Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Bỏ đi

Bỏ đi

Gia đình là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chứa đựng tình yêu, là nơi mà bất cứ ai, bất cứ người nào dù ở đâu cũng luôn nhớ về. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn có được một mái ấm hạnh phúc như thế. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Bỏ Đi của tác giả Phạm Thị Thanh Hoa (trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện, Hương Sơn, Hà Tĩnh)
Trời chập chiều mùa thu rất nhanh về tối. Mặt trời gần chạm mái núi Chuối đỏ như lòng đỏ trứng gà, tia nắng quá yếu không xuyên nổi hàng trăm lớp sương mù bảng lảng buổi hoàng hôn, thành ra mặt trời còn đó mà không có nắng. Các ngả đường thôn Cầm trâu bò thung dung, lắc lư về chuồng. Tiếng người nói chuyện cũng rôm rả. 
Khuôn mặt Hiệp nặng trịch, đôi mắt u tối chăm chú nhìn con trâu của gã đang nán gặm cỏ bên vệ đường. Vừa lúc, đàn trâu bò của xóm từ ngoài đồng về tới, gã toan kéo dây thừng về theo nhưng con trâu nặng mũi cứ trì xuống cạp soàn soạt xuống vạt cỏ. Hiệp chiều ý, đứng lại. Mọi người vừa lùa gia súc của mình vừa gọi Hiệp:
- Về thôi chú Hiệp. Tối rồi, về lo cho con chứ vợ đi rồi ai lo cho nó?
- Về thôiiii!
Hiệp ngẩng lên, nhếch mép cười nhỏ, gượng gạo dạ. Đoàn người đi qua một quãng xa, Hiệp kéo mạnh dây thừng, con trâu miễn cưỡng bị kéo căng mũi giật nốt miếng cỏ rồi cất chân bước.
      Trời đã chập choạng, không còn trông rõ mặt người, xóm đã nghe râm ran tiếng người gọi mời uống nước chè, tiếng gà, vịt kêu lên chuồng, tiếng người gọi giục, quát con cái…Hiệp lùa trâu vào chuồng, kéo then cài và đóng chốt xong mới vào giếng rửa. Khoang giếng tối om, trong nhà lấp ló ánh đèn, tiếng bà Liên gọi thằng cháu:
- Bo, bo đâu rồi, lại đây nào!
- Ăn mau, ăn mau con! Bố sắp về rồi đấy!
Cu Bo lúng búng cơm đang ngậm hỏi:
- Sao bố về lâu thế hả bà? Mẹ nữa, mẹ đi chợ mãi!
Hiệp nghe con hỏi, bước vội lên thềm nhà, đằng hắng một tiếng. Cu Bo nghe thấy, chạy ào ra:
-    A, bố về! Sao bố về muộn thế?
Hiệp không trả lời câu hỏi của con, ngồi xuống mặc kệ hai tay đang hôi mùi bùn đất, da trâu, xốc nách thằng bé:
-    Bo ở nhà ngoan không? Ăn ngoan rồi bố mua kẹo cho nhé!
Bà Liên ở trong bếp đi ra, nạt to:
-    Bố mày đừng hứa lung tung, cả đời có thấy mua kẹo cho con bao giờ đâu mà cứ hứa mãi, lừa trẻ con tội nó!
Hiệp im lặng, quay qua thả Bo xuống rồi bật đèn giếng ra rửa tay chân. Bà Liên nhìn theo, nén tiếng thở dài, quay lại tiếp tục dỗ cháu ăn cơm. Thằng Bo ngơ ngẩn nhìn theo dáng bố rồi cũng im lặng.
      Xong bữa cơm tối, bà Liên vừa dọn vừa nói:
-    Tối nay thằng Hiệp ở nhà mà trông cu Bo nhá! Tối nay hội phụ nữ xóm họp, tao phải đi.
-    Nó ở nhà với ông đó rồi còn gì.
Ông Minh nghe vậy, gắt gỏng:
-    Tao mệt. Đi, đi cả ngày mày không chán à? Hở cái là đi!
Hiệp không trả lời, đứng dậy cầm điện thoại đi ra ngõ. Bà Liên, ông Minh nhìn theo mặt xuội lơ. Bà Liên lầm bầm:
-    Không biết kiếp trước ăn ở thế nào mà ra nông nổi này!
Cu Bo nhìn theo dáng bố, mặt méo xẹo nhưng không dám khóc. Nó quá quen với việc bố nó đi hằng đêm rồi. Từ khi có mặt trên đời đến nay, chưa bao giờ nó được chơi với bố lấy một lần mỗi khi đêm xuống. Cứ ăn xong là gã đi, mặc kệ vợ trẻ con thơ ngóng theo. Lâu dần rồi quen, chưa đêm nào Hiệp không đi, kể cả khi vợ mới đẻ. Mà công việc gì cho cam, gã đi tụ tập cùng nhóm bạn lêu lổng trong làng tại một nhà đứa trong nhóm rồi đánh bài hoặc tán gẫu, có khi uống rượu đến khuya mới về. Đêm nào cũng như đêm nào. 
Ai cũng mong có một mái ấm hạnh phúc (Tranh minh họa: Nguyện Sơn)
       Bà Liên dọn dẹp, xem xong dự báo thời tiết liền gọi cu Bo đi rửa chân lên giường. Cu Bo ngoan ngoãn nghe theo. Bà Liên cũng lên nằm cùng cháu. Cu Bo lại hỏi câu hỏi hai ngày nay nó liên tục hỏi bà:
-    Mẹ khi nào về hả bà?
Bà Liên trả lời qua quýt:
-    À, ừ con ngủ ngoan rồi mẹ về mẹ mua kẹo và đồ chơi nhá!
-    Mẹ đi về có nhiều tiền hả bà?
-    Ừ, mẹ đi làm về sẽ có tiền.
   Cu Bo không hỏi nữa, yên lặng nằm nhìn lên trần màn. Chắc trong đầu nó đang mải nghĩ về những chiếc kẹo, hộp sữa mẹ sẽ đem về. Thấy miệng cậu mỉm cười rồi quay lại rúc vào nách bà. Bà Liên tay vỗ vỗ lên vai cháu đều đều. Mười phút sau, nghe tiếng thở cháu đã đều và chậm, bà Liên nhẹ nhàng ngồi dậy, đưa tay với kéo cánh màn xuống rồi ém góc cẩn thận. Xong xuôi, bà nhìn thằng cháu nội mà buồn mênh mang. Lần này đã là lần thứ ba Huyền- con dâu bà, vợ Hiệp và là mẹ cu Bo- bỏ nhà ra đi. Dù không còn sốc như lần đầu nữa nhưng bà buồn, rất buồn. Cũng như hai lần đầu, Huyền đột ngột bỏ đi không báo với ai câu gì. Sáng sớm hôm đó bà còn nhờ cô mua hộ bà vỉ thuốc hạ huyết áp vì mấy ngày liên tục mưa nắng thất thường, huyết áp bà cũng thay đổi rất mệt. Vậy mà cô ta đã tranh thủ buổi chợ, cầm nốt chiếc xe đạp mini và chiếc điện thoại cũ cho hiệu cầm đồ lấy vài trăm bạc ra đi. Đến quá trưa, không thấy con dâu về, gọi điện không nghe máy, nhà ngoại cũng không biết, bà Minh mới đinh ninh Huyền bỏ đi. Khi nghe tin, Hiệp cũng chạy khắp nơi tìm hi vọng Huyền chưa ra khỏi huyện, nhưng rồi bặt vô âm tín. Hàng xóm hay tin, xôn xao thăm hỏi. Thành ý thì ít mà tò mò, xâm chọt thì nhiều. Kẻ thì ngao ngán an ủi, người bộc lộ sự tức giận thay. Xóm um sùm trong hai ngày liền, bà Liên phải tiếp khách cả ngày cả tối. Với cái xóm Cầm nhỏ bé vốn bình yên bao đời này, sự kiện Huyền bỏ đi như vậy là rất lớn, đáng để lên án, để cảm thông, chia sẻ. Ai đến cũng lại ôm thằng cu Bo một tí như để tỏ lòng cảm thương, còn bé thế này mà mẹ nó nỡ bỏ rơi mấy bận. Hết an ủi bà Liên, họ quay sang quả quyết với Hiệp:
-    Lần này thì dứt khoát được rồi đấy! Tại mày thì mẹ mày mới khổ thế! Tại mày hiền quá, dễ tha thứ quá nên nó được lướt đây mà! Lần này mà mày cho nó về nữa có mà điên!!
Bao nhiêu lời ong tiếng ve đổ dồn vào tai, bà Liên càng rối, càng buồn. Hai lần trước, Huyền đi rồi về, rồi cũng xin xỏ, khóc lóc trót dại, những tưởng vá víu lại cho cháu đỡ khổ, cũng gọi ông bà ngoại giao kèo kí kết, Huyền cũng nước mắt ngắn, nước mắt dài xin tha. Vậy mà cơ sự lại vậy. Xét đi phải xét lại, bà trách thầm Huyền không biết nghĩ trước sau nhưng không ghét cô. Lỗi cũng tại Hiệp. Từ khi cưới về đến khi cu Bo ba tuổi, sống chung nhà nhưng chưa bao giờ bà chứng kiến được giây phút thân mật của hai vợ chồng nó. Hiệp thích gì làm nấy, không mấy khi hỏi han vợ lấy một câu. Đã vậy còn gọn gàng thái quá, đôi khi Huyền vì nhiều việc bỏ quên cái rổ trên bàn uống nước là y như rằng, hôm sau phải trèo lên chạn lấy vì Hiệp tiện tay ném lên khỏi rác mắt! Rồi đêm nào cũng đi chơi. Vợ bầu bì, đi chơi. Vợ đẻ cũng đi chơi. Rồi con ốm, vợ ốm gã cũng đi. Gã lêu lổng làm vài sào ruộng, không chịu làm thêm. Con nhỏ, Huyền túng quẫn nhiều khi cơm đút cho con ăn dặm chỉ chan nước mắm hoặc thêm bìa đậu phụ. Chưa đến hai mươi, cô đã phải đi xin quần áo để mặc. Bà Liên biết hết, nhưng bà cũng khó, không giúp được gì. Bà hiểu hết. Phụ nữ mà! Cô độc nào bằng khi nguội lạnh tình yêu. Khổ về vật chất họ chịu được. Nhưng cái cô đơn về tinh thần khó chịu lắm.
     Bà Liên nghĩ mông lung, bần thần hết cả người. Bất chợt, cơn gió nhẹ cuối thu thổi lay bức màn, bà thấy lành lạnh hai bờ vai. Quơ vội chiếc chăn mỏng đắp lên cho cu Bo, bà thò chân tìm dép nhẹ nhàng ra cửa. Ngoài ngõ đêm đen đặc, yên tĩnh. Đã hơn mười giờ đêm rồi mà Hiệp vẫn chưa về. Bà Liên khép hờ cánh cửa cho gió đỡ lùa, quay về nhìn chiếc giường trống hoác của vợ chồng Hiệp, cánh ri đô đã vén lên cao. Ánh điện trắng nhàn nhạt chiếu thẳng vào giường lạnh lẽo. Cái gối đôi màu hồng nhạt mà Huyền bỏ công mua và thêu lên hình đôi chim bồ câu trơ trẽn trên giường như cười mỉa cái kiếp hồng nhan của một đời con gái. Cái chiếu hoa đỏ thâm lỗ chỗ vì cu Bo đái cũng bao lần chứng kiến mẹ con Huyền vò võ chăm nhau những đêm nóng sốt, những đêm cữ thâu canh cu Bo không ngủ… Bà Liên lê bước về giường, ngồi xuống, nan giường nghiến vào nhau ken két. Cu Bo trở mình, bàng hoàng quờ tay: mẹ! mẹ! Bà Liên nằm vội xuống, tay ôm tay vỗ vai cu Bo:
- Bà đây! Bà đây! Con ngủ đi nhé! Mẹ đi làm mua kẹo cu Bo nhá!
Thằng cháu mếu máo nhưng ngủ ngay sau đó, trên miệng còn vương một nửa tiếng khóc trong mơ! Xa xa, tiếng ga sang canh gáy sớm xao động cả đêm thu yên tĩnh!.
25/2/2020
Phạm Thị Thanh Hoa
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...