Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Trăng rằm mùa thu

 Trăng rằm mùa thu

Nguyệt Thu tỉnh giấc sau một hồi chợp mắt, đây rồi! đã đến  quê mình! Bầu trời không chút gợn mây, trăng sáng trưng như ban ngày, soi cả vào trong xe. Nguyệt Thu hé môi, ngửa mặt như muốn hớp trăng để trăng soi sáng tận trong lòng. Cô mải mê chiêm ngưỡng ánh trăng huyền ảo, như đang làm dáng, khoe sắc với mình. Trăng trải rộng vàng óng như mật, quyện vào trong gió, nô nức quét vào ruộng lúa non, tạo thành mặt biển xanh  gợn sóng trông thật lung linh quyến rũ. Bản dạ khúc đêm thu của ngàn vạn côn trùng từ bốn phương tám hướng ùa tới nghe da diết bảng lảng làm sao!
Nguyệt Thu nghĩ, đây là phần thưởng thật lớn lao cho những ai thích ngắm trăng và lắng nghe những “khúc nhạc” đồng nội. Riêng Nguyệt Thu đã có những giờ phút triền miên không thể đếm được chỉ để im lặng chứng kiến biểu hiện phong phú cái đẹp đẽ, cái tinh tế, tươi sáng kỳ bí của cuộc sống ở đồng quê. Cô thấy hãnh diện được mang cái tên của chính  hình ảnh lãng mạn  ấp  iu này. Cô thầm nghĩ: Chỉ có trăng thu quê mình mới lung linh huyền ảo đẹp đến nao lòng nhường kia! Thế nhưng sao mỗi lần trăng thu về, mình thấy mẹ ngắm trăng  một cách háo hức say sưa, để rồi sau đó lại thở ra héo hắt buồn rười rượi nhìn vào khoảng xa xăm? Hẳn mẹ yêu trăng thu lắm! Nếu không sao lại lấy trăng thu đặt tên cho con gái độc nhất của mình! “Mẹ ơi, đêm nay trăng rằm, chắc mẹ lại vò vỏ ngắm trăng một mình. Ánh trăng đêm nay có níu kéo, vấn vương tơ lòng? Chyện gì uẩn khúc sau đêm trăng thu phải không mẹ?”
Nhà văn Tuyết Sương (Hải Hà)
Bỗng cô nhớ lại cuộc trò chuyện với bạn bè lớp đại học y khóa X tuần trăng trước, tại công viên. Trăng thành phố bị ánh điện đường xua đi nên không lung linh mờ ảo như ở đây, làm cô thêm tư lự. “Mình sẽ về Hà Nội. Bố mình đã dọn cho một chỗ ở bệnh viện trung ương”. Con Duyên nói thế, làm cho cả nhóm bạn đứa nào cũng xướng lên trong sự ngưỡng mộ, thèm khát “Mày sướng nghen! Có bố làm bộ trưởng sướng thật!” Thằng Dũng nói: “Tớ thì tớ cóc về làm gì cho xa. Bố bảo ở đây, ngay cái đất Sài gòn này, ổng tậu cho căn nhà mặt tiền để sau ba năm công tác sẽ mở phòng mạch tư. Bố tớ đã phôn xuống cho người bạn trong ban giám đốc bệnh viện rồi”. Nó nói trong khi mặt cứ ngước lên trời. Một lúc sau, nó quay sang vỗ vào vai Kiên: “Còn cậu, tính sao?” Kiên uể oải nói: Trước mắt cứ xách giỏ về quê rồi tính sau. “Thế bố cậu không làm gì cho cậu à?” Nghe hỏi vậy, Kiên mở to mắt, chậm rãi nói một câu khẳng định: “Có chứ! làm nhiều lắm, cả cho bố mẹ các cậu nữa đấy! Ba mình là thương binh 1/4” (!). Còn Thu, từ nhỏ đến giờ chưa biết gì về ba, mặc dù nhiều lần Thu hờn dỗi với mẹ về điều đó. Tại sao? Tại sao mẹ không nói? Dẫu mảnh đất chiến khu đã ôm giữ ba trong lòng, hay ba đang ở phương trời nào mà bỏ rơi mẹ con cô! Cô biết chắc ba sẽ là người ở trong chiến khu cùng mẹ. Bởi Thu được sinh ra ở trong bưng biền vào những năm chưa giải phóng Miền Nam. Nhớ có lần vì Thu nằng nặc hỏi về ba, mẹ bực quá thốt lên “Ổng chết rồi!” Nói xong, mẹ liền bụm miệng, như cố giữ lại không cho thốt sự lỡ lời nguyền rủa ba. Thu hỏi thăm ba Kiên, ba kiên cũng dù dừ không muốn nói, ông bảo từ từ lớn lên rồi con sẽ hiểu. Giờ Thu đã lớn khôn, cô muốn tự mình tìm hiểu điều đó. Và điều này cũng là một trong những điều thôi thúc Nguyệt Thu về quê làm việc.
Mẹ Thu cũng như ba của Kiên, họ đều đi đánh giặc cứu nước. Hoà bình độc lập, mẹ về nhà với hai bàn tay trắng, không có tiền tài cũng không có địa vị. Với giấy chứng nhận mất sức, hàng tháng mẹ nhận những đồng trợ cấp ít ỏi không đủ nuôi sống hai mẹ con. Cũng bắt đầu từ ấy, trên bến phà Hàm Luông có cái tên: cô “chè bưởi” thay cho cái tên chân quê mộc mạc: “Hai Đẹt”. Đã có lần Thu nghỉ học, ở nhà đỡ đần cho mẹ bớt vất vả, nhưng mẹ nói: “Ngoài việc sống cho mình còn phải biết sống cho người khác nữa con ạ. Ngày trước, đánh giặc cần lòng dũng cảm hơn là nhiều chữ. Còn thời bình không có chữ thì làm cho mình còn chưa được huống chi cho ai. Mẹ già rồi không học được nữa để giúp bà con xóm làng, giờ coi như mẹ nhờ con, con học thật giỏi để làm thay mẹ. Như vậy là con báo hiếu cho mẹ đó”.
Câu nói mộc mạc nhưng chân thành ấy thôi thúc Nguyệt Thu quyết lấy điểm mười làm niềm vui cho mẹ. Nhờ vào học lực mà suốt những năm ở trường y, Thu đều được nhận học bổng. Chưa ra trường đã có đến ba bệnh viện lớn nhận Thu, nhà trường cũng giữ ở lại bệnh viện đại học Y Dược để vừa làm vừa dạy. Song cô đã khép lại cái tương lai rạng rỡ của riêng mình, quyết định về địa phương. Ở đó Thu sẽ biết về ba mình, và góp phần mở ra một tương lai giàu đẹp cho quê hương, để những con đường làng thẳng tắp rợp bóng dừa, những mái nhà mái trường màu ngói đỏ như son, những nụ cười luôn nở trên môi, cho dòng Hàm Luông trong xanh tấp nập thuyền buồm, cho những cây cầu nối liền các rẻo đất, tạo cơ hội để Thu dễ tìm hiểu về ba. Đó cũng là đáp lại tấm lòng mong mỏi của mẹ. Bởi có lần mẹ kể cho Thu nghe một câu chuyện mà mẹ bảo “nó luôn canh cánh trong lòng” và nước mắt mẹ rưng rưng:
“Dạo ấy, sau ba năm mẹ “khai hoa nở nhụỵ” để cho con chào đời, thì một người bạn thân thiết, đồng thời là người đồng đội của mẹ cũng đang háo hức, hăm hở chuẩn bị làm điều đó nhưng không được. Cô ấy đau đớn quằn quại, ôm chặt tay mẹ nức nở nghẹn ngào: “Chị ơi, cứu mẹ con em với! Em muốn thấy con em chào đời. Em không muốn chết. Hãy cứu mẹ con em!” Cô ấy tắt thở rồi mà mắt vẫn cứ mở ra như đang cầu cứu “Hãy cứu tôi! Cứu tôi với!” Mấy người trong bệnh viện nói nếu có máy siêu âm và bác sĩ giỏi thì cô ấy không chết. Bác sĩ sẽ phát hiện sớm, mổ lấy thai ra thì cứu cả mẹ lẫn con. Mẹ nói: “Ngày trước Út Hết và mẹ cùng tham gia trong phong trào đồng khởi của quê nhà, cùng thoát ly gia đình, vào bưng biền tham gia kháng chiến. Song do một người cùng đơn vị quá hèn nhát, ngại gian khổ sợ hy sinh, không giữ vững được khí tiết, đã đầu hàng phản bội, khai báo cho giặc đánh vào căn cứ cách mạng. Chúng bắn bị thương một số người và bắt sống được cô ấy. Chúng tra tấn rất dã man, dùng gậy gộc để đánh, cho lươn, rắn chui vào vùng kín của cô ấy nên mới có hậu quả đau lòng này”.
Mẹ kể mà nước mắt tuôn trào, làm như chính mẹ là người có lỗi. Mẹ còn nói: “Cái nghèo đeo bám riết nên luôn bị thiệt thòi. Vì nghèo khó quá không nuôi con ăn học đến nơi đến chốn được. Nhà nào kha khá cho con học thành tài rồi thì nó cũng tìm chỗ sướng mà lập nghiệp. Là người địa phương còn bỏ xứ không chịu quay về, làm gì có chuyện người khác đến trụ lại ở đây”. Sợ con mình cũng như con bao người khác nên mẹ nói: “Dù có vắt chày ra nước, mẹ cũng sẽ đẩy cái khó qua một bên, để nuôi con ăn học. Con ráng học giỏi để thi vô “ngành bác sĩ” thì dù có làm việc đến chết mẹ cũng nuôi con học cho thành tài để về giúp bà con quê mình. Nhưng mà nè, nhớ đừng để con trai thành phố “xỏ mũi” dẫn đi nghe chưa!”
Mỗi lần mẹ nói như vậy, Thu nói lại: “Mẹ phải nói sống để nuôi con ăn học chứ!” Mẹ cười hiền như đất, “Ừ! Mẹ phải sống chứ, sống để thấy ngày con vinh qui bái tổ về làng!”
Hôm nay nhớ lại cái ngày mẹ nói câu ấy, Thu thấy trong lòng rạo rực, sung sướng vô bờ, tưởng như mình đang ở trên cung trăng, lướt trên mây trên gió chứ không phải đã xuống xe, đang bước những bước khập khiễng trên con đường lồi lõm đầy ổ gà ổ voi của quê hương. Có lẽ mẹ đang chuẩn bị cho gánh chè ngày mới. “Mẹ ơi! Con đã về!” Nghe câu này chắc mẹ chạy ào ra sân, dang hai tay đón cô vào lòng. Cô sẽ được ngả đầu vào ngực vào vai mẹ mà nghe thơm mùi cơ cực nhọc nhằn bấy lâu. Đã một năm rồi còn gì, một năm Thu không dám về nhà cho đỡ tốn tiền xe, và để tập trung cho bài vở năm cuối, tháng hè phải làm thêm để kiếm tiền mua sách vở. Từ nay Thu tự cho phép mình hy vọng đôi quang gánh của mẹ sẽ không còn trĩu nặng những vất vả lo toan.
Chân bước vào sân nhà, trời cũng vừa tang tảng sáng, lòng Thu bồi hồi khôn tả. Cô muốn cho mẹ bất ngờ để có một cái giật mình thú vị nên nhè nhẹ bước chân mà cảm giác như đất đang ôm hôn chân mình. Cánh cửa líp tre lấm tấm thâm kim đang mở toang. Trong nhà không thấy bóng mẹ yêu, cô chạy ra vườn nhìn quanh vẫn vắng lăng. Bỗng cô nóng lòng kêu to “Mẹ! Mẹ ơi!” rồi chạy lại vào nhà, bấy giờ mới thấy mẹ với thân hình gầy gò, xanh mét, một tay giơ về phía cô một tay ôm ngực, môi mấp máy rồi ngã vật xuống. Thu lao tới đỡ lấy mẹ. Thu đặt hai ngón tay vào cổ tay mẹ nghe mạch đập loạn nhịp, yếu ớt. Khi vào bệnh viện Thu mới biết mẹ bị thiếu máu đã biến chứng hở van tim. Thu quyết định để mẹ nằm viện một thời gian cho được truyền dịch, truyền đạm nâng đỡ thể trạng. Thu về nhà mở tủ lấy giấy tờ bảo hiểm làm thủ tục nhập viện. Trong ngăn kéo nhỏ, tất cả những lá thư cô gửi về,  mẹ còn giữ ngay ngắn. Bỗng tim cô đau nhói, ruột thắt từng cơn. Đôi mắt nhoè dần trước những con chữ đang nhảy múa trên tấm phiếu mỏng như lá lúa ghi các thủ tục bán máu. Cô lấy tay áo quẹt ngang lau nước mắt để nhìn rõ hàng chữ dưới cùng ghi ngày… tháng… năm. Cô nhận ra những ngày tháng ấy trùng hợp vào thời gian các lá thư cô gửi về xin tiền đóng học phí. Cô nhớ lại những lần về thăm mẹ, thấy những nốt nhỏ tí ti ở ven tay, có nốt đã khô vảy, có nốt còn mới mà ngỡ là nốt muỗi đốt. Trời ơi! mình ngốc thế, chẳng biết gì hết. Mẹ đã bán máu để nuôi mình ăn học?  Chẳng phải những lần thư mình gửi về là những lần vắt đi những giọt máu trong cơ thể nhỏ nhắn của mẹ đó sao. Những trang sách, những con chữ trong bài vở của mình đã đẫm đầy máu của mẹ!. Thì ra đồng lương mất sức và gánh chè bưởi hàng ngày trên bến phà Hàm Luông chẳng đủ vào đâu so với giá những quyển sách y học hiếm quí trên gác sách mình vừa mang về kia. Bất giác cô thấy những quyển sách như căng phồng, tứa máu đỏ tươi, và cô ngồi nghe trái tim mình rỉ máu. Cô nghẹn ngào, đau xót kêu lên trong nước mắt “Mẹ ơi! Con yêu mẹ! Con yêu mẹ vô cùng!”
***
Bác sĩ Nguyệt Thu vừa nhận bàn giao ca trực, liền sau đó có một ca tai nạn gãy bốn xương sườn, dập lá lách gây chảy máu bên trong, ổ bụng chương lên căng cứng, xương đùi gãy nát, nhiều vết thương hở trên cơ thể. Nạn nhân đang trong tình trạng mất máu trầm trọng, quằn quại đau đớn. Người nhà lo lắng, nôn nóng đòi chuyển viện về Sài Gòn. Thu trao đổi với ban giám đốc bệnh viện rồi giải thích với người nhà nạn nhân:
– Tình trạng chấn thương của nạn nhân hiện giờ rất nghiêm trọng, nếu chỉ băng bó đơn thuần rồi chuyển đi trên những đoạn đường gồ ghề trong mấy tiếng đồng hồ e nạn nhân sẽ chết dọc đường. Nếu gia đình đồng ý ký giấy, chúng tôi sẽ mổ tiền trạm và giải quyết bù đắp lượng máu cần thiết mới có thể chuyển viện được.
Nhiều tiếng xôn xao, gay gắt phát ra từ phía người nhà nạn nhân:
– Liệu có cứu được không? Hay cũng để chết người như lâu nay?
– Cô có biết bao nhiêu người phải chết oan ở cái bệnh viện này không? …
– Bà con nên thông cảm!- Thu từ tốn – điều kiện bệnh viện của ta ngày xưa có nhiều hạn chế. Chẳng ai muốn để cho bà con chết khi có đủ thiết bị, khả năng nghề nghiệp đâu. Trường hợp nạn nhân này nếu không được giải phẫu kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Còn mổ có cứu đựơc hay không thì chúng tôi cũng không thể nói trước được. Chúng tôi chỉ biết là phải cố gắng hết sức mình để cứu nạn nhân mà thôi…
Sau khi đựơc người nhà ký giấy cam đoan. Thu cho xét nghiệm máu nạn nhân và người nhà để tìm nhóm máu thích hợp, vì một bệnh viện nhỏ như thế nầy làm sao dự trữ đủ lượng máu khô cần thiết cho ca phẫu thuật lớn. Đồng thời Thu cho người đi đón bác sĩ Kiên vừa mới ra trực, quay lại phụ mổ với mình. Hai bác sĩ trẻ làm việc rất nhiệt tình,  ăn ý, ca mổ thành công tốt đẹp, ai nấy đều mừng rỡ. Nhưng tình trạng thiếu máu đang rất nguy kịch, khẩn cấp, mặc dù bệnh viện đã truyền hết lượng máu khô dự trữ. Nghiệt ngã là nạn nhân mang trong người nhóm máu O – nhóm máu được mệnh danh là “máu nhân hậu”. Vì nó có thể cho tất cả nhóm máu khác như A, B vàAB, nhưng chỉ có nhận chính nhóm máu O của mình mà thôi. Không như nhóm máu AB – “máu  ích kỷ” chỉ cho chính mình mà nhận được tất cả nhóm máu khác.
Trong lúc những người nhà nạn nhân thất vọng,  y bác sĩ và ban giám đốc bệnh viện ai nấy thở dài, lắc đầu tỏ vẻ rất tiếc, trực nhớ ra, Nguyệt Thu bật người “ớ!” lên một tiếng, rồi nở một nụ cười rạng rỡ lạc quan:
– Sao không lấy máu của tôi? Tôi cũng nhóm máu O mà! Nào, mau lên “bác Kiên!” Đảm bảo chính xác một trăm phần trăm “máu nhân hậu”, không cần xét nghiệm, mất thì giờ.
Vừa nói, Thu vừa tay này vén  áo tay kia, co chân chạy đến phòng lấy máu. Kiên cũng chạy theo:
– Hiện nay lượng hồng cầu của nạn nhân còn dưới hai triệu, phải cần ít nhất hai đơn vị máu nữa mới cầm cự đến tuyến trên, liệu một mình Nguyệt Thu có thể cung cấp được không? Hay cứu được người này mà…
Thu cắt ngang, không đợi Kiên hết lời:
– Sao anh lại nghĩ ra một viễn cảnh xấu như vậy? Hãy nghĩ nó suôn sẻ tốt đẹp đi Kiên! Không còn cách nào khác nữa đâu.
– Thôi được!
Kiên cho chuẩn bị đầy đủ thuốc cấp cứu, đề phòng Thu đột ngột mất đi một lượng máu lớn sẽ bị truỵ mạch. Chuẩn bị gluco ưu trương, đạm – moriamine, và cả nước mắm ngon, độ đạm cao theo kinh nghiệm dân gian nữa! Kiên đã sắp xếp sẵn trong đầu.
Ánh mắt hiền dịu họ trao cho nhau như trăng rằm mùa thu lung linh tràn trề trên mắt môi mình.
Nạn nhân được chuyển về tuyến trên . Các bác sĩ  khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện ở Sài Gòn hết sức khen ngợi, đánh giá cao việc chẩn đoán chính xác, xử lý kịp thời, không có sai sót đáng tiếc và được biết Nguyệt Thu đang phải nhập viện để các bác sĩ nâng đỡ thể trạng vì thiếu hụt số lượng lớn hồng cầu một cách đột ngột.
***
Nghe tin con về Việt Nam bị tai nạn, từ Mỹ, ông Phan bay về chăm sóc con. Để tỏ lòng thành, ông đến gặp bác sĩ giám đốc nói lời cảm ơn.
– Cứu người là trách nhiệm của chúng tôi. – Ông bác sĩ giám đốc nói.- Song nếu cảm ơn thì bác sĩ Nguyệt Thu mới xứng đáng nhận lời. Vì cô ấy là người giành giật mạng sống của con ông trên tay tử  thần bằng trí tuệ, bằng lòng nhiệt thành và cả máu của mình.
Sau khi con lành lặn, ông Phan dẫn đến bệnh viện bác sĩ  Nguyệt Thu làm vịêc để gặp mặt ân nhân của mình. Từ đó ông quyết định tài trợ vốn cho bệnh viện mở rộng, nâng cấp và xây mới, trang bị máy móc thiết bị y khoa rất hiện đại. Ông tài trợ tiền để bác sĩ Nguyệt thu và bác sĩ  Kiên được đào tạo lên trình độ tiến sĩ y khoa, nhiều bác sĩ khác được đào tạo chuyên khoa sâu.
Năm năm sau, ông Phan trở về Việt Nam, thăm lại cái bệnh viện mà ông đã gửi gắm tình cảm chân thành. Ông tỏ vẻ rất vui và hài lòng lắm! Rồi ông bước lên con đường quen thuộc sau bao nhiêu năm xa cách, khi mặt trời xuống núi, nhường chỗ cho trăng trải một màu vàng, mà cứ ngỡ như đặt chân lên bàn chông, những lá tre cành trúc quẹt vào người mà ngỡ mũi dao nhọn đâm vào da vào thịt, ánh trăng buông câu năm nào em hát: “…Giếng nước trong giữa đồi cát mịn, ánh nguyệt mờ soi đôi bóng giao kề, anh zới em quảy gánh ra zề…” của bài vọng cổ ”Gánh nước đêm trăng” trầm bổng trong gió vỗ mãi vào lòng nghe sao buốt rát. Những ý nghĩ cứ xô đi như làn sóng. Ông dừng bên lề đường, tư tưởng giằn xé ghê gớm. Rồi ký ức đẹp đẽ từ từ kéo về như bộ phim đang chiếu chậm trên màn ảnh không gian khổng lồ. Hình bóng người con gái thon thả có mái tóc dài óng mượt, ngực căn tròn như quả núi đôi chứa đầy chất nam châm, còn ông như một thanh thép mỏng, bỗng chốc tan biến vào nhau để hoà làm một. Chiếu cỏ xanh rì êm êm, chăn trăng vàng mật ấm áp bao phủ mảnh tình, giữ lấy mùi hương con gái nồng nàng cho đến tận bây giờ như  đang buông ra làm ông lại thấy đê mê. Cái đêm trăng ấy sao mà đẹp vô cùng! Với ông không có đêm trăng nào đẹp hơn thế, đáng nhớ hơn thế! Và thiên thu ông còn cất giữ nó tận nơi sâu kín nhất của lòng mình.
Cuối cùng vì mặc cảm ông không tìm đến nhà ai, chỉ đến nghĩa trang liệt sĩ với một vòng hoa cùng mấy bó nhang. Đặt vòng hoa trước bàn thờ tổ quốc ghi công, ông bật lửa đốt nắm nhang, quỳ xuống trước bàn thờ tưởng niệm, ông run run cúi lạy ba lần,  không dám ngước lên, lòng đầy tủi hổ : “Các anh ơi! Hãy niệm tình chúng ta đã có một thời là đồng chí đồng đội, mà cho phép tôi được thắp nén hương này để bày tỏ lòng thành! Tôi biết mình không có quyền và không xứng đáng cầu xin các anh tha thứ”. Nước mắt ông tuôn trào, hàm răng trên cắn chặt môi dưới muốn bật máu, cổ họng ông nấc lên những tiếng nghẹn ngào, lòng ngực như muốn nổ tung. Một hồi lâu, ông chống gối run run đứng dậy, bước từng bước ngập ngừng xuống những hàng mộ chi chít nhưng ngay ngắn, đẹp mắt.  Ông cúi sát đọc kỹ, khi thấy tấm bia nào có chữ Nguyễn đằng trước, nhưng đều vô vọng vì không có tên người ông cần tìm để đặt trên mộ ấy một đoá hoa. “Có lẽ hài cốt người ấy còn thất lạc, đồng đội chưa tìm ra.”
Ông lại thất thểu bước từng bước nặng nề, khập khiễng như người mộng du đến nghĩa trang cán bộ nằm cách nghĩa trang liệt sĩ vài trăm mét. Như có người chỉ đường dẫn lối, ông đã thấy ngay nấm mộ mà ông cần tìm ở nghĩa trang này. Mặt cỏ trên phần mộ ai mới dãy vừa đủ héo, dấu cuốc còn mới nguyên, chân nhang còn hơi ấm. Chỉ tấm bia là cũ kỹ, những dòng chữ mờ dần theo năm tháng, nhưng vẫn còn đọc được. Ông thầm nghĩ “Thảo nào! Ngày giỗ của em mà!”  Ông Phan cẩn thận đặt bó hoa cúc trắng muốt trên nấm mộ mà ruột gan rã rời tan nát. Ông ngồi nhìn dăm đăm vào tấm bia, trút những lời tâm sự như người ấy đang hiện diện: “Út Hết ơi! Anh xin dập đầu tạ tội với em. Nhưng xin em hãy tin rằng,  khi anh bị bọn nó phục kích bắt được rồi tra tấn rất dã man, do dở chịu đòn nên anh đã nhận lời đầu thú giặc, ly khai “Việt cộng”. Đó là lỗi lầm không thể tha thứ đối với anh. Nhưng thật tình anh không khai báo gì hết. Chúng bắt được em là do sự trùng hợp nào đó mà anh không biết. Hôm em bị bắt, anh đã lén đến thăm và hỏi tin tức về chị Hai em, người yêu đầu đời mà cho đến bây giờ vẫn chiếm một vị trí lớn  trong trái tim anh. Và câu “Chị ấy đã bị bắn chết, trong lúc tui bị bắt đây nè! Vừa lòng rồi chứ?” Câu nói em thốt ra với ánh mắt giận dữ chiếu vào anh như  roi quất vào da vào thịt giữa đêm đông giá buốt, như sấm chớp gây tiếng nổ chát chúa xé nát trái tim anh, và cũng từ ấy anh chợt tỉnh cơn mê. Giờ đây nói nhiều để làm gì, khi mà người ấy và em không còn trên cõi đời này! Thôi thì em có linh thiêng, hãy vì chị ấy mà chỉ lối đưa đường cho anh tìm thấy hài cốt, đem chị ấy về nằm gần em, gần đồng đội cho đỡ tủi vong linh!
Cúi lạy tấm bia, ông Phan lấy khăn lau nước mắt, hai tay ôm mặt khóc rưng rức mà không hay biết mẹ con Nguyệt Thu đi giỗ mộ, đang đứng sau lưng ông từ nãy đến giờ. Nghe những lời tâm sự của ông Phan, Thu thấy động lòng thương. Mẹ Thu rưng rưng đứng lặng người, trái tim thổn thức, nhưng đập nhanh những nhịp dỗi hờn!
Ông Phan giật mình ngẩng đầu lên khi nghe tiếng:
– Chào ông Phan!
Chào xong, Thu nở một nụ cười cảm thông, trong lúc  ông Phan  tròn mắt tròn môi sửng sốt nhìn mẹ Nguyệt Thu. Sau đó ông chớp chớp đôi mắt, lắc lắc cái đầu  như  không tin vào mắt mình. Mẹ Thu đưa cánh tay run run chỉ về phía ông Phan, ấp úng:
– Ông là… ông… là…
– Dạ, ông ấy là ông Phan, người đã tài trợ, đỡ đầu xây dựng bệnh viện chỗ con đó mẹ!- Nguyệt Thu giới thiệu.
– Vậy sao? Thì ra là ông Phan! – Giọng mẹ run run thầm thì. Trái tim phải đâu lỗi nhịp, đập những nhịp cháy bỏng yêu thương!
Giờ lại đến lượt ông Phan ấp úng, cằm đánh lập cập, tay run run chỉ vào mẹ Thu:
– Còn đây… có phải… là… là…
– Dạ, là mẹ tôi, thưa ông!
Ông Phan gật gật đầu, cả người run bần bật, chân như muốn khuỵu xuống, ông cố bước tới nắm lấy tay mẹ Thu, nói hụt hơi:
– Em vẫn còn sống… ư…? Tôi – có – nằm – mơ – không – đấy?
– Là thật, không phải mơ đâu! Ngày ấy vì giận anh nên Út Hết nói thế.
Ông Phan quá đỗi xúc động, không cưỡng được tình cảm của mình, ông ôm mẹ Thu trong vòng tay, kêu lên:
– Trời phật ơi! Nguyễn Thị Đẹt vẫn còn sống! Hai Đẹt vẫn còn sống!
Nói rồi ông bật ra tiếng khóc, trong lúc Nguyệt Thu tròn mắt đứng nhìn hai vòng tay siết chặt lấy nhau như không bao giờ buông. Lần đầu tiên trong đời cô thấy mẹ mình  trong vòng tay một người đàn ông. Bỗng cô hỏi một câu tưởng như ngớ ngẩn:
– Ông Phan là ai hả mẹ?
– Là người mà con đã nhiều lần hờn dỗi đòi biết đó, con! Giờ thì con đã hiểu vì sao trước kia mẹ không cho con biết. – Nhìn  ông Phan mẹ Thu nói tiếp: – Nó là kết quả của đêm trăng rằm mùa thu năm ấy đó,  anh Phan Hùng Minh!
Họ nhìn lên, thấy bóng trăng thấp thoáng phía rặng dừa.
TUYẾT SƯƠN
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...