Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Đồng xa nghi ngút

Đồng xa nghi ngút

“Có khói không anh?”. Chị hỏi, người nhổm hẳn dậy. Anh đang nằm, hai tay vòng ôm lấy chị “Anh đã bảo nhiều lần rồi, không có em ạ, mà chỉ có cây gạo ở đầu đình nở hoa về tháng hai, đỏ lắm, đi xa lâu, chỉ nhớ về nó, như những cục máu treo, cháy hết mình, từ từ rơi xuống, lại để một vệt hằn in trên đất, tang thương và não nề, anh vẫn nhớ, nhớ như in”.
Anh nói nhẹ, tiếng nói mỗi lúc một nhỏ, rồi mất hút như những sợi khói lam của chị, bay mãi, bay mãi, rồi lẫn cùng trời xanh để không thể biết đâu là mầu mây đâu là mầu khói. Dù sau này có ai giải thích, khói bay lên trời thành mây, mây làm từ khói, nhưng chị vẫn kiên quyết, khói là khói, mây là mây. Nhưng rõ ràng chúng giống nhau, và như thế, có nghĩa, sẽ có nhiều cánh đồng, nhiều rạ, nhiều rơm, để khỏi vướng vít lên cao, hóa thành mây, vướng vào tâm trí chị đến tận bây giờ, mà cô đồng bảo: “Số người khói vương mắt cay; Chạy đâu cho thoát khỏi trời nắng đây?”
Nhà văn trẻ Bảo Thương
Cô quất chiếc khăn đỏ rực như máu, trên có in hình rồng vàng bay lượn vào mặt chị. Tiếng cô mạnh như tiếng vị quan hoàng trên đường ra trận, khi đang đội giá Hoàng Mười: “Khói này cay đấy con ơi; Kiếp người tự hỏi đọa đày mấy thân. Hây!”. Rồi cô vòng hai tay ôm lấy đầu gối, co chân lên, làm điệu ngựa phi, vừa phi vừa vung chiếc kiếm lên khua khoắng, có lúc tưởng va vào mặt người đối diện. Tiếng văn hát, lẫn cùng tiếng ngựa hí, tiếng va chạm của binh khí, tiếng bước chân nhảy thậm thịch. Khói thuốc bay từ đống tàn trên chiếc gạt vừa hầu ngài, nghi ngút…
“Thưa cô, thế là thế nào?” – “Thì cô nói rồi: Trời in một tấm xuân hồng; Trải bao sóng gió cũng bồng bềnh trôi”.
“Dạ thưa, cô nói rõ hơn được không ạ?” – “Rõ là rõ thế nào, người thật là ngu ngốc, thánh chỉ nói vậy, phải luận ra, u u minh minh, tăm tối, nên mới khổ, biết chưa?”.
Cô đồng nói xong, hất cánh tay, chiếc áo lụa co lên đến khuỷu, văn bắt đầu tấu lên khúc cuối cùng.
Tiếng hát vừa dứt, hai người cận vung chiếc khăn đỏ chói, viền đường thêu chỉ vàng, có hình rồng lượn, lên đầu cô, cô lảo đảo một lát, rồi ngồi ngay đơ, chiếc khăn tuột ra, khuôn mặt ngác ngơ như từ cõi nào đến, tiếng người xao xác dưới kia…
Chị vẫn ngồi yên, ngồi yên. Vườn cải bờ sông mùa này nở vàng những đóa, mật thơm trên từng đầu nhụy lan xa, đàn ong mải miết về kiếm mồi, đất rụng đầy tia ngọt, bước chân lên, một lớp dinh dính còn đọng lại…
*
Phi trường quân sự, ngày tổng tiến công, đơn vị anh nhận mũi phía nam. “Có một hộp đêm – người chỉ huy dặn – đề phòng lũ gái ăn sương bỏ chạy, lệnh trên không được xả súng vào dân thường, hãy kiểm soát đám người này tốt nhất, để cánh bắc tấn công sở chỉ huy”. Tiếng “Dạ!” ngắn gọn. Bóng áo trắng, áo hồng, cùng ánh sáng nhấp nháy của đủ loại đèn mầu, tiếng thét, tiếng gào, tiếng kêu, cả những ánh mắt sợ hãi nhìn lên, xin ông cộng sản tha mạng, tôi bị lạc cha mẹ đến đây. Ánh mắt cô ả tựa ánh mắt đứa em trai nhỏ tội nghiệp xưa của anh, mỗi lần mẹ bắt phạt, thể nào cũng quỳ phủ phục thế kia.
Do bị lạc, do ánh mắt, hay bờ môi duy nhất không toe toét phấn son, hoặc cặp lông mày để mọc tự nhiên, lởm chởm, không vẽ vời kỹ nghệ, như các ả gái khác, mà anh mủi lòng chăng. Đứng lên, đi vào kia. Anh quát.
*
“Không có khói à anh?”. Tiếng hỏi của chị nhiều lần cứ chới với, chới với rồi hụt hơi như người ta đi trên nền đất cát cạnh bờ sông một lúc nào thụt chân rơi xuống, tiếng hỏi lõm bõm, rồi mất hẳn vào âm thanh tiếng chó sủa, vào bầu trời xa, mà anh tin chắc, ở đó, rừng cây mòi moi hoa tím, đang vặn mình, để cho ra từng cái nụ. Đôi mắt người em trai cứ vươn về phía mẹ cầu cứu, đừng đánh con, cứ trở đi, trở lại, để có ngày chị phải gắt, chuyện cũ nhớ làm gì, anh bảo, mình không có thì tìm, tôi có rồi cũng có bớt đau đâu, nói xong anh lại tất tưởi cắp cặp, đi tắt qua một sườn đồi, con đường mòn vàng cỏ tranh, những thân mềm uốn lượn theo gió thành từng đợt sóng xô nhau, lớp sau, trước, chạy dài đến hút tầm mắt, xa xa kia là một thung lũng thấp, ở đó rừng thông hai lá còn rậm rạp, ken dầy, thân gỗ, lá xanh ngời đổ một mầu khác biệt trên nền vàng xanh của cỏ, anh không biết vì sao còn sót lại cánh rừng đó…
Mải nghĩ, từ xa anh đã nghe thấy tiếng những đứa trẻ ê a. Trong đám đấy, anh đặc biệt ấn tượng với thằng bé da đen nhẻm, con người đàn bà Ê Đê chửa hoang, sống một mình trên đỉnh dốc kia, nó luôn nhìn anh như cầu khẩn, như mong muốn, lại có lúc van xin, nhiều lần anh cúi xuống: “Con muốn nhờ thầy gì sao?” – “Bố con…”. Nó nói xong câu đó rồi im bặt, có khi dừng lại một lúc, rồi vụt chạy theo đứa bé gái mặc chiếc váy thổ cẩm dài lê thê quét đất. “Bố con…”. Anh không biết nó định nói gì, đôi mắt giống hệt như thằng em xưa mỗi lần khẩn cầu mẹ đừng giơ đòn roi mỗi khi nó nghịch. Và ánh mắt nó, ánh mắt của cái đêm dài hun hút đó…
Tiếng súng nổ xa xa, pháo sáng của một ụ cao xạ nào đó, tiếng AK của quân ta thi thoảng vang trong không trung ở một khu vực, có lẽ cách nơi này hàng chục cây. “Anh để em”. Người đồng đội nằm kế bên nhìn thủ trưởng đầy căng thẳng. Giữa đêm khuya, mà cảm nhận mồ hôi trên người cậu ấy đầm đìa lưng, đầm đìa mặt và tay, cậu khẽ chạm vào người anh như để truyền sức mạnh. “Để em”. “Không, hãy tin tôi. Nhân danh nhân dân. Nhân danh đất nước”. Một tiếng súng giảm thanh chỉ khục một tiếng, tiếng nữa, rồi tiếng nữa, hai cái xác đồ gục, gọn, không một tiếng kêu, chẳng tiếng quẫy đạp.
Trời đêm đó trăng vằng vặc, sao vằng vặc, vùng chiến sự im ắng đến nỗi một con dế kêu ro ro dưới chân, cũng nghe thấy, rõ lắm, tiếng rền rĩ nỉ non như mất quê hương, mất cửa nhà, sự tụ đoàn cộng đồng bỗng dưng biến mất, vì một đợt pháo kích buổi trưa, còn lại nó, nỉ non một mình trong đêm vắng, đời cũng chỉ còn lại anh.
Chúng ta đã ngăn được một trận tấn công có thể gây tổn thất lớn cho quân ta. Người chỉ huy cầm chiếc roi bằng tre mỏng chỉ vào bản đồ. Chỉ cần chúng vượt qua đoạn đường này, mọi thứ sẽ khác. Sau đó, ông lặng lẽ nhìn về phía ấy, cái nhìn một khắc, như hàm ơn, mà cũng muốn né tránh, cả sự cảm thông, thấu hiểu. “Các đồng chí, chúng tôi xin cảm ơn”. Ông cúi người, cái cúi đầy hạ cố của vị tướng già đã kinh qua hàng trăm trận đánh, tự tay chôn bao đồng đội, đối diện trước cái chết biết bao lần, thì có gì hơn là hàm ơn đồng đội, nhờ có họ, mà đồng đội được bảo toàn. Một trung đoàn đấy, cả một trung đoàn. Dù tên thiếu tá có điên cuồng: Tôi sẽ đến đầu tiên khu vực đó, thằng này vào được thì thằng chó nào không, đồ hèn nhát. Hắn đập bàn quát. Khi hiệu lệnh từ tay tôi phát hỏa, tất cả đồng loạt tấn công. Sự ngạo nghễ của kẻ chỉ huy muốn chứng minh cả khả năng làm lính, mà hắn bị trả giá chăng.
Trăng vằng vặc sáng quá, trăng rằm soi sáng từng khuôn mặt, soi đến tận cầu vai, cả bảng tên, soi đến cả những lốm đốm trên bộ quân phục sọc vằn. “Anh… có bình tĩnh không” – “Yên tâm”. Anh trả lời cậu trinh sát. “Anh hạ súng xuống đi, để em” – “Để tôi”. Là anh biết, một bàn tay cậu đã nát từ chiều, ngón bóp cò đang băng kín, máu vẫn rỉ ra. Cả một trung đoàn ở đấy, cả một trung đoàn. Có cả Liên, cô gái nuôi quân kiêm bác sĩ, người bé nhỏ, giọng Hà Nội thanh thanh: “Anh Kiên ăn gì em nấu?”. Cô bắt chước giọng Huế đặc trưng nghe ngồ ngộ. Hôm anh bị thương khi đi trinh sát, cô cứ cầm tay anh khóc: “Giữ gìn chứ, anh có sao thì…”, nói đến đây cô dừng lại. Liên dáng người thon gọn, lằn lưng rắn chắc, mỗi khi cô mặc chiếc blue chật chội của người em hy sinh để lại, làm phẫu thuật cho cánh lính, anh nhìn cô đầy trìu mến. “Mạng anh lớn lắm, đừng lo, còn phải dành “gáo” về Hà Nội thăm phố Hàng Đào, xem còn ai đẹp hơn em nữa chứ”. Cô cười, lấy tay bấu vào lườn anh một cái. Liên đang ở một công sự nào phía đó, đang đốt đèn bão để phẫu thuật cho một người lính bị hoại tử chân, hay cầm đèn đến từng giường bệnh, ân cần hỏi thăm những bệnh nhân đớn đau không ngủ được. Ở đó, anh còn người em kết nghĩa, hồi ở cứ, nó chui xuống hầm ngập nước cả tháng, lấy chân kê cao làm bàn, cho anh viết báo cáo.
Anh có làm sao không? Cậu lính trẻ liếc nhìn anh như muốn hỏi, khi người thủ trưởng già đang cầm roi chỉ vào vùng mũi tên dầy đặc hơn…
*
Tên thiếu tá trung đoàn trưởng thủy quân lục chiến là em trai đồng chí. Tôi biết. Rồi đây sẽ khó khăn, rất khó khăn. Người thủ trưởng già nhìn anh, như hiểu được tình thế anh gặp phải, giọng nói của ông nghẹn lại, cảm thương hay là động viên, khích lệ hay pha xa xót, anh không biết. Tôi tin đồng chí sẽ vững vàng. Thật khó, cũng thật khó. Nhưng tôi tin…
*
Máu, máu, tiếng anh thét trong giấc mơ hãi hùng và thảm thiết, con chó mực ngoài cửa sổ giật mình, nó kêu ẳng lên một tiếng rồi dừng bặt, khi nhận ra người nhà. “Anh mơ gì sao?”. Chị trằn qua người anh, hai tay đè nặng lên lồng ngực, cứ thế chị day, chị làm thế đã nhiều lần, anh thấy dễ chịu. “Anh mơ thấy hoa gạo như những cục máu treo, chảy tràn đường làng, tràn bờ sông, tràn cánh đồng, những bông gạo đỏ sao giống máu thế em, cục nào cũng tròn to lăn lông lốc, lăn đến đâu máu rớt ra đến đó”. “Anh lại gặp ác mộng rồi”. Chị nói câu đó đã bao lần, cũng như bao lần chị hỏi, không có khói à anh, dù anh giải thích, vùng ký ức người ta có gì sẽ nhớ cái đó, em hỏi gì kỳ. Là chị muốn tìm tri âm, muốn tìm người đồng điệu, một điểm chung. “Điểm chung thì nhiều” – cô đồng hất tay lên bắt quyết, cặp mắt kẻ đậm, xanh lè, liếc xéo chị, xéo vào cung văn, xéo vào bóng bà già phủ phục cạnh đó: “Tưởng vui mà hóa ra buồn; Tưởng cười mà thấy cõi lòng thiên thu; Đồng chi mà chẳng thấy cùng; Vợ chồng, tưởng vợ, tưởng chồng, hóa ra…” – “Là sao cô, con lạy cô!” Chị nhìn tha thiết vào mắt cô đồng. Người đàn bà già càng như quỳ mọp xuống hơn và chắp tay lạy liên hồi: “Cô thương, cô ban phước lành, cô dạy cho người đời u mê, tăm tối đường đi nước bước, cô thấu tỏ trần gian, cô ngự ở đại ngàn, cô ngự chốn thiên cung, cô hiểu nỗi trần ai nơi hạ giới. Xin cô, xin cô…”. Chị cũng rập khuôn theo cánh tay bà: “Xin cô!”. “Cái người này: Mộng đời tưởng hóa mộng đời; Một điều mộng mị mới là bi ai”. Tiếng “bi ai” cô cất cao nhất, siết vào nó, làm âm sắc nhọn hoắt lên, cắt vào da thịt chị, lạnh ngắt, chạy dọc sống lưng, dựng lên những chiếc lông trên cơ thể. “Xin cô chỉ rõ!” – “Về mà hỏi tổ hỏi tiên; Gây ra nghiệp chướng giải gì được oan”. Cô đồng liếc văn, tiếng hát được cất lên hòa vào tiếng đàn phần phật, làm động bóng người trên tường, động bóng hoa trên bức vách, động bóng Phật Bà Quan Âm, động bóng ông Hoàng, cậu bé phủ bởi giá gương và lung linh phấn sáp hoa hường, làm chị ngột ngạt: “Lạy cô!” – “Cô đi dáng điệu dịu hiền…”. Tiếng văn vẫn văng vẳng, văng vẳng…
*
 “Cô đồng bảo thế, anh nghĩ sao?”. Anh ôm chị vào lòng. “Anh đáng bị gánh chịu tất cả, chỉ tội cho em”. “Từ giờ em không đến đó nữa, cái gì xảy ra đã xảy ra, người ta biết được việc trước, ai lường được việc sau, tại em mê tín”.
Nhưng mỗi lần giấc mơ khói chẳng về trong anh, chị lại đi, mong một lần hỏi được người thấu lẽ trời, nhìn suốt nhân gian, hơn hẳn trần thế kia, rằng, nhà con ở vùng khói nào?
“Khói nào chẳng của dân gian; Oan nào chẳng cõi mưa ngàn mà ra”. Chị không luận giải được những câu nói đầy sâu xa, ẩn ý của đấng cứu thế, nhưng như một sự giải tỏa hay nhiều hơn là hy vọng, để chị lại đi. Tắt qua một cánh đồng cải vàng rực rỡ, qua những đám ngô non nhú lên nhiều nhụy phấn, qua những bờ ruộng như những nét kẻ ngang trữ tình trên bản đồ làng mạc, xóm thôn, qua những khóm cúc quỳ cánh vàng như tia mặt trời tóa ra vào những trưa nắng. Chị lấy tay che mặt, lấy nón che đầu. Nắng vẫn xuyên qua vai, xuyên qua tay vào má. Chị chạy thật nhanh, thấy nắng như có chân, nắng mọc mắt, nắng vẽ râu, nắng mọc mặt người, nắng đuổi chị đến tận nhà cô đồng mỗi bận, để khi về, chị lại xót xa, lần sau, lần sau… Anh lại bảo, cứ làm gì em thấy thoải mái. Là chị chưa hỏi được cô đồng về khói, những cơn mơ ám ảnh chị, những ngọn khói dài vương vất che hết ký ức, che hết đôi mắt. Chỉ có người cõi trên là soi được đường, chỉ được lối, cho chị về với cánh đồng nhiều rơm, nhiều rạ. Và nỗi nhớ duy nhất còn lại là những đụn ngoằn ngoèo bay lên lẫn áng mây trời, che mờ một vùng rộng lớn, che mắt đứa trẻ, để nó đi hết nửa đời chưa tìm lại được, bóng người đàn ông mặc áo nâu, bóng người đàn bà áo xanh, kéo đứa con sồng sộc vào sân, rửa hết những lấm lem, luốc nhuốc của khuôn mặt bụi đen vì khói ám. Ký ức còn lại đó, rồi không nhớ gì nữa.
Tôi có ký ức cũng đau, mình mất ký ức còn đau hơn, anh thường bảo vậy. Chị ôm đầu bứt rứt, nhìn ra mảng đồi trước mặt, loài cây ích báo lên cao quá đầu người, những tàu lá xanh thẫm chao qua chao lại, thân cây hình thẳng đứng, những chiếc hoa mầu đồng, cánh như những ngón tay, ở giữa là chiếc nhụy mầu trắng, vài con ong gọi bạn về chòng ghẹo, làm rơi những bụi phấn lơi tơi theo gió, một giọt mật nào rụng ra, lâm thâm trên nền đất.
Ngày đó, chị cũng như cánh hoa giữa phi trường. “Em đẹp nhất, em biết không?”. Tên đại tá lữ đoàn dù nhìn chị rồi đưa bàn tay có những ngón to như chiếc quẩy rán phồng của một người đàn bà vụng về trong nghề nặn bột, nâng cằm chị lên: “Thuần nhất chốn này là em, bông hoa hương thơm tự nhiên lắm, ráng mà giữ lấy”. Hắn nói bằng cái giọng ngọng nghịu, lũ bạn cả ta và Mỹ cùng cười. “Tự nhiên cái con khỉ, ngài đại tá, đã vào chốn này ai còn tự nhiên. Ngài tưởng như quả mít trên cây, như quả sầu riêng rụng cuống ấy?”. “Ồ, các anh lại không biết rồi, Nguyễn Du của đất nước này từng nói, chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Hắn lại nói, cái giọng lơ lớ, kéo dài ở âm vực từng tiếng cuối, cộng với sự ma mãnh trong trí hiểu biết, mà tiếng cười càng rộ lên hơn.
“Cô đứng ra chỗ kia”. Tiếng quát của người lính Bắc Việt làm chị lùi ra một quãng, nhưng vẫn len lén nhìn lên khuôn mặt có những chiếc lông cứng mọc ra chừng một đoạn, chạy từ mai xuống cằm, vòng qua môi, ngoen một chút lên cánh mũi. Mặt anh ta hiền, mắt anh ta sáng, giọng nói trọ trẹ của người miền Trung, nhưng thân thương lạ. “Này ông cộng sản”, chị dè dặt. “Sao?”. Anh ta cố lấy giọng thị uy hỏi lại. “Chỗ này gần nhà dân, nếu ông nổ súng, bờ tường kia rất mỏng, bên đó là lớp học của con em gia binh”. Anh ta ầm è trong họng như vẻ dọa nạt, nhưng rõ ràng có sự dao động. “Chúng tôi biết rồi, đây không phải việc của các cô”.
*
Mầu khói là mầu gì nhiều khi chị vẫn hỏi, nó không là mầu xanh, chẳng là mầu trắng, pha giữa trắng và xanh ư. Sao có thứ pha vào nhau không ra cái gì. Anh bảo, mình không có con là do cái số, chắc anh ác, tổ tiên phạt. Mình bên nhau đã là hạnh phúc, lẽ nương tựa phải chăng là lẽ hạnh phúc nhất của con người.
Hạnh phúc là gì, chính chị vẫn mang mang. Cái ngày gặp lại anh, sau hai năm rời phi trường, trong căn lều nhà ba Sáu, chị giật mình đánh rơi chiếc gáo, tà áo bà ba bay phần phật, gió ngoài đồng thổi vào rát má, tay chị như có ngàn con mắt châm vào, cả mặt. “Chào cô, ba Sáu có nhà không?”. “Anh biết ba Sáu?”. “Là ba nuôi tôi. Ngày xưa, không có ba đào hầm cho trú, những người bạn cô đã cho tôi tan xác”. Lần này, chân chị gần như quỵ xuống. Biết lỡ lời, anh chữa: “Trông cô đẹp ra đấy, đất này mến người lắm, cô ngày càng đẹp ra”.
Khói đốt đồng cứ rưng rưng trong ký ức, nỗi buồn xưa chẳng dịu lại bao giờ. Cho đến ngày anh đến xin ba Sáu đón chị về bên ấy, rồi ngày ba Sáu ra đi, hai người đưa nhau lên vùng đất này, cũng là một sự trốn chạy, anh bảo, trốn nào cũng hèn nhát, trốn mình càng hèn nhát hơn.
Chiếc nón lá chị che không hết mặt, đi tắt qua đoạn đồi mua tím, gió từ hướng đông thổi tới, làm chiếc nón đập lấp rấp liên hồi vào mắt, chị đứng lại giữ lấy dây quai, siết chặt hơn vào cằm, một cánh hoa vương vào tóc, chị lấy tay hẩy ra, đôi mắt nhìn vào mênh mông đồi thấp, từng chòm, từng chòm cây thạch cất lá phất phơ, chiếu ánh trắng lóa đập lại mắt chị. Chị không còn trông thấy mầu lam nữa, chỉ là mầu nắng, mênh mang là nắng. “Chạy trời, trốn nắng mà thành; Nghiệp đau dồn đuổi trên cành thiên di”. Lời cô đồng xoáy vào chị, con mắt kẻ phấn xanh ánh lên ánh nhìn giận dữ, khi đang nhập giá cô Bơ.
“Cô Bơ, cô bải trên đời; Mẹ không thương đến tơi bời gió mưa…”. Giọng văn cất lên phụ họa, khi chị cúi xuống lần nữa: “Dạ thưa cô, nhờ cô chỉ giúp con về mầu khói lam trong ký ức, nó trở đi trở lại, không bao giờ dứt. Con muốn tìm về với bản quán, giống nguồn. Đầu hai thứ tóc, con chẳng mong gì hơn là tìm được gia đình. Bố con để lạc con ngày chạy càn. Con chỉ nhớ, làng mình có cánh đồng và những đám khói loang, mẹ mặc áo xanh, bố áo nâu, còn không nhớ gì cả”. “Hứ! Người về mà hỏi chồng người. Cội nguồn ở đấy chứ thời ở đâu?” Lạy cô, con biết chồng con có nỗi khổ riêng, anh ấy đã bị dằn vặt cả cuộc đời, đó cũng là cái giá phải trả rồi.
“Tội là của tổ của tông; Của bao nhiêu kẻ, của chồng người đâu? Hứ!”. “Dạ, thưa cô, con biết, nên xin cô rủ lòng thương soi đường làm phép, cho con tìm về…”.
“Đêm nay canh bốn thì ra; Góc sân ánh bạc là nhà nghe chưa…”. Cô đồng nói, rồi vuốt má chị. Lần đầu tiên, cô vuốt đi cả những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên đôi má còn nóng rẫy vì nắng trưa trên cánh đồng mua lúc trước, làm đậm thêm những nốt tàn nhang li ti trên đó. “Cô thương nhé, cô thương lắm! Cô ở trên cao chỉ biết cười, rọi cho ánh sáng xuống trần thôi, còn người đời mới làm nên nghiệp, giải sao cho hết hỡi ông trời. Cô thương!”. Cô nói bằng văn vần, rồi lại bằng văn xuôi, lại tiếp tục vuốt má chị, nhìn xoáy vào đôi mắt u hoài của chị, nâng cằm chị lên, xoa xoa, nắn nắn, rồi nheo hẳn mắt lại như dỗ dành. “Về đi, cô sẽ chỉ cho. Về đi, rồi liệu mà lo con ạ”.
“Lạy cô!”
*
Cánh đồng mua dại buổi chiều nắng càng gắt. Rát rạt trên từng li ti mắt lá. Những chiếc lá non rủ xuống, bạc đi, những cánh hoa cố reo vui mà chẳng đặng, dòng sông xa trắng xóa, một cánh cò lạc lối đơn côi chấp chới trên bầu trời xanh lẫn trắng, mầu trời lam, hòa quyện trong khói lam của chị.
Chị về qua con đường rát nắng, con đường anh vẫn đội lá thông để đến lớp mỗi ngày, cỏ tranh ngập lối, những sóng lá lượn từng đợt cuộn ra xa rồi đổ ào ào vào phía chân chị, như những đợt thủy triều cuồn cuộn…
*
Anh bảo, anh đau đầu, em lấy dầu bôi cho anh. Chị lần tìm trong hộc bàn lọ dầu gió đã cậy nắp. Một mùi hương nồng nồng hắc hắc hắt ra, bay qua màn, bay qua bàn thờ phần phật gió, nơi tấm vải che bát hương mỏng quá, những cây hương lay động, mặt Đức Phật nhòe đi, loang lổ, nhạt nhòa. Mái tóc anh cũ lắm rồi, những sợi bạc nhiều hơn những sợi đen. Chị tỉ mỉ sờ từng chân tóc, tựa như người ta chơi lại món đồ cũ kỹ và quen thuộc đến độ nhắm mắt cũng lần ra. Không một gốc tóc nào chị chưa đến, không một góc đầu nào bàn tay chị chưa qua. Thuộc như bản đồ chiến sự trên tay lão tướng tài ba trận mạc. “Em nhìn tai anh đi”. Anh nói rồi nhìn vào khoảng không đen đặc, ngoài đó, tiếng con chó sủa ma hục hặc, tiếng con chuột chí vặn mình mài đi những bộ răng, một tiếng cuốc kêu lạc loài chị thường nghe thấy. “Em nhìn tai anh đi, vành bên trái trên cùng ấy, thấy chưa, soi rõ đèn vào, không nhìn kỹ không thấy đâu. Đấy, bé tí bằng hạt đậu, nổi lên một cục. Em thấy chưa?”. “Thấy, nhưng sao anh?”. Ngày bé, anh bị đứa em gái nhỏ lấy chiếc đũa xe đạp nung đỏ của bố làm nghề thợ hàn xiên vào, khi anh tranh nhau với nó chiếc đèn kéo quân.
Đèn kéo quân, đũa nung đỏ, người bố ngồi bên lò lửa cạnh mấy chiếc dao cùn và lưỡi cuốc, chiếc đũa nung đỏ đặt bên, chuyên để dùi những lỗ li ti trên những chiếc khay bằng sắt.
Chiếc đũa nung đỏ, vành tai đỏ của người anh, tiếng xèo xèo của thịt cháy, tiếng thét thất thanh và đổ gục, bàn chân lẫm chẫm băng qua khoảng sân ra cổng rồi đến cánh đồng, chui vào đống rạ, sau khi đã xem đủ những ngọn khói bay lên trời ngoằn ngoèo, đủ hình khối, đủ mọi kiểu dáng. Nên chỉ nhớ khói. Nên chỉ còn lại khói. Hay khói che mờ tất cả, lấp mọi cõi về, che mắt thế gian. Sao chỉ còn khói?
*
“Anh có em gái?”. Chị hỏi. “Phải, nó chết trong một trận càn, hồi lên bốn tuổi, bố anh bảo vậy, anh chưa từng kể với em về chuyện này”.
Đêm dầy đặc, tiếng gà canh tư eo óc, tiếng chó sủa ma vọng về, tiếng con chim gì ăn đêm chuyên khoắt mắt người trong câu chuyện người xưa kể, tiếng gió thốc ào ào, tung cánh màn, tung cánh rèm, tung bát hương trên bàn thờ, những chân hương lả tả, tàn rụng rơi theo gió tốc lên mù mịt. Chị chạy vào đêm. Ngoài kia là bờ sông. Bờ sông đen không còn là trắng, bờ sông xám không còn lam, bờ sông vồng lên những ngồng cải con gái, bờ sông quật lên những vòng ngực con trai, dòng sông quằn mình đau âm ỉ. Sông muôn đời như thế, giấu vào mình để tự chịu đớn đau…
*
“Lạy cô, lạy cô!”. Tiếng người lao xao phía dưới. Người đàn bà nào phủ phục dưới chân, chắp tay liên hồi: “Cô thương cô dạy cho trần; Bước đi những bước về gần thiện chân, lạy cô!”
Cô đồng trẻ vung cánh tay mạnh mẽ, mắt nhìn lảo đảo về bốn phía không gian, những cái lưng rạp xuống, rạp xuống. “Ha ha ha, Trần gian lắm chuyện buồn cười; Canh tư thử hỏi còn người nào không?”
“Cô bị ốp bóng mạnh quá rồi” – tiếng ai nói vội – “phải làm gì thôi. Cô này khác cô đồng thầy. Cô này chỉ chút nữa là rơi vào nguy hiểm”.
Tiếng văn vẫn bập bùng: “Gió ở trên ngàn; Cô dạo trần gian; Non sông khắp chốn phù trần; Cô ban phước quả cho dần sáng ra, a á à a…”
Bóng đồng lảo đảo, lảo đảo, rồi gục xuống, một dòng khí trắng phọt qua kẽ răng, trào ra hai bên mép, đẩy lên cao, cao mãi, bởi những cơn thở phì phò, phì phò, gấp gáp, rồi hụt hơi, đuối dần, đuối dần… Dòng sông trắng xóa ngoài kia, khói đốt đồng nhà ai lên cao quá.
“Canh tư vừa dứt tiếng gà. Nghiệp ai gieo quả để mà ai đau…”
Tiếng văn cất lên, cất lên, lẫn vào phấn hoa ngào ngạt, vào bóng Phật Bà nghìn tay in trên vách, vào bóng ông Hoàng ngự trên tường, và vào khói rạ rơm ngoài đồng xa nghi ngút, nghi ngút…
BẢO THƯƠNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...