Vợ chồng Ka Líu
Cơ sở dệt thổ cẩm dựa lưng vào cây dầu cổ thụ, bậc
thang là khúc cây đẽo vụng gác lên sàn nhà bằng tre lồ ô, dưới gầm
sàn có chiếc xe máy cũ kỹ bám đầy bùn khô cong. Trong nhà, trên kệ bày những
món hàng thổ cẩm, túi, ví đầm, khăn, áo… tất cả đều dệt bằng sợi bông dầy
và xốp, mầu sắc rực rỡ nhưng phủ một lớp bụi. Mỗi ngày nhìn mớ
hàng tội nghiệp, Ka Líu thở dài, cặp mắt mầu khói buồn khắc
khoải. Cảnh bán buôn ế ẩm này là do anh K’Hưng, chồng chị.
Nhà Ka Líu nằm ven sông. Con sông hiền hòa nhưng mùa lũ trở
nên hung hãn, nước tràn bờ nhấn chìm vườn tược, rau màu. Ấp của Ka Líu có vài
chục nóc nhà người Mạ, nhà nào cũng nghèo rơi nghèo rụng. Chỉ mỗi nhà K’Hồng
chiêng ché xếp thành dãy, bộ ghế salon to chình ình choán hết lòng nhà.
K’Hồng khá giả vì có cô vợ người Kinh khôn ngoan, giỏi buôn bán, anh ta lại khỏe
như trâu, nhiều năm độc chiếm việc lái phà qua sông. Nhìn K’Hồng chiều
chiều chở vợ con bằng chiếc xe tay ga mầu đỏ ớt chạy vè vè, dân ấp nhìn theo
thèm khát và ganh tỵ đến khô cả họng. Nhưng làm thế nào để được như anh ta,
câu trả lời là… những cái lắc đầu.
Bao đời nay, người Mạ sống bằng bẫy thú, hái măng, hái nấm,
lấy dầu chai. Từ ngày nhà nước đóng cửa rừng, ná phải treo lên vách bếp. Hết
bẫy thú, hết dầu chai, hết cả nấm. Đàn ông và lũ trai choai qua sông làm
“cửu vạn”, phụ việc trong các xưởng sơ chế nông sản, tiền ít mà nhậu mù trời.
Người già và những bà sồn sồn quanh quẩn với ruộng lúa, rẫy hoa màu khi úng khi
hạn nên thu nhập chẳng đủ no bụng, nói gì đến dư dả. Một số hộ liều nuôi
bò. Nhưng lũ bò đáng thương cũng đói rài đói rạc, chỉ no cỏ vào mùa mưa. Suốt
sáu tháng mùa khô những trảng cỏ cháy sém, chúng gầy trơ xương, mõm sùi bọt trắng,
đàn ruồi vo ve xung quanh. Nhà nước cứu trợ mỗi hộ một con trâu “xóa đói giảm
nghèo”, nhưng chưa kịp hết nghèo thì trâu đã bị ngả thịt. Cũng vì… đói. Người
Mạ nhận cứu trợ mãi thành quen, thấy bình thường, chẳng mắc cỡ hay áy náy gì…Nhà văn Hoàng Ngọc ĐiệpK’Hưng có thời gian nhập ngũ, đóng quân tận biên giới Lào.
Anh cao lớn, hiền lành, cả ngày chẳng hé miệng, tâm hồn anh kín bưng như
ngôi nhà đóng chặt mọi cánh cửa. Giải ngũ về, K’Hưng vẫn hiền lành ít nói,
vẫn kín bưng, nhưng cuộc đời quân ngũ để lại trong anh thói quen cẩn thận,
quần áo lúc nào cũng sạch bong. Cũng nhờ tính gọn gàng ngăn nắp và phong thái
kín đáo, nghiêm cẩn mà K’Hưng được Ka Líu chọn làm chồng. Hàng chục cô gái Mạ
cùng trang lứa, không ai xinh đẹp, hát hay, múa giỏi như Ka Líu. Cái váy cô tự
dệt ôm sát thân hình khỏe khoắn, những bước chân cô nhẹ nhàng uyển chuyển
như con mèo rừng. Mỗi khi Ka Líu cười, hàm răng sáng bóng như ngọc. Bọn trai
ấp sôi lên ganh tỵ với K’Hưng. Thần may mắn nhậu say ngủ quên rồi nên anh
chàng lù khù mới lấy được bông hoa đẹp nhất rừng.
K’Hưng chẳng lạ gì bụng dạ hẹp hòi đầy tỵ hiềm của bọn trai
ấp. Tình yêu của anh nồng nàn nhưng lòng ghen của anh cũng âm thầm, mãnh liệt
như ngọn núi lửa náu mình im lìm, chỉ chờ dịp là phực lên. K’Hưng muốn vợ
quanh quẩn trong nhà, như con ngựa quanh quẩn bên máng cỏ. Mỗi lần Ka Líu đứng
nói chuyện với đàn ông bất kể già trẻ, máu anh dường như đông đặc lại. Nếu lúc
đó đang đi qua vũng nước, anh sẽ lấy chân té nước kỳ cho đến lúc quần áo, đầu
tóc ướt nhẹp. Nếu Ka Líu cười với người lạ, K’Hưng sẽ đấm ngực thùm thụp, túm
tóc mình giật mạnh, tưởng như sắp tróc cả da đầu.
Tính ghen lạ lùng của chồng làm Ka Líu sống không yên.
Nhưng chị không buồn bã ủ ê, cũng không than van. Ka Líu đã quen dấu kín cảm
xúc trong lòng. Được cái, K’Hưng rất chịu khó, ai thuê gì cũng làm, tiền thuê
bèo bọt mấy cũng chẳng phàn nàn. Cả ngày anh phơi mặt trên rẫy hoa màu và vườn
quýt còi cọc. Nhưng bầu bí của anh bán rẻ như cho, còn quýt thì trái nhỏ xíu
như trái chanh lại toàn hột là hột. Cái nghèo lì lợm đeo đẳng đôi vợ chồng
trẻ như con sói đói bám theo con mồi. Có hai đứa con thì Ka Mùi học trường dân
tộc nội trú, chỉ còn thằng K’Tú ở nhà. K’Hưng thương vợ con, buổi chiều hay đứng
lặng ngắm cảnh mặt trời lặn, thở dài, đầu óc đặc kịt nghĩ không ra kế thoát
nghèo. Buồn và tự giận mình, anh lại theo K’Hải ra quán, đổ nỗi buồn vào
ly rượu trắng pha cồn. K’Hải nức tiếng là đệ tử của lưu linh, rượu biến anh
ta thành một hình nhân cằn cỗi, khòng khoèo như khúc củi phơi nắng. Vợ anh ta
lép như trái bầu khô trên gác bếp, mặt lúc nào cũng buồn rượi, ì ạch mang cái
bụng vượt mặt. Cứ rượu vào là K’Hải rủa vợ giống con nhện cái chỉ biết khư
khư ôm bọc trứng, anh ta làm như thủ phạm khiến vợ mang bầu là… người hàng
xóm. Nhà K’Hải có vườn, nhưng rau mọc loi ngoi chen với cỏ, cây mì, cây bắp èo
uột như cọng đũa. Vợ con khổ nhưng K’Hải mặc kệ. Đói cũng chẳng chết, người Mạ
đói quen rồi.
Một ngày, cán bộ tỉnh về triển khai xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ấp K’Mừng họp dân, giải thích bằng cả từ ngữ lẫn chân tay một hồi
lâu mọi người mới hơi vỡ vạc. Ồ, nếu cái nông thôn mới làm cho nhà nhà no bụng,
con nít có chỗ vui chơi thì tốt quá rồi. Phải theo cái nông thôn mới thôi.
Ai nấy mừng khấp khởi, như thể thóc lúa đã vào nằm trong kho vựa và tiền
thì đã đầy túi.
Xe ben bắt đầu rầm rập chở đến nào đất đá, xi măng, cả
ấp biến thành công trường xây dựng. Buổi chiều sau giờ lên rẫy, trừ đàn bà
phải lo chuyện bếp núc, còn thì ông bà già, con nít, đàn ông… đều rủ nhau ra
ngắm công trường. Bụi trắng bay lơ lửng, phủ thành lớp trên những mái nhà xỉn
mầu và trên những khu vườn tạp ngập trong cỏ dại.
Không bao lâu, giữa trảng trống mọc lên cái nhà văn hóa mái
ngói công nghiệp tươi rói mầu hoa chuối rừng, cây cầu treo bằng sắt bốn nhịp vững
chãi nối liền đôi bờ sông ằm ặp nước. Có cầu, không còn phải dài cổ chờ phà
của K’Hồng. Dân ấp được mời ra nhà văn hóa dự tập huấn kỹ thuật nông
nghiệp. K’Hưng ghi tên học lớp kỹ thuật trồng cây có múi cao sản. K’Hải ban
đầu hoài nghi, không đi họp, nằm ngủ phè. Nhưng hôm sau nghe bà con khoe được
nhà nước cho vay vốn, anh ta tỉnh rượu, cười hơ hớ vỗ đùi, phen này trúng
mánh lớn. Rồi K’Hải bật dậy, chạy tới nhà K’Mừng, năn nỉ được vào lớp kỹ
thuật nuôi dê. Lũ dê tạp ăn và dễ nuôi, thịt dê bán cho các quán nhậu bám
cheo leo bên mép nước dài hai bên bờ sông chẳng bao giờ ế. Nhiều nhà còn
liều hơn K’Hải, mạnh dạn lập trang trại, đào ao thả cá, nuôi heo, gà. Luồng
gió mát từ cái “nông thôn mới” thổi qua ấp nghèo, làm mọi người tràn trề hy vọng.
Vườn quýt của K’Hưng được áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt sau
vài năm đã “trẻ lại”. Những trái quýt to, vỏ bóng láng, mọng căng. Để chống sâu
bọ phá hoại, K’Hưng thả kiến đen kiến vàng đầy vườn. Anh xoay như chong chóng
với việc rẫy cỏ, tỉa cành, phun thuốc trừ sâu, đầu tóc ướt đẫm nước mưa,
da mặt đen sạm. Những trái quýt rụng nằm lẫn trong cỏ tỏa mùi thơm cay nồng.
Người trong ấp đi qua nhìn vườn quýt trĩu cành, trầm trồ “Chà. Nhà K’Hưng sắp
giầu to rồi. Quýt ngọt này được giá phải biết”. K’Hưng mừng vì vườn quýt giúp
gia đình anh thoát nghèo. Trong nhà anh đã có ti vi, tủ lạnh, thậm chí anh còn
chiều vợ, sắm hẳn một dàn karaoke. Những hôm phấn chấn, K’Hưng mời bạn bè đến
cùng “sinh hoạt văn nghệ” như cách nói của K’Hải.
Nhưng mọi thứ bỗng đột ngột thay đổi.
Bữa đó Ka Líu đi chợ về mang theo những cuộn chỉ mầu.
– Anh à. Em tính mở cơ sở vừa dệt vừa bán hàng thổ cẩm –
chị nói, mắt sáng long lanh.
K’Hưng chau mày nhìn vợ. Ka Líu giải thích:
– Em mở cơ sở dệt thổ cẩm giúp phụ nữ có việc làm. Có nhiều
hàng, em sẽ bán cho khách du lịch…
– Ai bảo em làm vậy? Ka Líu?
– Không ai bảo em cả… à… mà anh quên rồi sao? Cán bộ tỉnh
vẫn khuyên mình phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ
mà…
K’Hưng đang ngồi trên bậc cửa đan gùi. Nghe vợ nói, anh đứng
vụt dậy, ném phạch chiếc gùi đan dở xuống đất, mặt tối sầm. Trong bụng,
K’Hưng không muốn vợ mở cơ sở dệt thổ cẩm, không muốn vợ bán hàng cho
khách du lịch. Anh sợ Ka Líu quen nhiều người, sợ cái tai Ka Líu nghe nhiều
chuyện. Tốt nhất là vợ cứ chăm sóc vườn rẫy, chăm thằng K’Tú, tới mùa thu hoạch
thì bán hoa màu cho thương lái.
– Nhà có vườn rẫy, lo không hết còn ôm thêm việc làm gì –
K’Hưng gằn giọng, nhổ bọt rồi mím chặt môi bỏ ra khỏi nhà. Đôi vai rộng của
anh trĩu xuống, lưng anh khòm khòm như thể vừa bị một sức nặng nào đó đè dí.
Ka Líu sửng sốt nhìn theo chồng. K’Hưng đã định cái gì thì khó bề lay
chuyển. Anh như trái núi sừng sững chắn ngang bước chân chị. Xưa nay Ka Líu
vẫn nhẫn nhịn chồng. Nhưng lần này thì khác. Ka Líu quyết không buông ý
nguyện của mình.
Thật ra, có một điều bí mật mà từ lâu Ka Líu “đào sâu
chôn chặt” trong lòng: Ý định mở cơ sở dệt và bán hàng thổ cẩm của chị có
liên quan đến một người: anh Tâm, cán bộ sưu tầm văn hóa dân gian, người đã
ươm mầm cho khát vọng của chị.
Hồi ấy, Tâm về công tác và dự lễ hội của người Mạ. Buổi
trưa đó nắng như đổ lửa. Ka Líu và lũ bạn gái đi rẫy về rủ nhau xuống suối tắm.
Khi Tâm mang máy ảnh đi ngang qua, các cô gái ríu rít đề nghị anh chụp hình.
Thoạt đầu, Tâm bối rối. Rồi anh chợt hiểu phong tục “tốt khoe xấu che” của
người Mạ. Ka Líu được chụp cận cảnh trong tư thế choài người hái bông hoa bên bờ
suối. Nửa thân trên của cô để trần. Bọt nước trắng xóa tóe lên, che một bên
ngực cong vểnh như ngà voi của cô. Làn da cô long lanh như phát sáng. Các cô
gái xúm quanh Tâm nhìn vào ống kính. Họ trầm trồ, xuýt xoa ganh tỵ với Ka Líu.
Cô gái Mạ cười sung sướng, lòng cô lâng lâng hạnh phúc…
Buổi tối, Ka Líu váy áo rực rỡ, bước ra sân hội sáng rực ánh
đèn. Giọng hát của cô mộc mạc mà lay động, kể về đôi trai gái người Mạ yêu
nhau. Bên cạnh Ka Líu, đống lửa lớn cháy rừng rực. Con heo rừng được quay trên
những lưỡi lửa phần phật, gió mang đi mùi thơm thịt nướng lẫn mùi cháy khét của
lông heo. Cả rừng người ngây ngất trong men rượu cần. Ka Líu múa. Thân hình vũ
nữ uyển chuyển. Hai cánh tay trần vươn lên như hai cánh chim. Đám đông lặng phắc,
mê mải nhìn cô như nhìn nữ thần. Ống kính máy ảnh của Tâm hướng về phía cô, đèn
flas lóe sáng…
Đêm hội chưa kết thúc, trưởng ấp bảo Ka Líu và Ka Sơn đưa Tâm
về nhà già làng, để anh nghỉ lại. Nhưng Ka Sơn hò hẹn với bạn trai nên chỉ có
Ka Líu đi cùng Tâm. Cô đi trước, Tâm bấm đèn pin theo sau. Trời tối mịt. Họ
men theo con đường len lỏi dưới vạt cỏ tranh, cây dại và gai góc chĩa ngang đường
quệt vào người họ ràn rạt. Tiếng tắc kè núi và tiếng côn trùng nỉ non làm Tâm rờn
rợn. Những cây gỗ mục phát ra ánh lân tinh xanh lè. Tuy nhiên, Tâm ấm lòng khi
thấy ánh đèn le lói trong những ngôi nhà sàn phía xa. Anh hổn hển nói:
– Ka Líu à, chờ anh với. Em đi nhanh quá.
Ka Líu đứng lại:
– Em xấu quá. Tại em quen rồi nên đi nhanh.
– Gần tới nơi rồi phải không em? Mình… ngồi nghỉ chút đi.
Hai người ngồi xuống bãi cỏ. Dưới ánh sáng của những ngôi sao
xa tít tắp, họ chỉ thấy nhau lờ mờ. Vẻ đẹp quạnh hiu bí ẩn của đêm vùng cao và
cô gái Mạ ở sát bên khiến tâm hồn thi sĩ của Tâm rung động. Tối nay anh đã say
sưa ngắm cô múa, hát. Chất hoang dã hồn nhiên ở cô khiến anh thích thú.
– Hôm nay là một ngày tuyệt vời, đúng không Ka Líu? Tâm hỏi,
đưa tay lần tìm bàn tay mát lạnh hơi sương của cô gái và giữ nó trong tay mình.
Ka Líu gật đầu, nói nho nhỏ:
– Anh Tâm nè. Lũ bạn gái của em… ưng anh lắm đó. Anh có sợ… bị
con gái Mạ bắt làm chồng không?
– Được ai đó bắt về nhà thì càng hên chứ sao? Đỡ phải đi tìm
vợ – Tâm cười, chợt nhớ ánh mắt hiếu kỳ của mấy cô gái Mạ nhìn anh lúc ở bên bờ
suối. Có lẽ trong suy nghĩ của họ, anh là một người đàn ông rất “có giá”.
Họ nói chuyện với nhau và Tâm hiểu Ka Líu chỉ mới học chưa hết
lớp sáu. Cô luôn mơ ước được đi đây đó, xa hơn cuộc sống tù túng, chật hẹp của
người Mạ.
– Có phải nhà anh ở Hà Nội không, anh Tâm? Ka Líu hỏi.
– Ừ. Nhà anh ở Hà Nội. Nhưng anh thường xuyên đi nhiều nơi.
Kỳ này anh vào đây sưu tầm văn hóa dân gian. Em ủng hộ anh nhé. Công việc
sưu tầm sẽ giúp cho những câu chuyện, bài hát của người xưa không bị quên
lãng. Anh thấy người Mạ có nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất tuyệt vời.
Ka Líu có biết dệt thổ cẩm không?
– Biết. Em học từ bà ngoại và mẹ. Ở ấp này ai cũng khen em
dệt thổ cẩm đẹp nhứt đó. Nhưng con gái bây giờ ít người muốn mặc quần áo của
người dân tộc lắm. Mặc đồ của người Kinh đẹp hơn.
– Em nghĩ thế thôi. Chứ anh thấy hôm nay Ka Líu rực rỡ như
bông hoa rừng. Nếu thành lập cơ sở dệt thổ cẩm, Ka Líu có dạy cho những phụ
nữ khác học dệt được không?
– Dạ được.
Bỗng Ka Líu reo nho nhỏ:
– Anh Tâm nhìn kìa, có một chiếc máy bay đang bay trên đầu
chúng ta. Em chưa bao giờ được đi máy bay.
Giọng cô gái xúc động như thể giữa cô và chiếc máy bay có mối
liên hệ đặc biệt. Tâm nhìn lên bầu trời. Chiếc máy bay đang bay chậm rãi, đèn
trên thân nó nhấp nháy. Sau lưng họ, nền trời chợt sáng chợt tối, chắc là ánh
đèn pha từ đêm lễ hội. Không khí ban đêm nhẹ bỗng, thấm đượm mùi thơm của hoa
dại. Màn sương lành lạnh khiến Tâm xo vai. Họ đứng lên, đi loanh quanh trên trảng
cỏ, giữa những bụi cây dại lúp súp. Mãi khá lâu hai người mới về tới nhà già
làng.
Cả tháng sau đó Ka Líu giúp Tâm sưu tầm truyện cổ Mạ. Cô
cũng hát dân ca bằng tiếng mẹ đẻ cho anh thu âm. Sự đam mê của Tâm đã truyền
cho Ka Líu lòng tự hào về tổ tiên của cô. Tình yêu và sự ngưỡng mộ của cô gái
mới lớn dành cho chàng trai Hà Nội cứ mỗi ngày một đầy lên, như ly nước chực
tràn ra ngoài. Mặt Ka Líu nhợt đi vì những đêm trắng, cảm xúc trong cô xáo trộn,
lúc buồn, lúc vui. Đêm nào cô cũng ngồi bên cửa sổ, nhìn ra khoảng không mờ mờ,
mường tượng về một thế giới tuyệt đẹp. Thế giới của cô và Tâm…
Tâm cũng đoán biết tình cảm của Ka Líu. Anh thấy thương cô
gái tội nghiệp. Rồi anh sẽ ra đi khi công việc đã xong. Mọi chuyện giữa anh
và Ka Líu sẽ thành dĩ vãng. Buổi tối trên trảng cỏ sẽ là kỷ niệm long lanh,
thuần khiết như nắng mai và không lặp lại trong đời họ.
Ngày chia tay, Ka Líu đứng lặng nhìn Tâm, cái nhìn buồn
rầu, đắm đuối và đau đớn. Cô bặm môi cố dằn cảm xúc để không òa khóc, đặt
vào tay anh chiếc khăn thổ cẩm do chính tay cô dệt.
– Em nhớ chưa? Khi nào có dịp thì cứ mạnh dạn mở cơ sở dệt
thổ cẩm, để giữ lại cho người Mạ vốn quý, đừng để thời gian nuốt mất
nhé- Tâm nói và bắt tay Ka Líu. Cô gật đầu, trả lời anh bằng đôi mắt nhòa
lệ. Giây phút ấy, Tâm không ngờ lời nói của anh đã in sâu vào tâm hồn cô gái
trẻ.
K’Hưng đi bộ đội về, khỏe mạnh như cây cẩm lai trong rừng.
Ka Líu không yêu K’Hưng. Trái tim cô chỉ mang hình bóng Tâm. Nhưng đôi trai gái
vẫn thành vợ chồng.
Cơ sở dệt thổ cẩm của Ka Líu rốt cuộc vẫn ra đời. Khách du
lịch đến tham quan, mua đồ kỷ niệm làm má Ka Líu ửng hồng. Đài truyền hình về
quay phim, chụp hình và phỏng vấn chị. Một vị khách lấy hàng bỏ mối tặng Ka
Líu chiếc điện thoại di động, để tiện liên lạc. Giọt nước cuối cùng tràn
ly. Máu ghen của K’Hưng lồng lên như cơn lũ dữ. Lựa lúc vắng khách, anh ra tận
nơi vợ làm việc, giật điện thoại của chị, ném bộp vào tảng đá. Chiếc điện
thoại vỡ toang. K’Hưng vớ những món hàng bày trên kệ, quăng tới tấp ra cửa.
Các cô thợ dệt kêu ré lên, dồn cục lại góc nhà, Ka Líu đứng sững như cái cây
cụt ngọn…
Gây “bão” xong, K’Hưng ra quán, nốc rượu đến say nhừ. Mắt anh
hoa lên. Rồi anh loạng choạng đứng dậy, bước thấp bước cao đến nhà K’Hải. Từ
ngày bán được mấy lứa dê kiếm khá tiền, K’Hải phấn khởi mua luôn mấy chục con
dê thả trong ba dãy chuồng. Lũ dê phàm ăn. Ngày nào K’Hải cũng lo kiếm thức
ăn cho dê. Trong sân nhà anh ta, lá sầu đông chất thành đống, bốc mùi hăng
sì. Anh ta ít nhậu hẳn đi và có vẻ khoái chí vì bây giờ cả ấp gọi anh bằng tên
mới: Hải Dê. Nhìn mặt K’Hưng đỏ bầm, K’Hải hiểu ngay sự tình.
– Ông không vui cái bụng khi người ta quan tâm tới vợ ông chớ
gì? Giàng cho ông có được đứa vợ giỏi, đâu như vợ tôi là con gà mái chỉ biết đẻ
trứng. Nghe lời tôi đi. Mặc cho vợ nó làm. Tiền nhiều cũng không thiu mà – K’Hải
khuyên.
K’Hưng không tìm được đồng minh, buồn bực ra về.
Chuyện nhà K’Hưng loang nhanh như cháy rừng, sang cả ấp
láng giềng. Đàn bà nhìn anh với con mắt giễu cợt. Đàn ông thì cười một cách
khó hiểu. Ngay cả lũ con nít cũng tròn mắt nhìn anh, như thể mặt K’Hưng dính
lọ nồi. K’Hưng buồn cay đắng. Anh lờ mờ nhận ra mình sai. Nhưng sai thì sai,
K’Hưng mặc kệ. Ka Líu cũng không nói với anh một lời. Cơ sở thổ cẩm vẫn mở
cửa nhưng ế hàng, thợ xin nghỉ, mình chị chạy qua chạy lại, lúc ngồi dệt,
lúc lên rẫy, như cái bóng câm lặng. Tảng đá vô hình đè nặng lên ngôi nhà nhỏ,
lên trái tim họ. Thằng K’Tú cũng sợ sệt, bám chặt lấy váy mẹ.
Một buổi chiều K’Hưng đi rẫy về, bất ngờ gặp trưởng
ấp. Ông mời anh vào nhà. K’Hưng giật thót. Anh nghĩ có lẽ ông đã biết anh
gây chuyện ở cơ sở dệt thổ cẩm. Nhưng trưởng ấp chỉ vấn một điếu thuốc sâu
kèn to, mời K’Hưng một điếu, châm lửa cho anh và nhìn anh thân thiện:
– K’Hưng nè. Năm nay thu hoạch hoa màu có khá không?
– Dạ khá. K’Hưng nói cụt ngủn, mắt cắm xuống sàn. Anh cảm thấy
không thoải mái khi phải đối diện với trưởng ấp. Ông là người kinh, lấy vợ người
Mạ, cả ấp gọi ông là K’Mừng, cho thân mật.
– Lãnh đạo tỉnh rất vui vì Ka Líu khôi phục được nghề dệt
truyền thống của người Mạ. K’Hưng cũng giỏi làm ăn, biết áp dụng kỹ thuật
vào tăng gia sản xuất. Kỳ này Ban ấp chọn anh chị là điển hình xóa đói giảm
nghèo. Mai mốt lên tỉnh dự hội nghị, lãnh đạo sẽ khen thưởng.
K’Hưng ngỡ mình nghe nhầm. Lạ quá. Sao trưởng ấp lại nói
vậy? Anh bối rối nhìn ông.
– Trưởng ấp à. Tôi… không xứng đâu. Trưởng ấp chọn người
khác đi.
– Ta biết anh nghĩ gì rồi. Đừng ngại.
K’Hưng ngồi im, thấy da mặt rân rân như có kiến bò. Trưởng
ấp đột ngột hạ giọng:
– K’Hưng nè. Hồi đó anh đi bộ đội mấy năm?
– Năm năm.
– Vậy cũng lâu đấy -Trưởng ấp gật đầu – Bộ đội có dạy
anh phải yêu dân không?
– Tôi… tôi không hiểu trưởng ấp muốn nói gì… K’Hưng càng
thêm bối rối. Anh muốn ngay lập tức biến khỏi con mắt đang nhìn anh như
muốn soi thấu tận tâm can. Trưởng ấp chậm rãi nhả khói thuốc. Hồi lâu
ông mới thủng thẳng:
– Ta cũng từng ở lính, ta biết. Bộ đội cụ Hồ được dạy phải
biết thương dân, trọng dân. Vợ con mình thì mình càng phải thương hơn. Chuyện
anh làm với Ka Líu là sai rồi.
Từ nhà trưởng ấp, K’Hưng thập thững đi về nhà. Đầu óc anh
mông lung, những ý nghĩ quay cuồng, rối rắm. Đứng dưới chân cầu thang, anh
nghe thấy tiếng mẹ con K’Tú. Có lẽ vợ anh đang tắm cho thằng con sau bếp. Thằng
bé bị mẹ cù nách, bật cười giòn như bắp rang. Tiếng cười vô tư của con và
tiếng vợ la rầy con âu yếm làm tim K’Hưng se lại. Anh chợt nhận ra, trên đời
không ai gần gũi, thân yêu với anh bằng mẹ con Ka Líu.
Buổi tối, K’Hưng lùa vội chén cơm rồi ra bậc cửa ngồi hút
thuốc. Khói thuốc tan loãng vào không gian. Tiếng dòng sông chảy rầm rì nghe
nao nao, buồn buồn. Ngồi một mình chìm đắm trong bóng tối tĩnh mịch đến tê
dại hai chân, K’Hưng vào nhà, rón rén vén mùng, nằm xuống bên vợ. Anh khẽ khàng
ôm bả vai tròn của Ka Líu, áp cặp môi nóng hổi vào gáy vợ. Từ ngày Ka Líu mở cơ
sở dệt thổ cẩm, đây là lần đầu tiên anh có cử chỉ dịu dàng với chị.
– Mình à. Em sẽ dẹp bỏ cửa hàng thổ cẩm. Không làm gì nữa, chỉ
ở nhà thôi. Cho mình vui cái bụng – Ka Líu quay lại, khịt mũi và cất giọng khàn
khàn. Trong bóng tối, gương mặt chị mờ nhòa nhưng K’Hưng biết, chị đang khóc…
– Mình… đừng bỏ. Cứ làm đi mà… Tôi… anh sai rồi. K’Hưng vỗ
vỗ vào lưng vợ. Cảm xúc bị kìm nén từ lâu, nỗi ân hận và tình yêu thương trào
dâng làm anh gần như hổn hển. Nói được một câu với Ka Líu, anh đẩy được tảng
đá nặng đè lên trái tim, lòng anh nhẹ bỗng và như bừng sáng. Ngoài bờ sông vọng
lại tiếng chim ăn đêm…
Sáng hôm sau, thay vì ra vườn quýt như mọi ngày, K’Hưng đi tới
cửa hàng điện thoại di động. Ở đó, anh sẽ lựa một chiếc điện thoại thật đẹp,
để tặng vợ…
7/7/2020 Hoàng Ngọc Điệp
7/7/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét