Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Nguyễn Gia Trí - Đỉnh cao nghệ thuật sơn mài

Nguyễn Gia Trí - Đỉnh cao
nghệ thuật sơn mài

Nhất Trí nhì Vân, tam Lân tứ Cẩn *
Nguyễn Gia Trí (1908-1993), người Hà Tây, là danh họa Việt Nam nổi tiếng cả thế giới về tranh sơn mài (và đồ họa, biếm họa). Ông tốt nghiệp khóa 7 (1931-1936) về hội họa trường Cao đẳng Mỹ thật Đông dương, thuộc thế hệ các họa sĩ tiền phong được đào tạo từ trường Mỹ thuật ở Hà Nội do họa sĩ Pháp Victor Tardieu (1870-1937) và họa sĩ Nam Sơn (1890-1973) sáng lập. Nguyễn Gia Trí được tôn vinh là “vua sơn mài” vì đã có công chuyển những bức tranh trang trí vô hồn thành những kiệt tác bằng kỹ thuật cách tân và phong cách khai phá mang tính sáng tạo.
Cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Tác phẩm nghệ thuật của danh họa Nguyễn Gia Trí là một sự kết tinh mang tính trí tuệ và nét thanh lịch giữa hai khuynh hướng hiện thực Đông-Tây, được thể hiện ở những bức tranh khắc gỗ với phương thức sơn mài cải tiến, khiến cho tác phẩm của ông mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được coi là Bảo vật Quốc gia không được mang ra khỏi đất nước. Vào Nam năm 1954, họa sĩ vẫn tiếp tục dấn thân trên con đường nghệ thuật đã chọn. Hiện nay, danh tác của họa sĩ còn lưu giữ ở các Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, viện Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và ở bộ sưu tập tranh cá nhân của một số “đại gia” trong và ngoài nước. Ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 về sự nghiệp văn học nghệ thuật.
Nguyễn Gia Trí là người đất Kinh Bắc, Sơn Tây (nay là Hà Tây, còn gọi là xứ Đoài) uy nghiêm hùng vĩ với núi Tản sông Đà, là vùng “địa linh nhân kiệt”. Nơi đây còn mang dấu ấn của những danh nhân, thi sĩ và di tích lịch sử: đền Hùng vương, đền Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Nguyễn Thái Học…; danh sĩ: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Phạm Tiến Duật, huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh… Nguyễn Gia Trí sinh ra vào năm Kỷ Dậu (1908) nhưng giấy CMND ghi ông sinh ngày 6/10/1912 tại Hà Tây, một thị trấn trù mật cách xa Hà Nội 60 km. Từ trước tới nay, ít có tài liệu nói rõ về con người và gia thế của Nguyễn Gia Trí. Người ta chỉ biết ông vóc người nhỏ nhắn, không có vẻ gì đặc biệt khác xa nhiều với giới trí thức thời Tây ở đất Thăng Long lúc bấy giờ. Với cặp kính cận to đeo không rời trên khuôn mặt thon dài vẻ nhuốm vẻ trầm tư, Nguyễn Gia Trí trông ra con người sống nội tâm, lặng lẽ, kiệm lời và không thích giao du, Nhưng khi nói chuyện thì ông thường tỏ ra hài hước. Nghiêm túc trong giờ giấc làm việc, rất ít khi người thân hay bạn bè mời được ông đi chơi vì phải bỏ công việc. Họa sĩ có thói quen say mê làm việc quên cả nghỉ ngơi, đến nỗi có lúc bà Trí bắt gặp ông ngủ thiếp trên chiếc giường sắt nhà binh tại xưởng vẽ. Sống trong một ngôi nhà giản dị, ăn uống đơn sơ, không biết nhậu nhẹt, chơi bời… Lúc sinh thời, họa sĩ có kể qua với vợ con: cụ tổ Nguyễn Gia Phúc là một nghệ nhân chuyên thêu y phục triều đình cho đến đời thân phụ là ông Nguyễn Gia Cư vẫn còn làm công việc ấy. Nhưng đến thế hệ ba anh em của họa sĩ thì đã thể hiện rõ nét là một gia đình văn hóa, rất thuận lợi cho Nguyễn Gia Trí đi vào con đường nghệ thuật: Người anh cả Nguyễn Gia Tường là giáo sư nổi tiếng trường Bưởi (Collège Bưởi), Nguyễn Gia Trí từ trường Bưởi, theo học trường Y một thời gian, thấy không hợp nên bỏ để thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương học ngành hội họa. Em Nguyễn Gia Đức cũng học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương nhưng ngành Kiến Trúc, và về đã sau trở thành một kiến trúc sư hàng đầu trong nước.
Như vậy là ước mơ trong đời của Nguyễn Gia Trí đã thành hiện thực. Học ở trường Mỹ thuật, tài hoa đã sớm nổi trội trước bạn bè nhưng tính khí Trí có phần ngang ngạnh khác thường. Vào trường từ khóa 4 (1928-1933), nhưng sang năm thứ 2, Nguyễn Gia Trí bỏ học. Hiệu trưởng Victor Tardieu trong lòng phục tài người học trò giỏi này nhưng vẫn không ưa anh. Vậy mà mấy năm sau, chính Hiệu trưởng lại chủ động gọi Trí về học lại. Bản thân Nguyễn Gia Trí cũng nhận là không thể chịu được không khí nhà trường nên ngưng ngang việc học. Về sau có khoa sơn mài, Trí mới đi học lại từ khóa thứ 7 (1931-1936). Nhưng ngoài những giờ học vẽ hàn lâm bắt buộc như một cực hình, đầu óc Trí chỉ nghĩ đến sơn mài. Chính trong thời gian này, Nguyễn Gia Trí đã chủ động mở ra con đường đưa “sơn ta” trong mỹ nghệ truyền thống thành “sơn mài”- chất liệu hội họa đặc thù của Việt Nam. Theo họa sĩ Hoàng Tích Chù và giáo sư Inguimberty của trường Mỹ thuật, Nguyễn Gia Trí có tài vẽ nhanh đặc biệt những bức ký họa với nét bút thể hiện được cái thần của một họa sĩ kỳ tài. Tranh minh họa và hí họa trên báo Phong hóa, Ngày nay của Tự lực Văn đoàn với hình ảnh lá tre, cành tùng, bông sen, đôi bướm lượn với những thiếu nữ “tân thời” bằng đường nét tinh tế, uyển chuyển, gợi cảm theo đường lối tả thực (realism), nói lên được tài năng vượt trội của một nghệ sĩ bậc thầy, được bạn bè và công chúng không tiếc lời ca ngợi. Ngần ấy điều đã khiến cho tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí có đủ yếu tố hội họa nghệ thuật để thoát khỏi thân phận những hình ảnh trang trí nhạt nhẽo vô hồn.
Tác phẩm Vườn xuân Bắc Trung Nam của họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí đạt được những phẩm chất nghệ thuật sáng giá cao quý đó, là nhờ ở lòng đam mê vô bờ và cường độ lao động nghệ thuật với tinh thần sáng tạo không mệt mỏi của họa sĩ trong quá trình hình thành họa phẩm.
Trước tiên, ta cứ hiểu sơn mài – cũng như sơn dầu, lụa – là một trong các chất liệu để thực hiện một tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam. Chất liệu hội họa kết hợp cùng kỹ thuật và hình thức thể hiện của họa sĩ tác động đến nội dung của bức tranh. Quy trình hình thành một bức tranh sơn mài truyền thống trải qua các công đoạn cơ bản rất công phu, từ đó nói lên được phong cách của họa sĩ. Thoạt đầu, trong bước 1, họa sĩ phác thảo trắng đen nội dung trên giấy kích thước nhỏ, với ý đồ sắp xếp trước bố cục để dễ điều chỉnh. Việc phác thảo kỹ lưỡng giúp cho công đoạn sau của họa sĩ được trôi chảy, thuận lợi hơn. Qua bước 2 tiếp theo là phóng lớn bằng chì than bản phác thảo thành bức vẽ có kích thước đúng như tranh dự kiến (kích thước của vóc) và chỉnh sửa kỹ lưỡng các chi tiết đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc nhất để vẽ lớp đầu tiên (để sau này khi mài các chi tiết hiện dần lên mà không bị mất – đây là khâu kỹ thuật cốt cán của sơn mài). Bước 3 tiếp theo là vẽ tranh lên vóc đúng với kích thước tranh dự kiến. Với sơn mài, các chi tiết cụ thể nhất, đẹp nhất được vẽ ở những lớp đầu tiên. Thao tác trên vóc bao gồm các bước tuần tự tiếp sau: Đầu tiên: cẩn vỏ trứng, ốc xà cừ… gọi là công đoạn cẩn trứng. Tiếp theo là vẽ bằng sơn đen  những nét và các chi tiết cụ thể. Sau cùng công đoạn này là vẽ màu: sơn ta trộn với son hay phẩm màu (gồm cả việc xử lý bạc) được vẽ trực tiếp và phủ lên những lớp cẩn trứng hoặc nét đen đã vẽ trước đó. Bước 4: mài và vẽ: là công đoạn bắt buộc, vô cùng quan trọng, đối với sơn mài truyền thống. Mài tranh bằng nước với giấy nhám (người xưa hay dùng lá chuối khô). Độ nhám của giấy càng lúc càng giảm theo quá trình hoàn tất bức tranh.
Bức tranh sơn mài, sau khi đã vẽ đủ 3 lớp màu có xử lý bạc và một lớp màu phủ cuối cùng, chờ khô, sẽ đem mài với giấy nhám và nước. Các lớp màu và hình sẽ hiện dần ra cùng với các chi tiết. ‘Mài’ hiểu theo cách riêng cũng là ‘Vẽ’. Ở đây, người mài tranh làm công việc: vừa mài vừa theo dõi đến lúc nào phải dừng ngay khi mối tương quan hình vẽ trong tranh đã hiển thị ra đúng yêu cầu  của nội dung.
Bước 5 được coi như là hoàn tất tranh: Toát sơn và Đánh bóng. ‘Toát sơn’ là từ chuyên môn, chỉ việc phủ thật đều một lớp sơn chín (pha loãng với dầu hỏa) lên toàn bộ mặt tranh, nên pha thật loãng nếu tranh đã có tương quan tốt tức là độ sáng tối vừa đủ, sau đó ủ, chờ khô để đánh bóng. ‘Đánh bóng’ là thao tác cuối cùng của việc vẽ tranh. Với tranh có kích thước nhỏ, có thể dùng lòng bàn tay, tranh lớn thì dùng vải sợi cotton mềm hay bông gòn, miết nhanh và mạnh lên mặt tranh. Có một số vật liệu để mài và đánh bóng như: thanh củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà…
Tác phẩm Phong cảnh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Cái độc đáo ở giá trị tranh lụa của Nguyễn Gia Trí là họa sĩ đã sáng tạo ra được chất liệu mới để thực sự làm nên cuộc cách mạng trong nghệ thuật sơn mài. Nhà họa sĩ bậc thầy về sơn mài đã khẳng định một điều có thể khiến mọi người phải trầm ngâm suy nghĩ: “Tranh không có đề tài. Đề tài chính là chất liệu sơn mài”. Theo giới am tường về nghệ thuật, Nguyễn Gia Trí, nhờ vững vàng về kỹ thuật sơn dầu, đã có thời gian chú tâm vào các phương tiện của sơn mài. Trong thâm tâm, Nguyễn Gia Trí muốn nói với chúng ta là sơn mài khác hẵn sơn dầu ở chỗ mặt tranh phẳng đến mức gần như tuyệt đối “Con ruồi đậu trên vóc cũng làm vóc lún xuống” (Nguyễn Gia Trí). Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) sẽ giúp ta cảm nhận được sức truyền cảm thần kỳ của sơn ta dưới bàn tay phù thủy của Nguyễn Gia Trí “Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành quí vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc, chàng nghệ sĩ ấy tấm sơn như ta có thể yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve mềm mại, lúc dữ dội bằng năm bảy nét quệt mạnh, đập tung, cào cấu”… ”Trong những hình sắc ấy như ẩn hiện một chút gì huyền ảo, đắm say, nồng nàn còn run rẩy trong bóng tối hòa với máu, một linh hồn kiên quyết, đam mê, đang quắn quại vì muốn thoát nhanh ra ngoài ánh sáng” (1).
Nhiều họa sĩ sơn mài đương thời phải bái phục Nguyễn Gia Trí ở tuyệt kỹ “Luyện vỏ trứng”. Dưới bàn tay ảo thuật như phù phép của họa sĩ, vỏ trứng từ một vật cứng trở thành mềm mại và tạo ra đủ sắc thái của màu và ánh sáng trắng. Lúc như một thứ men rạn cổ kính, lúc lóe lên trên nền đen như được soi bằng những ánh đuốc đêm hoa đăng, lúc đông đặc như cẩm thạch, lúc kết tinh như kim cương… Cho đến giờ, chưa ai luyện được chiêu thức mài bạt vỏ trứng của họa sĩ. Đó là lý do khiến người ta nghĩ rằng không ai có thể làm giả một bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí.
Năm 1938, trong cuộc triển lãm do trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tổ chức, tác phẩm của Nguyễn Gia Trí hiện diện như một thông điệp đánh dấu sơn mài Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nền nghệ thuật hội họa. Thưởng ngoạn các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã tự hào khẳng định: ”Lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở đó, ở tâm hồn người ấy ra, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng”. Bắt đầu từ nay về sau là thời kỳ tìm tòi sáng tạo để hoàn thiện kỹ thuật và phong cách riêng của mình. Họa sĩ lập xưởng vẽ tại N gả Tư Sử tập họp được một số thợ mài giỏi sau này đã trở thành văn nghệ sĩ: Kim Lân (nhà văn), Nguyễn Trọng Hợp (hoa sĩ)…
Từ năm 1940, tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí đạt tới phẩm chất đỉnh cao. Tác phẩm Nguyễn Gia Trí được tính giá theo tấc, chỉ có dân thượng lưu phương Tây và nhũng ‘đại gia‘ trong nước mới có tiền mua. Hai vợ chồng viên Công sứ Cresson lăn lội đến tận nhà đặt mua tranh của họa sĩ ngay từ khi còn ở giai đoạn phác thảo, gọi Nguyễn Gia Trí là ‘Thiên tài châu Á’ (Génie asiatique) và bảo lãnh ông ra khỏi tù khi họa sĩ bị bắt vì hoạt động cách mạng (chứa vũ khí trong xưởng vẽ – vũ khí mua được bằng tiền bán tranh cho Tây). Thực dân bắt họa sĩ đến 3 lần, lần cuối ông bị đưa vào Nam an trí tại Thủ Dầu Một. Cho nên sau này, Nguyễn Gia Trí có phần mệt mỏi, chỉ chú tâm đến nghệ thuật.
Số lượng tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ rất phong phú, tiêu biểu cho những họa phẩm vẽ trước năm 1945 có: “Bên Hồ Gươm”, “Chùa Thầy”, “Khỏa thân”, “Cảnh Thiên Thai “ (tấm tranh khổ lớn được Toàn quyền Đông Dương Decoux đặt làm sau khi họa sĩ ra khỏi trại giam Vụ Bản năm 1943), “Thiếu nữ trong vườn”, tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời sáng tác họa sĩ gồm 6 tấm, tổng thiết diện 12 m² bán cho ông Drouin, giám đốc Sở Điện Nước miền Bắc Đông Dương… Nhận định về tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, trên tạp chí Indochine, một nhà bình luận người Pháp đã viết: “Chúng dìu ta trên cánh mộng qua những truyền thuyết Việt Nam hay lồng vào không gian đẫm nhục cảm… Hoa, thiếu nữ và thơ nhạc ẩn chứa trong một chất liệu lơi lỏng” và tác giả bài viết còn cho rằng “những người đàn bà này (nhân vật trong trong tranh của Nguyễn Gia Trí (gợi lên vẻ thanh lịch của Watteau, họa sĩ Pháp (1684-1721) và sức xuân kỳ diệu của một Botticelli (1445-1510), họa sĩ Ý thời Phục Hưng.
Trong tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí, người thưởng ngoạn nhận ra được ở nghệ sĩ một vẻ đẹp hài hòa giữa tinh thần và nhục thể của các thiếu nữ “tân thời” áo dài thon thả phơi phới giữa thiên nhiên dạt dào sức sống. Người ta còn được biết một chi tiết: thiếu phụ người mẫu (model) trong tranh của họa sĩ là “Cô Sáu” cũng chính là người mẫu cho họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bức: “Thiếu nữ bên hoa Lys” mà không biết có quan hệ gì với nhà họa sĩ tài hoa Nguyễn Gia Trí chăng! Những tác phẩm sáng tác sau trong giai đoạn gần 40 năm cuối đời họa sĩ (1954-1993) tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được coi là để Nguyễn Gia Trí hoàn thiện nghệ thuật sơn mài. Có thể kể  Bộ lịch sử Việt Nam gồm những tác phẩm: “Hai Bà Trưng”, Trận Bạch Đằng”, “Ba vua” (1960). Bộ tranh vẽ cho Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hơp TP. Hồ Chí Minh) gồm các bức: “Hoài niệm xứ Bắc”, “Trừu tượng”, “ Múa dưới trăng” (1968-1969), “Vườn xuân” (qua những thăng trầm, vào năm 1991, bức tranh này được bán với giá 600 triệu đồng-tương đương với 100.000 đô la)…Và tác phẩm cuối cùng “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, họa sĩ đã thực hiện kéo dài trong nhiều năm. Riêng bức tranh “Ba vua” về đề tài Giáng sinh do ông Ngô Đình Diệm đặt vẽ làm quà tặng cho tòa thánh La Mã. Nhưng vì khó chịu với những ‘góp ý ‘ của họ Ngô (và cả đại sứ Mỹ Bunker họa sĩ cũng từ chối việc đặt hàng) nên họa sĩ đã thoái thác, không giao tranh mà đem tặng không cho một người bạn vong niên là bác sĩ. Đây là thái độ tự trọng, thể hiện đạo đức nghề nghiệp đích thực của một nghệ sĩ lớn.
Như một cánh chim không mỏi trên khung trời nghệ thuật, suốt đời mài miệt tìm tòi sáng tạo ra chất liệu sơn mài, với kỹ thuật cách tân trí tuệ và phong cách nghệ thuật tân kỳ, và một sức lao động nghệ thuật hiếm có, một nhân cách lớn đặc biệt, Nguyễn Gia Trí đáng tôn vinh là đỉnh cao nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
20.01.2020
Đ.T
 
* Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân (1906-1954), Nguyễn Tường Lân (1906-1946), Trần Văn Cẩn (1910-1994): bộ tứ họa sĩ nổi tiếng, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (L’École Supérieure Nationale des Beaux-Arts de l’Indochine)
 (1)  Hoàng Hưng “Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật”
 
19/3/2020
Đan Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...