Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Tết ở quê tôi

Tết ở quê tôi

Mỗi năm cứ vào tháng chạp, cả làng tôi lại nhộn nhịp hẳn lên. Người lớn lên tận Hương Sơn, Hương Khê tìm mua lá gói bánh chưng, bánh tày (miền nam gọi bánh tét), kẻ cuốn hương trầm, người chuẩn bị gạo nếp… để mang ra chợ Huyện bán (làng tôi có chợ Huyện to nhất trong vùng). Còn mấy đứa trẻ chúng tôi theo bà, theo mẹ ra chợ. Bãi đáp đầu tiên là chỗ ông già nặn tò he. Cả mấy đứa cứ trố mắt ra nhìn ông lão đưa bàn tay khéo léo tài hoa của mình nặn ra nào là voi, ngựa, cá và cả những ông tướng áo quần xanh đỏ với chiếc kiếm màu trắng bằng thứ bột gạo, bột nếp nhuộm phẩm màu vàng, xanh, tím, đỏ. Chúng tôi mỗi đứa được mẹ mua cho hai, ba con tò he về chơi.  Chơi chán lại đem nướng trên bếp than cho phồng rộp hẳn lên rồi chia nhau ăn. Đứa nào cũng cảm thấy thích thú, mặc cho mồm mép đen nhẻm dính đầy muội than.
Chợ Huyện ngày tết bán đầy tranh và câu đối. Tranh tết nhiều nhất là cá chép ngắm trăng, các cụ trong làng bảo: “đó là tranh Lý Ngư vọng Nguyệt”. Và tranh Xuân, Hạ, Thu, Đông có Đào, Mai, Cúc, Trúc là những hình ảnh gần gũi nơi thôn dã. Mấy đứa trẻ chúng tôi đứng ngắm tranh say ngất ngư, say như điếu đổ mà chỉ dám đứng nhìn đành chịu vì trong túi không có lấy một đồng xu. Xem chán lại lang thang dạt ra hàng hoa. Hoa đào, hoa mai đầy một góc chợ. Có những cành đào mới chặt trên cây xuống, nụ hoa còn nguyên những ngấn sương mai đọng trên lá, trên hoa long lanh dưới ánh mặt trời… Rồi cây quất và các loại cây cảnh khác. Chợ bán cả cây giống như chanh, hồng xiêm... Mấy đứa trẻ bám vào nhau đi từ đầu chợ đến cuối chợ chỉ để mà ngắm cho thoả thích. Trưa buổi, mẹ mua cho mỗi đứa vài thanh kẹo lạc, một nắm mứt rồi vừa đi vừa ăn. Thế là hết buổi chợ tết, mấy đứa kéo nhau về. Ừ! Về sớm để trưa còn xem ông nội gói bánh chưng nữa chứ. Còn ngồi vót từng bó tăm tre nhỏ ngắn khoảng ngón tay nhọn hai đầu giúp ông nội để ông găm vào lá gói bánh.
Ăn cơm trưa xong ông nội bê ra một rá gạo nếp đầy đã vò kỹ. Một xấp lá dong dùng gói bánh đã rửa sạch, gọt hết sống để lên góc bàn. Ông Nội ngồi xuống ghế đợi mẹ tôi đem nồi đậu xanh được đãi hết vỏ nấu chín, chà nhuyễn để làm nhân. Thoạt đầu, ông gấp một tấm lá làm mặt bánh và lấy tấm lá khác đè lên. Ông ghép thêm hai lần lá dọc ngang nữa rồi đổ vào đấy một bát gạo nếp gạt bằng, bỏ nhân vào. Nhân là bột đậu, hai miếng thịt lợn thái dài, dăm lá hành và hạt tiêu. Xong lại đổ đè lên một bát gạo nếp, ấn dẹt xuống và bắt đầu gói. Những chiếc bánh của ông tôi gói xong đều vuông vức, dày đều nhau. Nếp gấp của lá nằm giữa chiếc bánh trông thật là đẹp. Cuối buổi, ông gói riêng ra mấy tấm bánh nhỏ bằng lòng bằng tay, gọi là bánh “ro” cho các cháu nhỏ. Tết nào chúng tôi cũng ngồi bên nồi bánh chưng vừa chêm thêm củi, đổ thêm nước chờ bánh chín để được lấy bánh “ro” ra ăn trước. Hai ông cháu thay nước trở bánh rồi lại tiếp tục nấu. Nồi bánh Chưng phải đun sôi sùng sục mười tiếng đồng hồ mới mềm và dẻo. Bánh chín ông vớt bánh ra ngâm vào thùng nước lạnh chờ đến khi bánh nguội hẳn mới vớt lên ép hết nước bánh mới để được lâu, ngon mà không nhão.
Mới đó thoắt đã hơn năm mươi năm, tôi lại tiếp tục gói bánh thay ông Nội để thờ cúng Tổ Tiên đêm giao thừa. Một tập tục mà năm mươi năm qua vẫn không thay đổi trên quê tôi dù làng xóm bây giờ nhà cửa đã khang trang, đời sống nhân dân ngày một giàu có hơn. Bây giờ lại đến lượt con cháu tôi theo bà, theo mẹ đi chợ Tết và lại ngồi chờ chực bên nồi bánh chưng xanh để được ăn bánh “ro” và tận hưởng bầu không khí ấm cúng của ngày Tết…
Ôi! Những ngày Tết mới vui và ấm áp làm sao! Ta như cảm nhận được niềm xúc cảm đang dâng trào trong huyết quản mỗi người con của làng quê thôn Việt mỗi lần đi chợ Tết và trong những nồi bánh chưng xanh đang sùng sục sôi trên bếp lửa hồng.
12/1/2019
Nguyễn Văn Thanh
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...