Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Đồi cao mây xanh lơ

Đồi cao mây xanh lơ

Tôi là con bướm đen, một trong vô vàn con bướm đen trên đồi Tử Huyệt. Tất cả bướm ở đây đều có đôi cánh đen dù trước đó, dù khi còn làm người, chúng tôi đứng ở hai phe đối nghịch nhau. Lúc này, tôi đang nhè nhẹ đập cánh trong một đêm kỳ ảo, đêm trên đồi cao, mây xanh lơ.
Quả thật là mây xanh lơ, một thứ màu mây vượt ra khỏi sự diễn tả về màu sắc bình thường, xin đừng vội suy diễn bởi mây được nhìn qua con mắt của bướm ma mà ra vậy, không phải, nó là loại mây trong veo nhưng chất chứa, thứ mây được lắng cặn, thứ mây đã đi qua chảo lửa chiến tranh, là mây bay về chứ không phải mây bay đi. Mây ngũ hành giống như bàn tay tôi năm ngón khát khao vuốt ve, xoa dịu lòng người. Mây âm dương như là tay phải tôi thuận hơn tay trái để viết nên những bài thơ tình yêu em, ngất ngây, mê cuồng vì em, để viết nên những bài thơ tình chứa cả con tim hoang dại tôi trong đó. Và mây sắc không như đóa hoa kia chưa kịp nhú mầm, chưa kịp nở ra tận hiến cho cuộc đời, chỉ thân cây cháy đen, chỉ lá cây nát vụn dưới sự tàn phá khủng khiếp của pháo bầy, pháo chụm, của bàn tay hủy diệt mang tên chiến tranh, có mà lại không có, có rồi lại không có, trong không có có, trong có có không, có ở phía này lại không có ở phía kia.
Những con bướm đêm là chúng tôi cũng đã đi qua chảo lửa chiến tranh, không có chuyện giật thót vì quá sợ hãi, không có chuyện hơn thua, phân biệt bên này bên kia khi đã là bướm với nhau. Tôi không nói bướm của Trang tử, bướm không biết mình mơ hay thật, những loại bướm chữ, bướm lời, bướm triết thuyết tỉnh mê mà chúng tôi một thời sinh viên đã chuyền tay nhau đọc đến nát nhàu từng trang giấy, đây là bướm thật, loài bướm hóa kiếp tức thì, tức tưởi, loài bướm sinh ra trong bom đạn. Chẳng hạn như anh chàng bướm đen lính Bắc mới vừa tăng cường đang ở cạnh tôi đây.
Nhà văn Nguyễn Hiệp
… Tôi rút chốt ném trái lựu đạn còn lại vòng lên bên kia tảng đá, đó là điểm cuối, là đỉnh đồi, là nơi gần cả đại đội của tôi đã gục xuống, đã tan xương nát thịt, đã máu trộn trong sình lầy, đã hồn bay phách tán, xác bên này trộn lẫn xác bên kia, mới chiếm được. Trái cuối cho điểm cuối, cho đỉnh đồi lộng gió. Đây là chặng giao thông hào cuối cùng của hơn chín vòng giao thông hào bao quanh ngọn đồi mang cái tên rất thiêng liêng, trinh khiết, đồi Đức Mẹ, trong mắt những người lính, trong nỗi ám ảnh của những người lính, trong âm thanh rùng rợn vang rền trong cơn ác mộng của những người lính, nó lại được gọi tên là đồi Tử Huyệt. Một thiếu úy, người mang bản đồ, người giữ nhiệm vụ chấm tọa độ cho pháo, nói với tôi bên kia đồi là chiến khu của địch quân, có cả trường huấn luyện và khu an dưỡng cho thương bịnh binh. Ngày trước, vùng đất ấy chỉ là một làng kháng chiến nhưng giờ nó đã phát triển thành một chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và là điểm dừng chân của lực lượng tăng cường từ Bắc vào, là một trạm vận chuyển trên đường vào Trung ương Cục Miền Nam. Chính vì vậy mà đồi Tử Huyệt trở thành cửa ngõ quan trọng, là điểm phòng thủ rất mạnh với hệ thống giao thông hào và các hầm chữ A nối nhau, những người chỉ huy ở tầng địa đạo thứ hai ẩn sâu trong lòng đất.
Tiếng nổ chát chúa nhanh chóng lọt thỏm giữa những âm thanh uy hiếp cuối cùng của khẩu trung liên, hai băng đạn dài trơ khung, chẳng còn viên nào. Viên đạn cuối cùng đã được bắn ra. Nếu còn tên địch nào chúng tôi sẽ đánh giáp lá cà bằng dao găm. Bên kia im bặt. Tôi trèo qua một tảng đá lớn vừa trốc lên bởi pháo cối trước đó rồi cùng đồng đội ào sang, trườn người xuống giao thông hào của địch. Khi đã ém quân bất động để quan sát tôi mới phát hiện ra anh chàng này sát ngay bên mình. Anh chàng lính Bắc lúc này đã banh thây, chỉ còn cái đầu đỏ lòm và cái cổ lòng thòng xương da đang ròng ròng máu đỏ, máu đen, anh chàng khẽ rung rung trên chòm rễ bên vách hầm, cặp mắt to hiền khô. Trong cái ba lô rách toang rách tưa của anh chàng lăn lóc gần đó, tôi đưa mắt thấy một bài thơ tình, chữ viết nắn nót. Thoáng qua trang giấy cháy sém ấy tôi đã biết thơ tình vì thấy ngay hai chữ “yêu em” rõ to, giống như bài thơ tôi viết gửi cho nàng của tôi ở hậu phương cũng kết thúc bằng hai tiếng chứa cả những gì không thể nói ra. Yêu em! Cháy khát vì em! Ham muốn ôm em trong tay!… “Yêu em” là tiếng gào thét phá vỡ sự tuyệt vọng cách xa, là tự khơi trong lòng mình một đốm lửa hy vọng.
Yêu em! Chỉ hai chữ ấy ở mỗi bài thơ thôi cũng đủ biết tôi và anh chàng này cùng một nòi, cái nòi lụy tình, cái nòi sống vì tình yêu, sống cho tình yêu.  Hắn làm thơ tình. Tôi cũng làm thơ tình. Khi chết xác hắn văng ra mỗi nơi một mảnh, chỉ còn lại bài thơ. Tôi cũng vậy, nếu lỡ như  viên đạn nào bay lạc vào tôi, thân tôi vùi trong sình lầy ở đây, tan rữa trong sình lầy ở đây, trong chiếc ba lô của tôi cũng chỉ còn lại bài thơ viết cho nàng là đáng giá nhất. Tôi với anh chàng này đâu có gì thống hận, cũng da vàng mũi tẹt như nhau, đâu cớ gì phải ra tay sống chết với nhau. Cùng là những thằng lính làm thơ tình chúng tôi phải sống để viết nên những run rẩy, những tha thiết, những vụng về của con tim. Chỉ vì chiếm đỉnh đồi này thôi sao? Chỉ vì giữ đỉnh đồi này thôi sao? Chỉ vì lệnh cố thủ, chỉ vì lệnh tấn công thôi sao? Chỉ vì phải thắng bằng mọi cách, phải thắng để cuối cùng chỉ còn lại quả đồi đầy xác chết của cả hai phía và đỉnh đồi gió rít đến ghê rợn này thôi sao? Chỉ vì cái lệnh thôi thúc trong mỗi chiến binh là không được thua mặc cho gia đình, ba má, anh chị em, người tình ở hậu phương dù ở phía nào cũng luôn là kẻ thua, thua đau, thua điếng, thua dại, thua cuồng…
Sau đó làm gì? Sau khi bắn nhau chí tử thì làm gì đây? Bây giờ làm gì? Tôi định bụng nếu còn sống về lại trại, việc đầu tiên tôi làm là gọi cô hàng quán cho một cái ly không để chính tay tôi rót mời vong hồn của anh chàng lính Bắc này một ly bia Con Cọp, một ly bia lạnh tràn bọt, sau khi mời xong tôi sẽ đổ bia ra tứ hướng, chắc hắn sẽ về chứng giám tấm lòng của một kẻ cuồng si giống hắn. Tay lính Bắc hiền khô này chắc cũng đột ngột từ bỏ tuổi thư sinh mà ra trận như tôi, ra trận mà vẫn còn ngỡ mình đang tham gia vào một trò chơi, tâm hồn cứ háo hức những tiếng hô xung phong như bắt đầu lao vào giải một phương trình toán học hóc búa, như  bắt đầu đứng trước gương một mình tập nói lời tỏ tình ngọng nghịu đầu đời. Và trò chơi bắn giết tàn độc đã không chừa một ai, tất cả chúng tôi rồi sẽ thành bướm đen, đàn bướm đen ngẩn ngơ chưa biết vì sao mình hóa kiếp, chưa biết vì sao mình lại bị banh thây, đầu treo lủng lẳng một góc chiến hào, đàn bướm đen tiếc nuối chưa kịp gửi những bài thơ tình run rẩy ấy cho các em, đàn bướm đen khẽ đập cánh nhưng chưa biết bay đi đâu bởi đường về nhà, về quê xa xôi vạn dặm…
Má nó, chiến tranh vô nghĩa hết sức! (Ít nhất đó cũng là cái nhìn từ những thằng bị bắt quân dịch như chúng tôi). Má! Loạn trí!… Tôi vừa lầm bầm chửi thề, chửi những thằng áo xanh ủi hồ, lon trắng lon vàng đầy cổ áo, ngồi trong văn phòng mát lạnh điều khiển những cuộc hành quân bất tận, những thằng làm nghề nướng thịt người trên cái miền Nam bi thương này, bỗng hai ba loạt đạn dài chát chúa nổ ngay sát bên tai. Mọi thứ đột ngột dựng hết cả dậy và đồng loạt đổ ập xuống. Một tên nón cối bị thương nằm giả chết nãy giờ dưới giao thông hào đã đột ngột vùng dậy quét đạn xối xả vào chúng tôi. Bị bất ngờ, tất cả đã gục xuống, tên giả chết cũng trúng đạn phản lại thủng nát hết cả ngực từ từ tựa người vào vách hầm, hai tay buông xuôi, cây súng rơi ra rồi mà hai mắt hắn vẫn còn mở trừng trừng.
Tôi bay lên, bay lên thoát khỏi thân xác đã bị nhiều lỗ thủng, máu phun, máu trào ra lênh láng trên mặt, trên ngực. Các đồng đội của tôi cũng bay lên. Chúng tôi đã thành bầy bướm đen như thế.
Đã hóa thành bướm rồi mà khuôn mặt của từng người trong chúng tôi vẫn chưa trút bỏ được nỗi sợ hãi.
Đã hóa thành bướm rồi mà mấy anh lính Bắc môi vẫn còn mím chặt, mắt vẫn còn trừng trừng.
Nghe nói những anh chàng bướm lính Bắc linh ứng lắm. Có lần tôi nghe kể một trung đội nọ có cả cậu cháu ruột nhà nọ ở cùng đơn vị chiến đấu. Trận đánh diễn ra trên một rẫy dưa. Khi người cháu bị pháo làm đứt đầu văng rất xa, đang loay hoay tìm cách chôn cháu thì người cậu lại nhận lệnh rút quân. Vội quá mà địch lại đang bám đánh rát quá, phải bò bám người sát đất, không ngóc đầu lên được, ông cậu đành lắp một trái dưa vào phần đầu rồi quấn chiếc võng dù qua quýt chôn cháu ngay tại chỗ để kịp rút theo đơn vị. Trong dịp nghỉ phép về nhà, người cậu đến nhà cháu định bụng là báo hung tin. Khi vừa bước qua cổng, người vợ trong nhà đã ào ra chào cậu và vui vẻ kể, hôm qua, trong chiêm bao, cháu thấy nhà cháu về bảo cậu đã cho nhà cháu một trái dưa… Câu chuyện giấc chiêm bao trùng hợp lạ lùng ấy làm cho ông cậu chết sững giữa sân nhà. Lần đó, ông chỉ đến thăm cháu dâu mà nghẹn ngào không nói gì thêm nữa. Những trải nghiệm bí ẩn như vậy được truyền tai rất nhiều trong giới lính tráng, quả thật nó có làm thay đổi một số suy nghĩ, một số quan niệm trước đây của chúng tôi. Tôi không biết những người được giáo dục về chủ nghĩa vô thần như những chàng bướm Bắc ra sao, còn chúng tôi thì nuôi hy vọng nếu lỡ qua đời đột ngột cũng còn có được cơ hội về thăm nhà, thăm người thân, thăm người tình.
Chỉ nghĩ tới về gặp nàng của tôi ở hậu phương thôi là những chi tiết chúng tôi lúc còn bên nhau, một lời nói giận dỗi, nửa nụ cười hiền dịu, vị ngọt của môi nàng… tất cả tưởng chừng mơ hồ, xa xôi đâu đó chợt hiện về sống động. Tôi rưng rưng xúc động, thậm chí nóng hực người lên khi sống lại với những khoảnh khắc đã qua.  Tôi như chợt hiểu kỹ hơn về trái tim nồng hậu của người mình yêu. Tôi muốn bay đến với nàng ngay trong đêm nay. Tôi khát khao được ở bên cạnh nàng, chỉ ở bên cạnh thôi vì mọi thứ giờ đây đối với tôi là một sự bất lực, ngay cả việc báo cho nàng biết tôi đang ở bên cạnh cũng là điều khó khăn. Tôi mơ tưởng và tha thiết hơn nhưng lại cũng lúng túng và bất lực hơn. Những con bướm đen luôn sống với ký ức, sống vì ký ức.
Những con bướm đen vỗ cánh đến kiệt sức vẫn không lôi kéo nổi một ánh mắt huống chi là báo mộng, báo tin.
Người lính sống hay chết là do mệnh lệnh nhưng người lính về nhà hay không là do sự thúc giục của con tim, ngay cả khi không báo mộng báo tin được thì cũng phải về. Vài giây trước khi bị viên đạn xuyên giữa trán, một đồng đội đã nói với tôi khi hai đứa hổn hển tựa lưng vào được tảng đá: Thật ra tao, mày và những chiến hữu đã chết từ khi bắt đầu tấn công ngọn đồi này, bạn bè chúng ta đã chết quá nhiều và chúng ta cũng giết quá nhiều. Giờ, tao chỉ muốn về nhà.
Khi một trái hỏa châu được bắn lên, thằng lính gầy nhom, hình như nó tên Định hay Đình gì đấy đã khóc rống, tay chân co giật khi thấy xác chết la liệt xung quanh.  Nó gào lên trong cơn hoảng loạn: Con về đây má ơi! Ở đây chỉ toàn chết chóc… Nó lao lên và ngay lập tức sựng người lại vì một loạt đạn ngược chiều. Nó như một nhánh cây bị chặt lìa cành văng ra và ngã xuống cùng lúc ánh hỏa châu tắt phụt.
Trước khi mắt đứng tròng, anh thượng sĩ già vui tính đang bị thương bỗng đờ đẫn nét mặt và thều thào: Về… thôi… Chưa dứt câu, đầu anh đã ngoẹo sang một bên.
Có lúc tôi thèm mình bỏ lại nơi đây một bàn chân hay cánh tay cũng được rồi sau đó kẻ phế nhân là tôi ngồi trên chiếc xe lăn mà về nhà, vĩnh viễn từ bỏ trò chơi súng đạn chết chóc này. Nhưng ước mơ ấy, cơn thèm muốn ấy quá lớn, ngay cả như vậy cũng không thể được.
Chúng tôi là những người lính thèm hơi ấm gia đình, tất cả đã ngã xuống, đã thành bướm đen ngay trong những ngày cuối cùng khi chiến tranh kết thúc. Những chiếc nón sắt lem luốc, vấy máu lăn lóc xuống triền đất và ngay lập tức có một chú bướm đen chẳng biết từ đâu ra bay đến đậu trên cái mép nón còn đang rung rinh.
Ngọn đồi hình mái nhà xanh màu xanh lá cây. Sườn dốc thứ ba, chỗ hơi gợn lên một đường sang sáng ấy, với tên gọi Kẹt Cưa, chính là mục tiêu ban đầu của cuộc hành quân. Không ai có thể tưởng tưởng nổi trận đánh lại nên cơ sự này. Cả quả đồi đã bị băm đến tơi vụn, trống hoác, lửa khói ngút ngàn, chỉ còn lại vài hàng cây, vài tảng đá cháy sém. Những căn hầm chữ A như những đầu mũi tên lớn nhô lên đầy bí ẩn, một số khá nhiều đã bung nóc, cây lót văng ra từng mảng, từng dề lớn. Đỉnh đồi giờ chỉ còn gió rít, không còn một tiếng động cựa gì thuộc về con người. Leo lên khỏi giao thông hào, tôi lết thêm một nhịp nữa ngã dựa người vào tảng đá, mắt nhìn chăm chăm vào khoảng không trước mặt, tâm hồn nặng trĩu và u ám tựa bóng núi. Nửa nằm nửa ngồi một mình trên đỉnh đồi, người lấm lem máu me, ngay giữa ngực trái tôi máu đang ọc xuyên qua lớp vải áo, những bọt máu đỏ vỡ ra rồi lại hình thành, hình thành rồi lại vỡ ra. Sức đang dần cạn kiệt, hơi thở thoi thóp, tôi không dám nhìn xung quanh vì đỉnh đồi giờ này la liệt xác chết, tất cả đã chết, chết trong rất nhiều tư thế, một số đã nát vụn, đã bị băm vằm, ruột gan, tay chân la liệt khắp nơi, máu thấm vào đất loang đỏ, máu vương vãi trên các mặt đá phủ rêu. Những hình ảnh xác chết ở cả hai phía chao vòng, lượn lờ, xoáy tròn trước mắt, tất cả đã hòa thành vòng tròn nỗi đau chầm chậm xoay, xoay, rồi tất cả chợt mờ dần, mờ dần.
Chiếc nón sắt cuối cùng rời khỏi đầu tôi lăn vào vách hầm, đầu tôi gục xuống, ngoẹo xuống, tay chân buông xuôi. Hình ảnh cuối cùng lưu trong mắt tôi là những đám mây xanh lơ đang bay về chứ không phải bay đi. Tôi đã thành con bướm đen đậu trên chiếc nón sắt móp méo, đang nhè nhẹ đập cánh trong một đêm kỳ ảo, đêm trên đồi cao, mây xanh lơ. Đêm- trên- đồi- cao- mây- xanh- lơ.
NGUYỄN HIỆP
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...