Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Vũ Thanh Thủy: Cánh đồng vàng

Truyện ngắn Vũ Thanh
Thủy: Cánh đồng vàng

Làng Nam cách thị thành không xa nên cuộc sống người dân không còn thuần túy với con trâu, cái bừa. Họ chăn nuôi com cóp được gì đều mang ra chợ bán. Mãi thành quen và trở thành cái làng nông – thương lẫn lộn.
Nhà Nam cũng không chuội ra khỏi luồng quay ấy.
Từ hôm có người ở sở địa chính vào đo đất, thấy bảo nhà nước sắp lấy đất để làm đường đi cho công viên Văn Lang, nghe đâu còn rục rịch đền bù cả đất ruộng, khi đó nông dân sẽ không phải chân lấm tay bùn. Họ tụ tập tính giá cả đất cát như kiểu tiền sắp sửa chui vào túi mình. Bà Cậy (mẹ Nam) có duyên bán hàng nên thời gian ở chợ nhiều hơn ở nhà. Hầu bao đầy chặt những đồng bạc lẻ.
Nhà văn Vũ Thanh Thủy
Khuôn mặt vẫn vậy. Cái dáng vẫn vậy. Có hôm Nam phì cười khi nhìn mẹ mình trên người mặc áo bà ba gụ, dưới quần lửng hoa hở hai ống chân còn nâu bóng mầu bùn. Hàng xóm bảo sợ nhất lúc bà chửi, bà chửi từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Bà ghét ai thì phải biết. Có hôm Nam nói:
– Con thích bầm như ngày trước.
– Ơ, cái thằng dở người, mày không muốn tao sướng mà lại muốn tao bán mặt cho đất bán lưng cho trời, hở?
Chị Lan (chị cả của Nam) lại bảo:
– Mày kệ bầm, bầm đi chợ cũng vui. Bọn tao đây chán cảnh ngày mùa phải xin nghỉ về gặt hái lắm rồi. Đã bảo cho thuê quách ruộng đi, tiếc rẻ cái nỗi gì!
Ông Cậy xuất ngũ về làng giữ chân thủ quỹ xã. Thói quen nghề nghiệp nên không đời nào ông để rơi rớt bất kỳ thứ gì cho ai, đến như Nam – thằng con độc đinh mà chưa bao giờ tơ hào được của ông tý gì. Nhưng Nam thương ông vì ông lép vế nhất nhà. Từ độ về hưu, nhàn tản ông hay cùng dăm ba lão nông chi điền ngồi uống rượu xếch. Lâu thành nghiện, bà vẫn đay nghiến:
 “Rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm cũng quay ra rồ”.
– Ông mà rồ à?
– Chả rồ thì hẳn. Cái mặt biêng biêng. Thằng nào* tôi đi bán cho hết các thứ về đến nhà cái sân ông không quét còn ngồi như chó ỉa trong đấy mà tu.
Mấy ông bạn đang say sưa đối ẩm thấy vậy thì lặng lẽ rút lui. Ông tức mình nói:
– Bà lấy con dâu về mà làm. Tôi đếch phải hầu. Bà đừng có mất dạy.
– Ờ, con già này mất dạy còn khối đứa khốn nạn hơn
Bộp! Cái chai bay sạt qua người bà, đập vào thành lan can trước sân vỡ bục, rượu chảy lênh láng, mùi cay hăng xông ra bao trùm khoảng không gian nặng trĩu đang bao phủ lấy gia đình bà. Một lúc sau nguôi cơn ông lại tự đứng dậy thu dọn chiến trận mình vừa oanh tạc. Cứ thế bà được thể chẳng sợ ông. Thêm nữa, bà buôn bán được hơn đồng lương của ông nên quyền chi thu trong nhà bà quản tất. Ông dần dà trở thành chiếc bóng.
Sáng, dậy tu một hơi rượu xong, ông lấy quang gánh xếp đỡ bà hàng hóa lên chợ. Trưa, bà gửi thức ăn về, ông lẩng đẩng xuống bếp nấu nhom nhem bữa cơm ai khói. Tranh thủ lúc chờ bà, ông ra nhà con rể (chồng Lan, làm nghề nấu rượu) tợp thêm vài hụm. Có lần hai ông con say quá lời chạm đến lòng tự ái của nhau:
– Tao cho con gái tao tý đất thì chúng mày mới được ở thành phố. Ông cười khầng khậc.
Anh con rể giọng lè nhè:
– Con gái ông may mà con rước đấy. Láo thượng hạng, chửi chồng như hát hay. Không tin ông các vàng thử xem ai dám vớ vào của quý nhà ông không?
– Tiên sư mày chứ. Mày nói thế mà nghe được à? Đ.. mẹ sau này con đường đi qua lúc ấy tha hồ mà ngồi thu tiền. Bán cái hàng vớ vẩn cũng ra tiền. Sướng bố mày chưa con?
Anh con rể cười khẩy:
– Úi giời! Ông ngồi đấy mà mơ…
Ức quá, ông bước thấp bước cao đi vào trong nhà mồm lẩm bẩm chửi vợ chồng Lan là đồ vô ơn, ăn cháo đá bát. Nhưng giận nhau chỉ được mấy bữa ông lại kiếm cớ mon men ra thăm hộ nồi rượu xem đã chưng cất được mấy chai rồi.
***
Nhà có sáu chị em. Nam là thứ tư, dưới Nam còn hai đứa em gái, một đứa bị thiểu năng. Các chị gái đều lấy chồng ở chung mảnh đất của ông bà Cậy. Trái tim Nam đôi ba lần rung động, nhưng không thành. Cô gái nào cũng chỉ đến nhà vài bận rồi tự động rút lui không ai rõ nguyên nhân.
Người bảo:
– Nam kén vừa vừa thôi nhé!
Người lại bảo:
– Hoàn cảnh như thế, bố đứa nào dám lấy.
Nam ắng đi vì buồn bã. Mỗi người một nhận xét. Chẳng hiểu người ta không ưa gia đình anh nên nói đểu, hay vì cảm thương số phận đơn lẻ của Nam thật. Chỉ có Nam là hiểu. Nam tự ti, mặc cảm chẳng thiết để ý tới ai nữa. Ngoài ba mươi mà trông Nam ngỡ tưởng bốn mươi. Ông Cậy sốt ruột nhờ người mai mối, đám nào Nam cũng gạt phắt đi, ánh mắt thương hại của những cô bạn gái trước làm anh không đủ tự tin để bước lên con đường tình ái. Mỗi lần ông Cậy nhận thiệp mời của ai đó thì y rằng Nam sẽ phải nghe những câu đại loại:
– Mày có là thằng đàn ông không hả Nam? Hay mày không có bộ phận ấy… hả thằng gà rừng kia!
– Tôi không bao giờ lấy vợ để nhân cái giống của ông ra làm gì. Ông đừng la lên như thế cho mấy đứa con gái nhà này còn lấy được chồng.
– À! Thằng khốn nạn. Mày bước ra khỏi nhà tao ngay.
– Được, tôi cũng chán cái nhà này lắm rồi. Nói xong Nam quay vào mở tủ nhét mấy bộ quần áo vội vàng lao ra cửa. Chị Lan chạy theo gọi với nhưng Nam vẫn lầm lũi bước đi.
Buổi trưa nắng chói chang. Không khí vắng tanh. Vài con gà đậu trên cây rơm phía trước nhà ngủ gà ngủ gật. Trên sân gạch con Mực nằm phơi mình bên cạnh đĩa cơm gà, chó ăn dở vãi vung vẩy. Lũ ruồi nhặng xúm đen kêu vo ve. Ông ra khép bớt cánh cửa tránh nắng hắt vào nhà rồi nói một mình:
– Mẹ mày chứ! Đi chán lại về thôi con ạ. Rồi ông xoa chân leo lên giường.
Đêm. Nam về thật, lặng lẽ ngồi đầu hồi, nghĩ lại lời nói của mình. Nam muốn chạy vào tạ lỗi với ông, nhưng cổ họng cứ cứng nhắc lại. Nam thấy bóng ông Cậy mở cửa, ánh đèn nê – ông hắt xiên vào thân cây khuất nên không ai nhìn thấy anh. Rồi tiếng ông Cậy gọi chó về xích. Nam còn nhìn thấy bà Cậy đang đứng buông màn cho đứa em dở người “chẳng ai để ý đến sự vắng mặt của mình. Có lẽ nhà này ai muốn sống thế nào thì sống” nghĩ vậy, Nam lại đứng dậy bước đi. Con Mực thấy động sủa dống lên mấy tiếng rơi chìm nghỉm vào bóng tối. Nam còn nghe tiếng ông Cậy quát chó:
– Yên nào, có ai đâu mà mày sủa.
Rồi tiếng “két”, cửa gỗ sập lại.
***
Giữa tháng năm. Nắng bỏng đường, bỏng đất. Ánh sáng rực rỡ trắng xóa cánh đồng bạt ngàn. Lúa vít trĩu bông. Bà con đã đôi ba tốp nhấp nhứ vào rệ đồng nghỉ ăn cơm. Họ gọi mời nhau ơi ới. Lan một tay bưng cốc nước, một tay dang rộng chiếc nón quạt cho bà Cậy, nói:
– Cậu Nam tệ thật, đi đâu cũng chẳng thèm báo một câu
Bà Cậy đang mệt vì mấy ngày nay phải bỏ chợ, cày đầu thu hoạch lúa má. Trong thâm tâm bà chỉ mong nhà nước nhanh chóng lấy đất sớm để đền bù cho bà yên một vệt buôn bán. Thấy con gái nói bà quay lại nhìn Lan, bảo:
– Mặc cha nó! Lá rụng về cội, sớm muộn gì chẳng quay về. Thời bình chứ có phải thời chiến đâu nữa mà lo loạn lạc.
Lan lại hỏi:
– Dễ, cậu ấy đi được hai tháng rồi bầm nhỉ?
Bà Cậy kéo khăn mặt ẩm cuốn trên đầu xuống quẹt dòng mồ hôi. Bà không trả lời đúng câu hỏi của Lan:
– Cái của ấy lỳ giống bố nó như đúc. Thôi, ăn cơm đi còn làm nốt. Vừa nói tay bà vừa xoay các nắp cặp lồng thì đám con gái bà cũng từ dưới ruộng bước lên. Mấy mẹ con trải tấm nilon lên vạt cỏ để bày cơm.
Ngoài đồng không còn một bóng người. Lúa cắt nham nhở chỗ thì trơ gốc mạ đâm tua tủa, chỗ thì lúa nặng bông cứ đổ oặt xuống. Cánh đồng bạt ngàn chẳng mấy chốc trông ra “bãi bể nương dâu”. Bà Cậy nghĩ đến ngày xưa khi ông Cậy mang Nam về, cuộc sống của gia đình bà cũng giống như quang cảnh này. Bà chấp nhận nuôi Nam chỉ vì bà không sinh được con trai. Ông Cậy có phần lép vế vì Nam đang tồn tại trong gia đình này. Bà cũng biết ông chửi mắng Nam, dồn ép Nam cũng là mong Nam tức khí mà lấy vợ, ông rất muốn con mình thoát khỏi không khí nặng nề đã ủ men bao nhiêu năm nay.
***
“Ngheo… ngheo…” Khuôn mặt dăn deo, nước da men mét cùng âm thanh run run, đứt quãng, ông Cậy gọi tìm con mèo mướp. Ông nghiêng ngó gậm giường, gậm tủ, xó nhà, góc vườn… chẳng thấy bóng dáng chậm chạp của con mướp đâu.
Đêm về khuya.
“Nghao..ao..a..o…!” Tiếng con mèo già hàng xóm thiếu bạn tình rên lên não nuột. Mọi khi con mướp nhà ông vẫn chơi cùng nó. Hôm nay con mướp bỏ đi từ sáng. Bữa trưa không thấy. Chiều không thấy. Tối. Khuya rồi cũng bặt tăm hơi. Căn nhà còn mình ông thức. Giá mà độ trước ông tợp hụm rượu là đâu vào đấy, ngáy pho pho ngay lập tức. Hoặc ông chửi cho đã cái mồm. Lúc này ông nhận ra sự trống trải. Nghĩ đến thằng con ông cảm thấy có tội với người đàn bà đã cùng ông sinh ra nó.
Ông là vậy. Ông van vỉ bà ấy cho ông đem Nam về quê. Quá thương ông, bà ấy cũng nhắm mắt hy sinh, hy sinh cả thiên chức được làm mẹ vì bà ấy thương dòng họ của người chồng hờ tiệt giống. Bà cắn răng dứt lòng đồng ý để ông đem Nam đi. Hình ảnh người đàn bà vừa gạt nước mắt vừa bỏ chạy vì sợ con hiểu chuyện đòi theo lại hiện ra. Lời của bà ấy bây giờ cứ xói vào lòng ông như nước lở đất mềm, càng ngẫm ông càng ân hận. “Anh nuôi con nên người là em mãn nguyện rồi”. Khi thỏa mãn sự vị kỷ đã có Nam trong tay thì ông lại nghĩ xấu cho bà ấy. Ông nghĩ: “Con còn rời xa được thì…”. Nhưng lòng vẫn xui chân ông đi tìm bà ấy với hy vọng nhỡ đâu gặp được thằng bé ở đó. Khi đến nơi cũ mới biết bà ấy đã nương thân vào chốn cửa thiền để tích đức cho bố con ông. Tuyệt vọng. Ông tự xỉ vả ông thật không biết gì cả, không ra gì cả.
Từ ngày Nam bỏ đi, ông tưởng thằng con nóng nảy mất khôn. Ai ngờ nó đi thật. Chẳng biết ông bỏ con “ma men” hay con “ma men” đã bỏ ông mà ông đờ đẫn như bị mất hồn. Ngụm rượu ông thấy đắng ngắt. Tự dưng ông sợ cái mùi cay cay nồng nồng. Những lọ, bình, chai to, chai bé, cao, thấp, lớn, nhỏ bỗng nhiên trở thành cái gai trước mắt. Ông xếp chúng vào chậu đem tất tần tật trút ra góc vườn. Loảng xoảng! Ông cười khình khịch. Lũ con gái sướng cười tít mắt. Thế là từ nay chúng tha hồ mời bạn đến nhà không sợ bị bố làm mất thể diện nữa. Ông chậm chạp ngồi bệt xuống trước thềm. Gió thổi rung cành ổi sau nhà làm rụng lộp bộp những quả ổi đã chín mũm. Mùi thơm lan theo gió. Bà Cậy đi làm đồng về chắc mệt nên ngủ say. Nhà vắng tanh. Chiếc đồng hồ cổ kính trên tường vừa đủng đỉnh buông mười hai tiếng.
– Úi rà! Thở dài thườn thượt rồi ông lẩy bẩy chống tay vào đầu gối đứng dậy.
***
Tết đến, nhà nhà xum vầy. Nam nôn nao nhớ quê. Bao nhiêu lâu bươn bả tay bo với cuộc sống mà chưa đem lại thành quả gì. Ngao ngán. Đem cái thân không thành danh không toại này về, thật xấu hổ. Nam ngẫn ngự, nhưng nghĩ đến sự ấm cúng của ngày tết cổ truyền, sự đoàn viên của con người tha hương sắp được gặp gia đình như thôi thúc, như cuốn hút làm Nam thấy lòng mình cũng phấn khích hơn. Mặc, Nam gạt mọi tự ti trở về. Tới đầu ngõ, trẻ con, người già hình như chẳng ai buồn để ý đến anh. Nam bồi hồi, e ngại dừng lại. Cái ngày Nam cãi bố rồi bỏ đi, quang cảnh làng vẫn thế. Cái lối rẽ vào nhà cô bạn gái bao nhiêu năm anh thầm thương mến có vẻ hôm nay cũng rộn rã hơn. Hay là tiếng trái tim anh đang nhảy nhót trong lồng ngực? Cô ấy giờ này sao nhỉ? Đâu đây thoang thoảng mùi khói luộc bánh chưng. Nam tưởng tưởng bố anh sẽ lặng đi khi thấy thằng con, các chị em sẽ hỏi thăm tíu tít. Con bé dở mọi khi rất thương anh, nó thường thể hiện bằng cách của nó, mỗi lần thấy anh bị chửi mắng là nó tập tễnh chạy lại túm lấy tay anh, nét mặt như quả táo tàu phơi chưa đủ nắng cứ dúm lại rồi dãn ra theo giọng điệu ú ớ. Nam hiểu nó muốn chia sẻ. Còn bầm anh, bầm anh sẽ ra sao nhỉ? Bàn tay nhọ nhem vì mải dun củi cho bếp bánh, gương mặt chắc đã bớt nặng nề hơn những ngày thường. Hai khóe mép tia tía nước trầu nom đôn hậu dễ dãi. Nam khựng lại khi nhìn thấy bố lúm thúm trên chiếc giường ọp ẹp, cáu bẩn.
– Anh Nam, sao không vào còn đứng đấy?
Giật thót, Nam quay lại thì ra đứa em gái đang nhìn mình trân trân.
– Này! Tao bảo: – Bố bầm dạo này thế nào?
– Cứ vào rồi khắc biết.
Nam gãi đầu, muốn hỏi thêm thì nó ngoay ngoảy bỏ đi.
– Mày còn nhớ đường về hả Nam? Đụn chăn đụng đậy, ông Cậy cố giữ vững tư thế ngồi dậy.
– Bố! Bố ạ… con về tết với bố bầm… Nam chưa nói hết bà Cậy đã lên tiếng:
– Ờ! Về tết với bầm, thế con đi xa làm ăn, lâu giờ mới về chắc mang cho bố bầm nhiều thứ lắm đây. Nam lúng túng khi ánh mắt lời nói bà Cậy quét ngang tay nải nhẹ bẫng của Nam.
– Con chào bầm! Dạ bầm vẫn khỏe chứ ạ? Nhà mình có gì mới không ạ? Con có tội nhưng hết năm rồi con nhớ nhà quá, chứ cũng chưa làm được gì để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của bố bầm cả. Con trắng tay ra đi nay vẫn trắng tay trở về thôi.
– Sướng thế! Tay trắng rồi tiền đâu mà đi đám cưới con Tuyết? Bà Cậy cười khẩy.
– Bầm nói sao? Tuyết lấy chồng à? Bao giờ?
Bà Cậy đứng lên quăng tấm thiếp mời về phía Nam.
– Đời nhục hơn con chó! Chửi Nam nhưng bà lại lia mắt nhìn sang ông Cậy
Thế là hết! Nam ngồi trơ như phỗng. Không biết bà nói gì mà chỉ thấy mọi ngôn từ hợp lại thành thứ âm thanh sàn sạt như trút sắt mà bà Cậy đang cương cương tuôn trào ra mồm.
Lưu lại nhà ba hôm. Nam quyết định lên Lào Cai ở nhờ Hải (bạn học cũ). Hai người cùng chung vốn mua chuối xanh mang lên biên giới đổ buôn sang Trung Quốc. Được vài vụ đầu thì nguồn hàng cạn. Tiền lời chẳng đáng là bao. Hải bàn với Nam sang bên đó lùng sục mùa ít hàng “lạnh” rồi “dù” luôn theo phương thức “Gấu đông phòng rét”. Trong lòng Nam cứ có hình ảnh gia đình nghèo túng cắn xé lẫn nhau. Nhà mình cũng vì thiếu tiền. Khối gia đình đang nghèo gặp cơ phất thế là đổi đời. Rồi sinh ra đủ các loại ngày lễ tết. Đối đãi với nhau y như các đại gia. Người đời có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Nghĩ đến ngày anh trở về nhà khi trong tay đã có tiền. Nghĩ đến ngày được nghe những lời nói mộc mạc chân tình từ người anh gọi bằng bầm. Nghĩ đến ngày bố mình sẽ không còn bị lép vế khi anh đã có thể đứng đầu công việc trong nhà để lo cho mọi người. Nghị lực của Nam sung mãn hẳn trước ý đồ mạo hiểm sắp tới.
Nam chặc lưỡi đồng ý.
Vẫn con đèo khúc khuỷu như sợi mì tôm quấn quanh núi. Những trái đá sầm sầm đen cứ dựng đứng chọc mùi thẳng lên trời. Bầu trời tang tảng một cảm giác rờn rợn, đôi khi Nam thấy những ụ đá ma quái kia như muốn ập xuống lòng chảo thăm thẳm, dìm chết luôn cả Nam. Chiếc xe ca ì ì bò ngược theo vệt chỉ ngoằn nghoèo càng làm cho sức nặng tâm lý trong người anh trĩu hơn.
Hải và Nam ngồi im bên nhau không biết bao nhiêu thời gian. Cả hai đều có những suy nghĩ lo lắng. Phía trước là cửa khẩu. Chỉ cần chiếc xe này qua được trạm gác biên giới, bên kia đầu hàng sẽ được chuyển lên. Mọi việc trước đó Hải đã làm luật nên có đôi chút vững tâm.
Chiếc xe đón hàng dừng lại ở một khoảng đất trống xa khu dân cư nên thật hoang vắng. Gã giao hàng gương mặt lạnh băng, có một vết sẹo dài cắt ngang má. Mặc nhiên gã ít nói. Từ ngữ gã dùng chỉ độc tự. Chỉ một số cử chỉ động tác của Hải là hàng vài chục bao tải được chất lên thùng xe. Gã còn đưa cho Nam một bọc nilon và ra hiệu cất thật kỹ. Đám cửu vạn thoăn thoắt bốc vác, rồi lầm lũi trèo lên xe phóng mất dạng.
Hải, Nam cũng lặng lẽ rút. Viễn cảnh sáng lạn mở ra. Một gia đình khá giả, vợ con đề huề, trên bảo dưới nghe chợt sụm xuống khi công an biên phòng tìm được không kể đến những mặt hàng lậu, Nam và Hải còn đem về Việt Nam số lượng lớn thuốc luck, Hải dự định tung vào những vũ trường, những club đèn mờ. Kế hoạch bị bại lộ. Tòa xử Hải, Nam khung án 20 năm tù giam. Ông Cậy chới với quỵ xuống ngay trên hàng ghế thân nhân. Khi công an dong phạm nhân đi ngang qua mặt bà Cậy, Nam khựng lại nhìn rồi nói nhẹ đủ ba người nghe:
– Con đã hiểu, muốn có cánh đồng vàng phải từ ở tâm mỗi con người, bố bầm ạ.
Bà Cậy cố lia ánh mắt theo Nam, dè bỉu:
– Úi dào! đã trắng mắt còn vẽ chuyện.
VŨ THANH THỦY
———————–
* Câu cửa miệng thường đặt trước câu chửi của các bà già gốc làng Tiên.
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...