Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Giữa hai bờ sinh tử

 Giữa hai bờ sinh tử

Khu chợ Ông Tạ quận Tân Bình trước giải phóng 1975 khá nổi tiếng, dữ dằn nhất khu đó là xóm nghĩa địa và xóm bụi tre - hai xóm này cách nhau một hàng tre um tùm, và chỉ cách đường Thoại Ngọc Hầu hơn trăm mét. Cư dân sống gần nghĩa địa thường lạnh và lì. Trẻ con năm mười tuổi đã rủ nhau ra nghĩa địa thả diều bắt dế, thản nhiên nhìn đám ma, chờ tò te xong là tranh nhau đồ cúng. Đám choai lớn hơn thì ăn theo các ông anh đào huyệt, những cô hồn sống này chiều chiều ngồi trên mộ xây hút thuốc uống rượu, say xỉn ngủ luôn tới sáng. Đám tội phạm, giang hồ gái điếm tối tối cũng tụ tập nơi này. Giữa ranh giới xấu tốt, ranh giới người sống kẻ chết thì nghĩa địa là sào huyệt và là mảnh đất dung thân của họ.
Cũng may phía sau mảnh đất dữ ấy – hướng phi trường Tân Sơn Nhứt có xóm chùa, và bọc vòng ngoài hai bên hông nghĩa địa là hai xóm Nhà thờ. Có Phật Chúa hiền lành cứu rỗi, có tiếng mõ tiếng chuông ngân nga xoa dịu nên ma quỉ và lũ người ma cũng bớt lộng hành.
Còn bên kia đường Thoại Ngọc Hầu, trấn ngay cổng nghĩa địa là tòa khách sạn sừng sững 5 tầng, dài 200 mét, kéo theo hàng chục quán bar, nhà nghỉ, phòng trọ mọc lên. Rồi rạp chiếu bóng Đại Lợi và vũ trường gần bên đêm đêm đèn nhạc xập xình, lâu lâu có đoàn xiếc, kịch nói, đoàn cải lương hay đại nhạc hội tới thuê có khi cả tháng.
Nhà văn Phan Đức Nam
Tôi từ miền Tây lên trọ học ở nhà dượng Sáu từ năm đệ tam, nhà dượng ở xóm bụi tre và kế xóm chùa. Gần nghĩa địa nên dù muốn dù không tôi cũng được nghe kể nhiều chuyện dữ dằn, nhất là những chuyện ma ly kỳ, như ma níu cành tre xuống sát đất bẫy người bước qua, ma ôm con cười khóc trên cây đa, ma giấu người trong bụi tre gai góc, may sáng có người thấy mới hô nhau gỡ ra, thấy lá tre nhét đầy miệng người say… Đó là chuyện vòng ngoài, chuyện bên trong nghĩa địa còn ghê gớm hơn, nào là bọn ma sống cướp của giết người, giang hồ đâm chém nhau trong đó, người điên ăn nằm với thây ma, lâu lâu có tin xác chết đội mồ… Ôi thôi toàn chuyện rùng rợn! Sau phát giác ra là bọn đào mộ người giàu mới chết để lấy vàng, chúng quăng xác lấy hòm gỗ tốt.
Mới vài năm tôi ở đó mà đã thấy không ít ông anh mặt mũi bơ phờ, thất thần, khi được xoa dầu, cho uống nước chanh nước gừng, hỏi thì ấp úng nói tối qua gặp gái đẹp vẫy vào… Có ông khá giả sợ sa bẫy, đưa em vào khách sạn đàng hoàng, vậy mà sau đêm mây mưa, tỉnh dậy thấy mình nằm trên mộ, xe tiền mất sạch. Bị thuốc mê rồi! – nhiều người nói vậy. Những chuyện ma nữ hư hư thực thực pha chất trinh thám ly kỳ làm đám đàn ông xanh mặt, vậy mà lâu lâu vẫn có người bị ám.
Tôi thích thú lắng nghe những chuyện hấp dẫn đó rồi suy đoán. Có lần tôi hỏi dượng Sáu: “Dượng ở đây lâu, những chuyện đó có thật không dượng?” Dượng Sáu nhìn tôi: “Mày sắp sinh viên rồi mà lại hỏi tao? Vậy chớ mày nghe người kể hay ma kể?” Tôi nói dạ nghe người ta kể. Dượng gật gù: “Thấy chưa? Nè, người kể, rồi người sẽ già, chết thành ma, vậy cũng là ma kể – ma sống đó.” Dượng Sáu hay nói lấp lửng, làm tôi suy nghĩ, hoang mang. Mỗi lần tôi và dượng Sáu nói chuyện ma, dì Sáu và hai đứa em họ tôi thập thò lắng nghe, dượng Sáu nháy mắt rồi cười lớn: “Còn tao, tao chưa thấy chưa tin. Nhưng tao tin có linh hồn. Tao nghĩ đó là phần sâu thẳm tinh tuý của con người. Có những chuyện không thể giải thích được.” Lại lấp lửng, khiến tôi càng suy nghĩ…
Sau, dượng Sáu nói với tôi: “Cháu thấy không? Từ khi khách sạn Đại Lợi cho Mỹ thuê, họ xây bốt kiểm soát ở cổng ra vô. Trên sân thượng khách sạn đó trực thăng lên xuống hằng ngày, có đặt súng máy, ống dòm. Sau trận Mậu Thân, nhất là ban đêm, hễ bên nghĩa trang này có động là lính Mỹ trên đó pha đèn bắn xuống liền. Ma chết còn phải sợ huống chi con người.”
Tôi mới đậu vào trường Y, cũng dạn, nhưng nghe vậy tối về không dám băng tắt ngõ nghĩa địa mà đi vòng theo lối xóm chùa, đường xa gấp đôi.
Rồi chuyện xảy ra với chính tôi, như định mệnh khởi đầu ràng buộc. Một tối, tôi thực tập về khuya, trời mưa lâm thâm, sấm sét đì đùng, sợ mưa lớn sắp tới nên tôi liều đạp xe băng tắt đường mòn xóm nghĩa địa cho gần. Khi vừa đến bụi tre, bất thình lình một bóng đen cao lớn chồm ra chụp tôi, tôi hét lên, không kịp tránh bèn quăng đại xe vào bóng đen rồi bỏ chạy, đến nhà chú Ba xích lô đầu xóm, tôi thở hổn hển và đập cửa… Khi tôi và cha con chú Ba quay trở lại, ánh chớp lập lòe soi thấy chiếc xe đạp nằm chỏng gọng bên bụi tre già đang lay động. Tôi và Minh đứa cầm cây đứa thủ gậy run run tiến lại, chú Ba rọi đèn pin và xách rựa. Qua ánh đèn, thì ra là thằng Hùng cùng xóm, chỉ cách nhà dượng Sáu tôi hai căn. Thằng ma này trùm áo mưa đi cà khêu cao lênh khênh. Chiếc áo mưa nhà binh dầy và dai vậy mà bị rách xé bởi dính móc nhiều gai nhọn. Hùng đang lúng túng vướng mắc trong đám bùng nhùng đó, bị nhiều gai tre đâm trầy xước rướm máu, đáng đời! Hùng bằng tuổi tôi nhưng giờ học sau tôi, năm trước tôi đậu Tú Tài còn Hùng rớt, năm nay rớt nữa hắn phải đi lính.
Sau vụ ma tre đó, tôi nghĩ chắc Hùng không ưa tôi nên chỉ dọa cho bõ ghét, chứ hắn thèm gì chiếc xe đạp mà dượng Sáu mới thưởng cho tôi. Hắn đã có chiếc honda sáu bảy mới coóng mà bà chị mua cho, để tối tối chở bả chưng diện đi bán bar. Hùng cưng chiếc xế đó lắm, hắn thay pô ngắn nổ phành phạch, cưa gọn tay lái và xoáy nòng gì đó để lạng lách đua xe. Công nhận tay chơi Hùng chạy xe rất tuyệt! Xóm ngõ nhỏ hẹp mà hắn phóng như điên. Có lần hắn thấy tôi liền quay đầu xe lại, nhăn nhở rú mạnh ga như muốn lao vào. Dượng Sáu nói tôi phải coi chừng thằng này, nó ẩu lắm! Tôi biết Hùng ganh tức tôi cái chính là vì Ngọc – con gái bà Hai bán bún riêu.
Mà Ngọc đã nói gì với tôi đâu, chỉ mỉm cười thôi, dù biết nhau đã khá lâu. Tôi kèm Toán Lý Hoá cho Huy – em Ngọc mỗi khi cậu ta qua nhờ, bù lại dì Hai lâu lâu xách cạp lồng bún riêu đầy tú hụ “để anh em ăn chung cho vui và học giỏi.” – bà nói vậy. Một lần bà bảo tháng tới giỗ chồng tôi, mời cậu qua chơi nghe? Tôi “dạ” khi thấy đôi mắt bồ câu lấp lánh sau khung cửa sổ đối diện.
Chưa kịp gì hết thì một đêm, gần 12 giờ khuya, tôi còn thức ôn bài vì sáng mai thi, thì nghe tiếng gầu múc nước va lạch cạch vào thành giếng, rồi tiếng nước xối chảy ào ào. Không cần nhìn tôi cũng biết giờ này chỉ có Long là con riêng ông Dần đang tắm.
Ông Dần trước làm cai xây dựng, dính với một cô phụ hồ và có được đứa con trai. Sau cô đó lấy một anh Mỹ da màu rồi đi Mỹ luôn, giao thằng bé cho ông. Cực chẳng đã bà Dần phải chấp nhận giọt máu rơi của chồng vì lúc đó ông Dần đang làm ra tiền. Nghe nói cô bồ của ông ta trước khi đi có để lại số tiền lớn.
Tôi cũng nghe Huy kể là từ khi nuôi đứa nhỏ, bà Dần mở tiệm hủ tiếu và buôn bán phát tài. Long lớn lên, bắt đầu phụ được thì bà ta cho người giúp việc nghỉ. Long không được đi học mà làm việc quần quật suốt ngày. Trai cưng gái quý của bà Dần không hề đụng tay đụng chân, đã vậy hễ thằng em cùng cha khác mẹ sơ sẩy là bị đánh. Hùng học võ, nổi hứng là dùng thằng em tội nghiệp làm bị cát. Bà Dần bán hủ tiếu xong chỉ việc ôm giỏ tiền leo xe xích lô về, để mặc con chồng dọn dẹp, lau rửa, thu gom những đồ lỉnh kỉnh chất lên xe ba gác từ từ đẩy về. Long múc nước giếng rửa xong đống nồi niêu xoong chảo tô chén phải gần 12 giờ đêm mới được tắm. Năm nay nó 14 tuổi rồi mà nhỏ xíu, thui thủi quá đứa ở, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị đánh. Ông Dần khi lớn tuổi đâm nghiện rượu, có phần bê tha bạc nhược, nhiều lúc thấy vợ và hai con lớn hành hạ con riêng mình cũng chỉ can ngăn lấy lệ. Hàng xóm thấy Long thiệt thòi tội nghiệp nhưng không biết làm sao được, có ai nói xa nói gần thì bà Dần chửi đổng: Tổ cha tụi thúi miệng! Giỏi đem nó về nuôi?
Tôi ngồi trên gác xép ôn bài, rồi nghĩ lan man… Tôi định tắt đèn đi ngủ thì bỗng nghe tiếng kêu: “Á!…”, rồi tắt lịm. Gì vậy? Tiếng kêu phát ra từ phía sân nhà bà Dần, tôi nhìn xuống chỗ đó thấy đã tắt đèn, tiếng gầu và nước chảy cũng không còn… Chợt tôi thấy thấp thoáng một bóng đen lum khum bên miệng giếng, rồi đi nhanh vào lối hông nhà, bóng đen cao lớn không phải là Long… Sinh nghi, tôi bước nhanh ra bal-công rồi đu lan can nhảy xuống đất – chuyện này tôi thường làm dễ dàng, lan can gỗ thấp chưa tới 3 mét, tôi cao mét bảy, vươn tay thành 2 mét, tôi chỉ cần thỏng hai chân, đu người lên xuống như vượn mà khỏi cần vào nhà đi lối cầu thang, đó là khi dì Sáu đã đóng cửa mà bạn tôi tới hú đi chơi đâu đó, tôi sẽ tránh “báo cáo”, có về khuya cũng không làm phiền.
Đêm nay, rất nhanh, tôi mở then cổng cài hờ nhà bà Dần, chạy lại chỗ miệng giếng ở góc sân và cúi xuống nhìn, nghe có tiếng lục ục phía dưới… Chết rồi! Chắc Long ở dưới đó!? Tôi la lớn: “Bớ người ta! Cứu! Cứu!…”
Xóm đêm đang yên tĩnh chợt náo động. Tôi vừa la lớn vừa quay qua quay lại tìm chiếc gầu… Không thấy, chắc ở dưới giếng? Tôi ngước lên, giựt đại cây sào tre dùng để phơi quần áo nhà ông Dần, rồi thòng một đầu xuống giếng khua qua khua lại, hy vọng Long ở dưới đó níu được…
Vài ánh đèn nhà bật sáng, nhiều người nghe tiếng tôi la mở cửa chạy ra, có cả Huy. Tôi đưa đầu cây sào đang giữ cho Huy, bảo giữ chặt, rồi bám miệng giếng tuột người xuống, một tay tôi cẩn thận nắm chắc thân sào.
Đêm đó, nhờ có người phụ giúp, tôi và Huy cứu được Long, hai ba người phía trên phụ kéo lên, thấy đầu Long bị đập tét một đường dài, thêm vết thương nhỏ gần màng tang nữa, máu đang tuôn ra hoà cùng nước lã. Tôi đau xót, tức giận, chỉ vào nhà bà Dần, nói lớn: “Thằng Hùng, lúc nãy tôi thấy nó – chắc chắn là nó.” Dượng Sáu tôi lắc đầu, chán nản: “Thằng khốn! Nó tính giết thằng nhỏ để trở thành con trai độc nhứt trong gia đình, khỏi đi lính đó mà!”
Nhiều người quanh đó phẫn nộ, nhao nhao: “Thằng Hùng đâu? Đập chết nó đi!”. “Thằng dã man, ác độc. Anh em mà vậy hả?”. “Thằng ác nhơn thất đức!”…
Chú Ba xích lô ngăn: “Không nên. Bắt nó giao cho chính quyền.” – “Ừ phải đó. Tụi tui làm chứng cho.” Chú Ba quay qua con trai: “Minh, mày chạy về lấy xe mau!” Rồi ông cùng một người nữa ôm nâng Long lên. Long đã ngất.
Lúc đó ông Dần mới mở cửa trước, run run bước ra, tiếp theo là bà Dần và con gái. Hùng ra sau theo lối hông nhà, tay lăm lăm dao dài. Hắn chỉ chỉ mũi dao vào tôi và đám đông đang vây trước hiên, run giọng: “ĐM!… Thằng nào bước vô nhà tao… Tao chém… vì tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp…”
Tôi và đám đông lùi lại. Không ai có gậy gộc vũ khí. Hùng lấy lại bình tĩnh, coi bộ tự đắc, nhìn thẳng tôi, thách thức: “Mày ngon bước vô? À! Hổng cần bước vô. Tụi bay bước ra khỏi sân nhà tao, mau!” Hắn vừa nói vừa giơ dao sấn tới.
May lúc đó có tiếng còi tu huýt xa xa, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, rồi bóng hai dân vệ tới – chắc có người báo. Tên Hùng lấm lét lùi lại rồi lẻn vô nhà đóng sập cửa lại, mặc cho cha mẹ và chị hắn ở ngoài năn nỉ phân bua.
Trong khi mọi người còn xôn xao vạch tội Hùng thì hắn đã leo lên mái nhà sau trốn mất.
Sáng hôm sau, tôi nghe tin Long được đưa tới bệnh viện khâu vá vết thương, cả tuần sau vẫn chưa thấy về. Sau, nghe nói ông Dần gửi Long ở nhà một người bạn có tiệm sửa xe để học việc, lâu lâu ông tới thăm con và phụ cấp.
Chuyện tưởng vậy là yên, nào ngờ sáu tháng sau, bất ngờ một tối, Hùng và ba thằng bạn hắn mặc đồ rằn ri xuất hiện, chia nhau chặn hai đầu xóm. Bốn thằng cọp đen biệt động này mới xong khóa quân trường, đầu còn trọc, tay chân xăm trổ dữ tợn, chúng chìa lựu đạn và vung lưỡi lê làm cả xóm khiếp hãi. Hùng dẫn đầu, xông vào nhà dượng Sáu tôi đập phá tanh bành, hắn đã để tâm thù và quyết đánh bắt tôi. Hùng thấy xe đạp tôi dựng đó liền đập nát. May lúc đó dượng Sáu và tôi không có ở nhà, dượng đi coi phim với bạn, còn tôi qua nhà chú Ba xích lô để dạy kèm cho cháu chú. Bên nhà dượng Sáu, Hùng đe dọa khống chế dì và hai em tôi rồi trụ đó, biểu thằng bạn phục bên ngoài canh tôi về, còn hai thằng nữa đi lùng.
Huy lẻn qua nhà chú Ba báo cho tôi tin dữ, em không biết có hai thằng cọp sinh nghi dõi theo. Thấy bóng chúng, tôi chỉ kịp chạy xuống bếp trong khi chú Ba và Minh tìm cách ngăn cản. Chúng đánh Minh dữ lắm! Chú Ba bị gãy răng và chảy máu mũi. Tôi và Huy chui qua vách lá luồn sang nhà bên. Bà con hàng xóm quanh đó đóng chặt cửa che giấu cho tôi và Huy. Bọn côn đồ ngang ngược tung hoành như chỗ không người. Dân vệ trong xóm nghe báo cũng sợ không dám tới vì chúng có lựu đạn, sẵn sàng chơi liều. Họ còn chờ gọi thêm lính an ninh và cảnh sát.
Tôi không biết dượng Sáu vắng nhà nên rất lo cho ông, còn dì Sáu và hai em nữa. Huy cũng lo cho bên nhà mình. Hùng thù hận tôi sẽ ghét lây và tìm cách hại người trong hai nhà đó.
Lợi dụng tối trời, tôi bảo Huy núp xa canh chừng, rồi men theo hẻm nhỏ phía sau lần tới nhà mẹ Huy để nghe ngóng thăm dò, có gì còn tính… Giờ tôi đã rút được cây tầm vông dựng hàng rào. Dượng Sáu dạy tôi võ thiếu lâm, gì chớ bốn thằng cọp đó tôi quật gẫy chân, chỉ sợ lựu đạn nó thôi.
Khi tôi gõ nhẹ tấm ván sau buồng Ngọc tính gọi cô, thì dì Hai dưới bếp lại tưởng tụi khốn cạy ván chui vô, bà sợ quá la lên để gọi hàng xóm tới. Nhưng những nhà bên cũng sợ, họ đóng chặt cửa dòm ra nghe ngóng coi sao đã. Hùng và bạn hắn bên nhà đối diện nghe la liền chạy qua. Hùng đạp mấy phát tung cửa nhà dì Hai rồi hùng hổ lao vào. Hai tên cọp đang lùng sục tôi nghe tiếng la cũng quay về nhập bọn.
Tôi núp ngoài vách sau nghe rõ tiếng Hùng quát tháo đe dọa, tiếng đấm đá bình bịch, tiếng dì Hai van xin khóc lóc, tiếng Ngọc năn nỉ rấm rức… Đau tức quá! Phải làm sao đây?… Tôi còn đang suy tính thì không nghe tiếng dì Hai và Ngọc khóc nữa, mà là tiếng rên rỉ ú ớ nho nhỏ. Chắc chúng đã cột và bịt miệng họ. Rồi tôi nghe tiếng giẫy giụa kháng cự, tiếng cửa mở kèn kẹt… Vậy là chúng sắp ra…
Tôi từ từ đứng lên, nắm chắc cây tầm vông, nhẹ nhàng men theo hông nhà tiến về phía sau chúng, thấy bóng bốn thằng khốn đang vừa lôi kéo vừa đẩy Ngọc ra phía ngoài bụi tre. Ngọc ú ớ giẫy giụa cố chống lại mà không được. Tôi biết chúng muốn lôi Ngọc ra nghĩa địa để làm gì.
Tôi nhảy tới phang một gậy như trời giáng vào đầu một thằng cọp, tiếp một gậy phạt ngang vô gáy thằng kế bên. Hùng hốt hoảng quay lại và buông Ngọc ra, hắn chưa kịp rút chốt lựu đạn thì hai tiếng súng nổ vang lên, Hùng quỵ xuống. Thằng cọp còn lại hoảng quá tung chạy.
Tôi bình tĩnh quật tiếp hai gậy thật mạnh và chính xác vào ống quyển hai thằng khốn làm chúng quỵ hẳn. Dượng Sáu dạy tôi khi đối đầu với bọn địch đông và mạnh, muốn chiếm thượng phong thì đánh vào ống quyển và hạ bộ, những điểm yếu đó chúng không ngờ. Lúc nãy tôi đập chúng vô đầu vô cổ là gấp quá và đánh từ phía sau.
Hai phát súng là của chú Ba xích lô. Lúc đó tôi không kịp hiểu sao chú có súng? Chú có súng mà lúc nãy chịu để cho chúng đánh là sao?
Giờ hàng xóm mới mở cửa ùa ra. Những ánh đèn pin soi thấy Hùng đang quằn quoại dưới đất, bụng hắn chảy máu và một đầu gối bị bể do đạn bắn. Chú Ba chỉa mũi súng vô trán Hùng, gằn giọng: “Mày đáng tội chết! Nhưng tao nghĩ tình hàng xóm với cha mày, tao tha. Nằm đó mà suy nghĩ đi.” Hùng sợ hãi chớp mắt rồi gật gật đầu. Viên đạn vô bụng hắn chắc không vào chỗ hiểm.
Chú Ba quay qua tôi, nói nhỏ: “Tao lộ rồi. Trường hợp bất đắc dĩ. Chắc mày phải đi với cha con tao An à. Thời cơ sắp tới rồi. Giờ tao phải đi trước. Mày suy nghĩ đi?”.
Khi dân vệ và cảnh sát kéo tới thì chú Ba đã băng vào bóng đêm. Dân trong hai xóm đó tránh không nhắc tới chú Ba, họ bảo nhau nói không biết, còn tôi thì nói nghe tiếng súng nổ chạy ra đập tụi côn đồ để cứu người.
Sau đó tôi không ngủ được. Đêm kinh hoàng với những tình huống căng thẳng bất ngờ, rồi những hành động và lời nói của chú Ba khiến tôi phải suy nghĩ: Kẻ ác khi có vũ khí sẽ trở thành hung thần. Mình và người thân suýt bị nguy hiểm vì chúng. Mà mình có kém gì chúng đâu? Vậy mình phải có thêm sức mạnh để bảo vệ bà con và diệt trừ cái ác. Càng nghĩ càng thấy chú Ba thật đáng phục! Không có chú, thằng Hùng ném lựu đạn thì sao? Ít nhiều cũng thương vong. Muốn yên thân cũng không được, phải quyết định thôi, rồi mình sẽ về học lại, ăn thua là có muốn học hay không?
Tôi cứ nghĩ tới nghĩ lui về tương lai và con đường sắp tới của mình. Tôi vững tin vào chú Ba – một cán bộ nằm vùng lão luyện, một người giản dị, bản lĩnh và đạo đức nữa. Lúc đó chú có bắn chết thằng Hùng thì chắc mọi người cũng hả hê, vậy mà chú tha, chú muốn dạy cho hắn bài học là đừng vì cuộc sống của mình mà hại kẻ khác. Mình sống và có điều kiện thì giúp người khác sống nữa. Còn đối với những kẻ không đáng sống – như Hùng chẳng hạn, chú Ba đã trừng trị, rồi vẫn tha thứ cứu giúp, để hắn phải nghĩ lại… Chao ôi một tâm hồn lớn! Những người như vậy thì mình phải theo.
Hai hôm sau, qua một người mà chú Ba nhắn về, tôi và Minh thoát ly gia nhập biệt động thành, anh em sau đó lập được vài chiến công.
Trong thời gian hoạt động, tôi sáng thêm một điều: Trong mảnh đất nghĩa địa âm u ghê rợn chứa toàn chết chóc mà nhiều người sợ đó, vẫn có sự sống, vẫn có niềm hy vọng. Đêm đêm những chồi non vẫn nhú, hoa vẫn nở, ổ chim non chiêm chiếp, tiếng dế rả rích, cây cỏ hiền hòa… Vẫn có những người nghèo khổ nhẫn nại nhặt từng bao ny-lông, lon bia, trong những bô rác bên nghĩa địa. Vẫn có những người thầm lặng, gan góc, chấp nhận cực khổ, hy sinh, cận kề cái chết, hoạt động trong đêm để chờ một ngày bừng sáng.
Ngày đó đã đến. Cuối tháng tư năm bảy lăm, chú Ba, tôi và Minh là thổ công trinh sát dẫn đường cho quân chủ lực giải phóng chiếm Bộ Tổng tham mưu quân lực cộng hòa – chốt cửa chính vào phi trường Tân Sơn Nhứt, nơi đây chỉ cách nghĩa địa có xóm tôi ở chừng 500 mét.
Tôi nhìn về hướng xóm cũ với lòng bồi hồi háo hức, nơi đó có dượng dì Sáu và hai em tôi, có đôi mắt bồ câu chơm chớp, có nụ cười e ấp bao lời… Tôi nói với chú Ba, gần như năn nỉ: “Cháu muốn về thăm xóm cũ quá chú ơi!” Chú Ba mỉm cười gật đầu: “Giờ về được rồi! Chú cháu mình phải tranh thủ, còn nhiều việc cần làm.”
Thế là tôi, Minh và chú Ba đi như chạy, chưa tới năm phút đã qua cổng nghĩa địa. Tôi đi giữa cờ hoa, giữa dòng người xuôi ngược hối hả. Tôi mong gặp được người quen. Tôi thấy nhiều lính Mỹ và lính cộng hòa, có người cởi trần, có người mặc sơ mi, áo thun… chẳng có vũ khí gì hết, trông họ hiền lành, ngơ ngẩn, tồi tội… Rồi tôi gặp Huy và một bạn cùng xóm quen mặt mà quên tên, hai người đang hè nhau khiêng một tủ sắt lớn trống không từ khách sạn Đại Lợi ra. Huy thấy tôi mừng quá bỏ ngay tủ sắt đó chạy lại. Tôi hỏi Huy tủ đó đựng gì vậy? Huy nói em không biết, mấy ông Mỹ lấy hết đồ đi rồi, họ kêu tụi nhỏ nói ai muốn lấy gì thì lấy. Chú Ba nhăn mặt. Tôi nói với Huy: “Mình giải phóng rồi. Có cần không em?” Huy im lặng, sau đó cúi xuống nhặt chiếc nón sắt bỏ lăn lóc ven đường: “Thôi vậy em lấy nón sắt này về để chị Ngọc giã cua, bền lắm!” Tôi cười gật đầu.
Ngay sau đó tôi gặp một người không hề quen, nhưng chắc rồi sẽ nhớ, đó là nhờ chú Ba. Chú nói với tôi ông đó là Trung tá ở Bộ Tổng tham mưu, cũng là chủ khách sạn và rạp cinê Đại Lợi này. Không biết tiền đâu mà ổng có nhiều vậy? Tôi nhìn ông ta đang lúng túng lái chiếc jeep mới tinh từ rạp cinê Đại Lợi ra. Một bà đẹp đẹp ngồi bên chắc là vợ ông ta, băng sau có đôi nam nữ tuổi cỡ Huy, đang nhấp nhổm ngồi trên hai két sắt. Đường đang đông, người và xe cộ có phần hỗn loạn. Chợt có vài tiếng súng, sau đó là tiếng máy xe ầm ì, lẫn tiếng rào rạo của xích sắt nghiến trên đường. “Xe tăng!” – Nhiều người kêu lên. Hai chiếc tăng trên cắm cờ giải phóng từ hướng Bộ Tổng tham mưu đang tiến gần đến khách sạn. Xe cộ lớn nhỏ vội dạt vào hai bên đường, nhưng một chiếc xe tải chết máy vẫn nằm ì đó, trong lúc gấp gáp hỗn loạn này chắc chắn sẽ kẹt xe. Vẻ mặt ông trung tá tối sầm lại đầy vẻ thất vọng, ông ta nhổm người lên quan sát rồi lắc đầu.
Khi ba chúng tôi tiến lại thì ông ta càng thất sắc, tôi và Minh kẹp súng AK, còn chú Ba tay không. Chú giang tay nói với ông trung tá mặc thường phục: “Ông mau xuống xe dẫn vợ con đi bộ, chỉ mang hành lý quần áo theo thôi, còn chiếc xe và những két sắt kia thì để lại – nặng vậy tha gì được? Có khi mang họa. Mạng sống đáng quý hơn”. Ông ta gật, thở dài lắc đầu, rồi bắt tay chú Ba, bắt tay tôi và Minh. Sau đó cùng vợ con len vào dòng người và xe cộ đông đúc hướng về phía phi trường. Đi xa rồi mà vợ con ông ta còn ngoái lại, ngước mắt nhìn lên khách sạn năm tầng và rạp cinê từng một thời vang bóng.
PHAN ĐỨC NAM
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...