Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

"Cỏ mã linh" của Nguyễn Thị Mai Phương: Một hương cỏ văn chương

"Cỏ mã linh" của Nguyễn Thị Mai
Phương: Một hương cỏ văn chương

Nguyễn Thị Mai Phương quê ở Bắc Giang, hiện vẫn sống và viết tại quê nhà. Chị đã có 6 tác phẩm văn xuôi kể cả tập Cỏ mã linh,…
Cỏ mã linh trong truyện ngắn cùng tên được lấy làm tên chung cả tập truyện là lời hẹn ước tình yêu của một cô gái quê Việt với một người con trai lai Pháp cùng sinh ra và lớn lên tại một vùng quê. Người đã không kịp về lại nhưng tình yêu thì mãi còn. Toa tàu có treo chậu cỏ mã linh đã hiện ra trong mắt nhìn của cô gái ngày nào giờ đã là bà lão đúng như lời hứa hẹn. “Cỏ mã linh sau đấy được trồng ngay bến sông và những triền đồi. Mỗi cuối đông, những vạt cỏ lại bừng sáng kể về mối tình xưa.” (tr. 34). Nội dung và giọng điệu của thiên truyện này sẽ phả âm chung lên cả tập truyện.
Hai mươi truyện trong tập đều lấy bối cảnh thôn quê, đồng quê. Ở đó nhân vật của Mai Phương là những người phụ nữ, đàn bà chân quê, vất vả với thân phận quê, mà dù có xa quê, có đi đâu làm gì, vẫn cứ canh cánh một niềm quê cho mình, cho người. Hồi ức, rất nhiều những hồi ức kỷ niệm nhớ lại làm nền cho tâm trạng hoài niệm, nhớ thương, tiếc nuối, trăn trở, day dứt của các nhân vật phần nhiều là nữ, phần nhiều đứng ở vai “tôi”, trong các truyện của Mai Phương. Làng là khoảng đời trong trẻo của họ, cho họ níu kéo cuộc sống, cho họ một nơi chốn tìm về. Những người phụ nữ chất phác, lam lũ, và cả những người đàn ông nữa, họ ngay cả khi đã ra chốn thị thành, cả khi ngỡ như biến đổi khác mình, thì nhà văn vẫn luôn muốn giữ cho họ cái gốc làng để sống, để yêu, để được làm người bình thường trong một cuộc sống bình thường. Truyện của Mai Phương vì thế buồn một cách lắng đọng, có đau khổ nhưng không nặng nề, u uất. Những sự đảo lộn thay đổi ở làng thời hiện nay, những di chứng của chiến tranh ngày qua, những sấp ngửa đời người trước lối sống thời thị trường, hiện lên trang viết của Mai Phương là những nốt trầm trong lòng người. Tác giả không dửng dưng với thực tế nhưng cũng không bi kịch hóa nó. Điều chị quan tâm là sự tác động va đập của thực tế đó đến lòng người, nhất là người quê, tạo nên những vết thương lòng. Và bằng sáng tác của mình, nhà văn muốn xoa dịu, chữa trị vết thương ấy bằng một thứ cỏ mã linh văn chương tiếp cho nhân vật, và cả người đọc, niềm tin yêu cuộc đời và tình yêu con người. Có phải thế không mà truyện của Mai Phương có nhiều ý thơ, chất thơ. Có thể nói, thứ cỏ mã linh văn chương này tỏa hương thơ.
Cỏ mã linh – tập truyện Nguyễn Thị Mai Phương
Hương thơ ấy bàng bạc trong cảnh và tình của truyện, trong câu chữ lời văn. Thường là truyện mở đầu bằng một khung cảnh thiên nhiên rất đẫm tình dẫn dắt nhân vật (và người đọc) vào cõi nhớ, cõi thực. “Vừa tối trăng đã trong ngần nghiêng nghiêng bên kia sông. Lát nữa, nó sẽ nhích dần lên núi Gấm. Khi nào vầng trăng đứng im, soi ánh sáng chính giữa ngọn núi, người ta sẽ thấy có hạt châu sa khổng lồ tỏa ánh sáng xuống trần gian. Đêm vùng rừng, ánh trăng như mê hoặc hơn, dãi dề hơn. Tôi đưa tay soi dưới trăng, cảm giác thứ ánh sáng mơ màng ấy làm ướt tay mình. Mái tóc cũng có cảm giác dính dấp. Tôi mơ về một nụ hôn nhẹ nhàng của tình yêu. Đã rất lâu tôi chưa về quê, chưa gặp lại người đàn ông của mình.” (tr. 158). Đó là mở đầu truyện “Trăng soi đỉnh núi” dẫn vào câu chuyện của một cô giáo bám bản bám trường ở vùng cao. Còn đây, đoạn vào đầu truyện “Thềm cỏ dại”, cảnh khơi dòng mạch ký ức tình yêu của người nữ: “Trời cuối đông hanh nắng và hơi buồn. Những vạt cỏ sáng lên phía cuối chân đê. Bên sông, đám cây đuôi lươn nở hoa trắng bạt ngàn. Ngôi nhà với cái thềm đầy lá rụng xao lên trước gió. Có mùi hoàng lan ngào ngạt bay trong bóng chiều lẩn khuất. Tôi cảm thấy màn đêm đã đâu đấy ngay sau bức tường tràn nắng kia. Bãi cỏ dại bên sông xanh mờ nhạt hơn. Một thềm cỏ đang chuyển động mềm mại, vàng rực nắng, trên cao là tiếng thì thầm của một đôi trai gái. Họ hôn nhau và lăn trên bãi cỏ, lăn mãi cho đến khi mệt nhoài và ướt sũng. Tiếng thở dồn dập và bỏng rát nhanh chóng hòa vào hơi cỏ nồng nàn. Và tóc của cô gái bung xõa ra chảy tràn xuống mặt sông. Cái mặt nước ấy bỗng run rẩy, chao lên thành nhiều đợt sóng trùm lên nhau liên hồi. Hai người ấy đã tan vào nhau. Dư âm là sự êm ái của cực cảm dâng trào…” (tr. 178-79). Cái nhìn cảnh vật đó vừa là cái nhìn thực tại vừa là cái nhìn của ký ức. Đến như truyện “Tiệm hoa Chiko” (tr. 168) thì có thể đọc như một bài thơ. Tất cả trong đó đều khẽ khàng, nhẹ nhàng, êm dịu. Tất cả đều mong manh và mỏng mảnh. Ở đó chỉ có hoa và nhạc là chủ âm.
Lối viết thơ trong truyện của Mai Phương dẫn dụ người đọc cùng tác giả sống và cảm với nhân vật một cách tự nhiên, linh hoạt, không bị cản trở bởi sự làm văn làm dáng. Chất thơ của truyện khiến thực tại mờ đi, quá khứ như nổi lên, và con người được nhuốm vào bầu không khí lung linh vẻ đẹp cổ tích, khi họ là những nhân vật thiện lành, trong sáng, cao cả. Truyện của Mai Phương ở dạng này là hành trình tìm về vẻ đẹp bên trong con người, tìm về giá trị của những ngày hôm qua còn lại qua đổ vỡ, mất mát, chia ly. Nhưng hương thơ của cỏ mã linh văn chương ở Mai Phương không khỏa lấp, che đậy những nhức nhối trên thân thể và tâm trí của những nhân vật phụ nữ trong truyện đối diện với cuộc sống phũ phàng, bầm dập. Nó là thứ tác giả an ủi, khích lệ nhân vật. Truyện của Mai Phương cũng có những trang đằm thắm, mạnh bạo khi tả vẻ đẹp cơ thể phụ nữ và những chung đụng thể xác trong thăng hoa tình yêu. Đọc chị ta cảm nhận rõ một nữ tính đàn bà trong sự xót xa, yêu thương người nữ, và cả người nam.
Nguyễn Thị Mai Phương quê ở Bắc Giang, hiện vẫn sống và viết tại quê nhà. Chị đã có 6 tác phẩm văn xuôi (kể cả tập này), trong đó có một tập tản văn. Giọng văn có chất thơ đó mà viết tản văn quả hợp. Nhà văn Trung Trung Đỉnh trong lời giới thiệu sách này có nhận xét: “Tản văn của Mai Phương nhiều thiên khiến tôi sững sờ vì vẻ đẹp giản dị của câu chữ và cảnh đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà o này có đặc tài vẽ cả khung cảnh bao quát lãng đãng lẫn tâm tư sâu thẳm của hồn người. Giọng kể của người kể chuyện dân gian làm người đọc bị tha hóa nhập vào cõi u mê của o nàng.” (tr. 6). Tập truyện “Cỏ mã linh” khẳng định thêm một giọng văn có nét riêng của một cây bút nữ đang sung sức.
Hà Nội, 4/1/2021
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...