng, vừa du kích địa phương bị giặc tra tấn đến chết, trong đó có má. Anh nói như với người đang sống. Thưa má! Đất nước được giải phóng rồi. Hôm nay con dẫn người thiếu nữ con đã yêu thương về đây trình má… Một cơn gió từ sông Hậu tràn lên, những ngọn Lục bình dạt trên mặt nước. Đôi vạt áo dài của nàng bay phần phật. Chiếc sơ mi trắng muốt anh đang mặc căng phồng… Má chứng rồi em nè…”.
Mẹ gọi. Thảo vẫn ngủ say trong giấc mơ, nàng bật dậy. Người con trai khoác chiếc bludông đẫm sương mặt mũi tái nhợt. Anh quay lại, không phải vì sợ đi trong rừng đêm đâu. Anh đứng ở ngoài suốt đêm ư? Sao không gọi mẹ em mở cửa! Anh không đủ can đảm. Mẹ Thảo đốt củi giữa nhà. Bà lụi hụi làm món xôi sắn, mừng người xông đất đầu năm. Ánh mắt nồng ấm dịu ngọt của nàng đã thay câu trả lời mà anh vẫn mong đợi.
Mùa xuân ấy qua nhanh hơn thường lệ. Hoa trẩu nở bung, trắng muốt trên lối đi lên các lô cà phê. Hương trẩu thơm đến nao lòng những người ở lại. Trai trẻ Đội Ba theo nhau ra mặt trận. Lực lượng sản xuất ở lại toàn phụ nữ cùng đàn ông ốm yếu. Anh Tiến, vợ sắp sinh cũng xung phong nhập ngũ. Sự hoang hoải của Đội Ba lan sang cả xóm dân sơ tán. Những lô cà phê quả chín trĩu cành, thiếu người thu hái đang rụng dần. Trong khi chờ đợi vào năm học cuối, Thảo theo mẹ vận động người dân sơ tán trong xóm đi hái cà phê giúp các cô công nhân. Nàng đang cân số lượng thu hoạch trong ngày, mẹ hớt hải chạy tới. Việt vừa lên. Gấp lắm. Con về ngay, mẹ sẽ cân thay.
Việt không tỏ ra hối hả, nhưng sự vội vã lại hiển hiện trong giọng nói của anh. Anh đã xung phong nhập ngũ, bây giờ phải về trường để kịp sớm mai tập trung. May quá, gặp xe của nông trường anh theo lên đây.
Bạn hữu và nhiều người thân lần lượt ra trận, với Thảo không lạ gì, nhưng lúc ấy nàng mụ mẫm hẳn. Việt lặng lẽ mở chiếc ba lô, anh trải trước nàng bộ quần áo bà ba vải thô đen của bé trai cỡ tám, chín tuổi. Các đường chỉ mũi thẳng, mũi xiên đã bạc.  Đây là bộ quần áo má tự khâu trước khi anh được ra Bắc đi học. Khi anh mặc bộ quần áo này vẫn rộng, má đã không còn nữa. Nó trở thành kỷ vật thiêng liêng của anh. Khôn lớn hơn anh đã nguyện với má, chỉ trao nó cho người con gái mà anh yêu. Em giữ kỷ vật này và chờ anh về nhé. Thảo không trả lời nổi, nàng chỉ gật đầu rồi dướn mình ôm ghì lấy anh, ôm ghì lấy giây phút ngắn ngủi còn lại. Nàng nghe rõ tim mình thổn thức, nước mắt tràn thấm bờ vai Việt.
Căng mắt theo chiếc xe chở người yêu đang hút xa dần. Trước Thảo chỉ còn cuồn cuộn bụi đất đỏ dưới khoảng trời rực ánh hoàng hôn. Cơ thể rã rời, nàng ngồi bệt xuống vệ cỏ giữa lưng đèo, trống trếnh gió.
Từ độ rời nơi sơ tán trở về thị xã, Thảo không nhận được tin của Việt. Những lúc buồn, nàng lại cầm bức ảnh Việt và anh Tiến chụp chung, trong thư anh Tiến gửi cho vợ. Với quân phục bộ đội giải phóng, mũ tai bèo buông lơi sau vai, cả hai người trai đều khỏe trẻ miệng cười rạng ngời. Nhưng mỗi lần cầm bức ảnh lên, Thảo lại cảm thấy nghèn nghẹn.
Hôm ấy, cơn mưa rừng đã dứt nhưng chiều vẫn ướt sũng. Đất trên mọi lối đi như hồ dính bám chặt gót chân người. Vợ anh Tiến đỡ cái bụng to vượt mặt, lặc lè đến tận xóm sơ tán đưa Thảo xem thư của chồng mình, trong thư anh Tiến có đoạn viết:
“…  Anh vừa gặp Việt ở giữa sự sống và cái chết. Nhưng bọn anh không hề nao núng, vẫn ôm nhau cười váng sông Thạch Hãn. Chỉ gặp nhau trong giây lát nên không tâm sự được nhiều. Em nói với Thảo, Việt nó yêu cô ấy lắm… Nếu em sinh con trai đặt tên Việt, con gái đặt tên Thảo nhé. Anh thích hai cái tên ấy… Yêu em và con rất nhiều.
Lê Tiến”.
Vợ anh Tiến trở dạ đúng buổi sớm Thảo nhận được tin anh ấy hy sinh. Trời như thấp hẳn. Tiếng chim du cư vọng về hoang hoải. Thung lũng Mường Long chìm trong sương mù. Cả Đội Ba trầm mặc thương tiếc một người như Tiến. Trầm mặc vì thấp thỏm lo lắng trước những tin chẳng lành tiếp theo. Tiếng khóc thoát thai của bé không xua tan được nỗi u ám trong tâm hồn nàng. Giọng Trang cứng rắn: Còn chiến tranh là còn mất mát đau buồn. Ai cũng phải sống, cứ sụt sùi như mày có khi tàn lụi trước ngày chiến thắng. Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng ngẫm lại nàng thấy Trang nói đúng. Vợ Tiến chỉ im lặng. Nếu trời đất có linh hồn, cũng phải rùng mình về sự im lặng ấy.
4.
Thầy Quả, hiệu trưởng trường phổ thông cấp hai thị xã H, vẫn khó tính trong việc chọn vợ. Người thầy chê ngực đã lép giọng nói lại chua. Người thầy lại chê quá béo, hoặc quá gầy. Năm trước, thầy hủy hôn chỉ vì phát hiện ra hai ống chân của vợ sắp cưới mọc nhiều lông. Thảo mới về trường đã lọt vào đôi mắt khó tính ấy. Nhiều buổi ngồi cuối lớp dự giảng, mắt hiệu trưởng cứ dán vào nàng. Lúc đầu hơi bối rối, nhưng Thảo đã lấy ngay được sự bình tĩnh trước học trò. Hết giờ, Quả đến gần nàng nói nhỏ: Hết giờ Thảo lên phòng tôi trao đổi một chút về tiết văn hôm nay nhé.
Cuối chiều, lá trên cây đã chuyển sang màu xanh thẫm. Các lớp đã đóng cửa. Ngoài sân trường, bác bảo vệ đang lùa một tốp học sinh tụ lại đá cầu. Trong phòng chỉ có Quả và nàng. Giọng hiệu trưởng êm mượt: Thảo này! Vâng, em nghe đây ạ. Em có biết, tôi sắp bị thiêu cháy vì em không?
Trông vẻ thảm hại hiển hiện trên con người có tướng diện khá hoàn hảo của Quả, Thảo bấm bụng cười thầm kiểu tỏ tình cải lương ấy. Nàng nghe nói, đàn ông tuổi ngoại tứ tuần mà chưa có vợ thì thần kinh nhất định có vấn đề. Thảo nhẹ nhàng từng lời. Xin thầy hiệu trưởng đừng để mình bị cháy một cách oan uổng như thế. Hai má Thảo ửng lên vì câu châm chọc. Vừa đứng lên Thảo vừa nói. Nếu không có gì khác, em xin phép về kẻo muộn rồi ạ.
Phắt dậy, Quả vừa dang tay ngăn lại, vừa dấn tới ôm lấy Thảo. Đôi môi dụi như điên dại vào vùng cổ nhạy cảm nhất của phái yếu. Thảo khom người truồi nhanh khỏi vòng tay Quả. Nàng lấy hết sức tát, cái tát mạnh đến nỗi lòng tay nàng thấy rát. Thảo xô chiếc ghế tựa chạy ra cửa, chiếc ghế xoay nghiêng va vào chân, Quả mất thăng bằng ngã ngồi xuống nền gạch.
Thời gian trôi đi song anh ta vẫn trò chuyện với Thảo như không có gì xảy ra.
Quả lấy vợ. Vợ Quả nhiều tuổi hơn Thảo. Đổi lại, Quả được làm rể chủ tịch tỉnh. Hôm đám cưới, cô dâu độn miếng mút dày quá cỡ, đang nâng cốc với bạn hữu, miếng mút tụt xuống tận bụng. Không hiểu say hạnh phúc hay ngượng trước thực khách, mặt chú rể đỏ bầm. Sống chưa đầy năm Quả đã chê vợ hiểu biết nông như vũng trâu đầm.
5.
Dạy bù một tiết, Thảo về tới nhà nắng đã đứng bóng. Mẹ đang tiếp khách. Người mặc quân phục ngồi quay lưng ra ngoài. Mẹ ra hiệu cho khách biết con gái mình đã về. Việt! Tim nàng đập loạn, đôi chân vừa nhẹ bẫng vừa nặng trĩu. Mỹ đã rút, nhưng chiến sự vẫn chưa chấm dứt, tại sao Việt lại về nhỉ?
Việt được sáu ngày phép để cưới vợ, nhưng thời gian trải trên đường gần hết, chỉ còn gần ba mươi giờ bên nàng. Ngay chiều ấy, sau khi xin trường giấy giới thiệu đi đăng kí kết hôn, Thảo cùng Việt mang theo giấy thiệu của đơn vị Việt đến Phòng tư pháp. Sau khi tiếp nhận tờ khai cá nhân của hai người, chị cán bộ nói ngắn gọn: Chúng tôi thông cảm với hoàn cảnh của hai bạn, nhưng nhanh nhất cũng phải sau mười ngày, không có đơn khiếu nại mới được cấp giấy đăng kí kết hôn. Đây là luật.
Nhìn đôi trẻ buồn rượi, người mẹ an ủi. Có gì đáng buồn đâu, sau này Việt về đăng kí cũng được mà. Giấy kết hôn chỉ là thủ tục pháp lý, hai đứa vẫn yêu nhau kia mà…  Anh phá tan không khí ảm đạm bằng câu hỏi: Mẹ ơi, từ hôm nay mẹ đã nhận con là rể? Bà quay lại nhoẻn miệng cười mà vệt nước mắt vẫn ướt trên gò má. Bà chỉ lên bàn thờ. Mẹ chuẩn bị cơm rượu, mời bố cái Thảo cùng má con về nhận dâu nhận rể rồi đấy. Lẳng lặng cầm những giấy làm thủ tục kết hôn của các con, bà đặt trước bát nhang. Việt và nàng đứng sau lưng mẹ. Bà đang khấn nguyện…
Đêm cuối thu se lạnh. Hai cơ thể trần trụi sung mãn, bồng bềnh hưng phấn đến cực điểm mà vẫn muốn trao thêm nữa, nhận thêm nữa khoảnh khắc đê mê bất tận. Nàng không nghĩ đến gì khác, ngoài ngoài vồng ngực trẻ trai của anh đang ghì xiết, đang chà xát sự nhám nhột lên khắp da thịt mình. Nàng thầm thĩ: Nếu có con, trai hay gái em cũng đặt  tên dòng sông quê anh. Anh đồng ý không! Chợt tiếng hú dài của chuyến tàu đêm chạy qua thị xã, đã xé toạc không gian yên tĩnh. Tiếng hú như cố tình vọng vào phút giây hạnh phúc mỏng manh của nàng. Thảo sực tỉnh. Chiến tranh vẫn chưa kết thúc, nhiệm vụ của anh vẫn còn. Nàng ôm chặt lấy Việt, như thể lỏng tay chút thôi, chuyến tàu kia sẽ lôi tuột anh đi mất. Nhưng sớm hôm sau nàng vẫn phải trả anh đi về phía còn tiếng súng.
Thảo không đăng kí kết hôn được, thư kí công đoàn, cán bộ nữ công và một số giáo viên khác thương lắm. Riêng hiệu trưởng tỏ ra tiếc nuối. Hôm ấy em nói, chắc chắn anh can thiệp được ngay. Nhưng mấy tháng sau biết Thảo có thai, cả trường như có chiến dịch. Quả chỉ đạo cho các đoàn thể hành hạ trí não Thảo. Công đoàn họp kiểm điểm, ban nữ công phân tích đến tận chân tơ kẽ tóc mấy buổi về đạo đức của người nữ giáo viên. Đoàn thanh niên yêu cầu nàng nộp bản tự kiểm vì đã sống buông thả. Họ ném về nàng cái nhìn như ném những viên đá sắc nhọn.
Sau buổi giao ban thường nhật, nàng được lệnh lên gặp hiệu trưởng. Thể hiện chân tình, giọng Quả trầm hẳn: Từ tuần này em tạm thời xuống quản kho giáo cụ của trường, hết thời gian nghỉ chế độ, tôi sẽ xem xét lại nhé. Hết hai tháng nghỉ đẻ, với lí do giáo viên đã đủ, Quả động viên Thảo nhận ba tháng lương tương ứng ba năm làm việc của nàng.
6.
Chiều cuối hạ u ám bởi màu trời xám chì mỗi lúc một thấp xuống. Chiếc Uoát ngoặt vào dãy phố rợp hàng phượng vĩ. Ngôi nhà cấp bốn năm xưa đã thành nhà ba tầng. Chủ nhà nói, họ về đây hơn mười năm rồi. Như chợt nhớ, người phụ nữ không còn trẻ chạy vào, một lúc sau trở ra đưa cho tài xế mấy dòng địa chỉ được xé từ sổ tay.
Dò từng khúc trên con đường đất nhỏ, người lính trẻ cho xe bò sát bờ dứa dại để tránh sa xuống con mương đầy nước. Xe dừng trước hai cánh cổng tre nứa tuyềnh toàng của ngôi nhà lợp lá cọ phía trong. Tài xế còn lúi húi lấy đồ trên xe, người đàn ông tóc lấm tấm muối tiêu trong trang phục sĩ quan vội vã bước vào sân. Anh reo lên: Thảo! Thảo vẫn trẻ đẹp, vẫn mặc chiếc áo kiểu đại quân màu cỏ úa mà anh rất thích (Mốt của các cô gái thành thị trong những năm 73-76 của thế kỉ trước). Nàng không tiến về phía anh mà quay gót đi trước, như dẫn người đi sau bước trên những viên gạch lót chân giữa mặt sân đất còn rịn nước để vào nhà. Tới thềm, hồ như Thảo vừa ngoái lại nhìn anh mỉm cười… thoắt đã không thấy nàng đâu nữa.
Trước anh chỉ có người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ. Tóc bà bạc lưa thưa, đôi mắt không thể trũng hơn đang đăm đắm nhìn vào vô định. Khách bước vào bà vẫn không hay biết, mãi khi nghe gọi “Mẹ ơi” bà mới ngẩng lên nhìn. Sững sờ giây lát bà nhận ra Việt. Khuôn mặt héo hắt ửng lên lại tái đi. Từng lời bà lạnh đến dửng dưng. Giải phóng Miền Nam đã ngần ấy năm, sao hôm nay anh mới về? Việt định nói với mẹ rằng: mười sáu năm qua anh chiến đấu ở một mặt trận không tiếng súng. Rằng; về nước anh mới hay cha mình mất đã lâu, bây giờ ngoài mẹ với Thảo anh chẳng còn ai, nhưng vì muốn gặp nàng ngay nên Việt chậm rãi. Con sẽ thưa với mẹ sau ạ. Thảo đâu rồi mẹ?
Choáng váng, Việt cảm giác buốt tận cùng tim óc. Sắc mặt Việt tái nhợt, anh buông mình xuống chõng. Anh hỏi lạc cả giọng mình. Tại sao thế này mẹ? Từng lời của người mẹ ngập trong nỗi đau. Không thể sống yên với những lời bịa đặt bẩn thỉu về con gái, tôi đành bán căn nhà trên phố để lánh về đây. Trước phần đời còn lại, tôi không thể núp bóng cái chết của con mình để bịa đặt ra sự hèn hạ đến đê tiện của họ đâu… Bà không đủ sức kể mạch lạc bi kịch từ ngày Việt ra đi, cho đến cái chết của con gái mình. Dẫu chỉ vắn tắt nhưng anh đã hiểu tất cả. Không được dạy học nữa… nàng vẫn đi nhận lụa về làm hoa, rồi đi trả hàng như thường lệ… cơn giông bất chợt… thùng hàng cồng kềnh… cái nón lật úp… Thảo va vào ô tô.
Tim Việt như có mũi dao nhọn xoáy vào, anh cố đứng dậy tới trước tủ sách cao ngang vai mình. Trên nóc tủ, dưới chân dung bố Thảo là chân dung của nàng. Phía trước chân dung nàng là bộ quần áo của anh năm chín tuổi cùng lá thư và những giấy tờ để đăng kí kết hôn. Việt gục xuống số giấy tờ ấy nấc lên như đứa trẻ. Tiếng khóc của người đàn ông đã trải qua bom đạn hữu hình lẫn họng súng vô hình, như tiếng xích xe tăng gầm rú nảy chồm qua những mô đá hộc.
Người lính lái xe đang ngồi bên bà mẹ, vội tới lay lay vai thủ trưởng. Day day đôi mắt đang xót cay mọng nước, Việt ngoảnh lại… Thảo… Lại ảo ảnh ư? Việt thấy rõ thiếu nữ đứng lặng bên bậc cửa. Anh thảng thốt, khi nhận ra khuôn mặt thanh thoát đang ngơ ngác nhìn mọi người. Hậu! Thiếu nữ vẫn không chớp mắt trước người vừa gọi tên mình. Cha đây con ơi!
Trời đổ mưa. Những vệt chớp sáng trắng rạch nát bầu trời, nối theo sấm nổ ùng oàng như tiếng đạn, tiếng bom. Từng giọt mưa như thủy tinh nẩy bong bóng nước, trôi bập bềnh, bập bềnh…
NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...