Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Cô Bảy sòng phẳng

Cô Bảy sòng phẳng

Tỉnh táo, cô Bảy ngồi dậy uống rượu thầm một mình. Trên đất Nam Kỳ thời đó, không biết có nơi nào như nơi này, đàn bà con gái cả vùng đất tam giác: Chợ Gạo - Đồng Sơn - Tầm Vu đều uống rượu và tửu lượng, có thể uống thâu đêm suốt sáng cùng những trang nam tử.
Nhà văn Trần Bảo Định
1.
Rỉ rả, hạt mưa lê thê qua xóm nghèo heo hút.
Cô Bảy trở mình, ngoài song cửa tiếng lá xạc xào đêm, và đêm thì chập choạng say. Giấc đã thức, mà lòng cô chưa chịu thức bởi đêm nhì nhằng giữa không gian chó im hơi, gà loạn nhịp canh quên gáy và người, cứ nơm nớp sợ tiếng gõ cửa về khuya. Làng xóm bây giờ không còn yên bình như thuở cô Bảy ấu thơ. Bần thần, cô ngẫm nghĩ: “Chiến tranh, đảo lộn mọi thứ giá trị sống và ngày mai, cái ngày mai còn hít thở khí trời là niềm hy vọng cuối cùng của mỗi con người”.
Mưa ngớt từng cơn và rồi, từng cơn nặng hạt đẫm chìm ướt đêm sâu!
Tỉnh táo, cô Bảy ngồi dậy uống rượu thầm một mình. Trên đất Nam Kỳ thời đó, không biết có nơi nào như nơi này, đàn bà con gái cả vùng đất tam giác: Chợ Gạo – Đồng Sơn – Tầm Vu đều uống rượu và tửu lượng, có thể uống thâu đêm suốt sáng cùng những trang nam tử.
– Bảy! Bảy ơi, bây ngủ hay thức?
Tiếng gọi hỏi khẽ lẩn trong tiếng mưa.
Không vội lên tiếng. Định thần, cô Bảy khẽ ngồi dậy, mắt ngó chăm bẳm nơi phát ra tiếng gọi và lắng nghe rất rõ từng hạt mưa rơi lộp độp trên cái áo tơi chằm lá. Hình như có hai người, cô tự hỏi: “Sao lại hai người?”. Chần chờ, vì cô Bảy chỉ mới nhận rõ người gọi là thím Năm Thành, người còn lại…? Thời buổi chết kề cận sống và ngược lại, trời còn chưa chắc đoán được huống chi người. Trong làng, đã có một số người chết mà không biết vì sao phải chết!
– Bảy!…
Tiếng gọi gấp gáp
Thoáng nghĩ: “Người tốt, thím Năm mới dắt đi trong đêm mưa gió!”. Cô Bảy, “tằng hắng” như muốn báo hiệu là cô đang thức và đã nghe gọi để người gọi đừng gọi nữa.
Ngoài trời gió rít, mưa tạt mái nhà rung bần bật.
Cô Bảy vừa hé cửa, thím Năm và người khách lạ lách nhanh vô nhà. Đêm đặc quánh đen không thấy mặt, cả ba nói thầm trong bóng tối.
Thím Năm nói nhỏ: “Bảy! Hương trưởng Hoài (1) nhờ thím dẫn người này tới gặp cháu và nhờ cháu giúp đỡ”.
– Dạ, chào cô Bảy!
Âm giọng lạ hoắc, cô Bảy đoán chắc người khách lạ không phải người cùng xứ.
Thím Năm, quơ tay bóp mạnh vai cô Bảy ngầm gởi sự tin tưởng.
– Thôi, thím về! Không thể nấn ná, chậm trễ.
Ngoài trời, mưa dứt cơn mưa.
– Từ chiều tới giờ, ông đã ăn uống gì chưa?
Cô Bảy hỏi sòng phẳng.
– Dạ, chưa!
Người khách lạ trả lời thẳng thắn.
– Này, ông có biết uống rượu không?
– Dạ, có biết!
– Thì, ông bước xích tới đây, cùng tui uống rượu cho ấm lòng!
Như đoán được tâm tư e ngại và nỗi lo lắng của người khách lạ, cô Bảy cười khan:
– Ông đã tới đây, thì cũng có nghĩa là ông tới nơi an toàn trong sự an toàn có thể!
Sơ giao vài ly rượu và qua cách uống, cô Bảy thích thú phát hiện người đối ẩm với cô nếu không là tay hào kiệt trong đời, thì cũng là kẻ kiêu bạc giữa bầy lang sói xâm lược.
– Này, ông có dị khi thấy phụ nữ Nam Kỳ thuộc địa uống rượu, mang nỗi buồn nước mất chẳng kém đấng mày râu?
– Lẽ đương nhiên thôi cô!
Người khách lạ cạn ly rượu, rồi chậm rãi nói tiếp:
– Sống ở Nam Kỳ nhiều năm và nhiều năm đó tôi sống đời tù biệt xứ, chẳng mong gì ngày trở lại cố hương! Tôi hiểu và thán phục tính cách và tấm lòng của người Nam Kỳ; trong đó, đặc biệt là thái độ của giới nữ lưu trước cảnh nước mất nhà tan. Họ uống rượu chẳng do ghiền, chẳng do giải sầu như Lý Bạch:
 
Trừu đao đoạn thủy, thủy tự lưu
Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu
(Lấy đao chém nước, nước vẫn chảy
Nâng chén giải sầu, sầu vẫn sầu).
Họ uống rượu là vì, thà ngậm cay vẫn hơn nuốt đắng!
Cái đắng nghét trào máu mắt: “Họ mất quê hương trên chính quê hương của họ!”.
Tiếng nói của người khách lạ phát âm rất nặng, khó nghe; nhưng chăm chú lắng nghe, thì vẫn nghe được. Cô Bảy, không hỏi người khách lạ tại sao phải đi tù biệt xứ? Vì cô thừa hiểu, người thím Năm đưa gởi cho cô chắc chắn phải là người yêu nước chớ không thể là bọn “giá áo túi cơm”, hay lũ “đầu trộm đuôi cướp”.
– Xin lỗi, tui phải gọi ông bằng tên hay thứ?
Rượu kết thân, gắn tình hoạn nạn có nhau của người đồng hội đồng thuyền.
– Cô Bảy, cứ gọi tôi là Tòng Am!
Hai tiếng “Tòng Am” khiến cô Bảy “à” lên không cần giữ ý tứ và cô chồm tới để nhìn rõ mặt người nhưng bất khả, vì bóng đêm đặc đen. Cô mạnh dạn và sòng phẳng rót thêm rượu vô ly của Tòng Am lẫn của cô.
– Mời, ta cùng cạn ly tương ngộ!
Từ lâu, cô Bảy đã nghe thiên hạ nói về “Cụ đồ Tòng Am tên thật là Phan Văn Viễn, có họ với cụ Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), bị thực dân Pháp đày đi Châu Đốc, Trà Vinh…” (2); không ngờ đêm nay tương ngộ, cô cười và vui thầm trong cái bụng mừng rơn!
Mõ tuần sang canh, tàn đêm!
Lá cây trong vườn còn đọng nước mưa đêm,Tòng Am dò từng bước chưn đi theo sau cô Bảy ra hầm bí mật.
– Hầm đâu không thấy, cô Bảy?
– Nếu, ông thấy hầm thì hầm đâu còn là hầm bí mật!
Cô giải thích: “Phải có tuyệt kỹ đào hầm bí mật, hầm mới không bị lộ”.
Khu vườn im ắng, cái im ắng chờ đợi điều thảm khốc của người tù vượt ngục, hay cái im ắng chờ đợi ban mai của buổi bình minh!?
– Ông tạm tá túc nơi này!
Đứng xớ rớ, Tòng Am ngần ngại không biết cô Bảy nói: “… tá túc nơi này” là nơi nào. Nhìn quanh, ông chỉ thấy toàn lá rụng đầy mặt đất, xung quanh xanh màu cây trái và lác đác điểm xuyết mấy bụi tre gai.
Khom lưng, cô Bảy đẩy bụi tre gai xê dịch, nắp hầm phơi nắp giữa tranh tối tranh sáng thời gian ngày ló dạng.
– Xin mời!
Lúng túng, Tòng Am do dự vì không biết làm cách nào xuống hầm.
Cô Bảy nắm tay Tòng Am và chỉ cách; đồng thời, trao ám hiệu và mật khẩu để tiện liên lạc nhau.
– Nước uống, cơm khô ngào đường có sẵn dưới hầm, ông tùy tiện mà dùng.
Khi Tòng Am lọt mình vô căn hầm và phần đầu còn ló trên miệng hầm, cô Bảy chúc ông ngủ cho lợi sức.
Ửng hồng, đàng Đông những áng mây trời ngũ sắc liên tục chuyển đổi hình thù mang tín hiệu niềm tin và hy vọng ngày mới!
2.
Tây đồn Chợ Gạo vây ráp và bắt Hương trưởng (3) Hoài!
Đó là buổi chiều đầu thu, năm Mậu Thìn (1928). Bình Ninh buồn, mưa lâm thâm, mưa lắc rắc đều trời trên cánh đồng lúa trổ đòng đòng… Đếm đầu ngón tay, từ lúc Hương Trưởng Hoài nhờ thím Năm gởi Tòng Am cho cô Bảy tới khi Hương trưởng Hoài bị Tây bắt thì mới được hai ngày, lẻ một đêm. Cô Bảy, uống rượu một mình cả buổi chiều tang thương đó! Khắp vùng, không riêng gì làng Bình Ninh, ai nấy và cả những gia đình có con em làm việc cho Tây, thảy đều trân quý tấm chơn tình yêu quê hương làng mạc của Hương trưởng Hoài. Ông nhiệt thành “tham gia các phong trào chống Pháp, như: Thiên Địa hội, Duy Tân. hội kín Nguyễn An Ninh… và bán ruộng đất góp tiền cho Cường Để sang Nhật hoạt động cách mạng…”.
Men rượu say chiều, trong cô đơn và bất lực, cô Bảy ngân nga…
Ta say để giấu cái hèn
Để quên cái ác người chèn ép nhau
Ta say để giấu nỗi đau
Nỗi đau nước mất, đồng bào lầm than!
 
Đột nhiên, ngoài ngõ dội tiếng phá rào nghe “đinh tai nhức óc” như nhà sắp bị dở tới nơi, cắt ngọt lời ngân nga của cô Bảy.
– Này, con kia! Có biết ai đây không?
– Con kia, là con nào?
Cô Bảy trả lời bốp chát, rồi đứng bật dậy, hai tay chống nạnh.
Thằng Hai Khỉ, e dè và thụt lùi. Góc trái, ngõ vào sân, mấy thằng Tây lố nhố bên thím Năm – người đàn bà cả đời nghèo khó và khốn khổ – mình mẩy bê bết bùn sình lẫn dính máu. Thoáng qua, cô Bảy đoán biết chuyện gì đã xảy trong cái làng Bình Nình nhỏ bé và xác xơ này, sau mấy ngày Hương trưởng Hoài bị bắt.
– Bớ người ta! Boớ… ng…
– Người ta đâu mà bớ?
Mặt hầm hừ, Hai Khỉ diễu cợt.
Tỏ vẽ hốt hoảng la “Bớ người ta!” là cô Bảy ngầm phát tín hiệu báo động cho Tòng Am đang ở dưới hầm bí mật biết tình hình trên mặt đất lâm nguy mà cảnh giác, cẩn trọng. Thiệt ra, Hai Khỉ chẳng lạ lẫm gì với cô, hắn là con Hội đồng Dư – tay Hội đồng khét tiếng tay sai quân viễn chinh Pháp và rất ác với những người chống lại chính quyền thuộc địa – đã đôi lần, dân trong vùng trừ khử nhưng bất thành.
Cười khanh khách, cô Bảy châm bẫm ngó thẳng mặt Hai Khỉ:
– Chào anh Hai!
– Không dám! Không dám, “bà chằng lửa” xứ này!
– Chắc anh Hai chưa quên “Túc xạ công” ngày đó!
Cô Bảy cố ý gợi lại chuyện cũ nhằm uy hiếp tinh thần Hai Khỉ. Ngày đó, Hai Khỉ vừa đăng lính Tây, ỷ có chút võ Thiếu Lâm và có sùng, hắn hống hách người làng bất kể già cả bé lớn. Đậm chất dê, ưa rờ mó đàn bà con gái giống như cha hắn, nên hắn ăn trọn đòn “Tức xạ công” (sử dụng ngón chưn ức bàn chưn đá vào thân đối phương, thiên hạ gọi “bắn bằng chưn”) của cô Bảy. Tụi Tây đồn chứng kiến, cổ vũ và khiếp sợ gái Chợ Gạo.
– Lát nữa, sẽ “biết đá biết vàng”!
Hăm dọa, Hai Khỉ nhe răng cười khẩy, lòi mấy cái răng bịt vàng ngã màu vàng ố.
– Cô quen biết và có qua lại với người này?
Qua thông ngôn, Tây đồn hỏi.
– Thím Năm, người cùng làng, tui quen nhưng không biết và có qua nhưng không có lại, thưa ông!
Cô Bảy, chậm rãi, từ tốn trả lời.
Trố mắt nhìn cô Bảy, Tây đồn bất ngờ trước câu trả lời hóm hĩnh, thâm thúy của người phụ nữ thoạt nhìn chất phác, quê mùa. Từ lâu, Tây đồn nghe tiếng về người phụ nữ có học và sòng phẳng này. Lý lịch cô Bảy, Tây đồn nắm rất rõ: “Học xong lớp Nhất (Cours Supérieur) thì tự dưng cô nghỉ học. Ông ngoại cô là điền chủ Cự, thành viên tích cực phong trào Minh Tân. Khi phong trào Minh Tân tan rã, ông ngoại đi tù và toàn bộ điền sản bị tịch thu”. Song, có điều, Tây đồn chưa xác định cô có hoạt động chống Pháp hay không? Và, dẫu sao, Tây đồn cũng cố tỏ ra lịch sự đối với phụ nữ, mà lại là phụ nữ có học.
Nóng mũi, Hai Khỉ mất bình tĩnh nhảy xổm vô:
– Bắt, nện một trận “Lòi chành té mứa”, sếp mềm mỏng chi, vô ích!
Bật quẹt hút thuốc, Tây đồn mỉm cười.
– Khỉ! Ra ngoài chơi!
Bị Sếp đuổi, Hai Khỉ tức thiếu điều ói máu. Hắn lầm bầm trong miệng, không ai nghe được gì cả.
– Tuy không biết và lại với người đàn bà chưa bao giờ có được bữa cơm đủ ăn, chưa lúc nào có được tấm áo lành mặc ngày Tết; nhưng tui dám đoan chắc với ông rằng, người đàn bà mà ông bắt và đánh đập dã man kia, chẳng có dính líu gì tới phong trào chống các ông ở địa phương.
Lắng nghe, Tây đồn ngậm điếu thuốc rít hơi cuối, ánh lửa lóe đầu thuốc và điếu thuốc tàn.
Cô Bảy đổi giọng nói tiếng mẹ đẻ của Tây đồn:
– Người đàn bà kia, chưn yếu tay mềm, tiều tụy, gầy còm, lấy chi đánh Pháp? Và, nếu có phải đánh Pháp thì mai này, đất nước ông bị xâm lược, tất ông sẽ hiểu!
– Hay lắm! Cô nói vậy, có dám bảo lãnh người đàn bà kia không?
Tây đồn hỏi, thách đố.
Quay lưng đi, cô Bảy vô nhà, Hai Khỉ và đám lính tuông chạy theo sợ cô bỏ trốn.
Cô Bảy quày quả trở ra, cầm hai cái ly và chai rượu nếp:
– Mời ông ly rượu Bình Ninh, chưng cất bằng sự tín nghĩa.
Bất ngờ, Tây đốn “Tiến thoái lưỡng nan”.
– Thưa ông, tui lấy sanh mạng bảo lãnh người đàn bà kia!
– Được! Tôi đồng ý!
Cầm ly rượu, Tây đồn uống cạn.
Cô Bảy nói tiếng Pháp với viên Tây đồn:
– Hứa nhanh quá, ông không nghĩ tới điều “Những người chậm chạp khi đưa ra lời hứa là những người trung thành với việc thực hiện nó nhất”, mà Jean Jacques Rousseau đã từng nói.
Tây đồn không tức giận vì câu nói. Tự dưng, cô Bảy nhớ lời ông ngoại: “Ta nói tức, người đó không giận, nếu không phải là người đại lượng thì tất là kẻ hiểm sâu”.
Hai Khỉ sọc tới, đứng nghiêm chào Tây đồn:
– Trình Sếp! Mụ Năm, đích thị là tay chưn của Hương trưởng Hoài. Xin Sếp đừng thả cọp về rừng!
Nghiêm sắc mặt, Tây đồn khoát tay như ngầm nói: “Không phải chuyện của mày, đừng xía vô hỏng việc của tau!”.
Xẻn lẻn, Hai Khỉ cúi đầu bỏ đi.
Chẳng phải Tây đồn không biết thím Năm, cô Bảy là ai. Hắn thâm hiểm biến cái biết bên trong thành cái không biết bên ngoài, khiến đối phương chủ quan, mất cảnh giác và vô tình trở thành con mồi để lúc cần, hắn cất vó một mẻ.
– Cô Bảy! Còn rượu, cho tôi một ly.
Giã lã, Tây đồn ra chiều thân thiện. Song, lời nói và cung cách của viên Tây đồn dù có ngụy trang khéo đến đâu, cũng không lọt qua đôi mắt tinh tường của cô Bảy.
– Được thôi, thưa ông!
Cô Bảy tự tin và trầm tĩnh.
Một hơi, rượu cạn ly. Tây đồn sai lính mở trói và giao thím Năm cho cô Bảy.
– Này, cô Bảy! “Có đi có lại mới toại lòng nhau”.
– Nghĩa là, …
– Nghĩa là, tôi chấp thuận cho cô “lấy sanh mạng bảo lãnh người đàn bà kia”, thì cô cũng phải làm việc gì đó do tôi yêu cầu.
– Thì, ông nói thử nghe coi!
Tủm tỉm cười, cô Bảy tự rót rượu uống.
Thọc tay vô túi quần, Tây đồn tằng hắng rồi nói:
– Hàng ngày, cô vô đồn dạy võ Thiếu Lâm cho đám lính của tôi.
Cô Bảy, đột nhiên cười khanh khách như một gã kiêu bạc sông hồ:
– Được thôi!
Hai tiếng “Được thôi!” mà không kèm lời “Thưa ông”, có nghĩa là cô Bảy đã nhận ra và hiểu rõ kế bẩn của viên Tây đồn muốn quản thúc và chặt đứt đường liên lạc giữa cô và tổ chức.
– Vậy, khi nào cô có thể bắt đầu?
– Sáng ngày mai!
Ngạc nhiên, Tây đồn lặp lại:
– Sáng ngày mai?
– Đúng rồi, thưa ông!
Đôi tay chống nạnh, cô Bảy khẳng định.
Im ắng, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng rên đau nhức của thím Năm.
– Nhưng mà, ngoài giờ tập luyện võ thuật cho đám lính trong đồn, ông cũng phải dành thời gian cho tui chăm sóc thương tích người đàn bà kia. Nhứt là, ông phải ký giấy giới thiệu để tui đưa nạn nhân bị ông và đám lính nhục hình đến bịnh viện Mỹ Tho điều trị. Đồng thời, một đôi buổi trong tuần, tui được quyền đi hốt thuốc Nam ở chùa Vĩnh Tràng.
Trước yêu cầu của cô Bảy, Tây đồn ngần ngừ khó xử. Nắm thóp tâm trạng của đối phương, cô Bảy giở giọng nhắc tuồng: “Xử việc khó xử càng nên khoan dung”. Rồi, thình lình, cô châm tiếng Pháp:
– Nếu, không sòng phẳng, tui trả người đàn bà kia cho ông và ông, ăn tươi nuốt sống gì đó thì tùy!
Xám mặt. Tây đồn xua tay:
– Không! Không! Tôi đồng ý… Đồng ý mà cô!
Tây đồn hối hả nhận lời cô Bảy yêu cầu là vì muốn bảo vệ tuyệt chiêu “Giăng bẫy, cất vó một mẻ”!
3.
– Bảy! Bay đưa thím về nhà rồi ở luôn trong nhà của thím, người đó liệu làm sao?
Thím Năm lo lắng cho sự an nguy của Tòng Am.
– Tui đã sắp xếp đâu vào đó, thím yên lòng!
Cô Bảy nói cụ thể âm mưu, thủ đoạn của Tây đồn về việc giao thím cho cô để thím Năm nắm.
Mấy ngày nay, sáng nào cô Bảy cũng tới đồn Tây dạy võ Thiếu Lâm. Đám lính luyện tập “ngón tay sắt” (Thiết tí công), cô Bảy hướng dẫn và buộc người học lấy ngón tay đập vô gốc cây, rồi nâng dần lên đập vô đá… Mặc dù có thuốc ngâm tẩm đặc biệt, nhưng đa phần người học chịu khôn xiết, trốn hoặc bỏ học nên lớp học thưa dần. Điều đó, khớp với điều cô Bảy mong muốn.
Đúng như cô Bảy dự đoán, Tây đồn giao nhiệm Hai Khỉ lục soát và mật phục quanh khu vườn, hoặc có khi ngay trong nhà để tìm dấu vết liên lạc và phát hiện căn hầm bí mật. Hai Khỉ bái phục sát đất cao kiến của Sếp mà trước đó mấy hôm, hắn còn trách móc Sếp yếu hèn bởi bóng sắc phụ nữ.
Nơi căn hầm bí mật, Tòng An đếm thời gian qua tiếng nhạc đồng quê của loài côn trùng và qua tiếng lá rụng trên mặt đất. Lắm khi, bước chưn bọn thám báo dội vào căn hầm, Tòng Am cứ ngỡ không thể tồn trong cái tồn tại của thời gian nghiệt ngã. Mỗi đêm, cô Bảy lội rạch về vườn cũ cất tiếng ám hiệu “cú kêu”. Nghe tiếng cú kếu, Tòng Am mừng chảy nước mắt; bởi khi đó, ông được phép trồi lên khỏi mặt đất hít thở khí trời tự do, ăn thỏa mái, tắm rửa và bài tiết dưới lòng rạch con sông quê.
Hai Khỉ nản chí sau mươi ngày rình mà chẳng có gì để rập. Lơi dần và buông, hắn mò về nhà vợ bé và ngồi chiếu bạc. Tây đồn biết, nhưng chẳng nói gì. Tây đồn báo cáo lên Chủ tỉnh Mỹ Tho, rằng: “Chợ gạo, dư đảng của Hương trưởng Hoài không còn ai”.
Lợi dụng việc giao kèo sòng phẳng với Tây đồn, tuần đôi lần cô Bảy tới chùa Vĩnh Tràng hốt thuốc trị thương cho thím Năm; cô đã trình bày cặn kẽ sự việc và xin ý kiến Phương trượng giúp đỡ.
Tình cảnh bây giờ bức bối, cô Bảy bàn với thím Năm: “Tình thế buộc người phải ở hầm, nhưng ở hầm lâu thì người không thể!”.
– Bây tính coi sao?
Cô Bảy nói:
– Hôm rồi, lúc tui hốt thuốc xong cho thím, Phương trượng chùa Vĩnh Tràng kêu và nói nhỏ: “Có gì, con đưa người đó về chùa. Vì, chùa đang cần người biết chữ Nho và biết coi mạch bốc thuốc”.
Mừng quá, thím Năm không kềm được xúc cảm:
– Phật Trời, còn xót thương người hiền lương!
T.B.Đ

(1) “Hương trưởng Hoài tên Trần Văn Hoài, còn có tên Trần Vĩnh Hoài (1872 – 1847), sinh tại làng Bình Ninh, tổng Hòa Hảo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), là nhân sĩ yêu nước ở vùng Chợ Gạo” (Theo chú thích “Trăng Rạch Miễu”, tr.153, tập truyện “Khói un chiều”, Trần Bảo Định, Nxb Đà Nẵng, 2018).
(2) “Trăng Rạch Miễu”, tr.153, tập truyện “Khói un chiều”, Trần Bảo Định, Nxb Đà Nẵng, 2018).
(3) Hương trưởng, là thứ vị thứ tư trong Ban hội tề (12 người), có trách nhiệm giữ ngân sách, trợ giúp giáo viên và nhân viên Ban hội.
 
19/3/2020
Trần Bảo Định
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...