Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Ngô Khắc Tài: Phố không đèn

Truyện ngắn Ngô
Khắc Tài: Phố không đèn

Cái ngõ hẻm không có đèn chỉ vì… không phải nơi nào cần đèn là có đèn. Một số dân trong phố nghĩ vậy. Nói vậy mà nghe được à? Sao lại không được!
Hãy tưởng tượng bất ngờ Sở điện lực cho vài cây cột đèn vô đây để cái xóm sáng sủa lên thử coi. Sự rách rưới nghèo nàn lập tức phơi bày ra…và người ta vốn đã thích nghi với bóng tối chưa kịp chuẩn bị đón ánh sáng lại đâm ra lúng túng ngay.
Nhà văn Ngô Khắc Tài ở An Giang
Những sạp bán rượu, bán thức ăn, tủ thuốc lá ở đầu hẻm của bà – cháo – vịt – tiết – canh, cô Tư Hovilokhoda (hột vịt lộn khô đập), ông sữa – nóng – sâm lạnh. Dưới ánh sáng nửa vàng nửa xanh do mấy hàng điện ngoài đường lớn, nhất là bóng cao áp sáng loà trên đầu tượng Đức mẹ Maria giống như hào quang đứng trước cửa nhà thờ, hắt hiu soi vào lề các hẻm phố. Hàng quán phải thắp thêm đèn dầu lửa leo lét, vậy mà đêm đêm – trừ những đêm mưa ra – không đủ ghế cho khách. Khách phần lớn là dân lao động, những anh chàng chạy xe đạp ôm, xe lôi thùng và những con vạc ăn đêm. Trong bóng tối khó lòng phán đoán nhan sắc các cô, tuy nhiên muốn nhận ra cũng dễ vì bướm hoa tìm nhau qua vị giác ! Các cô đi tới đâu phả ra mùi son phấn ngào ngạt trộn lẫn với mùi dầu gió Kim của Xí nghiệp dược phẩm An Giang sản xuất đến đó. (Bây giờ dầu nước xanh giá mười hai ngàn đồng một chai các cô xài không nổi). Những khi vắng khách, có cô kêu ly rượu thuốc quất cái “trót”, nhăn mặt “Khà” rồi cất tiếng nghêu ngao.
          Cuộc tình nào rồi cũng qua đi
          Anh có nhớ em như ga nhỏ dọc đường
Hoà với tiếng đàn chách chách bùm, chách chách bùm của một anh chàng chạy xe lôi có máu nghệ sĩ – hay là nghệ sĩ đạp xe lôi vẫn mang đờn theo kè kè bên mình. Cô gái hát chưa dứt, tiếng huýt gió vội vã vang lên. Trong cái bầy đoàn hỗn độn ấy thỉnh thoảng có sự hiện diện của các ông khóm trưởng, phường trưởng, cán bộ công nhân viên chức. Có cả các “nhà nho”, văn, hoạ, nhiếp ảnh. Nhiều tay trùm mánh lắm tiền của không hiểu sao lại thích mò tới đây, bỏ quán Thái Bình ngoài kia ế khách.
Đêm đêm, dạy xong lũ học trò, Quyền trở về nhà và quen với cảnh tượng xô bồ. Cô gái đang hát cao hứng bỗng bị ai thọc lét bật lên cười nắc nẻ như điên: “Đ M đứa nào phá chị, cho điếu thuốc chị hát nữa cho nghe!”
Có những đêm mưa rơi lắc rắc trên mái thiếc, Quyền đang ngủ chập chờn bỗng giật mình thức dậy ngồi ôm trọn lòng đêm. Tiếng hát của cô gái lọt qua khe vách như xa, như gần, hút hẫng, buồn mê. Cô gái hát nghe cũng có hồn, chắc cô mang nội tâm “Ngò ơi ! Một giờ mà không có ai, thôi mầy về với tao, bảo đảm vợ tao không nói gì đâu”, anh chàng xe lôi lên tiếng mời. Đời nghèo, mọi chuyện sao dễ dàng. Mưa vẫn rơi. Nhưng cả hai bất cần ao xuống đèo nhau trên chiếc xe chạy vẹt nước.
***
Cái ngõ hẻm không có nước chỉ vì… không phải nơi nào cần nước là có nước. Giữa lúc chạy gạo từng buổi mắc một đồng hồ nước tiền dây ống thêm chút đỉnh tiền Jet, Hero cho thầy chú nữa là tròn trăm. Nhưng để bù lại…từ đường ống nước chính, có một dòng nước chảy rỉ rả suốt đêm ngày (hình như ai đó xoi cho chảy). Nước đổ vô một cái ao tù hôi hám đầy rác rưới; rau ngổ; rau muống tốt dây mặc tình bò lan. Ông trưởng phường, trưởng khóm thường vô hẻm để họp dân thu gạo nuôi quân nhưng các ông không để ý nên một số người mới có nước xài và cắt rau muống, rau ngổ rửa sơ đem ra chợ bán.
Dân trong hẻm làm lặt vặt trăm nghề. Lấy nghề nghiệp làm tên gọi như bà bún xào, bà bún riêu, bà coi chỉ tay, bà cháo vịt tiết canh. (Thật ra phải pha thêm máu gà máu heo vì vịt đâu có bao nhiêu máu). Toàn các bà do nghèo trở nên mua bán, tới các công bốc vác, ông thu – xo – la (thuốc xổ lãi). Ông đấm bóp, sau này ông sửa tiếng rao: “tẩm quất”. Gia đình ông Bảy đạp xe lôi cha truyền con nối. Thôi và Phú lớn lên giữ lấy nghiệp nhà để con cho ông Bảy trông. Nhưng ông nội đạp xe lôi hưu trí không có chân trong câu lạc bộ hưu trí suốt ngày ngồi lê la ngoài các quán rượu, không quá một xị đã say nhè. Năm đứa trẻ mặc đứa nào nấy bươi. Dọc theo mấy đống rác, dọc theo những đường cống chúng câu những con lươn đen ngòm, chúng rành rẽ những đường cống trong thành phố có lẽ hơn cả nhà nước, khi tiếp thu không để ý tiếp thu bản đồ hệ thống thoát nước nên cho đến nay vẫn phải mò mẫm vẽ lại. Mưa xuống phố xá ngập lênh láng.
Ngoài ra còn có nhiều người không có hộ khẩu như ông già bán báo dạo theo bến xe, gia đình ông lúc trước ở bên Miên, sau đó bị Pôn-pốt sát hại, một mình một thân ông chạy về đất mẹ, lại không bà con thân thuộc. Đêm đêm ông lão ngủ hết mái hiên này đến mái hiên khác. Mặc dù người ta gọi ông là Việt Kiêu, nhưng chẳng ai mời ông vô nhà.
Rồi có một số gia đình Quyền không biết họ làm nghề nghiệp gì, có một đám dường như chuyên móc túi. Quyền nghe một người đàn ông mặt dài như khi tập huấn cho hai đứa trẻ miệng đang phì phèo thuốc lá:
– Khi nào bị công an bắt tụi bây cố làm ra vẻ hiền lành, nhăn nhó khóc lên cho tao. Không khóc được cũng phải rán rặn cho người ta lạc lòng. Cả lúc tụi bây đi riểu (hành nghề) gương mặt làm như lù đù nhưng đôi mắt phải nhanh lẹ.
Đặc biệt có bà xẩm không hiệu tại sao lại lạc bước tới hẻm phố cùng với người con trai khù khờ suốt ngày đi ngoài đường mua ve chai lông vịt, vợ dẫn con đi mất. Đêm trung thu người đàn bà nhớ cháu bày ra một mâm bánh bía, khoai môn rồi bà mọp đầu sát đất kêu: “A nía! A nía! Trăng ơi!”. Bà ngẩng đầu lên thấy bánh bía, khoai môn biến đâu mất, lẳng lặng xách mâm vô nhà không nói năng. Lũ trẻ phá phách chờ thêm tiếng chửi để tiếp tục phá nữa.
Ban đầu Quyền không muốn về đây. Về đây coi như cuộc đời đã lùi, không thích hợp với cuộc sống một người có văn hoá như Quyền. Nhưng còn biết về đâu ? Lương bốn trăm trở lên được nhà nước cấp nhà, đau yếu thuốc men được miễn phí, bốn trăm trở xuống muốn có nhà phải còm lưng chạy chọt. Lương càng xuống thấp, nhà nước tuyên bố xóa bỏ bao cấp, đau yếu thuốc men phải tự túc. Quyền lương chỉ có ba trăm mười, đi dạy suốt mười năm (mười năm sống dằn vặt khổ tâm tuy là nó không nghe tiếng súng). Nhà cửa thôi thì hết mong, có thân phải tự lo. May sao lòng tốt hàng ngày nằm nơi đây không ai nhìn thấy, đột ngột nó xuất hiện không lời rao giảng báo trước. Một người bạn kêu Quyền cho không miếng đất, mà anh chê bán rẻ đi cũng được chỉ vàng.
Cũng may là cô Tư Hovilokhoda lúc nào môi cũng đỏ tươi son, giống trái mận chín luôn nở nụ cười, gặp Quyền đi dạy cô gật đầu chào “Thầy Hai” nghe cũng an ủi. Còn thôi, nhà dột nát, mưa xuống phải nghiêng đầu né. Tuy nhiên mỗi lúc buồn thôi đưa võng kẽo kẹt, hát vô tư:
“Là hội cái ca cầm
Chúc bác cháu nó giàu sang
Sống lâu là lâu trăm tuổi
Trên ô tô
Dưới thời ca nô
Nằm giường lèo với hai ba vợ”
Gặp Quyền, thôi cũng toét miệng ra cười hỏi thăm: “Sao thầy Hai ? Tình hình Campuchia, tình hình nước mình theo thầy có gì mới không ?”. “Im – vợ Thôi nạt – hỏi chi vậy, có liên quan gì đến anh. Tào lao bắt xế”. “Sao lại không? Con đàn bà của mày đái không qua khỏi đọt cỏ!”.
Phú chạy xe lôi có bao nhiêu tiền chạy mua vé số. Còn Thôi lại rất siêng mỗi ngày mướn nhiều báo đọc. Lắm khi mê đọc sách khách lên xe không them lên tiếng. Đôi khi Quyền xem ké báo. Hai vợ chồng Thôi rất dễ cãi vã vì một chuyện không đâu. Nhưng Quyền trả lời như thế nào? Mỗi ngày mấy cái loa phóng thanh mắc dưới mấy cái bảng khu gia đình văn hoá mới lựa lúc người ta nghỉ trưa oang oang lên đã nói nhiều lắm rồi ! Hay là Quyền cứ cho những người lao động dốt nát, rồi muốn nói gì thì nói ? Vậy thì Quyền có thể tuôn hết bụng dạ ra, thời buổi nói thẳng, nói thật ai cấm ? Nhưng Quyền không thể Quyền nhường điều đó. Có những người bề ngoài nói nhân dân là bạn bè nghe ngọt lắm nhưng trong thâm tâm thì chẳng có điều gì tốt đẹp ở trên đời. Có cơ hội là lập tức nói xấu chửi rủa. Đó là bản chất thực thụ của những tên đầy tớ nói xấu gia đình chủ nhà, còn đầy tớ nhân dân là những người chân tình lại là chuyện khác!
***
Lúc mẹ con bà bán cháo vịt tiết canh, bà bán bún riêu dọn hàng về, ông cà phê vừa đi vừa ngáp dọn hàng ra. Y như là hai giờ sáng ngày mới bắt đầu. Quyền bực mình, lắm khi đang say ngủ, bà bán bún riêu cất tiếng rao oang oang: “Bán rẻ đây, ai còn thức không ra ăn uống nghe!” Phải một năm sau khi Quyền đã bắt đầu quen xóm mới thông cảm được tiếng rao hàng giữa đêm khuya bất thường đó. Bà – bún – riêu không làm vậy không được bởi sẽ hết vốn. Thời buổi tất cả dành cho sản xuất tự dưng hoá ra thời buổi tất cả ào ào nhào vô buôn bán, hết vốn luôn ! Không hết sao được vì kẻ bán người mua ở trong trạng thái phập phồng của tên đánh bạc. Mà hết vốn dân mua gánh bán bưng xoay xở ra sao, Quyền ít chịu tò mò. Nhưng cần gì tò mò, sự bần cùng đâu giấu giếm ai ? Chẳng như vậy, lối xóm thường tìm đến Quyền kể lể: “Ông Thuxola: Nó là quân chuyên ăn cắp, (ý nói ông mặt khỉ) vậy mà nó đi nói xấu con tôi. Ừ, con Ngò tui làm đĩ đó thầy Hai. Nhưng mà nó là nàng Kiều, là Tây Thi gái nước Việt bán cái trời cho cha cho mẹ. Nó không xếp hạng trên mấy đứa ăn cắp sống trên xương máu người khác sao ? Vậy mà hạng người đó cứ nhơn nhơn bản mặt”.
Ông Thuxola cứ bô bô xổ ra làm Quyền khó chịu nhớ lại mấy chai đựng lãi của ông ta. Người đâu trơ trẽn, dù thế nào cũng phải biết giữ uy tín của mình. Nhưng lớp tiểu thị dân nghèo của mấy dãy phố không đèn này lâu rồi, có ai nhắc tới họ đâu ? Uy tín đâu mà giữ ?
Quyền phát giác: cô Tư Hovilokhoda mỗi khi gặp Quyền chào “thầy Hai” cô cũng chuyên môn cười tình và vỗ vai, vỗ vế người khác. Nhờ vậy quán nhậu của cô mới đắt khách. Chồng của cô làm bộ như không thấy, không nghe, cúi đầu chăm chú xuống bếp than đỏ rực nướng khô. Ban đầu Quyền tưởng anh là em của cô. Nhiều lúc cô Tư gặp những tay ba búa sàm sỡ, anh vốn còn xác phàm nên chịu hết xiết nỗi máu nghen liếc mắt nhìn Phú. Té ra Phú làm em nuôi của hai vợ chồng. Một cuộc ẩu đả lập tức diễn ra. Sáng hôm sau cô Tư Hovilokhoda gặp Quyền tiếp tục cười như không có chuyện gì xảy ra. Quyền ghét nụ cười lang chạ nên đưa mắt ngó lơ. Tuy nhiên….
Mấy ngày sau đó khi đi làm, cũng như lúc về ngang Quyền có ý tưởng về quán khô đập. Quyền nghĩ, cô Tư với hẻm phố dù sao cũng là người đồng hội đồng thuyền, bị dồn vô đường phố cùng. Trong thâm tâm họ nghĩ nếu gặp dịp may sẽ tìm cách rời khỏi đây và sẽ khá hơn. (Hay là còn tồi tệ hơn vẫn chưa biết, bởi vì có nhiều người có cuộc sống tốt đẹp mà vẫn không ngửi được trách gì cô Tư).
Nhưng chờ đợi dịp may để thay đổi được số phận chờ cho tới bao giờ ? Không ai đưa dịp may đến cho ai đâu, hoạ may trúng số:
“Tiền không là lá em ơi
Tiền là giấy “số” của đời ban cho
Mấy đứa nhỏ bán vé số như bắt được tay cứ hát vu vơ rồi đưa tay chìa trước mắt “mua đi thầy”. Quyền gốc nông dân, cha mẹ không chơi trò may rủi nên sinh Quyền ra cũng rất nhát tay với chuyện tìm hy vọng.  Tuy nhiên cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Nếu Quyền trúng số sẽ dùng tiền làm cái gì đó để bảo đảm cuộc sống, không thể phó hết cuộc đời cho nhà nước, và Quyền sẽ trích ra một số tiền nhỏ để giúp những ai túng thiếu. Sẽ mở cửa hàng bán cơm lấy giá thật rẻ cho người nghèo. Quyền đem ý định nói với Phú. Phú cười ha ha….
– Người nào cũng dự định nghe thơm thảo hay lắm thầy ơi. Chừng nào có tiền mới biết. Hơn nữa người nghèo nhiều như cóc nhái !
– Thế còn ông trúng số làm gì ? Quyền tức mình hỏi lại.
Phú kê lỗ tai Quyền nói nhỏ :
– Tui sẽ dẫn cô Hovilokhoda đi trốn.
– Thôi nghe cha tui nhát lắm đừng nói chơi. Ông là em nuôi của người ta.
Phú trầm ngâm một lát rồi bật cười:
– Ha… ha… thầy Hai ơi ! Cuộc đời này không phải chỉ có riêng thằng này thô bỉ đâu… Nói chơi cho vui mình chưa giàu mà đã tính này, tính nọ. Coi chừng tôi với thầy là điên!
***
Mùa mưa trong hẻm phố lầy lội. Nước tràn vô ngập nền nhà, rác rưới, nồi thau nổi lều bều. Đi dạy về Quyền phải bỏ ra một tiếng đồng hồ ngồi tát nước. Với điều kiện sinh sống như thế này trước sau gì Quyền cũng tìm nơi khác. Lại khao khát một dịp may nhưng chờ đến bao giờ ? Một lần dân trong đường phố cũng chứng kiến được mặt nó, vào lúc nửa đêm nó đã đến gõ cửa nhà bà xẩm. Bà nghe tiếng kêu bước ra mở cửa nhưng nó đâu không thấy, lại thấy ông già bán báo dạo nằm co ro cất tiếng rên hừ hừ: Người đàn bà cô độc giữa xứ lạ quê người thương hại người cô độc nên mời ông già vô nhà ngủ cho ấm. Không ngờ tuần lễ sau ông già hấp hối. Bà xẩm huýnh quáng chạy kêu lối xóm. Dân trong phố chạy đến và há hốc miệng nhìn. Ông già bán báo lần trong túi áo trong lấy ra một chiếc khâu ba chỉ nói thều thào: “Nhờ thím xẩm mua giùm tôi cái hòm và rước một ông thầy chùa. Còn bao nhiêu thím giữ lấy để kỷ niệm”.  Bà già bật kêu lên : “A nị!” rồi oà khóc nói một tràng tiếng Tàu líu lo không ai hiểu. Đúng là ông già từ trên trời rơi xuống. Khâu ba chỉ giao cho ông trưởng khóm. Lát sau ông ta trở về nói đồ giả rồi nhe răng cười trừ. Mỗi người một tiếng nhao nhao lên: “Mình thưa đi thầy Hai”. Kêu thằng Phú ra đục thằng chả chứ thưa gì!”. Quyền ngao ngán góp ý: “Thưa gởi vô ích, một khi người ta đã có ý làm…, thằng thợ bạc sẽ làm chứng cho y. Khuyết điểm do bà con mình hơ hổng!”.
Cuối cùng dịp may của kẻ nghèo cũng là dịp may cho người khác ! Ông già được Hội chữ thập đỏ bố thí cho tấm áo quan để về xứ. Người hiếu kỳ các ngả lân cận kéo tới thật đông, nhưng không một ai khóc. Họ mải lo bán tán không để ý bà xẩm già bị rớt lùi lại phía sau kêu: “A nị! Nị ơi…”.
***
Nhiều đêm Quyền tự hỏi làm gì bây giờ? Nếu Quyền là nhà văn, bao nhiêu đó đủ để viết một truyện ngắn hay. Sự thật của cuộc đời đi vào chỗ Quá là bi kịch. (Người xưa chia Quá ra làm hai Tiểu Quá và Đại Quá). Màn kịch có thêm nhân vật mới là anh thợ bạc. Hắn ta đã trả cho ông trưởng khóm phân nửa giá tiền. Ông trưởng khóm đòi thêm và hăm đi thưa. Hắn ta lạnh lìng: “Ông đi thưa đi, ai không biết đây là đồ thiệt của người chết nhưng là đồ giả của người sống? Nhưng bằng cớ đâu ? Tui với ông chia hai được rồi, đừng tham !”.
Màn khép lại, Quyền hình dung tiếng vỗ tay và những lời bình phẩm của khán giả là dân trong hẻm phố. Tuy nhiên, kịch chấm dứt trong lúc cuộc sống nặng nề cứ tiếp tục kéo dài với những bi hài.
Vợ chồng Thôi cách Quyền hai căn nhà. Cuối tháng vợ Phú dắt bà nội vợ chồng mù loà đem qua nhà Thôi giao lại như giao ban trực. Vợ Thôi cằn nhằn: “Sao sớm vậy cô, chưa tới ngày ?”. Bà lão vừa mù vừa điếc trên tám mươi tuổi giương mắt ra nhìn ngơ ngác. Quyền có cảm giác bà biết số phận của mình nhưng giả bộ như lẩn, không biết.
Gộp chi tiết cuối cùng này với những điều quan sát trong hai năm Quyền nghe thấm về cái sức chịu nhục và chịu đau quá lớn của con người. Sống bất hạnh, sống chiu nhủi, mất hết nhân cách cũng vẫn phải sống.
Vào những tháng cuối năm. Thằng Út con của Thôi nóng sốt nằm mê man. Thôi ngồi nhìn tỉnh queo: “Vái nó chết cho mát thân nó”. “Nói vậy mà nghe được ! Ai tạo nó ra? – Vợ Thôi chửi – Chắc là mấy con heo”.
Qua ngày thứ hai, thằng bé hai mắt nhắm nghiền được chở vô bệnh viện. Bác sĩ cho toa thuốc rất đắt tiền nhà Thôi lo không nổi.
Qua ngày thứ ba, thằng bé bắt đầu sinh biến chứng, tay chân co giật. Quyền quýnh quáng chạy liều lại Tân – người bạn làm y sĩ  nhưng ở khoa da liễu, xem có quen biết giúp đỡ. Tân chạy tới một ông bác sĩ chân có tật đi cà nhắc. Ông này lại viết giấy cho một bác sĩ khác. Và ông thứ ba lại giới thiệu vợ Thôi tìm đến một ông dược sĩ  tốt bụng: mang thuốc cho không. Trong lúc đó thì Quyền bụng hoang mang vì thấy đi tới đi lui lòng vòng. Nào ngờ…
Chiều hôm đó Thôi về tay xách một giỏ nặng kêu vợ đi bán lo thuốc cho con. Vợ Thôi nói : “không cần nữa, anh mang trả cho người ta”. Sao lại trả? Thôi nhăn mặt. Quyền theo dõi xem chuyện diễn biến ra sao. “Con ông được người ta cứu sống, mình làm vậy coi không được!”. Thôi ngần ngừ không muốn đi vợ nạt: “Tui nói ông phải trả”. Thôi lò dò xách giỏ ra đi, rồi bị công an bắt giữ. Té ra đó là quà cứu trợ khẩn cấp của một băng trộm ở một hẻm “Phố không đèn” gần đó nghe thằng nhỏ bịnh sắp chết động lòng thương. Từ trong nhà tù Thôi gởi thư về cho vợ:
“Em yên tâm, anh nằm “ấp” không lâu đâu. Thầy Hai Quyền sẽ làm chứng cho tấm lòng của em và anh. Ăn cơm tù khỏi ăn cơm nhà, đỡ tốn. Mua cho anh banh thuốc rê và qua nhà thầy Hai mượn cho anh cuốn “Ngọn cỏ gió lùa” của Hồ Biểu Chánh!…”
NGÔ KHẮC TÀI
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...