Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

Đào Thu Hà: Lửa tái sinh

Đào Thu Hà: Lửa tái sinh

Mùa đông năm nay thật lạnh.
Những ngón tay Cầm chạm vào tôi buốt giá. Bàn tay Cầm xương gầy với những nốt chai ram ráp. Cầm vấn tóc. Tôi giữ cho tóc Cầm không xõa bung xuống bờ vai. Tóc Cầm đen nhánh, mềm như một loại dã thảo tôi biết từ xa xưa nhưng chẳng rõ tên, thoang thoảng hương hoa chanh dìu dịu. Tôi thích mùi hương trên tóc Cầm. Mùi hương không nồng nã mà bẽn lẽn, e ấp đúng như Cầm của cái ngày mà tôi mới biết. Cầm khoác áo, với cây đàn treo trên vách, khép cửa. Nàng men theo con đường nhỏ băng qua cánh đồng về phía triền sông. Bóng tối đuổi theo bước chân nàng. Vạt áo nàng bay trong gió, cô độc, tịch liêu. Gió luênh loang khắp cánh đồng chỉ còn trơ những gốc rạ.
Rượu. Thịt. Những cười ngả ngớn. Những bàn tay thô kệch, đen đúa và nhơm nhớp dầu mỡ ghé những ly rượu kề sát miệng nàng. Mùi rượu, mùi thịt, mùi mồ hôi quyện lẫn vào nhau như ám lên thân tôi. Tôi muốn rúc sâu vào tóc nàng, hít hà hương hoa chanh thơm dịu. Hình như những sợi tóc nàng run rẩy. Tiếng đàn nỉ non, giọng hát nỉ non xen lẫn những tiếng nói, tiếng cười sằng sặc, xen lẫn những tiếng hú hét phấn khích. Góc nào đó vọng lại tiếng khóc của một tên đã uống say. Những ngón tay Cầm lướt trên dây đàn. Gió thổi trên tóc nàng, lạnh buốt.
Nhà văn trẻ Đào Thu Hà ở Đắk Nông
Tàn cuộc. Nàng trở về căn nhà nằm ở phía đầu làng, quay lưng lại phía triền sông lúc trời đã mờ mờ sáng. Nàng gỡ tóc. Mái tóc dài tràn xuống tựa dòng thác đổ. Tôi nằm trong tay nàng. Những ngón tay gầy xương lạnh buốt. Nàng nhìn cánh hoa mai trên thân tôi, nước mắt nàng lóng lánh. Ánh mắt hàng ngàn đêm rồi vẫn day dứt thế. Bao đêm tôi nằm trong tay nàng, nghe tiếng nàng nức nở. Nàng gọi tên Côi.
Tôi đã quên khuôn mặt Côi trông như thế nào rồi. Tôi đã quên mất giọng nói của Côi nghe như thế nào rồi. Tôi cũng chẳng thể nhớ nổi giọng cười của Côi ngày Côi tặng tôi cho Cầm. Hình ảnh duy nhất về Côi mà tôi nhớ là cái dáng ngồi cặm cụi, nhẫn nại đưa lưỡi dao từng chút từng chút một vạt lớp vỏ xù xì, mốc meo, mài tôi nhẵn bóng và khắc lên tôi một bông hoa mai năm cánh. Nhưng hình ảnh ấy cũng mờ mờ ảo ảo như ẩn như hiện trong lớp sương mờ ký ức. Lần cuối cùng Côi cài tôi lên tóc Cầm có lẽ cũng đã trôi qua cả ngàn ngày rồi.
Nhưng mà tôi chẳng quên Côi được. Đêm nào tôi cũng nằm trong tay Cầm, nghe Cầm nức nở, nghe Cầm gọi tên Côi, nghe Cầm kể hàng ngàn lần những câu chuyện nho nhỏ của hai người. Đấy là cách để Cầm vơi đi nỗi nhớ và quên đi những tủi hờn, những lời đàm tiếu, những lời sỉ vả cay độc. Tôi thương Cầm. Nhưng tôi chẳng thể nói, chẳng thể an ủi cũng chẳng thể khóc cùng Cầm. Tôi chỉ có thể lặng lẽ nằm trên tay nàng. Năm cánh hoa mai thấm trọn những giọt nước mắt mằn mặn của nàng.
Dạo này, tóc Cầm đã lẫn một vài sợi bạc. Những đêm nhớ thương, những đêm mất ngủ, những đêm gồng mình đàn hát mua vui, những ngày hứng chịu sự khinh khi của người đời đã dần bào mòn Cầm. Mà Cầm thì mảnh mai nhường ấy.
– Trông mặt thì cũng có đến nỗi nào đâu mà lại như thế. Cái ngữ ấy thì đánh chết cái nết cũng không chừa.
– Ôi dào, trông con mắt lúng liếng thế kia. Chắc anh chồng biết chẳng ra gì nên mới bỏ đi biền biệt từng ấy năm không về.
– Bây giờ lại còn bày đặt lấy khăn che mặt. Gớm, báu bở lắm!
Những người đàn bà trong cái làng nhỏ ven sông này mỗi khi nhắc đến Cầm trước tiên sẽ nhổ miếng nước trầu đỏ lòm lòm nghe đánh “bẹt” một cái xuống đất ra chiều khinh bỉ. Họ không còn gọi tên của nàng mà gọi bằng “cái ngữ ấy”. Rồi tiếp sau đó là những điều xấu xa chẳng cần rõ đúng sai, chẳng lấy gì làm thiện cảm. Ngày những người chồng của họ còn ở làng, họ cấm chồng không được “bén mảng” gần nhà của người đàn bà lăng loàn. Mà chẳng riêng gì họ, những người già trong làng tuy không xỉa xói nhưng khi gặp nàng trên đường đều tránh mặt, nghe tiếng nàng chào thì họ vờ như không nghe thấy. Rồi khi những người đàn ông trong làng đi hết, những người đàn bà nhìn Cầm bằng ánh mắt căm thù. Nếu có thể đuổi nàng ra khỏi làng, chắc họ sẽ sẵn sàng. Họ không dám đuổi nàng vì họ sợ “chỗ dựa” của nàng. Chẳng thể ra mặt, họ mắt nhắm mắt mở cho lũ trẻ con bày trò chọc phá. Lũ trẻ con dưới sự làm ngơ của người lớn cũng tỏ thái độ với nàng. Chúng chẳng cần kiêng nể, nay chúng ném đá lên mái lá, mai chúng thả con chuột chết vào vại nước. Có lần, chúng ném đá trúng đầu nàng, tóe máu. Đến giờ, vết sẹo vẫn còn mờ mờ dưới lớp tóc dày. Giá tôi có thể nói được, tôi sẽ hét vào mặt những người đó rằng Cầm của tôi không phải là người như thế. Cầm là cô gái dịu dàng, chẳng hề dám nói nặng ai một lời. Giá tôi có thể nói, tôi sẽ hỏi Cầm tội gì phải như thế, tội gì phải âm thầm chịu đựng một mình.
Mà thật ra chẳng cần hỏi, tôi cũng biết câu trả lời. Tôi chỉ là một cái trâm gỗ được đôi bàn tay vụng về của một người con trai đẽo gọt nên. Bởi vì người con trai ấy nhẫn nại từng chút từng chút một như gửi tất cả tình thương vào từng nhát gọt, từng nhát khắc mà tạo ra tôi nên tôi biết.
Cầm làm tất cả là vì người con trai ấy.
Lần đầu tiên tôi gặp Cầm, tôi đã nhận thấy Cầm thương Côi nhiều thế nào. Đôi mắt long lanh của Cầm, nụ cười trên môi Cầm. Tất cả như bừng sáng khi Cầm nhìn Côi. Tôi thấy Cầm run rẩy trong niềm hạnh phúc khi tay Côi cài tôi vào búi tóc Cầm. Tôi biết, khi một người con trai trao tặng một người con gái một chiếc trâm cài tóc có nghĩa là trao một lời ước hẹn, một lời thề nguyền trọn đời trọn kiếp, trao đi một tình yêu nồng nàn và tha thiết. Huống hồ, tôi lại do chính tay Côi tạo ra. Tôi là lời thề nguyền, là lời hẹn ước Côi dành cho Cầm. Tôi ở đây, thay Côi an ủi Cầm những ngày Côi không có mặt. Mấy nghìn ngày biền biệt, Côi có còn trở về nữa không. Cầm luôn tin rằng Côi sẽ trở về. Cầm bám vào niềm tin ấy để vượt lên những đau khổ, những dị nghị, những mỉa mai. Vượt qua những ánh mắt chém vào Cầm những vết thương sắc lẹm, đớn đau. Dù rằng chiến tranh cứ mãi dài dằng dặc, chẳng biết khi nào mới kết thúc.
Cầm đã ngủ rồi. Giấc ngủ nặng nề quá. Tôi nằm bên gối, nhìn thấy giọt nước mắt vương trên mi Cầm. Bất giác, môi Cầm cong lên một nụ cười rất khẽ. Chắc nàng mơ thấy Côi.
Những ngày tôi cùng Cầm được ở bên Côi ngắn ngủi như một cái chớp mắt. Chắc tại vì những ngày ấy chỉ toàn những niềm vui và hạnh phúc nên thời gian trôi qua vội. Côi múc nước cho Cầm gội đầu, hương chanh vấn vít. Những sợi tóc Cầm óng ánh hong khô dưới làn gió. Côi ủ bàn tay gầy gầy lạnh buốt của Cầm trong bàn tay to lớn ấm áp của mình. Côi ngồi tỉ mẩn khắc cho Cầm những món đồ xinh xinh bằng gỗ. Côi bảo khi nào đủ tiền sẽ mua cho Cầm một chiếc trâm vàng có những sợi tua rủ xuống thật đẹp. Côi chống cằm si mê nhìn Cầm đàn, cầm hát. Chẳng mong gác ngọc lầu vàng. Chỉ mong trọn kiếp bên chàng thế thôi.
Năm tháng êm đềm đã qua rồi. Thân nam nhi chí ở bốn phương. Côi chẳng thể ngồi yên nhìn nước non rên xiết dưới vó ngựa quân xâm lược. Côi xuôi thuyền vượt sông tìm đến nghĩa quân khởi nghĩa. Ngày Côi đi, Cầm nắm chặt tôi trong tay. Nàng chẳng cần trâm vàng trâm bạc. Nàng chỉ Cần côi bình yên trở về. Tóc nàng rối bời trong gió. Nàng chạy dọc triền sông, chạy về phía con thuyền đang đưa Côi rời bến rồi xa mãi, xa mãi cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ trên sóng nước mênh mang.
Thế rồi giặc kéo đến làng. Cái ngôi làng nằm bên sông, tựa vào núi tưởng rằng xa xôi giặc sẽ chẳng thể nào kéo tới vậy mà cũng bị cuốn vào cuộc chiến tranh. Trại giặc đóng ở cánh đồng tiếp giáp giữa ba làng. Ngày giặc kéo vào làng cướp bóc, đốt phá. Đêm chúng mở tiệc rượu hò hét suốt đêm. Chúng đốt chùa, đốt đền. Nhà thầy đồ cũng bị đốt cháy. Những cuốn sách quý, những văn thư thầy nâng niu, gìn giữ cả đời bị đốt thành một đống tro tàn. Đàn ông trong làng thưa vắng dần. Người bị ép xuống biển mò ngọc, kẻ bị đưa lên chống rừng thiêng nước độc đãi cát tìm vàng. Đêm cuối cùng trước khi Côi đi, Côi còn kể Cầm cho nghe những điều đau đớn hơn. Côi bảo những người trên thuyền kể cho Côi nghe, đã có hàng nghìn những thanh niên khỏe mạnh nhất, những người thợ giỏi nhất của đất Việt đã bị giặc bắt, bị thiến để tiệt nòi giống Việt. Nước mất nhà tan, Côi phải đi. Cầm hiểu. Đêm ấy, nàng hứng trọn những yêu thương và cũng trao trọn những yêu thương dành cho Côi.
Người ta bảo hồng nhan bạc phận. Đàn bà có nhan sắc trong thời loạn lạc lại càng khổ. Những tên tướng giặc để ý nàng, dụ dỗ nàng. Dụ dỗ không được chúng ép buộc. Tôi vạch lên má Cầm một vết sẹo dài. Vết sẹo cắt ngang bầu má tròn có lúm đồng tiền xinh xinh của Cầm. Đôi má lúm ngày nào Côi thường chọt chọt ngón tay, trêu Cầm kiếp trước chắc lì lợm quá nên bị đánh dấu. Ngày trở về, Côi có trách tôi không.
Không còn nhan sắc, Cầm còn tiếng đàn, tiếng hát. Giặc ép Cầm đánh đàn cho những cuộc tiệc rượu. Làng giờ chỉ còn người già, đàn bà và con nít. Cầm đã từng thề sẽ chỉ đàn cho Côi nghe. Nhưng nếu Cầm không đi thì những người còn lại trong làng sẽ thành nơi trút giận cho lũ giặc. Cầm tháo chiếc đàn trên vách. Những ngón tay Cầm chạm vào dây đàn tứa máu. Tôi thấy những sợi tóc Cầm run rẩy, tê dại.
***
“Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan!
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”
(Quỷ môn quan, Quỷ Môn Quan!
Mười người đi, một người về”)
Viên tiểu tướng dẫn đầu toán quân nhỏ của mình tìm nơi mai phục. Đội quân của tướng Trần Lựu sẽ giả thua dụ địch chạy từ Ải Nam Quan về Ải Chi Lăng. Đôi mắt sáng của người tiểu tướng nhìn chăm chú xuống phía dưới. Một khoảng thung lũng hẹp nằm ép giữa hai dãy núi dựng đứng tựa như bức tường thành hiểm trở, vững chãi và được bọc xung quanh bởi những dãy núi thấp. Nơi đây sẽ là mồ chôn địch. Chiến tranh sẽ kết thúc. Viên tiểu tướng thấy lòng mình như rộn lên một niềm hạnh phúc khó có thể nói hết thành lời. Từ buổi chia tay bên triền sông xuôi thuyền tìm về với nghĩa quân, chớp mắt đã mười năm trôi qua. Mười năm, người con gái năm nào có còn đợi chàng như lời hẹn ước. Chàng đưa tay lên ngực. Nơi ấy, chiếc khăn tay như ấm lên, hòa cùng những nhịp đập mạnh mẽ của trái tim. Chiếc khăn tay thêu tên một người con gái. Người con gái tên Cầm.
Những năm tháng chinh chiến, gươm đao vô tình, cận kề sinh tử, cái tên của người con gái dịu dàng tựa một tiếng đàn ấy lúc nào cũng như một vầng trăng nhỏ, trong sáng, xoa dịu đi những đau đớn, mất mát, những khốc liệt, chết chóc của những trận đánh một mất một còn với kẻ thù. Giữa những trận chiến, Côi thường nhớ về đôi má tròn bầu bĩnh có lúm đồng tiền xinh xinh mà ngón tay anh thường trêu chọc. Mười năm, chưa từng phút nào nguôi nhớ thương. Chỉ mong chiến tranh đừng lan tới ngôi làng nhỏ ven sông ấy, để Cầm có thể bình yên. Chỉ mong có thể trở về, chải đầu, vấn tóc, cài trâm và trả cho Cầm một đám cưới. Chỉ mong trong suốt quãng đời còn lại, Cầm sẽ không còn phải rơi nước mắt.
Lần đầu tiên gặp Cầm, Côi đã chẳng thể cầm lòng trước khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt của Cầm. Cầm ngồi cạnh xác mẹ bên vệ đường, lặng lẽ khóc. Cầm hoảng loạn mà chẳng dám khóc thành tiếng. Sức vóc của một đứa con gái mười lăm, mười sáu tuổi đầu, không nhà cửa, không tiền bạc biết lo chôn cất mẹ thế nào, biết nương tựa vào đâu. Loạn lạc, người ta lo cho thân mình còn chưa xong, chẳng ai để ý đến Cầm. Lúc ấy, Côi đã bước đến. Côi cũng chỉ là một đứa trẻ mồ côi, không cha, không mẹ. Cha Côi giống cha Cầm, bị giặc sát hại rồi. Mẹ Côi vì đau khổ, vì cực nhọc mà cũng buông tay trần thế, để lại mình Côi côi cút trên cõi đời. Cầm chẳng còn sức để khóc thành tiếng. Những giọt nước nước mắt lặng lẽ, nghẹn ngào của Cầm đã khiến Côi xót xa. Côi giúp Cầm chôn mẹ. Côi đưa Cầm đi theo mình. Một cô gái nhỏ bơ vơ lại có chút nhan sắc giữa thời loạn lạc, giặc giã sẽ chẳng thể nào sống yên ổn một mình.
Dắt díu nhau đi, nương tựa vào nhau, từ sự xót xa, thông cảm, Côi đã thương Cầm từ lúc nào chẳng rõ. Thứ tình cảm tựa như một ngọn lửa nhỏ cứ nhen dần lên, mỗi ngày lại sáng lên một chút, ấm nóng thêm một chút, mang yêu thương lấp đầy trái tim côi cút, bơ vơ của Côi. Côi thương cái cách Cầm nhìn Côi rồi cười bẽn lẽn. Mắt Cầm như có những vì sao lấp lánh. Đôi má lúm xinh xinh tròn xoe trên má. Côi thường đưa tay chọc vào đôi má lúm ấy, trêu Cầm:
– Chắc kiếp trước bướng lắm nên bà mụ phải đánh dấu trên má.
Cầm đấm nhẹ vào lưng Côi, khúc khích. Tiếng cười của Cầm trong vắt trên triền sông ngược gió.
Côi thích vùi mặt vào tóc Cầm, mái tóc đen dài lúc nào cũng thoang thoảng mùi hoa chanh thanh khiết. Chỉ cần luồn tay vào mái tóc ấy, nghe những mềm mại chảy tràn qua đôi bàn tay thô ráp đầy những vết chai sần sẽ thấy lòng mình dịu lại. Côi cứ nhớ mãi ánh mắt bừng sáng niềm vui của Cầm lúc Côi tặng Cầm chiếc trâm gỗ. Chiếc trâm mộc mạc, giản dị và hơi thô ráp do chính bàn tay vụng về của Côi đẽo gọt nên. Côi đã hứa sẽ mua tặng Cầm một chiếc trâm vàng thật đẹp, thật lộng lẫy để tô điểm cho mái tóc Cầm thêm rực rỡ. Cô gái nhỏ hiền dịu ấy đã ôm Côi, thì thầm những lời thật khẽ rằng chiếc trâm gỗ khắc hình hoa mai năm cánh ấy là thứ quý giá nhất Côi tặng, rằng chỉ cần Côi trở về là đủ đầy, viên mãn.  Chiến tranh sắp kết thúc rồi. Côi sắp được trở về bên mái nhà nhỏ nơi có người con gái Côi thương.
Côi thương cả tiếng đàn, tiếng hát của Cầm. Côi chưa từng nghe một người con gái nào ngoài Cầm hát nhưng Côi tin chắc trên đời này chẳng ai hát hay bằng Cầm. Giọng Cầm nhẹ nhàng như một lời thủ thỉ, như một lời giãi bày, tâm sự. Cầm bảo, hồi còn sống mẹ không dạy Cầm đàn, không dạy Cầm hát. Mẹ bảo đời mẹ may gặp bố mới thoát khỏi chốn nhớp nhơ nên không muốn Cầm bị gọi là kẻ “xướng ca vô loài”. Nhưng bố mất, hai mẹ con côi cút nương tựa vào nhau, mẹ lại phải lấy tiếng đàn, tiếng hát làm kế sinh nhai, mong có thể đắp đổi qua ngày may chăng qua thời loạn lạc. Suốt những ngày tháng dặm trường ấy, Cầm lén mẹ học đàn, nhẩm hát. Cầm chỉ nghĩ, lỡ chẳng may mẹ già yếu thì Cầm thay mẹ. Đôi mắt mẹ Cầm bị lòa vì khóc chồng nhưng linh cảm của một người mẹ giúp bà cảm nhận được những điều Cầm làm. Bà chấp nhận. Bởi vì bà chẳng biết rồi ngày mai hay ngày sau nữa con sóng cuộc đời sẽ đẩy mẹ con bà trôi dạt đến đâu. Trước lúc nhắm mắt, bà đặt tay Cầm vào cây đàn mà ứa nước mắt.
Chắc những ngày vắng Côi, Cầm chỉ biết làm bạn với cây đàn. Đêm trước ngày Côi đi, Cầm gồi đầu lên tay Côi, bờ môi Cầm chạm vào tai Côi, mềm mại, ấm áp. Hơi thở của Cầm như cọng cỏ mềm quét qua tim Côi ngưa ngứa. Cầm bảo những ngày xa Côi sẽ cố nghĩ ra một khúc nhạc thật hay để chờ ngày Côi trở về, Cầm sẽ đàn, sẽ hát cho Côi nghe.
Vậy mà Côi đã xa Cầm cả mấy ngàn ngày đêm rồi. Từ những ngày mùa Thu theo nghĩa quân đánh úp đồn Đa Căng tiến thẳng về Nghệ An đến trận Trà Lân giết hơn hai ngàn tên địch. Trong trận chiến ác liệt ấy, Côi bị một vết đao cắt ngang má. Mà chẳng riêng gì trên khuôn mặt, trên lưng Côi cũng dọc ngang những vết sẹo mà gươm, giáo để lại. Ngày về, chẳng biết Cầm có chê Côi xấu xí hay không. Côi nghĩ, thà là Cầm chê Côi xấu xí cũng còn dễ chịu hơn việc Cầm sờ vào những vết sẹo ấy mà khóc. Nước mắt của Cầm luôn khiến Côi xót xa, đau đớn. Đau đớn hơn cả lúc rút mũi tên của địch xuyên qua bả vai khiến máu thịt lẫn lộn. Thà rằng Côi chịu đau cũng không muốn Cầm phải khóc vì mình.
Chiến dịch vây thành Đông Quan, cứ ngỡ đã cầm chắc chiến thắng, chấm dứt cuộc chiến tranh lầm than. Ai ngờ Vương Thông dối trá để đợi cứu viện. Triều đình phương Bắc phái hai đạo quân tiếp viện do Liễu Thăng và Mộc Thạnh cầm đầu. Nhưng điều đấy cũng chỉ khiến chúng cầm cự được trong thời khắc. Ải Chi Lăng này sẽ là mồ chôn quân cứu viện của giặc.
Tiếng vó ngựa dồn dập. Bụi mù mịt thốc lên bốn phía. Giặc đã lọt vào ổ mai phục. Côi bật dậy. Những toán quân mai phục bật dậy. Tiếng reo hò từ bốn phương tám hướng bật lên, dội vào vách đá âm vang. Tên như mưa bay xuống. Giặc chết như ngả rạ. Những tên giặc thoát khỏi tên dẫm đạp lên nhau chạy trốn. Tướng Lê Sát, Trần Lựu đổ ra rồi. Toán quân của Côi cũng lao xuống. Gươm, đao, binh khí kim loại va vào nhau sắc lạnh. Lưỡi gươm của Côi loang loáng vung lên, máu nhuộm đỏ. Vị tướng chỉ huy của Côi xông vào giữa quân địch, máu nhuộm đỏ khuôn mặt, bắn lên những sợi tóc đã bạc trắng của ông. Nhưng ông hăng hái lắm. Ngoại trừ mái tóc bạc trắng bởi năm tháng trận mạc, gươm đao, ông vẫn sung sức, vẫn tràn đầy khí thế lập công giết địch như những ngày còn trai tráng. Côi ngưỡng mộ và coi ông như cha mình. Ông chẳng còn ai trên cõi đời này. Giặc hèn hạ giết cả cha mẹ, vợ con ông lúc ông theo nghĩa quân khởi nghĩa. Ông nhận Côi làm con nuôi, hứa khi nào chiến thắng sẽ cùng Côi trở về, đứng ra làm đám cưới cho Côi và Cầm. Thanh đao của vị tướng chỉ huy vung lên từng đường chắc chắn và uy lực. Thừa dịp ông đang say chiến thắng, có tên địch đánh lén từ phía sau, định thọc mũi giáo vào lưng ông. Côi lao tới, mũi giáo xuyên qua ngực, xuyên qua chiếc khăn thêu tên Cầm.
Trong tai Côi chỉ còn nghe thấy tiếng reo của quân lính. Lưỡi gươm của tướng Lê Sát đã chém cụt đầu Liễu Thăng. Côi đưa tay móc chiếc khăn đã nhuộm đỏ máu từ ngực mình, nắm chặt trong tay. Côi ngã xuống. Nhưng chẳng thấy đau. Côi thấy mình bồng bềnh trôi như một làn sương buổi sớm. Tiếng gươm đao, hò hét, tiếng rên rỉ, gào thét tắt lịm. Chỉ còn tiếng đàn của Cầm như gần, như xa, chỉ còn nụ cười của Cầm trong veo khi Côi cầm chiếc trâm gỗ cài lên búi tóc Cầm.
***
Dạo này giặc điên cuồng cướp bóc, vơ vét. Chúng vào làng cướp sạch từ con gà, quả trứng đến mớ rau, con cá. Chúng châm lửa đốt cháy những mái rạ xơ xác rồi cười sằng sặc.
Nghe phong thanh rằng quân khởi nghĩa sắp giành chiến thắng. Nhiều nơi tướng giặc xin hàng hoặc bị chém. Doanh trại này của giặc cũng sắp rút chạy. Trước khi tháo chạy, chúng vẫn không quên vơ vét nốt những gì còn sót lại. Dân trong làng căm hận, chẳng lẽ lại để chúng rút lui thuận tiện như vậy!
Tôi thấy Cầm nghe lời đồn thổi về tin thắng trận từ vùng nọ vùng kia mà mỉm cười một mình. Cầm cố kìm nén để không lộ ra trước mặt người khác nhưng khóe miệng Cầm lúc nào cũng khẽ nhếch lên. Cầm ôm tôi, thì thầm quân giặc sắp bị đuổi hết, Côi sắp về rồi. Rồi Cầm đưa tay rờ rẫm vết sẹo trên má. Côi có chê Cầm xấu xí không. Côi có tin những lời xì xầm của người trong làng về Cầm không. Chắc Côi chẳng phải người nông cạn như thế. Côi thương Cầm nhường ấy. Còn những người liên lạc với Cầm nữa, họ sẽ thanh minh cho Cầm.
Đêm nay giặc lại gọi Cầm vào đàn hát mua vui. Khi Cầm nắm chặt tôi trong tay ngắm nghía trước khi cài lên tóc, tôi thấy mắt Cầm đầy kiên định.
Tôi linh cảm một điều gì đó sắp đến. Sau vài lần Cầm vào doanh trại địch để đàn hát, có mấy người lạ mặt gặp Cầm. Họ từ phía rừng đi ra. Có người bán rong mấy thứ đặc sản kêu từ miền biển lên, lại có người đi hỏi mua mấy sản vật của làng để về xuôi bán lại. Tôi nghe lõm bõm câu được câu mất, gì mà “doanh trại”, “tướng”, “số tên”, “bố trí”..
Rượu. Thịt. Khóc. Cười. Đêm nay, Cầm đàn khúc vọng cố hương. Những tên lính bưng mặt khóc. Ai chẳng có một nếp nhà, một xứ sở, một miền quê để mà thương nhớ, để mà trông ngóng, mong mỏi. Ai chẳng nghĩ tới người mẹ già chiều chiều tựa cửa ngóng con mà không cảm thấy the thắt lòng. Tiếng đàn của Cầm day dứt quá. Tự nhiên tôi cũng thấy nhớ mảnh đất nơi thân cây đã từng sinh tôi ra bám rễ. Tôi chỉ là một khúc nhỏ thừa thãi được cắt ra từ thân cây cổ thụ giữa rừng già. Côi đã nằn nì xin tôi từ một người thợ mộc để gọt đẽo thành trâm cài tóc cho Cầm. Tôi nhớ chốn thâm u, nhớ những loài dã thảo nương náu trên thân cây mẹ, nhớ tiếng suối nguồn róc rách và cả không khí ẩm ướt của rừng già. Tiếng đàn của Cầm như đưa tôi quay trở lại với những ngày tắm mình trong mưa rừng gió núi. Chợt tiếng đàn đột ngột bị cắt đứt. Những tên lính ngơ ngác. Rồi như sực tỉnh, chúng bật lên tràng cười hô hố, thô bỉ, nhìn tên tướng giặc kéo tay Cầm về phía lều. Lại rượu. Lại thịt. Lại những tiếng nhồm nhoàm cắn xé, nhai nuốt.
Tên tướng giặc đẩy ngã Cầm. Những sợi tóc Cầm run lên không phải vì sợ hãi mà vì căm giận. Cầm không gào thét. Cầm giành sức lực để vùng vẫy thoát khỏi sự khống chế của tên tướng giặc. Trên đỉnh đầu Cầm, tôi nhìn thấy đôi mắt đục ngầu hung hãn của tên giặc. Thân hình kềnh càng như con gấu của gã đổ lên người Cầm. Cầm cắn vào cổ tên giặc. Bàn tay thô kệch của gã giáng một cú tát vào má Cầm. Vết sẹo trên má Cầm ửng đỏ, tê rát. Cầm ngất lịm. Tôi muốn gọi Cầm dậy. Tôi muốn xuyên thẳng vào cuống họng tướng giặc. Nhưng tôi chẳng thể làm gì. Tôi chỉ có thể bất lực gọi tên Côi trong câm lặng khi tên tướng giặc xé rách chiếc áo của Cầm.
Những tiếng gào thét chợt nổi lên bốn phía doanh trại. Tên tướng giặc đứng phắt dậy. Mắt gã long lên tựa như con thú hoang bị cướp mất miếng mồi vào giờ khắc quyết định. Những tiếng reo hò tràn từ phía núi, phía rừng dội vào doanh trại địch. Đội quân ẩn nấp bấy lâu trong rừng đã trở về giành lại quê hương. Đó là những thanh niên, những người đàn ông trong làng và những ngôi làng lân cận đã trốn thoát khỏi lũ giặc. Họ đã dẫn đường cho quân khởi nghĩa trở về đánh đuổi lũ ngoại bang. Những người đã liên lạc với Cầm bấy lâu nay, nhờ Cầm dò la, thám thính doanh trại trong những lần đàn hát chuốc say địch. Tiếng binh khí va vào nhau sắc lạnh. Những tiếng gào thét hoảng loạn của lính giặc vang vọng. Tên tướng giặc giật thanh gươm trên vách lao ra ngoài. Nhưng Cầm đã tỉnh dậy. Cầm ném ngọn đuốc cắm trên vách vào góc lều. Tên tướng giặc quay ngoắt lại, vung gươm về phía Cầm. Bằng tất cả sức mạnh còn lại của mình, Cầm rút chiếc trâm trên đỉnh đầu, đâm vào họng tên giặc. Thanh gươm xuyên qua người Cầm. Mái tóc Cầm xõa tung, đen thẫm như đêm. Tên tướng giặc gục xuống. Cầm nắm chặt chiếc trâm gỗ đẫm máu trong tay rồi khép mắt. Môi Cầm còn vương một nụ cười.
Lửa bùng lên. Trước khi ngọn lửa bao phủ lấy thân mình, tôi thấy có người gọi tên Cầm. Hình như là người nghĩa binh đã liên hệ với Cầm từ sau cái lần Cầm bị giặc bắt đến đàn hát mua vui cho chúng. Nhưng tôi chẳng thể nghe thêm gì nữa. Tôi thấy mình rực cháy. Tôi biết mình sẽ hóa tàn tro. Nhưng tôi tin lớp tàn tro của mình sẽ neo đậu, tan đi vào mảnh đất thân thuộc này. Để rồi từ lòng đất những hạt mầm sẽ vươn lên mạnh mẽ, biếc xanh…
8/2/2022
Đào Thu Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...