Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Giàn bông giấy dưới mái hiên

Giàn bông giấy dưới mái hiên

1. Giàn bông giấy như cái dù chùm lên cả mái hiên ngôi nhà. Cây hoa chỉ có một gốc, một thân khẳng khiu mà trổ từng chùm bông trắng, bông hồng xen nhau tranh đua sắc màu tươi tắn – Làm điểm nhấn cho ngôi nhà xây cất giản dị mà sang trọng.
Hai ông già ngồi trước hiên nhà bên bàn trà. Phía trước là con đường mới mở rộng rênh. Những hàng cây mới trồng nhưng đủ làm cho mặt đường rợp mát. Con đường khá vắng vẻ và yên tĩnh này chạy thẳng vào phố thị.
Gần đây người khu phố thấy hai ông già ngồi với nhau như thế đã nhiều buổi sáng. Có khi vào cả buổi chiều.
Ông Bảy Đức là người chủ ngôi nhà mới xây cất có giàn bông giấy này. Ông có dáng người mảnh khảnh. Đôi mắt tuy hơi mờ đục do tuổi tác nhưng vẫn tinh tường lắm. Nhìn thật kỹ mới thấp thoáng điều gì như băn khoăn trong đáy mắt và nụ cười thoắt có nét buồn ẩn hiện.
Nhà văn Trần Đắc Hiển Khánh
Người có nước da săn chắc, sức vóc còn đầy sinh khí là ông Ba Hải. Ánh mắt ông luôn tỏ rõ sự tự tin. Niềm tin luôn hiện diện trong lời nói và cử chỉ.
“Đòng đong chơi đạo đòng đong / Trẻ chơi đạo trẻ, già dong đạo già”. Người già nói vậy. Bọn trẻ bảo cặp đôi này gắn nhau như sam. Chả biết họ chuyện trò những gì. Chỉ hai ông mới thấm thía những câu chuyện thấu đáo và thân tình. Câu chuyện của họ dài theo năm tháng. Cả hai cùng đem theo nỗi nhớ về vủng ngoại ô đầy nắng gió này.
Họ cùng nhau mở lại những trang quá khứ. Ngày ấy, nhà Đức, nhà Hải đều nằm bên mé sông. Ngày nào hai đứa cũng lặn ngụp dưới dòng nước ngầu phù sa. Tảng lục bình trôi trên sông trở thành chiếc “tàu thủy” hay “hạm đội” theo quy ước của bọn trẻ. Chúng reo hò trên đó. Bẹ dừa thành súng đại liên. Tàu dừa thành cánh buồm căng trước gió.
Trong những trận “thủy chiến” ấy, Đức hay tự phong là “đại úy” chỉ huy “quân ta”. Hải là “đại úy” chỉ huy “quân đich”. Cũng có khi vị trí “quân ta” thành “quân địch” và ngược lại “quân địch” thành “quân ta”.
“Quân ta” dưới nước đánh lên. “Quân nó” trên bè đánh xuống. Các cuộc hỗn chiến tung tóe nước, tơi tả lục bình, vẫn chẳng phân thắng bại. Ở phe nào, “đại úy” Đức cũng luôn tỏ ra là người chiến thắng. Bất cứ trò chơi gì, Đức cũng muốn phần thắng về mình.
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Không như trò chơi trên sông của bọn trẻ ngày nào. Súng đạn đinh tai nhức óc. Máu đổ, người chết là có thật diễn ra hàng ngày khắp xóm ấp, trên từng nẻo phố.   Đức theo gia đình lên thành phố học tiếp. Tốt nghiệp trường sĩ quan Thủ Đức. Được điều về chi khu quân sự tỉnh nhà.
Hải trở thành anh bộ đội giải phóng. Súng đạn đeo trĩu bên vai chớ không phải bẹ dừa hay tàu chuối như hôm nào. Trận tuyến hai bên phân chia rõ rệt. Cấp trên giao cho họ tìm kiếm lùng xục nhau để tiêu diệt. Diệt ngày, diệt đêm. Diệt bằng mọi cách, từ súng ống, lựu đạn đến dao phay… Bất kể thứ gì có thể giết được nhau.
Giờ đây cả hai cùng ngồi dưới mái hiên nhà, bên giàn bông giấy. Họ gọi nhau bằng anh Ba, anh Bảy thân thiết như anh em một nhà. Người này gọi người kia bằng anh, không phân thứ bậc.
Dù khoảng thời gian họ xa nhau khá lâu và do “di chứng” mà chiến cuộc tạo ra hai phía đối lập, có thể nói hai phía tư tưởng đối đầu nhau. Nhưng xem ra họ chuyện trò rất cởi mở, xởi lởi.
Có lần ông Ba Hải hỏi:
– Anh Bảy à, sao dạo ấy chúng mình không hề đụng mặt nhau lần nào ha?
– Các anh lẩn như trạch. Thoắt chỗ này. Thoắt chỗ kia. Chả biết đâu mà mò
– Chúng tôi lại biết rõ hoạt động của các anh. Biết từng kế hoạch sắp đánh đâu, càn nơi nào…
– Các anh có mạng lưới tình báo tinh vi đã đành, lại có tai mắt của quần chúng nhân dân ủng hộ.
– Chẳng biết lúc ấy chúng mình đụng nhau sẽ ra sao ha.
– Ôi chao, anh em ruột thịt cũng bắt bớ, chém giết lẫn nhau nữa là…
– Cũng hên, chúng mình chưa chạm trán lần nào.
Hai gương mặt từng trải có lúc chợt ngập ngừng lúng túng. Cả hai ngồi lặng đi. Ở cương vị của họ, mỗi người đã từng xử trí hoặc chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi… Dĩ vãng đau thương ấy đã qua rồi, nó trở thành niềm day dứt, ân hận khôn nguôi. Giờ đây vô tình nhắc lại sẽ gợi cho mỗi người nỗi buồn. Có người là nỗi đau đến tê tái. Đau đến không hiểu vì sao lại hành xử như thế. Mọi việc giờ đây đều được hóa giải. Nhưng có nỗi đau không thể nào rũ gỡ hết được. Một trong hai người ngồi đây cũng có nỗi niềm như thế… Cứ nhìn vào cử chỉ và gương mặt ông Bảy Đức sẽ thấy thấp thoáng sự băn khoăn, trong đáy mắt có nét buồn đọng lại.
Ông Bảy Đức cố xua đi ý nghĩ của mình. Hất mái đầu bạc, đổi đề tài câu chuyện:
– Anh Ba phấn đấu như thế cũng là đạt được nhiều… thành tích ha. Nghe nói sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đằng mình… có ý chí quyết tâm cao lắm…?
Ông Ba Hải cười sảng khoái:
– Có một việc: “Chẳng cần gì phấn đấu / Ta cũng thành cụ già”. Một nhà thơ đã nói vậy…
Cả hai cùng cười như khẳng định, chấp nhận cái già đang xồng xộc kéo đến với mình.
– Nghe nói anh Ba làm đến chức vụ đó là quan trọng và uy tín lắm? Ông Ba Hải không trả lời câu hỏi của ông Bảy Đức mà nói những suy nghĩ thường trực trong lòng mình bấy lâu nay:
– Uy tín là do chất lượng công việc anh làm chớ không phải chức vụ anh đảm nhiệm hay danh hiệu được phong tặng. Cứ bảo làm cách mạng là “đầy tớ của dân”, nhưng đầy tớ gì mả được cung phụng, nuông chiều…đi đưa, về đón. Nhiều lúc dình dang đến nỗi thấy mình như vai tuồng, đi đứng cứng ngắc, làm ra vẻ oai vệ…Tôi bây giờ mới thấu hiểu: Càng được yêu thương chiều chuộng, càng như người bị mắc nợ. Phải nói suốt đời theo cách mạng, lứa chúng tôi hy sinh mất mát cũng nhiều. Nhưng số khá đông (trong đó có tôi), được nuông chiều, được mặc định tin tưởng, được đề cao tuyệt đối nên hay chủ quan. Cứ cho mình là đúng hết, cái gì cũng hay. Nhiều cái cứ dấu diếm như kiểu “mèo dấu của quí”. Bưng bít, đè nén mãi, đến lúc bung ra thì vung tứ tung, bung tóe loe ra bao nhiêu điều dở…
Chừng như thấy mình hơi quá đà, ông Ba Hải quay hỏi sang chuyện khác:
– Tôi hỏi thiệt, chừng ấy năm xa quê, anh nhớ gì nhất?
– Nhớ đủ thứ. Kể cả những cái vớ vẩn, nhỏ nhặt nhất. Nhớ mùi khoai, mùi bắp nướng. Mùi khói đốt đồng làm cay xè con mắt những đêm mất ngủ. Nhớ cả cái nghèo, cái khó nơi xứ mình.
– Thì “Con không chê cha mẹ khó”…
– Sống nơi đất khách, nhiều lúc chếnh choáng buồn. Buồn gì không rõ. Điểm huyệt mãi. Thì ra đó là nỗi nhớ cố hương. Thiếu quê hương là thứ thiếu dai dẳng nhất. Người mình có câu nói với kẻ tha phương: “Nóc nhà xa hơn phố chợ / Hẽm vợ gần hơn mả cha”.
– Nói vậy ác quá! Sao ông bà mình chẳng nói: “Địa khả an cư tức cố hương”. Ở nơi nào an cư thì đấy là quê hương…
– Chẳng thành quê được đâu. Quá khứ nơi quê nhà là một báu vật không gì có thể thay thế được. Bằng ấy năm bỏ xứ mà đi, chính là sợ phía các anh mà đi, tôi thấm điều này lắm. Ngay như việc tôi với anh ngồi đây trò chuyện thế này làm sao có được nơi xứ người.
Câu chuyện của hai người cứ nhảy cóc từ chuyện này sang chuyện khác. Ông Ba Đức đột ngột nói:
– Giả xử bây giờ có ai dúi súng vào tay bảo anh bắn nhau, anh tính sao?
– Người mình bây giờ đủ khôn ngoan để hành xử…“đẹp” việc này. Họ sẽ dùng “trí nhân thay cường bạo”.
– Nước mình nhiều người tài cao, trí lớn. Lớp trẻ bây giờ giỏi lắm.
– Thời nào cũng có người giỏi, có người ngu. Tuy nhiên không phải người giỏi của thế hệ nào cũng làm tròn việc mà nghĩa vụ họ phải làm…
– Cái thiếu của chúng ta hôm nay là gì?
– Thiếu “Tình” và “Tài”. “Tình” là tình yêu, tình đời. “Tài” là tài năng, trí tuệ…
– Nhiều người học rộng, tài cao lắm…
– Những người “xấu bụng” thì càng ít chữ, càng đỡ xấu hơn. Những người ác mà được trang bị lý luận, được học càng cao thì cái ác được biện luận tinh vi, kỹ lưỡng, rất khó nhìn thấy.
Ông Ba Đức thoáng nhìn người bạn từ thuở thiếu thời, giờ đây như một nửa của mình, chợt ngượng ngập, băn khoăn. Cứ nghĩ như người bạn nhìn thấu ruột gan bụng dạ mình của một thời hiếu thắng. Mình đã nhìn thấy và muốn gột rửa những ham hố, những ganh đua hơn thua từ lâu rồi. Nhưng “có tật hay giật mình”. Thế mới biết xóa đi những lỗi lầm không dễ.
2.
Ngày ấy nhiều lần Bảy Đức tìm gặp Út Lan, vợ của Ba Hải.
Mấy lần ngồi ở quán cà phê cổng trường. Bảy Đức nhìn Út Lan dắt xe ra về. Ngắm nhìn dáng thướt tha trong bộ áo dài hoa dịu dàng. Cô bé Lan ngày nào, giờ đã thành một giáo chức. Đẹp rực rỡ, kỳ bí thế này a! Cái đẹp thuộc quyền sở hữu của người khác càng đẹp gấp bội. Lúc ấy tính hiếu thắng trỗi dậy trong lòng Đức. Cảm thấy mình thua thiệt quá. Muốn giành lại bằng được những gì mình đã mất.
Một lần tan trường, Út Lan vừa dắt xe ra cổng, thoáng thấy bóng dáng một người đàn ông cao lớn, ăn mặc chững chạc. Cô đạp xe qua. Người ấy gọi: “Út Lan!”. Nghe giọng nói quen quen, Út Lan dừng xe lại. Nhận ra Ba Đức, Út Lan hơi giật mình, lập tức thiết lập một thái độ chừng mực, vẻ ngượng ngập.
– Út có khỏe không?
– Dạ! Cám ơn anh, khỏe – Út Lan trả lời một cách ngượng ngập. Nét mặt thoáng đỏ bừng. Môi hơi mím lại. Cô nhìn chăm chắm vào ghi đông xe trước mặt, nơi có treo giỏ đồ trang sức. Trong đó có một thứ Đức tặng lúc chia tay. Quan hệ giữa hai người có lẽ “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng…”
Sau đó, việc liên lạc giữa hai người không dễ dàng gì. Mối quan hệ ấy đương nhiên cả hai đều phải giữ ý. Về phía Út Lan, ngoài sự nhạy cảm về chính trị, còn có sự nhạy cảm về mối quan hệ “tình cũ”. Với Bảy Đức, lần gặp Út Lan trao vật kỷ niệm và cái nắm tay chặt hơn bình thường cứ vương hương thơm mát dịu mà ấm nồng trong lòng Đức bấy nay. Anh nghĩ, không biết Út Lan còn nhớ hay quên những kỷ niệm ấy. Đức không nhắc lại nhưng chuyện ấy gợi ra nhiều cảm xúc. Ước muốn về sự chung đụng thể xác cứ chập chờn.
Ít lâu sau có tin Ba Hải hy sinh. Cái thời mà sự chết chóc xảy ra thường nhật, người thân có nhận được tin cũng chỉ biết nín nhịn. Có khi phải dấu kín, coi như không biết. Trước đó, những bức thư ngắn ngủi, những tin tức truyền miệng đến với Út Lan một cách đứt nối, phập phù…Tin này đến với Út Lan, khỏi phải nói chị đau buồn đến thế nào. Chị lấy công việc với đám học trò làm khuây khỏa.
Thật khó nói tâm trạng của Bẩy Đức lúc ấy. Thực tình anh không hề có ý mong bạn chết, dù ở hai phía đối địch nhau. Nhưng một ý nghĩ mơ hồ nảy ra trong đầu anh là: Từ nay Út Lan được “tự do”. Bản thân mình cũng được “tự do”…
Một buổi chiều. Út Lan đang ngồi lặng lẽ trong phòng. Bảy Đức gõ của bước vào. Anh đến đúng thời gian trống trải. Út Lan hơi run run. Bấy lâu nay chị thường nghĩ, nên giữ một khoảng cách an toàn. Nhưng cũng có lúc nghĩ, mình cần được chở che, bao bọc. Không hiểu sao, Bảy Đức thường xuất hiện lúc chị trống vắng nhất. Anh luôn tỏ ra độ lượng, bao dung. Anh không thổ lộ điều gì, nhưng vẫn như một bờ vai vững chãi để chị có thể tựa vào đó. Cũng có lúc Út Lan thấy lo âu, căng thẳng đến rúm người lại.
Đã có lúc Bảy Đức hỏi Út Lan nghĩ thế nào về những người lính như anh? Út Lan không ngần ngại, nói thiệt lòng: Trong công vụ chẳng biết thế nào, công bằng mà nói, nhiều người cũng chừng mực và…“ga lăng” lắm.
– Em suy nghĩ từ anh hay nhiều người khác?
– Thì trong số đó có anh.
– Hỏi thiệt, hồi ở quê, em yêu anh hay Ba Hải?
– Em có một. Anh Hải và anh thì chỉ yêu được một người thôi chớ.
– Lúc đó em có cân nhắc hai đứa anh không?
– Thì cả hai đều 50ký. Nghĩa là 50/50. Huề…
– Sao phần thắng lại về Ba Hải?
– Điều đó thì anh biết rồi.
Có lẽ trong câu chuyện giữa hai người chưa bao giờ thân tình và chân thật đến thế. Út Lan không ngờ mình lại nói tuột hết những ý nghĩ sâu kín một cách cởi mở như vậy.
Việc Ba Hải hy sinh, Út Lan chỉ còn biết chấp nhận số phận mình phải như vậy. Nào ai dám chống lại mệnh trời. Thời gian là liều thuốc xoa dịu mọi nỗi đau. Bảy Đức nhắc đến Ba Hải một cách kín đáo: Chúng mình đều là bạn. Như chiếc kiềng ba chân. Bây giờ và mãi mãi là bạn. Chắc ở thế giới bên kia, Ba Hải vẫn vui khi chúng mình vẫn giữ tình bạn tử thuở niên thiếu… Nhìn sâu vào mắt Bảy Đức thấy vui buồn lẫn lộn, ánh nhìn xa xăm đâu đâu. Nhưng trong lòng thì rạo rực…
Điều gì đến cũng phải đến. Bờ vai vững chãi của Bảy Đức là chỗ dựa bình an cho Út Lan. Bảy Đức đã xử sự bằng cách mưa dầm thấm áo.
Hình như buổi chiều ấy ở nhà nghỉ. Ý niệm về thời gian, không gian lúc ấy với Út Lan không rõ ràng, như đang ở trạng thái vô thức. Từ ý niệm từ chối đến chấp nhận có một khoảng cách không xa, thật mong manh. Bảy Đức thấy an tâm. Để Út Lan đến với mình một cách như là tự nguyện. Sự chiếm đoạt ấy cũng là một “chiến thắng”. Bảy Đức nghĩ vậy và thấy việc xảy ra thật tự nhiên.
Sau đó ít lâu. Đang giờ lên lớp buổi chiều. Út Lan nhận được tin báo lên ngay văn phòng nhà trường. Thầy hiệu trưởng thông báo: Cô Lan nghỉ dạy một tuần lễ, có công chuyện gấp…
Bàn giao công việc xong. Út Lan theo một người đến một gia đình ở ngoại ô. Ngay đêm đó chị được đưa về khu căn cứ rừng tràm.
Út Lan chẳng hiểu sự thể ra sao. Không khỏi băn khoăn áy náy, sao lại không kịp báo cho Bảy Đức? Lúc này chỉ có Bảy Đức là chỗ gần gũi nhất.
Ngôi nhà lán giữa rừng tràm vắng lặng. Người dẫn đường dặn: Chị đợi đây để gặp cán bộ cấp trên. Nghe nói vậy, chị hơi ngạc nhiên. Sao lại là cán bộ cấp trên? Mình làm gì có vinh hạnh ấy? Đang băn khoăn thắc mắc thì có người bước vào. Người ấy mặc bộ đồ xanh lá cây. Mũ tai bèo che khuất một bên tai. Dáng hình cao to chững chạc. Chị bủn rủn chân tay, mồ hôi toát ra. “Ba Hải” hiện về à? Anh đừng làm em sợ. Hồn anh có thiêng thì hãy siêu thoát…Chi đưa tay bịt mặt. Nước mắt cứ thế trào qua kẽ tay. Khi mở tay ra, đã thấy người đó đứng sát bên cạnh. Tay anh đặt lên vai chị. Chị ngước mặt lên, thảng thốt:
– Anh thiệt sao?
– Em nghe tin anh mất xác rồi phải không?
– Dạ…! – Giọng chị run run. Nước mắt vẫn trào ra rồi khóc nức lên.
Anh ôm chặt bờ vai đang rung lên của chị. Kéo đầu chị vào ngực anh. Mùi ngầy ngậy quen thân từ người anh và tiếng nói, hơi thở nồng ấm…làm cho chị tin là anh thiệt, chớ không phải trong mơ, không phải hồn ma hiện về.
Sau sự ngỡ ngàng là niềm vui vỡ òa. Nhưng chị lại bỗng sững người ra. Bủn rủn hết chân tay, y như lúc chị chợt nhìn thấy anh. Điều lỗi lầm không thể nói ra. Sự việc vừa xảy ra trong vài ba tuần lễ nay. Chị cảm thấy có tội với anh. Tội lỗi lớn quá, không thể nào tha thứ được. ..Buồn đến nẫu người.
Mãi sau chị mới hỏi được anh:
– Sao anh biệt tăm lâu vậy? – Giọng chị tắc nghẹn, rưng rưng.
Anh nghe như nỗi giận hờn ứ trong ngực chị, muốn cưng chiều thật nhiều để bù đắp những ngày xa cách.
– Cũng vì nhiệm vụ em à… Ngày ấy không hiểu sao cái tin anh hy sinh được tung ra. Dạo ấy bọn chúng tìm mọi cách để “xóa sổ” đơn vị anh. Một thời gian sau, anh được điều đi làm nhiệm vụ khác. Rồi ra Bắc. Vì thế bặt tin. Nghe nói đằng mình vẫn có liên lạc với em, nhưng không giao nhiệm vụ vì sợ sơ xuất sẽ lộ, hỏng việc lớn.
Nghe vậy, chị càng phấp phỏng. Đằng mình vẫn liên lạc…Họ có biết quan hệ giữa mình với Bảy Đức? Mãi sau chị mới ngập ngừng hỏi:
– Anh có biết tin gì về Bảy Đức không?
– Chỉ biết hắn học sỹ quan Thủ Đức. Bây giờ hắn ở đâu, làm gì?
Chị yên tâm hơn phần nào.
– Hắn có biết tin anh hy sinh không?
-… Hình như có.
– Thế càng tốt – Anh cười rất vô tư.
Qua giọng nói, cử chỉ và cư sử với vợ, chị thấy anh không biết gì về mối quan hệ giữa mình với Đức. Chị bình tĩnh hơn. Nhưng điều lỗi lầm ấy thì vẫn hiện diện. Chỉ cách đây mấy tuần lễ, chị với Bảy Đức cũng chung đụng với nhau thế này. Quả thật lúc ấy chị cứ nghĩ mình đang ân ái với Hải. Hình như có lúc chị thầm gọi tên Hải khi đang nằm bên Đức. Giờ đây, chị chỉ còn biết đổ lỗi cho hoàn cảnh chiến tranh. Quả thật chiến tranh đã gây ra tình cảnh trớ trêu này! Vì vậy mà lời buồn không thể nói ra…
Chị kể rủ rỉ với anh: Công danh sự nghiệp của đàn ông các anh những ngày khói lửa này thật khắc nghiệt. Đã có lần học trò hỏi em: Chiến tranh gây ra điều gì tệ hại nhất, đau sót nhất? Chúng tự trả lời với nhau: Thì người chết, nhà cửa, của cải mất mát, tan hoang… Em nói với chúng nó: Ngoài ra còn một cái đau sót nhất là tình thương yêu giữa con người với con người bị tàn phá. Nỗi đau do chiến tranh gây ra trong sâu thẳm tình yêu thương. Có khi không có dấu vết nhưng đau lắm…
Anh nói: Cô trò em cũng luận về chiến tranh à? Hơi ấu trĩ…Còn phải bàn cãi thêm. Việc đó để những nhà chính trị. Còn bây giờ…
Anh ghì chặt vai chị, nhìn sâu vào mắt vợ. Hôn tới tấp. Tấm thân cuồng nhiệt và trung thực của anh làm cho chị đón nhận một cách nồng nàn. Những ngày sau đó, anh tìm mọi cách để bù đắp cho chị. Anh nói, di chứng do chiến tranh để lại cho nước mình nặng nề quá. Hãy lãng quên lỗi lầm và những mâu thuẫn là một cách sống và phải có tấm lòng độ lượng, em ạ. Chị góp thêm: Nhưng vết thương thể xác không đau bằng vết thương tinh thần, anh à…
Tám tháng sau ngày gặp chồng, Út Lan sinh con. Bạn bè trong trường tới thăm đông đủ. Ai cũng đòi ẵm con bé. Đặt tên nó là gì ha cô? “Là Hận”, Út Lan buột miệng nói. Sao lại là Hận? Cái tên nghe như thủ hận hay oán hờn gì…Thấy oải quá! Đẹp như thiên thần thế này mà. Phải đặt là Hân. Hân hoan, Hân hạnh…mừng vui chớ. “Diệu Hân”. Cái tên được đấy. Mọi người tán thưởng. Tranh nhau bế ẵm em bé.
3.
Quả thật, “di chứng” của chiến tranh còn hiện diện trước hai ông bạn già đang ngồi trước hiên nhà, nhưng người ngoài không ai nhìn thấy. Chỉ thấy sự thân thiện, từng trải, mật thiết giữa hai người với nhau. Đúng ra, chỉ có một trong hai ông nhìn thấy mà không thể nói ra. Rõ ràng là bạn cố tri, nhiều điều chia sẻ cùng nhau, mở hết lòng mình với nhau đấy. Vẫn có một người day dứt hoài. Muốn gột rửa lỗi lầm của mình. Quá khứ và hiện tại có một sợi dây vô hình nối hai đầu thời gian. Có một thứ ánh sáng của niềm tin yêu và độ lượng như bộ lọc hay chính sự từng trải của họ đã thanh lọc, tự cân bằng.
Câu chuyện của họ trở về với những băn khoăn hiện tại.
Ông Bảy Đức gợi chuyện: Nhiều người vui quá hóa rồ dại. Giàu quá hóa hợm của, khinh người. Cạnh tranh theo kiểu “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”.
Giọng ông Ba Hải khúc chiết: Rồi cuộc sống sẽ điều chỉnh. Trong mọi sự chưa tốt đẹp hôm nay, ai cũng có can dự, có lỗi của mình trong đó. Nhưng lại cứ cho mình vô can.
Ông Bảy Đức đột ngột “chuyển kênh”:
– Lần con bé Diệu Hân sang Mỹ cùng với đoàn thương nhân, tôi nghe tin gặp bằng được. Tôi sững người nhìn vóc dáng Út Lan tạc vào con bé Diệu Hân. Từ đôi mắt, mái tóc đến dáng người, cứ như hai giọt nước…
Đấy là một nửa câu chuyện ông Bảy Đức kể với người bạn già. Phần còn lại không nói ra. Đó là việc ông đã cẩn trọng lấy được sợi tóc của Út Lan. Khi biết kết quả xét nghiệm AND, ông mừng vui, pha lẫn sự băn khoăn. Biết nói thế nào đây? Cục vàng đích thị của mình mà không dám nhận! Cả một thời trai trẻ, mình không chịu thua kém ai bao giờ. Nhưng cả đời giành giật, có được gì đâu. Thua thiệt vẫn hoàn thua thiệt. Từ lâu mình đã chấp nhận: Trời cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Giờ đây, “chữ tin còn một chút này…”. Đừng dùng trí khôn để biện minh cho sự sai trái của mình. Cũng đừng đổ tại khách quan. Hãy chân thành, dũng cảm nhận sai lầm là nhẹ nhàng nhất. Nghĩ vậy nhưng ông vẫn chưa tìm ra phương pháp “sửa sai” thỏa đáng. Ở nơi xứ người đã mấy chục năm, sống đời vợ chồng với mấy người đàn bà Mỹ có, Việt có mà chẳng ai cho ông một mụn con. Khi ông tìm thấy giọt máu của mình nơi quê nhà, dù sao cũng có niềm an ủi lúc tuổi già. Thế là sau vài lần về thăm quê, ông quyết định chuyển về nước. Ở hẳn lại quê nhà. Nhưng một nửa sự thật vẫn còn đó, không thể nói ra. Với lại nói ra có ích gì cho người bạn già tin yêu bấy nay? Lại là một tội lỗi với bà Út Lan đã nằm liệt mấy năm trời, sống đời sống thực vật trên giường bệnh? Thôi thì cứ lặng lẽ nhìn nó khôn lớn làm ăn. Dù thế nào cũng không thể biện minh cho việc này. Ông cũng có một vài dự định. Nhưng chẳng biết nói thế nảo. Phải mất một thời gian khá lâu, nghĩ đi, nghĩ lại, ông mới nói được với người bạn già của mình:
– Tôi với ông, người thắng, kẻ thua. Nhưng xét cho cùng, cả hai đều thua thiệt. Ông còn chút vốn liếng là những đứa con. Tôi trắng tay! – Ngập ngừng một lúc, ông Bảy Đức nói giọng tha thiết, khác với lời chuyện trò xởi lởi mọi khi- Tôi xin với ông cho tôi được làm cha đỡ đầu của Diệu Hân.
Ông Ba Hải cười vui, giọng hồ hởi, nhẹ tênh:
– Ừ thì cứ coi nó là con chung của chúng mình.
Ông Bảy Đức phần vui vì sự chấp thuận của bạn. Phần hoài nghi về sự thật giữa mình với Út Lan đã đi quá giới hạn của tình bạn mà ông Ba Hải đã biết nhưng không nói ra… Vậy là một nửa sự thật vẫn còn được dấu kín hay đã bại lộ? Đến nay chỉ còn cách… mang theo… xuống mồ!
TRẦN ĐẮC HIỂN KHÁNH
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...